Lilia Nguyễn
(Lilia Nguyễn)
New Member
Tóm tắt nội dung
Rigoletto, vở opera nổi tiếng của Giuseppe Verdi, được viết dựa trên cốt truyện vở kịch „Đức vua tiêu khiển” (Le Roi s’amuse) của Victor Hugo. Rigoletto là tên lão hề của vị công tước chơi bời trăng hoa xứ Mantua. Rigoletto bị căm ghét vì thường đem số phận và phẩm giá của người khác ra làm trò cười bằng miệng lưỡi rắn độc của mình. Trong một buổi dạ hội ở cung điện của công tước, hắn bị bá tước Monterone nguyền rủa bằng những lời rất độc địa.
Rigoletto có một người con gái xinh đẹp tuyệt trần là Gilda mà hắn vô cùng yêu quý. Hắn bảo vệ con gái như giữ con ngươi trong mắt mình. Không may, Gilda lại đem lòng yêu công tuớc Mantua và nhầm tưởng hắn là một học trò nghèo tên Gualter Malde mà nàng vẫn gặp trong những buổi đi lễ nhà thờ. Gilda bị đám cận thần của công tước phát hiện ra khi chúng đang âm mưu bắt cóc vợ bá tước Ceprano về cho công tước tiêu khiển. Thay vì bắt cóc vợ bá tước Ceprano, chúng đã bắt cóc Gilda. Để rửa nhục cho con gái, Rigoletto thuê tên giết người chuyên nghiệp Sparafucile giết công tước Mantua. Em gái của Sparafucile, Maddalena, là một vũ nữ. Khi Sparafucile muốn giết ai, Maddalena quyến rũ người đó, chuốc rượu rồi Sparafucile ra tay.
Rigoletto đưa Gilda đến quán rượu để nàng nhìn tận mắt công tước Mantua tán tỉnh Maddalena như thế nào. Mặc dù vậy, khi biết cha mình thuê Sparafucile giết công tước, và khi thấy Sparafucile đồng ý với Maddalena rằng nếu có người gõ cửa quán trước lúc nửa đêm, hắn sẽ giết người đó thế mạng cho công tước, Gilda đã giả làm người khách bộ hành tình cờ xin trú chân. Nàng chết thay cho công tước vì trong lòng vẫn còn yêu hắn. Vở opera kết thúc trong nỗi đau tột cùng của Rigoletto khi phát hiện ra cái xác không phải là công tước Mantua mà chính là con gái mình.
Rigoletto là bi kịch của một lão hề luôn phải khiến cho chủ mình vui cười, một con người chỉ được phép hài hước, vui vẻ, bị tước mất quyền biểu lộ những cảm xúc thực sự, để rồi trở thành vô cảm và lại trút những bi kịch lên số phận người khác. Bi kịch của Rigoletto lên đến đỉnh điểm khi hắn mất đi tất cả, mất đứa con gái mà hắn nâng niu và yêu thương, người duy nhất gợi lên trong hắn những tình cảm dịu dàng, như một tia sáng mong manh duy nhất trong cuộc đời tăm tối của hắn. Rigoletto cũng là bi kịch của những người phụ nữ khi họ bị đàn ông đem ra đùa giỡn, cho dù đó là Gilda với tình yêu ngây thơ trong trắng, đầy dâng hiến và không chút vụ lợi. Gilda đáng yêu nhất, dịu hiền nhất lại bị số phận giáng những đòn thảm khốc nhất. Và Rigoletto còn là bi kịch của vòng quay “tội ác và trừng phạt”, cái bánh xe nghiệt ngã trong tăm tối đã nghiền nát loài người từ thời cổ xưa, với những tiếng thở dài buồn thảm của thuyết định mệnh.
Từ Paris đến Mantua
Tuy dựa trên cốt truyện vở kịch của Victor Hugo, nhưng bối cảnh và các nhân vật đã phải thay đổi nhiều. Nhân vật chính của “Đức vua tiêu khiển” là Triboulet, một nhân vật lịch sử có thật, là anh hề nổi tiêng của vua Louis XII và Francis I. Vở kịch với những hơi hướng chống đối chính quyền ra mắt quần chúng ngày 23.11 năm 1832. Ngay hôm sau, vở kịch bị tạm treo không cho công diễn, và bị cấm hẳn vào ngày tiếp theo, 24.11.1832. Mãi 50 năm sau, đúng ngày 22.11.1882, “Đức vua tiêu khiển” mới được công diễn lần thứ hai, nghĩa là 31 năm sau buổi ra mắt Rigoletta của Verdi.
Trong Rigoletta, địa điểm, thời gian và tên nhân vật đều được thay đổi. Không còn là hoàng cung nước Pháp thế kỷ XV-XVI với Triboulet, mà là cung điện của công tước xứ Mantua (miền Bắc nước Ý) vào khoảng đầu thế kỷ XVII và lão hề Rigoletto (cái tên Rigoletto, không biết vô tình hay cố ý, lại có gốc là rigolo, tiếng Pháp có nghĩa là người buồn cười, người kỳ cục). Trước khi được quyết định trở thành công tước xứ Mantua, ban đầu, nhân vật của Verdi là công tước Vendôme. Vở opera lúc đầu mang nhan đề “Lời nguyền" nhưng cuối cùng đổi thành Rigoletto. Tất cả những thay đổi này đều bởi vì vở opera của Verdi cũng gặp phải khó khăn từ phía người kiểm duyệt: nhan đề không được “nhạy cảm” như thế, vở opera nhất định không được nhắc đến Francis I hay bất cứ vị vua nào, không được có những tư tưởng chống đối chính quyền. Điều này cũng ảnh hưởng phần nào đến nội dung tác phẩm, các mạch bi kịch bị mất cân bằng khi công tước Mantua - người đã gây ra bao nghiệp chướng - lại nhởn nhơ chơi bời, từ đầu đến cuối không hề gặp một hình phạt nào. Bản thân Verdi cũng từng viết rằng “đáng lẽ nên có cảnh Gilda trong phòng ngủ của công tước (trong “Đức vua tiêu khiển”, khi Blanche vùng ra khỏi tay Francis I để chạy trốn, nàng đã chạy vào...phòng ngủ của vua). Trong cảnh này sẽ có một duet, và là một duet tuyệt vời!” Nhưng các thầy tu sẽ không đồng ý.
Bước ngoặt
Rigoletto là vở opera đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp của Verdi cũng như trong lịch sử opera. Trong Rigoletto, cái đẹp của âm nhạc chiếm vị trí trung tâm với các giai điệu và việc đặt chúng “đắc cách” vào các tình huống bi kịch. Vẫn còn phong cách bel canto, nhưng không phải là thứ bel canto vô cảm chỉ cốt để phô diễn giọng hát. Mạch sáng tác này tiếp tục được phát triển trong các tác phẩm tiếp theo của Verdi. Rigoletto và các vở ngay sau đó là Trubadur, Traviata (Trà hoa nữ), đã mở ra một loạt các vở opera với những tuyệt tác như Vũ hội hóa trang, Don Carlos, Aida, Otello và Falstaff. Rossini, sau buổi công diễn đầu tiên của Rigoletto ở Paris đã nói “Cuối cùng tôi đã tìm thấy thiên tài của Verdi trong âm nhạc của vở Rigoletto”.
Mặt khác, công chúng của Verdi trước đây chỉ quen với các vở mà nhân vật chính thể hiện tình yêu lý tưởng với đất nước và chiến đấu để giải phóng nó, quen với những màn kết hùng tráng và các dàn đồng ca. Nhưng trong Rigoletto, trung tâm của vở kịch là bi kịch của từng con người, từng cá nhân, “tất cả nảy sinh từ con người, có tác động trong con người và chỉ tìm được các giải đáp cho mình ở con người”, như triết gia người Ý Bontempelli đã nói. Những con người sống động, đầy các tình huống thường ngày, những tình cảm muôn thủa của con người như tình yêu, ghen tuông, thù hận khiến cho opera của Verdi rất gần với bi kịch Shakespeare. Theo Henryk Swolkień, kể từ Rigoletto, các nhân vật của Verdi ngày càng trở nên nhạy cảm hơn. Như Violetta trong Traviata (Trà hoa nữ), Renato trong Vũ hội hóa trang, thậm chí là Amneris trong Aida.
Thành công vang dội
Rigoletto công diễn lần đầu vào ngày 11 tháng 3 năm 1851 tại Gran Teatro La Fenice (Venice). Thành công tuyệt đối! Khán thính giả cuồng nhiệt với quartet ở hồi cuối “Bella figlia dell’amore”. Aria kết thúc hồi II được yêu cầu hát lại ba lần. Tổng số các lần bis lên tới mười hai! Khán giả ra về và hát vang bài hát của công tước “La donna è mobile”, và từ đó nó trở nên vô cùng nổi tiếng. Verdi đã đoán trước được điều này, nên ông đưa bản nhạc của bài hát này cho giọng ca tenor đảm nhận vai công tước chỉ một ngày trước buổi diễn và bắt anh phải thề không được hát lên thành tiếng, không được cho ai xem. Đây là bài hát rất dễ nhớ, những người nghe nó sẽ thuộc ngay, và Verdi không muốn nó bị hát ngoài phố trước ngày công diễn. Cả dàn nhạc cũng phải thề y như vậy, và bí mật đã được giữ kín. Phản ứng của khán giả sau đêm công diễn cho thấy sự thận trọng của Verdi là không thừa.
Ngay ngày hôm sau, tờ “Gazzetta” của Venice viết: “Đêm qua chúng ta dường như bị những điều mới mẻ vây chặt: cái mới của âm nhạc, cái mới của phong cách, cái mới trong hình thức của từng phần...”
Chỉ trong mùa diễn đầu tiên, Rigoletto đã được công diễn 21 lần. Các nhà hát khắp nước Ý đua nhau trình diễn Rigoletto. Vở opera nhanh chóng có mặt trên sân khấu nước ngoài, sớm nhất là ở Graz, Budapest, Praga, Lubeka, Stuttgat, Brema, Hannover, London. Hai năm sau, vào năm 1853, Rigoletto được trình diễn ở Warzawa, Ba Lan.
Tiếng vang của Rigoletto tất nhiên đã bay đến Paris. Có một điều thú vị là việc trình diễn Rigoletto ở Paris lại bị chính Victor Hugo phản đối. Duy nhất vì lý do tác quyền. Mãi đến tận năm 1857 Nhà Hát Ý mới xin được các giấy phép của tòa án để trình diễn Rigoletto, ở Paris vở opera cũng gặt hái thành công vang dội. Victor Hugo dù không thay đổi quan điểm của mình, vẫn thán phục phần âm nhạc của vở kịch, nhất là quartet nổi tiếng.
Quả thật, trong Rigoletto đầy ắp giai điệu với các ballad (“Questa o quella”) , aria (“Caro nome”, “Parmi veder le lagrime”, “La ra, la ra”, “Cortigiani!”, “Tutte le feste al tempio”, “la donna è mobile”), duet (“Deh, non parlare”, “E il sol dell’amina”, “Si, vendetta!”, "Lassu in cielo") và quartet nổi tiếng “Bella figlia dell’amore”, đòi hỏi kỹ thuật cực kỳ cao. Cũng chính vì thế, điều kiện tiên quyết để vở opera được biểu diễn thành công là các giọng ca. Toàn bộ xương sống của vở opera được dựng trên giọng ca của các nhân vật chính là công tước (tenor), Gilda (sopran) và Rigoletto (barytone). (Ở đây, nhân vật phản diện, công tước Mantua, lại là giọng tenor, điều rất ít gặp trong các vở opera.) Rigoletto không phải là vở opera mà các giọng ca có thể giấu đi hay xóa bớt các khiếm khuyết của mình vào các cảnh dựng hoành tráng đông người với các dàn đồng ca. Trong vở này, các nghệ sỹ phải thực sự hát hay, không chỉ solo, mà cả trong duet, trio hay quartet. Phần dàn dựng có thể lui xuống thứ yếu, nhất là để khắc họa tính bi kịch, sân khấu càng không nên dàn dựng cầu kỳ (trừ màn đầu của hồi I, khi bối cảnh là buổi vũ hội trong cung điện của công tước).
Mặc dù được khán giả đón nhận nồng nhiệt ngay từ đầu và sự nồng nhiệt ấy vẫn chưa bao giờ thuyên giảm, Rigoletto lại bị giới phê bình thời đó hắt hủi. Tưởng như không ai có thể nghi ngờ về sự phong phú trong giai điệu của vở Rigoletto, vậy mà tờ “Gazette Musicale” của Paris lại nhận xét là “il n’y a pas de mélodie!” (không có giai điệu!). Tờ Times của London viết: “Rigoletto là vở opera kém cỏi nhất của Verdi, nghèo nàn nhất và hoàn toàn không có chút sáng tạo. Đi sâu vào phân tích chỉ mất thời gian và phí chỗ”.
Nhưng thời gian đã chứng minh rằng khán giả không lầm. Ngày nay, chúng ta có thể xếp Rigoletto vào trong số mười vở opera nổi tiếng nhất thế giới. Bản thân Verdi, người luôn là vị giám khảo nghiêm khắc nhất đối với các tác phẩm của mình, cũng rất hài lòng với Rigoletto. Ông nói với giọng ca barytone Varesi, người đảm nhận vai Rigoletto trong lần công diễn đầu tiên năm 1851:“Tôi nghĩ rằng mình không bao giờ viết được vở nào hay hơn nữa ...”
(Nguồn: http://liliapl.blogspot.com)
Rigoletto, vở opera nổi tiếng của Giuseppe Verdi, được viết dựa trên cốt truyện vở kịch „Đức vua tiêu khiển” (Le Roi s’amuse) của Victor Hugo. Rigoletto là tên lão hề của vị công tước chơi bời trăng hoa xứ Mantua. Rigoletto bị căm ghét vì thường đem số phận và phẩm giá của người khác ra làm trò cười bằng miệng lưỡi rắn độc của mình. Trong một buổi dạ hội ở cung điện của công tước, hắn bị bá tước Monterone nguyền rủa bằng những lời rất độc địa.
Rigoletto có một người con gái xinh đẹp tuyệt trần là Gilda mà hắn vô cùng yêu quý. Hắn bảo vệ con gái như giữ con ngươi trong mắt mình. Không may, Gilda lại đem lòng yêu công tuớc Mantua và nhầm tưởng hắn là một học trò nghèo tên Gualter Malde mà nàng vẫn gặp trong những buổi đi lễ nhà thờ. Gilda bị đám cận thần của công tước phát hiện ra khi chúng đang âm mưu bắt cóc vợ bá tước Ceprano về cho công tước tiêu khiển. Thay vì bắt cóc vợ bá tước Ceprano, chúng đã bắt cóc Gilda. Để rửa nhục cho con gái, Rigoletto thuê tên giết người chuyên nghiệp Sparafucile giết công tước Mantua. Em gái của Sparafucile, Maddalena, là một vũ nữ. Khi Sparafucile muốn giết ai, Maddalena quyến rũ người đó, chuốc rượu rồi Sparafucile ra tay.
Rigoletto đưa Gilda đến quán rượu để nàng nhìn tận mắt công tước Mantua tán tỉnh Maddalena như thế nào. Mặc dù vậy, khi biết cha mình thuê Sparafucile giết công tước, và khi thấy Sparafucile đồng ý với Maddalena rằng nếu có người gõ cửa quán trước lúc nửa đêm, hắn sẽ giết người đó thế mạng cho công tước, Gilda đã giả làm người khách bộ hành tình cờ xin trú chân. Nàng chết thay cho công tước vì trong lòng vẫn còn yêu hắn. Vở opera kết thúc trong nỗi đau tột cùng của Rigoletto khi phát hiện ra cái xác không phải là công tước Mantua mà chính là con gái mình.
Rigoletto là bi kịch của một lão hề luôn phải khiến cho chủ mình vui cười, một con người chỉ được phép hài hước, vui vẻ, bị tước mất quyền biểu lộ những cảm xúc thực sự, để rồi trở thành vô cảm và lại trút những bi kịch lên số phận người khác. Bi kịch của Rigoletto lên đến đỉnh điểm khi hắn mất đi tất cả, mất đứa con gái mà hắn nâng niu và yêu thương, người duy nhất gợi lên trong hắn những tình cảm dịu dàng, như một tia sáng mong manh duy nhất trong cuộc đời tăm tối của hắn. Rigoletto cũng là bi kịch của những người phụ nữ khi họ bị đàn ông đem ra đùa giỡn, cho dù đó là Gilda với tình yêu ngây thơ trong trắng, đầy dâng hiến và không chút vụ lợi. Gilda đáng yêu nhất, dịu hiền nhất lại bị số phận giáng những đòn thảm khốc nhất. Và Rigoletto còn là bi kịch của vòng quay “tội ác và trừng phạt”, cái bánh xe nghiệt ngã trong tăm tối đã nghiền nát loài người từ thời cổ xưa, với những tiếng thở dài buồn thảm của thuyết định mệnh.
Từ Paris đến Mantua
Tuy dựa trên cốt truyện vở kịch của Victor Hugo, nhưng bối cảnh và các nhân vật đã phải thay đổi nhiều. Nhân vật chính của “Đức vua tiêu khiển” là Triboulet, một nhân vật lịch sử có thật, là anh hề nổi tiêng của vua Louis XII và Francis I. Vở kịch với những hơi hướng chống đối chính quyền ra mắt quần chúng ngày 23.11 năm 1832. Ngay hôm sau, vở kịch bị tạm treo không cho công diễn, và bị cấm hẳn vào ngày tiếp theo, 24.11.1832. Mãi 50 năm sau, đúng ngày 22.11.1882, “Đức vua tiêu khiển” mới được công diễn lần thứ hai, nghĩa là 31 năm sau buổi ra mắt Rigoletta của Verdi.
Trong Rigoletta, địa điểm, thời gian và tên nhân vật đều được thay đổi. Không còn là hoàng cung nước Pháp thế kỷ XV-XVI với Triboulet, mà là cung điện của công tước xứ Mantua (miền Bắc nước Ý) vào khoảng đầu thế kỷ XVII và lão hề Rigoletto (cái tên Rigoletto, không biết vô tình hay cố ý, lại có gốc là rigolo, tiếng Pháp có nghĩa là người buồn cười, người kỳ cục). Trước khi được quyết định trở thành công tước xứ Mantua, ban đầu, nhân vật của Verdi là công tước Vendôme. Vở opera lúc đầu mang nhan đề “Lời nguyền" nhưng cuối cùng đổi thành Rigoletto. Tất cả những thay đổi này đều bởi vì vở opera của Verdi cũng gặp phải khó khăn từ phía người kiểm duyệt: nhan đề không được “nhạy cảm” như thế, vở opera nhất định không được nhắc đến Francis I hay bất cứ vị vua nào, không được có những tư tưởng chống đối chính quyền. Điều này cũng ảnh hưởng phần nào đến nội dung tác phẩm, các mạch bi kịch bị mất cân bằng khi công tước Mantua - người đã gây ra bao nghiệp chướng - lại nhởn nhơ chơi bời, từ đầu đến cuối không hề gặp một hình phạt nào. Bản thân Verdi cũng từng viết rằng “đáng lẽ nên có cảnh Gilda trong phòng ngủ của công tước (trong “Đức vua tiêu khiển”, khi Blanche vùng ra khỏi tay Francis I để chạy trốn, nàng đã chạy vào...phòng ngủ của vua). Trong cảnh này sẽ có một duet, và là một duet tuyệt vời!” Nhưng các thầy tu sẽ không đồng ý.
Bước ngoặt
Rigoletto là vở opera đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp của Verdi cũng như trong lịch sử opera. Trong Rigoletto, cái đẹp của âm nhạc chiếm vị trí trung tâm với các giai điệu và việc đặt chúng “đắc cách” vào các tình huống bi kịch. Vẫn còn phong cách bel canto, nhưng không phải là thứ bel canto vô cảm chỉ cốt để phô diễn giọng hát. Mạch sáng tác này tiếp tục được phát triển trong các tác phẩm tiếp theo của Verdi. Rigoletto và các vở ngay sau đó là Trubadur, Traviata (Trà hoa nữ), đã mở ra một loạt các vở opera với những tuyệt tác như Vũ hội hóa trang, Don Carlos, Aida, Otello và Falstaff. Rossini, sau buổi công diễn đầu tiên của Rigoletto ở Paris đã nói “Cuối cùng tôi đã tìm thấy thiên tài của Verdi trong âm nhạc của vở Rigoletto”.
Mặt khác, công chúng của Verdi trước đây chỉ quen với các vở mà nhân vật chính thể hiện tình yêu lý tưởng với đất nước và chiến đấu để giải phóng nó, quen với những màn kết hùng tráng và các dàn đồng ca. Nhưng trong Rigoletto, trung tâm của vở kịch là bi kịch của từng con người, từng cá nhân, “tất cả nảy sinh từ con người, có tác động trong con người và chỉ tìm được các giải đáp cho mình ở con người”, như triết gia người Ý Bontempelli đã nói. Những con người sống động, đầy các tình huống thường ngày, những tình cảm muôn thủa của con người như tình yêu, ghen tuông, thù hận khiến cho opera của Verdi rất gần với bi kịch Shakespeare. Theo Henryk Swolkień, kể từ Rigoletto, các nhân vật của Verdi ngày càng trở nên nhạy cảm hơn. Như Violetta trong Traviata (Trà hoa nữ), Renato trong Vũ hội hóa trang, thậm chí là Amneris trong Aida.
Thành công vang dội
Rigoletto công diễn lần đầu vào ngày 11 tháng 3 năm 1851 tại Gran Teatro La Fenice (Venice). Thành công tuyệt đối! Khán thính giả cuồng nhiệt với quartet ở hồi cuối “Bella figlia dell’amore”. Aria kết thúc hồi II được yêu cầu hát lại ba lần. Tổng số các lần bis lên tới mười hai! Khán giả ra về và hát vang bài hát của công tước “La donna è mobile”, và từ đó nó trở nên vô cùng nổi tiếng. Verdi đã đoán trước được điều này, nên ông đưa bản nhạc của bài hát này cho giọng ca tenor đảm nhận vai công tước chỉ một ngày trước buổi diễn và bắt anh phải thề không được hát lên thành tiếng, không được cho ai xem. Đây là bài hát rất dễ nhớ, những người nghe nó sẽ thuộc ngay, và Verdi không muốn nó bị hát ngoài phố trước ngày công diễn. Cả dàn nhạc cũng phải thề y như vậy, và bí mật đã được giữ kín. Phản ứng của khán giả sau đêm công diễn cho thấy sự thận trọng của Verdi là không thừa.
Ngay ngày hôm sau, tờ “Gazzetta” của Venice viết: “Đêm qua chúng ta dường như bị những điều mới mẻ vây chặt: cái mới của âm nhạc, cái mới của phong cách, cái mới trong hình thức của từng phần...”
Chỉ trong mùa diễn đầu tiên, Rigoletto đã được công diễn 21 lần. Các nhà hát khắp nước Ý đua nhau trình diễn Rigoletto. Vở opera nhanh chóng có mặt trên sân khấu nước ngoài, sớm nhất là ở Graz, Budapest, Praga, Lubeka, Stuttgat, Brema, Hannover, London. Hai năm sau, vào năm 1853, Rigoletto được trình diễn ở Warzawa, Ba Lan.
Tiếng vang của Rigoletto tất nhiên đã bay đến Paris. Có một điều thú vị là việc trình diễn Rigoletto ở Paris lại bị chính Victor Hugo phản đối. Duy nhất vì lý do tác quyền. Mãi đến tận năm 1857 Nhà Hát Ý mới xin được các giấy phép của tòa án để trình diễn Rigoletto, ở Paris vở opera cũng gặt hái thành công vang dội. Victor Hugo dù không thay đổi quan điểm của mình, vẫn thán phục phần âm nhạc của vở kịch, nhất là quartet nổi tiếng.
Quả thật, trong Rigoletto đầy ắp giai điệu với các ballad (“Questa o quella”) , aria (“Caro nome”, “Parmi veder le lagrime”, “La ra, la ra”, “Cortigiani!”, “Tutte le feste al tempio”, “la donna è mobile”), duet (“Deh, non parlare”, “E il sol dell’amina”, “Si, vendetta!”, "Lassu in cielo") và quartet nổi tiếng “Bella figlia dell’amore”, đòi hỏi kỹ thuật cực kỳ cao. Cũng chính vì thế, điều kiện tiên quyết để vở opera được biểu diễn thành công là các giọng ca. Toàn bộ xương sống của vở opera được dựng trên giọng ca của các nhân vật chính là công tước (tenor), Gilda (sopran) và Rigoletto (barytone). (Ở đây, nhân vật phản diện, công tước Mantua, lại là giọng tenor, điều rất ít gặp trong các vở opera.) Rigoletto không phải là vở opera mà các giọng ca có thể giấu đi hay xóa bớt các khiếm khuyết của mình vào các cảnh dựng hoành tráng đông người với các dàn đồng ca. Trong vở này, các nghệ sỹ phải thực sự hát hay, không chỉ solo, mà cả trong duet, trio hay quartet. Phần dàn dựng có thể lui xuống thứ yếu, nhất là để khắc họa tính bi kịch, sân khấu càng không nên dàn dựng cầu kỳ (trừ màn đầu của hồi I, khi bối cảnh là buổi vũ hội trong cung điện của công tước).
Mặc dù được khán giả đón nhận nồng nhiệt ngay từ đầu và sự nồng nhiệt ấy vẫn chưa bao giờ thuyên giảm, Rigoletto lại bị giới phê bình thời đó hắt hủi. Tưởng như không ai có thể nghi ngờ về sự phong phú trong giai điệu của vở Rigoletto, vậy mà tờ “Gazette Musicale” của Paris lại nhận xét là “il n’y a pas de mélodie!” (không có giai điệu!). Tờ Times của London viết: “Rigoletto là vở opera kém cỏi nhất của Verdi, nghèo nàn nhất và hoàn toàn không có chút sáng tạo. Đi sâu vào phân tích chỉ mất thời gian và phí chỗ”.
Nhưng thời gian đã chứng minh rằng khán giả không lầm. Ngày nay, chúng ta có thể xếp Rigoletto vào trong số mười vở opera nổi tiếng nhất thế giới. Bản thân Verdi, người luôn là vị giám khảo nghiêm khắc nhất đối với các tác phẩm của mình, cũng rất hài lòng với Rigoletto. Ông nói với giọng ca barytone Varesi, người đảm nhận vai Rigoletto trong lần công diễn đầu tiên năm 1851:“Tôi nghĩ rằng mình không bao giờ viết được vở nào hay hơn nữa ...”
(Nguồn: http://liliapl.blogspot.com)