Những lợi ích của nụ cười

Đỗ Việt
(doviet)

Thành viên danh dự
Em sưu tầm bài này từ VnExpress về cho mọi người đọc :)

10 lợi ích của nụ cười

Con người sinh ra đã biết cười. Trẻ em cười trung bình khoảng 400 lần mỗi ngày và đó là phản xạ vô điều kiện thể hiện niềm vui sướng. Khi trưởng thành, chúng ta ít cười hơn (trung bình 14 lần mỗi ngày), và đã vô tình đánh mất vô số lợi ích do nụ cười mang lại.

Các chuyên gia tâm lý và tâm thần đã khám phá ra mối liên hệ giữa hài hước (yếu tố gây cười) và sức khỏe thể chất. Cười mang lại nhiều lợi ích tích cực với sức khỏe. Nhiều nghiên cứu khoa học phát hiện thấy cuộc sống sẽ tốt hơn khi con người cười. Đây là một số tác dụng với sức khỏe:

- Tăng tiết các hoóc môn tích cực như endophins (hoóc môn giảm đau tự nhiên) và serotonin (hoóc môn điều hòa tâm trạng).

- Thúc đẩy sức đề kháng vì cười làm giảm các hoóc môn tiêu cực và tăng hoóc môn tích cực. Nụ cười còn làm tăng số lượng và mức độ hoạt động của các kháng thể chống viêm nhiễm.

- Có tác dụng tích cực với huyết áp.

- Giúp thư giãn và giảm căng thẳng.

- Tăng tần số hô hấp và cải thiện chức năng phổi.

- 20 giây cười thoải mái tương đương với tác dụng của 5 phút chèo thuyền.

- Cười giúp thể dục cho khoảng 15-20 cơ mặt.

- Kích thích nhiều vùng não.

- Những người hay cười sẽ phục hồi sau bệnh và phẫu thuật nhanh hơn. Một số nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân có tính cách vui vẻ sẽ phải sử dụng thuốc gây mê ít hơn bệnh nhân khác.

- Giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành.


(Theo Phụ Nữ Việt Nam)
 
Nụ cười Di Lặc xua tan stress

Não con người có khả năng tự nhiên là đạt đến trạng thái thanh thản, siêu thoát mà biểu tượng đẹp nhất là nụ cười trên gương mặt đức Phật Di Lặc. Đó là nụ cười xua hết phiền muộn và đem đến sự an lành.

Nằm sâu nhất và ở trung tâm của não là vùng cảm xúc. Đó là cấu trúc đầu tiên của não trong quá trình tiến hóa, hình thành sớm nhất (nên còn gọi là não cũ) và có ở mọi loài động vật có vú. Paul Broca, nhà thần kinh học lớn người Pháp thế kỷ 19 đã mô tả nó lần đầu tiên và gọi tên là vùng não limbic. Qua hàng triệu năm tiến hóa, vùng não limbic đã hình thành một lớp vỏ bao quanh nên gọi là vùng não mới, được xem là phần phát triển nhất của não, là trung tâm của ngôn ngữ và tư duy.

Về mặt cấu trúc, vùng não cảm xúc đơn giản hơn nhiều so với phần vỏ não mới nhưng lại có những phản ứng thiết yếu nhạy bén và thích ứng hơn để giúp con người tồn tại. Ví dụ, đi trong rừng âm u, chỉ một cành cây trông giống như con rắn đã làm cho vùng não cảm xúc tạo ra một phản ứng đề phòng trước khi vỏ não kịp phân tích để biết không phải là rắn.

Trong thực tế, vùng não cảm xúc thường hoạt động độc lập với vỏ não mới. Ngôn ngữ và ý thức chỉ có một ảnh hưởng hạn chế đến nó. Vùng não này giống như một trung tâm chỉ huy, thường xuyên nhận thông tin từ khắp mọi nơi trên cơ thể và đưa ra những đáp ứng thích hợp để tạo nên sự cân bằng về tâm lý. Phần lớn hoạt động sinh lý của cơ thể như hô hấp, nhịp tim, huyết áp, cảm giác thèm ăn, buồn ngủ, ham muốn tình dục, bài tiết hoóc môn, hệ tiêu hóa và cả hệ miễn dịch đều chịu sự chi phối của vùng não limbic. Nhà bác học Pháp Claude Bernard, người khai sinh môn sinh lý học hiện đại thế kỷ 19, đã gọi vai trò giữ cân bằng sự sống của vùng não cảm xúc bằng thuật ngữ “sự cân bằng thể dịch”. Theo quan điểm này, mọi cảm xúc của chúng ta chỉ là hệ quả của những phản ứng sinh lý thường xuyên diễn ra trong cơ thể theo mệnh lệnh của môi trường bên trong và bên ngoài. Vì thế, não cảm xúc có mối liên hệ gắn bó với cơ thể chặt chẽ hơn là với vùng não nhận thức.

Cười chân thành và sảng khoái là một cách để khỏe mạnh và sống lâu. Thông tin từ thế giới bên ngoài đến với vùng não cảm xúc và vùng não nhận thức gần như đồng thời. Hai vùng não này hoặc là hợp tác hoặc tranh chấp nhau để kiểm soát ý nghĩ, cảm xúc và hành vi ứng xử. Kết quả của tác động qua lại đó (hợp tác hay tranh chấp)quyết định cảm xúc, mối quan hệ với thế giới và mối quan hệ với mọi người. Sự tranh chấp ở nhiều hình thái và mức độ gây ra cảm giác bất ổn. Ngược lại, khi hai vùng não hợp tác và bổ sung cho nhau thì gây ra nhiều cảm giác tích cực: não cảm xúc tạo ra sự ham sống, yêu đời, tin tưởng; não nhận thức thúc đẩy đi sâu hơn nữa vào thế giới của hiểu biết.

Trạng thái thoải mái ấy là sự hài hòa hoàn toàn giữa não cảm xúc và não nhận thức. Nụ cười là dấu hiệu sinh lý rất đơn giản thể hiện sự hài hòa của hai vùng não, đã được Darwin nghiên cứu sâu về bản chất sinh học từ hơn một thế kỷ trước. Người ta đã nói đến rất nhiều kiểu cười không tự nhiên: cười nhạt, cười ruồi, cười nịnh, cười gằn... Một nụ cười gượng gạo sẽ chỉ vận dụng đến các cơ má ở mặt để làm chuyển động cặp môi và lộ hàm răng. Trái lại, nụ cười “chân chính” sẽ huy động không chỉ các cơ má mà cả những cơ quanh mắt. Những cơ này không thể co theo ý muốn, nghĩa là không do vỏ não hay vùng não nhận thức; nó chỉ theo sự chỉ huy của vùng não limbic. Chính vì thế, sự co lại của các cơ quanh mắt là một dấu hiệu chân thực của sự vui vẻ, thanh thản mà không phải kiểu cười nào cũng có. Một nụ cười rạng rỡ, thật sự vui vẻ từ trong lòng sẽ làm người ta cảm nhận được bằng trực giác sự hài hòa giữa ý nghĩ và tâm trạng, giữa nhận thức và cảm xúc, như nụ cười của đức Phật Di Lặc.

Tìm sự hòa hợp giữa vùng não cảm xúc và nhận thức là một cách giải tỏa stress. Ngày nay, thay đổi cách chữa trị không chỉ là thay đổi thuốc men, cách luyện tập và chế độ dinh dưỡng mà còn phải thay đổi cả hoàn cảnh tạo ra stress và làm cho con người biết kiểm soát tinh thần, luôn bình tĩnh, thanh thản. Y học phương Tây cũng đã bắt đầu thừa nhận rằng có một trạng thái tinh thần khỏe mạnh và biết thư giãn là những yếu tố quan trọng để giữ được sức khỏe lâu dài.

Có nhiều bằng chứng cho thấy, trạng thái stress trước tiên làm suy yếu cơ thể rồi mở đường cho các bệnh nghiêm trọng phát triển. Người ta đã phỏng vấn người bệnh ở bệnh viện, hầu hết đã trải qua hoàn cảnh gây stress trong những năm trước, ví dụ như người thân bị chết hoặc có vấn đề trong quan hệ với đồng nghiệp. Phải chịu đựng tình trạng stress kéo dài có lẽ là hoàn cảnh gây nhiều nguy hại nhất. Hệ thống phòng vệ của cơ chế bị yếu đi khi con người sống trong trạng thái stress.

Các nhà khoa học Mỹ đã nhận thấy, những cặp vợ chồng luôn hục hặc, bất đồng với nhau sẽ có hệ thống miễn dịch suy yếu. Ở Anh, trung bình một người bị nhiễm virus 5-6 lần mỗi năm và thường xảy ra ở những người bị stress hay trầm cảm. Một đơn vị nghiên cứu về cảm cúm ở Mỹ cũng nhận xét, stress thực sự làm tăng xác suất nhiễm virus; những ai có cường độ stress cao dễ bị cảm cúm hơn người bình thường, và cũng lâu khỏi hơn.

Đã có bằng chứng về mối liên quan giữa não và hệ thống miễn dịch, điều này đã giải thích vì sao trạng thái tinh thần có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch. Ở những người đang gặp chuyện buồn phiền, đau khổ, hồng cầu vận chuyển ít ôxy hơn và tốc độ phát triển của bạch cầu cũng chậm hơn.

Cảm xúc cần được nuôi dưỡng và phát triển ở mọi lứa tuổi. Không bao giờ nên coi là quá muộn để học cách kiểm soát cảm xúc (bằng thư giãn, thiền, yoga) và cách quan hệ với mọi người xung quanh. Đó là cách tốt nhất để chống stress và phát triển sức sống tiềm ẩn trong mỗi con người.


(BS Đào Xuân Dũng, Sức Khỏe & Đời Sống)
 
Vì sao bạn nên cười ?

Nếu không tìm cách chiến thắng nỗi buồn, cứ để nó gặm nhấm rồi buông xuôi tất cả, bạn sẽ gánh chịu thiệt hại về mặt tinh thần. Vậy sao bạn không nở nụ cười ?

1. Các nhà nghiên cứu thần kinh học khẳng định: "Nụ cười khiến vòng tuần hoàn máu, nhịp thở và quá trình trao đổi oxy diễn ra mạnh hơn".

2. Khi bạn cất tiếng cười, cơ thể sẽ tiết ra chất endorphine. Đây là loại thần dược giảm đau tự nhiên và ảnh hưởng rất lớn tới trạng thái tinh thần.

3. Nụ cười còn làm giảm quá trình tiết ra những hormone gây stress trong cơ thể. Đồng thời, điều hoà trạng thái tình cảm, giúp bạn trấn tĩnh trước lo âu, hoảng loạn. Lúc này, mọi lo toan đều trở nên vụn vặt.

4. Cười trong 1 phút tương đương với 10 phút tập thể dục với máy. Còn nếu bạn cười trong 10 phút, cơ thể sẽ giảm 10-20 mm áp lực máu.

5. Khi bạn cười, các cơ trên mặt đều được căng giãn, thúc đẩy mạch máu hoạt động, khiến khuôn mặt trở nên hồng hào, rạng rỡ, đáng yêu. Đây cũng là bài tập thể dục đơn giản dành cho khuôn mặt.

6. Bắt đầu một ngày mới với tiếng cười có nghĩa là bạn đã khơi mở cho bao niềm vui khác. Mỗi khi mỉm cười tức là bạn đang nhắc nhở mình sống với niềm vui, vì thế cần trân trọng gìn giữ niềm vui ấy.

7. Nhoẻn miệng cười, kèm theo ánh mắt tươi vui chào mời, đấy chính là lúc bạn biểu lộ sự thân thiện, muốn được làm quen với một ai đó.

8. Cười nhẹ, khoé môi hơi nhếch lên, ánh mắt lơ đễnh, không tập trung vào bất kỳ điểm nào là nụ cười thể hiện chủ nhân không hài lòng, nhưng lại chẳng muốn nói ra để khỏi mất lòng đối phương.

9. Miệng cười, đầu lại giả vờ quay đi chỗ khác, mắt thoáng liếc nhanh đối tượng theo kiểu con mắt có đuôi, sẽ để lại trong lòng người khác ấn tượng khó phai.

10. Khi phạm phải một lỗi lầm tệ hại, bạn hãy nở nụ cười với đôi môi mím lại, hai khoé môi hơi cong lên để bày tỏ thiện chí sửa chữa lỗi lầm và ngay sau đó làm một hành động cụ thể.

11. Kiểu cười môi dưới hơi trễ ra, khi cười kèm theo tiếng "hừ" nhẹ, chứng tỏ người cười đang ấm ức, tức tối điều gì đó. Nếu người ta dành nụ cười ấy cho bạn, hãy xem lại bản thân.

12. Cuối cùng, một nụ cười tự nhiên phải thật sự xuất phát từ nội tâm và ánh mắt. Đừng bao giờ ức chế nụ cười, kẻo chúng lại gây hại cho vẻ mặt và cả sức khoẻ của bạn nữa đấy.


(Tiếp thị & Gia đình)
 
Chỉ là bài anh sưu tầm thôi mà, để mọi người đọc thôi, rồi có comment gì thì đá gà đá vịt, cho sang TLNT làm gì cho căng thẳng :p
 
Phải rồi, cứ toe toét thì mình khỏe lắm, mỗi tội người khác thì yếu đi vì chán đời... :))
 
Ơ hay, mình cười thì người khác cũng vui chứ, chỉ trừ phi cố tình cười vào lúc người ta buồn thôi! ;)
 
Back
Bên trên