Những kẻ đứng ngoài cuộc chiến thi cử

Lưu Đức Hiệp
(luuduchiep)

New Member
Những kẻ đứng ngoài cuộc chiến thi cử

Không cuống quýt trên đường với ba ca Toán, Lý, Hoá ở các loại lò. Không dán mắt vào mạng xem tỷ lệ chọi của các trường. Họ cũng lớp 12, cũng vừa kịp xem điểm thi tú tài, nhưng họ thờ ơ với cuộc chiến đấu cam go của các sĩ tử mùa này. Vì đơn giản họ đã có chỗ đặt sẵn, kết quả của những chiến lược học hành được lên khuôn từ trước mùa tuyển sinh... 3 năm.

Họ là ai?
Dân trường Ams mùa thi chọn HS giỏi quốc gia nào cũng ẵm khoảng 60 đến 70% giải của Hà Nội. Khét tiếng vì khả năng đào tạo gà nòi, đây là trường có số lượng đông nhất những kẻ khoanh tay đứng nhìn cái nắng tháng bảy gắt gao đổ xuống những gương mặt sĩ tử lo toan. Thầy Hùng cho biết: ''Mỗi năm trường chúng tôi có khoảng 70 giải''.

Ngoài Ams thì các khối THPT Chuyên của ĐH KHTN, ĐH Quốc gia HN và ĐH Sư phạm cùng các trường chuyên cả nước có một số lượng lớn những nhân vật đạt giải HS giỏi quốc gia. Họ được phép chọn trường trong khối thi của mình. Có những chú gà nòi bẩm sinh, chân ướt chân ráo bước vào cổng trường THPT đã tính chuyện đạt giải quốc gia nên từ năm lớp 11 đã dự trữ sẵn suất vào thẳng ĐH. Trong khi thiên hạ gồng mình lên ở chặng nước rút thi cử thì họ ngồi nghiền game nối mạng, xem bóng đá qua chảo hay lên một kế hoạch dài hơi cho những chuyến chơi xa.

Chỉ riêng ngành Kinh tế, CNTT, Công nghệ sinh học năm 2003 đã có 40 suất du học bằng ngân sách Nhà nước. Lứa HS tốt nghiệp năm nay của trường Ams lại ríu rít tiễn đưa một đội quân du học hùng hậu lên đường. Chỉ riêng lớp 12 A1 đã có 1/3 dân số trong vương quốc những kẻ ''sính hàng ngoại'' này sẽ cất cánh từ sân bay Nội bài trong vòng tháng 8 tới. Các lớp chuyên Anh đã quá quen với việc thiên hạ vù vù kéo nhau đi du học. Chỉ sau một năm dân số các lớp A1, A2.... chỉ còn lại lèo tèo các nhân vật trụ lại các trường ĐH ở HN. Lớp chuyên Toán tốt nghiệp năm 2001 đến thời điểm hiện tại con số những người ở lại chưa đến 10 khi sĩ số của lớp là 40. Từ năm lớp 10 họ đã cài đặt sẵn trong đầu những thao tác săn lùng học bổng du học. Các trường ĐH ở nước ngoài lại có thói quen liên tục đến Ams mà gõ cửa. Chỉ riêng với kênh của nhà trường mỗi năm họ đã có hàng loạt cơ hội thi thố. Không chỉ thế, các trung tâm du học đến gõ cửa tận nhà, hàng nghìn trang web xôn xao về chuyện du học, thông tin từ các đại sứ quán, các loại phone gọi về từ bà con Việt kiều...3,4 năm trở lại đây dân Ams xuất ngoại hàng loạt. Phụ huynh của các trường Trần Phú, Việt Đức cũng lác đác mở ví.

''Choáng'' nhất là Phạm Hồng Nhung lớp 12A1, ẵm một chú học bổng béo tròn mang nhãn hiệu Harvard. Vũ Đàm Linh vừa kiếm được một suất hậu hĩnh trị giá 34.000 USD. Dân tình còn xôn xao về chuyện cô nàng Dương Hồng Kim Ngân sau khi giành được học bổng du học papa còn trọng thưởng một chiếc Attila để vi vu nốt những con đường HN trước giờ bay. Và còn cơ man các nhân vật đi du học với những suất học bổng free 50%, hay 75%, hay các thiếu gia chơi trò tự túc.

Tự lập trình cho tương lai
Lê Xuân Linh vốn là thành viên 12A1, dân Ams chính hiệu. Cậu ta vừa trở về từ Mỹ sau cua học một năm cuối cấp ở đất nước mà bang nào cũng có SV VN này. Cậu ta săn học bổng này từ lớp 10 và đến cuối lớp 11 thì bay. Trong thời gian học ở Mỹ cậu kiếm một suất college được free toàn bộ. Tháng 8, Xuân Linh sẽ quay lại Mỹ học tiếp. Chương trình cứ thế mà chạy ổn định như sự sắp xếp của chính cậu ta và gia đình. Chưa từng có trong đầu cậu ta khái niệm về việc mình sẽ trở thành SV Ngoại thương hay Ngoại ngữ HN. Linh bảo: ''Đôi khi mình có cảm giác như bị bỏ rơi khỏi thời cuộc, tự đẩy mình ra khỏi không khí đang rất ''ban căng'' của mùa tuyển sinh. Nhưng khi thiên hạ ung dung gặm nhấm lớp 10, lớp 11 dè dặt thì bọn Linh lại phải lao đầu vào các cuộc thi mà sự cam go và ''nhiệt độ'' còn nóng hơn kỳ tuyển sinh gấp nhiều lần. Không phải bọn Linh không tuân thủ hành trình tốt nghiệp 12 rồi thi ĐH mà chỉ tại bọn mình thích lập ra một lịch trình cho riêng mình''.

Thời gian lớp 10 lớp 11 bọn tớ gọi là ''giai đoạn máu lửa''. Những đứa trong đội tuyển thì cắm cúi học để vào thẳng. Những đứa còn lại thì trở thành thợ săn học bổng. Bạn phải hình dung nó là một phong trào rầm rộ, là chủ đề chính cho các cuộc tán gẫu ở trên lớp. ''NUS lại có kết quả rồi đấy. Bọn nó đi Sing như đi chợ ấy.'' ''Khách sạn Nikko cuối tuần có hội thảo'' ''Đi úc là chuyện của 2 năm trước thôi, giờ lạc mốt rồi'' ''Thịnh hành nhất bây giờ là đi Anh. Bọn sang Anh chủ yếu là dân tự túc'' ''Nhầm to, Broxtowe, Nottingham, Hammersmilth & West London College, London Institute nhan nhản các nhân tài VN vừa thi xong tú tài'' . Họ nói đến du học nhiều đến mức thầy cô cũng phát ngán.

Linh kể: ''Có đêm chuẩn bị đi ngủ, bạn gọi điện ngày mai có trường tổ chức phỏng vấn. Thế là sáng hôm sau phải xin nghỉ tiết một để đi thi. Chạy như bay về học tiết 2 rồi lại lao đi thi vòng tiếp. Mấy đứa cùng đi thi phải ôm theo cả máy di động để liên lạc í ới, khảo sát tình hình. Cũng hồi hộp và cam go lắm chứ''.
Giờ thì Linh nằm ở nhà gác chân thư giãn, thỉnh thoảng check thông tin về vé máy bay, transit kiểu gì thì rẻ. Kiểm tra lại hồ sơ. Đợi cậu bạn thân thi ĐH xong rồi làm một chuyến xuyên Việt trước khi đi, trong đó có qua Huế để thăm cô em kết nghĩa trên room.

Phạm Thu Hà

Nguồn : Sinh Viên Việt Nam
 
Back
Bên trên