Những câu chuyện về gia đình!!!(Tháng 1)

Nguyễn Phan Trung Kiên
(dracular)

Moderator
Gia tài!!!




Có một người đàn ông yêu thích mỹ thuật. Ông ta say mê đến mức gần như sống vì niềm say mê của mình. Sưu tập tranh là mục tiêu cả đời của ông. Ông làm việc rất chăm chỉ để dành tiền tiết kiệm nhằm mua thêm các tác phẩm hội họa cho bộ sưu tập của mình. Ông mua rất nhiều tác phẩm của các họa sỹ nổi tiếng.

Người đàn ông này đã góa vợ. Ông chỉ có một người con trai. Ông đã truyền lại cho con mình niềm say mê sưu tầm đó. Ông rất tự hào về con trai của mình khi anh ta cũng trở thành một nhà sưu tầm nổi tiếng như ông.

Một thời gian sau, đất nước bỗng có chiến tranh. Người con trai, cũng như mọi thanh niên khác, lên đường tòng quân. Và sau một thời gian thì câu chuyện xảy ra...

Một hôm, người cha nhận được một lá thư thông báo rằng người con đã mất tích khi đang làm nhiệm vụ. Người cha đau khổ đến tột cùng. Thật là khủng khiếp khi người cha không thể biết được điều gì đang xảy ra với con mình.

Vài tuần sau ông nhận được một lá thư nữa. Lá thư này báo với ông rằng con ông đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Ông gần như chết đi một nửa người. Thật khó khăn khi đọc tiếp lá thư đó, nhưng ông vẫn cố. Trong thư, người ta báo rằng con ông đã rút lui đến nơi an toàn. Nhưng thấy trên bãi chiến trường vẫn còn những đồng đội bị thương, con ông đã quay lại và đưa về từng thương binh một. Cho đến khi đưa người cuối cùng về gần đến khu vực an toàn thì con ông đã trúng đạn và hy sinh.

Một tháng sau, đến ngày Noel, ông không muốn ra khỏi nhà. Ông không thể hình dung được một Noel mà thiếu con trai mình bên cạnh. Ông đang ở trong nhà thì có tiếng chuông gọi cửa. Đứng trước cửa nhà là một chàng trai tay cầm một bọc lớn.

Chàng trai nói "Thưa bác, bác không biết cháu, nhưng cháu là người mà con bác đã cứu trước khi hy sinh. Cháu không giàu có, nên cháu không biết đem đến cái gì để đền đáp cho điều mà con bác đã làm cho cháu. Cháu được anh ấy kể lại rằng bác thích sưu tầm tranh, bởi vậy dù cháu không phải là một họa sỹ, cháu cũng vẽ một bức chân dung con trai bác để tặng cho bác. Cháu mong bác nhận cho cháu."

Người cha đem bức tranh vào nhà, mở ra. Tháo bức tranh giá trị nhất vẫn treo trên lò sưởi xuống, ông thay vào đó là bức chân dung người con. Nước mắt lưng tròng, ông nói với chàng trai "Đây là bức tranh giá trị nhất mà ta có được. Nó có giá trị hơn tất cả các tranh mà ta có trong căn nhà này."

Chàng trai ở lại với người cha qua Noel đó rồi hai người chia tay. Sau vài năm, người cha bị bệnh nặng. Tin tức về việc ông qua đời lan truyền đi rất xa. Mọi người đều muốn tham gia vào cuộc bán đấu giá những tác phẩm nghệ thuật mà người cha đã sưu tầm được qua thời gian. Cuối cùng thì buổi bán đấu giá cũng được công bố vào ngày Noel năm đó. Các nhà sưu tầm và những nhà đại diện cho các viện bảo tàng đều háo hức muốn mua các tác phẩm nổi tiếng. Toà nhà bán đấu giá đầy người. Người điều khiển đứng lên và nói "Tôi xin cám ơn mọi người đã đến đông đủ như vậy. Bức tranh đầu tiên sẽ là bức chân dung này..."

Có người la lên "Đó chỉ là chân dung đứa con trai ông cụ thôi! Sao chúng ta không bỏ qua nó, và bắt đầu bằng những bức có giá trị thật sự?"

Người điều khiển nói "Chúng ta sẽ bắt đầu bằng bức này trước!"

Người điều khiển bắt đầu "Ai sẽ mua với giá $100?" Không ai trả lời nên ông ta lại tiếp "Ai sẽ mua với giá $50?"

Cũng không có ai trả lời nên ông ta lại hỏi "Có ai mua với giá $40?"

Cũng không ai muốn mua. Người điều khiển lại hỏi "Không ai muốn trả giá cho bức tranh này sao?" Một người đàn ông già đứng lên "Anh có thể bán với giá $10 được không? Anh thấy đấy, $10 là tất cả những gì tôi có. Tôi là hàng xóm của ông cụ và tôi biết thằng bé đó. Tôi đã thấy thằng bé lớn lên và tôi thật sự yêu quý nó. Tôi rất muốn có bức tranh đó. Vậy anh có đồng ý không?"

Người điều khiển nói "$10 lần thứ nhất, lần thứ nhì, bán!"

Tiếng ồn ào vui mừng nổi lên và mọi người nói với nhau "Chúng ta có thể bắt đầu thật sự được rồi!" Người điều khiển nói "Xin cảm ơn mọi người đã đến. Thật là vinh hạnh khi có mặt những vị khách quý ở đây. Bữa nay chúng ta sẽ dừng tại đây!"

Đám đông nổi giận "Anh nói là hết đấu giá? Anh vẫn chưa đấu giá toàn bộ các tác phẩm nổi tiếng kia mà?"

Người điều khiển nói "Tôi xin lỗi nhưng buổi bán đấu giá đã chấm dứt. Mọi người hãy xem chúc thư của ông cụ đây, NGƯỜI NÀO LẤY BỨC CHÂN DUNG CON TÔI SẼ ĐƯỢC TẤT CẢ CÁC BỨC TRANH CÒN LẠI! Và đó là lời cuối cùng!”
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Yêu thương thật nhiều!!!



Mẹ tôi không nói chuyện với cha tôi. Mẹ đã không nói với cha năm năm rồi, và vì thế cha tôi rất biết ơn mẹ.

Tôi đã khóc vào lần cuối cùng mẹ nói với cha. Tôi đã thấy cha mẹ nói chuyện với nhau dù tôi không nghe được lời. Cha thì thầm, mẹ cũng thì thầm. Hình dáng của hai người hiện lên trong ánh sáng khung cửa sổ ở cuối sảnh đường dài. Cha tôi vươn người về phía giường mẹ nằm, trán chạm vào trán. Tấm biển "Phòng Giải Phẫu" ở trên cánh cửa ở phía sau họ. Tay nắm chặt tay như thể họ đang nắm giữ trái tim của nhau. Như thể họ lần đầu tiên gặp nhau, như thể hai người tình bị ép phải xa nhau. Bị ép chia tay trong ngày của sống và chết. Họ phải quyết định cùng nhau, làm hay là chết. Làm và chết. Hai người đã sống cho nhau trong suốt bốn mươi năm qua. Mẹ tôi bị một chứng bệnh làm máu không đến được não. Trải qua ba năm, bệnh tật đã làm cuộc sống của mẹ xấu đi đến đáng sợ. Cuộc sống của mẹ có thể được kéo dài nếu cuộc phẫu thuật được tiến hành ngay. Đã có mười hai con người dũng cảm đi trước và chỉ có ba người đã thoát khỏi bệnh. Tôi đã chứng kiến cha mẹ mình suy nghĩ để đi đến quyết định, cả hai đều nguyện cầu trước cái chết. Mẹ tôi muốn sống, muốn làm thử. Những vòng xoáy, quay cuồng… Rồi sự an bình đến.

Chúng tôi biết mẹ đã dũng cảm như thế nào. Cả ba chị em chúng tôi tập trung quanh giường của mẹ trong bệnh viện cảm thấy thời gian như đẩy chúng tôi tiến tới ngày định mệnh hôm sau. Chúng tôi mỉm cười với mẹ, bịn rịn khi chia tay, và chỉ mong câu chúc "Chúc mẹ ngủ ngon" không phải là câu chia tay cuối cùng của chúng tôi với mẹ.

Cha đã thức cả đêm để cầu nguyện, những lời cầu nguyện của tình hêu. Thật đau đớn khi phải rời cha vào đêm đó, thật quá đau đớn khi nghĩ đến cha phải cô đơn một mình. Nhưng cha nói với chúng tôi rằng cha không cô đơn, ít nhất là vào đêm đó, cha đã có tình yêu của mình. Và bình minh tới. Chúng tôi tập hợp lại và cầu nguyện. Chúng tôi hôn mẹ, ôm cha và đi theo giường của mẹ cho đến khi chỉ có một người được phép đi tiếp bên cạnh.

Cha đã đi tiếp bên cạnh mẹ cũng như cha vẫn luôn làm vậy. Hai người đã ở bên nhau trong suốt bao khó khăn. Mẹ đã mồ côi từ bé và phải sống hết nơi này qua nơi kia. Cha cũng là con út thứ chín trong một gia đình nghèo.

Và họ đã tìm thấy trong nhau gia đình của mình. Chúng tôi, những đứa con rất được yêu thương. Chúng tôi được cha mẹ cho những gì mà hai người đã không thể có thủa thiếu thời: an bình, giáo dục, đạo đức. Chúng tôi được sinh ra từ tình yêu.

Tôi thấy cha hôn mẹ và hai người rời nhau. Mẹ được đưa qua cánh cửa, một mình. Cha, lưng quay về phía tôi, đặt tay lên cánh của, cầu nguyện cho tình yêu và sức mạnh và hy vọng. Cha quay người và đi chậm chậm về phía tôi. Ánh bình minh chiếu sáng trên khuôn mặt cha và tôi nhận thấy tình yêu của cha sâu đậm đến chừng nào.

Tình yêu của sự hy sinh bản thân. Một tình yêu quá lớn tới mức ông ước mong mang hết cái đau cho mẹ, người đang phải chịu một mình.

Và dù với tình yêu của chúng tôi bao quanh, cha vẫn đi một mình khi chúng tôi chờ mẹ tỉnh lại, những tháng đầy nghi ngờ và hồi phục.

Cuối cùng, mẹ đã mất tiếng nói nhưng mẹ đã thắng trong cuộc chiến vì sự sống. Mẹ đã không nói với cha năm năm rồi, và vì thế cha tôi rất biết ơn mẹ.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Lời Khuyên.

Hầu như trong bữa ăn người ta không mấy khi nhắc đến những chuyện buồn. Có lẽ như thế thì bữa ăn sẽ ngon lành hơn. Bố tôi thường nói: "Trời đánh tránh bữa ăn". Thỉnh thoảng mẹ tôi cũng nói vậy. Tôi không hiểu cặn kẽ câu nói ấy, chỉ mang máng rằng, ông trời có quyền hành to nhất trên thế gian, muốn mưa thì mưa, muốn nắng thì nắng, muốn râm mát thì râm mát, và có thể giáng sấm sét xuống bất cứ nơi nào ông ta muốn! Vậy mà còn nể con người trong bữa ăn. Thế mới biết trong bữa ăn, con người được coi trọng đến chừng nào. Và, nếu có ai kể khuyết điểm của mình trong bữa ăn, chắc sẽ dễ dàng được thông cảm. Tôi nghĩ vậy, và đem chuyện mình bị điểm 2 trong giờ tập đọc kể cho bố mẹ nghe giữa bữa cơm trưa.

Quả là tôi đã không lầm: Nghe xong, mẹ tôi lộ vẻ lo lắng, thương cảm. Giá kể vào lúc khác, thế nào tôi cũng được một bài học đích đáng về sự nổi giận. Mẹ nhìn tôi với cái nhìn vừa trách móc, vừa âu yếm. Rồi mẹ khuyên tôi bằng một giọng dịu dàng, nhã nhặn. Lời khuyên của mẹ đại loại là: đến trường phải biết kính thầy, yêu bạn, tôn trọng người khác tức là tôn trọng mình, kẻ nói thì phải có người nghe, học trò thì phải học thật giỏi, không được thua chị kém em v.v... Rồi mẹ kết luận:
-Từ nay về sau, con không được như thế nữa!

Tôi chăm chú nghe mẹ tôi nói, khiến mẹ rất hài lòng. Nhưng thực ra tôi đang đợi ý kiến của bố tôi. Tôi biết ý kiến của bố thường làm cho cả tồi lẫn mẹ tôi ngạc nhiên. Ông không nói nhiều lời nhưng mỗi lời nói của ông chắc như đinh đóng cột. Trong nhà, mẹ tôi hay tranh luận với bố tôi và bao giờ bà cũng không còn lý lẽ để tiếp tục cuộc tranh luận. Những lúc như vậy bà phải công nhận là bố tôi đúng. Rồi bà tự an ủi như cái đúng về bố tôi là tất nhiên. "Thế mới là đàn ông, là trụ cột trong nhà!". Bà vẫn thường nói thế. Mà bố tôi đúng thật. Chỉ riêng việc chọn cây trồng cho vườn nhà, cũng đủ để tin rằng bố tôi đúng. Mùa nào mẹ tôi trồng loại cây bố bảo, mùa đó đều thu về một món tiền lớn. Có mấy mùa, bố tôi chiều ý mẹ tôi, thế là mất toi cả tiền mua cây giống. Mùa thu năm ngoái chẳng hạn, bố tôi bảo không trồng cà chua vì khả năng thời tiết nhiều sương muối, mẹ tôi bảo cà chua sẽ lãi lớn. Thế là cả vườn cà chua đang lên tươi tốt bỗng úa vàng rồi lụi chết tận gốc. Sau bận đó, mẹ tôi dường như thay đổi tính nết rất rõ. Bà ít tranh luận với chồng và thực hiện tất cả các ý kiến của chồng một cách tự nguyện gần như tuyệt đối. Còn tôi thì càng phục bố tôi. Chính vì thế, tôi rất nóng ruột đợi ý kiến của ông về bài "Mâm đồng đỏ". Ông không nói ý kiến của mình ngay mà bảo tôi đọc lại bài ca mà tôi đã bịa ra. Tôi đọc lại một cách trôi chảy:

Mâm đồng đỏ. Mâm đồng đỏ
Suốt đêm tắm biển
Làm nước biển sôi
Ngày trở về trời
Mâm đồng không nguội
Mâm đồng đỏ chói,
Mặt trời Mặt trời...


Nghe xong, ông hỏi:
-Ai đã dạy con bài ca đó?
-Chẳng ai dạy con cả. Con đã bịa ra.

Nghe tôi trả lời một cách tự tin, ông im lặng. Tôi có cảm giác ông đang hài lòng về một cái gì đó. Rồi ông nói:
-Con biết quan sát và có óc tưởng tượng đấy. Ai lười quan sát, người ấy sẽ thiếu sự nhạy cảm. Tính nhạy cảm rất cần cho con người. Con người phát minh ra cái này, cái nọ, trước hết là nhờ ở tính nhạy cảm và óc tưởng tượng. Đáng lẽ con phải học giỏi văn. Vậy mà điểm văn của con bao giờ cũng thua điểm toán. Nguyên nhân là con chưa biết chú ý phát huy năng khiếu của mình. Đúng không nào?

Không mấy khi bố tôi nói dài đến như vậy. Khi ông nói dài, giảng giải cặn kẽ với tôi, hẳn đó là việc hết sức cần thiết. Tôi nghiệm ra thế, và cảm động đáp lời ông:
-Vâng.
-Muốn phát huy năng khiếu của mình, người ta phải biết ước mơ - Bố tôi tiếp - Con người không có mơ ước thì chẳng phát huy được một cái gì hết. Nhưng muốn gì thì muốn, trước tiên, con phải là một học trò giỏi đã.

Tôi lắng nghe như uống từng lời. Mẹ tôi cũng im lặng lắng nghe. Nhiều khi im lặng đồng nghĩa với đồng tình. Có khi im lặng còn là một lời khen, một sự khuyến khích.

Bữa cơm được kết thúc vui vẻ. Tôi rót nước vào chiếc cốc thủy tinh trong suốt và chợt nhận ra bọt nước sủi lên từ đáy cốc. Tôi nhận ra điều đó một cách tự nhiên, không hề nghĩ là sự quan sát của mình có lien quan với những lời khuyên của bố vừa rồi.
 
Câu chuyện trên tôi đọc được trong cuốn nhật ký của đứa em họ mình. Có lẽ, em tôi đã học tập chị nó, ngày ngày viết những suy nghĩ, những cảm nhận của mình về cuộc sống xung quanh trong những trang giấy để có thể lưu giữ lại những khoảnh khắc vô cùng quý giá mà không biết đến bao giờ mới tìm lại được. Em tôi chắc chưa ý thức được việc nó đang làm có ý nghĩa to lớn đến như thế, nó chỉ muốn giống chị nó, muốn có một "báu vật" của riêng mình, không ai đụng tới được. Nhưng nó cũng yêu quý chị nó lắm, nên nó mới đem "báu vật" của mình khoe với chị nó, cho chị nó xem, mà biết đâu rằng, chị nó chính là người luôn đi "săn lùng những khoảnh khắc", luôn tìm kiếm những mẩu chuyện thú vị để chia sẻ cùng với mọi người!
Tôi đã "mạn phép" em tôi, đã lén ngồi post "một giọt" trong "báu vật thời gian" của nó lên đây. Tôi cũng đã sửa lại nhiều chỗ trong câu chuyện, chỉ có cốt chuyện là vẫn y nguyên. Tôi dù rất cố gắng cũng không thể tìm thấy được một giọng văn non nớt mà vẫn pha chút già dặn của em mình, nên câu chuyện đã giảm đi phần nào cái hay của nó-cái cảm giác mà lần đâu tiên tôi đọc được nó. Tôi cũng nghĩ: "Hay là mình cứ post nguyên xi lên?" Nhưng rồi lại thôi, vì đây là nhật ký là "báu vật của nó, nên cũng cần tôn trọng nó, cũng cần giữ lại cho nó "bản quyền" của mình.
Khi bạn đọc câu chuyện trên, câu đầu tiên có lẽ bạn đã nghĩ trong đầu mình là "Câu chuyện này không có gì đặc sắc cả!". Thì đúng thế đấy! Nó không đặc sắc, không có "điểm nhấn", nhưng mang trong nó là một ý nghĩa, một cách cảm nhận sâu sắc của một đứa trẻ con cấp 1 về tình cảm gia đình, về tình yêu mà bố mẹ nó dành cho nó. Điều tôi muốn nói ở đây là cái cách bố mẹ dạy bảo con cái. Ông cha có câu" Yêu cho roi, cho vọt, ghét cho ngọt, cho bùi" nhưng đâu phải lúc nào, tình huống nào cũng đúng. Có những khi, nhẹ nhàng khuyên bảo, dạy con những điều hay, lẽ phải, nó còn phục ta hơn là đay nghiến, là quật "cho chừa"! Trẻ con có suy nghĩ của trẻ con, nó cần được sự bảo ban của cha mẹ, nhưng nếu sự bảo ban ấy chứa đựng trong nó một tình yêu của bố mẹ dành cho nó hết sức rõ ràng để trẻ có thể cảm nhận được-vì trẻ con không hiểu hết những hành động của người lớn đâu-thì nó sẽ thật sự cảm phục người lớn!
 
Back
Bên trên