Những bài thơ trong sách giáo khoa

Nguyễn Minh Thủy
(minhthuy)

New Member
Ưu tiên sách giáo khoa trước cải cách nhé ^^ :D welcome các post thơ cũng như cảm nhận của mọi người. Cá nhân mình càng đọc mấy bài này càng nhớ thời đi học quá, thoáng 1 cái 12 năm đã qua nhanh thật :) đọc mỗi bài lại nhớ năm lớp mấy mình học, lúc học là mùa đông hay hè, ngồi trong lớp cạnh ai...

Cô giáo và mùa thu

Cô giáo em
Hiền như cô Tấm
Giọng cô đầm ấm
Như lời mẹ ru
Cô giáo đưa mùa thu
Đến với những quả vàng chín mọng
Một mùa thu hy vọng
Tiếng chim ca ríu rít sân trường
 
Ai thổi sáo gọi trâu đây đó
Chiều in nghiêng trên mảng núi xa
Con trâu trắng dẫn đàn lên núi
Vểnh đôi tai nghe sáo trở về

Trâu đực chạy rầm rầm như hổ
Trâu thiến dong từng bước hiền lành
Cổ lừng lững như chum, như vại
Móng in hằn trên mép cỏ xanh

Nhưng chú nghé lông tơ mũm mĩm
Mũi phập phồng dính cánh hoa mua
Cổng trại mở trâu vào chen chúc
Chiều rộn ràng trong tiếng nghé ơ
 
Mùa hoa bưởi
Tô Hùng

Mỗi mùa xuân thơm lừng hoa bưởi
Rắc trắng vườn nhà những cánh hoa vương
Em lại nhớ ngày xưa anh ra trận
Cũng giữa mùa hoa bưởi ngát hương

Cây bưởi đào hai cành anh chiết
Em đã cắt trồng bên cạnh giếng khơi
Qua ba năm sau, nhanh quá nhỉ
Bưởi em trồng cành lá đã xanh tươi

Đẹp lắm anh ơi! Con sông Ngàn Phố!
Sáng cả đôi bờ hoa bưởi trắng phau!
Nay mai những chuyến đò xuôi ngược
Bưởi quê mình rời bến nối đuôi nhau...

Chân anh đi khắp rừng khắp núi
Mỗi nẻo đường, mỗi xóm làng xa
Hẳn đâu cũng thơm mùi hoa bưởi
Hương vị non sông, hương vị quê nhà.
 
DỪA ƠI
Lê Anh Xuân

Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ
Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ
Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió
Tôi hỏi nội tôi: "Dừa có tự bao giờ?"
Nội nói: "Lúc nội còn con gái
Đã thấy bóng dừa mát rượi trước sân
Đất này xưa đầm lầy chua mặn
Đời đói nghèo cay đắng quanh năm”

Hôm nay tôi trở về quê cũ
Hai mươi năm biết mấy nắng mưa
Nội đã khuất rồi xanh rì đám cỏ
Trên thân dừa vết đạn xác xơ.
Dừa ơi dừa! Người bao nhiêu tuổi
Mà lá tươi xanh mãi đến giờ
Tôi nghe gió ngàn xưa đang gọi
Xào xạc lá dừa hay tiếng gươm khua.

...

Vẫn như xưa vườn dừa quê nội
Sao lòng tôi vẫn thấy yêu hơn
Ôi thân dừa đã hai lần máu chảy
Biết bao đau thương, biết mấy oán hờn.

Dừa vẫn đứng hiên ngang cao vút
Lá vẫn xanh rất mực dịu dàng
Rễ dừa bám sâu vào lòng đất
Như dân làng bám chặt quê hương.

...

Tôi ngước nhìn mùa xuân nắng rọi
Bốn mặt quê hương giải phóng rồi
Tôi bỗng thấy nội tôi trẻ lại
Như thời con gái tuổi đôi mươi
Như hàng dừa trước ngõ nhà tôi.


1-1966

Bài này dài nhưng em cắt trích đoạn đúng theo trong sgk ^^
 
Chú bé Kôlia

Tuổi mười hai đuổi bướm bắt chim
- Em ở đây bên,bác Lênin
Người làm việc. Cần em canh gác
- Cha em đâu?
- Cha làm súng và đi liên lạc
- Và mẹ em?
- Mẹ cùng anh, nướng bánh, đưa đường
Thuyền qua về, hôm sớm, trong sương...
Vui lắm nhé! Ở đây rất thích
Em yêu nhất trên đời: Ilich
Người với em đi cất vó chiều chiều
Và đêm đêm, Bác cháu ngủ chung lều
Em cứ thương... Người trở mình thao thức
Kéo chăn mỏng đắp cho em ấm ngực
Rồi lặng yên, nghe dậy nước triều xa
Người nghĩ suy
Đến khi rừng bừng sáng tiếng chim ca...

Thoảng trong gió mùi hương cỏ dại
Câu chuyện cũ. Hôm nay sống lại.
Giữa lòng ta, tươi đẹp vô cùng
Kôlia, chú bé anh hùng
Lều con hỡi, nhớ chăng người bạn nhỏ?
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bếp lửa
- Bằng Việt-


Một bếp lửa chờn vờn sương sớm,
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm,
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.

Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói,
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi,
Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy.
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu,
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay.

Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa,
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa.
Khi tu hú kêu bà còn nhớ không bà ?
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế,
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế.
Mẹ cùng cha bận công tác không về,
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe,
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học,
Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc.
Tu hú ơi chẳng đến ở cùng bà,
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa ?

Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi,
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi,
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh.
Vẫn vững lòng, bà dặc cháu đinh ninh:
“Bố ở chiến khu bố còn việc bố,
Mày có viết thư chớ kể này kể nọ,
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên”.

Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen!
Một bếp lửa lòng bà luôn ủ sẵn,
Một bếp lửa chứa niềm tin dai dẳng,

Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ,
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm,
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,
Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi,
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui,
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ.
Ôi kỳ lạ và thiêng liêng - bếp lửa!

Giờ cháu đã đi xa, có ngọn khói trăm tàu,
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng bao giờ quên nhắc nhở,
Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa ?



Bài này rất hay ^^ my favourite
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Tiếng chổi tre - Tố Hữu

Những đêm hè
Khi ve ve
Đã ngủ
Tôi lắng nghe
Trên đường Trần Phú
Tiếng chổi tre
Xao xác hàng me
Tiếng chổi tre
Đêm hè
Quét rác
Những đêm đông
Khi cơn dông
Vừa tắt
Tôi đứng trông
Trên đường lặng ngắt
Chị lao công
Như sắt
Như đồng
Chị lao công
Đêm đông
Quét rác
Sáng mai ra
Gánh hàng hoa
Xuống chợ
Hoa Ngọc Hà
Trên đường rực nở
Hương bay xa
Thơm ngát
Đường ta
Nhớ nghe hoa
Người quét rác
Đêm qua.
Nhớ em nghe
Tiếng chổi tre
Chị quét
Những đêm hè
Đêm đông gió rét
Tiếng chổi tre
Sớm tối
Đi về
Giữ sạch lề
Đẹp lối
Em nghe!
 
Mẹ vắng nhà ngày bão - Phạm Hổ

Mấy ngày mẹ về quê
Là mấy ngày bão nổi
Con đường mẹ đi về
Cơn mưa dài chặn lối

Hai chiếc giường ướt một
Ba bố con nằm chung
Vẫn thấy trống phía trong
Nằm ấm mà thao thức

Nghĩ giờ này ở quê
Mẹ cũng không ngủ được
Thương bố con vụng về
Củi mùn thì lại ướt

Nhưng chị vẫn nấu cháo
Cho thỏ mẹ thỏ con
Em thì chăn đàn ngan
Sớm lại chiều no bữa
Bố đội nón đi chợ
Mua cá về nấu chua

Thế rồi cơn bão qua
Bầu trời xanh trở lại
Mẹ về như nắng mới
Ấm áp cả gian nhà
 
Nói với em

Nếu nhắm mắt trong vườn lộng gió
Sẽ được nghe nhiều tiếng chim hay
Tiếng lích rích chim sâu trong lá
Con chìa vôi vừa hót vừa bay.

Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện
Sẽ được nhìn thấy các nàng tiên
Thấy chú bé đi hài bảy dặm
Quả thị thơm cô Tấm rất hiền

Nếu nhắm mắt nghĩ về cha mẹ
Đã nuôi em khôn lớn từng ngày
Tay bồng bế sớm khuya vất vả
Mắt nhắm rồi lại mở ra ngay.
 
Những cánh buồm
(Hoàng Trung Thông)

Hai cha con bước đi trên cát
Ánh mặt trời rực rỡ biển xanh
Bóng cha dài lênh khênh
Bóng con tròn chắc nịch

Sau trận mưa đêm rả rích
Cát càng mịn biển càng trong
Cha dắt con đi dưới ánh mai hồng
Nghe con bước lòng vui phơi phới
Con bỗng lắc tay cha khẽ hỏi:
"Cha ơi sao xa kia chỉ thấy nước, thấy trời
Không thấy nhà, không thấy cây
Không thấy người ở đó? "

Cha mỉm cười xoa đầu con nhỏ
"Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa
Sẽ có cây có cửa có nhà
Vẫn là đất nước của ta
Những nơi đó cha chưa hề đi đến"
Cha lại dắt con đi trên cát mịn
Ánh nắng chảy đầy vai
Cha trầm ngâm nhìn mãi cuối chân trời
Con lại trỏ cánh buồm xa hỏi khẽ:
"Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé
Để con đi...."

Lời của con hay tiếng sóng thầm thì
Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm
Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận
Cha gặp lại mình trong ước mơ con.
 
Truyện cổ tích loài người - Xuân Quỳnh

Trời sinh ra trước nhất
Chỉ toàn là trẻ con
Trên trái đất trụi trần
Không dáng cây ngọn cỏ
Mặt trời cũng chưa có
Chỉ toàn là bóng đêm
Không khí chỉ màu đen
Chưa có màu sắc khác

Mắt trẻ con sáng lắm
Nhưng chưa thấy gì đâu !
Mặt trời mới nhô cao
Cho trẻ con nhìn rõ
Màu xanh bắt đầu cỏ
Màu xanh bắt đầu cây
Cây cao bằng gang tay
Lá cỏ bằng sợi tóc
Cái hoa bằng cái cúc
Màu đỏ làm ra hoa

Chim bấy giờ sinh ra
Cho trẻ nghe tiếng hót
Tiếng hót trong bằng nước
Tiếng hót cao bằng mây
Những làn gió thơ ngây
Truyền âm thanh đi khắp
Muốn trẻ con được tắm
Sông bắt đầu làm sông
Sông cần đến mênh mông
Biển có từ thuở đó
Biển thì cho ý nghĩ
Biển sinh cá sinh tôm
Biển sinh những cánh buồm
Cho trẻ con đi khắp
Đám mây cho bóng rợp
Trời nắng mây theo che
Khi trẻ con tập đi
Đường có từ ngày đó
Nhưng còn cần cho trẻ
Tình yêu và lời ru
Cho nên mẹ sinh ra
Để bế bồng chăm sóc

Mẹ mang về tiếng hát
Từ cái bống cái bang
Từ cái hoa rất thơm
Từ cánh cò rất trắng
Từ vị gừng rất đắng
Từ vết lấm chưa khô
Từ đầu nguồn cơn mưa
Từ bãi sông cát vắng…

Biết trẻ con khao khát
Chuyện ngày xưa, ngày sau
Không hiểu là từ đâu
Mà bà về ở đó
Kể cho bao chuyện cổ :
Chuyện con cóc, nàng tiên
Chuyện cô Tấm ở hiền
Thằng Lý Thông ở ác…
Mái tóc bà thì bạc
Con mắt bà thì vui
Bà kể đến suốt đời
Cũng không sao hết chuyện
Muốn cho trẻ hiểu biết
Thế là bố sinh ra
Bố bảo cho biết ngoan
Bố dạy cho biết nghĩ
Rộng lắm là mặt bể
Dài là con đường đi
Núi thì xanh và xa
Hình tròn là trái đất…

Chữ bắt đầu có trước
Rồi có ghế có bàn
Rồi có lớp có trường
Và sinh ra thầy giáo …
Cái bảng bằng cái chiếu
Cục phấn từ đá ra
Thầy viết chữ thật to:
“Chuyện loài người” trước nhất.
 
Đất nước - Nguyễn Đình Thi

(trích đoạn)

Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác heo may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.

Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha.

Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về
 
ô mấy bài này toàn trong SGK lớp 5, lớp 6. Hồi đấy đọc thik ghê ^^
Cái bài thứ hai tên là gì hả em :D
 
Việt Bắc (Tố Hữu)

(trích đoạn)

Ta đi, ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi…

Thương nhau, chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng
Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Ðịu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô
Nhớ sao lớp học i tờ
Ðồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan
Nhớ sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.
Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
Chày đêm nện cối đều đều suối xa…

Ta về, mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.


@ anh Kiên: em không tìm thấy anh ạ ^^ nhưng đấy là 1 trong những bài em nhớ nhất, đến cấp 3 vẫn thuộc.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bầm ơi

Ai về thăm mẹ quê ta
Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm

Bầm ơi có rét không bầm
Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn
Bầm ra ruộng cấy bầm run
Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non
Mạ non bầm cấy mấy đon
Ruột gan bầm lại thương con mấy lần
Mưa phùn ướt áo tứ thân
Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu
Bầm ơi sớm sớm chiều chiều
Thương con bầm chớ lo nhiều bầm nghe
Con đi trăm núi ngàn khe
Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm
Con đi đánh giặc mười năm
Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi
Con ra tiền tuyến xa xuôi
Yêu bầm yêu nước cả đôi mẹ hiền
Nhớ thương con, bầm yên tâm nhé
Bầm của con, mẹ Vệ quốc quân
Con đi xa cũng như gần
Anh em đồng chí quây quần là con
Bầm yêu con yêu luôn đồng chí
Bầm quý con, bầm quý anh em
Bầm ơi, liền khúc ruột mềm
Có con có mẹ còn thêm đồng bào
Con đi mỗi bước gian lao
Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm
Bao bà cụ từ tâm làm mẹ
Yêu quý con như đẻ con ra
Cho con nào áo nào quà
Cho củi con sưởi cho nhà nghỉ ngơi
Con đi, con lớn lên rồi
Chỉ thương bầm ở nhà ngồi nhớ con
Nhớ con, bầm nhé đừng buồn
Giặc tan, con lại về luôn với bầm.

Mẹ già tóc bạc hoa râm
Chiều nay chắc cũng nghe thầm tiếng con...
1948

Tố Hữu


bài này trong sách chỉ có trích đoạn, nhưng vì nó rất hay nên em post cả ^^
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Mùa Xuân Chín

Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý - Bóng xuân sang.

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời.
Bao cô thôn nữ hát trên đồi.
- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi.

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây,
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây.

Khách xa, gặp lúc mùa xuân chín,
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:
"Chị ấy, năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?..."

... Người ta nói nhiều đến thơ Hàn Mặc Tử như một sự điên loạn trong mê sảng của kẻ bệnh tật không chốn dung thân. Điên rồi Say, những thi phẩm gây xôn xao vì câu tứ ma quái và đầy uất ức. Nhưng bên cạnh một chàng thi sĩ của người điên, Hàn Mặc Tử cũng xuất hiện trong bóng dáng khách phong lưu tình tứ, với tập thơ Gái quê nổi tiếng.

Những bài thơ như Mùa xuân chín hay Đây thôn Vĩ Dạ có thể coi là "cổ điển" trong thi ca Việt Nam, hầu hết ai cũng biết đến. Đặc biệt là Mùa xuân chín. Bài thơ mang phong cách dân dã quê mùa, nhưng đầy sức gợi hình gợi tả. Tác giả khéo léo lồng một khung cảnh trời xuân tươi đẹp, với những nét chấm phá không gian thôn quê, nơi có nhà tranh, giàn thiên lý cũng như con đồi xanh tươi những cỏ và người. Nhiều từ láy, cùng giọng thơ tươi tắn, nhẹ nhàng vẽ nên một bức tranh đồng quê êm đềm, vui vẻ. Có người đi chơi, có người đi hát. Cuộc sống của một mùa xuân thật đẹp và thanh bình.

Mình đến với Hàn Mặc Tử nhờ bài thơ này, nên không lấy gì làm lạ khi mình có thể đọc thuộc lòng nó mà không hề vấp váp một câu nào, mặc dù đã 4 năm nay không đọc lại bài thơ trong cuốn Thi nhân Việt Nam. Lời thơ, tứ thơ, ý thơ, hình ảnh thơ ... vẫn tươi mới nguyên sơ, như cảm xúc lần đầu tiên được chiêm ngưỡng bức tranh thơ "Mùa xuân chín".
 
Chắc nhiều người chưa quên hình ảnh "Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp" trong bài thơ Tràng giang, hay không gian u tịch thiền viện trong bài thơ Các vị La Hán chùa Tây Phương - những bài thơ của tác giả Huy Cận mà học sinh cấp 3 nào cũng đã được học. Thử lùi lại quá khứ đi xa hơn một chút về những năm cấp 2, chúng ta cùng đọc bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, cũng là một trong những tác phẩm hay của Huy Cận.

Đoàn thuyền đánh cá

Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.
Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!

Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.

Cá nhụ cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,
Cái đuôi em quẫy trăng vàng choé,
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.

Ta hát bài ca gọi cá vào,
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao,
Biển cho ta cá như lòng mẹ,
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.

Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng,
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng,
Vảy bạc đuôi vàng loé rạng đông,
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.

Câu hát căng buồm với gió khơi,
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
Mặt trời đội biển nhô màu mới
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.

Không gian trong bài thơ là vùng biển Hạ Long mênh mông sóng vỗ, khởi đầu từ một hoàng hôn sắp tắt, khi "Sóng đã cài then, đêm sập cửa". Đoàn thuyền đánh cá lên đường ra khơi, một cảnh hùng tráng: những con thuyền rẽ sóng trên mặt nước, giăng thế trận dụ cá vào, bắt về những lưới cá nặng trĩu. Cảm giác từ mỗi câu thơ có vị mặn nồng của biển cả, mùi tanh của cá và những con người đi biển "cả thân hình nồng thở vị xa xăm". Khác hẳn với vẻ cô đơn trong Tràng giang hay sự lạnh lẽo trong Các vị La Hán chùa Tây Phương, Đoàn thuyền đánh cá được Huy Cận khắc họa rất tươi đẹp. Đọc bài thơ này một lần và ắt hẳn có những câu thơ mà người đọc cũng sẽ ấn tượng vào trong lòng ...
 
Đất nước

Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác heo may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.

Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha.

Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về

Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.

Từ những năm đau thương chiến đấu
Ðã ngời lên nét mặt quê hương
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Ðã bật lên những tiếng căm hờn

Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây thằng chúa đất
Ðứa đè cổ đứa lột da

Xiềng xích chúng bay không khoá được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước, thương nhà.

Khói nhà máy cuộn trong sương núi
Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng
Ôm đất nước những người áo vải
Ðã đứng lên thành những anh hùng.

Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội
Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh.

Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng loà.

Có một khổ thơ rất hay của bài thơ này mà không có đoạn trích của em Thùy. Đó là khổ thơ ngay sau đoạn trích:

... Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu ...
 
có ai nhớ bài thơ về cái bút chì có hai đầu xanh đỏ học hồi lớp 1 hok nhỉ :D bài đấy hay lắm :)
 
Back
Bên trên