nhạc Haydn

Phạm Quốc Hưng
(symphony)

New Member
Franz Joseph Haydn sinh vào Tháng Ba năm 1732, cùng tuổi với Tổng Thống George Washington của Hoa Kỳ, trong một gia đình tầm thường của đế quốc Áo và thật ra không có truyền thống âm nhạc. Ông sống chật vật và tuổi thơ là một chuỗi ngày thiếu ăn, tại một khu vực gần với nước Hung. Ông bước vào thế giới âm nhạc bằng tiếng hát trong một ban hợp ca thiếu nhi của nhà thờ. Khi tiếng hát trẻ thơ không còn, ông trở thành thợ nhạc. Ông đi làm đủ nghề kể cả hát dạo, mà sau này chúng ta thi vị hóa gọi là “nghệ sĩ tự do”.

Vào thời ấy, nghệ sĩ chưa thể sống bằng sự yểm trợ tài chính của công chúng yêu nhạc mà phải có người đỡ đầu, thường thì là một gia đình quyền thế và có tiền nuôi nhạc công trong nhà.

Thời ấy, viết hay hát nhạc cung đình hay quý tộc là một cách sống... Ra khỏi thể loại ấy để viết những gì mới lạ hơn thì có nghĩa là đi làm cách mạng, có khi lại mất ghế nhạc sư của nhà giàu và trở lại đói khổ.
Haydn chỉ có được cuộc sống tạm yên ổn từ khi phục vụ cho một gia đình quý tộc. Khi gia đình ấy sa sút, ông trở lại hoàn cảnh chật vật cũ cho đến ngày được một nhà quý tộc Hung Gia Lợi mời về làm nhạc sư trong nhà. Làm “giám đốc âm nhạc” hay “kapellmeister” cho người mua vui. Chính là trong giai đoạn thăng trầm ấy, ông tự học thêm về căn bản nhạc lý và sáng tác.

Sau này, khi sáng tác, ông dùng tên là Joseph Haydn và tên đó trở thành nghệ danh chính thức của ông.

Joseph Haydn thật ra là người không có hạnh phúc. Thân hình ông còm cõi vì tuổi trẻ thiếu ăn, ông không bảnh trai, lấy vợ mà không có con và cũng chẳng có tình yêu. Ông tìm thú vui, sự giải thoát và hạnh phúc trong âm nhạc. Nhạc của ông cũng góp phần giải thoát người khác. Sống trong một khu vực hẻo lánh giữa cảnh “lồng son gạo quý” của bậc quý tộc, ông khát khao tình bạn và những chân trời khác, nhất là thành phố Vienna khi ấy là một thủ đô của nhạc cổ điển.

Âm nhạc đưa ông tới những chân trời đó vì Haydn không ngừng sáng tạo trong các sáng tác của mình, rồi dần dần nổi danh. Ðấy là giai đoạn khai phá của ông với những nhạc khúc viết cho một dàn nhạc giao hưởng. Dàn giao hưởng là một kiến trúc cân đối và huy hoàng của âm thanh, nơi mà ngần ấy nhạc cụ đều giữ phần vụ chính, không cái nào vượt cái nào. Sau đấy, Haydn viết cho một dàn dây gồm bốn nhạc cụ và trở thành cha đẻ của loại nhạc tứ tấu đàn dây.

Joseph Hayden cũng viết nhạc kịch cho hý viện, nhưng bắt đầu biết dừng khi Mozart xuất hiện.

Sinh sau Haydn 14 năm, Mozart được ông coi là tri kỷ. Tình bạn giữa hai người là những trang tuyệt đẹp của thế giới âm nhạc. Họ coi nhau là bạn, là thầy và kính trọng tài nghệ của nhau. Hai người bạn đã trình tấu cùng nhau và với Haydn, Vienna là một gợi nhớ cho ông về Mozart. Khi Mozart viết sáu bài tứ tấu đề tặng Haydn thì đấy là để bày tỏ sự ngưỡng phục người bạn vong niên. Còn Haydn thì khiêm nhượng nói thẳng rằng mình ước mơ có được tài năng trời cho của Mozart. Khi Mozart tạ thế, vào năm 1791, Haydn như bị khủng hoảng vì thương tiếc người bạn thiên tài.

Joseph Haydn cũng có một môn sinh thuộc loại thiên tài là Beethoven, nhưng mối giao tình giữa hai người không được thắm thiết. Beethoven không mấy phục người thầy trầm lặng trong bước đầu học nhạc của mình và sau này còn muốn phá cách với loại nhạc giao hưởng vũ bão hơn nét nhạc hài hòa của Haydn.
 
Sống xa cách khỏi giới âm nhạc Vienna thực ra lại là một lợi thế của Haydn, vì ông không bị ảnh hưởng bởi xu hướng âm nhạc chung mà có thể tự do sáng tạo ra phong thái của riêng mình. Vậy nên nhạc Haydn bây giờ vẫn là chuẩn mực cho nhạc cổ điển thế kỷ 18.
 
Back
Bên trên