[Nhân vật] Thần tượng của tôi - NB/VS Đỗ Hóa

Đỗ Việt
(doviet)

Thành viên danh dự
-----------------------
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Re: Thần tượng của tôi - NB/VS Đỗ Hóa

Cặp câu đối nhà văn Nguyễn Khắc Phục viết tặng sau khi võ sư Đỗ Hóa ra đi:

  • Suốt đời khao khát truy cầu tinh hoa võ học - Nâng niu từng chữ trong bí kíp cha ông, không nặng nhẹ Nam tông hay Bắc phái - Khí phách ngang tàng, trượng nghĩa khinh tài, huynh đệ chứa chan mộng bốn phương giục giã, đem thân nam nhi hành hiệp giang hồ - Sống hồn nhiên hết mình như lửa, không hổ danh tráng sĩ giữa kinh kì - Chàng Đỗ Hóa vẫn vi vu cùng thiết mã!
  • Trọn kiếp đắm đuối giấu mình ẩn ức văn chương - Chắt bóp nỗi niềm giữa ba đàu dâu bể - Chẳng tách bạch tự ngã với tha nhân - Tâm hồn giản dị, thơm thảo hiến dâng, cốt nhục sâu nặng - Nợ trần gian thăm thẳm, nuôi chí hiền nhân trang trải cõi người - Thác phiêu hốt mơ mòng tựa gió, chẳng vương vấn mục đồng nơi phố Hiến - Trẻ Ân Thi lại ngất ngưởng cưỡi trâu xanh.
 
Re: Thần tượng của tôi - NB/VS Đỗ Hóa

Đây là bài viết của 2 phóng viên Huy Thọ, Ngọc Lan báo tuổi trẻ viết về cố nhà báo - võ sư Đỗ Hóa:

Vĩnh biệt võ sư – Nhà báo Đỗ Hoá

Võ sư – nhà báo Đỗ Hoá đã qua đời vào sáng hôm qua 28-12, sau hơn 2 tháng nằm trên giường bệnh vì căn bệnh ung thư xương quái ác. Anh ra đi khi đang trong độ tuổi sung mãn của cuộc đời (anh sinh năm 1957), và sự ra đi đó là một mất mát lớn của làng võ, làng báo thể thao Việt Nam. Nói anh là nhà báo cũng được, vì anh là Tổng thư kí toà soạn báo TTNN. Nhưng nói anh là võ sư cũng xong, vì anh là phó chủ tịch hiệp hội võ thuật Hà Nội; là người có công lớn trong việc du nhập môn Pencak Silat về Việt Nam mà nay đây là một trong những mỏ vàng của thể thao Việt Nam. Trên cả 2 lĩnh vực ấy, nơi nào anh cũng gây nổi đình nổi đám bằng khả năng và lòng say mê vô bờ của mình. Với cương vị nhà báo, anh là cây bút sắc sảo trên mục bình luận của TTNN. Trong làng võ, chẳng mấy ai không biết anh. Cách đây 2 năm, trong một chuyến ra Bình Định để đi tìm pho võ công cổ nhất, tôi đã “hãi” anh thật sự khi đến bất cứ đâu, ai cũng biết đến tên Đỗ Hoá. Có những ngôi chùa nhỏ ở cách Qui Nhơn 40 km nhưng các sư vẫn nhắc “thày Hoá” với một vẻ hết sức cảm phục. Đơn giản bởi Bình Định là đất võ của Việt Nam, và anh đã “quần nát” nơi này để thấm nhuần hồn võ dân tộc. Ông Hoàng Vĩnh Giang quả đã không lầm người khi đặt niềm tin giao phó công việc du nhập và phát triển môn Pencak Silat thành một môn võ “vàng” cho thể thao Việt Nam vào tay một con người như thế.
Nhìn vẻ ngoài trông anh rất xù xì với hàm râu rậm rì, phong cách rất “Lương Sơn Bạc”. Nhưng, bên trong con người ấy là một tấm lòng nhân hậu. Còn nhớ ở mấy kì cùng xuất ngoại dự Asiad 1998, 2002, SEA Games 2001, đám phóng viên trẻ cứ tìm quấy rầy anh mãi. Đang cắm cúi viết bài, xử lí ảnh, nhưng ai đó cần hỏi về đôi chỗ khúc mắc của các môn võ là anh sẵn sàng gác qua mọi việc để say sưa giải thích. Nhiều lúc quá mệt mỏi, chúng tôi réo: “Anh Hoá ơi, mệt quá!”. Thế là anh cũng sẵn sàng gác việc, qua day day, vỗ bồm bộp vào vài huyệt đạo nơi cổ nơi lưng và thấy khoẻ hẳn cả người.
Vài ngày trước khi khai mạc SEA Games 22, vào thăm anh ở Bệnh viện Bạch Mai và không ngăn được nước mắt khi chứng kiến một cây bút khỏe - một thân thể cường tráng ngày nào giờ chỉ còn da bọc xương. Thế mà anh vẫn cười: “Cố cho qua SEA Games”. SEA Games đã qua, các học trò Silat của anh đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, và anh đã ra đi…
Thật tiếc cho sự ra đi quá sớm của một con người đa tài; và đau cho sự ra đi quá sớm của một người anh đúng nghĩa.
Vĩnh biệt anh Đỗ Hoá…
 
Re: Thần tượng của tôi - NB/VS Đỗ Hóa

Đây là bài của bác Nguyễn Lưu báo Thể thao VN:

Nhớ thương Đỗ Hoá
Cách đây ba hôm, khi gặp Dương Trung Quốc trên đường Hà Nội, có nghe anh bảo “Hoá mới điện cho tao”. Tôi giật mình, vậy là Đỗ Hoá sắp đi rồi, tia lửa nhỏ loé lên trước khi tắt lịm. Nhưng đó là một thứ lửa riêng, rất riêng và mang khát vọng… Đỗ Hoá. Tôi sững người.
Hoá về báo ngành từ hồi còn bao cấp, gian nan và phới phới. Tờ báo đã có sắn những gương mặt giàu cá tính, những Phùng Bảo Kim, Trần Nguyên Đào và Hữu Ái, ở khía cạnh nào đó Hoá giống các đàn anh, nghĩa là với những người muốn có sự toàn vẹn trong thị hiếu thẩm mĩ, song ở Hoá có phần gai góc hơn và chính điều đó đã khiến anh được nhiều người yêu mến hơn.
Đỗ Hoá viết võ thuật không chê vào đâu được. Anh là cây viết số một ở mảng này, nơi đến nay vẫn không có số hai. Còn cái tạng của Hoá ư, một lần trước cuộc họp ở Sở TDTT Hà Nội, anh em đang ngồi chờ bỗng nghe tiếng còi huýt lên giật mình, thì ra là Đỗ Hoá! Tôi từng bị Hoá trợn mắt lườm song biết rõ “hắn chẳng ghét gì mình đâu”. Có gì đãi bạn hết, là Hoá. Ai nhờ gì là làm hộ, cũng Đỗ Hoá. Một đem Bangkok, tôi hỏi Hoá “thích nhân vật nào nhất ở Tam Quốc”, được nghe gọn lỏn: Khổng Dung! Thì ra là thế, văn là người. Nhân vật của anh sống là phải biết sướng, vì cuộc đời ngắn lắm. Cho nên tôi đã chia sẻ với bút danh Quân Bất Kiến của Hoá, con người hễ rảnh việc là lăm lăm tương tiếng tửu, song giá Hoá giữ lâu cái bút danh Đỗ Mục, xem ra lại là hơn, anh từng đọc nhỏ vừa tôi nghe:
Lữ quán vô lương bạn,
Ngưng tình tự tiễu nhiên.
Hôm qua, tôi thêm lòng nhớ Hoá sau khi đọc bài anh Tú Hào. Tiếc quá, đã dăm kì SEA Games đi qua, bao giờ tôi chả lần xem Hoá viết về võ, để tự nhìn lại mình và để khoái, đến SEA Games 22 này, anh ốm, mà Karatedo đến 12 HCV, Silat 11 HCV, còn vật cũng ghê hơn với 18 HCV, thế nên lướt qua các trang báo, nào ai thấy Đỗ Hoá xuất chiêu!
Hôm nay, Đỗ Hoá đã đi về với các bậc tiền nhân. Có người bảo Hoá đi vội quá, một nhà báo còn trẻ như thế đã vội về sao đặng! Còn tôi lại cho là số phận, vả Đỗ Hoá đã là một nhà báo đã có sự nghiệp, điều không phải ai cũng có. Hoá đã giúp chúng ta khẳng định lại lần nữa, rằng sống lâu hay sống không lâu chẳng có ý nghĩa gì mà điều cơ bản là con người ấy đã sống ra sao, có thế thôi. Cánh già như tôi sẽ chẳng bao giờ quên Đỗ Hoá, còn lớp trẻ, nhiều người trong họ đang mơ ước để có được chút gì trong khát vọng của Hoá đó.
Hôm nay nhớ Đỗ Hoá, lại ngâm rằng:
Bạn bè lữ quán còn đâu,
Nỗi lòng tự biết tự sầu ngẩn ngơ…

Nguyễn Lưu (trẻ con nhiều tuổi)
 
Re: Thần tượng của tôi - NB/VS Đỗ Hóa

Hiện nay tôi muốn sưu tầm tất cả các bài báo viết về cố võ sư Đỗ Hóa, xuất bản thời gian sau khi ông ra đi. Nếu có thể, xin các bạn liên hệ với tôi.
 
Re: Thần tượng của tôi - NB/VS Đỗ Hóa

Anh Việt, em ko có tài liệu vào về VS Đỗ Hóa, nhưng em muốn nói một chút ngoài lề được chứ?
Đến hôm nay em mới biết về ông- người mà gần đây em mới biết, biết chỉ với khái niệm là người cha của anh, người anh yêu kính nhất cuộc đời, nếu ko đọc được những bài post trên của anh chắc mãi mãi em ko thấy cảm phục ông như bây giờ !
Có thể em ko biết gì về võ thuật, từ bé đến lớn ao ước được đi học võ nhưng chưa bao giờ được cho phép, nhưng em đủ hiều những người VS chân chính phải có tinh thần võ đạo rất đẹp, từ đó, cỏ thể em hiểu anh hơn một chút ;)
cảm ơn anh vì em có thể post một chút suy nghĩ của mình ;)
 
Hôm nay, ngày 5 tháng 4 năm 2004.
Vừa tròn 100 ngày cố nhà báo - võ sư Đỗ Hóa ra đi. Bạn bè gồm huynh đệ đa phương, các võ sư, các học trò của ông đã đến thăm, để biết rằng họ vẫn luôn nhớ tới ông...
 
Bài viết của nhà văn Nguyễn Khắc Phục:

QUẺ PHỤC PHẢN

Phục phản, quay về vòng đầu, trở lại cội rễ uyên nguyên, phất phơ mà đi, mà lại, đồng đồng vãng lai tựa đứa trẻ...

Ngay từ bé, tôi đã hết sức mê mẩn truyện kiếm hiệp, nhất là của Lý Ngọc Hưng tiên sinh...

Tôi mơ màng về "giấc mơ tráng sĩ"
Tôi nhớ mùa xuân năm ấy, tôi lên tám. Nhà nghèo lại tứ tán. Xóm quê bùn nước, rơm rạ xác xơ, mưa bay tầm tã, mặc quần đùi, áo cổ vuông, chân đi đất, bấm hai ngón chân cái đau điếng xuống con đường sống trâu, đất thịt trơn trượt. Cái thằng nhóc học lớp hai chạy khắp làng, mò mẫm, lạy van mượn bằng được những cuốn kiếm hiệp "Bồng lai hiệp khách", "Giao trì hiệp nữ", "Lăng vân hiệp khách", "Kim hồ điệp"...
Bụng tôi thường lép kẹp toàn rễ khoai ngứa luộc sống sít, rúc vào ổ rơm nghiến ngấu từng chữ trong lúc ngoài trời giá lạnh, bầu không khí trong và xám như những khối thạch găng để mà xuýt xoa, mà mơ màng những "giấc mơ tráng sĩ". Tưởng tượng ra mình luyện được những đạo kiếm quang phun vọt ra từ hai lỗ mũi, đọ chưởng lực với những cao thủ võ lâm.
Dân quê tôi cái gì cũng đội lên đầu. Đội thóc, đội đất đắp đê, đội mâm quả đi rước dâu. Tôi cũng đội "giấc mơ tráng sĩ" trên đầu mà đi. Nhớn lên tí nữa, lưu lạc khắp chốn, thể chất lại yếu đuối, nhút nhát, "giấc mơ tráng sĩ" vấn chễm chệ trên đầu tôi và lặn vào tim tôi...

Người bạn vong niên của tôi
Và bẵng đi. Những vụ mưu sinh lôi tôi đi xềnh xệch, hết xó xỉnh này đến hang cùng ngõ hẻm, danh lam nọ. Tôi mê muội và hoảng hốt thấy mình nhốn nháo, ngổn ngang. Mỗi lần về được đất kinh kì, tụ bạ cùng bạn bầu, cứ thấp thỏm ao ước có dịp ngồi với Đỗ Hóa, chẳng phải để nhờ bấm huyệt hay cho vài lời khuyên về y thuật, cũng chẳng chờ một hớp Chivat. Cái "giấc mơ tráng sĩ" cứ neo mọi người vào với nhau, dai dẳng và cố chấp như định mệnh.
Lần áp chót, phương Nam đang nóng bức, ngột ngạt như sắp có giông. Buổi tối hôm ấy, tôi bàng hoàng nghe tin Đỗ Hóa trở bệnh nặng.
Hấp tấp bay ra, vào thẳng bệnh viện nhiệt đới, hồng hộc thở leo lên tầng năm. Hành lang hun hút hình ống. Mùa thu đang tàn, trời hanh hao lạ lùng. Nắng vẫn vàng mà đã nghe rét mướt đâu đây. Bây giờ "giấc mơ tráng sĩ" của tôi đang nằm kia, mấp máy môi.
"Không có vấn đề gì!"
Hóa thì thầm bảo thế.

Người đi gieo giống cho võ thuật Việt Nam
Ngoài kia Hà Nội đang rạo rực, phấn chấn chờ đón sự kiện trọng đại chưa từng có trên xứ sở này: SEA Games 22 và Para Games 2. Thiên hạ nô nức, người người cười nói hân hoan. Đường phố chăng đèn kết hoa rực rỡ.
Người ta đang xôn xao, hăm hở chờ đợi câu chuyện thần kì của thể thao Việt Nam sắp sửa xảy ra tại cuộc đua tài quan trọng nhất khu vực Đông Nam Á này.
Nhưng mấy ai biết, một trong những người mang hết tâm huyết, trí lực, thời gian, (kể cả cái giá phải trả cho sự hao mòn sức khoẻ và hạnh phúc riêng tư) để "góp gió thành bão", biến câu chuyện thần kì ấy thành những con số huy chương đếm được trên bảng tổng sắp, ít nhất cũng là với hai môn võ thuật Wushu và Pencak Silat, đang lặng lẽ đánh vật với cái dốc nặng nhọc nhất của đời người trên hành trình đi tìm mình, tìm kế mưu sinh, tìm hạnh phúc, tìm ý nghĩa cuộc sống và tìm cả những gì lấp ló ở bở bên kia của cái thế giới ta bà này...
Đột nhiên anh nói với tôi về một quẻ Dịch. Hình như quẻ Phục. Phục phản, quay về vòng đầu, trở lại cỗi rễ uyên nguyên, phất phơ mà đi, phất phơ mà lại, đồng đồng vãi lai tựa một đứa trẻ...
 
Ẩn ức giang hồ hiệp nghĩa...

Mấy chục năm trước, tình cờ được đọc một cuốn khảo cứu võ học viết về "Miền đất võ Tây Sơn", một cuốn sách mỏng chưa đầy một ngón tay, in trên thứ giấy xấu, chập chờn trong trí não tôi những chiêu thức võ công, những bài thảo dành cho người luyện roi trận, côn quyền, những huyền thoại về chàng Lía, những anh chàng thảo khấu nghĩa hiệp, những anh cướp Dư Đành mạt vận, những trận đấu cướp xôi ngày Tết, những cao thủ võ lâm mai danh ẩn tích trong chùa chiền, rừng sâu, xóm vắng, những bí kíp võ công mang cái tên mới nghe qua đã thấy bí ẩn "Lục tướng tàng vương phổ mình binh thơ chiêu pháp"... Nghe cứ như từ cõi nào vọng về.
Đọc tên tác giả Đỗ Hóa in trên bìa, cứ ngỡ như người ấy là một nhà võ học cao niên, khả kính, đang chế tạo cho mình những giấc mơ.
Mãi sau này, tôi mới hân hạnh được biết "người chế tạo giấc mơ" ấy cho tôi kém tôi tròm trèm mười tuổi. Một chàng trung niên thân thể vạm vỡ, chắc lẳn như được đẽo ra từ một khối đá gốc, mặt vuông vức, râu hùm, hàm én, lông mày rạm, tóc đen nhánh, mắt sáng rực mà ấm lạ lùng. Ôi, Đỗ Hóa chẳng phải chính là "giấc mơ tráng sĩ" của ta sao ? Tôi rạo rực nhủ thầm như vậy trong lần đầu tiên ngồi với anh trên Hàm Cá Mập, nhìn xuống mặt hồ Gươm lã chã mưa thu, tung tẩy đủ thứ chuyện, thanh nhẹ hồn nhiên mà trầm lắng, ngồi đấy mà hốt nhiên như phiêu lãng, xê dịch từ cõi đời rất thực sang mộng ảo lúc nào ai hay ? Anh luôn nói trống không với tôi nhưng tôi chẳng thấy lạ, chỉ thấy mình được dựa dẫm, ai ủi và mộng theo.
Anh chẳng nói gì về mình, chẳng giảng giải, cao đàm khoát luận, tôi cũng chẳng biết gì về anh, về công việc anh đang làm, về dự định dấn thân của anh, tôi chỉ đoán lờ mờ đằng sau, bên trong tấm thân cường tráng kia chứa đựng dường như những ẩn ức, ẩn ức giang hồ hiệp nghĩa, ẩn ức văn chương, ẩn ức truy cầu tinh hoa, ẩn ức tình đời và những món nợ trần gian phải trang trải.

(NV Nguyễn Khắc Phục)
 
Re: [Gương mặt] Thần tượng của tôi - NB/VS Đỗ Hóa

LUẬN ANH HÙNG QUA ẤN CHỨNG VÕ CÔNG, NHỚ ĐỖ HOÁ…

Có người bắt ta phải kính trọng. Có người làm ta yêu mến.
Có người khiến ta mơ mộng, nhớ nhung… Đỗ Hoá với tôi là thế.
Một năm là bấy nhiêu ngày, một ngày là bấy nhiêu lo toan, phiền muộn, thê tróc tử phọc mà. Xa nhau một năm rồi đấy nhỉ, Đỗ Hoá về Phố Hiến, dãi dề trên cánh đồng Ân Thi làm trẻ chăn trâu trong cõi phi tưởng, phi phi tưởng xứ, tôi còn vật vờ, còm cõi, luồn lọt giữa ngóc ngách mưu sinh Kẻ Chợ, nửa cằn cỗi như khô mộc trong nỗi thất vọng về mình, nửa đâm chồi hớn hở khi nhớ lại giấc mơ tráng sĩ.
Phải, tâm cảm ấy càng lởn vởn mỗi lần có dịp đi ngang qua con phố nhỏ Trịnh Hoài Đức, ngẩn ngơ nhìn lên một tấm biển sắt tây còn sót lại như dấu tích một giấc mộng, mầu sơn xỉn lại theo thời gian, nhưng chẳng vì thế mà mắt nhìn bớt rạo rực. Ấy là “Ngôi sao võ thuật”, chuyên đề của Thể Thao Ngày Nay.
Không lựa chọn, tay lần giở một số nào đó trong collection “Ngôi sao võ thuật”, đọc “Thư toà soạn” Đỗ Hoá viết, xem ảnh nữ vận động viên Mỹ Đức do Quốc Tuấn chụp, trong cùng một số chuyên đề, bỗng thấy lòng tha thiết…
Mỗi ngày qua đi, có ai đó làm được việc và ai đó bỏ phí thời gian tựa như nước chảy qua cầu. Người yêu võ tập thêm một giờ là được thêm một chút hoả hầu, dù chỉ đọc thêm một trang sách thôi cũng biết thêm về võ sử Việt Nam để mà yêu mà tin thêm… Có bạn đọc viết thư cho toà soạn: Có thể chuyên đề của ta chưa hay, chưa đẹp nhất, nhưng đó là cây cầu bắc cho những tấm lòng thượng võ gặp nhau. Ở nơi xa, bỗng một ngày nhận được chuyên đề Võ Thuật, đọc vài trang thấy sống mũi cay cay mà trong lòng vừa ấm áp vừa dâng lên cái ao ước sống tốt, ham làm việc thiện và hành hiệp ngay trong đời sống thôn dã của mình. Cám ơn nhiều lắm. Vậy có thể nào chúng ta dừng lại vì chút khó khăn kinh phí . Đó chẳng phải là tình cảm trân quý của trăm họ dành cho võ học nước nhà ư .
Để phù hợp với con nhà võ-những người vốn chẳng bao giờ khẳm túi, chuyên đề Võ Thuật cố gắng hạ giá thành để ngay bạn đọc nhỏ tuổi, bậc già cả đã về hưu có thể nhịn quà sáng một hai bữa cũng mua được. Và mỗi tháng chuyên đề có thêm một bài võ mới, dăm phương dược, một đoạn lý thuyết khí công, đoản khúc thiền hay vài mẩu chuyện võ lâm trong và ngoài nước, một tấm gương nhân cách của những đại hiệp trong lịch sử và dã sử… trở thành huyền thoại…
Chỉ còn ngót 11 tháng nữa, lần đầu tiên trong lịch sử võ thuật nước nhà, thiên hạ sẽ luận anh hùng qua “cuộc ấn chứng võ công Wushu toàn cầu” ( tức giải vô địch Wushu thế giới) trên đất Thăng Long, càng nhớ Đỗ Hóa - Huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia Wushu đầu tiên của Việt Nam, người xả thân cả đời cho niềm đam mê phát triển môn võ Wushu, mà cũng là người khai, truyền môn võ này ở Việt Nam, càng tha thiết với những giấc mơ tráng sĩ…

Phường Quan Hoa - Kẻ Chợ
Cuối đông - Nguyễn Khắc Phục
 

Đính kèm

  • 804c.jpg
    804c.jpg
    30.4 KB · Xem: 15
Back
Bên trên