Nguyễn Thanh Sơn và "Phê bình văn học của tôi"

Nguyễn Minh Châu
(xchau)

New Member
Nguyễn Quang Lập 12.11.02


Một cuốn sách đáng đọc, một nhà phê bình đáng chú ý
Về tác phẩm "Phê bình văn học của tôi" của Nguyễn Thanh Sơn, NXB Trẻ, TPHCM, 2002.

Trong khoảng mươi năm trở lại đây, những người viết trẻ xuất hiện khá nhiều nhưng họ chỉ hấp dẫn người ta bằng sáng tác. Người ta thường nhắc đến Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Bùi Hoàng Vị văn; Phan Huyền Thư,Văn Cầm Hải, Phan Nhiên Hạo thơ. Còn nữa, nếu muốn kể thêm, nhưng có lẽ đó chỉ là những giá trị ồn ào, cùng với thời gian họ khó lòng kết tủa.(Tôi nghĩ, nước ta bé lắm, trong chừng ấy năm, kiếm được dăm bảy người viết được là mừng lắm rồi. Các nhà văn trẻ xuất hiện rần rần, chiếm lĩnh văn đàn được như thời tiền chiến có lẽ còn lâu lắm hoặc không bao giờ nữa.) Tuồng như không có cây bút trẻ nào dám rời địa hạt sáng tác nhảy sang lĩnh vực phê bình, lĩnh vực vừa khó vừa gai, vừa bé hạt thóc vừa dai đồng tiền. Phê bình văn học vẫn là địa hạt của các nhà sáng giá và sang giá (chữ của Hoàng Ngọc Hiến), mấy chục năm nay vẫn trông cậy vào họ, trong khi họ đã rời bỏ phê bình từ lâu, đi làm kinh tế ở Bộ này Bộ nọ. Thỉnh thoảng có vài nhà sáng tác nổi cơn tam bành mò sang địa hạt này, khua chiêng gõ mõ ầm ĩ. Nhưng đó cũng là các cây bút đàn anh và họ cũng chỉ làm rúng động mặt hồ yên tĩnh trong chốc lát và làm các cuộc rượu của giới văn thêm phần vui vẻ, hào hứng một đôi lần.Trong tình hình đó, sự xuất hiện cuốn Phê bình văn học của tôi của Nguyễn Thanh Sơn, một cây bút phê bình văn học trẻ, thật đáng phấn khởi.

Cuốn sách mỏng thôi, chỉ 160 trang. Tác giả không hề có tham vọng làm "cái roi quất cho con ngựa văn học lồng lên", anh chỉ "làm một cuộc trò chuyện với "cái tôi thứ hai", rộng ra, anh muốn chia sẻ với những người cùng thời, đồng trang lứa về niềm vui mình nhận được sau những cuộc "gặp gỡ cái đẹp": "Sự chia sẻ niềm vui đó chính là cốt lõi cái việc mà tôi muốn làm "Phê bình cho mình", trước tiên, sau đó là chia sẻ với bạn. Còn nếu không tìm được "bạn", thì tôi đành trò chuyện với cái "tôi" của mình, sáng tạo ra một bạn đồng hành có thể chung bước với tôi tới vạn dặm".Ðiều đó giải thích vì sao anh lại lấy cái tên sách thoạt nhìn rất khó chịu, có thể ngay lập tức làm mất cảm tình người đọc dày dạn kinh nghiệm, sống quá lâu năm trong môi trường khiêm tốn giả tạo. Ðó hoàn toàn không phải là lời lẽ rào trước đón sau như muôn vàn lời nói đầu ta đã từng đọc, đó thực là mục đích làm phê bình của Nguyễn Thanh Sơn và cũng là tiêu chí cốt tử của cuốn sách. Sơn từ chối làm "cái roi" không phải chỉ vì anh không thích, đơn giản anh thấy đấy là lối phê bình đã lỗi thời, thường gây khó chịu các nhà văn và làm nản lòng người đọc vì những giáo huấn rông dài vừa sáo rỗng vừa dương dương tự đắc. Vả lại, trong lịch sử văn học Việt, nếu có lúc nào đó "con ngựa văn học lồng lên" thì hoàn toàn không nhờ "cái roi", mà chủ yếu là thái độ và ý muốn của người cầm roi. Sơn không nói một lời nào như vậy nhưng toàn bộ cuốn sách của anh đã toát lên điều đó. Có thể đọc thấy ý tưởng đó khi anh bàn đến những cuốn sách được viết ra để giáo dục người khác: "Bản thân tác giả, khi có ý định dùng tác phẩm của mình để dạy dỗ một điều gì đó, đã làm mất đi tính thiêng liêng của văn học. Anh ta nên hiểu rằng, anh ta là nhà văn chứ không phải là nhà đạo đức, rằng mỗi người đều có những thang giá trị của riêng mình và có cách cảm nhận khác nhau về tác phẩm. Ðiều quan trọng là tác phẩm của anh có đủ sức đánh thức những vùng thầm kín trong tâm hồn độc giả hay không... chứ không phải giảng giải cho họ về cuộc sống mà chỉ có họ mới định đoạt được."Phê bình lấy tâm sự làm căn bản làm cho phê bình thật hơn. Ðấy là lối phê bình chẳng mới mẻ gì nhưng khổ nỗi ở ta bây giờ dường như cái thật là cái mới.

160 trang "Phê bình văn học của tôi" nhất quán tâm sự da diết của Nguyễn Thanh Sơn về thực trạng văn học Việt và tương lai của nó.Với cái nhìn bình tĩnh và công bằng, với lối trình bày khúc chiết và lịch lãm, Sơn cố trả lời cho bằng được tại làm sao trong vòng 20 năm cuối thế kỷ 20, văn học Việt "bỗng chững lại", bỗng "tuột dốc một cách kỳ lạ" và liệu có hy vọng gì không ở những cây bút trẻ, thế hệ cùng thời với anh? Thực ra những kiến giải của Nguyễn Thanh Sơn cũng không hoàn toàn mới lạ, ta có thể nghe nó trong tiếng thở dài khi tàn cuộc rượu, hoặc chính trong mỗi nhà văn thỉnh thoảng lại vang lên trong những đêm mất ngủ. Cái chính là Sơn đã nói ra và nói với tâm trạng của người trong cuộc, đau đáu với nền văn học nước nhà. Lời nói thực thường khó nghe nhưng đọc Sơn ta nghe được dù không tránh được xót xa. Anh nói về thế hệ chúng tôi sau khi đã khẳng định tài năng một vài cây bút có thời gian đã làm nổi đình đám văn học nước nhà: "Thiếu hẳn một vốn văn hóa dài hơi, thế hệ nhà văn này mất hy vọng, mất đi một niềm vui sống để làm một điều gì đó khiến cho cái ngày mai đó đến gần hơn. Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi họ lặp lại mình chỉ sau một tập truyện ngắn đầu tay, và những sáng tác của họ mãi chìm trong một sự chờ đợi mệt mỏi và tuyệt vọng, một ngày mai sẽ không bao giờ đến." Nghe đắng lắm nhưng mà đúng, suy từ bản thân người viết bài này mà ra... Sơn chỉ ra rằng đa số nhà văn lớp trước đã "sống quá lâu trong chủ nghĩa hiện thực dễ dãi", đã quen "đóng vai trò người kể chuyện" chứ không phải "người sáng tạo truyện" " cho nên, thái độ thường thấy của họ lại rất mâu thuẫn, hoặc phủ định tất cả những tìm tòi, đổi mới bằng cách gắn cho nó những nhãn hiệu như lai căng học đòi, Tây hóa hoặc là ngược hẳn lại, ồn ào xưng tụng cho những tìm tòi chưa hẳn đã thành công đó như những giá trị tinh thần to lớn".Tôi nghĩ đó là căn bệnh trầm kha của mỗi người văn Việt, nhưng buồn thay, ai cũng nhìn rất rõ người khác đang mắc phải còn mình thì không.

"Phê bình văn học của tôi" dành một số trang đích đáng viết về Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp mà anh nói là "những đốm lửa làm ta ấm lòng" "trong bức tranh toàn cảnh khá là đáng thất vọng của văn học Việt Nam mười lăm năm qua". Thực tình Sơn đã không phát hiện được thêm gì trên những trang viết của họ. Có lẽ anh viết trong một tâm thế ngưỡng mộ, say đắm trong những suy tưởng ngoài văn bản mà quên mất vai trò phê phán cần thiết trước mỗi tác phẩm? Trong khi đó, những trang anh viết về thế hệ trẻ, về thơ trẻ hôm nay,"văn trẻ hôm nay" thực sự là những đánh giá đích đáng, rất có ích cho những cây bút trẻ nếu như họ biết rũ bỏ ngay những ảo tưởng, chịu khó lắng nghe Sơn.Tiếc thay những cây bút được như "nếu" thật hiếm hoi, hình như là không có.

Nguyễn Thanh Sơn bắt đầu viết phê bình văn học từ năm 1995, cuốn sách này là tập hợp những trang viết đầu tay của anh, tất nhiên còn nhiều bất cập trong lý lẽ mà anh đã gắng sức trình bày, nhiều vấn đề cần thiết phải bàn lại cùng anh cho thấu đáo.Việc anh tầm chương trích cú hơi bị nhiều cũng dễ gây mất cảm tình của người đọc, nó gây cảm giác anh không được tự tin cho lắm và vẫn chưa rũ sạch được sách vở để trở thành một người văn. Ngay lối vào đề nhẩn nha như ông cụ non, chứng tỏ anh ấp úng hơi lâu trước khi nói được điều cần nói. Nhưng đấy là những lỗi thuộc về kinh nghiệm. Ðọc Nguyễn Thanh Sơn ta không sợ mất thời gian, ngược lại ta cảm thấy vừa nhận thêm được một điều gì đấy, một điều gì khá mơ hồ nhưng chắc chắn không phù phiếm vô bổ. Biết nói gì sau khi kết thúc: "Phê bình văn học của tôi"? Dù ai tin hay không mặc lòng, tôi biết chắc anh sẽ là nhà phê bình sáng giá của tương lai, nếu anh không nản lòng trước những hệ lụy của đường đời, nếu cơm áo gạo tiền không túm cổ anh lôi đi như bao nhiêu cây bút phê bình khác chợt lóe lên rồi phụt tắt.
 
Nguyễn Hoàng Sơn

Lớp trưởng gỉa mới và những tín điều văn chương
(Nhân đọc tập "Phê bình văn học của tôi" của Nguyễn Thanh Sơn, NXB Trẻ, 2002)

... Những luận điểm của Nguyễn Thanh Sơn thật khó nắm bắt, nó được rào đón, che đậy, như con dơi khéo che đậy bản chất thực của mình. Thanh Sơn kiêu ngạo vì... cái sự ít tuổi của mình, cái sự sinh sau đẻ muộn khiến anh đồng hành được với internet và vô số những tiện nghi hiện đại khác. Anh hợm hĩnh trước "Một thế hệ viết bằng bút bi ...lại lo lắng cho một thế hệ viết bằng máy tính", cười nhạo "một nhà văn già khóc vì thương thế hệ trẻ không chịu đọc Kant hay Niezstch", bởi vì anh biết bao nhiêu thứ còn cao siêu bằng mấy! Anh châm biếm một thế hệ người đọc "vừa ra trận địa vừa thổn thức về một Bình minh mưa", những người " nghiền ngẫm Nhà thờ Ðức bà Paris, sách Trích giảng Văn học lớp bảy hay Phương pháp gieo mạ với một sự cẩn trọng như nhau ".Thế hệ Thanh Sơn bây giờ "oai" hơn nhiều , họ có thể "rẽ vào những trạm bán sách điện tử, trả tiền để nạp bản mới nhất vào công cụ đọc sách điện tử..., hoặc tải thẳng chúng từ internet". Sợ chưa! Nhưng còn nữa "Người ta cũng phải quen (!) với việc họ thay đổi tuỳ thích màu nền của những trang sách điện tử, hay tự thiết kế hình ảnh của cuốn sách mà họ đang đọc". Thật y như một sân khấu nhạc rock, nơi nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn sẽ xuất hiện với cương vị "chủ soái", kè kè chiếc máy tính xách tay như anh hề không rời cây gậy và chóp mũi cà chua, rao giảng những điều thật tót vời. Anh không để cho ai nghi ngờ về sự trẻ trung, hiện đại, ưu tú của mình. Nhưng rất nhiều khi anh lại đóng vai một "ông cụ non" (chữ của Nguyễn Quang Lập, một người hâm mộ Thanh Sơn) vỗ về, dạy bảo, chăn dắt những người cùng lứa . Anh phán xét "vốn văn hoá của các cây bút trẻ quá mỏng", xoa đầu Vi Thuỳ Linh "Biết viết gì về một tập thơ của một nhà thơ khi đã được xuất bản. Viết rằng cô còn rất trẻ, và có vẻ vô cùng thông minh". Cái lối xoa đầu này khiến Vi Thuỳ Linh nổi khùng lên cũng là điều dễ hiểu! Tính cách dơi còn thấy rõ trong nhiều mối quan hệ khác. Thanh Sơn đứng trên những quan điểm thực dân để chê bai, khinh bỉ văn hoá dân tộc Việt nhưng lại dạy dỗ những người viết trẻ cần "Bao dung, độ lượng (!) với cả những cái cũ". Anh đóng vai nhà phê bình đối lập nhà văn , đòi hỏi "trả phê bình lại cho độc giả", rồi lại thèm muốn vinh quang của người sáng tác " nhà phê bình cũng phải đồng thời là một nhà văn"! Những lập luận nguỵ biện kiểu con dơi này được che đậy thêm bằng một lối viết màu mè, "mượn áo trăm nhà". Tuy nhiên, không phải không thể nắm được cái đuôi khỉ đã được nguỵ trang thành cây cột cờ giồng sau ngôi miếu giả sơn phết cầu kì. Một sự bóc tách tỉ mỉ sẽ cho thấy Thanh Sơn là " nhà phê bình sáng giá của tương lai...đau đáu với văn học nước nhà...bình tĩnh và công bằng...khúc chiết và lịch lãm..." (Nguyễn Quang Lập), hay chỉ là người phát ngôn cho một nhúm trưởng giả mới khiếp nhược trước những hào nhoáng của phương Tây, dè bỉu chê bai văn hoá dân tộc mình, với giọng điệu xấc xược đôi khi trở nên khiêu khích?


1. Kẻ khinh mạn dân tộc mình một cách không giấu giếm

Cuốn sách của Thanh Sơn có thể chia thành hai phần. Phần đầu là những bài mang tính "tuyên ngôn","lí luận chung". Phần sau là những bài thẩm định những tác giả cụ thể .Thanh Sơn không hề che dấu thái độ khinh bỉ của mình đối với văn hoá, văn học Việt, rõ nhất trong bài "Di sản và đổi mới văn chương Việt Nam". Trước khi lên giọng kẻ cả bảo ban các nhà văn trẻ nên tiếp nhận "những lỗ hổng của nền văn hoá dân tộc" bằng "một tấm lòng khoan hậu", "bao dung" (ghê chưa!), Thanh Sơn dùng tới hai phần ba bài viết để xỉ vả văn hoá Việt Nam . Nền văn hoá đó chỉ là "một thứ bánh vẽ mà cõi vô thức của dân tộc tự sản xuất để có thể tồn tại với những nền văn hoá láng giềng. Vì thế mới thưa thớt thế những giá trị văn hoá có thể nắm bằng tay day bằng mắt, mới nghèo nàn thế những áng văn chương bất hủ, mới nhọc nhằn thế khi đi tìm những huyền thoại thuần Việt" . Nói thế e còn chưa đủ "đô" nên Nguyễn Thanh Sơn bồi thêm "đơn giản vì những giá trị như vậy không còn tồn tại, hay không còn tồn tại theo nghĩa một hệ thống". Thanh Sơn khoái chá khi "bắt quả tang" chúng ta, "tất cả(?) đều ấp úng khi bị người ta hỏi thẳng bản sắc dân tộc đó thực sự là gì" . Cái "di sản văn hoá bánh vẽ" ấy làm Thanh Sơn "phát ngấy" và anh " khoan dung" -theo nghĩa là đồng tình- với những "con mắt mới" nhìn thấy chuyện nàng Tô Thị chỉ là "một câu chuyện loạn luân", huyền thoại Âu Cơ đích thị "một cuộc sinh nở quái thai", còn chuyện "Trí khôn" thì rõ ràng là "một bằng chứng cho tính khôn ngoan vặt và ưa lừa gạt của người Việt"! Sau khi khẳng định dõng dạc "Di sản văn hoá của chúng ta nghèo nàn", Nguyễn Thanh Sơn cho rằng chúng ta chỉ là "đứa con của một nền văn hoá tiểu nông, lạc hậu", bị một "thằng cha lịch sử nào đó...tống lên vai...một di sản văn hoá thưa thớt". Tôi chưa từng đọc một tác giả nước ngoài nào khinh bỉ văn hoá Việt Nam " được" như Thanh Sơn. Tôi không hiểu anh quan niệm văn hoá là thế nào? Phải chăng dưới mắt anh , văn hoá Việt Nam chỉ là "ba cái lặt vặt": "cây đàn tranh", trò "múa rối nước", "các lá bùa,phướn"? Ðấy là quá khứ, còn hiện tại? Chỉ có "chín trong số mười cô gái Huế...đều khoe ra bức ảnh diện áo dài màu tím đi trên cầu Trường Tiền,...tất thảy các bài thơ về Hà Nội đều xộc hương hoa sữa và ... người ta cứ xấn sổ tống vào tai ta truyền thuyết chàng Công nàng Cốc từ lúc bước vào cho đến khi rời khỏi Thái Nguyên". Sự khinh bỉ phì ra từ mỗi dòng chữ! Thảo nào Nguyễn Thanh Sơn tâm đắc đến thế với "nỗi phẫn nộ ngun ngút nung nấu (!)" của Phan Huyền Thư trong những câu thơ xỉ vả những "cô nàng chân cong váy ngắn/ loé xoé tiếng địa phương/ những nàng nhâm nhi văn chương/ khen nhau cố hớp giọng thị thành" (Xem bài phê bình " Phan Huyền Thư Nằm nghiêng" của NTS, báo TT&VH, 5/11/02). Sự giận dữ của nhà phê bình và nhà thơ, những người "Hà Nội gốc" (?) khi bị người ta xâm phạm đến "thương hiệu" này mới ghê gớm làm sao! Nhưng một "nhà phê bình" nói về "di sản văn chương" mà chẳng hề nhắc đến văn chương trong bảng liệt kê di sản ấy, tôi ngờ có lẽ anh chỉ đọc những "siêu tiểu thuyết" trên máy tính (tất nhiên!), chẳng đọc gì văn chương Việt ngoài mấy quyển sách của "các nhà văn mới" mà anh khen hết lời? NTS có bao giờ đọc một câu Kiều, một bài thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, một tập thơ Hồ Xuân Hương không nhỉ? Rồi Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh ... ? Từ thế kỉ 15, Nguyễn Trãi đã dõng dạc " Như nước Ðại Việt ta thuở trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu". Bấy giờ chúng ta còn chưa có Nguyễn Du, chưa có Truyện Kiều. Mà chỉ với Truyện Kiều, chúng ta đã có thể ngẩng cao đầu trong khu vực và trên thế giới. Một nhân vật Tây học đầu thế kỉ trước là Phạm Quỳnh, hợp tác với Pháp và Nam triều, hiểu biết và hâm mộ văn hoá phương Tây mà vẫn hết sức tự hào về Truyện Kiều, về văn hoá Việt Nam. Những lời xưng tụng Truyện Kiều, xưng tụng văn học Việt Nam của Phạm, tuy có thiên vị theo lẽ thường tình, nhưng không phải là không có hạt nhân hợp lí "Không thể so sánh với văn chương khắp các nước, ta hẵng so sánh với văn chương hai nước có liên tiếp quan hệ với ta, là văn chương Tàu và văn chương Pháp. Văn chương Tàu thật là mông mênh bát ngát, như bể như rừng. Nhưng trong rừng văn bể sách đó, tưởng cũng ít quyển sánh được với Truyện Kiều... Gốc truyện tuy do một bộ tiểu thuyết Tàu mà ra, nhưng vào tay cụ Tiên Ðiền ta biến hoá hẳn, siêu việt ra ngoài cả lề lối văn chương Tàu, đột ngột như một ngọn cô phong ở giữa đám quần sơn vạn hác vậy...Truyện Kiều có thể sánh với những áng thi văn kiệt tác của quý quốc ( nước Pháp-TG)...Nhưng mà ngay trong văn chương nước Pháp tưởng cũng không có sách nào giống hẳn như Truyện Kiều, vì Truyện Kiều có một cái đặc sắc mà những nền kiệt tác trong văn chương Pháp không có. Ðặc sắc ấy là sự "phổ thông"..."

(trích Bài diễn thuyết của Phạm Quỳnh tại Hội Khai trí tiến đức, 8/9/1924- sách "Nguyễn Du- Về Tác gia và Tác Phẩm, NXB Giáo Dục, 1998). Tôi phải trích dẫn hơi dài những ý kiến của Phạm Quỳnh, một nhân vật "có vấn đề" theo quan niệm chính thống , để thấy hết sự vô lối, sự bất thường, sự khiêu khích trong những luận điểm của Nguyễn Thanh Sơn rêu rao về sự "nghèo nàn", "tiểu nông, thuộc địa" của "di sản văn hoá bánh vẽ", tức là văn hoá Việt Nam! Ở đâu nảy nòi ra một kẻ ngang nhiên phỉ báng dân tộc mình thế nhỉ? Tôi nghe nói Thanh Sơn năm nay khoảng 30 tuổi, từng đi học ở Nga, ở Mỹ, nay đương làm đại lí cho một công ty buôn bò nào đó của bang Oclahoma Hoa Kỳ, có một cuộc sống trưởng giả, thời thượng. Những người như Thanh Sơn bây giờ nhan nhản, đến các quán "Cơm trưa văn phòng" hạng sang là có thể gặp họ. Tôi không tin tất cả những người trẻ ấy đều nghĩ về văn hoá Việt, về dân tộc mình như Nguyễn Thanh Sơn ? Nếu ngược lại, thì thật đau lòng. Chúng ta làm sao tiến lên hiện đại hoá, sánh vai với các nước tiên tiến được nếu mang theo tâm lí tự ti, tâm lí nô lệ, sùng ngoại đến thế? Thanh Sơn nhắc đến Azit Nexin, đến Bá Dương rồi Lỗ Tấn, hàm ý so sánh mình với những người ấy (!), những người "dám" nhìn thẳng vào cái xấu, cái kém của dân tộc mình. Khẩu hiệu này đương là cái mốt của một số người lúc nào cũng coi mình là tinh tuý của cộng đồng. Nhưng Lỗ Tấn (cũng như Nêxin của Thổ ) là một chuyên gia lớn và luôn luôn tự hào về truyền thống văn hoá dân tộc Trung Hoa, vì niềm tự hào ấy mà ông càng căm hận bọn thống trị phản động đã đẩy đất nước đến cảnh yếu hèn, nhân dân phải sống tối tăm, cùng khổ . Sự phẫn nộ của Lỗ Tấn bắt nguồn từ một tình yêu lớn, nói như Nguyễn Ðình Chiểu của chúng ta "Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương". Còn sự dè bỉu của Thanh Sơn đối với văn hoá Việt lại xuất phát từ sự kém hiểu biết, sự khiếp nhược, loá mắt trước những giá trị tinh thần phương Tây, đôi khi chỉ là một thứ tiện nghi nào đó, như cái máy tính có nối mạng mà anh luôn luôn mang ra hù doạ. Chỉ nói Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Truyện Kiều...chắc anh sẽ nhăn mặt "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi", vậy xin nói chuyện văn học Quốc ngữ. Ngoài sách tây, sách Mỹ , không hiểu anh có bao giờ "mó" đến Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử... không nhỉ? Mới đây, tại cuộc hội thảo nhân 90 năm ngày sinh Vũ Trọng Phụng, một nhà nghiên cứu Mỹ đã đánh giá "Vũ Trọng Phụng không thua kém bất cứ nhà văn lớn nào trên thế giới", không hiểu nhận xét ấy có khiến NTS... phẫn nộ? Chỉ cần nhớ lại : trong khoảng 20 năm, từ khi tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách ra đời (1925), đến năm 1945, chúng ta đã có cả một nền tiểu thuyết trưởng thành, một nền thơ hiện đại "diễn lại trong mười năm cái lịch sử một trăm năm của thơ Pháp" (Hoài Thanh), với những tên tuổi lớn như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Huy Cận, Xuân Diệu, Tố Hữu..., chắc không ai có thể đồng tình với mặc cảm tự ti của Thanh Sơn? Không ai đánh giá một nền văn hoá (tức là tâm hồn cả một dân tộc) hoặc so sánh giữa các nền văn hoá chỉ bằng cái việc tính đếm những gì "nắm bằng tay, day bằng mắt" , nhưng ngay cả cái việc tính đếm ấy Nguyễn Thanh Sơn cũng không biết làm hoặc đúng hơn là làm một cách gian lận. "Những giá trị văn hoá có thể nắm bằng tay, day bằng mắt" mà Thanh Sơn cố tình không nhìn thấy thì cả thế giới đã nhìn thấy rồi. Ðó là những di sản văn hoá thế giới được UNESCO công nhận (Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Khu bảo tồn thiên nhiên Hạ Long); là những danh nhân văn hoá thế giới với những kiệt tác của họ (Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh). Khi TT Mỹ Bill Clinton lảy một câu Kiều, một câu thơ Nguyễn Trãi trong buổi nói chuyện với sinh viên Việt Nam (năm 2000), tất cả chúng ta đều ồ lên thích thú, càng thích thú hơn khi ông thông báo rằng một tập thơ của Hồ Xuân Hương dịch ra tiếng Anh đang được bán rất chạy ở Mỹ. Ai cũng hiểu rằng đây là động thái ngoại giao khôn khéo của ngài TT Hợp chúng quốc, nhưng trong đó hàm chứa một sự ngưỡng mộ thành thực khiến mỗi người Việt Nam yêu nước đều có quyền tự hào. So với cả sự khách khí của ông Bill thì "nhà phê bình văn học" Nguyễn Thanh Sơn vẫn xứng đáng là một ví dụ về một người Việt Nam Mỹ hơn cả những người Mỹ thực dân nhất. Thái độ này chỉ có thể tìm thấy ở những đầu óc vong bản tồi tệ nhất đầu thế kỉ trước, những "ông Tây An Nam" mà Tú Mỡ đã điển hình hoá " Tiếng Tây ông nói làu làu/ Hỏi văn Quốc ngữ lắc đầu rằng "nôông"! Ðọc Thanh Sơn, không hiểu sao tôi cứ liên tưởng đến một truyện ngắn của Nam Cao, truyện "Tư cách mõ". Cái câu anh mõ thốt ra cuối truyện, thật là cười ra nước mắt " Mẹ nó chứ, bẩn cả với mõ!" Nếu anh mõ chỉ nghèo, chỉ khổ thôi, anh ta vẫn là một con người. Nhưng anh ta lại tự khinh mình đến thế thì, hỡi ôi! Một dân tộc cũng vậy, nếu chỉ nghèo, khổ, chậm phát triển nhưng còn tự trọng thì còn có cơ vươn lên, nhưng khi những đứa con của dân tộc ấy bắt đầu khinh bỉ cái cộng đồng đã sản sinh ra nó, dung dưỡng nó, thì tình thế có cơ tuyệt vọng. Một người cầm bút trong tâm thế như vậy liệu có thể nói được điều gì đáng gía đây?


2. Không hiểu nghề văn và tiến trình văn học

Ngay với văn học Việt Nam đương đại, Thanh Sơn cũng có rất nhiều ý kiến hồ đồ, võ đoán . Trong bài viết "Nếu còn có ngày mai" anh đặt câu hỏi "liệu có hay không một ngày mai cho văn học Việt Nam"? và vẽ nên một bức tranh thật ảm đạm . Theo anh, văn đàn trong những năm cuối thế kỉ trước tràn ngập "những tác phẩm rẻ tiền, những best seller...tồn tại ít nhất trong một phần tư những người biết đọc biết viết". Nhận định này đúng, thậm chí còn nương nhẹ. Hiện nay xuất bản là lĩnh vực "loạn" nhất, các con buôn sách dám in bất cứ cuốn sách nhảm nhí nào, cốt để hốt bạc, với sự đồng loã của các quan chức có quyền cấp phép. Nhưng nói rằng "Văn học Việt Nam thời gian vừa qua...không xác định được độc giả của mình và thiếu đi niềm tin..." là nói trùm lợp, thiếu trách nhiệm. Thời nào cũng có sách rẻ tiền và những cây bút rẻ tiền, thậm chí bồi bút, nhưng nói trùm lợp như thế là xúc phạm đến những nhà văn chân chính. Nguyễn Minh Châu (1930 -1989) chẳng hạn, ông đâu có "cảm giác bị bỏ quên bên lề đường một xã hội biến đổi quá nhanh (không nhanh đến thế đâu-NHS) khiến cho các sáng tác của họ thường lui về chiếc vỏ ốc của mình và than tiếc cho một thời đaị "nhân văn" đã qua" như Thanh Sơn phán? Những tác phẩm cuối đời của ông (Khách ở quê ra, Cỏ lau, Phiên chợ Giát...) là những tìm tòi đã đến độ chín, có giá trị, mở đường cho nhiều cây bút sau này. Viết văn, làm thơ là một trong những nghề khó nhất. Tài năng luôn luôn là một bí ẩn. Khó mà "đặt kế hoạch" cho sự ra đời của những tác phẩm bất hủ. Chúng ta chỉ có thể tạo những điều kiện thuận lợi (theo suy nghĩ của chúng ta) và chờ đợi. Rất nhiều thời đại lớn trôi qua mà chẳng để lại dấu vết gì đó thôi. Bởi thế, dù chưa hài lòng, dù còn ít ỏi nhưng những gì mà nhà văn ta làm được trong khoảng giao thời giữa hai cơ chế cũng rất đáng trân trọng. Không hiểu gì về bản chất quá trình sáng tạo văn học nhưng lại cao ngạo vô lối, Nguyễn Thanh Sơn đưa ra "thực đơn" cho những ai muốn viết được tác phẩm để đời, đôi khi rất nực cười. Ðối với văn xuôi thì "phải khai tử cho lối viết truyền thống lấy nhân vật làm trung tâm".Rồi thì "chỉ nói chuyện mình", tránh cho xa những vấn đề xã hội rộng lớn, nỗi bức xúc của nhân dân.Nhà văn bây giờ, theo Thanh Sơn "không ai ... còn tin vào những giá trị đã được định giá, thành khuôn mẫu trong xã hội"(?). Họ phải" chống lại sự giả dối,...chống lại cái xã hội kí hiệu hoá đã biến con người thành những cỗ máy sinh học"- một nhận định hồ đồ, vơ đũa cả nắm. Cả những câu " vu vơ" thế này cũng không ổn "So với Sơn Tinh, Thuỷ Tinh người hơn rất nhiều, vì thế chàng thua cuộc cũng là điều tất yếu". Có đúng thế không? Những kẻ xâm lược bị những người bảo vệ Tổ quốc đánh cho phải cuốn gói cũng "người" hơn đối thủ của chúng ư? Về thơ, Thanh Sơn "dạy" "Thơ ca không phải sự biểu hiện của cá nhân, mà là sự chạy trốn khỏi cá nhân. Tất nhiên chỉ có những người có cái tôi và có cảm xúc (!) mới thấu hiểu thế nào là chạy trốn khoỉ những thứ ấy. Chạy trốn không có nghĩa là từ chối cái tôi, từ chối cảm xúc mà chính là chạy trốn để giữ nguyên cho mình cảm xúc sâu sắc đối với thế giới xung quanh và một cái tôi luôn luôn tươi mới, trăn trở" (Xem TT&VH, số đã dẫn). Những câu nửa ngô nửa ngọng này (chạy trốn là...chạy trốn), tôi đố nhà thơ nào tiếp nhận nổi, thôi đành mang tiếng là không có "cái tôi và cảm xúc" vậy!


3. "Phê bình văn học của tôi" nhưng chẳng có gì...của tôi

Thực ra , trong nghề phê bình, xuất hiện ở lứa tuổi Nguyễn Thanh Sơn cũng không còn là trẻ nữa. 60 năm trước (1942), khi công bố "Thi nhân Việt Nam", Hoài Thanh 33 tuổi, nhang nhác tuổi NTS bây giờ. Vậy mà ông lịch lãm, chín chắn biết bao. Cái chủ trương "Phê bình văn học cho mình" mà Nguyễn Thanh Sơn phải dùng tới 6 trang in để tuyên ngôn vừa huyênh hoang, vừa thiếu tự tin thì Hoài Thanh chỉ viết đúng...một dòng "Biết làm sao chiều được tất cả mọi người? Âu là tôi chỉ chiều tôi vậy." (TNVN, Văn học 1988, tr 370). Ðây là tuyên ngôn ngắn gọn và đầy đủ của lối phê bình ấn tượng, một lối phê bình có nguồn gốc từ sinh hoạt thẩm văn ,bình văn xa xưa . Cũ người, mới ta, Thanh Sơn cứ huyễn hoặc rằng mình đã phát kiến ra một lối phê bình mới cũng không sao, miễn là những gì viết ra phải là "của tôi" thật. Tiếc rằng những cái "của tôi" made in Thanh Sơn không sao tìm thấy giữa một rừng trích dẫn, từ Saint Exupery, Kawabata đến Phạm Thị Hoài, nhất là Phạm Thị Hoài! Nguyễn Quang Lập "hẩu" với Nguyễn Thanh Sơn là thế mà vẫn phải phàn nàn "tầm chương trích cú hơi bị nhiều gây cảm giác anh không được tự tin cho lắm". Cách hành văn cũng vậy. Những "người ta kể rằng" mở đầu cho những ngụ ngôn vay mượn, khiến người đọc sách Thanh Sơn mà cứ thấy lù lù cái bóng ông Raxun Gamzatov, không, cái bóng dịch giả Phan Hồng Giang! Có lẽ sáng tạo nhất của Nguyễn Thanh Sơn là những đoạn văn du dương, ướt rượt, với những ví von độc chiêu kiểu này "Những con người luôn luôn lên đường đi tìm cái quý giá nhất ẩn sau bộ váy dạ hội của sự thật: chân lý". Không hiểu chân lý ẩn sau váy thì sẽ mang hình gì? Nguyễn Quang Lập nhận xét về những bài Thanh Sơn phê bình- thực chất là xưng tụng - Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài " Thực tình Sơn đã không phát hiện được thêm gì trên những trang viết của họ. Có lẽ anh viết trong một tâm thế ngưỡng mộ, say đắm trong những suy tưởng ngoài văn bản". Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài đều xuất hiện và được khẳng định khá lâu trước khi Nguyễn Thanh Sơn cầm bút ( 1994). Ðể "làm mới lại" vấn đề, tranh đấu cho "bản quyền" phát hiện của mình, Nguyễn Thanh Sơn thường dựng nên những "vụ án ảo" rồi lớn tiếng biện hộ. Chẳng hạn trường hợp "Thiên sứ" của Phạm Thị Hoài, anh nói xưng xưng rằng "Thiên sứ chỉ gặp phải sự lạnh lùng của giới phê bình Việt Nam. Người ta nhắc khẽ (!) đến nó trong những cuộc nói chuyện không chính thức của giới văn nghệ, tác phẩm được biết tới trong một nhóm rất nhỏ những người yêu văn học, vậy thôi. Một số nhà phê bình nhanh nhảu đã kịp viết bài chỉ trích, tiếc thương cho một tài năng trẻ sớm sa vào cạm bẫy của "chủ nghĩa hiện sinh", "chủ nghĩa siêu thực" và vô số những "ismes" gì đó mà những đầu óc 'thông kim bác cổ" đó vốn rất sẵn. Nhưng thời đại đã khác rồi và một trận đòn hội chợ đã không kịp xảy ra. Bị thích trên mình dấu hoa huệ của một tác phẩm "có vấn đề", Thiên sứ chìm trong một sự im lặng đầy ác ý, và ngay cả các giải thưởng quốc tế mà nó giành được gần đây cũng không đủ sức xoá tan bức màn im lặng đó". Thực ra, Phạm Thị Hoài được in lần đầu trên báo Văn nghệ, Thiên sứ thì xuất hiện trên tạp chí Tác phẩm Văn học, cùng của Hội Nhà văn Việt Nam, chẳng có "trận đòn hội chợ" nào chờ nó cả, còn việc có người khen kẻ chê là biểu hiện bình thường của một nền văn học lành mạnh. Cái điều đáng "phát hiện" nhất thì Thanh Sơn không phát hiện được và cả làng văn đến năm 2002 này cũng mới biết: Thiên sứ đã vay mượn gần như nguyên xi hình tượng và thủ pháp của Gunter Grass trong Cái trống thiếc ( xuất bản lần đầu 1956, Nobel 1999, Dương Tường dịch ra tiếng Việt 2002). Thanh Sơn rất khéo biến "của người" thành "của tôi", dễ thấy nhất là trong bài " Tiếp thị cho một giải Nobel văn chương Việt Nam". Cái việc Cao Hành Kiện, nhà văn Trung Quốc nhập tịch Pháp được giải Nobel 2000 với tác phẩm Linh Sơn khiến văn giới toàn cầu ngỡ ngàng vì Cao vốn không nổi tiếng lắm. Nobel cũng chỉ là một tiêu chí, tuy quan trọng nhưng không phải là tất cả. Vậy mà Thanh Sơn hớn hở, vênh vác, kiêu ngạo như ...người ở nhà ông Cao, đắc thắng "Giá giải thưởng này được trao cho một ông già gần đất xa trời như Ba Kim, hẳn cả nước Trung Hoa đã lên một cơn hưng phấn có tổ chức để đón nhận vinh quang". Cái vênh vang kiểu đầy tớ cậy thế chủ nhà đã trở nên không thể chịu nổi khi anh chàng nhận vơ này xấc xược thoá mạ toàn thể các nhà văn TQ "Nỗi ghen tức ngấm ngầm trước việc gã hàng xóm của mình bỗng chốc trúng số độc đắc sẽ không thấm vào đâu nếu đem so sánh với sự lồng lộn của các nhà văn Trung Quốc mấy tuần vừa qua"! Cứ như là Thanh Sơn đã kịp bay sang phỏng vấn tất cả các nhà văn của đất nước 1,2 tỉ dân ấy vậy! Anh nói như đinh đóng cột " Linh sơn, không nghi ngờ gì, là một tác phẩm lớn", mà tôi đoán chắc là lúc ấy anh chưa hề đọc một dòng nào (năm 2002, Linh Sơn mới được Trần Ðĩnh dịch ra tiếng Việt ). Cái lôgic của Thanh Sơn cũng đơn giản thôi: đã đoạt giải Nobel ắt phải là tác phẩm lớn, không lớn sao lại được giải Nobel! Chẳng khác gì lí sự của dân làng Mùi: AQ bị cụ cố đánh, ắt là anh ta sai, không sai sao cụ cố lại phải đánh. Cái căn tính nô lệ, thuộc địa biến hoá khôn lường. Thật ra Thanh Sơn cũng chẳng lập luận gì đâu, báo đài phương Tây nói gì, anh diễn nguyên ra thế, chỉ "quên" không nói rằng đây là ý kiến của ông Tây, ông Mỹ nào thôi. Thì tên sách là "Phê bình văn học của tôi" kia mà!

18/11/02

(Văn Nghệ Quân Đội, tháng 11 năm 2002)
 
Linh Sơn

Xưa, có anh đồ già
(Tặng anh Nguyễn Hoàng Sơn nhân đọc bài Lớp trưởng giả mới và những tín điều văn chương-Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 563. Cám ơn Cái trống thiếc)

Xưa, có anh đồ già, xuất thân là toan tú tài1, gia sản một mẻ chữ Nôm, cũng khủng khỉnh cọ đít nồi viết câu đối Hán. Học dù chưa hết Tam tự kinh, mở miệng ra là chi hồ giả dã, thấy chỗ đông người nào cũng cố chen vào để giả dã chi hồ. Người ta thương tình cất cho một nóc nhà hôm trước, hôm sau đã nhanh chân rước bài vị to đùng của bác Hai Khổng về đặt trên bàn thờ tổ. Từ đó nhang thơm đèn thắp, cáo mượn oai hùm, phỉ sức để móng lá lan, sắm đồ tứ bảo. Rồi cũng vuốt râu thả thơ, vén mồm nếm cuội2. Mỗi khi niên chung nguyệt quí3, lại cảo mực đề văn, nghĩ mình như Lý, Ðỗ4.

Xưa, có anh đồ già, một bữa đang chi hồ giả dã, giả dã chi hồ, trong đám ngủ gật, có kẻ không chịu được che miệng ngáp thành tiếng5. Anh về nhà nghĩ câu hữu thù vô báo6 mà không ăn khó ngủ, nghe chuyện xẻ thịt lột da mà trằn trọc không yên. Hận chẳng kiếm ra gươm đoạn sầu, buồn không làm được thơ trục muộn. Một buổi, buồn đi thơ thẩn, thấy sách kẻ kia bán bên đường, anh cầm một cuốn thuận tay giở xem. Về nhà đọc kỹ, bất đồ cả mừng, lập tức lấy bút lông, vạch năm sáu chỗ. Tới trang cuối cùng thì thét lớn một tiếng, mạnh tay viết ngay bốn chữ đại nghịch vô đạo. Viết rồi sực tỉnh, quăng bút ôm đầu, than mình sinh bất phùng thời, giận thân chui không đúng lỗ. Giá lùi lại vài trăm năm trước, sống nhờ nhà Ðại Thanh, lại làm một gã họ Ngô, may cũng gây nên một "văn tự án"7. Mưu sâu há chẳng cửu tộc tru di, kế hiểm công thành vu oan giá hoạ.

Xưa, có anh đồ già, xuất thân là toan tú tài, gia sản có một khoẻn chữ Nôm, nhưng lúc nào cũng ra vẻ ta đây khủng khỉnh cọ đít nồi viết câu đối Hán. Ðau chẳng viết được Thất trảm điều, đành gọi người ta là mèo là chó. Tự nhận mình là Thành Hoàng làng, lại ví kẻ kia như mõ. Vốn chẳng đọc hết cụ Nguyễn cụ Cao, đã toan núp váy nàng Kiều, che cho kín võ. Quanh đi quẩn lại, vẫn một khoẻn chữ cỏn con. Hết bắt Kiều tô son, lại đem ông bạc tình lang8 ra điểm phấn. Giận người nói Tây nói U, cố tìm ra hai ông mũi lõ. Học phường bán cá, chửi chẳng ngượng mồm. Theo lũ buôn tơ, ăn không nói có. Vu người mại quốc vong nô, chẳng phải giống da vàng máu đỏ. Nuốt câu bớt chữ, gọt cốt vừa giầy. Thêm dấm thêm tương, Sơn Ðông mãi võ...

Xưa, có anh đồ già, kiến thức lỗ mỗ lơ ngơ, văn chương tú tài cho có. Sách dù in Ðông in Tây, vẫn khăng khăng "tau nỏ chộ"9. Văn có người thuộc nằm lòng, vẫn một mực "rằng không có". Phùng mang trợn mắt, học nghề phù thuỷ nhát ma. Lao tứ khổ tâm, quyết thành sư ông bắt chó.

Lại, có anh đồ già...

10.12.2002




--------------------------------------------------------------------------------

1 Tú tài chua-chỉ người học trò kiết, không có kiến thức

2 Xem Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân

3 Tháng tận năm cùng, chỉ Tết

4 Lý Bạch, Ðỗ Phủ

5 Xin đọc bài tường thuật hội thảo thơ "Những chuyển động trong thơ Việt nam hiện đại", bài "Ðám ma bác giun" đăng trên Talawas ngày 23.09.2002

6 Hữu thù vô báo phi quân tử/Vô thù hữu báo đại trượng phu (đùa)

7 Ngô Chí Vinh đời nhà Thanh, vu cho Tra Y Hoàng và Cố Viêm Võ, những người chấp bút cuốn Minh Sử, là có ý đồ phản nghịch, gây nên "văn tự án" trong lịch sử Trung Quốc. Vụ án văn tự này khiến hai dòng họ Tra, Cố bị nhà Thanh tru di cửu tộc.

8 Xem Ông Phạm Quỳnh là bạc tình lang-Ngô Tất Tố

9 Trong bài viết của mình, do hạn chế về ngoại ngữ, anh Nguyễn Hoàng Sơn cho rằng người ta chỉ đọc được cuốn Linh Sơn bằng tiếng Việt mà quên mất rằng, người ta còn có thể đọc sách qua bản tiếng Anh, vốn đã in ở Úc từ lâu. Dòng đầu tiên của Thiên Sứ ghi rõ: "Cuốn sách bắt đầu từ một điển tích của nhà văn G.G và những chuyện khó tin của nhà thơ F". Bây giờ, tức 14 năm sau, anh Nguyễn Hoàng Sơn mới kịp hiểu ra G.G là ai. Thôi thì muộn còn hơn không, nhưng đừng nghĩ ai cũng chậm hiểu như mình.
 
Nguyễn Luyện


Phê bình văn học, cứng họng và vai trò làm bố


Tôi lo, lo lắm, rằng không có ai viết trả lời bài "Lớp trưởng giả...". Bản thân tôi cũng không muốn viết, hoặc đúng hơn là không thể viết gì về nó. Nhưng không viết thì lại bực. Tôi bực, bực lắm. Tại sao?

Tại vì tôi cứng họng. Tôi cứng họng như bất kì ai định đi tranh luận với cái kẻ cứ khăng khăng rằng quả đất vuông như cái bánh chưng còn quả mặt trời thì quay tít thò lò xung quanh nó.

Đứng trước những người như vậy thì ai mà không cứng họng. Không biết bắt đầu từ đâu cả, nhưng mà bực, bực lắm.

Trong khi đang bực thì tôi không làm sao kiềm chế nổi cái í nghĩ cứ to dần lên trong đầu, rằng nếu tôi là bố kẻ kia.

Vâng, nếu tôi đóng vai trò là bố kẻ kia thì tôi sẽ xoa xoa cái đầu của hắn, rồi ôn tồn bảo hắn rằng "Cái này nó là thế này cơ, còn cái kia thì nên hiểu như thế này này".

Khốn nỗi là tôi không thể có con lớn như vậy được. Năm nay tôi mới có hơn ba mươi tuổi.

Tuy mới có hơn ba mươi tuổi đầu nhưng tôi cũng đã có đủ thời gian để mà lo, lo lắm - bực, bực lắm - cứng họng, cứng lắm lắm và cái í nghĩ làm bố khối kẻ những khi đọc các văn bản (cứ tạm gọi là phê bình hoặc tranh luận văn học) tiếng Việt. Nơi này thì nhiều, chỗ kia thì ít, nhưng không đâu là không có cả.

Nếu số trời run rủi để một ngày nào đó anh Nguyễn Hoàng Sơn đọc được những dòng này thì chắc anh cũng sẽ cứng họng. Nhưng tôi đồ chừng rằng lý do cứng họng của anh sẽ khác tôi, và tôi băn khoăn không biết liệu trong đầu anh có cái í nghĩ muốn xoa xoa đầu tôi và bảo rằng "Cái này nó là thế này cơ, còn cái kia thì nên hiểu như thế này này" không?

Hà Nội, 14.12.2002
 
Phạm Xuân Nguyên

Núi xanh núi vàng

(Nguyễn Thanh Sơn, Phê bình văn học của tôi, nxb Trẻ, 2002
Nguyễn Hoàng Sơn, Lớp trưởng giả mới và những tín điều văn chương, Văn Nghệ Quân Ðội số 563, 12/2002)


"Những con sinh ra thì đã chết
Những con chưa chết thì chưa sinh ra"
(Nguyễn Lương Ngọc)


1.

Cuốn sách của NTS mở đầu bằng bài viết được lấy làm nhan đề của cả tập. "Phê bình văn học của tôi" là lập ngôn của tác giả khi trình bày mình trước giới văn học và người đọc. Cái nhan đề hàm ý có nhiều quan niệm phê bình văn học và nhiều lối đi vào phê bình văn học. NTS chọn một lối đi "của tôi" như thế này: "Phê bình văn học, với tôi, bắt đầu trước tiên từ những ấn tượng cá nhân về một tác phẩm, nó không nhằm tìm hiểu nhà văn, không bó buộc mình trong hành trình đọc văn để hiểu người - trừ phi "người" ở đây chính là cá nhân nhà phê bình. Nó tìm hiểu tác phẩm, nhưng tìm hiểu theo cái nghĩa luôn luôn làm một cuộc so sánh tác phẩm ấy với kinh nghiệm, tình cảm, tri thức của người viết phê bình. Phê bình văn học là một cuộc tổng duyệt lại các thang giá trị của nhà phê bình đối với cuộc sống thông qua phản ứng của các thang giá trị đó đối với tác phẩm. Nói cách khác, viết phê bình là một cuộc trò chuyện của nhà phê bình với chính bản thân mình, với một "cái tôi thứ hai", mà chủ đề của cuộc trò chuyện đó bắt đầu bằng tác phẩm được phê bình" (tr. 8-9). Quan niệm này không riêng của NTS. Nhà văn Mexico Octavio Paz (Nobel 1990) nói: làm phê bình văn học là đi từ văn bản của người đến văn bản của mình. Tư thế phê bình này NTS cũng đã có người đi trước: năm 1939 nhà phê bình Trương Chính 23 tuổi xuất bản một tập "phê bình tất cả 25 quyển sách - hầu hết là tiểu thuyết - của 13 nhà văn" (Vũ Ngọc Phan) với cái tên gọi rất "ngang- "Dưới mắt tôi. NTS ở phê bình, đồng điệu với các bạn bè cùng thế hệ ở sáng tác, chỉ "khát vọng được thành thực" (Hoài Thanh) như thế hệ các nhà thơ mới thời 1932 - 45. Họ muốn phát biểu nhân danh cái tôi, từ vị thế cái tôi cá nhân của chính mình, của chính thế hệ mình. Trong cả tập sách đầu tay này NTS đã cố gắng nhất quán phát biểu các ý kiến, đánh giá nhận xét về văn hóa, văn chương Việt hiện thời và trong tương quan với quá khứ, từ chỗ đứng "của tôi" như anh đã nêu ra ngay từ đầu. Anh không nói 'chúng tôi", 'chúng ta", anh nói "tôi". Anh đi vào phê bình văn học từ "tôi" nói với "chúng tôi", 'chúng ta". Và chừng như tiên liệu những phản ứng có thể xảy đến với mình trên lối đi đó, anh kết thúc bài mở đầu sách: "Còn nếu không tìm được "bạn", thì tôi đành trò chuyện với cái "tôi" của mình, sáng tạo ra một bạn đồng hành có thể chung bước với tôi tới vạn dặm" (tr. 10). NTS đã tìm được bạn ở Nguyễn Quang Lập, và anh "đành trò chuyện với cái "tôi" của mình" khi gặp NHS. Cái bìa sách in bức tranh Con quỷ ngồi của Vrubel đã không hề phát xạ thông điệp phê bình của tác giả tập sách trước cặp mắt xoi mói xấc xáo nhìn mà không thấy, đọc mà không hiểu của kẻ lăm lăm kết án nó.

Sự phê phán nặng lời của NHS trước hết chứng tỏ NTS đã có cái "của tôi". Và cái "của tôi" NTS có không phải là cái của NHS có. Cái "của tôi" của NTS báo hiệu một hướng phê bình văn học mới, một cách làm phê bình văn học mới, mà không một lực "cản mũi kỳ đà" nào ngăn được nó đi tới trước. Hướng đi, cách làm đó phải bắt đầu từ thái độ đối với di sản văn hóa nói chung, văn học nói riêng, của dân tộc. Di sản văn hóa, văn học của dân tộc Việt là của chung, của tôi và của anh, nhưng cái cách nhìn di sản đó từ hôm nay phân định tôi khác anh trong cách nhìn văn hóa. NTS khi nghĩ về "Di sản và đổi mới văn chương Việt Nam" tha thiết mong muốn và kêu gọi: "Ðể trở thành một phần của thế giới hiện đại, chứ không phải một đứa con của một nền văn hóa tiểu nông, thuộc địa, con người Việt Nam còn cần một thứ khác" (tr. 34). Còn cần một thứ khác, NHS đã không đọc được cái "của tôi" này của NTS nên đã vội lôi hết di tích văn hiến ông cha ra để buộc tội NTS là"kẻ khinh mạn dân tộc mình một cách không dấu giếm". Có hai cách làm mới. Làm mới cũ - nhìn sự vật cũ bằng con mắt mới, đây là một xu hướng nổi lên rõ trong văn học thời đổi mới, mà một thí dụ tiêu biểu là truyện ngắn Sự tích ngày đẹp trời của Hòa Vang giãi bày tâm sự cho Thủy Tinh trong thần thoại xưa. NHS hình như không biết truyện này, và chuyện này, nên đã độc mồm quy kết chính trị cho người mình đang phê bình khi suy diễn câu NTS viết "Thủy Tinh "người" hơn". Làm mới mới - tạo ra cái mới chưa từng có, cái của hôm nay để thành di sản của ngày sau, đó chính là điều NTS nói "còn cần một thứ khác". Theo NTS, làm mới cách thứ nhất là cần, nhưng chưa đủ: "Ðối với những con mắt mới, chuyện nàng Tô Thị có thể chỉ là một câu chuyện loạn luân, cái bọc của mẹ Âu Cơ chỉ chứng tỏ một cuộc sinh nở quái thai, hay Trí khôn của ta đây chỉ là một bằng chứng cho tính khôn ngoan vặt và ưa lừa gạt của người Việt..." (tr. 33). Khi đọc đến những dòng này NHS đã rất ư phẫn nộ như kẻ đứng đắn bị xúc phạm, nhưng bài viết của anh đã xúc phạm sự đứng đắn của người khác, anh biết không? NTS và Tạ Duy Anh đã gặp nhau ở cách nhìn truyện Trí khôn của ta đây (xin xem tiểu thuyết Ði tìm nhân vật, một tác phẩm khá xuất sắc gần đây, tiếc thay nó lại bị cấm, phê bình không được lên tiếng về nó, điều này giả như NHS có phẫn nộ đến đâu cũng không dám nói). Còn về cái bọc của mẹ Âu Cơ, NHS mắng oan cho NTS, tôi xin mách NHS và hải nội chư quân tử: "thủ phạm" đầu tiên đại bất kính đối với tổ tiên có lẽ là... Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu. Xin mở Tản Ðà toàn tập, tập 1, nxb Văn Học, Hà Nội 2002, trang 309, đọc bài thơ sau đây:


MỘT TRỨNG TRĂM TRAI
Sử sách thuở hồng hoang chửa có,
Miệng đồn không có há tin nào?
Hai mươi nhăm triệu đồng bào,
Nguồn xa, cội cũ biết bao nhiêu là...
Khen ai khéo bày ra quái gở,
Trứng trăm trai sinh nở lạ thường!
Cho hay là sự hoang đường,
Dòng khôn, khôn nhẽ giống nhường chim muông?​


Bài thơ này Tản Ðà viết khoảng sau năm 1936, khi sắp vào tuổi "tri thiên mệnh". Tôi để bạn đọc tự xét lấy xem Tản Ðà viết thế có phải là khinh mạn tổ tiên nòi giống dân tộc mình không. Hay nên tự hào dân tộc kiểu NHS khen Truyện Kiều thì dẫn Phạm Quỳnh so nó với tác phẩm Tây Tàu, còn khen Vũ Trọng Phụng thì dẫn câu của một nhà nghiên cứu nước ngoài (tôi phải mở ngoặc là ở đây tôi đang nói sự mâu thuẫn, bất nhất trong lập luận của NHS, chứ tôi không phản đối nhận định của nhà nghiên cứu đó, mà cụ thể đây là tiến sĩ Peter Zinoman, một chàng rể Việt Nam, người đã cùng vợ dịch Số đỏ ra tiếng Anh, chính anh đã lục tìm trong Thư viện quốc gia Hà Nội được thêm khá nhiều tư liệu và tác phẩm của VTP từ trước chưa biết tới, nhưng lâu nay giới "VTP học" của chúng ta đều dễ dàng nại lý do là "thất lạc tư liệu không tìm được", và anh đã có lần tỏ ý "chê" giới nghiên cứu ta về chuyện này trong một bài trả lời phỏng vấn đăng trên báo Ðại Ðoàn Kết, đó là một kinh nghiệm của người đáng để ta học tập, đóng ngoặc), như thế trước sau đều lấy nước ngoài người ngoài làm chuẩn, thế mà khi NTS đứng từ những yêu cầu đòi hỏi của thế giới hiện đại để mong tìm một lối đi cho văn chương nước nhà thì lại bị la lên là "tâm lý nô lệ, sùng ngoại". Kiểu đề cao mình thì hạ người, đến khi khen mình thì lại mượn người như thế, nên cẩn thận. (Tôi xin kể chuyện này cho NHS và bạn đọc biết. Tháng 6/2002 khi ở Paris, tôi có đọc một tập truyện ngắn Nam Cao dịch ra tiếng Pháp nhan đề: "Chi Pheo paria casse-cou et autres nouvells", bản dịch của Lê Văn Lập và Goerge Boudarel. Hai điều làm tôi sửng sốt, ngạc nhiên ở sách này. Ở bìa bốn giới thiệu tác giả có câu: "Longtemps interdit de publication, Nam Cao a aujourd'hui rejoint les autres auteurs classiques de son pays" ("Một thời gian dài bị cấm xuất bản, Nam Cao hiện nay đã được về lại với các tác giả cổ điển khác của nước ông"). Ðiều nói Nam Cao bị cấm xuất bản một thời gian dài là hoàn toàn xuyên tạc, trái sự thật. Ở truyện "Ðôi mắt", cái câu nhân vật Hoàng ca tụng tài chính trị xoay chuyển tình thế vận nước của "ông Cụ" (Hồ Chí Minh) trong sự so sánh với Charles de Gaule đã bị cắt bỏ. Chẳng biết người dịch hay nhà xuất bản sợ đụng chạm, xúc phạm đến anh hùng giải phóng của Pháp quốc mà cắt bỏ câu đó, một trong mấy câu then chốt trong truyện của Nam Cao. Vậy đấy). Tôi trở lại cái ý NHS quy kết NTS "sùng ngoại", đấy là một sự cố ý nói trùm lợp, vô trách nhiệm với người viết và người đọc. NTS hăng hái, ào ạt, nhưng anh cũng biết tỉnh táo, chừng mực khi cần. NHS hãy giở lại bài "Nhà thơ vô danh" (tr. 132 - 135) đọc xem. Trước sự hô hào cổ vũ đôi lúc quá bốc quá hăng cũng như sự phê phán chê bai quá nặng quá nghiệt của một số nhà thơ đàn anh đối với lớp đàn em mới nổi, NTS bằng con mắt phê bình đã chỉ ra những lầm tưởng của họ. Một, lầm tưởng về sự cô đơn, hoang mang của thế hệ trẻ. Hai, lầm tưởng "người ta có thể cải cách thơ ca chỉ bằng cách học đòi theo những cách tân của thơ ca phương Tây". Ba, lầm tưởng "trò khéo chơi chữ có thể thay thế cho phê bình đích thực của thơ ca". Và NTS đề nghị các bậc đàn anh không nên làm ồn ào quá quanh tên tuổi các nhà thơ trẻ, hãy trả về cho họ cái khoảng "hồn nhiên e ấp của sự vô danh" để họ tự nhiên phát triển. Một bài phê bình điềm tĩnh như thế là rất kịp thời, cần thiết và đúng đắn. Tính cách và bản lĩnh của NTS bộc lộ ở đấy. NHS dù có ác ý cũng không thể phủ nhận được, trừ phi anh phê bình sách mà không đọc sách (tức là, chỉ chộp lấy vài ba chữ, vài ba câu, cắt ra khỏi văn cảnh rồi đem suy diễn, gán cho chúng ý nghĩ của mình và quay lại coi ý nghĩ ấy là của người để mặc sức phê phán - một thao tác phổ biến lâu nay của những kẻ tự gọi là viết phê bình văn học).

Tôi viết bài này ở Tokyo, nhân bài thơ của Tản Ðà và liên quan đến cách nhìn di sản văn hóa dân tộc đặt ra ở cuốn sách của NTS và bài viết của NHS, tôi muốn nhìn rộng ra Nhật Bản. Nước Nhật là một nước phát triển, nước Nhật có nền văn hóa bản địa độc đáo đặc sắc, nước Nhật tính đến năm 2002 đã có 15 người được giải Nobel trên các lĩnh vực, trong đó văn học có hai người. Vậy mà nhà văn Kenzaburo Oe (Nobel 1994) tại một hội thảo ở đại học Duke (Mỹ, 1986) đã đọc một bản tham luận nhan đề "Tính lưỡng sắc của Nhật Bản, thế lưỡng nan của nhà văn" với đoạn vào đầu thẳng thắn: "Tôi đến đây gặp quý vị hôm nay với tư cách một nhà văn Nhật Bản cảm thấy nền văn học Nhật Bản có lẽ đang suy tàn. Ðiều thú nhận này của một nhà văn đến từ thế giới thứ ba chắc chắn sẽ làm thất vọng cử tọa đang chờ đợi một "thách thức" thực sự như đề tài thảo luận của chúng ta: "Sự thách thức của văn hóa thế giới thứ ba". Tuy nhiên có những lý do khiến tôi vui lòng nhận vai anh hề gây thất vọng; chúng gắn với một yếu tố của dân tộc Nhật Bản và cư dân của nó khiến họ khó lòng chấp nhận thực tếø họ là những thành viên của thế giới thứ ba và do đó miễn cưỡng đóng vai trò. Nhật Bản xuất hiện trên sân khấu quốc tế như một dân tộc thuộc thế giới thứ ba vào khoảng năm 1868. Ngay từ khi đó, trong quá trình hiện đại hóa, nó đã có thái độ thù địch rõ rệt đối với các dân tộc khác cũng thuộc thế giới thứ ba ở châu Á, như đã thấy qua việc nó thôn tính Triều Tiên và xâm lược Trung Quốc. Thái độ thù địch của Nhật Bản đối với các nước láng giềng vẫn còn đến tận hôm nay". Ðến cuối bài ông khẳng định lại một lần nữa cái nhìn của mình về dân tộc mình trong thế giới hiện đại: "Nhật Bản là một nước thuộc thế giới thứ ba có vị trí mù mờ trên thế giới và đóng một vai trò mù mờ". Diễn từ Nobel của Kenzaburo Oe trái ngược với diễn từ Nobel của người đồng hương trước ông là Yasunari Kawabata (1968). Ông viết: "Là người sống ở nước Nhật ngày nay và chia sẻ những ký ức cay đắng của quá khứ, tôi không thể nói như Kawabata là "Nhật Bản, cái Ðẹp, và chính Tôi". Chỉ khi nói "Nhật Bản, sự Mập Mờ, và chính Tôi" thì tôi mới có thể trò chuyện về bản thân mình được". Ông tự nhận mình là người "sinh ra và lớn lên ở một vùng ngoại vi, bên lề, xa trung tâm, của một nước ngoại vi, bên lề, xa trung tâm" và trong văn học ông sử dụng hệ thống hình tượng grosteque để đạt tới cái phổ quát toàn nhân loại. Tôi nghĩ, cái nhìn phê phán, cảnh tỉnh dân tộc đó của Kenzaburo đã làm nên giá trị văn chương của ông, đưa ông tới bục vinh quang ở hàn lâm viện Thụy Ðiển. Một thái độ, cách nhìn như vậy đáng để chúng ta suy ngẫm cho mình về dân tộc mình. (Những bài viết, bài nói của Kenzaburo Oe được tập hợp trong cuốn Japan, the Ambiugous, and Myself, published by Kodansha International 1995, tôi đã dịch và sẽ cho xuất bản).


2.

NTS hô hào làm mới mới, nghĩa là "đổi mới nhằm vào chính bản thân mình, chứ không phải nhằm vào người khác" (tr.34). Do đó anh một mặt thấy văn học Việt Nam cần có những Nexin, Bá Dương của mình, mặt khác anh thấy đã có những chuyển động mới trong sáng tác của bạn bè cùng thế hệ, hay giới trẻ nói chung. Những trang viết của anh về họ thật say mê, nồng nhiệt, và cũng thật thẳng thắn, chua cay. Bài "Các nhà văn nữ và sự khủng hoảng trong văn học Việt Nam hiện đại", theo tôi, là bài tiêu biểu nhất cho lối nhìn, cách nghĩ, lối đọc, cách viết của NTS. Anh đã không nương nhẹ chị em cầm bút, vì như đề bài đã cho thấy, anh đi tìm sự khủng hoảng của văn học nước nhà qua biểu hiện của những trang viết nữ thường được nâng niu, ca tụng (người viết bài này có góp phần vào đó), để cuối cùng thấy ra "sự thiển cận của tư tưởng, nông cạn về trí thức, hời hợt trong tình cảm đã trở thành căn bệnh kinh niên không chỉ của riêng các nhà văn nữ, nó chỉ là một phần trong cuộc khủng hoảng sâu sắc của văn học Việt Nam hiện nay" (tr. 41 - 42). Ðây là một nhận định kịch liệt, rát mặt, có thể còn phải tranh luận về mức độ, nhưng trung thực và nghiêm khắc nhìn nhận thì điều này đúng. Cái cách viết của NTS ở bài này, và nhiều bài khác, có vòng vo là vòng vo khi dẫn nhập, còn khi đã vào bài là anh nói thẳng đến điều cần nói, không phải cứ khen trước rồi chê sau, anh không thích kiểu mệnh đề "tuy..., nhưng" đã thành cũ mèm, lạm phát. Bạn đọc cứ mở cuốn sách ra xem, tôi dám chắc chưa có tập phê bình nào viết thẳng thừng, quyết liệt đến vậy. Ðó là cái khác của lớp người hiện nay với lớp người đi trước. Ngôn ngữ phê bình của NTS thường khi rất mạnh, giọng điệu khen chê thường khi rất căng, nhưng không có nhiệt tình hừng hực của tuổi trẻ muốn phá vỡ cái cũ xây cái mới thì không thể có ngôn ngữ ấy, giọng điệu ấy. NHS đã không đọc được kỹ NTS. Khi anh mỉa mai NTS phơi bày rõ ràng vị thế của lớp người trẻ thời đại tin học, anh đã không đọc ra thái độ của NTS phân biệt rạch ròi cái hiện đại trong đời sống và cái hiện đại trong văn chương. Ở bài phê bình tập thơ Linh, NTS viết: "Ðối với tôi, "hàng triệu người điên lên theo mãnh lực phần mềm Microsoft. Những tâm hồn đang được mã hóa với nhịp điệu sống lập trình. Ngày đêm, những nơron thần kinh căng cứng cập nhật dữ liệu. Con người không ngây thơ, không nhiều mơ ước và mất dần lãng mạn. Màu dollar sắp nhuộm cả da trời" không thể gọi là cách tân. Dù rằng ngôn ngữ có vẻ hiện đại, chất đầy những phần mềm, cập nhật, mã hóa, nhưng không vì thế mà rõ ràng hơn, và nhất là, hay hơn. Có thể cực đoan, nhưng tôi từ chối gọi những dòng trên là thơ" (tr. 105). Tôi nghĩ nhiều người, trong đó có NHS, cũng chia sẻ với sự "từ chối" này của NTS. Có dạo ta đè cổ thanh niên ra cắt tóc dài, giữ thanh niên lại xẻ quần loe, mà không cần biết họ nghĩ gì trong đầu. Nay NHS bực bội vì NTS thao tác mobie, personal computer, check mail, download website, ăn quán "cơm trưa văn phòng" hạng sang, nên vội định kiến đọc sai cả những điều NTS viết. Nhân nói một chuyện cá nhân. Tôi và NTS đều có bài về tập thơ Linh, tôi nói cái được, Sơn nói cái chưa được (cố nhiên, theo cách đọc của mỗi người), nhưng hai chúng tôi vẫn là bạn nhau. Vi Thùy Linh có bực tôi chuyện tôi chơi với NTS, tôi coi đó là tính nết riêng của cô nhà thơ trẻ, không coi đó là sự xía vô chuyện cá nhân của tôi. Nếu VTL có bực NTS vì thái độ "xoa đầu" mình như cô thấy trong bài viết thì đấy là cách ứng xử từ cách đọc của nữ nhà thơ ấy. NHS lấy đó như một lập luận phê bình NTS thì thực buồn cười. Thế khi NHS gọi NTS là "con dơi", "kẻ buôn bò", "ông Tây An Nam" thì NTS nên ứng xử thế nào? Vạn nhất mà NTS cáu bực lên đáp lại NHS cũng với những cách gọi như thế hoặc hơn thế thì văn đàn sẽ ứng xử thế nào?

Trở lại chuyện NTS mong muốn văn học Việt Nam có những Lỗ Tấn, Bá Dương, Nexin. NHS cho NTS nhắc đến các nhà văn này là "hàm ý so sánh mình" với họ, những người dám nhìn thẳng vào cái xấu, cái kém của dân tộc mình. Ðược thế đã đáng mừng, đằng này họ đã "vạch áo cho mình xem lưng" mình còn che mặt đi, sợ bị liên hệ, liên tưởng, liên lụy đến mình. Ðó là trường hợp cuốn Người Trung Quốc xấu xí của Bá (Bách?) Dương. Nhà thơ Nguyễn Hồi Thủ ở Paris nặng lòng với đất nước đã xin phép tác giả chuyển sách đó ra Việt ngữ rồi gửi về nước muốn in ra cho người mình đọc. Bản thảo chạy đến mấy nhà xuất bản đành chịu nằm im. Các giám đốc, tổng biên tập xuất bản đọc nó thích lắm, muốn in lắm, nhưng... chịu thôi. Sau này nhà thơ Dư Thị Hoàn dịch lại cuốn đó, báo Văn Nghệ Trẻ có trích đăng mấy kỳ, còn ra sách thì vẫn chịu. Từ tình trạng này tôi hiểu vì sao có dịp tết báo Tuổi Trẻ mở chuyên đề bàn về thói hư tật xấu của người Việt, hỏi ý kiến của nhiều người nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực họ nói rất hay, rất thẳng thắn, nhưng ban biên tập đã phải e dè rút bớt, giảm nhẹ khi đăng lên. Và tôi hiểu vì sao nhà sử học Trần Quốc Vượng đã phải tung ra dư luận ý định làm một cuốn sách như kiểu Bá Dương của người Việt trước khi bắt tay vào viết. NHS là một nhà báo, anh không biết hay vờ quên những chuyện ấy. Nhân đang nói chuyện giao lưu văn hóa, cụ thể ở đây là với Trung Quốc, tôi muốn nhắc anh thêm một trường hợp Mạc Ngôn. Năm 2001 cuốn tiểu thuyết "Phong nhũ phì đồn" của nhà văn này dịch ra Việt ngữ đã mấy bận lao đao. Thứ nhất, tên cúng cơm bị đổi: "Báu vật của đời" thay vì "Vú to mông nẩy" (lỗi không ở người dịch) cho hợp thuần phong mỹ tục xứ Việt. Thứ hai, bản thảo chạy qua hai ba nhà xuất bản cuối cùng mới được nhà xuất bản Văn Nghệ (TP HCM) mạnh dạn in. Thứ ba, sách in ra bán chạy, người đọc tìm mua, phát hành bình thường, nhưng khi Hội Nhà Văn Hà Nội tổ chức hội thảo về nó thì có lệnh ban ra các báo không được đưa tin và đăng bài. Năm 2002 Mạc Ngôn được in tiếp một bản dịch tiểu thuyết "Ðàn hương hình". Nhưng bây giờ khi tôi đang viết những dòng này thì nghe đâu có tin là tất cả các sách của Mạc Ngôn đều bị cấm in lại và in mới. Cái cách ứng xử văn hóa này không biết có phải để phòng ngừa từ xa "sự kém hiểu biết, sự khiếp nhược và lóa mắt trước những giá trị tinh thần phương Tây" như NHS đã vội báo động. NTS, và thế hệ anh, đã đến quá sớm hay đi quá muộn trên văn đàn Việt Nam?

Trong mạch phản bác NTS về mục này, NHS viết tiếp: "Nhưng Lỗ Tấn (cũng như Nexin của Thổ) là một chuyên gia lớn và luôn luôn tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc Trung Hoa, vì niềm tự hào ấy mà ông càng căm hận bọn thống trị phản động đã đẩy đất nước đến cảnh yếu hèn, nhân dân phải sống tối tăm, khổ sở". Thú thực, kiểu viết những câu như thế này dùng cho "ông lớn" văn học nào cũng được, thành ra sáo mòn, cũ kỹ, nó không làm vinh thêm cho các bậc danh nhân được nói đến, mà ngược lại, có khi còn làm hại họ, vì sự lười biếng đọc của người viết ra những câu đó, chỉ thích lặp lại những điều chung chung ai cũng nói được. Văn hóa có hai mặt, khi Lỗ Tấn nói văn hóa Trung Hoa là "văn hóa ăn thịt người" thì đấy là vì lòng thương xót và trách nhiệm với dân tộc mình mà ông không ngại vạch ra cái mặt trái của văn hóa đó. Tôi sẽ dẫn thêm ra một thí dụ của Lỗ Tấn để NHS thấy ông không phải "luôn luôn tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc Trung Hoa". Nhưng trước hãy nói qua một chút về Azit Nexin. Các tác phẩm của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ này dịch ra tiếng Việt được đọc rộng rãi. Vì sao? Vì những cảnh ngộ cuộc sống ông đả kích, châm biếm ở xứ sở ông người Việt thấy đồng dạng ở xứ mình. Các nhà văn Việt không phải thiếu tài hài hước, không phải đui mù câm điếc, không phải dửng dưng bàng quan, nhưng họ không viết là... họ không viết, vậy thôi. Thế thì người Việt đành đọc người ngẫm mình, "lấy ngoài nói trong" vậy (đây từng là một trong hai phương châm chính thức của văn nghệ một thời, cái kia là "lấy xưa nói nay"). Bây giờ tôi nói về Lỗ Tấn, ông có một bài viết rất hợp cho cuộc trao đổi này, mà tiếc thay, theo chỗ tôi biết, các tập sách của ông in ra ở Việt Nam từ trước tới nay không thấy đưa vào. Bài đó nhan đề "Sẩy thai và tuyệt chủng". Chẳng là nước Trung Hoa thời Lỗ Tấn có những người nghiệt ngã với các thử nghiệm, tìm tòi của một số nhà văn trẻ, họ đòi các tác phẩm đó phải thành công, hoàn thiện ngay từ đầu, nếu không họ gọi đó là sự "sẩy thai", và răn dạy lớp trẻ chớ nên làm. Lỗ Tấn kinh ngạc trước hiện tượng đó: "Tôi không thể hiểu nổi tại sao người Trung Hoa mình lại quá thỏa mãn với tình trạng hiện tại và quá dị ứng với những thay đổi, quá khoan dung với những gì đã được hoàn tất và quá phê phán những gì mới meû". Ông viết tiếp: "Từ xửa xừa xưa, những bậc gọi là học giả luôn cố phủ đầu những kẻ tiếp bước. Gần đây, họ lịch sự hơn, nhưng bất kỳ ai mà cố thoát ly có lẽ sẽ được các học giả và những kẻ có học nhận ra ngay và mời ngồi lại. Khi đó họ sẽ tranh luận với anh ta, xem xét các điều kiện, nghiên cứu, suy ngẫm và trau dồi - cho tới khi anh bạn của chúng ta chết rục ở đó vì tuổi già. Nếu không, anh ta sẽ được phong tặng ngay là đồ phá thối. Tôi, cũng như những bạn trẻ ngày nay, đã từng hỏi đạo từ những ông thầy đã chết và vẫn còn chưa chết. Tất cả họ đều nói: "Ðừng đi về hướng đông, hướng tây, hướng bắc hoặc hướng nam". Không một ai bảo tôi hướng nào nên theo. Cuối cùng tôi phát hiện ra những gì họ nghĩ trong đầu. Nó thật đơn giản: "Ðừng đi đâu hết". Ðọc những dòng này tưởng như Lỗ Tấn đang viết cho cả mọi người Việt hôm nay để suy ngẫm, và cho riêng NHS để đừng biến ông thành cái bung xung cho mình. Cố nhiên, là nhà văn đã nêu lên quan niệm nổi tiếng "vốn xưa trên mặt đất không có đường, đường là do con người đi lâu mà thành", Lỗ Tấn chấp nhận "sẩy thai" còn hơn là "tuyệt chủng". Văn học, cũng như cuộc đời, luôn phải có khả năng sinh sản. Lỗ Tấn kết thúc bài viết ngắn sâu sắc của mình như sau: "Nếu ai đó không muốn đẻ mà cũng không muốn sẩy thai, mà chỉ muốn chờ cho một đứa con xinh đẹp xuất hiện, coi cũng được đó, nhưng tôi e rằng người đó rốt cục chẳng được gì hết. Nếu chúng ta tin rằng triệt sản cần thiết bởi vì không thể đẻ được những đứa trẻ ngoại hạng, không cần phải nói gì nữa. Nhưng nếu chúng ta luôn muốn nghe bước chân của những người trưởng thành, thì tôi nghĩ rằng sẩy thai vẫn đáng hy vọng hơn là không đẻ, bởi nó chứng tỏ rành rành là chúng ta có thể đẻ". Câu cuối cùng này tôi muốn nhấn mạnh cho tất cả những người có trách nhiệm bà đỡ cho các cái mới trong văn học (kể cả sáng tác, phê bình) ra đời. (Toàn văn bài Lỗ Tấn do Khiêm Ðịnh dịch, đăng trên tạp chí Hợp Lưu số 61, tháng 10 - 11/2001).


3.

NTS là người trẻ có học, có đọc, có sự nhanh nhạy cái mới, có lối viết hoa mỹ, những phẩm chất này có thể giúp anh thành một người phê bình văn học hiện đại có sắc thái, bản lĩnh. Bài viết của anh về tập thơ Nằm nghiêng của Phan Huyền Thư (không nằm trong tập này) đã nắm bắt nhanh được sắc thái "giễu nhại" (parody) của nhà thơ đó, mà ai có đọc văn học thế giới và lý luận văn học một chút hẳn biết, "nhại" là một biện pháp làm mất giá đối tượng, dọn đường cho một giá trị khác thay thế. Xin hãy nhớ lại Donkihote đối với tiểu thuyết hiệp sĩ. NTS còn có thêm một khả năng mà ít nhà phê bình hiện nay chịu trang bị cho mình, đó là ngoại ngữ, nhờ nó anh tiếp xúc trực tiếp được với văn học bên ngoài để chuyển tải những thông tin cập nhật về trang viết của mình. Ðể viết một bài như "Tiếp thị cho một giải Nobel văn chương Việt Nam" nhân trường hợp Cao Hành Kiện được giải năm 2000 thì người viết phải có khả năng thực hiện vai trò "sứ giả văn học" thông qua ngoại ngữ. Phần đầu bài này cung cấp thông tin, tư liệu lấy từ nguồn báo chí nước ngoài. Nhà báo NHS lâu năm trong nghề hẳn cũng đã nhiều lần từng đặt các cộng tác viên kiểu bài này mỗi khi cần đưa tin sớm về một sự kiện, nhân vật nào đó ở nước ngoài và chắc phải biết những nhận định, đánh giá trong đó đâu phải hoàn toàn của người viết. Cho nên NTS có khẳng định Linh Sơn là một tác phẩm lớn cũng là điều dễ hiểu. NHS hí hửng tưởng tố cáo được NTS chưa đọc sách đã vội khen sách, đấy là vì có thể anh tưởng mình là nhà phê bình nên quên được nhà báo, cũng có thể anh nghĩ ai cũng như mình phải chờ có bản dịch tiếng Việt rồi mới đọc, không hay rằng từ khi biết tin người được giải đến khi có tác phẩm của họ bằng một thứ tiếng nào đó, việc ấy trong thời đại ngày nay chẳng mất mấy thời gian. Ðiều đáng nói ở đây là NHS muốn làm phê bình văn học mà đọc sách lớt phớt, cả bài này NTS chú rất nhiều xuất xứ ngoại văn nhưng NHS cứ nhất mực "em chã", chỉ để đọc chữ Việt không thôi, hèn gì anh mới "phát hiện" cái tội tày đình của NTS là "không nói rằng đây là ý kiến của ông Tây, ông Mỹ nào". Nói chi đến chuyện NHS nắm bắt được ý tưởng và khát vọng của NTS nêu ra ngay từ cái đề bài. Từ giải thưởng cho Cao Hành Kiện, NTS thử nêu lên mấy bước cần làm trước tiên để 'tiếp thị" cho văn chương nước nhà đến được đài cao vinh dự này, rộng ra là mở mày mở mặt với văn chương thế giới. Cái nghĩ và cái tâm của một người trẻ tuổi đối với tương lai văn học nước nhà như thế đáng phải quý trọng và lắng nghe, đằng này lại bị xúc xiểm và bóp méo. Ngay cả phản ứng ở quê hương người được giải NTS cũng không nói gì quá hơn là sự thật. Chắc nhà báo NHS chưa quên năm 2000 giải Nobel văn học cho Cao Hành Kiện ở Việt Nam không được phép đưa tin và bình luận rộng rãi theo hướng khen ngợi đề cao, và lý do vì sao thì chắc anh cũng rõ. Bản thân người viết bài này đã vô tình làm mất giải thưởng hội báo xuân 2001 của tạp chí Sông Hương vì gửi bản dịch một bài tiểu luận của họ Cao đến và được đăng. Trong tình hình đó bài viết của NTS còn nên nói là dũng cảm, và nơi đặt bài và đăng bài cũng là dũng cảm, nơi đó là tờ báo chỗ NHS làm việc.

Ở trên tôi nhắc đến tập thơ của PHT và bài phê bình của NTS để nói đọc phê bình văn học như NHS thì dung tục quá, thô thiển quá, đáng buồn, (xin cho tôi khỏi dẫn lại đây vì tôn trọng bạn đọc). Qua đó thấy NHS đã hạ quan niệm "đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu" trong việc thẩm bình văn của các cụ ta xưa (chưa nói các quan niệm hiện đại) xuống cấp "cánh hẩu" với nhau. Thế mới biết khi giận quá thì mất khôn, khi nói quá thì hết khôn dồn ra dại. NHS đối lập hai câu của Hoài Thanh với sáu trang của NTS cho là cùng về một quan niệm phê bình văn học, nhưng anh quên rằng hai câu đó nằm trong cả bài Nhỏ to cũng dài năm, sáu trang đặt cuối sách Thi nhân Việt Nam để Hoài Thanh giãi bày cái quan niệm của mình khi tuyển bình thơ. Trong bài đó, tôi xin nhắc đặc biệt cho NHS hai điều cơ bản có tính nguyên tắc của ông, mà anh đề cao Hoài Thanh nhưng lại quên chúng khi học đòi theo ông viết phê bình: một là, khi xem thơ chỉ biết có thơ; hai là, cố giữ lòng ngay thẳng, ít nhất là trong văn chương. NHS cũng cần nhớ rằng Hoài Thanh đã từng là nạn nhân của một cuộc tranh luận nghệ thuật gần bảy mươi năm về trước, khi ông bị đối phương đang từ bàn chuyện văn chương chuyển sang quy kết chính trị, vu cho ông và các bạn hữu là thuộc "giai cấp phú hào" khiến ông phải nổi xung viết bài đáp lại "sự vu cáo đê hèn" đó.

Nhược điểm của NTS cũng từ ưu điểm của anh mà ra. Mượn câu của anh nhại Erich Segal nói về thơ Linh, tôi muốn nói: "Biết viết gì về một tập phê bình khi nó đã được xuất bản... Viết rằng nó khá mạnh bạo, và có vẻ vô cùng thông minh". Còn cần thời gian để anh thoát khỏi những "xác chữ" của những điều đã đọc, để nâng những nhận xét lên thành nhận định, nhận định lên thành luận điểm. Văn phê bình của anh cũng cần có sự tiết chế hơn, bớt hoa mỹ đi một chút, giản dị trong sáng hơn lên. Một số bài còn cần phải triển khai, đi sâu phân tích lý giải hơn nữa, chớ dừng lại chỉ mới như một phát biểu. Tôi gửi anh một câu khuyên của cổ nhân về nghề thơ, nhưng rộng ra là về nghề văn chương nói chung: "Thơ cốt đạm, nhưng phải là cái đạm sau khi đã nồng". Anh đang nồng, cái nồng tuổi trẻ, mong anh hãy giữ nó cho đượm trên từng trang viết, nhưng phải làm sao để cái đạm về sau lắng sâu. Nguyễn Huy Thiệp có lần kể một trong những nguyên nhân viết văn của anh là khi đọc văn học nước nhà đương đại anh thấy các nhà văn ta văn hóa thấp. Phạm Thị Hoài có lần thổ lộ trước khi cầm bút viết văn chị đã tự làm cuộc tổng kiểm kê văn học Việt Nam cho mình và thấy ra nó có ba điểm chết. NTS đã vạch lối đi phê bình văn học "của tôi" khi anh không bằng lòng với cái vốn văn học dân tộc đã biết, đã học, đã đọc. Di sản là ga đi chứ không phải ga đến, nhà thơ Lê Ðạt đã nói một câu chí lý. Kể ra bốn di sản văn hóa thế giới của Việt Nam (điều ai cũng biết, và di sản thế giới gần như nước nào cũng có) để làm gì, khi UNESCO đã có lần dọa rút giấy phép công nhận đối với Hạ Long, và bản tin gần đây của VnEspress cho biết Mỹ Sơn đang xuống cấp nghiêm trọng, lý do đều vì văn hóa tinh thần của người Việt trong việc quản lý di sản đang có vấn đề tắc trách, cẩu thả, vô trách nhiệm. Ðã có người Việt nào dám sống chết (theo đúng nghĩa đen) cho một di sản của nước khác như kiến trúc sư Ba Lan Kazik với thánh địa Mỹ Sơn? Tôi thật có lỗi với người đã khuất khi nêu lên câu hỏi này, nhưng bài viết của NHS đã khiến tôi lo lắng mình là người vô ơn với ông, vì biết đâu NHS chẳng cho là Kazik mất gốc, sùng ngoại, khi cứ ca tụng hết lời mấy ngôi tháp Chàm nằm giữa rừng núi ở một xứ tận Ðông Nam Á xa xôi.

Ðầu đề bài viết của NHS, trái với mong muốn của tác giả, lại khẳng định một sự thật: lớp người mới của một thời đại mới đòi hỏi có một thứ văn học mới của mình. Chính sự xuất hiện của thành thị, và tầng lớp thị dân, đã đưa đến văn học hiện đại. Ðiều này đã trở thành một quy luật. Nếu NHS chịu khó đọc các công trình nghiên cứu lịch sử văn học nước nhà thì thấy từ cuối thế kỷ XVIII cùng với sự hình thành các thị tứ thì yếu tố thị dân đã bắt đầu xâm nhập và phá vỡ khuôn phép văn chương truyền thống, làm nảy sinh thêm một mẫu hình nhà nho tài tử, và thể thơ hát nói thể hiện quan niệm "hành lạc" rất phi nho chính là phát triển mạnh từ đây cho đến tận đầu thế kỷ XX. Và một điều hiển nhiên mà một học sinh trung học nào cũng biết là không có thành thị kiểu phương Tây cùng với kiểu nghệ sĩ tây học thì đã không có văn học Việt Nam hiện đại thế kỷ hai mươi. NTS đã chỉ nêu lên một thực tế thời đại khi viết "Sự ra đời của một thế hệ độc giả sinh ra cùng với sự tồn tại của máy tính. Ðối với những độc giả trẻ đó, đọc sách và thu thập thông tin trên màn hình máy tính cũng tự nhiên như chúng ta vẫn hàng ngày đọc sách và các tạp chí khác nhau. Họ có những ngôn ngữ khác, những văn hóa khác với những gì mà chúng ta đang có, và nếu không quan tâm đến lớp độc giả này, văn học của chúng ta chắc chắn sẽ tụt hậu" (tr. 157). Ðây đã là một thực tế hết sức hiển nhiên, ví như ngày trước trong nước muốn đọc được diễn từ Nobel của các nhà văn đạt giải phát biểu tại lễ trao giải vào ngày 10/12 hàng năm ở Thụy Ðiển thì phải hàng tháng chờ sách báo ngoại quốc về, nay lễ hôm trước thì hôm sau lên mạng đã có bài, vài hôm nữa đã có thể có bản dịch Việt ngữ đăng báo. Mạng nhện điện tử này (Web) khác mạng nhện xó bếp nhà quê, nên cái làng toàn cầu không phải là cái làng sau lũy tre xanh. NHS làm báo há không hưởng tiện ích ấy của Internet và không thấy tư duy viết báo của mình có đổi thay sao? Vậy mà NHS đem những lời đó của NTS ra nhạo báng và phủ nhận thì thật là ngây ngô, ngược đời, và là cố nói lấy được. Thực ra, nói thực tế vậy, nhưng NTS có sự hoài nghi rất chính đáng. Trong bài giới thiệu "Siêu tiểu thuyết", sau khi cung cấp những thông tin cập nhật về tiểu thuyết thời "hậu Gutenberg", ở phần kết anh tỏ ra không tin vào những cái chết được báo trước, nghĩa là anh vẫn tin tiểu thuyết dạng sách in sẽ còn tồn tại lâu dài, nhưng cái chính anh muốn đặt ra ở bài này là tiểu thuyết đó phải thay đổi phù hợp với thời đại tin học. Từ thế giới nhìn về tiểu thuyết nước nhà những năm gần đây anh lo lắng khi thấy "các nhà văn Việt Nam dường như không quan tâm thích đáng tới việc cải tiến kỹ thuật, hay cố gắng tìm hiểu những phong cách viết mới" (tr. 157). Và NTS mong mỏi: "Trong một số ngành kinh tế và kỹ thuật hiện nay, người ta bắt đầu dùng khái niệm "đón đầu công nghệ" để chỉ con đường ngắn thoát ra khỏi tình trạng luôn luôn đi sau thế giới. Phải chăng đã đến lúc các nhà văn của chúng ta cũng nên tìm cách vượt lên trước, nắm bắt được những trào lưu hiện đại của văn học thế giới, để có thể "đón đầu" được những xu hướng mới của thời đại?" (tr. 157). Câu chữ rõ ràng, thiện ý rõ ràng đến vậy, sao NHS lại cố tình bẻ cong để chỉ trích? Một thực tế đã chứng minh điều NTS lo lắng là đúng, đó là Hội Nhà Văn Việt Nam liên tiếp mở các cuộc thi tiểu thuyết, hội thảo tiểu thuyết, và dù rất dè dặt cũng phải báo động là tiểu thuyết ta đang yếu kém. NHS là nhà báo văn hóa văn nghệ hay đưa tin bình luận về các giải thưởng cuộc thi này nọ, lẽ nào vì muốn tranh thắng thua trong cãi nhau mà quên mất tôn chỉ trung thực, khách quan của người làm báo? Tôi vừa viết bài giới thiệu cuốn tiểu thuyết Shanghai Baby của nhà văn nữ Wei Hui ở Thượng Hải (Trung Quốc) cốt để cho bạn viết trong nước tham khảo, chỉ xin dẫn ra đây một dẫn chứng. Cuốn tiểu thuyết đó gồm 32 chương, mỗi chương có đầu đề và có một hay nhiều đề từ trích của các nhà văn phương Tây từ cổ điển đến hiện đại. Ðược hỏi vì sao không trích dẫn các tác giả Trung Quốc, Wei Hui trả lời: "Tôi rất quý trọng văn học cổ điển Trung Quốc. Sau hết, tôi đã được học chúng rất nhiều hồi ở đại học. Nhưng khi viết Shanghai Baby tôi cần thể hiện sự nổi loạn, dục vọng, cơn giận dữ và tốc độ mau lẹ nên trích dẫn văn học phương Tây thích hợp hơn". May là câu này nói ra ở Trung Quốc, mặc dù tác phẩm bị cấm, bị đốt ở đó.

Trường hợp Phạm Quỳnh được NHS lôi ra trích dẫn về truyện Kiều có hai điều cần nói rõ. Tôi dùng chữ "lôi ra" là để chỉ sự không minh bạch ở đây của NHS, và không riêng NHS. Thứ nhất, "khi không ưa thì dưa có dòi", một thời các bài của PQ bị phê phán hết lời, nay cần chứng minh Kiều để nói một điều không cần phải nói thì lấy ra bài của ông mặc nhiên coi như chân lý. Khoa học đâu phải là thế, đó là cơ hội, "tháu cáy". Những bài viết về Truyện Kiều của PQ có phần giá trị, nhưng cũng có phần bốc đồng, thậm xưng, dẫn đến sai lầm, lệch lạc trong nhận định, đánh giá. Ngay Ngô Ðức Kế đương thời trong một bài viết đậïp lại bài diễn thuyết truyện Kiều của PQ với những lời mạt sát quy kết nặng nề bất công cho họ Phạm cũng đã không đồng ý với cái sự đề cao Kiều quá mức tột đỉnh như vậy: "Thế thời những đại hào kiệt, đại huân kiệt cứu dân giúp nước ta ngày xưa, không ai làm vẻ vang cho giống nòi, không ai đáng kỷ niệm cả mà chỉ ông văn sĩ trăm năm trong cõi là làm vẻ vang giống nòi là đáng kỷ niệm hay sao?". Một nhà nghiên cứu về sau cũng viết: "Cả đến ý kiến so sánh truyện Kiều với văn tế của Bossuet, hoặc cho là một kỳ công có một trong cõi văn thế giới cũng là rất đáng phê bình" (Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, Anh Phương xuất bản, tập 3, tr.157). Thứ hai, trong liên quan với loạt bài về Kiều của PQ, chính bài của Ngô Ðức Kế, sau đó là bài của Huỳnh Thúc Kháng, dù có được biện minh về chính trị, đã là một "tiền lệ" xấu cho việc tranh cãi học thuật xoay sang quy kết chính trị và mạt sát cá nhân. Hậu quả đến bây giờ là bài của NHS.


4.

Tôi viết bài này trong một cảm giác buồn. Buồn vì một lối phê bình cũ kỹ, thô thiển vẫn còn dai dẳng sống. Hơn thế nó còn được khuyến khích, cổ vũ bằng giải thưởng.(Lạ! Bài vừa in chưa ráo mực, đối tượng bị phê bình chưa kịp đọc và suy nghĩ để trao đổi lại, thì đã được trao ngay giải bài hay trong năm, tức là đã đóng dấu triện công nhận nó là đúng, là không còn gì bàn cãi nữa, như thế khác nào tòa chưa xử mà án đã tuyên). Buồn vì biết chắc bài mình viết trao đổi lại sẽ không đăng được, vì một khi người ta đã đứng hẳn về một phía thì còn cần gì phía bên kia. Cho nên cái điều NHS nói việc khen chê là biểu hiện bình thường của một nền văn học lành mạnh đã nhãn tiền không thấy trong cuộc này, ở báo đó. Mà cái báo đã đăng bài đi không đăng bài lại thì thôi, các báo khác chẳng dại gì dây vào, không phải đầu cũng phải tai, lệ xứ ta là thế rồi. Buồn vậy nhưng không buồn lâu. Vì như NTS nói, thời đại này là thời đại thông tin toàn cầu. Ngoài báo viết, báo nói, báo hình, nay có thêm báo mạng (còn gọi là báo trực tuyến - online). Nhờ báo mạng cuộc cách mạng văn học Việt Nam hiện nay đang có một kênh ra tự do và tự chủ. Bài của tôi sẽ ra trên báo mạng, điều này làm tôi thấy yên tâm để lao động cho văn học nước nhà.

Cuối cùng tôi nói về cái đầu đề bài viết của mình: NHS đọc NTS hốt hoảng nhìn núi xanh (thanh sơn) không chịu được, viết bài la lối bắt phải thành núi vàng (hoàng sơn), lá đang xanh đòi nhuộm thành lá vàng. Văng vẳng tôi nghe câu ca xưa vọng về "Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống...".
Tokyo, tuyết đầu mùa, 12/02

(source: talawas)
 
Đọc Nguyễn Thanh Sơn có thể thấy rằng anh là người đọc nhiều, đọc rộng. Cách nhìn nhận của anh không bị ràng buộc bởi những quy tắc hay lối mòn mà nhiều nhà văn, nhà phê bình VN vẫn có, tiếp nhận và chịu ảnh hưởng từ những tư tưởng mới của phương Tây. Chính vì thế nên những bài viết của anh đem lại nhiều điều mới mẻ hơn những bài phê bình khác trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, quá nhiều trích dẫn, quá nhiều từ ngữ cao xa và lấp lánh tạo nên một bài viết đẹp nhưng thiếu lôi cuốn và thuyết phục bởi sự đơn giản, trực tiếp hay bởi cảm xúc chân thực. Cảm giác khi đọc Nguyễn Thanh Sơn giống như ăn một món ăn từ những nguyên liệu rất tươi, rất ngon nhưng chưa được chế biến và nấu nướng kỹ. Tôi nghĩ có thể tìm đọc ngay những tư tưởng/tác giả chính mà Nguyễn Thanh Sơn vẫn thường trích dẫn sẽ thú vị và thuần khiết hơn.
 
Nói chung các bác này viết cũng chỉ để bỉ nhau là chính, đọc cho vui thôi chứ chả rút ra được gì nhiều.

Còn nhà Nguyễn Thanh Sơn mắc cái bệnh khoe chữ không đúng chỗ, tuy có khác gái ở chỗ dùng nhiều từ leng keng nhưng vẫn có nghĩa, nhưng đúng là thiếu tính thuyết phục. Về mặt nội dung thì như tựa của sách "Phê bình văn học của tôi", có nghĩa là ai hợp tôi thì thấy thích, ai không hợp thì sẽ có phản ứng, cho nên cũng lại không rút ra được gì nhiều.

Đọc một số bài tranh luận trên văn đàn thì thấy các đồng chí đấy tầm thường lắm, và có lẽ cũng vì tầm thường nên mới đi tranh luận kiểu đấy. Không nhìn vào cái toàn cục mà chỉ bắt bẻ câu chữ, để cảm xúc cá nhân lấn át nhưng vẫn muốn ra vẻ ta đây bình tĩnh tự tin không cay cú, chuyển từ cái đại tiết sang tiểu tiết rất nhanh... Hơi bị nữ tính.
 
Tam Lệ

Văn đàn sôi nổi: mật xanh mật vàng


Ðấm bốc là một môn thể thao kết hợp cả công lẫn thủ, chiến thắng đáng kể nhất là hạ đo ván đối phương, tệ ra cũng thắng điểm, nói chung là không có hòa.
Phê bình văn học vốn lấy hòa làm chính nên thiếu hấp dẫn tuy nghe nói là mang tính nhân văn. (Thật ra môn phê bình không dùng tới tay chân nhưng chấn thương cũng rất đáng kể. Chẳng thế mà mặt người chơi đều vêu lên cả.)

Hôm nọ tôi có viết một đoạn ngắn trao đổi với Nguyễn Quang Lập về Nguyễn Thanh Sơn, trên tinh thần gắng tránh vụ đấm bốc. Nhưng rút cục, bây giờ cũng thấy một cuộc ra tay, đầu tiên là Sơn Vàng nhằm vào Sơn Xanh (mượn ý của Phạm Xuân Nguyên), sau đó mọi người lại nhè vào đầu Sơn Vàng.
Tinh thần đấu bốc làm cho mọi người hưng phấn hẳn lên, sinh động hẳn lên, chẳng kém cảnh nhà thủ trưởng bị đánh cắp.
Trò vui này chắc mới mở màn, tôi đoán thế. Nhưng kinh nghiệm của các cuộc tranh luận văn học ở xứ mình thì từ trước đến nay đều chẳng để lại gì ngoài vài dòng trong văn học sử. Rút cuộc, những cuốn sách như "Thi nhân Việt Nam" mặc dù còn rất nhiều non nớt nhưng vẫn trụ được với thời gian chứ bao nhiêu cãi vã của những bậc thầy hùng biện chỉ tốn thì giờ của một thế hệ nào đó.
Vì tất cả các cuộc cãi cọ đều nhanh chóng phóng ra khỏi địa hạt văn học. Mà khi không còn tính văn học nữa, các cuộc tranh luận của giới trí thức lại trở nên tẻ nhạt, thậm chí còn khó thưởng thức hơn màn chửi mất gà. Chẳng hiểu sao nó lại thường tuột khỏi văn học, những tranh cãi ấy ?

Nếu nghiêm khắc mà nhận xét thì Sơn Xanh chưa phải nhà phê bình văn học, điều đó thể hiện ra rất đầy đủ và dày dặn trong cuốn "Phê bình văn học của tôi". Một cuốn sách rất hay, rất cần cho đời sống văn học, cũng như "Chân dung và đối thoại" của anh Trần Ðăng Khoa trước đây. Nhưng để trở thành sách phê bình thì như thế chưa đủ. Bởi vì cuốn sách chỉ là tập hợp những suy nghĩ tản mạn với tư cách một bạn đọc tâm huyết, đại diện cho một cá nhân, thấy hay chỗ này, thấy dở chỗ kia, ta nên thế này, ta phải thế nọ. Tất cả những bạn đọc thông minh đều viết được theo lối ấy, và chỉ có thể viết được về văn chương kiểu Vương Trí Nhàn như thế. Nguyễn Thanh Sơn sẽ còn mất rất nhiều thời gian, và điều đặc biệt là anh phải có một con đường phê bình thuần khiết, nếu như anh không muốn dừng lại ở kiểu phê bình của độc giả nghiện sách thích tranh luận với các nhà văn. Không ai dám dạy đời anh, nhưng sự thật là anh đang cần thời gian.

Ðến lượt Sơn Vàng, mục tiêu anh nhằm vào "lớp trưởng giả mới" chứ không phải là phê bình hay văn học, thậm chí không phải là Sơn Xanh. Mặc dù anh "đánh" có mục tiêu, điều này là rất đáng nể, nhưng mục tiêu ấy vốn của Ban Tư tưởng hay là Báo Văn Nghệ (không tính giai đoạn đăng truyện Nguyễn Huy Thiệp), hoàn toàn chẳng liên quan gì tới văn học.

Cuộc đấm bốc vui, lắm người tham gia. Nhưng trong thâm tâm nhiều người, vẫn mong những cuộc riêng cho văn học, phê bình với phê bình, lý luận và lý luận.
Nhưng mọi người lại bảo : "Tư duy lý luận không phải sở trường của ta".

(source: talawas)
 
1dc7

Trích dẫn trong một đoạn tranh luận ở thanglong:

...Có một chiện xế lày. Ngày bao cấp nhà lước mới xây cho nhăn dăn cái nhà tầng tập xể phân cho cán bộ. Gay nhất nà đoạn thiết kế chuồng sí. Làm sao mờ tiết kiệm đỡ xót tiền dân. Mấy anh thiết kế mới ra một cái công trình như sau. Tầng một iu tiên cho giai cấp công nhân: không cần chuồng xí. Vì sao? Vì các anh í chạy ngay ra ngoài vườn rau làm cho tiện cần gì xây cho phí. Tầng hai là cán bộ hành chính sự nghiệp, cũng không cần chuồng xí. Vì sao? Thì cán bộ ta tranh thủ trong giờ cơ quan giải quyết cho gọn rồi tiết kiệm tiền nước dội với giấy chùi ở nhà. Tầng ba là cho các nhà khoa học, cũng không cần xây chuồng xí. Vì sao? Vì các nhà khoa học có cái đe'o gì ăn đâu mà ỉa, không cần chuồng xí. Tầng bốn leo cao tí nhưng là đặc biệt iu tiên cho các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình,... ở trên cao cho mát, gần giăng. Cũng đếch cần chuồng xí nốt. Sao thế? Thì bởi vì chúng nó ỉa lên đầu nhau rồi cần gì phải xây!

Đến bây giờ đời sống nhân dân được dần dần từng bước nâng cao và cải thiện, các căn hộ tập thể khang trang, hiện đại hơn, nhân dân cán bộ nhà khoa học đều đã được vệ sinh trong nhà, sạch sẽ; tuy nhiên các anh nhà văn nhà phê bình vẫn tiếp tục ỉa lên đầu nhau.
 
Không cái mặt bác post bài đâu đến nỗi nào, vậy mà ... chậc chậc...
 
Chú Chí Trung chuyển sang vị trí lên mặt dạy đời với anh từ lúc nào thế :) Thôi chú cứ lớn thêm vài năm nữa rồi nói chuyện với anh tiếp cũng được. Trí thông minh của đàn ông tăng dần theo tuổi tác, chú yên chí đi hẹ hẹ... Hôm nay anh đang rất bực nhưng anh vẫn trầm được, kể cũng may, nhỉ.
 
Ấy chết, em tài hèn trí mọn có dám nói gì đâu ạ. Em thấy bài này anh viết hay quá, có điều so với các bài kia nó hơi lệch thì phải. Với lại ai lại đem chuyện này ra topic tâm sự của người ta ?
 
Back
Bên trên