Ném đá dân lớp Toán

Nguyễn Tùy Anh
(Nguyễn Tùy Anh)

New Member
Post này chắc nhiều người xem rồi nhưng cứ cut & paste lên đây:

Nguồn: Vietnamnet

Làm Toán như một sự thủ dâm tinh thần

VietNamNet) - Nhúng tay vào hàng chục lĩnh vực: điện ảnh, bất động sản, ngân hàng, quảng cáo, PR, báo chí, tin học, thiết bị văn phòng...Sở hữu và đồng sở hữu vài chục công ty, trong đó đã và đang gây ấn tượng với những cái tên nổi tiếng như FPT, Zodiac (Hoàng đạo), ACB, TOGI, Vĩnh Trinh Company, Thiên Ngân Galaxy... Từ một sinh viên Toán cách đây 20 năm, Nguyễn Trung Hà đã từ bỏ lối đi được dọn sẵn để hiện tại trở thành một nhà đầu tư "có máu mặt" của Việt Nam.



Trong quá trình đi tìm nhân vật cho loạt bài này, với mục đích tiếp cận những cựu HSG quốc tế thành danh trong lĩnh vực kinh doanh, tôi nhận được không dưới 10 lời giới thiệu của nhiều doanh nhân thành đạt về Nguyễn Trung Hà.


Cuộc phỏng vấn được thực hiện cuối tháng 11/2005. Thẳng thắn và thực tế, đôi chút cực đoan (?), nhiều ý kiến của anh có thể sẽ gây ra tranh cãi hay dư luận trái chiều.


Toán học không có nhiều ý nghĩa với xã hội


Trước khi là một nhà đầu tư, anh từng là một học sinh giỏi Toán?

Năm 1978, đạt giải ba HSG Toán quốc tế ở Rumani, cùng 40 người đạt điểm cao nhất trong kỳ thi đại học, tôi được gửi lên trường quân sự trên Vĩnh Phúc để ôn luyện tiếng, chuẩn bị cho việc sang Nga.

Năm sau, tôi sang MGU (ĐH Tổng hợp Moskva) học khoa Toán Cơ, ngành Toán lý thuyết, lại chọn Lý thuyết số, môn cổ điển và kém ứng dụng nhất trong các nhánh của Toán học. Nhưng chưa hết đại học thì tôi chán. Tôi tự nhận thấy học Toán xong, rồi cũng không để làm gì.

Vì sao?

Tôi cho rằng, những gì dân Toán làm là: Tự đặt vấn đề, Tự giải quyết vấn đề rồi lại Tự hoan hô. Nói chung là một chuỗi công đoạn “tự sướng” và ít có ích cho người khác. Nói cách khác, giá trị của việc học Toán và làm Toán không cao.

Toán học vẫn được coi là nền tảng của nhiều môn khoa học khác. Những điều anh nói dường như phủ nhận một quan niệm được rất nhiều người thừa nhận?

Kiến thức Toán khá cần thiết trong nhiều lĩnh vực, trong cuộc sống. Nhưng, những thứ thực sự cần thiết cũng chỉ ở tầm vừa vừa thôi, nói nôm na là 1+1=2, chứ không phải những cái hoành tráng, trừu tượng, cao siêu. Mà, Toán học bây giờ đi xa lắm rồi, ở tận chân trời nào rồi.

Đa phần những vấn đề mà các nhà Toán học nghiên cứu, là do họ tự đặt ra, tự thấy rằng nó rất có ích, rồi tự đi tìm lời giải và cũng chỉ có họ, hoặc những người theo đuổi Toán ở tầm của họ mới hiểu được.

Vì không có ai hiểu được ngoài mấy ông Toán biết với nhau, nên cũng là các ông tự hoan hô nhau. Ông này khen ông khác giỏi, khen những vấn đề xyz nào đó là giải quyết được mấu chốt, là có ý nghĩa, ảnh hưởng rất lớn... và dân chúng, xã hội, thực ra là chẳng hiểu tẹo nào về vấn đề đó... tung hô theo.

Anh có nghĩ rằng những điều này sẽ động chạm?

Tất nhiên, bất cứ chuyện gì nhạy cảm cũng có thể động chạm. Nhưng, tôi nói với tư cách không phải người ngoại đạo. Tôi cũng từng học Toán. Rất, rất nhiều bạn bè tôi cũng là dân Toán... Trong giới Toán nói chuyện với nhau cũng rất hiểu điều đó. Chúng tôi còn dùng nhiều từ "trần trụi" hơn nhiều: chẳng hạn thủ dâm tư tưởng (cười to). Vô nghĩa! Ông này Tiến sỹ, anh kia Tiến sỹ... toàn giải quyết vấn đề vô nghĩa.

Anh từng học Toán, tức là cũng đã từng thấy rằng nó có ích. Mất bao lâu để anh đi đến kết luận ngược như bây giờ?

Tất nhiên, ngày xưa, tôi không nghĩ ngay được cái điều mà tôi thấy bây giờ. Thời đầu, cũng như rất nhiều SV Toán khác, tôi rất thích làm Toán. Mỗi lần tự giải quyết được một bài toán, một vấn đề nào đó thì thấy rất sướng. Và, nếu có ai đó xung quanh hoan hô thì càng vui, hay tự mình hoan hô cũng thấy hay, cũng đủ để thoả mãn (cười).

Nhưng, cuộc đời có những thời điểm, những cột mốc có thể làm người ta thay đổi cách suy nghĩ. Thay đổi một cách sâu sắc, về chất.

Năm 1982, tôi bị lao phổi và phải vào nằm trong Viện lao Moskva mất 1 năm. Thời gian này, rảnh rỗi nên tôi có nhiều thì giờ suy ngẫm về cuộc đời. Sau khi ra Viện, tôi trở thành người khác hẳn, trong cách nhìn cuộc sống. Tự dưng, tôi nhận thấy một cách rất rõ ràng sự vô nghĩa của những cái mình đang theo đuổi, cụ thể là việc học Toán, hay việc mình muốn đạt cái nọ, cái kia.

Người giỏi làm Toán là sự lãng phí

Nhưng, có một thực tế là dân Toán đa phần là những người giỏi và họ dễ thành công, kể cả khi chuyển sang các ngành khác. Tức là Toán học có ích, ít nhất về mặt đào tạo?

Có một số khái niệm bị đóng khung trong suy nghĩ. Nói thịt nghĩ ngay là thịt lợn, chứ không phải thịt gà, thịt cừu, thịt bò... Nói giỏi hầu như chúng ta cũng hiểu là giỏi Toán, nếu giỏi Văn, giỏi Lý, Hoá, Nhạc, Hoạ... sẽ cần phải chua thêm mấy cái danh từ phụ.

Cá nhân tôi nghĩ có sự nhầm lẫn ở đây. Nhiều người nghĩ những người học giỏi Toán khi nhảy sang các ngành khác làm cái gì cũng dễ giỏi, dễ thành công, tôi lại cho rằng, những người giỏi Toán, bản thân họ là những người giỏi, tức là họ có nhiều tố chất về trí tuệ để dễ thành công... Mà người giỏi thì học gì, làm gì cũng dễ giỏi kể cả học Toán.

Chẳng qua, người có trí tuệ tốt từ bé thường được hướng, hoặc tự chọn vào những môn mang tính khoa học, nhất là Toán. Thành ra, mật độ những người giỏi "dính dáng" đến Toán là tương đối cao, nên dẫn đến sự đánh đồng khái niệm: dân Toán là dân giỏi. Sự lãng phí ở đây là lẽ ra phải cho những người giỏi đó học ngành khác hữu ích hơn là Toán.

Nhưng rõ ràng, rất nhiều kiến thức của Toán đã và đang được áp dụng trong rất nhiều ngành nghề khác nhau?

Chúng ta nhầm lẫn trong việc định nghĩa thế nào là ứng dụng, dẫn đến hiểu Toán có ứng dụng trong nhiều ngành. Không phải vậy. Toán hoàn toàn không có ứng dụng. Tôi nghĩ kiến thức Toán ở bậc ĐH là bắt đầu không cần thiết. Càng nghiên cứu lên cao, Toán càng ít tính ứng dụng hơn. Lúc đó, nó chỉ phục vụ cho những sự phát triển nội tại của bản thân nó thôi. Tôi cho rằng vô ích. Nếu muốn nước ta đi nhanh hơn thì có lẽ nên bỏ qua ngành học này.

Anh có mạnh miệng quá không?

Đó là sự thực. Để nói là vô ích hay không thì xác định xem ta đứng ở điểm nào đó để nhìn. Nhiều người cứ lý luận, hoặc có thể chính họ tin rằng, Toán hữu ích. Nhưng, nhìn ở góc độ phát triển kinh tế xã hội nước ta hiện tại, cống hiến của Toán thực sự không có gì.

Toán là một trò chơi

Vậy, anh nói thế nào, khi vẫn luôn có những hình thức tôn vinh đóng góp của các nhà Toán học? Và, cả những nỗ lực và sự đầu tư để Toán phát triển. Phải chăng xã hội nhầm lẫn hết?

Toán là một trò chơi. Tôi ví dụ, thi nhảy cao chẳng hạn, cũng là một trò chơi, một trò thể thao. Bản thân cái việc nhảy cao, chẳng có ý nghĩa gì cả, ngoài 1 điều duy nhất là có tác dụng về tinh thần. Nó có thể thoả mãn khát khao chinh phục một cái gì đấy, hay thúc đẩy cho nhiều người yêu thích và hứng thú luyện tập thể dục.

Toán học cũng vậy. Học tiếp lên, nghiên cứu tiếp lên, có thể ra được những cái khá hơn cái cũ, cũng như nhảy cao, cố gắng 2m10, rồi 2m12 sẽ đạt được mục tiêu là chinh phục kỷ lục nào đó. Ngoài ý nghĩa này thì toàn bộ công đoạn nỗ lực đó là vô nghĩa.

Vô nghĩa? Giải thưởng Clay của Ngô Bảo Châu được nhiều người coi là niềm tự hào là một ví dụ phản bác lại nhận định của anh?

Đúng, nó là sự tự hào. Về khía cạnh này thì rất có ý nghĩa.

Những nhà Toán học thành công, cũng như những VĐV thể thao thành công sẽ nuôi dưỡng được niềm tự hào cho những người liên quan, trong gia đình, thậm chí trong cộng đồng của họ. Nhưng, điều ấy có ý nghĩa gì khác, cũng như kỷ lục thế giới có ý nghĩa gì, ngoài cái danh kỷ lục?

Đừng vẽ son, tô hồng quá cho dân Toán. Phát triển xã hội thì đừng đưa những đầu óc tinh tuý nhất vào ngành Toán, để họ trăn trở với những việc tự đặt vấn đề rồi tự giải quyết vấn đề. Lãng phí. Những đầu óc ấy có thể làm được việc khác, hữu ích hơn nhiều lần.

Anh lấy những tiêu chí nào để đánh giá một cái gì đó là hữu ích?

Đơn giản thôi, một cái gì đó hữu ích là khi người ta dùng nhiều. Thực ra, chính xác hơn, dùng nhiều mới là có khả năng hữu ích chứ chưa dám chắc là hữu ích thật sự. Chứ nhiều kiến thức Toán cao siêu, trừ một bộ phận rất nhỏ của xã hội hiểu được, còn đa phần chẳng ai hiểu gì, thế thì nói gì đến dùng hay ứng dụng.

Những nhà Toán học hi sinh vì xã hội để đi lừa đảo đám đông. Họ có đóng góp rất ít ngoài việc việc làm gương để khích lệ thêm nhiều trí tuệ tinh hoa khác đi theo vào con đường đó, mà chính ra, ngay cả điều này không nên nhìn nhận là đóng góp.

Cố gắng không lấy bằng nếu không bắt buộc

Quay lại trường hợp của anh, sau khi ra viện và thay đổi nhận thức về cuộc sống, anh hiện thực hoá suy nghĩ của mình như thế nào?

Sau đó, thực sự tôi chỉ học tiếp sao cho cốt hoàn thành nốt bậc học vì không còn cảm thấy hứng thú nữa. Tôi dành thời gian để học những thứ khác, tự học và học qua các thầy. Định kiếm thêm cái bằng Tâm lý nhưng thậm chí, tôi thấy ngay cả việc này cũng vô nghĩa nốt.

Về sau này, tôi vẫn theo học nhiều thứ khác, nhưng cố gắng không lấy bằng làm gì nếu không bắt buộc.

Năm 1985, tốt nghiệp MGU, tôi xác định ngay tinh thần không học tiếp làm gì, và về nước. May mắn, tôi có việc ngay tại Viện Cơ học, thuộc Viện Khoa học Viện Nam.

Thời đó, cơ chế chưa thoáng và xin việc không dễ, chắc anh có thuận lợi về mặt quan hệ?

Không biết vì lý do gì đấy, tôi được nhận ngay (cười). Có thể nói con đường sự nghiệp của tôi rất thuận lợi.

Anh bắt đầu nghiêng sang việc kinh doanh như thế nào?

Hồi đó, Viện Cơ thuộc dạng khá nhất về mặt năng động ứng dụng, làm kiểu chân trong chân ngoài...

Các bác lãnh đạo Viện lúc đó như bác Đạo (Nguyễn Văn Đạo), bác Điệp (Nguyễn Văn Điệp) đều yêu quý và tạo điều kiện cho nhân viên làm thêm bên ngoài. Chúng tôi lập nhóm ứng dụng cơ học vào điện lạnh, sấy… Hợp đồng ký dưới danh nghĩa của Viện, và Viện được phần trăm. Sau này, khi thấy việc tách ra riêng, có con dấu riêng sẽ thuận lợi hơn về mặt kinh doanh và cũng có lợi hơn, chúng tôi lập công ty.

Năm 1989, tôi lập công ty Zodiac (tên tiếng Việt là Hoàng đạo), trực thuộc Hội Tin học, kinh doanh máy móc, thiết bị tin học. Sau khi có Luật Doanh nghiệp (năm 1991), chuyển thành công ty TNHH. Dần dần, do nhu cầu phát triển mà những mảng kinh doanh sau này như ngân hàng, bất động sản, tin học… là sự tiến lên và mở rộng theo sự phát triển tất yếu.

Tức là, anh đến với kinh doanh do sự đưa đẩy của thời cuộc? Thời đó, với các nhà khoa học như các anh, tính riêng lương có đủ sống không?

Đủ, bằng chứng là tôi vẫn sống đây (cười). Không thể nói do đồng lương không đủ sống mà người ta chuyển sang kinh doanh được. Kinh doanh là việc tự thân.

Có thể, có những sai lầm lại dẫn đến thành công. Mình tưởng rằng mình giỏi và có thể làm được điều gì đó, nên cứ thế làm, và làm được, đâm ra lại càng nghĩ rằng mình giỏi thật. Sau này, khi có nhiều kinh nghiệm hơn rồi, nhìn lại mình biết trong những cái làm ấy có nhiều sai sót.

Tôi ra kinh doanh bắt đầu từ việc nghĩ rằng, mình làm kinh doanh giỏi. Thực sự, bây giờ tôi không ưa kinh doanh, mà lại thích làm Toán hơn.

Có mâu thuẫn với điều anh khẳng định: Toán là lãng phí và vô nghĩa?

Không mâu thuẫn. Làm Toán như một trò chơi thì vẫn thấy nó hay, nó đẹp. Làm Toán như một sự thủ dâm tinh thần thì vẫn tự thấy sướng, thấy hứng thú (cười). Mặc dù đúng là những trò chơi, hay sự "tự sướng" chẳng có ý nghĩa gì đối với xã hội. Còn kinh doanh không thấy vui, vì nó càng ngày càng bẩn.

Cụ thể hơn là cái gì bẩn: môi trường?

Tôi quen với môi trường logic hơn. Môi trường kinh doanh bây giờ có nhiều sự phi logic, đôi khi kết quả đạt được không phụ thuộc bản thân ý tưởng kinh doanh mà còn nhiều điều kiện phụ khác.

Muốn đầu tư vào những lĩnh vực liên quan đến công chúng

Cùng một lúc sở hữu nhiều công ty trong nhiều lĩnh vực, anh làm thế nào để vận hành và quản lý tốt?

Nói chung, ở tất cả mọi công ty, tôi đều không làm gì quá sâu sát. Thực ra thì người ta không thể biết được nhiều thứ, quan trọng là biết tổ chức. Quản lý kinh doanh đòi hỏi các kỹ năng, còn đầu tư đòi hỏi những ý tưởng.

Tôi ít biết (và vì thế không thích) quản lý kinh doanh nhưng tôi có nhiều ý tưởng và có thể nhận biết người chuyên môn giỏi và sâu hơn mình để làm các việc. Phần việc của tôi là đưa ra định hướng, chiến lược: chẳng hạn quyết định hướng đi, xác định mục đích, thời điểm làm, khả năng sinh lời, lên kế hoạch tài chính, huy động tiền vốn, lựa chọn đội ngũ lãnh đạo chủ chốt...

Anh có mặt trong rất nhiều lĩnh vực sôi động trong nền kinh tế thị trường, trong đó anh ưu tiên cho lĩnh vực nào?

Tôi muốn đầu tư vào những lĩnh vực liên quan đến công chúng: điện ảnh, bất động sản, ngân hàng, quảng cáo, báo chí...Sự thành bại trong kinh doanh ở những lĩnh vực này ít bị ảnh hưởng bởi các cơ quan công quyền.

Hiện tại anh coi "mảng" đầu tư lớn nhất của mình là gi?

Hiện tại, tôi đang cho mình nghỉ hưu. Thời gian lúc này dành nhiều cho việc đọc sách.

Anh đọc những sách gì?

Đọc rất tạp (cười) sách lịch sử, tiểu thuyết, triết học phương Đông...

Một chút về cá nhân anh?

Tôi sinh năm 1962, dân chuyên Toán Chu Văn An, lấy vợ được 21 năm, có 2 con gái. Vợ tôi là Tiến sỹ Toán - Lý, dân chuyên Toán ĐH Tổng hợp. Tôi là người lười biếng, thích suy nghĩ hơn là hành động, thích nói phét hơn là làm.

Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện này.

Hoàng Lê (thực hiện)
 
Anh em kêu ca, liên lạc, móc nối túi bụi với chú mày mà vẫn bặt vô âm tín, không kèn, không trống, không cả điếu văn...
Hóa ra, lỉnh vào đây "tự sướng 1 mình"! Chịu mày!
:((
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Vương Mạnh Chung đã viết:
Anh em kêu ca, liên lạc, móc nối túi bụi với chú mày mà vẫn bặt vô âm tín, không kèn, không trống, không cả điếu văn...
Hóa ra, lỉnh vào đây "tự sướng 1 mình"! Chịu mày!
:((

Hej Chung,

Thành thật xin lỗi hôm trước không đến dự buổi họp lớp cấp 1 ....

Bận rộn quá, nhưng hôm nào TS Vũ Thế Anh về sẽ ngồi hàn huyên kỷ niệm Ams.

MK, LÚC NÀO NÓ GỌI THÌ MÀY THÔNG BÁO CHO TAO :))
 
Tớ nhớ hồi cấp 3, cũng muốn đua đòi được lên đại học cho bằng bạn bằng bè, nên dù dốt cũng cắm đầu cắm cổ giải toán. Các bạn lớp Toán thích giải toán thì còn thấy vui thú. Hồi đó (dĩ nhiên là bây giờ thì điều này càng đúng), tớ chẳng thích giải toán gì cả.

Nghĩ lại, cả 11 năm học phổ thông, cộng với 5 năm đại học, tổng cộng 16 năm, thì bổ ích nhất, là mấy năm cấp 1, học đọc, học viết, học cộng trừ nhân chia. Đến bây giờ vẫn còn dùng. Và dùng thế là đủ.

Kiến thức cấp 2, thì đôi khi vẫn còn bập bõm.

Kiến thức cấp 3, lên mây lên gió hết rồi.

Ngay cả tiếng Nga, được bố dạy cho A BE VE GHE ĐE từ hồi lớp 5, học tuốt đến tận lớp 12, thi đại học làm bài nhoay nhoáy, bây giờ cũng chỉ dùng để phân biệt tiếng Nga với tiếng khác.

Nghe xót ruột nhỉ.
 
Ngô Hồng Hoa đã viết:
Nghĩ lại, cả 11 năm học phổ thông, cộng với 5 năm đại học, tổng cộng 16 năm, thì bổ ích nhất, là mấy năm cấp 1, học đọc, học viết, học cộng trừ nhân chia. Đến bây giờ vẫn còn dùng. Và dùng thế là đủ.

Kiến thức cấp 2, thì đôi khi vẫn còn bập bõm.

Kiến thức cấp 3, lên mây lên gió hết rồi.

Có bài này... tớ đọc được ở đâu đó... Cứ ao ước kiếp sau mình được làm người Thụy Sĩ :))

Ở Thụy Sĩ, học sinh lớp 1 vào trường chủ yếu là vui chơi, vẽ tranh, ca hát
Tôi là một Việt kiều, luôn theo dõi tình hình phát triển mọi mặt của đất nước qua báo chí. Tôi đặc biệt quan tâm tới vấn đề giáo dục mà thời gian gần đây công luận đã lên tiếng rất nhiều. Xin được nói về thực tế phát triển ngành giáo dục của nước bạn, từ đó rút ra một số ý kiến đóng góp như sau:

Ở Thụy Sĩ, nơi gia đình tôi sinh sống từ 25 năm nay, đa số học sinh đi học được định hướng chỉ học hết cấp 2. Một số nhỏ xuất sắc sẽ học hết cấp 3. Một số rất nhỏ mới vào đại học. Nhưng đừng vội cho rằng dân trí của Thụy Sĩ thấp. Ngược lại đây là một trong những quốc gia hàng đầu của thế giới về phát triển công nghiệp, thương mại, khoa học, nghệ thuật; người dân có một mức sống rất cao, cao hơn cả tại Hoa Kỳ. Trẻ em đi học cũng như là đi chơi. Ở cấp 1 học sinh không có bài làm tại nhà, vào trường chủ yếu là vui chơi, vẽ tranh, ca hát, chương trình học hầu như không có gì nếu so với Việt Nam. Con tôi đi học lớp 1 mà chỉ cần đếm được từ 1 đến 10. Mẹ cháu sốt ruột quá dạy cháu đếm tới 100. Nhưng vì việc này mà gia đình tôi bị một phen hú hồn vì nhà trường mời lên cảnh cáo vì dám dạy cháu trước chương trình của trường. Thế là còn may, trong lớp có cháu bé người Trung Quốc bị nhà trường cho nghỉ học 2 năm, họ cho rằng cháu không cần đến lớp nữa vì đã biết đếm từ 1 đến 1000, vì thế cháu nên về Trung Quốc học thêm về văn hóa Trung Hoa trong 2 năm sẽ có ích lợi cho cháu hơn. Ở trường họ dạy học sinh những điều hết sức thiết thực. Các em phải học các bài học về về lịch sự, cách xử thế, thí dụ các em được chia làm 2 nhóm, nhóm con gái đánh rơi khăn mù xoa xuống đất, nhóm con trai lượm lên mang trả lại, nhóm con gái phải nói lời cám ơn. Mỗi em đều phải chọn một nhạc cụ để học, có điều kiện thì mua piano, không thì mua một cái sáo cũng được, tất cả phải học đàng hoàng để biểu diễn cho cả trường nghe. Em nào cũng phải học trượt tuyết, học bơi (trong khi ở ta, dù sống trong vùng sông nước mà thỉnh thoảng báo chí vẫn đăng tin một số học sinh bị chết đuối). Một số ít em có tư duy sáng tạo nổi bật sẽ được học tiếp cấp 3. Đa số xong cấp 2 thì đi học nghề rồi đi làm.

Số vào đại học thực sự là tinh hoa của đất nước, nhưng mức lương của kỹ sư cũng chỉ hơn người công nhân bình thường đôi chút, mà kỹ sư lại phải đóng thuế nhiều hơn, mức chênh lệch giàu nghèo không quá lớn. Trình độ cảm thụ nghệ thuật của đại đa số dân chúng gần như nhau. Ở bên ta thì mọi học sinh đi học đều nhắm tới việc vào đại học, coi như đó là mục đích của việc học, không được vào đại học coi như việc học thất bại. Mà vào được đại học cũng đâu đã phải là thành phần ưu tú nhất, chỉ cần làm được toán, lý, hóa, sinh, Anh, văn là nghiễm nhiên trở thành bác sỹ, kĩ sư, thầy giáo. Ở nước ngoài người ta chú trọng vào thành tích hoạt động xã hội của các em khi xét tuyển đại học vì nó làm lộ ra tinh thần phục vụ cộng đồng của các em. Xã hội không chấp nhận các bác sĩ trở thành những cái máy chém, vô đạo đức...

Tôi cho rằng các nhà hoạch địch sách lược giáo dục của Việt Nam nên nghiên cứu và trực tiếp tham quan, tham khảo hệ thống giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới, qua đó chọn lọc, học tập kinh nghiệm của họ để áp dụng, chứ không chỉ loay hoay tìm tòi, thí điểm, cải cách lẩn quẩn mãi như thời gian vừa qua.

Con nhà tớ đi học về bảo mẹ "con thích nhất là các môn phụ" "môn phụ là môn gì hả con ?" "con thích nhất là thể dục - được ra công viên, chạy nhảy, đá bóng" - "thế con thích mỗi thể dục thôi à ?" - "con thích cả môn vẽ nữa, và môn Tiếng Anh (chỉ hôm nào có cô Tây dạy mới thích thôi vì cô toàn cho chơi trò chơi)".

Tớ lại cứ tưởng có mỗi con mình nó lười giống mẹ nó, hóa ra bọn dân Thụy Sĩ chúng nó cũng lười biếng nhỉ !! [-x
 
Nguyễn Thanh Giang đã viết:
Tớ lại cứ tưởng có mỗi con mình nó lười giống mẹ nó!! [-x

Chị Giang ơi, người lười tất nhiên là nhiều hơn “nhân tài” rồi, đâu có mỗi mình mẹ con nhà chị. Điển hình là dân Ams ở ĐH Ngoại ngữ, trốn tiết ra ngồi quán hay đi lang thang trong trường toàn gặp dân Ams, cười với nhau rất tươi rồi lại tiếp tục bỏ giờ học sau!!! :))
 
Dù sao tớ vẫn muốn hậu duệ của tớ giỏi toán nên đang luyện công cho chúng nó.
 
Lê Kim Dung đã viết:
Dù sao tớ vẫn muốn hậu duệ của tớ giỏi toán nên đang luyện công cho chúng nó.

Luyện công vừa thôi kẻo "tẩu hỏa nhập ma" đấy Dung nhá!=; (Cho tớ xin lỗi các bạn lớp toán trước nếu có gì mạo phạm nhé:) )
 
Tớ thấy anh Trung Hà trong bài bạn Tùy Anh gửi có vẻ tinh vi quá. Tớ thì nghĩ, những người thi Toán được giải cao, cũng như những vận động viên lập kỷ lục đều chứng tỏ là, có phấn đấu, có nỗ lực thì sẽ có thành công. Đâu phải chỉ là kỷ lục để ghi danh, họ phấn đấu để tạo ra những cột mốc chứng tỏ sức vươn lên của con người. Nếu anh Trung Hà nản rồi, không muốn nỗ lực phấn đấu nữa (vì già vì mệt mỏi), cũng không nên chê trách những người khác vẫn tiếp tục phấn đấu để hoàn thiện mình.

Vì thế tớ cứ tuyên dương các bạn chuyên Toán, Lý, Hóa ngày xưa, cả các bạn chuyên Nga, cứ nên tiếp tục nghiên cứu tìm tòi, cứ tiếp tục thi thố tài năng cạnh tranh với đời. Đam mê của mình là gì, thì cứ tiếp tục theo đuổi. May mắn sống ở đời có được đam mê để cho cuộc đời còn có mục đích. Chứ không có gì để mình quan tâm, đam mê, suy nghĩ, liệu cuộc sống có thật sự đáng sống hay không?

Còn về giáo dục, tớ thấy bên này (Úc) khuyến khích sự phát triển đa dạng cá nhân, mạnh điểm nào vào điểm đấy. Chứ ở nhà học dập khuôn, mỗi môn học có mỗi một quyển sách mỏng dính học thuộc lòng. Học sinh đứa nào có sáng kiến hơi khác đi một tí là bị điểm thấp luôn. Vì thế học sinh mất hết tính sáng tạo, không chịu tìm hiểu những cái mới.
 
Chạy quáng quàng vào đây xem có thêm ai "ném đá dân lớp Toán" không nhưng lại chỉ thấy fan.

Các bạn lớp Toán có mừng không nhỉ?! Mừng thì biểu hiện ra, chẳng hạn như vào đây ừ một tiếng, vân vân và vân vân...
 
Back
Bên trên