Mit - Ocw

Lưu Đức Hiệp
(luuduchiep)

New Member
MIT OCW is a free and open educational resource for faculty, students, and self-learners around the world. OCW supports MIT's mission to advance knowledge and education, and serve the world in the 21st century. It is true to MIT's values of excellence, innovation, and leadership.

MIT OCW:

Is a publication of MIT course materials
Does not require any registration
Is not a degree-granting or certificate-granting activity
Does not provide access to MIT faculty

Mọi người thử vào thăm trang web này xem, có khi lại thấy những thứ bổ ích.

http://ocw.mit.edu/OcwWeb/index.htm


MIT ở mọi nơi - Vninvest


Mọi bài giảng, mọi tài liệu phát, mọi bài thi. Tất cả đều trực tuyến. Miễn phí. Hãy gặp gỡ những con người trên thế giới đang tiếp nhận một khóa đào tạo của MIT theo mô hình nguồn mở.

David Diamond

Lâm Vĩ Quốc cưỡi trên chiếc xe máy len lỏi qua những dòng xe hai bánh lưu thông hầu như không bao giờ ngớt của Thành phố Hồ Chí Minh và dừng ngay trước một con hẻm đông đúc. Cậu leo lên những bậc thang bằng gỗ trong ngôi nhà nhỏ có chín thành viên, ngang qua bà mẹ đang khom lưng nấu bữa trưa trên tầng gác hai. Quốc liếp tục leo lên các bậc thang dốc hơn để lên đến tầng gác ba và ngồi lên một cái ghế đẩu trước một cái bàn nhỏ, gạt qua một bên tấm nệm mỏng đã được cuộn lại mà cậu dùng để ngủ chung với mấy người anh. Trong mùi thịt gà rô-ti bốc lên từ con hẻm và tiếng nện kim loại từ cửa hàng sắt ở nhà kế bên, Quốc bật chiếc máy tính Pentium 4 lên, trong chốc lát màn hình hiện lên Bài giảng 2 của môn Thực hành Kỹ thuật Phần mềm, một môn học được dạy vào mỗi học kỳ ở Viện Công nghệ Massachusetts. Quốc nói "đây," và chỉ vào màn hình, "đây là nơi tôi lấy ý tưởng sử dụng ‘decoupling’ để tích hợp hai chương trình lại với nhau."



Trong căn nhà gạch lớn mà Evan Hoff cùng ở chung với ba người khác ở Nashville, cậu thanh niên 20 tuổi truy cập vào trang web MIT và kết nối vào đúng phần tài liệu mà Quốc đang nghiên cứu ở cách đó nửa vòng trái đất. "Đây là bài giảng về ‘data abstraction’”, Hoff giải thích. "Tôi đã học phần này ở trường đại học cộng đồng, nhưng họ chỉ dạy tới đó. Còn bài giảng ở đây cho ta biết ba điều kiện định dạng khác nhau, những thứ mà chúng ta có thể đúc kết thành tư liệu để những lập trình viên tương lai biết cách sử dụng. Ở đại học cộng đồng, chúng tôi chỉ học có hai điều kiện mà thôi".

Khi MIT công bố với thế giới vào tháng 4 năm 2001 rằng sẽ đưa lên mạng nội dung của khoảng 2000 lớp học, trường hy vọng chương trình này – với tên gọi OpenCourseWare (Công cụ khóa học mở) – sẽ thúc đẩy một sự chuyển dịch toàn cầu trong việc chia sẻ kiến thức và cải thiện phương pháp giảng dạy giữa cộng đồng các nhà giáo dục. Chưa có một trung tâm giáo dục đại học và sau đại học nào lại đề xuất ra một chương trình mang tính cách mạng hay đầy thách thức như vậy. MIT sẽ biến mọi thứ từ những bài giảng được quay video và tài liệu ghi chú trong lớp đến đề thi và đề cương môn học trở nên sẵn có cho bất kỳ tay chơi nào trình duyệt mạng. Thế giới học thuật bị sốc bởi tính táo bạo của MIT – và tỏ ra nghi ngờ thí nghiệm này. Ở thời điểm mà hầu hết các công ty đang đua nhau kiếm lợi từ Internet và các trường đại học đang tiếp thị từng hình thái đào tạo từ xa mà họ có thể có, thì một tổ chức ở đỉnh cao về giáo dục công nghệ và khoa học lại sẵn sàng cho không những thứ này. Bằng cấp không phải cho không mà vẫn phải tốn khoảng 41.000 đô-la một năm. Cái cho không là nội dung tài liệu. Việc truy cập không cần phải đăng ký.

Anne Margulies, cựu phó giám đốc hành chính và giám đốc điều hành hệ thống thông tin của Harvard, người được chọn làm giám đốc điều hành OpenCourseWare nhớ lại: "Đây là một ý tưởng cực kỳ đơn giản nhưng không thể nhận biết bằng trực giác. Lúc đó thế giới đang kiểm soát thông tin một cách chặc chẽ, chỉ giới hạn trong phạm vi những ai có thể trả tiền để sử dụng thông tin". Không lâu sau tiền từ các quỹ đổ về hỗ trợ cho sáng kiến này. MIT tạo dựng được một uy tín của một trường đại học duy nhất có tư duy đủ tiến bộ để tự mình theo đuổi ý tưởng nguồn mở. Để trắc nghiệm lối tư duy này, năm ngoái trường đã đưa lên mạng 50 môn học.

Vào tháng 9, khi các sinh viên tựu trường ở Cambridge để bắt đầu năm học mới, MIT sẽ chính thức khai trương OpenCourseWare với hơn 500 môn học, bao gồm những thứ như Kỹ thuật hạt nhân 22.312: Kỹ thuật lò phản ứng hạt nhân, và Khoa học chính trị 17.251: Quốc hội và hệ thống chính trị Hoa Kỳ (giống như mọi thứ khác ở MIT, các môn học được gọi theo mã số). Trường dự tính đưa 1500 môn học còn lại lên mạng trong vòng ba năm tới. Dấu hiệu tốt của dự án thí điểm sẽ là việc những sinh viên từ Nepal cho tới Nebraska sẽ đắm chìm trong những tài liệu này.

Và bản thân MIT cũng sẽ học được một số điều, như đã từng thu thập được trong năm đầu của chương trình OpenCourseWare. Một bài học về kiểm định beta liên quan đến khả năng truy cập, vốn rất tốn kém và chậm ở một số nơi trên thế giới. Vấn đề thứ hai: thiếu sự hỗ trợ cho những sinh viên học chủ yếu qua mạng. Ngay cả một môn học hay nhất ở trường đại học cũng có thể bị xuống cấp nếu không có loại hình hỗ trợ giảng dạy tập trung được thực hiện ở một trường như MIT. Kế đó là vấn đề dai dẳng về sở hữu trí tuệ. Ví dụ, làm thế nào có thể kiểm soát những kẻ lừa đảo ở thế giới thứ ba để họ không vồ chụp lấy những tấm bằng của MIT như họ đã từng làm với nhãn hiệu Calvin Klein?

Như nhiều đại học khác, MIT cũng có tham vọng kiếm tiền thông qua hoạt động đào tạo từ xa. Trường đã từng thuê một chuyên gia tư vấn để nghiên cứu chuyên sâu lĩnh vực này, và năm 2000, nhà tư vấn Booz Allen Hamilton báo cáo rằng MIT đã đánh mất cơ hội. Khi đó một nhóm gồm các giảng viên và cán bộ hành chính, cụ thể là Hal Abelson, Steven Lerman, Toby Woll và Dick Yue đưa ra ý tưởng tải tất cả các môn học lên mạng miễn phí cho tất cả những ai có thể truy cập. Hiệu trưởng của MIT, Charles Vest, đã ký duyệt, nhưng việc thuyết phụ các giảng viên gặp khó khăn. Một số giáo sư phàn nàn rằng chương trình sẽ đặt thêm gánh nặng cho công việc của họ. Số khác thì lo rằng những bài giảng không được trau chuốt sẽ gây tiếng xấu cho trường. Các giảng viên có sách xuất bản thì quan tâm đến việc phải từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ và như vậy sẽ gây thiệt hại cho doanh số bán sách của họ. "Đây có lẽ là một quyết định được bàn luận nhiều nhất tại MIT", Abelson nhớ lại. Đa số những ý kiến phản đối đã biến mất sau khi coi việc tham gia dự án của các giáo sư là trên tinh thần tự nguyện.

Ý tưởng này nhanh chóng thu hút được nguồn tài trợ từ bên ngoài. Quỹ William và Flora Hewlett và Quỹ Andrew W. Mellon đã chi ra tổng cộng 11 triệu đô-la cho giai đoạn hai năm đầu (MIT cũng đầu tư vào 1 triệu đô-la). Những tổ chức này có khả năng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho sáng kiến, mà theo tính toán cần phải có thêm khoảng 20 triệu đô-la trước khi những môn học còn lại được đưa lên mạng vào cuối năm 2006. Số tiền này sẽ được chi cho tất cả những hoạt động từ việc hỗ trợ giảng viên soạn thảo và số hóa tài liệu đến việc thiết kế trang web và thiết lập máy chủ.

Trong giới hàn lâm, MIT được xem là đã thực hiện một bước đi đối ngoại tuyệt hảo. Nếu đúng như vậy, thì kế hoạch xem như đã rất hiệu quả, vì nó nhận được sự ủng hộ của phần lớn thế giới; khi tôi giải thích OpenCourseWare cho một nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ, phản ứng ngay lúc đó của anh ta là: "Ai nghĩ ra ý tưởng này phải được trao giải thưởng Nobel”.

Một trong những sản phẩm đưa lên mạng phổ biến nhất là môn Thực hành kỹ thuật phần mềm, mã số 6.170. Đây là một môn khó đối với những sinh viên chuyên ngành kỹ thuật điện tử và tin học. Lâm Vĩ Quốc, sinh viên năm thứ tư của Đại học Khoa học Tự nhiên ở Việt Nam, đã nhờ vào những bài giảng của môn 6.170 để bổ trợ cho lớp phần mềm thực hành mà cậu đang học. Evan Hoff, một chuyên viên phần mềm ở Nashville, cũng nghiên cứu môn này để nâng cao kỹ năng lập trình của mình. Ở Karachi, Pakistan, một nhóm gồm 100 sinh viên và giáo sư đã gặp gỡ hàng tuần để nghiên cứu môn 6.170. Ở Kansas City, năm thành viên của Hiệp hội các nhà lập trình chuyên nghiệp bằng ngôn ngữ Java của Thành phố Kansas hàng tháng ngồi lại với nhau để cùng học môn này. Ở Mauritius, một đảo quốc nhỏ bé trên Ấn Độ Dương, Priya Durshini Thaunoo sử dụng môn 6.170 để chuẩn bị học thạc sĩ tại Đại học Mauritius. Saman Zarandioon, một cư dân người Iran tị nạn ở Vienna học môn này để tiếp tục theo một chương trình đào tạo vốn bị Chính phủ Iran làm gián đoạn. Và một chuyên viên phần mềm tên gọi Rahul Thadani ở Birmingham, Alabama, cũng nghiên cứu môn này để nâng cao kỹ năng của mình.

Những cá nhân này và vô số những người khác đều truy cập vào địa chỉ ocw.mit.edu, một website được tổ chức tốt và dễ truy cập. Trang chủ của môn học 6.170, với hình ảnh một phòng máy tính, cung cấp thông tin chi tiết về môn học, gồm cả đề cương. Phía bên trái màn hình có những điểm kết nối với các thành phần khác của môn học - từ những bài ôn thi cho đến nguồn thông tin trực tuyến. Chẳng hạn, chỉ cần nhấp chuột vào phần bài giảng, sinh viên có thể tiếp cận một danh mục xếp theo thứ tự thời gian trong đó chỉ rõ từng bài giảng, ngày giờ, chủ đề. họ có thể kết nối nhanh chóng với từng tập tin dạng PDF của các bài giảng (một số môn còn có bài giảng bằng video). Các bài tập được cho dưới dạng HTML và kèm theo những kết nối với nguồn thông tin trực tuyến như các công cụ phần mềm và tài liệu bổ sung. Dự án cuối cùng trong môn 6.170 yêu cầu sinh viên phải thiết kế, lập tư liệu, xây dựng và kiểm định một chương trình chơi trò Gizmoball, một phiên bản của trò chơi bắn banh. Trang web cũng cung cấp những kết nối gợi ý, câu hỏi thường gặp và công cụ - nói chung là mọi thứ cần thiết để hoàn thành dự án.

Dù khối lượng nội dung rất lớn, trang này vẫn được thiết lập xoay quanh những bài học từ một học kỳ trước – những tài liệu có thể đã hơi lỗi thời một chút. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ để lý giải tại sao OpenCourseWare không thể tiến gần hơn đến việc lặp lại hoàn toàn những tài nguyên mà Irene Lee, một sinh viên MIT từng học môn 6.170 học kỳ Xuân vừa rồi, có thể tận dụng. Hầu hết các buổi tối, Lee nhập tên của mình vào một máy tính trong phòng máy và giải các bài tập. Ngay cả tới 3 giờ sáng, cô vẫn tiếp cận được với Zephyr, hệ thống nhắn tin nội bộ của MIT. “Nếu tôi có câu hỏi hay vấn đề nào chưa hiểu, tôi có thể gửi ngay tin nhắn cho một trợ giảng hoặc một trợ lý phòng máy” Lee cho tôi biết. “Tôi thường nhận được câu trả lời ngay tức khắc”. Mỗi người trong nhóm 10 trợ giảng của môn 6.170 đều có nhiều giờ trực trong một tuần. Hơn nữa, ít nhất một trong sáu trợ lý phòng máy thay phiên trực để giải đáp trực tiếp cho sinh viên hay trả lời tin nhắn nội bộ. Sau cùng là học ở MIT, sinh viên có cơ hội tương tác trực tiếp với giáo sư trên lớp – một lợi ích không chỉ cho sinh viên mà cho cả giảng viên. Michael Ernst, giảng viên môn 6.170 của Lee cho biết “Trong khi giảng, tôi thường nhìn quanh xem biểu hiện của sinh viên như thế nào. Dù trong lớp có đến 200 sinh viên, tôi vẫn thấy ngay nếu họ gà gật và thay đổi ngay cách giảng”.

Các nhà quản lý và giáo sư của MIT nhanh chóng nhận thấy Web không thể thay được cho kinh nghiệm học tập trong một môi trường đại học hàng đầu. “OpenCourseWare là hình ảnh về một môn học cụ thể trong một chuyên ngành cụ thể đã được giảng dạy tại một thời điểm ở MIT”, Margulies, giám đốc dự án giải thích. “Nó không phải là hoạt động giáo dục MIT”.

Hoff, một chuyên gia viết phần mềm 20 tuổi, là con trai của một cựu chuyên gia sửa máy tính DEC. Tuổi niên thiếu của Hoff được phân chia giữa chiếc xe móc của cha ở vùng nông thôn Missouri và căn nhà của bà nội ở ngoại ô Thành phố Kansas. Dáng vóc mảnh mai, bé nhỏ, Hoff bắt đầu lập trình từ năm lên 13. Anh đăng ký làm việc cho Aegis Commerce khi còn đang học tại trường phổ thông Christian. Năm ngoái, chỉ trong một thời gian ngắn sau khi chuyển từ Missouri đến Nashville, Hoff tự học môn 6.170, nghiên cứu thâu đêm trong căn hộ của mình. Giờ đây, anh đã có danh mục các khách hàng trong công đồng âm nhạc ở Christian. Anh nói, môn 6.170 của MIT đã “giúp tôi lập trình với thuật toán đơn giản hơn, ít hơn và trở nên hiệu quả hơn với thời gian của mình”. Hoff mới viết một chương trình để đồng bộ hóa các sản phẩm Aegis với phần mềm kế toán Peachtree. (Và nếu vào địa chỉ Web của ban nhạc rock Christian, Mercy Me www.mercymelive.com, bạn có thể tìm thấy chức năng mà Hoff đã thiết kế để cho phép người truy cập tìm kiếm mọi đài phát thanh trên toàn quốc hiện đang chơi bài của ban nhạc và viết yêu cầu xin bài hát). Hoff vẫn chưa quyết định là sẽ chuyển đến các trụ sở tại Philadelphia của Aegis hay là ở lại Nashville và tập trung hẳn vào tư vấn. Hoff nói rằng dù đi theo hướng nào thì anh cũng đăng ký học đại học bán thời gian. “Tôi thực sự muốn có bằng cử nhân. Đó là mục đích của tôi.”

Đợt thử nghiệm OpenCourseWare đã gặt hái được thành công vang dội, thu hút người truy cập từ 210 quốc gia và lãnh thổ. Không chỉ sinh viên, mà vô số giảng viên ở các trường đại học khác cũng thấy giá trị của tài liệu. Zhivko Nedev, giáo sư tin học tại Đại học Wilfred Laurier University ở Waterloo, o­ntario, sử dụng tài liệu 6.170 để soạn giáo án cho môn lập trình của mình. “Đây là tài liệu tốt nhất mà tôi từng thấy trong lĩnh vực tin học”, giáo sư Nedev tuyên bố. Ludmila Matiash tại Trường Kinh doanh Kyiv Mohyla của Ucraina sử dụng OpenCourseWare để thiết kế các trường trình giáo dục và đào tạo. Kathy Mann, giám đốc quản lý phòng thí nghiệm sinh học của Đại học Cộng đồng Truckee Meadows ở Reno, Nevada, sử dụng tài liệu môn Sinh vật 7.012: Nhập môn Sinh vật để giảng dạy cho sinh viên về cách viết báo cáo thí nghiệm và ghi chép thông tin từ các thí nghiệm khoa học. “Nó được soạn thật là tốt”, bà Mann nói. “Việc gì mà phải sáng tạo lại cái đã có rồi”. Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright ở Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đưa tài liệu giảng dạy của mình lên mạng cho tất cả những ai quan tâm và ghi trên website của mình rằng hoạt động này được dựa trên ý tưởng của OpenCourseWare. “Một phần sứ mệnh của chúng tôi là vượt ra ngoài khuôn khổ của dự án MIT”, Marguilies nói, “để phát triển nên một phong trào, hỗ trợ các trường đại học khác xây dựng mô hình”.

Tất cả những thành công này tạo ra một số vấn đề rắc rối. Đầu tiên là hành vi trục lợi. Tôi chỉ cho Margulies một bức thư điện tử từ Thái Lan. “Một nhóm chúng tôi ở đây đang xem xét khả năng mở một trường đại học chỉ tập trung vào ‘các khóa học trên mạng của MIT’”, tác giả bức thư viết, với tham vọng cấp bằng “Cử nhân Khoa học cho các chương trình giảng dạy của MIT”.

"Ông ta không thể làm thế được!", Margulies la lên.

Nhà doanh nhân chớm có ý tưởng kinh doanh dựa vào tài liệu của MIT nhanh chóng nhận được bức thư phúc đạp với dọng văn cảnh báo trong đó nói rõ nguyên tắc: mọi người được tự do sử dụng, thay đổi, dịch và phân phối OpenCourseWare với điều kiện không kinh doanh thu lợi từ nguồn thông tin này.

Những hứa hẹn trong năm đầu thử nghiệm chỉ nhấn mạnh thêm những rào cản còn phải được dỡ bỏ. Một số rào cản này thực ra là nằm ngoài tầm kiểm soát của MIT. Một diễn đàn của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc năm ngoái đã xem xét tác động tiềm năng của OpenCourseWare đối với các nước đang phát triển và kết luận rằng phần lớn địa cầu của chúng ta không được kết nối đầy đủ để thu được lợi ích từ chương trình. MIT truyền đi thông tin của mình thông qua 200 máy chủ trên mạng toàn cầu của Akamai. Điều này giúp tháo bỏ gánh nặng cho cơ sở hạ tầng của trường và giảm ách tắc. Tuy nhiên, trợ ngại lớn còn lại là dặm đường cuối cùng đến ngôi nhà của người dùng. Ở những nơi như Việt Nam, hệ thống máy của trường đại học sao chụp máy chủ của MIT và cung cấp tài liệu trên mạng nội bộ. Trong trường hợp của Lâm Vĩnh Quốc, anh tải các bài giảng từ máy chủ ở trường rồi chép sang đĩa CD. Một doanh nhân ở Ghana cũng chép tài liệu sang đĩa CD, rồi bán trên cơ sở phi lợi nhuận cho các nhà giáo dục.

MIT đang nỗ lực làm việc để tìm cách mở rộng phạm vi của OpenCourseWare. Trong tháng giêng, Universia, một liên đoàn các trường đại học có trụ sở tại Madrid, đã đề xuất với MIT việc dịch tài liệu ra tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. MIT đã ký thỏa thuận cho phép dịch rồi hiệu đính, và 25 môn học sẽ được đưa lên mạng trong tháng này. MIT cũng nhận được những yêu cầu tương tự từ Trung Đông, Ucraina và Mông Cổ, nhưng sẽ không xây dựng thêm quan hệ đối tác mới cho tới khi đánh giá được kết quả của sự hợp tác với Universia sẽ như thế nào.

Các quan chức của MIT biết rằng sau cùng thì thành công của OpenCourseWare phụ thuộc vào sự hình thành các công đồng trực tuyến để hỗ trợ các môn học riêng lẻ. Margulies cho biết MIT đang muốn tìm các bên thứ ba để xây dựng những công cụ giúp người học hay giảng viên có thể dễ dàng tổ chức và quản lý các nhóm thảo luận sử dụng tài liệu của OpenCourseWare. "Chúng tôi muốn thấy sự ra đời của các cộng đồng OpenCourseWare trên cơ sở tự quản lý", Margulies nói. "Tầm nhìn của chúng tôi là đưa phần mềm với mã nguồn mở lên mạng cùng với các thông tin giúp mọi người xây dựng một cộng đồng học tập, cho dù nó diễn ra ở đâu đi nữa, Namibia hay Thailand".

Để có cảm nhận trực tiếp đối với sức mạnh của OpenCourseWare, bạn chỉ đi dọc theo các tuyến đường miền Tây Bang Kentucky để đến Đại học Murray State University. Đây là trường tự coi mình bằng tên gọi “Public Ivy University của Kentucky”. Đó là nơi tôi gặp James Humes, một thanh niên 25 tuổi dễ mến, ăn nói lưu loát. Humes đã từng học không đạt và phải rời các trường đại học khác nhau tới ba lần. Sau một thời gian ngắn dạy học ở Thượng Hải, Humes đăng ký học tại trường Murray State, nơi anh nói “người ta bắt đầu cảm thấy lo ngại khi có ai nói về tiển triển”.

Giờ đây, Humes đang học môn 4.0. Anh có động cơ thúc đẩy tốt hơn. Nhưng đồng thơi anh cũng có một vũ khí bí mật.

Chúng tôi bước vào căn hộ hai phòng và ngồi trước máy tính của Humes. “Bạn của bố tôi đã giới thiệu cho tôi về OpenCourseWare", anh nói. "Ban đầu, tôi không muốn sử dụng vì thấy trình độ quá cao”. Nhưng sau đó Humes theo học một giáo sư vật lý, người không tạo cho anh được cảm hứng với môn học. Vì thế, anh chuyển sang xem thử môn Vật lý 8.02: Điện và Điện từ. “Ông thầy MIT giảng bài ghi lại trên video thật là tuyệt vời”, Humes nói. “Cứ như là mình muốn nghe từ tiếp theo. Thật là một bài học phong phú làm cho tôi muốn lập tức nhấp chuột vào bài giảng tiếp theo sau khi hoàn thành xong bài thứ nhất”.

Để minh họa, Humes bật video trong đó một giáo sư đầu tóc rối bời, nhưng dáng vẻ sinh động, Walter Lewin, đang trình bày về việc Thử nghiệm EKG diễn ra như thế nào. “Trước hết, ông ta là một người thuyết trình tuyệt vời. Ông làm trình diễn. Chúng tôi chưa bao giờ có được điều này. Giờ lên lớp của chúng tôi toàn là những bài suy giải nhàm chán. Ngày nào ông ta cũng tạo cho tôi một ấn tượng sâu đậm. Ông liên kết tất cả những thứ mà bạn biết. Nhìn những sinh viên cười tươi này. Họ tán thưởng ông sau mỗi tiết học. Chúng tôi chưa bao giờ có được một chút phấn chấn trong lớp học của mình".

Humes quá ấn tượng với lớp vật lý đến nỗi anh cũng xem luôn cả môn giải tích của OpenCourseWare và sau đó chuyển sang đại số tuyến tính. Hiện giờ, Humes đang ôn thi ở Murray State bằng cách thực hành các bài kiểm tra trên OpenCourseWare bao trùm cùng một nội dung. “Tôi làm được và cảm thấy thật tuyệt vời, và khi đi thi, các câu hỏi lại dễ hơn”, anh nói. "Hiểu được các môn học của MIT tạo cho ta một cảm giác thỏa mãn vô cùng".

"Xem cái này xem," anh nói, nhấp chuột vào một bài giảng từ trước trong môn đại số tuyến tính. Humes nhanh chóng bị cuốn hút bởi nhà toán học nổi tiếng Gilbert Strang. Cuối cùng, anh quay sang tôi với nụ cười rộng mở- đó là vẻ mặt của người vừa mới tìm thấy thú vui trong học tập.

Đó là nụ cười đáng giá Giải thưởng Nobel.

10 môn hàng đầu trên OpenCourseWare

1. Triết học 24.00: Các vấn đề rắc rối của triết học
2. Kỹ thuật điện và tin học 6.170: Phòng thí nghiệm trong kỹ thuật phần mềm
3. Kỹ thuật điện và tin học 6.071: Nhập môn điện tử
4. Khoa học trái đất, khí quyển và hành tinh 12.409: Thiên văn học thực hành: Quan sát các vì sao và hành tinh
5. Toán 18.06: Đại số tuyến tính
6. Toán 18.013A: Giải tích với các ứng dụng
7. Kỹ thuật nguyên tử 22.00J: Nhập môn mô hình hóa và mô phỏng
8. Vật lý 8.02: Điện và điện từ
9. Kỹ thuật điện và tin học 6.281J: Các phương pháp lập kế hoạch hậu cần và giao thông
10. Quản trị 15.810: Nhập môn tiếp thị

Nguồn: MIT. Xếp hạng theo số lần truy cập bình quân một trang theo gian đoạn hai tháng, tính đến 30/6/2003.

Nguồn : http://www.vninvest.com
 
Back
Bên trên