Cái này tiện lợi thì có, nhưng mà chủ yếu là ngành bưu điện được thuận lợi hơn trong việc chuyển phát thôi. Vì thông thường mã bưu cục sẽ được đặt theo 1 trật tự nào đó và do đó sẽ dễ dàng phân loại thư, còn nếu chỉ nói tên đường thì sẽ khó phân loại thư hơn vì tên đường thường là không được đặt theo một trình tự nào cả.
Đối với dân thường thì chẳng có tí lợi ích nào cả. Làm gì có người dân nào nói tên đường không biết mà nói mã bưu cục lại biết ngay được.
Trên thực tế bảng tên đường thì có, chứ làm gì có bảng mã bưu cục gắn ở đầu đường đâu
, ai muốn biết mã bưu cục của 1 chỗ nào đó cũng còn phải tìm hiểu chán
Ở Việt Nam, chừng nào ngành bưu điện cảm thấy vãn ứng phó được với hệ thống đường xá và lưu lượng thư tín thì chuyện mã bưu cục chẳng quan trọng lắm
Bao giờ cảm thấy không ứng phó nổi thì tự khắc sẽ phải xúc tiến cái vụ mã bưu cục kia thôi
Em đồng ý. Lợi ích của việc lập mã bưu chính trước hết là cho chính ngành Bưu điện là vì mã bưu cục là một chìa khóa cho công việc điều phối (logistics) của ngành bưu điện. Nhờ có mã bưu chính mà không chỉ công việc phân loại mà quan trọng không kém là phân phát thư tín và bưu phẩm sẽ được hợp lí hóa.
Trở lại cái mô hình mã bưu cục trên kia: Theo thói quen khi em Tú muốn gửi một mẩu tin nhắn cho anh Tuấn thì em sẽ ghi là gửi:
Bùi Anh Tuấn
Lớp 12 Lí
Khi phân loại thì chỉ có thể căn cứ vào thông tin duy nhất là tên lớp. Thế nên để tiện lợi thì có thể mã hóa các lớp chuyên thành số theo thứ tự chẳng hạn như:
00 Văn
01 Anh 1
02 Nga
03 Pháp 1
04 Pháp 2
05 Toán 1
06 Lí 1
07 Hóa 1
08 Sinh
09 Tin
10 Toán 2
11 Lí 2
12 Hóa 2
13 Anh 2
14 Anh 3
Và thế là mình có một mã và em sẽ ghi người gửi là:
Bùi Anh Tuấn
Lớp 12 Lý
1206
Thế nhưng việc lập ra mã này chỉ có lợi ích là phân loại nhanh hơn, nhưng đối với phân phát thì chẳng có lợi gì cả, vì rõ ràng là các lớp nằm không theo một trật tự cố định nào.
Nếu như mình chọn số phòng của lớp làm mã thì lúc này em sẽ ghi chẳng hạn là:
Bùi Anh Tuấn
Lớp 12 Lý
405
Lúc này phân loại sẽ căn cứ vào vị trí của lớp, thực hiện vẫn như trên, nhưng khi phân phát có thể làm dễ dàng và nhanh hơn: Tùy theo số người mà có thể chia theo tầng (phân phát theo chữ số đầu tiên, các thư với mã 4xx được một người phân phát) hoặc chia theo dãy nhà (phân phát theo chữ số thứ hai, các thư với mã x0x thuộc dãy nhà chính, v.v.).
Một tiện lợi khác nữa là xử lí sai sót trong ghi chép địa chỉ đến: Nếu em ghi nhầm là:
Bùi Anh Tuấn
Lớp 12 Lý
407
thì người phân loại hoặc người phân phát có thể tự sửa lại được (vì phòng 407 và 405 không cách nhau xa, người phân phát biết rõ là lớp 12 Lý ở phòng 405). Trong khi đó nếu dùng mã theo tên lớp thì nếu nhầm có thể phải phân phát lại đến một phòng thuộc tầng khác hay một dãy nhà khác (vì lớp 12 Hóa có thể ở phòng 314 chẳng hạn).
Vì vậy nếu những chữ số đầu tiên được ghi đúng - việc này nói chung dễ dàng hơn là nhớ chính xác toàn bộ vị trí - thì công việc phân phát vẫn có thể thực hiện được mà không gặp trở ngại nào.
Những điều này hoàn toàn tương tự đối với một mã bưu cục thực. Đối với người dân thì việc có mã bưu cục này có vẻ không có lợi ích gì thiết thực lắm là bởi vì lợi ích của nó đối với người dân không phải là lợi ích trực tiếp mà là gián tiếp - nhờ có nó mà việc thư phân phát nhanh hơn và ít thất lạc hơn.
Nói chung người bình thường không thể nói mã bưu cục của bất kì một địa chỉ nào, nhưng Bưu điện hoàn toàn có thể cung cấp một dịch vụ [trên mạng chẳng hạn] để tra cứu. Một người chỉ cần nhớ mã địa chỉ nhà mình. Sau một thời gian gửi thư đến nhiều nơi khác nhau, người ta tự khắc sẽ có một "cảm giác" gần đúng về vị trí của một địa chỉ với mã bưu cục nào đó. [Chẳng hạn trong cái mô hình ở trên kia anh Tuấn chỉ cần nhớ mã của lớp anh là 405 và ghi kèm vào tên lớp, lúc này ai cần gửi cái gì cho anh chỉ cần chép cái mã này vào là xong.] Nếu xem xét kĩ hơn thì đây là một biện pháp hợp lí hóa rất hay: công việc sắp xếp phân loại thư đã được chuẩn bị bởi chính người gửi thông qua một vài việc rất đơn giản [chép lại kết quả phân loại nơi đến đã có sẵn là mã bưu cục].
Tất nhiên, toàn bộ hệ thống này chỉ có ý nghĩa khi lưu lượng thư lớn đòi hỏi tối ưu hóa quá trình điều phối vận chuyển thư tín bưu phẩm. Nếu chỉ giới hạn trong thư tín cá nhân, điều này là không cần thiết, nhưng bên cạnh thư tín cá nhân còn có các thư tín công vụ cũng như các thư tín thương mại, và rõ ràng là những loại thư tín này đóng vai trò quan trọng hơn nhiều.
Bên cạnh đó việc đưa vào mã bưu cục cũng là một công việc xây dựng hạ tầng (infrastructure) cho ngành Bưu điện và vì thế nó gắn liền với việc thay đổi cách thức hoạt động của toàn bộ ngành và cũng là thay đổi thói quen của người dân, vì thế không thể "nước đến chân mới nhảy" được.
Còn về khía cạnh văn hóa của giao dịch (hay có thể gọi là giao tiếp) thì có thể nói như thế này, thói quen giao dịch hiện tại là giao dịch cá nhân trực tiếp, ngay cả ở các giao dịch hành chính hay kinh tế vẫn chiếm một tỉ lệ lớn. Cách thức giao dịch này, trừ những trường hợp rất cần thiết không thể bỏ qua, thì trong rất nhiều trường hợp là phiền phức và tốn kém vì phải đi lại. Bên cạnh đó giao dịch trực tiếp như vậy khó chuẩn hóa và vì vậy khó điều chỉnh và kiểm soát bằng quy định và luật pháp hơn. Giao dịch thư tín là để dành cho mục đích này. Cách thức giao dịch hiện đại hơn là giao dịch điện tử cũng được phát triển từ cách thức giao dịch thư tín này. Cũng như trong những trường hợp nhất định giao dịch cá nhân trực tiếp là không thể bỏ qua, cũng có những trường hợp giao dịch thư tín là bắt buộc, và có những trường hợp chỉ cần giao dịch điện tử là đủ. [Tất nhiên các hình thức giao tiếp khác không được đề cập ở đây.]