Lời cầu mong của mùa xuân

Le Thuy Trang
(lethuytrang)

Thành viên (sai email)
Lời cầu mong mùa xuân

Phạm Dạ Thuỷ


Về đâu, em bé... bé ơi!
Giữa đêm khuya khắt em ngồi co ro
Hộp đồ nghề nằm chỏng chơ
Mấy đồng bạc lẻ ơ hờ trong tay

Này em, chú bé đánh giày
Đôi chân lấm láp xanh gầy héo hon
Mẹ cha em mất hay còn?
Mà em gồng gánh nỗi buồn trĩu vai

Đường em đi lắm chông gai
Một mình em - nỗi đau dài, mình em...
Mùa xuân thấp thoáng bên thềm
Em còn lay lắt kiếm tiền nuôi thân

Ngày mai trời sẽ vào xuân
Nỗi buồn sẽ cũ, mùa đông sẽ tàn
Cầu mong trong cõi nhân gian
Niềm vui nở rộ, úa vàng khổ đau

Bé ơi, em sẽ về đâu?
Cầu mong nơi ấy rực màu nắng xuân.

(Nguồn: Văn nghệ trẻ số 10, ra ngày 10.3.2002)
 
Vừa post bài thơ thì đọc được cái này trên vnexpress,Trang copy cho mọi người xem luôn.
Vé số hay đánh giầy cũng chỉ là 2 mảnh đời lang bạt như nhau mà thôi.Vẫn biết là mình quá nhỏ nhoi để làm được cái gì đó cho các em bé này nhưng T hy vọng bài báo sẽ giúp mọi người có cái nhìn thiện cảm hơn cũng như sống đáng kể hơn.Riêng đối với T, cảm thấy bài báo này rất có ích: khi mình đổ đi 1 đĩa thức ăn cùng với tiêu 1 cái gì đó không cần thiết có lẽ T sẽ nghĩ đến hình ảnh em bé nai lưng cả ngày bán vé số chỉ cốt cố gắng làm sao kiếm được 20,000 gửi về cho cha mẹ mà thôi
...


Những mảnh đời vé số

Kiểm tra lại vé.
Họ là dân ngụ cư, đến TP HCM để tìm kế sinh nhai. Chẳng có học vấn, quá ít cơ hội để được thăng tiến, nhưng họ nhất quyết không ngửa tay xin bố thí của thiên hạ mà chọn đi bán vé số. Ít nhiều gì thì đó cũng là một nghề và quan trọng nhất là làm ăn lương thiện.

Nếu như mọi công việc khác thường bắt đầu từ buổi sáng thì bán vé số dạo chẳng có thời điểm bắt đầu. Có những người bán cả ngày cả đêm, lại có người khi nào mệt thì về đi ngủ, miễn là không trễ giờ trả vé. Họ nhận “hàng” từ chiều tối hôm trước (ngay sau khi có kết quả xổ số trong ngày) rồi đi bán cho đến tận hôm sau. Cứ bán hết lại quay về đại lý nhận thêm. Cũng tùy theo người mà các đại lý cho lấy vé nhiều hay ít, trả tiền trước hoặc trả sau. Nhưng thường thì mỗi cơ sở “bao” một lượng người nhất định, chia vé số cho những người đó đi bán, cuối ngày về thanh toán. Chủ đại lý lo cơm, chỗ ở, thậm chí kiêm luôn “nhà băng” nếu như những người làm thuê tin tưởng giao tiền cho họ giữ. Khi nào cần thì nói một tiếng là được rút ra. Nhưng đa phần tiền thu về hay được những người bán vé số dạo tự giữ, gom góp gửi về gia đình.

Trang, 13 tuổi, thường bán tại khu vực quận Tân Bình kể: “Trung bình một vé lãi hơn 200 đồng. Vì không đi nhiều được nên một ngày có khi em chỉ có trên dưới 20.000 đồng. Trừ ăn uống, tiền trọ trả cho chủ, em còn khoảng 10.000 đồng, cũng đủ để gửi về gia đình”. Ngược với vẻ rụt rè của đám con gái, những cậu bé tỏ vẻ khá nhanh nhảu, năng động. Phần lớn chúng không bán ở một khu vực nhất định mà cứ nhận cả mấy trăm vé rồi đi tới đâu bán tới đó. Thế nên có khi một ngày bán được cả 300-400 vé, thu nhập ít nhất cũng đến 60.000 đồng/ngày. Thanh, 15 tuổi, quê ở Hà Tĩnh, đến TP HCM bán vé số đã được 2 năm, nói: “Có người một lần mua cả 20-30 tờ lận. Thế nên phải chịu khó đi, chịu khó mời mới bán được nhiều”. Khi được hỏi một tháng gửi về nhà bao nhiêu tiền, cậu bé cười: “Khoảng hơn một triệu”.


Nhiều người khuyết tật chọn bán vé số là nghề kiếm sống.
Bản thân những người bán vé số dạo cũng chẳng biết một ngày họ phải đi bao nhiêu cây số, vào bao nhiêu quán nước, mời bao nhiêu người khách. Có người thì chỉ quanh quẩn bán trong một khu vực, nhưng lại có người nhận vài trăm vé rồi đi khắp thành phố. Mệt thì tiện đâu nghỉ đó. Tất nhiên càng đi nhiều thì càng bán được nhiều và thu nhập sẽ tăng đáng kể. Ông Sáu Sơn, 64 tuổi, không vợ con, gia đình, lang thang từ Quảng Ngãi đến TP HCM rồi lấy nghề bán vé số làm kế sinh nhai. Gặp được một chủ đại lý tại quận Tân Bình khá hảo tâm cho ông ở trọ không mất tiền, tiền cơm một ngày 5.000 đồng. Tiếng là vậy nhưng ông chẳng mấy khi về ngủ, ăn cơm thì lại càng hiếm. Thường thì cứ lang thang bán cả ngày lẫn đêm, gần sáng về ngủ một chút rồi lại đi tiếp. “May mà gặp được người như vậy. Tui còn sức thì chẳng ngại, chỉ mong kiếm được chút tiền để dưỡng già”.

Nhưng làm nghề này cũng có người may mắn, có người bất hạnh. Đó là những đứa trẻ như N. V. Hạnh từ Tuy Hòa lên thành phố thường xuyên bị chủ đối xử tàn tệ và trả công rẻ mạt. Hai em M. T. Lâm, N. Đ. Lăng quê ở Phú Yên thì bị tên N. H. Hạnh, vừa là chủ, vừa là đồng hương, xích chân tay, đánh đập dã man chỉ vì về trả vé trễ và tiêu lẹm 30.000 đồng. Hay như ông K. T. Anh, ở ấp 1, xã Lê Minh Xuân (Bình Chánh,TP HCM) đã gần 90 tuổi vẫn phải đi bán vé số dạo kiếm tiền nuôi đứa con tâm thần...

Ai từng đến TP HCM, từng ngồi cafe vỉa hè hẳn đã gặp những người tật nguyền ngồi xe đẩy đi bán vé số. Có người không đủ khả năng cầm nổi tập vé, có người đi bán phải kèm một người đẩy xe... Họ cứ đi như vậy và đợi ai đó gọi đến mua thì dừng lại bán, nếu không cũng chẳng làm phiền hoặc ép người khác thương hại bằng cách năn nỉ. Họ tự kiếm sống, không chịu biến mình thành phần thừa của xã hội. Tại khu phố khiếm thị ở Bình Hưng Hòa, rất nhiều người đã chọn bán xổ số là nghề. Họ cùng đi, cùng dựa vào nhau để sống và tự hào vì không có ai phải đi ăn xin. Và rồi mỗi buổi chiều về họ hỏi thăm nhau bằng những câu đầy cảm động: Hôm nay có ai đi lạc không? Có ai rơi xuống hố không?
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Hôm nay Trang lại đọc được bài này, cũng là thân phận những mảnh đời

Thi sỹ ăn mày

Nguyễn Quang Vinh
Thường những kẻ ăn mày hay nhập hội "Cái Bang". Nước ta, đã từng có những hội Cái Bang sắm được cả giấy giới thiệu của cấp chính quyền xã. Nhưng gã này lại là một kẻ ăn mày đơn độc, khác nữa, gã lại vừa ăn mày vừa làm thơ, mà lại là những bài thơ hay. Gã chuẩn bị cho ra mắt tập thơ của mình. Anh em văn nghệ miền Trung gọi gã ăn mày này là "Thi Cái". Còn tôi, tôi lại muốn công bố tên tuổi của gã ăn mày ấy với bạn đọc: Tác giả thơ Dương ánh Dương...

Tôi đành xách gói ra đi...
Gã Dương năm nay hơn năm mươi tuổi. Sinh ra ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình, gã Dương học xong cấp 3 tại trường huyện, sau đó học sư phạm ở Hà Bắc, rồi chuyển về dạy học ở một trường làng thuộc xã Liên Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình vào năm 1970. Do có nhiều thơ in trên các báo, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn mời Dương ánh Dương ra Hà Nội làm biên tập, thời của ông Đặng Thai Mai - Bằng Việt. Sau năm 1975, Dương ánh Dương cùng vợ (người Bắc, lấy khi ra Hà Nội công tác) chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh và công tác tại chi nhánh NXB Hội Nhà văn. Giai đoạn này bắt đầu mở màn cho một cuộc đời chìm nổi, nhiêu khê và đau khổ của Dương ánh Dương.
Vào Sài Gòn được mấy năm thì vợ Dương chẳng biết làm sao lại im lặng bỏ rơi Dương để cùng nhiều người bạn của mình vượt biên. Vợ vượt biên đã là một cú sốc lớn. Nhưng cú sốc lớn hơn thế là cơ quan đã kiểm điểm Dương, buộc tội Dương chủ động tổ chức cho vợ mình vượt biên. Dương bị kỷ luật rất nặng. Chán nản, Dương bỏ nhiệm sở ra Nha Trang, nhảy xuống một làng chài và bắt đầu cuộc sống làm thuê kiếm sống. Dương làm thuê cho làng chài ở đây được mấy năm: Khi thì theo thuyền đánh cá, khi thì xẻ mực, khi thì vá lưới. Những đêm cùng uống rượu với ngư dân, anh làm thuê Dương ánh Dương đọc sang sảng những bài thơ mình mới sáng tác, đọc và ngâm, say mê, khiến những ngư dân vốn suốt đời mù mịt trong sóng cả, trong lam lũ của cuộc đời chài lưới cũng thấy mê mê, thích thích cái anh chàng Quảng Bình, chẳng hiểu vì lý do gì lại tạt về đây làm thuê, và cũng không biết anh ta là ai mà sáng tác nên những bài thơ làm xao xác cả làng chài. Một cô gái trẻ ở gần đèo Cả có tên là Ngô Thị Gặp mê thơ Dương nên đã ngả lòng, tình nguyện làm vợ anh. Không đám cưới. Một cuộc rượu ra mắt kèm với năm bài thơ tặng cho nàng là thành vợ chồng. Sau một năm họ sinh hạ được một đứa con gái. Những tưởng cuộc đời thế cũng ổn, nhưng oái oăm thay, một tai hoạ lại giáng xuống cuộc đời Dương, tai hoạ như một cái bẻ lái để Dương lần nữa lại phải rẽ ngoặt đời mình sang hướng khác. Trong một chuyến đi biển, Dương bị ngã, chân vịt của tàu quật gãy tay chân và va đập mạnh vào đầu. Dương bán thân bất toại ở bệnh viện cả năm trời. Chị Gặp đã gắng hết sức mình chữa chạy cho anh. Ra viện, thần kinh Dương không ổn định. Chân gãy đã lành nhưng đi lại khó khăn. Cánh tay gãy cũng không làm được việc gì nữa ngoài cầm bút, cầm gậy. Chị Gặp cùng đứa con rời bỏ Dương. Dương buồn quá. Vết thương trên người liên tục tái phát khiến anh lắm khi như rồ như dại, như tâm thần. Không ý thức, không lựa chọn, không biết từ giờ nào ngày nào, Dương đã thành kẻ ăn mày dọc các chợ, các làng chài của vùng duyên hải miền Trung. Rồi anh dừng chân ở Phan Thiết. Dương ngã bệnh vào viện Phan Thiết. Không ai thân thích. Không ai thăm nom. Một hôm có một cô gái áo quần xếch xác, tiều tụy lò dò tìm đường vào viện thăm Dương. Hỏi ra, chị cũng đang ăn mày ở Phan Thiết. Chị tên là Mai Thị Chuỗm, quê xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình, cái làng nghèo khó nhất tỉnh. Chị biết anh ăn mày ở đây và là đồng hương nhưng chưa dám gặp. Nay thấy đồng hương bị ốm, nằm viện mãi không về, chị tìm đến thăm. Họ cũng không thể nhớ họ đã thành vợ chồng của nhau từ khi nào. Mỗi khi cao hứng, Dương đọc những bài thơ cho thị Chuỗm nghe. Thị Chuỗm không biết thơ là gì nhưng thấy xuôi tai, thích. Sống với nhau vài năm tại Phan Thiết, vợ chồng Dương quyết định đưa nhau về tại quê thị Chuỗm cùng với hai đứa con, một trai một gái. Thị Chuỗm bán hàng vặt tại chợ quê, mỗi ngày buôn bán như vậy phát đạt lắm thì lãi được năm ngàn. Gia đình Dương chọn một mảnh cát phẳng, dựng lên cái chòi, chỗ ở rộng bằng cái giường đôi. Không thể làm việc gì hơn để kiếm sống nuôi cả nhà, Dương ánh Dương đành tiếp tục nghề ăn mày ở các chợ trong vùng. Dương lý luận, nghề ăn mày là nghề đi tìm kiếm những phút giây hoạ may của mình: Hoạ may gặp người tốt bụng cho được năm bảy ngàn, hoạ may gặp phiên chợ đông người kiếm được mỗi ngày vài chục, và... họa may trong những chuyến ăn mày lang thang ấy lại làm ra được bài thơ, làm thơ rồi gửi đến các báo và tạp chí văn nghệ địa phương, hoạ may được in và quan trọng hơn là các tờ báo ấy hoạ may vẫn nhớ đến anh mà trả cho mấy chục ngàn nhuận bút. Dương nhẩm tính, nhuận bút một bài thơ hoạ may lắm thì bằng thu nhập của một ngày ăn mày. Cho nên trong bài thơ "Hoạ may" của mình, Dương mới kết luận:
"Tôi đành xách gói ra đi.
"Để hoạ may gặp những gì hoạ may...".

"Từ trong con mắt nhìn ra..."
Tôi lọ mọ băng mình không biết bao nhiêu triền cát trắng để tìm cho được nhà Dương ánh Dương. Tôi được lũ trẻ con cởi truồng chạy băng băng dẫn đường. Một túp lều tranh nằm bẹp trên cát, vừa đủ đặt một chiếc chõng tre. Nhà Dương bốn người, đêm hè, một nửa ngủ trên giường, một nửa nhà ngủ ngoài cát. Mùa đông thì nhét kín trên giường "ấm lắm. Hơi người hơn chăn" - Thị Chuỗm khoe. Dương tiếp tôi bằng một can rượu. Anh gầy tọp, chân đi khập khễnh, tóc dài chấm vai và đã bắt đầu muối tiêu. Thấy có khách, cả xóm ùa tới ngồi vây lấy chúng tôi. Dương mời mọi người uống rượu. Mỗi lần về, vợ Dương lại xổ ra từ túi dết của chồng một đống tiền, vừa vuốt tiền vừa đếm đến gần sáng thì được vài trăm ngàn và tất tả đi đến các nhà từ đầu xóm đến cuối xóm để trả nợ tiền gạo, tiền nước mắm, tiền muối và cả tiền rượu. Lại trắng tay. Nghỉ ngơi ít hôm, Dương lại đi...
Lâng lâng trong men rượu, Dương đọc thơ cho tôi nghe. Những câu thơ anh làm khiến tôi cảm động. Anh kể: Anh không nhớ đã ăn mày bao nhiêu chợ của bao nhiêu tỉnh. Có hôm bảnh mắt nghĩ được bài thơ hay nhưng trong túi hết tiền, anh vội vã đi ăn mày hàng giờ đồng hồ để có tiền mua một cuốn vở học trò và cây bút với một chén rượu rồi dựa lưng vào thành cầu hí hoáy viết. Anh viết thơ khắp nơi, trên giấy, trên mảnh báo, thậm chí là dùng than củi viết lên bờ tường ximăng rồi học thuộc. Đến tỉnh nào anh cũng tạt vào các báo, tạp chí văn nghệ gửi thơ. Tạp chí Nhật Lệ, Cửa Việt, Sông Hương... đều in nhiều thơ anh và theo nhận xét của các toà báo, hễ số nào có thơ Dương, những bài thơ ấy là bài "đinh" của cả số báo. Mới đây nhất, Dương ánh Dương nhận được giải nhất cuộc vận động sáng tác văn thơ hai năm của tỉnh Quảng Bình. Bạn bè văn nghệ Quảng Bình thỉnh thoảng lại gặp Dương ánh Dương ăn mày tại chợ Đồng Hới. Với cái túi vải khoác vai, trong đó đựng cả thơ và bình rượu, tay Dương chống cái gậy bằng nhôm đuyra, chân khấp khểnh bước, kiên nhẫn qua từng ngày quầy hàng, ai cho gì anh cũng nhận. Đêm, anh ngủ dưới gầm cầu Dài. Khi cao hứng anh lại đến thăm bạn văn trong thị xã. Hội Văn nghệ Quảng Bình chuẩn bị in cho anh tập thơ đầu tay: "Nửa đời thơ". Vui nhất là khi anh chìa ra cho tôi xem lá đơn anh viết xin được kết nạp Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình: Họ và tên: Dương Thân Mật. Sinh năm 1950. Bút danh: Dương ánh Dương. Nghề nghiệp: Ăn mày... Anh sống lạc quan, ăn mày nhưng lại quảng đại, dù nghèo túng nhưng mỗi lần về làng không bao giờ anh quên đãi cả xóm một bữa rượu uống cùng thơ anh. Tôi nhớ câu thơ anh như là lời đề tựa cho tập thơ sắp xuất bản: "Từ trong con mắt nhìn ra/Từ trong nhân thế nhìn xa cuộc đời...".
Dương ánh Dương, gã "Thi Cái" của chúng tôi , trong nửa cuộc đời còn lại của mình đã lang thang đủ chợ: "Một cây nạng tôi đi chấm phẩy/Ngược đường một nửa hồn thơ...". Đi ăn mày, ai cho thì nhận. Dương ánh Dương cũng vậy, không khác với những gã ăn mày ta thường gặp, ngửa tay xin những đồng tiền. Có một thứ Dương ánh Dương chưa và không ngửa tay xin ai bao giờ, đó là thơ.
 
Back
Bên trên