em trước nay không nghe nhạc quốc tế mấy nên không rõ New Age là gì . Anh giải thích cho em với !
Còn nhạc vàng thì thật sự là một kho tàng rất phong phú , mang âm hưởng dân ca , vọng cổ miền Nam , là di sản văn hóa của dân tộc Việt nam .Em có đôi chút nhầm lẫn ở bài post trước . Thực ra thì 3 bài mà em gửi cho anh đó thì chỉ có bài mùa thu Đông Kinh là có thể gọi là nhạc vàng , theo đúng nghĩa của nó , còn 2 bài kia thì không .
Anh có thể tìm hiểu đôi nét về "nhạc vàng"
http://vi.wikipedia.org/wiki/Nhạc_vàng
hay trong một bài viết sau đây
Nhạc quê hương" là tên gọi khác của "nhạc mùi"?
07:16' 05/08/2005 (GMT+7)
Thanh Thanh, một trong ca sĩ hát nhạc mùi thế hệ mới
Suốt một thời gian dài sau 1975, những gì thuộc về âm hưởng “nhạc vàng” đều bị đẩy ra khỏi khu vực truyền thông. Và loại "nhạc vàng" đó, có gói trong nó - tạm chia - "nhạc mùi" (hay còn gọi là "nhạc sến", nhạc tâm lý kịch tính bình dân), nhạc quê hương (ca ngợi hình ảnh đồng quê và những gì thuộc về đồng quê), nhạc trữ tình (nhạc tình dựa trên âm điệu của nhạc quê hương và nhạc sến, nội dung thường pha trộn tình yêu, tình nghĩa với khung cảnh đồng quê)…
Và dù muốn nhìn hay không muốn nhìn nhận nó đi nữa, cũng phải thấy được rằng "nhạc mùi" có một lượng khán giả khổng lồ và trung thành từ Bắc chí Nam.
Quá trình thúc đẩy sự phát triển của “nhạc xanh” và "nhạc đỏ” và cách bài bác sự hiện hữu của "nhạc mùi" trong suốt một thời kỳ tạo nên tâm lý ai nghe "nhạc vàng" đều là những kẻ sầu não, ủ rũ, không sức sống… Thậm chí, đối với một lớp thanh niên hăng hái trong phong trào này thì những người mê "nhạc mùi" là kẻ mang sở thích bệnh hoạn.
Nhưng dù muốn hay không, chúng ta vẫn không thể lừa dối mình trước thực tế khách quan. "Nhạc mùi" vẫn quay lại một cách dè dặt. Khác với nhạc trẻ có quá nhiều tiếng nói ủng hộ cho việc phát triển, cảm thông với giới trẻ, lý thuyết hội nhập…, "nhạc mùi" im lặng và mất gần 20 năm để lan toả rộng rãi trở lại với các tác phẩm mới và những người thể hiện mới. Ngoài việc gần 2 thập niên ảnh hưởng tới làn sóng ca nhạc của người Việt hải ngoại, nhờ vào đó, một lớp danh ca nhạc mùi thế hệ mới bước qua các bậc đàn anh đàn chị. Chế Linh, Duy Khánh, Phương Hồng Quế, Thanh Tuyền… đã có hậu bối là Tuấn Vũ, Như Quỳnh, Trường Vũ, Chế Bồng Trung… Và trong nước thì mạnh mẽ hơn với một loạt các giọng ca như Vân Khánh, Nhã Ca, Hạnh Nguyên, Bích Phượng, Ngọc Sơn…
Nội dung ca ngợi tình yêu, đất nước là chiếc thuyền mỏng manh nhưng hiệu quả, đã chuyên chở cho dòng "nhạc mùi" thầm lặng quay lại đời sống âm nhạc một cách chính thức mà không bị phê phán. Rất nhiều tác giả "nhạc mùi" chính hiệu như Vinh Sử, Thanh Sơn, Hoàng Trang, Mặc Thế Nhân… đã nhận ra con đường này và nhanh chóng chuyển sang những hình ảnh đồng quê để chuyển tải lại những âm điệu quen thuộc của "nhạc mùi". Một lớp nhạc sĩ mới của dòng "nhạc mùi" cũng đã hình thành như Tiến Luân, Trịnh Gia Kiệt, Trương Quang Tuấn…
Hiện nay, "nhạc mùi" đã có một vị trí tương đối vững mạnh, hợp pháp ản và trở thành một thế mạnh của âm nhạc miền Nam. Tuy vậy, nó vẫn bị coi là nhạc “nhà quê”.
Cái tên gọi chung "nhạc quê hương", như một thói quen từ nhiều năm nay, đã bắt đầu trở nên lỗi thời về mặt lý luận. Luẩn quẩn quanh chuyện cây cầu, trái dưa, thương nhớ mù u…, nội dung gói gọn trong những đề tài như vậy đã bắt đầu nhàm chán và đến giai đoạn lộ rõ cả một dòng "nhạc mùi" núp bóng dưới tên gọi này. Và dù không nhìn nhận chính thức nhưng một quan chức của đài truyền hình Tp.HCM cũng xác nhận rằng những chương trình âm nhạc được dàn dựng có nội dung và âm điệu nghiêng một chút về "nhạc mùi", nói chung là nguồn hàng bán rất mạnh cho các đài tỉnh cũng như cho cộng đồng Việt hải ngoại.
Đã đến lúc chúng ta nhìn rõ rằng "nhạc quê hương" chỉ là tên gọi hợp pháp của "nhạc mùi" trong một giai đoạn còn nhiều định kiến. Thực chất và không thể chối bỏ được rằng, "nhạc mùi" nói chung là một hình thái sinh hoạt không thể thiếu được của văn nghệ miền Nam, có ảnh hưởng đến âm nhạc cả nước. Tồn tại khách quan và nhu cầu được chấp nhận sẽ là một áp lực lớn để mở đầu cho quá trình phát triển lại của dòng nhạc này, góp phần hoàn chỉnh bức tranh các thể loại âm nhạc hiện nay.
Khi nào có thời gian , em sẽ gửi cho anh dần dần những bài nhạc vàng trong kho nhạc của em , có cả tân cổ giao duyên nữa "phần cổ nhạc là cải lương và tân nhạc là nhạc vàng" . Hiện giờ , em đang có tất cả 737 bản nhạc vàng(sẽ còn cập nhật) và rất nhiều bản nhạc tiền chiến hoặc mang âm hưởng tiền chiến , trữ tình , lãng mạn . Xin trân trọng giới thiệu đến anh và hi vọng anh sẽ thích nó , và anh cũng có thể phổ biến nó cho những người cùng trang lứa ...để mọi người cùng yêu và gìn giữ nhạc vàng như một di sản văn hóa vô giá của đất nước .