Phạm Diệu Linh đã viết:
Nhưng mà đi bus cũng có nhiều cái hay lắm chị Hương ơi :X:X:X
Có bài này về thú đi bus ở Hà Nội, cô bạn gửi sang.
L.
Chưa đi xe buýt, chưa biết Hà Nội!
Bây giờ người ta hay rôm rả chuyện xe cũ, xe mới, còn ở đây tôi xin kể các bạn nghe về việc đi xe buýt, một loại xe không mới cũng chẳng cũ nhưng đang ngày càng trở nên phổ biến trên đường phố Hà Nội.
Trước kia đi trên phố người ta hiếm hoi mới nhìn thấy bóng dáng ô tô, mà đích thị phải là ô tô biển xanh, biển đỏ, còn bây giờ thì cơ man xe biển xanh, biển trắng to nhỏ khác nhau và cả xe buýt. Trên những tuyến phố rộng và chạy thẳng như tuyến từ Phùng, Nhổn, Sân vận động Mỹ Đình thẳng vào Kim Mã, Cửa Nam thì đường không mấy khi tắc, các tuyến xe buýt 20, 25, 32, 34 chạy tương đối đúng giờ và đồng đều. Cũng đường rộng, chạy thẳng như các tuyến từ Ba La qua Hà Đông lên mạn Ngã Tư Sở để vào trung tâm thì phải tuỳ vào giờ thường hay giờ tan tầm. Nút giao thông Ngã Tư Sở có thể nói luôn luôn là vấn nạn. Từ ngày việc thi công cầu vượt Ngã Tư Sở gặp trục trặc cứ chềnh ềnh ra cả non nửa cây số thì việc đi lại của bà con thực là vất vả. Chưa kể nếu đi trên những phố hẹp, trên những đường cắt ngang các tuyến từ ngoại ô vào để rẽ đi các ngả của Thủ đô thì thôi rồi, xe buýt lẫn xe con, xe máy, xe đạp đều chạy rì rì rì rì. Nếu vào giờ cao điểm thì những chiếc xe buýt to tướng xếp hàng ngang hàng dọc như trên đường Chùa Bộc, Trường Chinh có khi là nguyên nhân tắc đường cho cả vài cây số. Tuy nhiên, nếu có rơi vào thảm cách tắc đường mà bạn đang khư khư cái xe máy kềnh càng giữa trời nắng gắt, hẳn vẫn chặc lưỡi là thà leo lên xe buýt ngồi cho mát còn hơn.
Đấy là tôi muốn kể về sự hiện đại ngày nay của xe buýt. Xe buýt giờ gần như đều đã được lắp điều hoà rất mát mẻ, thật tiện lợi cho mùa hè oi nồng của Hà Nội. Những người có tuyến đường đi ổn định và đi đi về về có giờ giấc thường có xu hướng ngó ngàng đến việc sử dụng xe buýt. Chẳng thế mà leo lên xe buýt bạn hẳn sẽ thấy trong số hành khách thì phần lớn là học sinh sinh viên lẫn công chức sáng cắp ô đi tối cắp về. Những hành khách thường xuyên này thường đi vé tháng cho "kinh tế", vé cho học sinh, sinh viên khá rẻ, đâu như 30 000 VNĐ/tuyến, còn liên tuyến là 50.000 VNĐ. Vé tháng thông thường có đắt hơn, đơn tuyết có lẽ là 60.000đ còn vé liên tuyến là 80.000đ/tháng. Xen vào các hành khách vé tháng này là nhiều bà con mua vé lẻ đi vào phố nhân khi có việc. Với 3.000 đồng bạn thậm chí có thể đi tới hơn chục cây số, tránh cảnh căng mắt nhìn đường và lại còn ung dung mát mẻ.
Đúng là đi xe buýt có nhiều ưu điểm thật, chẳng thế mà ở "Tây" biết bao người sử dụng phương tiện giao thông công cộng hàng ngày. Này nhé, đi xe buýt không nhất thiết bạn phải khư khư đeo cái khẩu trang chống nắng chống bụi, cũng không phải bực mình khi vài cô vài cậu choai choai lướt đánh xẹt qua đầu xe máy mình, cũng không phải quá lo lắng đến chuyện bất ngờ xe ai quệt va vào xe mình hoặc các trường hợp đáng lo khác, cũng không phải lo lúc nào đấy hết xăng giữa đường. Đi xe buýt bạn đã vứt bỏ hẳn nỗi lo lắng của người lái xe, bạn thoải mái ngắm nhìn hai bên đường và có lúc sẽ chợt nhận ra con đường mình vẫn đi sao có những vẻ đẹp lạ lẫm thế.
Tuy nhiên, nếu bạn muốn ngắm cảnh phố phường thì hẵng đi vào giờ hành chính hoặc là buổi tối sau giờ làm. Khi ấy xe buýt mới tương đối rộng rãi, bạn mới có thể thả mình xuống ghế, dõi mắt theo phố phường được. Bằng không, vào giờ cao điểm thì xe nào xe nấy chật ninh ních, thậm chí nhiều xe đã đầy ắp qua bến cũng bỏ bến không dừng lại lấy thêm khách. Lúc ấy thì điều hoà cũng không có ý nghĩa gì, trên xe người nêm người khin khít, hơi người phả vào nhau tưởng chết ngạt vì thiếu không khí. Trong bối cảnh ấy, nếu có một người dùng nước hoa đứng cạnh, kể cả đúng loại Miracle tôi vẫn thích mê, thì cũng bị pha trộn trở thành một mùi hương khó tả và khó chịu vô cùng.
Tôi nói "chưa đi xe buýt, chưa biết Hà Nôi" cũng là bởi lẽ có đi xe buýt mới thực sự ngắm được phố phường, cũng bởi lẽ nhiều nét rất đặc trưng của cuộc sống phố phường Hà Nội được thể hiện rất rõ ở những gì liên quan đến việc đi xe buýt. Từ trên xe nhìn ra bạn sẽ thấy người Hà Nội tham gia giao thông như thế nào, các cửa hàng ở Hà Nội bày bán hàng họ ra sao, ngay trong xe bạn cũng sẽ thấy cách ứng xử mỗi người mỗi khác.
Đúng là từ khi đi xe buýt tôi mới thấy hoảng sợ vì sự lộn xộn của giao thông đô thị ta. Có lần xe buýt tôi đi va vào một xe máy làm xây xát chân một bác trung niên, rất nhiều lần xe đang đi phải phanh kít đứng khựng lại vì xe máy xe đạp nào đó bất ngờ rẽ hoặc ngoặt ra lòng đường không cần nhìn trước sau. Khiếp hơn nữa là chiều tối hôm kia, xe tôi đi vừa ngang qua công viên Thủ Lệ, đến ngã ba La Thành - Cầu Giấy thì một cậu thanh niên đâm thẳng vào xe y hệt muốn tự tử. Hoá ra một tốp bạn cậu ta đã sang đường và cậu ta cắm mặt chạy theo không cần biết Đông Tây gì. May mà xe đi không quá nhanh và phanh kịp. Người trên xe ai ai cũng xanh mặt, còn các cậu bé kia vẫn có vẻ vui vẻ lắm, tiếp tục bá vai bá cổ dưới lòng đường đi tiếp như không.
Cũng từ khi đi xe buýt tôi mới càng thấy khiếp sợ cái sự đi vô tội vạ của các loại xe trên đường. Rất rất nhiều chỗ sang đường dành cho người đi bộ nhưng không dễ mà sang được đường đúng chỗ đó. Người ta kêu ca nhiều về chuyện người đi bộ sang đường vèo vèo bất kể chỗ đó là đoạn đường nào nhưng thực ra ngay cả những người đi bộ có ý thức cũng không thể sang đường đúng chỗ nếu thiếu một chút can đảm. Ngay ven Bờ Hồ, do đường toàn là một chiều nên hễ qua được đèn xanh đèn đỏ là xe nào xe nấy lao vun vút. Người ta đi còn hãi hãi là, có khi chờ đi chờ lại rình rình đúng lúc đèn vừa đỏ để nín thở chạy sang, đèn tít đầu kia xanh thì có mà không tài nào sang được đường đằng này, mà đèn đỏ một lúc thì các ngả rẽ khác cũng túa người ra đông không kém, nên gần như phải rình đúng thời khắc ít ỏi giao thoa mà tranh thủ sang đường bằng đường của mình! Kêu là kêu chỗ trung tâm thành phố, bộ mặt của thủ đô, bộ mặt của cả nước mà còn như vậy. Chứ lùi ra xa tít như gần trạm trung chuyển Cầu Giấy thì thôi rồi. Rõ ràng đúng chỗ mấy bậc thang xuống trạm trung chuyển xe buýt, người ta đã quy hoạch hẳn hoi tận 2 làn đường đi bộ liền mà xe máy, ô tô, xe đạp, tất cả các loại xe đều lao đi vun vút, lần nào sang đường rồi tôi cũng mới thở hắt ra được. Mình đi đúng đường đi bộ hẳn hoi, đã chẳng nhường đường lại còn bị các tay lái gườm gườm nhìn như thể mình đang phạm lỗi vậy! Hỏi người nước ngoài hay bà con ở quê ra liệu có dám sang đường không? Ấy là nói chuyện sang đường, chứ sang được đường rồi thì nào là quán bia, quán phở, quán gà, quán ngan tràn cả ra hết vỉa hè, nước nôi rau cỏ lênh láng vương vất ra cả đoạn phố vô cùng bẩn thỉu. Đành thôi phải đi dưới lòng đường. Không biết nên kêu không bởi đôi khi còn thấy xe 113 táp vào bên lề đường mấy quán đấy và xe thì vắng teo!
Mặt khác, cái nguy hiểm không chỉ đến từ bên ngoài xe buýt. Đôi khi có những lái xe buýt lái rất ẩu, phụ xe thì bẳn gắt. Có lúc xe chẳng có lý do gì cũng phóng thật nhanh rồi phanh thật gấp ngay sát sạt bến đỗ. Có khi chẳng dừng hẳn cho người ta lên xuống, người chưa kịp xuống, kẻ chưa kịp lên xe đã èn èn chạy. Có lẽ nào lại giống cảnh nhảy tàu điện hồi xưa. Sợ nhất là chuyện xe buýt vượt đèn đỏ, phải nói là như cơm bữa. Còn chuyện nói tục chửi thề của lái phụ xe trở thành khá phổ biến. Có lẽ trong 10 điều nội quy đi xe buýt cần phải bổ sung thêm việc chấp hành của lái xe phụ xe thay vì toàn các điều quy định cho hành khách. Nhiều khi trên xe có người nước ngoài, tôi chỉ lo họ thành thạo tiếng Việt thì xấu hổ quá.
Tuy nhiên, cũng từ khi đi xe buýt tôi nhận ra rằng có nhiều lái xe, phụ xe rất nghiêm túc và tử tế. Họ quan sát kỹ những người lên xuống không đúng cách và nhắc nhở nhẹ nhàng, họ dàn xếp chỗ ngồi cho người già, trẻ em và người ốm đau, thai nghén rất hợp tình hợp lý. Đôi khi trên xe bắt gặp người ta nhường nhau ngồi, nhắc nhau xuống bến, tôi lại tràn đầy hy vọng vào một tương lai đẹp đẽ của nét văn hoá xe buýt ở ta.
Nhớ một ngày đi làm đầu tháng Tư, tôi tuyên bố với cả nhà là sẽ thử nghiệm 1 tháng đi xe buýt. Khi đó cả nhà đều cả cười với cái vẻ, nào, để xem nó đi được mấy bữa. Thấm thoắt nay đã gần tròn tháng, không ai còn nói là tôi không thể dậy đủ sớm để đi làm đúng giờ bằng buýt hoặc không đủ kiên trì để đợi chờ xe buýt. Tôi cũng đã biết thêm được mấy tuyến buýt đi vài nơi cần thiết làm vốn dùng dần, cho dù ngay sát trước đó tôi không hề biết tí tẹo gì cả.
Nhớ lại ngày đầu tiên đi buýt, tới nơi làm quên phắt mất mình đi làm bằng xe buýt, còn hẹn đèo bạn đi đây đó, mãi lúc đi ngơ ngẩn đứng ở sân cơ quan mới chợt nhớ ra. Có hôm chiều về không nhớ chuyện gì, mải mê mãi sát giờ ăn tối ở nhà mới giật mình. Ngoài giờ cao điểm xe chạy thưa chuyến, mãi mới về được tới nhà. Bù lại, xe thì vắng, ngồi hỏi phụ xe được cách đi từ nhà tới cơ quan phù hợp nhất cực kỳ thuận lợi cho những ngày sau đó. Cũng trong những ngày đầu tiên, các em sinh viên thật dễ chịu vì chỉ cho tôi rất tận tình cách đi xe. Họ là những hành khách thường xuyên nên khi tôi đi đến ngày thứ 3, thứ 4 là đều đã nhận ra tôi là bạn đường mới. Thật ngỡ ngàng khi thấy ai đó bảo chị hay xuống điểm nọ điểm kia phải không trong khi mình cứ tưởng chẳng ai để ý tới ai cả. Nhưng ấn tượng nhất là chuyện lên xe buýt được nghe đài. Quả thật lâu lắm rồi đến TV tôi còn không theo được, nói gì đến việc nghe đài. Vì thế chuyện nhà xe bật đài cho nghe tôi thấy vô cùng thú vị. Chẳng phải căng mắt ra đọc, cũng không phải dò tìm trên "nét", thông tin cứ tự nhiên vào tai, có người đọc cho nghe, hát cho nghe, đơn giản thế thôi mà mấy ai đã nghĩ tới.
Nay đã là cuối tháng, 1 kỳ nghỉ cuối tuần dài trước mắt, tôi thực lòng vui vẻ vì công việc đã hòm hòm, mọi kế hoạch nghỉ ngơi cũng đã xong, chuyện đi xe buýt 1 tháng cũng có thể nói là thành công. Vâng, tôi tự nhận thấy việc thử nghiệm 1 tháng xe buýt của tôi là thành công lại chính là chuyến đi trở về nhà sau một ngày làm việc căng thẳng, rất căng thẳng. Thật là nghịch lý, khi ấy những tưởng chỉ mong mò được về nhà là lăn ra ngủ luôn. Vậy mà, leo lên xe buýt số 02 chạy từ KS.Hilton ra Bờ Hồ, tôi sững sờ nhận thấy Bờ Hồ lung linh, những dòng người xe trôi chầm chậm, những người tản bộ thong thả bên bờ, ánh đèn rọi lên cây lá có màu xanh rất lạ, sáng rỡ sáng ngời như mơ. Khi ấy tôi có cảm giác mình được sống, công việc lùi xa hết, những mỏi mệt tan biến hết. Cả ngày làm việc là khi mình tồn tại và khi ngồi xem phố xá lên đèn lướt qua mắt mới cảm nhận được mình vẫn đang sống, đang được cảm nhận vẻ đẹp cuộc sống, hệt như những thời khắc rảnh rỗi mình cũng thư thả đi dạo vòng vòng quanh hồ như vậy. Những ngày sau đó tôi chủ ý tranh thủ thời gian trên xe để nhìn ngó xem cung đường tôi đi hôm nay khác gì hôm qua, ở đâu có hiệu gì nổi bật, đây đó có giảm giá, đây đó có hàng mới... hầu hết là những điều trước kia tôi chỉ toàn nghe lại.
Vâng, tháng thử nghiệm xe buýt đã thành công, ngay cả phương diện sức khỏe. Tôi buộc tôi ít chơi bời hơn, thành ra làm được nhiều việc hơn, ở nhà nhiều hơn, đọc sách nhiều hơn, còn điều chắc chắn nữa là khó mà có thể say xe nữa. Vâng, thành công tới mức mặc dù xe buýt không cho tôi xuống bất cứ chỗ nào tôi muốn và không cho tôi về muộn cho tới 11 - 12 giờ đêm như đôi khi cần phải thế, và còn nhiều lý do khác, đôi khi tôi vẫn băn khoăn không biết là còn nên thử thêm tháng nữa không khi nhớ lại những kỷ niệm đầy thú vị!
Tuy nhiên, đi ở Hà Nội cho đến bây giờ tiện nhất quả vẫn là xe máy. Nếu bạn muốn đi mua sắm, muốn đi bơi ngoài giờ, muốn hò hẹn thì quả là không thể đi xe buýt. Nếu không công thức đi lại của bạn sẽ là xe buýt + xe máy + taxi + xe ôm. Khó mà chỉ đi xe buýt cho một lịch dày đặc. Có thể, tôi sẽ lại đi xe buýt khi việc sang đường không còn đáng sợ, khi lề đường không bị chen lấn và khi xe buýt nối tuyến với nhau hoặc với hương tiện công cộng nào đó khác được thuận tiện hơn.
Rồi, nay mai không đi xe buýt nữa có lẽ tôi sẽ tiếc nuối cái cảm giác nhẹ tênh ngắm phố phường đã lên đèn, chắc sẽ chẳng còn được nghe đài phát thanh, cũng chẳng gặp lại những người bạn đường mới quen và nhiều điều khác nữa. Vâng, cuối tháng rồi, tạm biệt xe buýt!
(D.T.N.)