Làng không chồng Hà Tiên

Le Bach Duong
(jen2k)

New Member
tintucvietnam.com


Xã Tiên Hà, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam có lẽ là nơi đang giữ kỷ lục về số lượng phụ nữ không chồng, tự túc kiếm con. Đến nay, ở Hà Tiên đã có 3 thế hệ phụ nữ theo nhau sống cảnh vắng bóng đàn ông.


Đường về xã miền núi Tiên Hà gập ghềnh, heo hút bởi nhiều đoạn đèo dốc dựng đứng, khúc khuỷu. Xã có hơn 800 hộ dân, sống rải rác khắp các vùng đồi, trong đó hơn 1/3 là những “gia đình không có đàn ông”. Số lượng phụ nữ đơn thân cứ tăng lên mỗi ngày và người ta bắt đầu gọi Tiên Hà là làng... không chồng! Nhưng tiếng đời thị phi không ngăn được khát vọng làm mẹ của những người phụ nữ trên đất này.



Đi khắp làng, đâu cũng chỉ thấy những dây phơi toàn quần áo của đàn bà và trẻ nhỏ. Bà Nguyễn Thị Cúc, 70 tuổi, ở thôn Đại Tráng đúc kết: “Vì trong làng không có đủ con trai để cho con gái cưới, nên đàn bà ở giá nhiều là phải”. Đúng là ở Tiên Hà có chuyện âm thịnh dương suy. Đàn ông đã ít, lại bỏ đi làm ăn xa biền biệt. Về Tiên Hà chỉ bắt gặp toàn những người đàn bà lam lũ, dắt díu theo sau những đứa con lem luốc hoặc những phụ nữ rỗi việc, tụ nhau thành nhóm ngồi tán gẫu ở các ngã ba đường.



Chị Chử Thị Ninh ở thôn Trung An, tuổi đã 42, tự túc được mụn con trai lên 10, nói: “Tiên Hà xa xôi quá, ai mà thèm tới, phải tự túc thôi. Có được chồng mới là chuyện... lạ!”. Đúng là xa xôi thật, lại thêm cái “dốc Si không đi thì bò” chổng ngược, khiến Tiên Hà gần như cô lập với thế giới bên ngoài. Người dân nơi đây hiếm khi ra khỏi làng thì làm sao người ngoài dạm tới.



Chị Nguyễn Thị Ánh Liên, cán bộ tuyên giáo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Thế hệ phụ nữ đơn thân lớn tuổi nhất ở Tiên Hà bây giờ là những cô gái thanh niên xung phong năm xưa trong “tiểu đoàn bà Thao”. Trở về sau chiến tranh, hàng chục người không còn cơ hội làm vợ, làm mẹ".



“Tiểu đoàn bà Thao” là tên một đơn vị quân đội do người phụ nữ tên Thao chỉ huy, tham gia tải đạn và lương thực cho quân đội ta trên Đường 9 Nam Lào vào những năm chống Mỹ ác liệt. Những cái tên “vang bóng một thời” như Hai Khởi, Bốn Thời, Tám Hồng, Hoa, Tân... của đội ngày ấy, nay đã ngấp nghé tuổi 60, sống quạnh quẽ tuổi già trong nghèo khó.

Bà Nguyễn Thị Khởi, một trong những nữ thanh niên xung phong đó, kể: “Tôi cưới chồng năm 1965, sau đó ra mặt trận. Năm 1982, tôi trở về thì chồng đã hy sinh. Lúc đó tôi đã 36 tuổi, ai mà ưng nữa, đành tự túc kiếm con nuôi”. Bà Khởi "tự túc" được 2 đứa con, một trai một gái, nhưng đứa con trai tên Phạm Thanh Trà chẳng may bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam, sống đời sống thực vật. Nỗi đau lại đè xuống đôi vai của bà Khởi thêm lần nữa.



Người đồng đội của bà Khởi là bà Bốn Thời nay cũng bước qua tuổi 59. Năm 1964 kết hôn, năm 1967 ra trận. Ba năm sau, chồng bà hy sinh nhưng mãi hơn 2 năm sau bà mới biết. Nén nỗi đau, bà thầm lặng trở về chịu cảnh phòng không và đến năm 1984 mới "kiếm" được bé Tuyết. Năm 2000, bé Tuyết lên lớp 11, trong một chiều đi học về bị nước lũ cuốn trôi. Bà Thời khóc hết nước mắt, tiếp tục đơn độc trên hành trình tuổi già.



Không thể kể hết những thân phận hiện thời của những thành viên trong “tiểu đoàn bà Thao” năm xưa. Bà Tám Hồng sống cả đời cô độc, vừa mất bởi bệnh ung thư, nay không người thờ phụng. Bà Hoa, bà Tân cũng lặng lẽ trở về sau cuộc chiến, nay đau đáu phận phòng không. Bà Thời từ chối biết bao nhiêu mối tình đẹp khi đi kháng chiến bởi đã có chồng, để rồi cô lẻ thân cò trong thời bình...



Thế hệ phụ nữ không chồng tự túc kiếm con thứ hai ở Tiên Hà là những người đàn bà tuổi từ 32 đến 45. Dù UBND xã Tiên Hà chưa có con số thống kê chính thức, nhưng theo ông Nguyễn Lương Bá, Phó Chủ tịch xã, thì thế hệ này cũng đã có đến hơn 120 người. Họ “bỏ quên tuổi thanh xuân trong nghèo khó, cơ cực vào những năm 80 của thế kỷ trước. Khi ngoảnh lại, “cái tuổi đã đuổi xuân đi”, họ đành lẻ bạn, đành bằng cách này hay cách khác kiếm cho được đứa con để về già có người thờ phụng.



Thế hệ phụ nữ không chồng thứ 3 ở Tiên Hà là những cô gái trẻ tuổi dưới 30, dù nay chưa nhiều nhưng cũng đã phổ biến. Không sống được trên mảnh đất nghèo miền núi, họ bỏ làng vào Nam làm ăn xa. Lâu lâu cũng có người “dắt” về tấm chồng, đám cưới rình rang. Thôn xóm ai cũng mừng cho họ vì sẽ bớt đi một “trái bom nổ chậm”, nhưng vui chưa được lâu thì lại thấy họ khăn gói trở về với thằng con nhỏ và cái bụng đã lum lúp.



Thế là các thế hệ tự túc ở Hà Tiên lại bấu víu vào nhau để sống. Bà Cúc thở dài: “Cái đất ni không biết răng mà lạ rứa. Mong sao ngày sau những người chồng, người cha trở về nhận con, để cho thôn xóm vui cửa vui nhà”.
 
Back
Bên trên