Khánh Ly và Trịnh Công Sơn

Hà Đăng Sơn
(hdson)

Active Member
Mấy hôm trước nhận được bài này từ một người bạn.
----------------
“... Sông vẫn chảy đời sông
Suối vẫn trôi đời suối
Sống giữa đời cần có một tấm lòng”.


Tôi là gái Bắc, lớn lên ở Sài Gòn, nhưng lạ lùng làm sao tôi không nhớ Hà Nội bao nhiêu. Không yêu Sài Gòn lắm. Mà chỉ xót xa đến Huế. Huế nghèo, thành phố chỉ vài con đường chính, Huế nóng cháy da, mềm thịt. Huế lạnh buốt, lạnh từ lòng lạnh ra. Dường như Huế chỉ thực sự huyền ảo, nên thơ bởi những nghệ sĩ khi viết về quê hương mình. Có lẽ đó là điều dĩ nhiên của mọi người, mọi miền khi viết về nơi mình được sinh ra. Âu cũng không phải là điều làm cho ta ngạc nhiên.

Nhưng không phải vì những điều người Huế viết về Huế đã làm tôi yêu Huế. Vì như vậy tôi phải yêu Hà Nội hơn mới có lý. Phải yêu Sài Gòn, phải yêu Ðà Lạt hơn mới phải. Vậy mà tôi yêu Huế, thỉnh thoảng gặp lại một vài người bạn, tôi năn nỉ “mi nói cho tau nghe chút cho đỡ “dzớ” ” . Con gái Huế nói như hát, dịu dàng, đi đứng khép nép nhẹ nhàng. Có một cái gì đó thật mong manh, như tơ, như sương khói, như một điều không có thật trong con người của các cô gái Huế. Tôi có cảm tưởng như họ không phải là một sự hiện hữu. Một chút hương khói hư ảo, chập chờn. Chỉ một tiếng động khẽ dù là tiếng rơi của một chiếc lá, cũng đủ làm tan biến đi tất cả. Mười ba năm qua, chỉ xin nói vài câu cho đỡ nhớ “nhà”. Như thế là yêu đấy, nhiều mới khổ chứ. Dù tôi chỉ biết Huế sau tết Mậu Thân và không quá mười lần ghé Huế. Nhưng tôi yêu Huế bởi từ Huế tôi mới biết thế nào là tình yêu. Tôi không muốn nhắc đến, những điều đã được viết quá nhiều về một nơi chốn. Tôi chỉ muốn nhắc đến “Huế của riêng tôi” và như vậy cũng có nghĩa là mở ra cánh cửa kỷ niệm, của những hân hoan, đau đớn, những ước mơ không thành, những dằn vặt ám ảnh, đeo đuổi tôi suốt mười ba năm qua... mười ba năm đã không thành, không nói. Thì bây giờ lẽ ra càng không nên nói. Bởi dù có thêm 100 năm nữa “Hai mái đầu xanh giờ đã bạc” cũng chẳng còn bao giờ gặp lại nhau. Nếu có chăng thì cũng là kiếp sau. Nhưng “tình tưởng đã yên mà tâm còn động vọng”. Thì ra mười ba năm với tôi vẫn còn là cơn mộng. Chưa thoát ra được. Không thoát ra được. Không muốn thoát ra. Cố gắng bao che, tự dối mình. Chỉ là một cơn mộng. Ðêm sẽ qua, mộng sẽ tàn. Ta sẽ tỉnh. Thấy tóc vẫn còn xanh với lời dặn “chưa qua đèo Hải Vân nhớ cột tóc, kẻo gió bay nghe em”.

Mộng đã tàn. Tôi đã tỉnh với đau đớn. Thì thầm một mình “khóc đi chứ”. Còn khóc được là biết mình còn sống. Còn khóc được là biết Huế còn đó trong trái tim, trong tận cùng thống khổ, khốn cùng của một kiếp người mà hạnh phúc đồng nghĩa với bất hạnh.

Tôi vốn là một đứa trẻ mồ côi cha; Cha tôi chết trong trại Ðầm Ðùn sau bốn năm bị giam hãm. Học hành dở dang, vài năm trường Tây, vài năm trường ta. Trường học chẳng dạy tôi điều gì. Gia đình chẳng dạy tôi điều gì. Nên tôi tự dạy tôi ra đời năm 16 tuổi. Ði hát nhưng không bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành ca sĩ. Hát vì thích hát. Ðiều này tôi hoàn toàn bị ảnh hưởng bởi ông bố có nhiều nghệ sĩ tính, nhưng lại đi theo kháng chiến và chết đau thương trong lao tù. Không có tình thương của cha, không hợp tính với mẹ. Ngoài ý thích được hát, tôi không biết mình phải làm gì. Ðời sẽ cho tôi những gì và tôi sẽ được những gì. Tôi quờ quạng sống lang thang giữa đám bạn bè tốt bụng, nay đứa này cho bịch gạo, mai đứa kia cho chai nước mắm. Nghèo mà vui, tôi không buồn vì nỗi bị gia đình hắt hủi, từ bỏ. Tôi như một thằng con trai giữa đám bạn trai. Tuy không có cái cảnh vườn đào kết nghĩa nhưng cho đến bây giờ gần 30 năm qua, có đứa đã ra đi mãi, có đứa nửa điên nửa dại, có đứa nhà cao cửa rộng vợ con đùm đề. Thỉnh thoảng gặp lại tưởng 30 năm mà như một ngày. Cũng tưởng đời sẽ mãi lêu bêu cho tới ngày cuối, nhưng nếu định mệnh là điều có thật thì điều đó đã đến với tôi một đêm mưa tại Ðà Lạt.

Dáng người mảnh khảnh, cặp kính trắng tròn, gọng đồi mồi, cặp mắt bồ câu, vầng trán cao, rộng, sống mũi thẳng, nụ cười đẹp tươi với chiếc răng khểnh. Người con trai đó nói với tôi bằng giọng Huế. Dân Ðà Lạt đa số nói tiếng Huế nhưng hơi lai, nhưng Sơn là “Huế chay”. Sơn với hai bàn tay gầy guộc, những ngón tay dài, tài hoa, tháp cho tôi một đôi cánh, xỏ vào chân tôi đôi hài bảy dặm. Cô bé lọ lem lột xác. Lột xác để từ một đoạn trường này bước sang một đoạn trường khác.

Từ Sơn tôi đã thành danh, nhưng đó cũng chưa hẳn là điều tôi mong muốn. Tôi có cảm tưởng như vậy. Có phải đời sống là như thế hay sao ? Thế là đủ hay sao ? Nếu thiếu thì thiếu cái gì và tại sao thiếu ? Ðời sống tầm thường thế thôi sao ? Một đứa trẻ mồ côi bị gia đình hắt hủi - luôn thèm một mái ấm gia đình, một lời ngọt ngào của mẹ. Thèm từ một cái áo, một đôi giày. Mà phải gia đình nghèo khó gì cho cam. Chỉ vì... đúng là dưới một ngôi sao không mấy đẹp. Lúc sống lang thang như một thằng lãng tử, tôi thường tự hỏi mình có nhu cầu gì cho đời sống? Sống trong đời sống mình cần có những gì ? Tình, tiền, danh vọng ? Cho đến lúc nghĩ rằng mình đã có đủ những điều mơ ước tôi vẫn luôn luôn âm thầm. Hình như không phải như mình nghĩ. Cuộc sống, đời sống, con người sống trong đời chỉ tầm thường thế sao ?

Có lúc tôi cảm thấy thèm thuồng cái hạnh phúc nhỏ nhoi của một cặp vợ chồng nghèo, chồng đạp xích lô. Chỉ cần vài cuốc xe đủ tiền ăn một ngày là thôi. Ông ghếch xe lên lề đường làm đỡ tô mì, tô cháo cá cho ấm bụng rồi chở vợ con đi dạo mát. Ở cái hạnh phúc giản dị thiêng liêng đó đâu có tốn kém gì. Mà cần gì phải ông lớn, bà lớn, ca sĩ nọ, tài tử kia.

Một hôm tôi hỏi Sơn : “Sống trong đời mình cần phải có gì ? Làm gì ?” Sơn cười, ngón tay dài khẽ đẩy cái gọng kính đang trễ xuống. Câu trả lời ngắn gọn : “Cần có một tấm lòng”. Tôi nhìn Sơn: “Một tấm lòng ?”. Ở giữa thế kỷ này, giữa thời gạo châu, củi quế, giữa thời giá trị con người được đánh giá bằng áo quần, nhà cửa, vòng vàng, hột xoàn... Một tấm lòng để làm gì ? Sơn nhìn tôi, ngón tay lại đẩy cao gọng kính. “Sống trong đời ta luôn luôn phải sống với một tấm lòng, phải có một tấm lòng, dù không để làm gì cả, dù chỉ để... gió cuốn đi”. Tôi nhìn sững Sơn, không nhớ là bao lâu, nhưng chắc chắn là lâu lắm. Cứ ngồi nhìn anh, nhìn vầng trán mênh mông, cúi xuống thật thấp, ngón tay gẩy trên những sợi dây đàn. Chiều xuống lúc nào không hay, gió từ sông Hương thổi mạnh. Hình như trời muốn chuyển mưa. Hình như lòng tôi cũng đang chuyển động dữ dội. Một ánh sáng kỳ lạ nào đó vừa chiếu dội vào cõi u tối, ngu muội. Hình ảnh con nhỏ bụi đời lúc hàn vi chợt sừng sững trước mắt tôi. Cái ngõ tối lầy lội đường Phan Thanh Giản, cái nhà sàn cầu sắt Ða Kao. Những buổi chiều nằm trên đồi săn Ðà Lạt, khóc một mình. Tất cả chợt sống lại hay đúng hơn ở một lúc nào đó tôi đã chết. Và chiều nay bên dòng sông Hương êm đềm thơ mộng - vầng trán mênh mông, giọng nói dịu dàng, ánh mắt thăm thẳm bao dung, Sơn đã kéo tôi ra khỏi cái chết ngu xuẩn. Sông vẫn chảy đời sông, suối vẫn trôi đời suối, đời người cũng đã sống và hãy thả trôi đi những miền đau.

Hai mươi năm qua tôi đã sống như lời Sơn nói, như điều Sơn muốn. “Còn ai thấy được hay không điều đó không cần thiết. Chỉ cần Sơn không thất vọng là đủ rồi”

Những ngày tháng ở Huế, gần Sơn và gia đình. Ðó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của đời tôi. Sáng Ðông Ba, chiều Vĩ Dạ, tối họp nhau ở Cercle hay nhà anh chị Lễ, đàn hát, ngâm thơ. Sơn yêu thơ Nguyễn Bính, bắt tôi ngâm đi ngâm lại bốn câu:

“Mà sao giấc ngủ không dài
Mà đêm ngắn xuống mà trời cứ mưa
Ở đây tôi sống như thừa
Có thêm men rượu tạm vừa lòng nhau”.

Có bao giờ Sơn hiểu rằng dù rượu có hết mà sầu vẫn không vơi. Sơn ơi ! Huế ơi !

“Nỗi sầu cứ như tóc bạc, cứ cắt lại dài ra...”.

Khánh Ly
 
Back
Bên trên