Hội chọi trâu Đồ Sơn mỗi kỳ tổ chức đã thu hút hàng chục ngàn khách du lịch trong và ngoài nước về tham dự, tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo có một không hai trên cả nước. phải công nhận rằng ngoài công tác quảng bá ra thì việc xác định một ngày cụ thể và thường niên để tổ chức cọi trâu đã góp phần không nhỏ trong việc thu hút khách du lịch đến với Đồ Sơn.
Ai đã một lần đến Đồ Sơn thì không thể không biết câu ca:
Dù ai đi đâu, về đâu
Mùng chín tháng tám chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Mùng chín tháng tám thì về chọi trâu.
Tới thăm Hải Phòng vào mùa xuân du khách có thể tham dự lễ hội, thăm cả di tích lịch sử. Vào mùa hè, tham gia những chuyến du lịch và tham gia vui chơi giải trí tại bãi biển Đồ Sơn, hải đảo Cát Bà, vịnh Bái Tử Long và vịnh Hạ Long. Vào mùa thu, tham gia các hội chọi trâu và các hoạt động văn hóa dân gian. Vào mùa đông, có thể giải trí với thú vui leo núi, thăm hang động tại Cát Bà, Núi Voi. Người Hải Phòng sẽ làm hài lòng du khách với những món ăn đặc sản của biển và những cuộc du lịch vui vẻ trên biển cả mênh mông trong nắng ấm của miền nhiệt đới.
Lễ hội chọi trâu: Đây là lễ hội độc đáo và nổi tiếng của Đồ Sơn (Hải Phòng). Lễ hội diễn ra trong 2 ngày (từ 8 đến 9/8 âm lịch). Lễ nghi thật trang trọng, có lọng che, kiệu rước thần, phường bát âm... Mở đầu trận đấu là màn múa cờ tưng bừng của mấy chục nam nữ thanh niên khỏe. Sau tiếng loa từng cặp trâu vào sói chọi. Có nhiều cặp trâu thi đấu, chúng xông vào nhau, dùng sức mạnh để húc, để ghì, khóa sừng nhau. Con nào bỏ chạy là thua. Trâu thắng vào chung kết ngày mồng 9 tháng 8 âm lịch, trâu nào giành được giải nhất được rước về đình trong tiếng hò reo, hân hoan của cộng đồng. Trâu thắng hay trâu thua đều bị làm thịt để cúng thần và chia cho mọi người gọi là "lộc".
Múa rối cạn và múa rối nước: Múa rối là một loại hình nghệ thuật dân gian lâu đời của Hải Phòng. Tương truyền, phường múa rối cạn có tới 7 đời ở Bảo Hà, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo cách trung tâm Hải Phòng chừng 30 km (18.8 miles). Nghệ thuật múa rối Bảo Hà ngày một phát triển. Ngày nay khi biểu diễn đều kèm theo âm nhạc, lời nói và ca hát. Múa rối cạn đã mang tính chất sân khấu kịch hát.
Múa rối nước Nhân Hòa là một loại hình sân khấu rối kết hợp với thiên nhiên và lửa pháo. Con rối nước Nhân Hòa làm bằng gỗ sơn then, không mặc quần áo. Nơi biểu diễn rối nước thường là hồ ao. Ngày nay người ta tạo ra bể nước để có thể diễn rối nước trong rạp hát.
Hội đu xuân ở Thủy Nguyên: Hàng năm cứ vào dịp tết Nguyên Đán, nhiều nơi ở Thủy Nguyên thường tổ chức vui xuân bằng cây đu quen thuộc. Từ 28, 29 tháng chạp âm lịch, mỗi địa phương đều trồng từ một đến vài cây đu trên nhiều địa điểm khác nhau. Đánh đu là một cuộc đua tài, kích thích sự hoạt động và lòng dũng cảm của người chơi đu. Có đu một người, đu đôi, hai nam hay hai nữ. Nhưng hào hứng nhất cho người xem lẫn "đấu thủ" là đu đôi - một trai, một gái. Đây là trò chơi thể thao dân tộc có từ lâu, tuổi trẻ rất thích và đó cũng là dịp để trai gái gặp gỡ nhau thi tài, tìm hiểu...
Lễ hội xuống biển: Lễ hội được tổ chức tại làng chài Trân Châu (Cát Bà) từ ngày 4 đến ngày 6 tháng 1 (âm lịch) hàng năm. Sau khi làm lễ Thủy Thần, Long Vương, một hồi trống lệnh vang lên, hàng trăm trai tráng tay cầm chèo hò reo chạy tới thuyền của mình để kịp ra nhanh nhất nơi quy định. Một người chèo, một người tung lưới và gõ nhịp vào nơi mạng thuyền. Gõ càng mạnh, càng dồn dập, cá càng hoảng sợ chạy mắc vào lưới càng nhiều. Đến trưa nổ pháo lệnh thu quân. Mọi người khiêng cá của mình lên các sân đình để các bô lão chấm thi. Con cá ngon nhất được chọn nướng ngay trên đống lửa đỏ rực ở sân đình để tế thần, còn lại chia cho mọi người. Ai đánh được cá to nhất hoặc nhiều cá nhất được trao giải.
Hội đình Dư Hàng: Lễ hội diễn ra tại đình Dư Hàng, xã Dư Hàng Kênh, huyện An Hải vào ngày 18 tháng 2 âm lịch hàng năm. Lễ được tổ chức trang nghiêm có nhiều cuộc tế, rước lớn, rước thần vị sang các xã giao hiếu như Đông Khê, Hàng Kênh, Phụng Tháp. Trước sân đình có các trò đấu vật, đánh cờ, chọi gà, tổ tôm, ca trù, diễn chèo, hát chầu văn.
Hội đền Phò Mã (đền Dẹo): Đền Phò Mã thuộc thị trấn Núi Điền, huyện Thủy Nguyên, thờ danh tướng Lại Văn Thành là tướng giỏi của đời nhà Trần. Hàng năm, vào ngày 15 tháng 1 âm lịch, lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ công tích của danh tướng.
Hội Đền Nghè: Đền Nghè ở phố Lê Chân, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng, thờ Lê Chân - một tướng giỏi của Hai Bà Trưng. Lễ hội hàng năm được tổ chức từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 2 âm lịch ghi nhớ công tích của bà. Phần tế lễ có lễ rước (mũ, ấn) từ đền Nghè về đình, cỗ tế chay hoặc mặn. Có đấu vật, cờ tướng trong những ngày diễn ra lễ hội.
Hội đua thuyền rồng truyền thống trên biển (đảo Cát Hải): Đến ngày mồng 1 tháng 4 (dương lịch), hội đua thuyền rồng truyền thống lại được tổ chức. Đây là ngày vui đầu vụ cá ở vùng biển bắc bộ và cũng là dịp các đội thuyền tranh tài, đọ sức, tìm ra những tay chèo giỏi. Cuộc đua thuyền rồng rất hấp dẫn thu hút hàng vạn người tham dự.
Hội đền An Lư: Đền An Lư thuộc xã An Lư, huyện Thủy Nguyên, thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và An Sinh Vương Trần Liễu (thân phụ Trần Hưng Đạo). Hàng năm vào ngày 11-11 âm lịch lễ hội được tổ chức nhằm ghi nhớ công đức của người đã có công để đánh tan giặc Nguyên Mông cứu nước. Lễ dâng hương được tổ chức rất trang nghiêm. Sau phần lễ tế là phần hội với những trò vui như chơi đu, hát đúm nam nữ, chọi gà, cờ tướng.
----------
http://www.nhanmonquan.net/vbulletin/showthread.php?t=2347