Hồ Dzếnh

Nguyễn Hoàng Linh
(Hoang Linh Nguyen)

Điều hành viên
Lâu lâu cũng ít ai nhắc đến Hồ Dzếnh nên gửi 1 bài viết cũ...

L.

=============

Hồ Dzếnh

Trong năm 2006 nhiều biến động này, ít người nhớ tới kỷ niệm 90 năm ngày sinh và 15 năm ngày mất của một nhà văn, một nhà thơ tiền chiến nổi tiếng, đã để lại nhiều tác phẩm trong trẻo, đẹp và buồn, nhưng cả đời sống lặng lẽ và ra đi trong cảnh bị quên lãng. Ấy là thi sĩ Hồ Dzếnh.

Hồ Dzếnh, tên thật là Hà Triệu Anh, sinh năm 1916 tại tỉnh Thanh Hóa, Bắc Việt. Cha ông là người Hoa, từ Quảng Đông di cư sang Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX. Mẹ ông là một phụ nữ Việt Nam tần tảo cả đời với chồng con.

Thuở nhỏ, Hồ Dzếnh sống với gia đình ở quê, rồi lên Hà Nội theo học bậc Trung học, vừa học vừa kiếm sống bằng nghề gia sư và làm công ở các hiệu buôn người Hoa. Ông làm thơ, viết báo rất sớm, từ năm 15 tuổi, thường lấy bút danh Lưu Thị Hạnh. Năm 1937, thơ và truyện ngắn của Hồ Dzếnh đã đăng trên các báo lớn thời bấy giờ như "Trung Bắc Chủ nhật", "Tiểu thuyết thứ Bảy"..., khiến ông trở thành một cây bút tiền chiến nổi tiếng.

Tuy nhiên, biến cố 1945 đã khiến sự nghiệp văn chương của Hồ Dzếnh bị đứt đoạn. Năm 1946, ông tản cư từ Phát Diệm về Thanh Hóa, cưới vợ (bà Huyền Nhân), rồi dắt díu nhau lên khai phá miền sơn cước, vẫn sống không nổi, lại kéo nhau về đồng bằng. Tại đây, năm 1949, ông có đứa con thứ hai và tiếp tục sinh sống trong cảnh bần hàn cho đến năm 1953. Khi đó, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, vợ mất, con nhỏ, ông về lại Hà Nội và sau đó làm phóng viên báo "Thần Chung" ở Sài Gòn trong hai năm 1953-1954. Rồi ông tục huyền với bà Hồng Nhật và trở lại Hà Nội viết báo, làm thơ trước biến cố 1954, khi đất nước phân ly, các gia đình ly tán.

Mặc dù là hội viên sáng lập Hội Nhà văn từ năm 1957, rồi ủy viên Ban Chấp Hành Hội Liên hiệp Văn Học Nghệ thuật miền Bắc, nhưng trong thực tế, không bao giờ ông tham gia và kèn cựa trong những hiệp hội văn nghệ có liên quan đến chính quyền, nên Hồ Dzếnh chưa bao giờ được tin cậy và sủng ái. Cũng có người cho rằng, trong thời kỳ ở Khu Bốn, Hồ Dzếnh có viết bài "Nhớ Nguyễn Sơn" để tưởng niệm một vị tướng bộ đội yêu văn nghệ và có lòng ưu ái với văn nghệ sĩ, không ngờ lại trùng tựa đề với một bài tưởng nhớ ướng Nguyễn Sơn của nhóm Nhân văn Giai phẩm, nên ông bị quy chụp thành một thi sĩ "có vấn đề", luôn bị nghi hoặc và trù úm. Rất nhiều năm, ông phải "tự nguyện" làm thợ đúc thép và làm việc lặng lẽ tại nhà máy cơ khí Gia Lâm, khiến không mấy ai còn biết, người thợ ấy chính là tác giả những cuốn "Chân trời cũ" và "Quê ngoại", lừng danh đầu thập niên 40, của những vần thơ đằm thắm về tình yêu, tình mẫu tử và về người con gái Việt Nam nơi quê ngoại của ông.

Từ năm 1955 trở đi, các tác phẩm của ông không hề được in ấn và xuất bản ở miền Bắc, và phải đợi hơn 30 năm, ít năm trước ngày qua đời, nhiều thế hệ thanh niên miền Bắc trưởng thành sau 1945 mới được biết lại tên tuổi Hồ Dzếnh, qua "Tuyển tập" văn chương của ông, in năm 1988. Ở miền Nam, thời gian mấy chục năm đất nước bị chia cắt, tên tuổi Hồ Dzếnh vẫn sống trong lòng một số bậc cao niên, ưa thích dòng thơ văn tiền chiến. Đặc biệt, đầu năm 1973, một giai phẩm mang tên "Hồ Dzếnh trong dòng thơ tiền chiến" đã được tạp chí "Văn" ấn hành. Hai năm sau khi mất, năm 1993, phần di cảo của Hồ Dzếnh được chào đời tại hải ngoại do sự cố gắng của những người thân: tập thơ "Quê ngoại II" (hay "Tiếng hát thiên nga") và hồi ký "Quyển truyện không tên". Đặc biệt, "Quyển truyện không tên", những dòng hồi tưởng mà thi sĩ chỉ nhằm "để lại cho con", chứ không nhằm đăng tải, nói về 4 năm bi thảm nhất của ông với người vợ thứ nhất, bà Huyền Nhân, trong đó hàm chứa nhiều chi tiết "nói thẳng, nói thật", là một tư liệu quý cho đời sau khi muốn tìm hiểu về Hồ Dzếnh và thời đại ông sống.

*

Nói về các tác phẩm của Hồ Dzếnh, là một người con của hai dân tộc, sự pha trộn của hai dòng máu chi phối rất nhiều trong sáng tác của tác giả, đặc biệt là trong tập thơ "Quê ngoại" với cảm xúc êm đềm, tinh khôi, trong sáng và đằm thắm dành riêng cho "quê ngoại" Việt Nam thân thương của ông. Đặc biệt là những vần thơ ca ngợi người con gái Việt Nam mà đến nay nhiều người vẫn nhớ, qua hình ảnh thân mẫu tác giả, cả đời tận tuỵ và hy sinh cho chồng con, với cảm xúc chân thành và cảm động (như bài "Cô gái Việt Nam", hay "Cảm xúc"):

Cô gái Việt Nam ơi!
Từ thuở sơ sinh lận đận rồi,
Tôi biết tình cô u uất lắm,
Xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi.

Cô chẳng bao giờ biết bướm hoa,
Má hồng mỗi tiết mỗi phôi pha,
Khi cô vui thú, là khi đã
Bồng bế con thơ, đón tuổi già.

Cô gái Việt Nam ơi!
Ngọn gió thời gian đổi hướng rồi,
Thế hệ huy hoàng không đủ xóa
Nghìn năm vằng vặc ánh trăng soi.

Tôi đến đây tìm lại bóng cô,
Trở về đường cũ, hái mơ xưa,
Rau sam vẫn mọc chân rào trước,
Son sắt, lòng cô vẫn đợi chờ.

Dãi lúa cô trồng nay đã tươi,
Gió xuân ý nhị vít bông cười...
Ai hay lòng kẻ từng chăm lúa,
Trong một làng con, đã héo rồi !

Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ hy sinh có ở đời,
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.

("Cô gái Việt Nam", hay "Cảm xúc")

Do hoàn cảnh, Hồ Dzếnh sáng tác không thật nhiều, nhưng có không ít vần thơ của ông đã đọng lại trong tâm trí người yêu văn nghệ, mà giờ hỏi lại, không phải ai cũng biết đó là của ông. Vì nó đã đi vào tâm thức của mỗi người một cách rất tự nhiên, dễ dàng:

Giếng vàng, ánh ngọc nghìn xưa,
Giở trang sách cũ, hương thừa còn bay.
Mà sao người đó ta đây,
Tình duyên phảng phất như ngày đã xa.
Người về, ta mới nhớ ra
Yêu là thế ấy, mơ là thế thôi.
Người về ta mới nhớ ra
Yêu là thế ấy, mơ là thế thôi

("Phong Châu")

Trời không nắng cũng không mưa,
Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung

("Mùa thu năm ngoái")

Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi!
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé,
Tôi sẽ trách - cố nhiên - nhưng rất nhẹ;
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về,
Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở.
Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ,
Cho nghìn sau... lơ lửng... với nghìn xưa...

("Ngập ngừng")

Thơ của Hồ Dzếnh tràn đầy nhạc tính nên không có gì khó hiểu khi ý thơ của ông đã được đưa vào nhiều ca khúc, chẳng hạn, của Nhật Trường Trần Thiện Thanh trong "Chuyện hẹn hò" và "Bảy ngày đợi mong". Đặc biệt, một sáng tác lớn của Hồ Dzếnh, quy tụ đầy đủ chất lãng mạng, nghệ sĩ tính của tác giả, đã được nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phổ nhạc toàn bộ từ thập niên đầu của nền Tân nhạc Việt Nam. Ấy là bài "Chiều", hay còn có tên khác là "Màu cây trong khói":

Trên đường về nhớ đầy...
Chiều chậm đưa chân ngày,
Tiếng buồn vang trong mây...

Chim rừng quên cất cánh,
Gió say tình ngây ngây,
Có phải sầu vạn cổ
Chất trong hồn chiều nay?

Tôi là người lữ khách,
Màu chiều khó làm khuây,
Ngỡ lòng mình là Rừng,
Ngỡ hồn mình là Mây,
Nhớ nhà châm điếu thuốc,
Khói xanh bay lên cây...
(1)

Cạnh những vần thơ đã khiến ông nổi tiếng, Hồ Dzếnh còn là một nhà văn với những truyện ngắn man mác, nhè nhẹ và đẹp, trong sáng đến mức có thể đưa vào sách giáo khoa về văn phạm Việt Nam. Hồ Dzếnh thường chỉ kể, chỉ thuật lại sự việc một cách giản dị, không màu mè, hoa hòe hoa sói, nhưng chất thơ và cảm xúc trần ngập trong mỗi câu văn của ông đã khiến một số đoạn văn của ông trở thành một hình mẫu trong văn chương tiền chiến. Chẳng hạn, như trích đoạn tiểu biểu sau đây, được rút từ truyện ngắn "Ngày gặp gỡ" (1944), kể lại câu chuyện cha của thi sĩ, một lữ khách giang hồ Hoa kiều, gặp một cô lái đò, sau trở thành thân mẫu của ông, bên bờ sông Ghép (Thanh Hóa):

"Đêm ấy là đêm đầu tiên trong cuộc đời giang hồ, người lữ khách đặt lưng trên chiếc giường tre ẽo ợt, giữa những tiếng và hình ảnh khác hẳn với những cái quen biết ở quê hương.

Mái nhà tranh lợp sơ sài, để chảy xuống mặt khách một dòng ánh trăng hạ tuần, và ngừng lại ở đấy thành những đồng hào mới long lanh.

Gió thổi trong vườn cau, xào xạc.

Tịch mịch dễ làm đuối lòng người. Lữ khách lúc này, đã thấy chết chí phiêu lưu, bôn tẩu, để cảm khái trong niềm thương nhớ, trong giây phút chạnh lòng tưởng đến một mảnh đất xa xôi.

Lữ khách ngạc nhiên ghé tai vào cõi yên lặng, cái yên lặng mênh mông và u uất, không bị phá bởi một tiếng súng bắn cướp nào như ở quê hương.

Mấy tiếng tù và khuya rúc lên, bay vào gian nhà vắng. Lắng biết mọi người đã ngủ yên cả, vị thần tử của giang sơn Trung Quốc vắt chân chữ ngũ, khe khẽ ngâm một bài thơ cổ, qua nỗi xúc động đột nhiên tụ lại trong người:

"Uỵt lọc, vú thày sướng mủn thín,
Coóng phống, dì phổ, tui sảo mình,
Cú chấu sèng ngồi Hồn Sán sì,
Dề phun, chống séng tâu hạc sìn" (2)

(Nguyệt lạc, ô đề sương mãn thiên
Giang phong, ngư hỏa, đối sầu miên,
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự,
Dạ bán, chung thanh đáo khách thuyền...)

Ngay lúc ấy, từ gian buồng bên nổi lên mấy tiếng gì như chuột rúc. Lữ khách thấy đứt mạch cảm hứng, càu nhàu trong bóng tối:

- Ấy dà! Cầm tổ xỉ a! (Chà! Lắm chuột thế!)

Nhưng đó không phải là tiếng chuột rúc. Đó là tiếng người con gái chở đò ban tối cười qua hai làn môi kín đáo khép lại
".

Xin được lấy đoạn cuối của truyện ngắn "Ngày gặp gỡ", tinh tế và mẫn cảm, để kết thúc những dòng tản mạn kỷ niệm 90 năm ngày sinh và 15 năm ngày mất của Hồ Dzếnh, một tên tuổi văn chương Việt Nam đầu thế kỷ XX!

(1) Theo bản in đầu tiên trong "Quê ngoại" năm 1942. Trong những lần tái bản về sau, bài thơ được đổi tên là "Chiều" và câu cuối được đổi thành: "Khói huyền bay lên cây..."

(2) Bài "Phong Kiều dạ bạc" (Đỗ thuyền đêm ở bến Phong Kiều) rất nổi tiếng của Trương Kế đời nhà Đường. Bản dịch của Tản Đà được ưa chuộng nhất:

Trăng tà chiếc quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.


L.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Truyện của Hồ Dzếnh đọc nhẹ nhàng, buồn, tớ thích truyện của tác giả này lắm, nhà tớ có một quyển rất cũ, từ thời ông bà tớ cơ, hay lắm, giờ đọc lại cũng vẫn hay^^
 
em chưa có thời gian đọc nhiều về văn học "ngoài luồng", nhưng nghe tên ông này khá nhiều rồi , có phải đây là ông mà
"tình chỉ đẹp khi còn dang dở " ?
(sau đó , người ta chế thêm một câu nữa cho đẹp là "Lấy nhau về nham nhở lắm em ơi ! " ^^)
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Mẫu đơn nở giữa hai lời nguyện
Phảng phất còn thơm đến bây giờ
???
 
Back
Bên trên