Hà nội phố (trích)

Hoàng Nhật Minh
(isis)

New Member
Hà nội phố (trích) - Phan Vũ.
Gửi những người Hà nội đi xa...

Chương một

1.
Em ơi ! Hà Nội - phố !
Ta còn em mùi hoàng lan
Còn em hoa sữa.
Tiếng giày gọi đường khuya
Thang gác cọt kẹt thời gian
Thân gỗ ...
Ta còn em màu xanh thật đêm
Ngôi sao lẻ
Xào xạc chùm cây gió
Chiếc lá lạc vào căn xép nhỏ
Lá thư quên địa chỉ.
Quay về ...

2.

Ta còn em một gốc cây
Một cột đèn
Ai đó chờ ai ?
Tóc cắt ngang
Xõa xõa bờ vai ...
Ta còn em ngã ba nào ?
Chiếc khăn quàng tím đỏ,
Khuôn mặt chưa quen
Bỗng xôn xao nỗi khổ !
Góc phố ấy mở đầu
Trang tình sử ! ...

3.

Ta còn em con đường vắng
Rì rào cơn lốc nhỏ
Gót chân ai qua mùa lá đổ ?
Nhà thờ Cửa Bắc,
Chiều tan lễ,
Chuông nguyện còn mãi ngân nga ...

Chương hai
6.
Ta còn em khúc tự tình ca
Đôi chim khuyên gọi nhau
Trong bụi cỏ
Đôi guốc bỏ quên bên ghế đá,
Tiếng ve ra rả mùa hè ...
Còn em đường cũ Cổ Ngư
La đà,
Cành phượng vĩ.
Hoàng hôn xa đến tự bao giờ,
Nắng chiều phai trên sóng Tây Hồ.
Những bước chân tìm nhau
Rất vội,
Tiếng thì thầm sớm hôm buổi tối,
Cuộc tình hờ
Bỗng chốc
Nghiêm trang ...

Chương ba
9.
Ta còn em đường lượn mái cong
Ngôi chùa cũ,
Tháng năm buồn lệch xô ngói âm dương
Ai đó ngồi bên gốc đại,
Chợt quên ai kia
Đứng đợi bên đường.

Chương bốn
10.
Em ơi ! Hà Nội - phố !
Ta còn em đám mây in bóng rồng bay
Cổng đền Quan Thánh
Cờ đuôi nheo ngũ sắc
Còn em dãy bia đá
Nhân hình hội tụ
Rêu phong gìn giữ nét tài hoa ...

(...)

Ta còn em tiếng trống tan trường
Áo thanh thiên điệp màu liễu rủ.
Đôi guốc cao mài mòn đại lộ,
Một ngả nào lưu dấu gót tài hoa.
Còn em mãi mãi dáng kiêu sa
Lặng lẽ theo em về phố ...

11.

Ta còn em những ánh sao sa,
Tia hồi quang
Chớp chớp trên đường
Toa xe điện cuối ngày,
Áo bành tô cũ nát ...
Lanh canh ! Lanh canh !
Tiếng hàng ngày hay hồi âm
Thuở chiềng khua ? ...
Ta còn em ngọn đèn khuya
Vùng sáng nhỏ
Bà quán mải mê câu chuyện
Nàng Kiều
Rượu làng Vân lung linh men ngọt
Mắt cô nàng lúng liếng, đong đưa
Những chàng trai say suốt mùa ...

Chương năm
13.
Ta còn em cánh cửa sắt
Lâu ngày không mở.
Nhà ai ?
Qua đó.
Bâng khuâng nhớ tuổi học trò
Còn em giàn thiên lý chết khô,
Cỏ mọc hoang trong vườn nắng,
Còn em tiếng ghi-ta
Bập bùng
Tự sự
Châm lửa điếu thuốc cuối cùng
Xập xòa
Kỷ niệm.
Đêm Kinh Kỳ thuở ấy,
Xanh lơ ...

17.

Ta còn em chiếc lá bàng đầu tiên
Nhuộm đỏ
Cô gái gặp nắng hanh.
Chợt hồng đôi má
Cơn mưa nào đi nhanh qua phố
Một chút xanh hơn
Trời Hà nội hôm qua ...
Ta còn em cô hàng hoa
Gánh mùa thu
Qua cổng chợ
Những chùm hoa tím
Ngát
Mùa thu ...

Chương sáu
18.
Em ơi ! Hà Nội - phố !
Ta còn em một màu xanh thời gian
Chợt nhòe,
Chợt hiện
Chợt lung linh ngọn nến,
Chợt mong manh
Một dáng
Một hình

20.

Ta còn em một phút mê cuồng
Người nghệ sĩ lang thang hè phố
Bơ vơ
Không nhớ nổi con đường.
Ngay trước cổng nhà mẹ cha
Còn em một bóng chiều sa
Những câu thơ, những bức tranh
Đời đời
Lỡ dở ...

Chương bảy
21.
Em ơi ! Hà Nội - phố !
Ta còn em những giọt sương
Nhòa nhòa bóng điện
Mặt nước Hồ Gươm
Một đêm trở lạnh.
Cánh nhạn chao nghiêng
Chiều cuối,
Giã từ...

23.

Em ơi ! Hà Nội - phố !
Ta còn em cánh tay trần
Mở cửa
Mùa Xuân trong khung :
Giò phong lan
Điệp vàng rực rỡ
Từng cây khô óng ả sợi tơ hồng
Đường phố dài
Chi chít chồi sinh
Màu ước vọng in hình
Xanh nõn lá ...
Ta còn em,
Hà Nội - phố, em ơi !
Ta còn em,
Em ơi ! Hà Nội, phố ...

Tháng Chạp, 1972
PHAN VŨ
 
Hoàng Nhật Minh đã viết:
9.
Ta còn em đường lượn mái cong
Ngôi chùa cũ,
Tháng năm buồn lệch xô ngói âm dương
Ai đó ngồi bên gốc đại,
Chợt quên ai kia
Đứng đợi bên đường.



Hay quá ạ !!!
 
Chỉnh sửa lần cuối:
EM không hiểu tại sao bài thơ lại chia ra làm các chương, ai có thể giải thích dùm được ko ?
 
Trần Chí Trung đã viết:
EM không hiểu tại sao bài thơ lại chia ra làm các chương, ai có thể giải thích dùm được ko ?

Anh cũng không rõ lắm. Có lẽ các chương nói về những khoảnh khắc Hà nội khác nhau. Chẳng hạn chương một gợi lên hình ảnh đêm thu Hà nội thanh bình. Hình ảnh một người đứng một mình trong góc phố khuya để cảm nhận đêm Hà nội, "Ngôi sao lẻ", "Con đường vắng", "Chuông nguyện còn mãi ngân nga"... Chương hai lại là những ngày hè Hà nội, những buổi chiều cùng nhau bên góc Hồ Tây. Chương ba là khoảnh khắc một chiều cuối hè. Chương bốn lại là ngày thu Hà nội với những cảnh đón đợi giờ tan trường, rồi cảnh cùng ăn quà tối trong khu phố cổ ;). Và chương năm là những ngày gần cuối thu với nắng hanh làm đỏ lá bàng và nhuộm hồng má người thiếu nữ. Chương sáu là những đêm đông một mình lang thang bên phố vắng. Chương bảy về buổi sáng cuối đông mờ sương lạnh, và mùa xuân đẩy cửa quay về :D

Anh thì anh cảm thấy như thế không biết có đúng ý tác giả hay không. Tuy nhiên, dù phân ra nhiều chương, nhưng bài thơ như không có sự khác biệt giữa các chương. Tất cả là cảm xúc của tác giả về phố và người Hà Nội. Ba chữ "Ta còn em" được lặp nhiều lần, mở đầu cho nhiều khổ thơ. Đại từ "em" phải chăng có thể hiểu là phố Hà Nội, là người con gái nào đó ẩn hiện suốt bài thơ ? Tác giả, người ở lại trong thành phố bom rơi, như đã hóa thân. Ta còn em ... vì không muốn mất và không mất...
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bài thơ này đúng là 1 tuyệt tác, Phú Quang viết "em ơi Hà Nội Phú" cũng là 1 tuyệt tác.
Nhưng em cảm thấy rằng, có 1 sự khác biệt giữa thơ và nhạc.

Bài thơ của Phan Vũ viết về Hà Nội trong cái nhìn, cái cảm lắng xuống, chậm rãi, nhẹ nhàng và êm ắng, mang thi vị như một buổi chiều đông se se lạnh rất đặc trưng của Hà Nội. Khi đọc, thấy vợi buồn, ước lệ nhớ về quá khứ một thời.

Còn bài hát của nhạc sĩ Phú Quang thì có sự trầm lắng, nhưng ngay cạnh đó lại có đoạn cất lên cao vút (ta còn em , một màu xanh thời gian...) vừa gợi buồn, gợi nhớ mà hình như còn chứa đựng trong đó một khát khao mãnh liệt.

Em biết đến bài hát trước rồi mãi sau đó mới mò ra bản thơ, thật sự cảm nhận thấy có sự khác nhau khá rõ ràng như vậy ko biết có đúng ko nữa.
Không biết từ trước đến nay ai hát bài "em ơi Hà Nội phố" hay nhất nhỉ ? Em đã nghe nhiều ca sĩ hát như Mỹ Linh, Cẩm Vân .... thậm chí cả ca sĩ hải ngoại Khánh Ly rồi, nhưng thực sự chưa thấy thỏa mãn vì dường như họ chưa thể hiện được hết cái hồn của bài hát, đoạn cao trào, lúc trầm lắng ... như mình đòi hỏi và tưởng tượng về bài hát này. Có lẽ là do em biết đến bài hát từ một quyển lyrics, như vậy mình bị "ấn tượng hóa, tưởng tượng hóa" nó quá chăng ? Rốt cục vừa gần đây nghe Hồng Nhung hát trong đĩa " Ngày ko mưa" thì phải, em mới có chút cảm thấy được "thỏa mãn" cái "mình đòi hỏi" ở bài hát này.

Chỉ tiếc là ko có dịp gặp nhạc sĩ Phú Quang để hỏi chuyện về một tuyệt tác.
 
Bắt tay em Trung cái ;), đúng là Hồng Nhung hát bài này hay nhất ( theo chị). <<<Nghe Hồng Nhung hát Em ơi Hà Nội Phố từ hồi sân khấu ca nhạc còn chưa được tưng bừng như bây giờ, cái hồi người ta chỉ đứng im một chỗ để hát mà không nhún nhảy ấy, nhưng thích từ hồi ấy rồi. Hồng Nhung hát về Hà nội bài nào cũng hay, eg: Có phải em là mùa thu Hà Nội, Mong về Hà Nội, Nhớ mùa thu Hà Nội, Đoản khúc thu Hà Nội, Nhớ về Hà Nội..., Cẩm Vân không bằng được.
Chỉ là ý kiến của riêng mình thôi, là nhạc thì chạy thẳng vào tim, còn thơ thì cho mình thời gian suy nghĩ nhiều hơn, chiêm nghiệm hơn giống kiểu đọc lại nhật kí cũ ;). Thích cái gì hơn thì còn tùy từng người.
 
Trước hết cảm ơn anh Minh đã moi được một bài độc thế này , thực sự là em cũng tìm mỏi mắt mà không sao moi được cả . Lý do thì cũng đơn giản thôi quá ấn tượng với tuyệt phẩm của Phú Quang . Kể cũng lạ , nghe nhạc rồi mới lần đến thơ . Cái sợi dây mơ hồ giữa thơ và nhạc nhiều khi khiến người ta mụ mị đi tìm .
Không hiểu sao khi nghe " Em ơi Hà Nội phố " , em luôn phải đặt chế độ replay , nghe đi nghe lại . Nhiều khi cả buổi tối , tắt đèn , ngồi co ro cũng chỉ để nghe mỗi cái da diết này đến hàng chục lần . Mỗi lần nghe ,lại nhớ đến một cái gì đó đã mất , giờ xa xôi lắm ....
Phú Quang hay phổ nhạc cho những bài thơ , có lần anh gần như lấy nguyên cả bài , như Khúc mưa chẳng hạn , lại có lần như Em ơi ! Hà nội phố , anh chắt lọc . Theo em đó là sự chắt lọc tinh tế . Những hình ảnh được Phú Quang chọn lựa đều rất ám ảnh , nỗi ám ảnh của những đứa con tha hương về Hà Nội . Hơn hết , nó quện được vào cái giai điệu da diết đến nao lòng của ca khúc , khiến cho bài ca dễ đi vào lòng người hơn . Hà Nội phố của Phan Vũ vẫn có những đoạn tươi rói đầy màu sắc như chương 4 :
"Ta còn em mây in bóng rồng bay
Cổng đền Quán Thánh
Cờ đuôi nheo ngũ sắc
...
Áo thanh niên điệp màu liễu rủ "
Còn Phú Quang , anh chọn điểm nhấn là những gam màu cổ kính , bàng bạc , có chút gì đó vô thực , mờ ảo . Đó chính là Hà Nội trong trái tim những " người muôn năm cũ " , phải chăng ?

Nói vế hai nghệ sĩ được coi là thể hiện thành công nhất ca khúc này , Hồng Nhung và Cẩm Vân . Khác với Trung và chị Linh , tôi bỏ phiếu cho Cẩm Vân . Phải công nhận là về khoản phối khí , bài của Nhung ăn đứt , bởi chị đã chọn piano với phần nhạc dạo không chê vào đâu được . Cẩm Vân thì theo "tông" ghita không được ấn tượng cho lắm . Nhưng không hiểu sao tôi vẫn thích nghe Cẩm Vân hát hơn . Giọng của chị không mượt , có chút gì đó khô ráp , nhưng đó mới chính là cái quan trọng nhất để thể hiện ca khúc này . Da diết và ám ảnh .
Không thể phủ nhận Hồng Nhung là ca sĩ thể hiện thành công nhất những ca khúc viết về Hà Nội , cũng là bởi vì Bống có dòng máu Hà Thành chảy trong tim , nhưng với Em ơi hà Nội phố , có lẽ Bống nên một lần nhường cái vinh dự ấy cho Cẩm Vân !
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Em ơi !Hà Nội phố
Ta còn em mùi hoàng lan
Ta còn em mùi hoa sữa
Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ
Ai đó chờ ai
Tóc xõa vai mềm...

Ta còn em
Cây bàng mồ côi mùa đông
Ta còn em
Góc phố mồ côi mùa đông
Mảnh trăng mồ côi mùa đông
Mùa đông năm ấy
Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ
Tan lễ chiều , sao còn vọng tiếng chuông ngân ?

Ta còn em
Hàng phố cũ rêu phong
Và từng mái ngói xô nghiêng
Nao nao kỉ niệm
Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố
Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường

Ta còn em
Một màu xanh thời gian
Từng chiều phai tóc em bay
Chợt nhòa , chợt hiện
Chiều hồ Tây , lao xao hoài con sóng
Chợt hoàng hôn về từ bao giờ

Em ơi ! Hà Nội phố
Ta còn em mùi hoàng lan
Ta còn em mùi hoa sữa
Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ
Ai đó chờ ai
Tóc xõa vai mềm...

-Phú Quang-
 
Back
Bên trên