Good news about ATM cards/ credit cards in VIETNAM

Le Bach Duong
(jen2k)

New Member
Incombank sắp tung ra thẻ vàng dành cho khách VIP; VCB đang chờ thủ tục để triển khai bán thẻ viễn thông trả trước trên ATM; Nông nghiệp mở thầu mua hệ thống phát hành thẻ hiện đại bậc nhất Việt Nam. Các nhà băng đang tìm mọi cách chiếm giữ thị trường non trẻ nhưng đầy tiềm năng này.

Cả nước hiện có gần 20 ngân hàng tham gia làm đại lý phát hành thẻ quốc tế VisaCard, MasterCard, JCB… và một số lượng tương tự các đơn vị phát hành thẻ nội địa. Đi đầu trong hoạt động này phải kể tới VCB. Sau hơn 10 năm khai phá thị trường, ngân hàng này đang đứng đầu về các dịch vụ tiện ích kèm theo thẻ, về doanh số thanh toán, lượng khách hàng sử dụng. Sự ra đời của sản phẩm Connect 24 (thẻ thanh toán điện tử - ATM) vào tháng 5/2002 là một cú hích giúp VCB có thêm nhiều tài khoản cá nhân mới mở tại ngân hàng. Tính đến thời điểm này, VCB đang chiếm trên dưới 40% thị phần, với hơn 200.000 tài khoản cá nhân và 200 máy ATM lắp đặt trên toàn quốc. Riêng năm ngoái, VCB phát hành được hơn 136.100 thẻ, trong đó thẻ Connect 24 là 125.000 thẻ. Doanh số thanh toán thẻ tín dụng quốc tế đạt 114,7 triệu USD còn doanh số sử dụng thẻ Connect 24 đạt trên 2.500 tỷ đồng.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (VBARD) là đơn vị tham gia thị trường thẻ muộn nhất so với 3 ngân hàng thương mại quốc doanh còn lại. Tuy nhiên, sau hơn 5 tháng triển khai dịch vụ, hiện VBARD đã có trong tay 52 máy ATM và gần 60.000 khách hàng sử dụng thẻ, trung bình số dư trong tài khoản luôn đạt khoảng 4-5 triệu đồng. Giám đốc Trung tâm Thẻ Nguyễn Minh Phương cho biết, VBARD đang có tham vọng nâng tổng số máy lắp đặt lên con số 400 và số thẻ phát hành là 250.000 ngay trong năm nay.

Không chỉ chạy đua về số lượng thẻ phát hành và máy ATM, các nhà băng cũng đang dốc sức gia tăng tiện ích cho dịch vụ thanh toán thẻ hiện hành. Từ tháng 8 năm ngoái, bên cạnh các dịch vụ thông thường như rút tiền, vấn tin tài khoản, sao kê số dư…. VCB đã đưa thêm dịch vụ thanh toán tiền điện, nước và nộp phí bảo hiểm qua ATM. Trưởng phòng Quản lý thẻ Nguyễn Tú Anh cho biết, VCB đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để có thể triển khai chương trình bán thẻ viễn thông trả trước qua ATM ngay trong tháng 3. Về phần mình, VBARD cũng đang thương thảo với Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) để có thể bán thẻ trả trước trên ATM ngay trong quý II tới. Riêng Đông Á, tuy là ngân hàng cổ phần song cũng mạnh dạn đầu tư mua máy và triển khai dịch vụ gửi tiền qua ATM đầu tiên ở Việt Nam.

“Thanh toán thẻ là mảng thị trường có tiềm năng phát triển, song các ngân hàng mới chỉ khai phá được một phần rất nhỏ. Chiến lược phát triển của VCB là sẽ tập trung phát triển mảng thị trường bán lẻ, trong đó dịch vụ thẻ nói chung. Từng bước, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển nhiều sản phẩm và dịch vụ mới”, bà Tú Anh tiết lộ.

Ông Nguyễn Minh Phương cũng chung quan điểm này. Theo ông, chi phí đầu vào cho mảng dịch vụ này rất thấp, nguồn vốn tuy nhỏ lẻ song ổn định và lãi suất thấp (không kỳ hạn). Bên cạnh đó, phí phát hành thẻ, sử dụng dịch vụ cũng là nguồn thu không nhỏ giúp doanh thu từ thẻ thanh toán chiếm vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động của mỗi ngân hàng. “Thị trường thẻ Việt Nam còn non trẻ song thời gian tới sẽ cạnh tranh rất khốc liệt. Tất cả các ngân hàng đều đang quan tâm và đầu tư lớn tới mảng này”, ông Phương nhận định. Ông cho biết thêm, VBARD đang gọi thầu mua thiết bị để nâng cấp hệ thống phát hành thẻ thanh toán với mục tiêu một ngày nào đó đuổi kịp VCB.

Theo giới chuyên môn, xu hướng tập trung phát triển thị trường bán lẻ cho thấy sự thay đổi lớn trong quan niệm kinh doanh của các nhà băng. Thay vì chỉ ưu ái cho các dự án đầu tư, các khoản vay lớn như trước đây, ngân hàng đã hướng sự quan tâm tới khối dân cư nhiều hơn, đánh giá cao hơn các khoản vay nhỏ lẻ. “Phải thừa nhận là thị trường bán lẻ tuy nhỏ bé nhưng ổn định và ít rủi ro. Chỉ cần một vụ Epco Minh Phụng có thể khiến cả ngân hàng lao đao. Nhưng rủi ro trong các khoản vay và cho vay ở khối dân cư rất ít và được chia đều cho các cá nhân”, bà Tú Anh phân tích.

Tuy nhiên, có một thực tế là phạm vi sử dụng thẻ hiện còn hẹp, chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM trong các tầng lớp dân cư từ trung lưu trở lên hoặc người nước ngoài công tác, du lịch tại Việt Nam. Các ngân hàng đa số vẫn mạnh ai nấy làm, chưa chia xẻ cơ sở hạ tầng (máy móc, thiết bị cho nhau) và chưa kết nối mạng với nhau nên không thể làm đại lý thanh toán cho nhau. Dự án BankNet nhằm kết nối hệ thống thanh toán điện tử của các ngân hàng thương mại đã khởi động từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn tất do những trục trặc về thủ tục và một vài lý do tế nhị khác nảy sinh trong nội bộ các đơn vị thành viên. Trong khi đó, VCB và một vài ngân hàng thương mại cổ phần đang tìm cách bắt tay nhau, song những hợp tác đó mới giới hạn ở quan hệ song phương và mang tính cục bộ. Và kết quả là các đơn vị vẫn đua nhau bỏ tiền lắp đặt thêm máy ATM, trong khi lượng khách hàng mới tăng thêm chẳng đáng là bao.

Bên cạnh đó, trình độ công nghệ trong thanh toán ngân hàng còn lạc hậu, đường truyền vẫn lệ thuộc vào bưu điện và thường xuyên xảy ra sự cố. “Những máy lắp đặt ngay tại ngân hàng còn đỡ, nhưng nếu đặt tại các điểm công cộng như nhà hàng, siêu thị thì xảy ra sự cố nhiều hơn do không được kết nối trực tiếp mà phải sử dụng qua được điện thoại”, cán bộ phụ trách trung tâm thẻ thanh toán của một ngân hàng thương mại thừa nhận. Theo ông, tính bảo mật trong thanh toán điện tử cũng là một vấn đề cần cân nhắc, bởi hệ thống ATM hiện tại mới chỉ thực hiện cho thẻ từ, không đảm bảo an toàn tuyệt đối về tài sản cho khách hàng. Trong khi các ngân hàng trên thế giới đã bắt đầu sử dụng chip điện tử cho thẻ thanh toán.

Song Linh
http://vnexpress.net
 
Back
Bên trên