Giai thoại văn nghệ sĩ Việt Nam

Nguyễn Hoàng Linh
(Hoang Linh Nguyen)

Điều hành viên
Mở topic này để gửi loạt giai thoại về các văn nghệ sĩ Việt Nam nhé, mọi người tham gia!

Mỗi ngày mình sẽ gửi 2-3 mẩu.

L.

***

1- CHÂM NGÔN ĐỌC VÀ SUY NGHĨ

Nhà thơ Thanh Tịnh là tác giả của nhiều tập thơ, tấu, truyện ngắn, đã từng được bạn đọc biết đến. Ông còn là tác giả của nhiều câu "châm ngôn" nổi tiếng. Đây là một trong số các châm ngôn của ông.

- Nói về sức mạnh của dân:

Dễ trăm lần không dân cũng chịu
Khó vạn lần dân liệu cũng xong


- Nói về quan hệ con cái - cha mẹ:

Bố cho con ăn: con cười bố cười
Con cho bố ăn: con khóc, bố cười


- Nói về việc sinh con trai:

Khi con trai anh có vợ thì anh sẽ mất con
Khi con trai anh có con thì anh sẽ mất vợ


- Vế đối tặng một anh hai vợ:

Vợ cả, vợ hai, cả hai vợ đều là vợ cả

Vế còn lại chưa ai đối chỉnh cả!

*

2- XUÂN DIỆU PHÊ THƠ

Trong những cây đại thụ của làng thơ Việt Nam, Xuân Diệu vẫn được xem là một trong những người cẩn trọng (thậm chí còn rất khe khắt) trong việc khen chê. Nếu như Chế Lan Viên còn chịu khó biểu dương phong trào thì hầu như Xuân Diệu chỉ đi vào nghiên cứu tìm hiểu tác giả, mà lại chủ yếu là những tác giả cổ điển. Đối với anh em trẻ, cũng có khi ông viết nhận xét về họ qua cuộc thi thơ, nhưng vẫn chủ yếu là nhìn từ góc độ những chỗ chưa đạt của nó để nhắc nhở anh em nghiêm túc hơn khi vào nghề viết. Phải nói, những lời phê bình của ông rất có ý nghĩa vì đa phần nó đều xác đáng cả.

Trong cuộc thi thơ 1972-1973, báo "Văn nghệ" in bài "Bà" của một cây bút trẻ. Xuân Diệu nhận định: "Tác giả bài "Bà" vì quá vô ý mà phạm phải nhiều lần vô lễ (ở trong thơ) đối với bà".

Khi cây bút trẻ nọ viết:

Đất màu nâu, da bà cũng màu nâu

Xuân Diệu phê: "Bà nội, bà ngoại đâu phải là một chiếc ấm đất mà nói cộc lốc như vậy, anh lại càng vô lễ khi nói với bà rằng: mặt của bà "nếp nhăn nheo như mặt lúa khô queo".

Đến câu:

Giờ cây lúa đổi mùa thay hạt
Bà ơi, bà có trẻ thêm.


Xuân Diệu bực bội nhận xét: "Nếu cháu có hiếu thì cháu cứ khẳng định: Cây lúa đổi mùa thay hạt, bà của cháu như cũng trẻ thêm ra. Chứ theo tôi nghĩ, hỏi như tác giả hỏi, là xấc láo với bà".

Câu:

U cho cháu là rừng cây đằm thắm
Phải tay bà quàng đến sau lưng


Xuân Diệu than thở: "Chao ôi, tại người viết quá ư vô ý tứ, chứ không phải tại tôi muốn sinh chuyện! Đáng lẽ có thể nói: "Ấm áp như tấm lòng của bà, vẫn theo cháu mà ấp ủ", chứ cháu trai đã 19, 20 tuổi, có thể nói: Bà mừng rỡ quá ôm chầm lấy cháu, chứ sao lại viết tỷ mỉ: "Bà quàng cánh tay qua sau lưng".

Mới thấy, trong lĩnh vực thơ, Xuân Diệu thuộc trong số những nhà thơ có khiếu thẩm mỹ tinh tế.

*

3- KHÔNG VÌ TỜ HOA

Trong những năm Hà Nội đánh Mỹ, Nhà xuất bản Văn học tập hợp để in một tập bút ký của Nguyễn Tuân. Trong đó có một số bài như "Tờ hoa", "Tình rừng" mà khi in báo, Nguyễn Tuân đã được trên "nhắc nhở". Khi ông Như Phong, giám đốc nhà xuất bản đọc duyệt, bèn đề nghị với Nguyễn Tuân:

- Không vì "Tờ hoa" mà ông phải gác lại tập sách.

Nguyễn Tuân bèn đáp lại:

- Cũng không vì tập sách mà phải bỏ "Tờ hoa".

Cả hai bên đều căng. Cuối cùng tập sách không in được.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
4. ĐỀ DỄ - ĐỀ KHÓ

Năm 1946, nhà văn Nguyễn Công Hoan bắt đầu dạy khóa đầu tiên của trường sư phạm quân đội và kiêm chủ bút tờ tạp chí "Quân nhân học báo".

Trong kỳ thi tuyển sinh đầu tiên, thầy đã ra bài thi bắt buộc rất độc đáo.

Đề của nam: "Bạn hãy viết một bức thư cho mẹ vợ".

Đề của nữ: "Bạn gặp phải một anh chồng chẳng ra gì. Hãy viết thư kể tội, khuyên bảo để giáo dục chồng trở thành người tốt".

Kết quả bất ngờ, các thí sinh giải viết lia lịa, kể cả những cô chưa hề... tâm sự cùng ai cũng làm được bài trôi chảy, nên hầu hết được điểm cao, còn thí sinh nam thì đều ngồi cắn bút.

Nhiều học viên thắc mắc thì được thầy Nguyễn Công Hoan trả lời:

- Xưa này không gì dễ bằng kể tội chồng, không gì khó bằng viết thư cho mẹ vợ. Ngay cả tôi đây là nhà văn nhưng chưa bao giờ dám viết thư cho... bà mẹ vợ.

***

5. I NGẮN CẮN Y DÀI

Hồi chống Mỹ, nhà văn Tô Nhuận Vỹ sơ tán ở một vùng xa Hà Nội. Một hôm anh nhận được giấy mời lĩnh tiền nhuận bút gửi qua bưu điện. Giấy gửi tiền của tòa soạn báo ghi là Tô Nhuận Vỹ nhưng giấy chứng nhận của cơ quan lại ghi là Tô Nhuận Vĩ.

Cô nhân viên bưu điện so đi so lại thấy chỗ thì I (ngắn), chỗ thì Y (dài) bèn trả lời dứt khoát:

- Vì không đúng tên nên chúng tôi không thể phát tiền được.

Thấy cô bưu điện "tuyên bố" đanh thép, anh suýt ngất xỉu:

- Trời ơi tên tôi là Vỹ mà, tôi là nhà văn.

- Vâng, có thể đúng là anh nhưng giấy trắng mực đen hai chữ I khác nhau là "sai một ly đi một dặm".

Tô Nhuận Vỹ phân trần:

- Cô ơi I ngắn, Y dài thì cũng thế!

Cô bưu điện tỏ vẻ ngạc nhiên nhìn Tô Nhuận Vỹ:

- Anh là nhà văn mà chả hiểu văn tự. Tôi xin hỏi anh gia sư tên vợ anh là THÚY mà anh viết I ngắn là THÚI, liệu như thế có được không nhà văn???

Lý sự của cô bưu điện làm nhà văn Tô Nhuận Vỹ chịu cứng. Dọc đường đạp xe về nơi sơ tán anh ca cẩm: "I ngắn cắn Y dài, đạp xe mệt nhoài chẳng được một xu... "

***

6. NHUẬN BÚT BẰNG THUỐC LÀO

Hồi sinh thời, nhà thơ Trần Nguyễn Đào tất nghiện thuốc lào. Một chuyến lên Lạng Sơn, anh bèn ra chợ tìm mua thuốc. Anh sà vào hàng một cô gái bán thuộc vừa xinh vừa duyên. Nhà thơ ứng tác một bài thơ tặng cô hàng thuốc:

Kỳ Lừa một tháng sáu phiên
Gặp cô hàng thuốc ngồi bên cây đào
Thuốc ngon mua hộ em nào
Bàn tay nâng bánh thuốc lào rõ sinh
Nụ cười, ánh mắt long lanh
Tuy chưa châm đóm, mắt anh đã mờ...


Nghe chàng trai Hà Nội đọc và tặng thơ, cô hàng thuộc đưa tặng cả bánh thuốc lào. Nhà thơ cố thuyết phục, nhưng cô gái nhất định không nhận tiền.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
7. THẠCH LAM HÂN HẠNH BIẾT... THẠCH LAM

Người ta kể rằng: hồi còn sinh thời, nhà văn Thạch Lam là một người ưa trào phúng.

Một bữa, ông có việc phải đi tàu hỏa từ Hà Nội về Nam Định. Toa tàu chật, người lại đông, nên ai cũng phải ngồi thu lại mới đủ chỗ. Ấy thế mà ngay bên cạnh Thạch Lam có một anh chàng không chịu ngồi yên, hết xoay bên này lại xoay nhích sang bên kia, và chốc chốc lại cúi xuống tờ giấy trước mặt, biên biên chép chép. Mọi người ngồi quanh đó đều lấy làm khó chịu. Chưa hết. Một giờ sau, anh ta lại lôi trong chiếc cặp da để dưới chân ra một lô sách. Thách Lam ghé mắt nhìn sang thì nhận thấy toàn là sách của Tự lực Văn đoàn. Dĩ nhiên trong đó có cả tác phẩm của ông. Chàng trẻ tuổi này thấy Thạch Lam chăm chú ngó mình thì lại càng có vẻ làm ra trang trọng hơn lúc trước. Anh ta lật trang sách này rồi lại mở trang sách kia. Hết "Đoạn tuyệt" rồi lại đến "Lạnh lùng", "Hồn bướm mơ tiên" và sau cùng thì anh ta loay hoay với một cuốn sách của Thạch Lam. Thạch Lam cứ ngồi im, lặng ngắm, coi anh ta còn giở thêm những trò gì nữa. Thì, bỗng nhiên Thạch Lam thấy anh ta rút bút máy ra cầm trong tay, có vẻ nghĩ ngợi và cắp mắt liếc nhanh sang phía một thiếu nữ ngồi trước mặt. Đoạn, anh ta cắm cúi viết lên trang đầu cuốn sách. Thạch Lam ngó sang thì thấy những dòng chữ như thế này: *Tác giả thân tặng với tất cả cảm tình nồng hậu*. Dưới ký rõ ràng: Thạch Lam. Chỉ thiếu chút nữa nhà văn chúng ta ngất đi. Nhưng vốn là người bình tĩnh và ưa trào phúng nên Thạch Lam chỉ khẽ mỉm cười, hỏi nhỏ chàng trẻ tuổi:

- Thưa ông, thế ra ông là tác giả cuốn sách này?

Chàng trẻ tuổi mỉm cười nhũn nhặn:

- Da... thưa vâng, chắc ông đã coi. Xin cho lĩnh tôn ý.

Thạch Lam liền đưa tay ra bắt tay chàng trẻ tuổi đó và mỉm cười:

- Rất hân hạnh được biết một nhà văn có cái tên giống tôi.

Đoạn kết câu chuyện không biết ra sao vì không nghe thấy ai nhắc đến.

***

8. NHẠC SĨ VĂN CAO ĐI TÌM SUỐI MƠ

Chớm mùa đông cách đây vài năm, nhạc sĩ Văn Cao trở lại xứ Lạng. Sau khi thăm những người thân cũ, Văn Cao cùng nhà văn Nguyễn Trường Thanh ghé qua nhà tôi.

- Có rượu cơ à, phiền bác quá! - nhạc sĩ phơ phơ râu bạc đón chén rượu nếp từ tay bố tôi. Văn Cao già hơn bố tôi song vẫn thân mật xưng hô bằng "bác". Bác Văn Cao gọi tôi lại gần và hỏi: "Cháu làm thơ hả, đọc thử nghe một bài". Tôi lí nhí đọc lại những bài đã in trên báo "Xứ Lạng". Rồi tự uống một chén rượu.

Sau mấy tuần rượu, nhạc sĩ Văn Cao lim dim đôi mắt rồi đột nhiên ông bảo: "Thôi không uống rượu nữa, Trường Thanh cho tôi thăm lại suối mơ". Vốn là người biết tính cách của Văn Cao và tránh để nhạc sĩ buồn nên nhà văn Trường Thanh nói khéo: "Bác vừa xuống tàu vừa mệt lại vừa đau chân. Bác cho thư đến ngày hôm sau". Không ngờ nhạc sĩ Văn Cao buồn bã lắc đầu: "Anh nói dối tôi, tôi biết rằng suối mơ bây giờ không còn nữa, tại rừng chặt phá nhiều quá mà. Thôi cứ cho đó là một kỷ niệm quá khứ của đời tôi".

Nói rồi nhạc sĩ ứa nước mắt. Mọi người có mặt hôm đó ai cũng cảm động.

Xúc cảm với cảnh đẹp của Chi Lăng, từ sáng sớm tinh sương Văn Cao một mình một cặp làm giá vẽ đi về phía chơ. Đồng Mỏ để vẽ phiên chợ miền núi. Ông đang mải mê với những nét vẽ của mình thì bỗng đâu có tiếng hỏi cắt ngang:

- Ông cho kiểm tra giấy tờ!

Như chẳng cần Văn Cao trả lời, người dân quân tiếp luôn: "Đây là vùng biên giới. Ông có giấy phép vẽ chưa?" Văn Cao ngước nhìn ông dân quân và điềm, đạm trả lời: "Vì đây chưa có biển cấm. Còn giấy tờ thì... đây!" Nói rồi ông đưa cả cặp vẽ có bức ký họa và cây bút chì đang vẽ dở cho người dân quân. Ông ta cáu sườn định "mời họa sĩ vào đồn công an gần nhất". Nhưng may sao có người nhận ra người vẽ phiên chợ miền núi chính là tác giả bài "Quốc ca" nước nhà, nên sau vài phút trao đổi, ông dân quân chữa thẹn và đến bên Văn Cao mời ông tiếp tục vẽ...

***

9. "KẺ KHỐN NẠN CHÍNH LÀ MÀY!"

Nguyễn Văn Vĩnh là nhà báo, nhà văn hồi đầu thế kỷ, rất giỏi tiếng Pháp, có công trong việc hoàn thiện và làm trong sáng chữ quốc ngữ. Ông là người đầu tiên dịch "Truyện Kiều" ra tiếng Pháp và cũng là người đầu tiên dịch bộ tiểu thuyết "Những người khốn khổ" của Vích-to Huy-gô ra tiếng Việt. Trong buổi ngồi chơi với con trai Nguyễn Nhược Pháp và các nhà văn trẻ, ông phàn nàn ràng dịch tiếng Việt ra tiếng Pháp dễ hơn nhiều so với dịch tiếng Pháp ra tiếng Việt. Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp (tác giả bài "Em đi chùa Hương" được phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng) thưa rằng:

- Thưa thầy, đúng đấy ạ! Con thấy cái tên thầy dịch "Những kẻ khốn nạn" nghe nó thế nào ấy. Nhiều người cũng bảo thế.

Nguyễn Văn Vĩnh:

- Le misérable, c'est Victor Hugo! Kẻ khốn nạn chính là Vích-to Huy-gô! Tao khổ sở mãi vì cái ngữ ấy mà không thể nào dịch cho thoát được. Cho đến bây giờ tao vẫn thấy mình khốn nạn vì không dịch được cái chữ ấy.

- Thưa thầy, theo con, "Les misérables" có thể dịch là "Những kẻ khốn cùng".

Nguyễn Văn Vĩnh đứng bật dậy, chỉ tay vào Nguyễn Nhược Pháp:

- A! Thì ra kẻ khốn nạn bây giờ chính là mày! Thế mà mày không nói cho tao biết từ trước!

Nguyễn Nhược Pháp mặt tái mét, chống chế:

- Nhưng... thưa thầy..., con chỉ được đọc bản dịch của thầy ba ngày sau khi sách in ra, con có biết thầy làm việc lúc nào đâu ạ!

Nguyễn Văn Vĩnh đành cười trừ. Và vào xin vợ để đãi mấy anh em bạn Nguyễn Nhược Pháp vé đi xem xi-nê.
 
10. THÊM CHỮ VÀO THƠ VÀ XEM... UỐNG RƯỢU

+ Khi nhà thơ Phùng Quán và Trần Dần vừa uống rượu vừa mạn đàm với nhau về thơ, Phùng Quán nói:

- Theo tôi, thơ của nhân loại đã được cô đọng, đạt tới đỉnh cao tư duy của con người. Mọi cảnh đẹp của thiên nhiên, của vũ trụ, mọi vẻ đẹp của con người cả về thể xác lẫn tâm hồn... đều đã được các nhà thơ tự cổ chí kim trên khắp hành tinh miêu tả, xưng tụng hết rồi. Bây giờ ai mà làm được một câu thơ hay để góp vào kho tàng thơ đồ sộ của nhân loại thì cũng là một kỳ công, vắt trí tuệ tìm được ý thơ mới thật khó làm sao!

Trần Dần trả lời:

- Sao ông tham thế? Theo tôi, bây giờ muốn thêm một dấu phẩy vào kho tàng thơ của nhân loại cũng là quá khó rồi chứ đừng nói tới một câu!

+ Năm cuối đời của nhà thơ Phùng Quán, bạn hữu gần xa, trong và ngoài nước tới thăm, biếu nhiều rượu quý. Anh không bao giờ uống một mình, có khách tới chơi anh mới mở ra đãi. Còn vài ba chai rượu quý khác anh vẫn để dành Tết đến. Gần hai tháng trước lúc ra đi, anh không uống rượu nữa. Tuy vậy, có khách tới thăm, anh vẫn rót rượu mời. Nếu là rượu màu, anh rót cho mình cốc nước chè hay nước vối, nếu là rượu trắng, anh rót cho mình cốc nước đun sôi để nguội và cũng cụng ly với khách như thường lệ. Mấy chai rượu để dành Tết anh cũng mang ra mời khách. Anh đùa:

- Tôi không uống rượu nữa nhưng mời ông uống để cho tôi xem!

***

11. GIẬN VỢ MÀ... LÀM ĐƯỢC THƠ!

Một buổi chiều cuối năm 1983, đang viết bài, cần tra cứu tài liệu thì mới nhớ là tập "Nhật ký trong tù" đã cho nhà thơ Trần Mạnh Thường mượn, tôi lật đật đi đòi sách. Vừa đến cửa, nghe tiếng bạn gọi:

- Hay quá. Anh vào đây!

Tôi lúng túng thì đã bị hai người kéo tay vào mâm rượu. Thì ra, nhà thơ Vũ Quốc Ái vừa ở Nam Định lên chơi. Tôi đang viết giở bài, định đòi sách là về viết tiếp, nể bạn đành ngồi vào cho vui chứ thực tình một chén hạt mít tôi cũng không uống được!

Sau mấy lượt nâng lên đặt xuống cho phải phép ở nhà Trần Mạnh Thường, tôi cáo lui định về ăn cơm chiều rồi viết bài tiếp.

Cơm đã dọn nhưng cả nhà đang chờ. Tôi chưa kịp giãi bày thì bà vợ tôi nghiêm giọng:

- Anh đi đâu thế để các con chúng nó đi tìm. Giờ giấc tùy tiện thế thì giáo dục con cái nề nếp thế nào được?

Tôi nghẹn lên ở cổ không nói được câu nào. Tối, nằm cạnh vợ mà lòng giá băng. Nghĩ ngợi lan man. Tôi không ngủ. Nàng cũng không ngủ. Khoảng ba giờ sáng, tôi rón rén chui ra khỏi màn. Nàng hỏi:

- Lạnh lắm, anh dậy làm gì?
- Dậy để viết bài thơ "Uống rượu với bạn"... thơ trác táng ấy mà!

Mươi phút sau, tôi lại chui vào màn. Nàng hỏi:

- Sao nhanh thế?
- Cảm xúc đã tràn đầy thì nó nhanh thôi!

Hai ngày sau, tôi không nói gì với vợ trừ việc ngồi vào mâm cơm thì mời nhau.

Ngày thứ ba, đi làm về, nàng bảo:

- Đọc bài thơ hôm ấy cho em nghe đi, anh!
- Thơ rượu chè, thơ trác táng, thơ vô kỷ luật, không tôn trọng giờ giấc, nghe chi cho hỏng người đi!

Nàng ôm cổ tôi:

- Em xin lỗi. Hôm ấy em vô lý thật. Các con nó cũng bảo em thế.

Tôi vốn rất sợ chiến tranh lạnh. Thôi... "địch" đã hòa bình thì ta ký hiệp định hòa bình ngay!

UỐNG RƯỢU VỚI BẠN

Vốn không quen chi rượu
Gặp bạn mừng uống chơi
Cũng nâng lên đặt xuống
Cũng chén đầy chén vơi

Nghe trong người lâng lâng
Nghe ấm dần lên mặt
Nghe chiều đi bâng khuâng
Thầm thì mây gió hát

Một chén... một chén nữa
Nào đã uống gì đâu
Mà ngực dồn nhịp thở
Mặt trời soi vào nhau

Ôi cái nhớ, cái thương
Niềm vui và nỗi khổ
Đường đi nửa đời người
Chưa cạn bầu tâm sự

Một chén... một chén nữa
Lẽ nào mình đã say
Mắt nhìn nhau như thể
Lần đầu yêu nhau đây

Chuyện vợ rồi chuyện con
Tài năng và sự nghiệp
Đáng giá cả ông Trời
Bằng những câu rất thật

Ừ thì một chén nữa
Sao mây nghiêng thế này?
Uống cho đất bằng lại
Dễ gì ta đã say!
(1983)

***

12. BÀI THƠ BỊ VỢ XÉ

Trước Tết Ất Hợi, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đột nhiên bỏ nhà đi đâu. Sau đó nửa tháng, nhà thơ trở về nhà, chị vợ trông thấy hờn giận hỏi:

- Ông đi đâu mà không nói với vợ con nửa lời?

Nhà thơ gãi đầu:

- Tôi đi Đà Lạt... lên tới Đà Lạt mới nhớ là chưa nói với bà.

Vợ nhà thơ nhìn chồng giận dữ:

- Đi Đà Lạt... đi với ai?... Làm gì?

Nhà thơ ấp úng:

- Tôi đi Đà Lạt... ở đó làm thơ chứ làm chi!

Chị vơ vội vã giật lấy túi thơ của chồng dốc ngược xuống kiểm tra. Trong túi rơi ra ba mươi hai bài thơ. Chị nhặt một bài thơ có tựa "Trăng hạ huyền" khe khẽ đọc:

Em vừa mới ngước lên trăng
bỏ quên lại mảnh mi trăng hạ huyền
Tình chênh chếch, ý nghiêng nghiêng
để trên cạn cũng đắm thuyền, lạ chưa

Anh ngồi nhặt hết sao khuya
trên tà áo lụa em vừa trải ra
Đêm trầm hương thoắt tiên sa
nụ hôn thơm tỏa la đà đâu đây...


Bỗng chị vợ xé đôi bài thơ, mặt tái dại trợn mắt líu lưỡi:

- Chứng cớ đây nè!... Ông ngồi sờ váy của nó... Mà lại còn hôn nữa chứ... Trời!...

Nhà thơ há hốc mồm. Cố cầm cốc nước lạnh uống một hơi rồi lý giải:

- Sao lại vu oan cho tôi hả. Bao nhiêu năm tôi có làm chuyện gì xấu đâu? Đây là tôi ngắm trăng Đà Lạt rồi tưởng tượng ra đó thôi. Đó là những bài thơ dành để đăng báo Tết. Hai trăm ngàn nhuận bút một bài, thưa bà!... Tết này không có tiền tiêu bà ráng chịu.

Nhà thơ bỏ vào buồng nằm. Chị vợ ngồi đọc lại bài thơ. Không hiểu vì tiếc tiền hay tiếc bài thơ hay nên chị lấy băng keo dán lại. Kết quả... Tết năm Ất Hợi, ba mươi hai bài thơ của Nguyễn Vũ Tiềm được đăng trên khắp các tờ báo Tết trong cả nước. Thật là một kỷ lục hiếm trong làng thơ từ trước tới nay!
 
13. TẢN ĐÀ LẤY LÒNG NGƯỜI ĐẸP

Tản Đà vốn rất có duyên với phái đẹp. Trong rất nhiều giai thoại về ông, phải kể đến mối tình với cô đào Liên. Cô đào Liên nhan sắc tuyệt đẹp, nhưng lên sân khấu thì diễn dở, hát yếu. Để lấy lòng người đẹp, thi sĩ Tản Đà bèn nghĩ ra một cách. Ông dồn hết tâm lực sáng tác một vở tuồng về nàng Tây Thi dựa theo lịch sử Trung Quốc. Kịch về Tây Thi - tuyệt thế giai nhân - tất phải có người đẹp thủ vai... Thế là Tản Đà nhân cớ đó ra điều kiện với chủ rạp tuồng (nơi cô đào Liên diễn) phải để vai Tây Thi cho cô Liên, nếu không ông sẽ "cắt quan hệ" với rạp. Phần sợ vai Tây Thi khó diễn mà cô đào Liên thì quá non kém về nghề, phần lại sơ. Tản Đà không chỉ dọa mà làm thật, chủ rạp tuồng nọ đành bấm bụng chấp nhận điều kiện quái ác của chàng văn sĩ đa tình.

Thế rồi nàng Tây Thi do cô đào Liên thủ diễn đã xuất hiện trên sân khấu không chỉ với nhan sắc lộng lẫy, mà còn hóa thân thành một người đàn bà có khả năng chinh phục toàn bộ khán giả. Từ đó, cô đào Liên trở thành một ngôi sao ăn khách của rạp tuồng nọ. Còn Tản Đà thì có công "lăng xê" một ngôi sao vì... tình!

***

14. THỊ MỊCH - CHỊ DẬU: AI LÀ CHỊ? AI LÀ EM?

Tác phẩm "Giông tố" của Vũ Trọng Phụng ra đời, dư luận Hà thành sôi nổi hẳn lên. Nghị Hách - Thị Mịch - Lốp ô tô bị xì hơi phải chữa bằng... rạ, trở thành chuyện đầu lưỡi của mọi người khắp các nơi, các chốn.

Một hôm tác giả của "Giông tố" có nhã ý mời nhà văn Ngô Tất Tố đến chơi uống chén rượu "nhạt" - theo lối nói của bạn trẻ của ta bây giờ là... khao. Hai cây bút "địch thủ kỳ phùng" gặp nhau, trên trời dưới đất, "đại bí mật" của các ngài tai to mặt lớn, họ tin cho nhau chẳng thiếu chuyện gì.

Trong cuộc vui nói đến tiền nhuận bút của "Giông tố", nhà văn ho. Vũ khoe với nhà văn ho. Ngô được 100 đồng Đông Dương (bát phở 3.000 đ bây giờ, ngày ấy 3 xu). Món tiền lớn đến nỗi nhà văn nghèo ho. Ngô đến nằm mơ cũng không dám nghĩ tới. Cũng trong cuộc vui, Ngô Tất Tố đã đọc ngay "Giông tố" tại... bàn rượu. Đọc xong, nhà văn ho. Ngô nói với nhà văn ho. Vũ: "Anh viết còn thường lắm!" Hoàn toàn không phải là lời của một người say. Cũng hoàn toàn là một người tỉnh và có lẽ cũng là nổi máu nghề nghiệp thường tình, nhà văn ho. Vũ nói: "Anh có tài thì viết thử xem có hơn không!"

Sau cuộc vui ấy, Ngô Tất Tố đã tìm về quê nhà Lộc Hà "đóng cửa" ngồi viết. Những ngày sau đó không lâu, Nhà xuất bản Mai Lĩnh đã cho ra mắt bạn đọc "Tắt đèn".

"Tắt đèn" ra đời cũng không lâu, trên tờ báo "Tương lai", người ta thấy có bài viết về "Tắt đèn" trong đó có câu: "Đây là một kiệt tác trùng lai chưa từng có". Tên tác giả ký dưới bài báo đó là... Vũ Trọng Phụng.

Thói thường trong gia đình, ai ra trước là anh, là chị. Còn trong cái nôi văn học thì sao? Đến "ông vua phóng sư. Bắc Kỳ" còn phải xếp là "kiệt tác trùng lai". Còn người viết những dòng này thấy thị Mịch, chi. Dậu "mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười!"

***

15. TRỌNG THỊ

Tới ngoài sáu mươi, nhà văn Nguyễn Khải vẫn một mực: trọng "làng", duy có hai người, đúng ra là chưa bao giờ ông dám buông một câu, hay có một cử chỉ bỡn cợt. Đó là Đặng Thai Mai và Nguyễn Tuân. Ông vẫn ngài ngại tuy thích gần hai bác ấy. Khi cu. Đặng Thai Mai còn khỏe, khoảng tuổi Nguyễn Khải cũng đã ngoại ngũ tuần, có lần ông tỏ vẻ bẽn lẽn nói riêng với cụ:

- Dạo ba mươi đổi lại cháu không được lễ phép lắm. Nhớ có lần bác vỗ vai khen cái truyện "Xung đột", cháu lại mỉm cười tỏ vẻ, mắt thì quắc lên. Bác bỏ quá cho, dạo ấy cứ ai chạm đến người cháu, dù chê hay khen cháu cũng đều quắc mặt như thế cả!

Ông già học giả cười hể hả:

- Mình cũng chả nhớ nên cũng chả để bụng. Chỉ biết và vẫn nhớ cái cảm giác quý Khải lúc ấy. Chứ người ta còn trẻ, ai mà chả có khi như thế, kể cũng phải thôi!

Cụ Nguyễn Tuân có lần bảo: "Thôi ông cứ gọi tôi là anh, bác cháu cái quái gì!" Nguyễn Khải cười cười vâng ạ, nhưng ông bảo mình quen kính ông cụ thế rồi, chuyển xưng hô nó làm sao ấy. Và lại còn gọi cu. Tuân bà nữa chứ, gọi ông cụ là anh sao tiện! Dạo ở trong Đảng đoàn của Hội, có lần Nguyễn Khải hơi chờn khi cu. Tuân "kính chào đại huynh!" Nhưng rồi ông thở nhẹ nhõm vì cụ ấy chỉ đùa vui thôi.
 
Nguyễn Hoàng Linh đã viết:
- Vế đối tặng một anh hai vợ:

Vợ cả, vợ hai, cả hai vợ đều là vợ cả

Vế còn lại chưa ai đối chỉnh cả!

*.
Cháu xin đối : "Tiền đô, tiền việt, tiền nào mà chả là tiền" :D
 
16. BA MƯƠI NĂM THÊM... MỘT CÁI DẤU PHẨY!

Nhà thơ Khương Hữu Dụng vốn là một người rất cẩn trọng trong sáng tác cũng như trong dịch thuật. Bài "Trường hận ca" của Bạch Cư Dị có hai câu nổi tiếng:

Trì trì chung cổ sơ trường dạ
Cảnh cảnh tinh hà dục thự thiên


Tản Đà đã dịch thành bốn câu, riêng hai câu sau cụ Khương cho là tuyệt diệu:

Sông Ngân lấp lánh sao thưa
Trời chưa muốn sáng sao chưa sáng trời


Cụ Khương nói: "Ba mươi năm trước tôi đã học theo cách láy của Tản Đà mà chỉ đổi từ "lấp lánh" ra "lấp lóa":

Sông Ngân lấp lóa trời chưa sáng
Muốn sáng mà sao chửa sáng trời


Gần đây đọc lại, thấy từ "chửa" nặng nề... Lại còn phải thêm vào... cái dấu phẩy để làm nổi lên tâm sự của Đường Minh Hoàng buồn cho cái đêm cứ kéo dài, trời không chịu sáng:

Sông Ngân lấp lóa trời chưa sáng
Muốn sáng mà sao chẳng sáng, Trời?


Muốn thêm một cái dấu phẩy vào câu thơ dịch, một người như Lão thi Khương Hữu Dụng, phải mất... ba mươi năm!

***

17. CÁ ĐUÔI ÉN VÀ... CÁI ĐUÔI EM

Cá nụ cá thu cùng cá đé
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng
Cá đuôi én quẫy trăng vàng chóe
Đêm thở sao lùa nước Hạ Long...


Đoạn thơ trong bài "Đoàn thuyền đánh cá" của nhà thơ Huy Cận khi in trên báo "Văn học" thì câu thứ ba... bị nhầm!

Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe

Lẽ ra nhà thơ... giận người biên tập (hay người sắp chữ?), nhưng đằng này ông lại... chấp nhận câu thơ in sai: trong "Tuyển thơ Việt Nam 1945 - 1985", câu in sai của bài thơ vẫn giữ nguyên:

Cá nụ cá thu cùng cá đé
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng
Cái đuôi én quẫy trăng vàng chóe
Đêm thở sao lùa nước Hạ Long


Nhà thơ Vân Long có nhận xét: "Hai câu thơ đầu đã có đến bốn loại cá: cá nu, cá thu, cá đé, cá song... Có kể thêm cá đuôi ở câu ba, cũng không vì thế mà người ta khen... nhà thơ giàu thực tế hơn! Trong lúc đó, bớt cá đuôi én đi để gọi cá song bằng em, vừa thêm phần tình cảm vừa... phá thể "độc canh" của đoạn thơ!"

Cũng may là từ cá đuôi én mới thành ra cái đuôi én, chứ nếu nhà thơ Huy Cận cho vào... một thứ cá khác thì dễ gì sửa được thơ của ông!

***

18. NHÀ VĂN KIM LÂN ĐI CHỢ KỲ LỪA

Tuy viết không nhiều, song nhà văn Kim Lân là một trong những bạc thầy của nghề văn. Vì thế, các trại viết ở Trung ương hoặc các địa phương thường mời "cụ" giảng dạy, thẩm định tác phẩm. Nhà văn Kim Lân đã lên giúp Hội văn nghê. Lạng Sơn mở 3-4 trại viết cho các cây bút của tỉnh.

Một lần vào quãng 1989-1990 gì đó, trong lần lên giúp Lạng Sơn mở trại, nhân lúc rỗi rãi, nhà văn tranh thủ đi thăm phố xá, vãn cảnh chơ. Kỳ Lừa.

Những câu Sli của nam thanh nữ tú Tày-Nùng cuốn hút nhà văn của "Làng" mải vui cả buổi chợ. Cụ muốn có một vật gì thật đặc sắc của đất Xứ Lạng làm kỷ niệm. Thế là cái màu chàm của vùng biên ải xui cụ tìm mua một "túi nải" của bà con ở đây. Một chị người Nùng đã bán cho cụ một tay nải chàm như ý. Hài lòng, cụ vui vẻ về nhà khách khoe với mọi người, trong đó có nhà thơ Tày Nông Quốc Chấn. Dốc túi nải ra, cụ sững sờ vì trong túi là một tập giấy bạc ta có, Tàu có, khá nhiều. Không kịp khoe tiếp, nhà văn vội vàng nhờ một anh bạn ở Hội văn nghê. Lạng Sơn đèo ra chợ, lần tìm bằng được góc phố có chị phụ nữ Nùng bán túi. Chen vã mồ hôi, gặp được chị ta, cụ vội vàng huơ cái tay nải lên. Chưa kịp nói, chị người Nùng đã ngỡ là nhà văn mang tay nải trả lại. Nào ngờ đến lúc nhà văn đưa ra cuộn tiền hỏi, chị mới ngớ ra rồi cảm ơn rối rít.

Quay trở về nhà khách, nhà văn lại hớn hở săm soi cái túi chàm lưu niệm. Có người trêu: "Sao cụ kỹ quá! Bắt được tiền thì giữ lấy làm mấy chén rượu biên thùy... " Nhà văn cười khà khà: "Tớ đã có vợ nhặt, ai lại đi nhặt tiền của người ta. Chị ấy đã để lại cho cái túi nải đẹp thế này là quý mình lắm, chả lẽ lại làm mất cái tình cảm của chị ấy... "

Đáp xong, cụ với cái điếu cày làm một mồi, nhả khói lim dim ra chiều mãn nguyện lắm...
 
Chỉnh sửa lần cuối:
19. NHÀ THƠ KHƯƠNG HỮU DỤNG CHƯA LÊN TIẾNG

Một trong những bài thơ tâm đắc của Lão thi Khương Hữu Dụng là "Lên Côn Sơn":

Lên đỉnh Côn Sơn tìm Nguyễn Trãi
Trên đầu xanh ngắt một bầu không
Bàn cờ thế sự quân không động
Mà thấy quanh mình nỗi bão dông


Trong một bài viết in trong tập "Trà dư tửu hậu", tôi có xin phép cụ Khương đổi chữ nỗi (dấu ngã) ở câu thứ tư thành nổi (dấu hỏi)!

Suy nghĩ thất thố của tôi lại được một số anh em đồng ý như các nhà thơ Trinh Đường, Vân Long, Hoàng Nhuận Cầm...

Riêng nhà thơ Khương Hữu Dụng thì chưa lên tiếng!

Năm nay nhà thơ đã 90 tuổi (*).

Một câu dịch thơ Đường, phải mất 30 năm, cụ Khương mới chịu thêm vào... một cái dấu phẩy. Bao giờ cu. Khương chưa lên tiếng thì cái dấu ngã trong câu thơ tâm huyết của cụ phải được chúng ta tôn trọng.

Đây là một ý kiến của tôi (người tạo ra cuộc tranh luận) để trả lời một bài viết của nhà thơ Vân Long in trên báo "Thế giới mới".

(*) Bài viết cách đây 6-7 năm.

***

20. "VỢ CHỒNG A PHỦ" MUA NHÀ CHO NHÀ VĂN TÔ HOÀI

Một, hai năm nay, việc trả nhuận bút của các báo, các nhà xuất bản, các đợt giải thưởng có nâng lên so với mấy năm trước. Thí dụ: giải thưởng hàng năm của hội đồng văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn 1989 cuốn "Miền thơ ấu" của Vũ Thư Hiên giải A 100 ngàn, "Tuổi thơ dữ dội" tiểu thuyết của Phùng Quán 800 trang 70 ngàn. Anh Vũ Thư Hiên nhận giải, sau rồi anh phải điện ra cho ban tổ chức là không dự được! Lý do: vì số tiền được thưởng ấy không đủ mua một lượt vé máy bay PT Hồ Chí Minh - Hà Nội (một chiếc tivi Samsung lúc ấy trị giá hơn 3.000 ngàn).

Bốn năm sau, giải thưởng văn học hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam tăng vọt. Giải A: tập thơ "Sự mất ngủ của lửa" của Nguyễn Quang Thiều 10 triệu đồng. "Dắt mùa thu vào phố" của Nguyễn Hoàng Sơn, giải A thơ của Hội đồng văn học thiếu nhi 1993 là 5 triệu đồng.

Mới đây một bức ảnh chân dung nhạc sĩ Văn Cao của Lê Minh Châu, thưởng 15 triệu đồng.

Tất nhiên, sự nhúc nhích mức thưởng cho các tác phẩm trên đây của mấy năm gần đây cũng chưa bằng 30 năm trước đây. Theo nhà văn Tô Hoài kể lại trên "Tạp chí Cộng sản" số 1-1993 trang 44: "Tôi viết văn đã nửa thế kỷ nay, chưa bao giờ thấy tiền bản quyền ít ỏi như bây giờ, ngay cả so sánh với ta thôi. Năm 1955, tiền bản quyền kịch bản phim 'Vợ chồng A phú của tôi 1.600 đ (một ngàn sáu trăm đồng), tôi tậu được ngôi nhà tôi đương ở bây giờ" (ở phố Đoàn Như Hải, Hà Nội)

Quả là "Vợ chồng A Phủ" từ miền núi đã "tậu" cho nhà văn Tô Hoài một ngôi nhà đáng giá ở Hà Nội.

***

21. VÀI MẨU CHUYỆN VỀ BÙI GIÁNG

Khoảng dăm bảy năm trước, một bạn làm thơ trẻ ở Bình Định liều lĩnh vay tiền ngân hàng để in thơ. Thơ in xong, anh ta xách đi bán. Anh mang mấy trăm cuốn vào TP HCM gặp nhà thơ Bùi Giáng kể khổ về gia đình. Bùi thi sĩ động lòng trắc ẩn, nhận bán giúp thơ cho anh bạn trẻ.

Ông chở trên xích lô một hòm thơ. Đến chỗ phố đông người, Bùi thi sĩ đứng lên nói to:

- Ta bán thơ đây! Bùi Giáng bán thơ đây!

Rồi ông lấy tập thơ của anh bạn trẻ tung xuống đường. Mọi người yêu quý cái tên Bùi Giáng, dù không phải thơ ông, người ta cũng cố tranh lấy một tập rồi tự giác bỏ tiền vào cái hòm, nhiều ít tùy lòng. Nghe đâu chuyến ấy anh bạn trẻ thu được kha khá.

Một lần, Bùi Giáng vào một tiệm ăn. Ngồi cạnh ông là đôi bạn trẻ, chừng như mới yêu nhau, còn lắm vẻ ngượng ngùng, e lệ nên họ ăn rất ít rồi đứng dậy. Bùi Giáng liền bưng 2 suất ăn gần như còn nguyên vẹn dồn lại và... ăn. Đôi bạn trẻ liền vội kêu:

- Trời ơi! Sao thày lại làm vậy? Để tụi con mua suất khác mời thày.

Bùi Giáng nghiêm giọng:

- Ta đâu có thiếu tiền. Ta cũng không hề đói. Ta ăn là tiếc mồ hôi nước mắt của cha mẹ các em đó.

Bữa ấy, hẳn là đôi bạn trẻ được một bài học thấm thía về tiết kiệm.

Hồi nhà thơ Thu Bồn còn sống độc thân ở một căn phòng nhỏ tại TP HCM. Một bữa trời mưa to, Thu Bồn thấy thi sĩ Bùi Giáng đứng gội mưa ngoài đường, người ướt nhèm hết cả. Thu Bồn vội mời ông về nhà, hấp tấp lấy bộ quân phục của mình cho ông thay (vì Thu Bồn mới rời quân ngũ, chưa có đồ xơ-vin).

Bùi Giáng loay hoay mãi chưa thay được vì phòng ở đã chật lại không có buồng tắm, nhà vệ sinh kín đáo. Thấy vậy, Thu Bồn bảo:

- Chỉ có hai người đàn ông với nhau chú ai đâu mà ngại. Bác cứ cởi đại ra đi.

Bùi Giáng ngập ngừng:

- Nhưng mà... chỗ ấy nó không được thơ cho lắm!

Thu Bồn đành khép cửa đi ra ngoài, để Bùi Giáng được tự nhiên với "cái chỗ không được thơ" của ông.
 
Trích dẫn:
Trích dẫn bài viết của Nguyễn Hoàng Linh

- Vế đối tặng một anh hai vợ:

Vợ cả, vợ hai, cả hai vợ đều là vợ cả

Vế còn lại chưa ai đối chỉnh cả!

*.

Cháu xin đối : "Tiền đô, tiền việt, tiền nào mà chả là tiền"

Đối hỏng rồi. Cái hay của vế đối trên là chữ cả có hai nghĩa, thêm nữa cả hai cũng là từ ghép, theo như vế của Quý thì sẽ thành "tiền đô, tiền việt, tiền nào mà chả là tiền đô"-->hỏng

Vế đối chỉnh phải tương thích cả ý lẫn từ, ví dụ:

Vợ cả, vợ hai, cả hai đều là vợ cả
Đôi tất, đôi giày, tất giày đều là đôi tất

Ví dụ trên tuy chưa chỉnh về ý (cả hai có nghĩa chứ tất giày vô nghĩa) nhưng cũng một phần chỉnh về chữ
 
Back
Bên trên