Gia Huấn - Nét đẹp truyền thống Việt Nam

Phạm Quang Minh
(Minh172)

New Member
301001_cd_vh_giahuan.jpg



Các con cháu của dòng họ Nguyễn ở làng Đông Tác, Hà Nội cùng nhau tập trung ở nhà thờ họ để thắp một nén tâm hương tưởng nhớ đến cụ Tổ Nguyễn Văn Lý. Ông là một người học rộng, tài cao, đỗ tiến sỹ năm 1832 dưới triều Nguyễn. Ông chính là người đã biên soạn cuốn Đông Tác Nguyễn Thị Gia Huấn cho dòng họ mình. Cũng như mọi năm, sau khi việc tế lễ ở nhà thờ họ hoàn thành, con cháu của dòng họ Nguyễn - Đông Tác lại cùng nhau lật giở những cuốn gia phả, gia huấn để ôn lại truyền thống dòng họ.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Lý không chỉ là một vị quan tài năng, thanh liêm mà còn là một người có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, văn học nước nhà, vì thế cuốn Gia Huấn mà ông biên soạn trong dòng họ có nhiều phần khác nhau nhưng mục đích chung của gia huấn là giáo dục cho con cháu phải có đạo đức tốt và phải biết giữ gìn truyền thống hiếu học của gia tộc.

Dòng họ Nguyễn - Đông Tác chỉ là một trong số rất nhiều gia đình có truyền thống nho học ở Việt Nam đã xây dựng một cuốn gia huấn cho riêng dòng họ mình. Gia huấn là điểm đặc sắc trong văn hóa gia đình Nho giáo, các nước Đông á như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, đều lấy gia đình làm đơn vị cơ bản của xã hội. Theo quan niệm của nhà Nho thì gia đình và xã hội, nhà và nước có quan hệ gắn kết hữu cơ. Nước có quốc pháp, nhà có gia lễ, gia huấn. Gia lễ bổ sung cho quốc pháp, lễ giúp cho pháp thực thi có hiệu quả và pháp phải dựa vào lễ để ổn định xã hội. Gia lễ và gia huấn ra đời do yêu cầu của gia đình và xã hội mà nội dung chủ yếu là trau dồi nhân cách con người. Thư tịnh Hán Nôm của Việt Nam còn một số văn bản gia huấn từ rất lâu đời, gia huấn có nhiều tên gọi khác nhau như: Gia huấn, giáo huấn, gia lễ, bảo huấn, bảo châm, cảnh châm... nhưng có chung ý nghĩa là dạy bảo khuyên răn con em trong nhà, nhằm bồi dưỡng thế hệ nối tiếp trở thành người tốt. Như vậy phải phân biệt gia huấn với giáo khoa như là tài liệu mà thầy giáo dùng để dạy học trò, phân biệt với các loại kinh ca khuyến thiện của các tôn giáo đoàn thể. Gia huấn là sản phẩm của gia đình được lưu hành trong nội bộ gia đình, gia tộc. Cũng như bản Đông Tác Nguyễn Thị Gia Huấn, các bản gia huấn khác được biên soạn bởi nhiều Nho gia. Họ đỗ cao làm quan to, là thầy giáo nổi tiếng. Trong gia tộc, họ là bậc cha anh có uy tín, đủ để làm gương sáng cho con cháu. Họ có điều kiện và khả năng đúc rút những kinh nghiệm sống của mình và xã hội để viết ra, hay tập hợp thành sách để dạy bảo con em mình. Gia huấn tập trung giáo huấn về cách cư xử trong các quan hệ cha mẹ - con cái, anh chị - em, vợ - chồng, hay những mối quan hệ phức tạp, tế nhị khác như mẹ chồng - nàng dâu, chị dâu - em chồng... Gia huấn thường được biên soạn theo thể thơ lục bát cho dễ nhớ, dễ thuộc. Trên thực tế, con gái là đối tượng khuyên bảo chủ yếu của gia huấn vì thời xưa họ không được đến trường học, một số bản gia huấn đã nêu rõ mục đích này: "Đàn bà con gái, không biết chữ, lúc bồng con bế cái thường ru bằng lời ca quốc âm, có những bài lành mạnh, có những bài hài hước phóng đãng, nghe quen tai, thấm vào lòng, không phải không có tác động. Vì thế ta làm 5 bài ca quốc âm, bảo con trẻ trong nhà học thuộc, hy vọng lời hay ý đẹp thấm vào chúng cũng như lời dạy bảo của mẹ hiền". Gia huấn nói nhiều tới vai trò của người vợ trong việc đảm bảo hạnh phúc gia đình, nhấn mạnh tới trách nhiệm và nghĩa vụ chăm sóc về mọi mặt của người vợ đối với chồng theo tinh thần "Tòng phu". Một số bản gia huấn còn mang tư tưởng Nho giáo "Trọng nam kinh nữ". Tuy nhiên bằng kinh nghiệm, bằng thực tế của xã hội Việt Nam xưa, rất nhiều gia huấn đã biết đề cao vai trò của người phụ nữ.


"Người hiền là báu quốc gia
Vợ hiền là báu trong nhà lương duyên".


Những bản gia huấn được sáng tác vào đầu thế kỷ 19 lại càng có nhiều tư tưởng tiến bộ hơn. Gia huấn thường được phổ biến trong các gia đình và dòng họ, nó gắn với các sinh hoạt gia tộc, thường được đọc và nhắc nhở trong các ngày giỗ Tết hoặc chép ra làm nhiều bản cho mỗi chi họ... Gia huấn chuyển tải những nguyên lý quan trọng nhất của Nho giáo trong các quan hệ gia đình, dòng họ. Đồng thời gia huấn cũng hấp thụ nhiều yếu tố bản địa ngoài Nho giáo. Nó mang đậm tính thực tế, tính ứng dụng, linh hoạt, không giáo điều. Nó bám sát những vấn đề nảy sinh trong thực tế, những quan hệ đời thường mà Nho giáo chưa bao quát tới. Chính vì vậy, gia huấn là một phương tiện giáo dục hiệu quả.
 
Back
Bên trên