Giới trẻ Việt Nam trong mắt một thanh niên Mỹ

Trần Thu Trà
(garfield_3009)

Moderator
Tôi đọc được bài viết này qua 1 bản tin tuần, thấy khá hay..

Tiền Phong Online đã viết:
Giới trẻ Việt Nam trong mắt một thanh niên Mỹ

Conor Lauesen, 25 tuổi, nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam từ cách đây 5 năm theo chương trình Fulbright. Dù học bổng đã hết cách đây một năm, Conor vẫn cố bám trụ lại Việt Nam để tiếp tục nghiên cứu. Anh được ví là ma xó của Hà Nội vì thông thạo mọi thứ ở vùng đất này hơn cả nhiều người bản địa.

>> Kỳ I - Thế hệ công tử bột

TP - Trên thế giới, 9x đang là mối quan tâm đại lớn bởi họ là thế hệ tiêu biểu cho kỹ thuật, chưa biết gì nhiều về giao lưu và giao tiếp trực tiếp.

Nói chung thế hệ này ở Việt Nam trò chuyện qua máy tính nhiều hơn, nhắn tin với nhau bằng điện thoại còn nhiều hơn gặp gỡ trực tiếp để thảo luận và làm quen với mọi người. Tình trạng này ở Việt Nam chẳng khác gì với những lo âu, những sự quan tâm cấp bách đang diễn ra ở khắp thế giới. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ Việt Nam là một nước đang phát triển, nên đáng lo ngại hơn.

Với tôi, công tử bột được xem như người sinh ra trong gia đình giàu có, không cần lo về tiền bạc, không cần học giỏi và cuối cùng họ cũng không cần nghĩ nhiều về việc làm ăn mưu sinh để có cuộc sống tốt.

Ở Việt Nam, một số người thường nói: “Con thích gì, mẹ chiều nấy” hoặc “em thích gì anh chiều nấy”. Lối suy nghĩ này không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn là vấn đề phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Bên Anh, bên Mỹ đâu đâu cũng thế.

Bây giờ ở đây (Việt Nam) có bao nhiêu người mặc quần áo, có phong cách và giọng nói giống nhau như đúc. Giờ tôi nghĩ là những chân dài, play dân (dân chơi) bắt đầu những khuynh hướng mới mẻ mà thực sự những suy nghĩ cá nhân, độc lập, tự do lại rất thiếu, rất còi lùn.

Hình như vấn đề này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và thường xuất hiện trong những gia đình giàu có. Tôi rất hiểu và thông cảm với những bậc cha mẹ và gia đình muốn mang đến thuận lợi cho con mà những thế hệ trước đây chưa có.

Tôi hay quan sát nhiều gia đình trẻ như các bậc cha mẹ dưới 50, 40 tuổi và cách họ bù đắp cho con cái mình những thứ họ không có thời còn trẻ. Họ nghĩ rằng mua sắm, đáp ứng cho con là giúp con và giúp chính họ hòa nhập vào cuộc sống văn minh, hiện đại.

Tuy vậy, những bậc cha mẹ này không thể lường trước nguy cơ mà các công tử bột, các cậu ấm cô chiêu gây ra cho xã hội vì đầu óc công tử bột không có nhiều chỗ cho sự cố gắng, tự lập, tự chủ; họ có thể ăn sẵn nên không hiểu hết được giá trị của lao động và niềm vui lao động.

Thời ngày xưa cũng như thời hiện tại, cả Ta và Tây chỉ cần làm việc chăm chỉ, có tính kiên trì và lòng kiên nhẫn, tiếp đó kiên định với mục tiêu đã đặt ra chắc chắn sẽ có kết quả, và chắc chắn sẽ thành công.

Tự do và trách nhiệm

Từ thuở bé (khi sống ở Mỹ) tôi đã từng nghe nói nhiều lần rằng nếu muốn có tự do thì cần có nhiều trách nhiệm và tự kỷ luật bản thân. Ngược lại, ở Việt Nam, đặc biệt ở Hà Nội, bạn trẻ có nhiều tự do mà nhiều người không biết một chút gì hết về trách nhiệm. Đối với vị trí của họ (công tử bột) trong xã hội, lẽ ra họ phải dốc hết sức mình cho công việc và cho xã hội. Thời gian nhàn rỗi cực nguy hiểm… Nói chung nó là thời gian nguy hiểm nhất cho con người, cộng đồng và cũng là cho đất nước.

Hình ảnh những công tử bột ngày càng phản ánh tình trạng xã hội nói chung. Bên nước tôi người ta có một thành ngữ “You’re only as strong as your weakest link”, mà nhiều người nói bằng tiếng Việt là: “Điểm mạnh nhất cũng có thể là điểm yếu nhất”.

Theo tôi, nếu xã hội trở thành đồng minh, “cùng hội cùng thuyền” với họ thì chẳng mấy chốc sự lai căng sẽ xâm chiếm vào mọi lĩnh vực của xã hội.

Những điều trên không có nghĩa là 9X không giỏi về tri thức, giáo dục và phần không tích cực chỉ là một phần nhỏ xíu của họ.

Lòng đam mê

Tôi hay suy nghĩ về lòng đam mê, hăng say làm việc của Ta và Tây ở bất kỳ nước nào trên thế giới. Thực ra tôi nghĩ làm việc vất vả và vắt kiệt sức để cố gắng hoàn thành tốt, chính xác, đẹp đẽ được coi như là một giá trị cao. Tại sao là giá trị cao? Vì một cách tự nhiên, vốn dĩ sự hăng say lao động đã bao gồm đạo đức và công lý. Do đó niềm vui lao động là nguồn gốc của mọi thành công, của cả giá trị vật chất và đời sống phi vật chất.

Giá trị vốn dĩ của con người chính là ý chí và sự khát khao, mong muốn đạt được những nguyện vọng, mục tiêu mà họ đặt ra. Theo tôi, nó là tất cả, nó vô cùng đơn giản. Điều này dễ gây hiểu lầm bởi theo tôi một khi con người làm việc mà không có sự đam mê, lòng nhiệt huyết thì những ý tưởng và sự cần cù sẽ không bao giờ gặt hái được thành công.

>> Kỳ II - 9x biến Hà Nội thành "phía Tây hoang dã"?


TP - Kể từ năm 2005 đến bây giờ thì tôi luôn gọi Hà Nội là “phía tây hoang dã” như thể nước Mỹ mấy trăm năm trước. Khi mà những người trẻ nói chung, đặc biệt 9x nói riêng, không tuân theo quy định pháp luật. Tôi đang nói về thái độ và ý chí của nhiều người trẻ...

Những ai đã đến Việt Nam đều có nhiều nhận xét tốt và ấn tượng với người trẻ, thế hệ sinh ra sau ngày 30/4/1975. Theo tôi, giai đoạn này xuất hiện nhiều cơ hội rất tốt cho người trẻ để họ giúp đỡ cho sự tiến bộ của con người lẫn đất nước Việt Nam.

Trẻ - cơ hội

Mọi người ở Hà Nội còn nhớ cách đây khoảng vài năm khi xuất hiện những thanh niên đạp xe đạp đuôi. Nó không chỉ phản ánh phong cách của thế hệ 9x ở Việt Nam mà còn thể hiện sự đam mê của họ. Điều đó nâng cao hy vọng về sự sáng tạo, suy nghĩ độc lập của một thế hệ được coi là nguồn lực của quốc gia.

Hình như họ “chơi không sợ mưa rơi” thật, và họ có thái độ tự do hơn, có thể sáng tạo một hoàn cảnh mới thú vị nào đó. Họ sẵn sàng bỏ ra hơn triệu đồng để mua chiếc xe đạp này, kèm theo là những chi phí cao ngất ngưởng đối với lứa tuổi học sinh: nào loa, nào ắc quy, nào điều khiển MP3... rồi thậm chí thay cả “áo” cho những con “ngựa sắt” của mình sao cho thật độc đáo, khác người...

Họ có thể gắn thêm vào xe những bộ đèn lead nhấp nháy chói mắt, hay lông vũ sặc sỡ hoặc vô số những thứ cầu kỳ, hoa lá, màu mè khác kèm theo những âm thanh, bài hát sôi động, gây náo loạn đường phố. Rồi lại cả “biển số xe” nữa chứ! Nào là “PC 14 cơ động”, hay “Thân phận con nhà nghèo”, hoặc “Cún xinh kiêu”...

Bên cạnh đó, chúng ta có thể thấy có một lực lượng lớn người trẻ tham gia các trung tâm tiếng Anh. Học tập giỏi đương nhiên là tốt mà quan trọng nhất là sự hòa nhập với toàn cầu, chủ yếu qua ngôn ngữ tiếng Anh.

Trẻ - thái độ, xu hướng

Kể từ năm 2005 đến bây giờ thì tôi luôn gọi Hà Nội là “phía tây hoang dã” như thể nước Mỹ mấy trăm năm trước. Khi mà những người trẻ nói chung, đặc biệt 9x nói riêng, không tuân theo quy định pháp luật.

Tôi đang nói về thái độ và ý chí của nhiều người trẻ. Báo chí ca ngợi thế hệ trẻ biết tự lập sớm. Nhưng trong số đó lại có những anh hùng xa lộ, không mũ bảo hiểm, cân năm cân ba. Mọi người nhìn họ với thái độ lo âu vì sau đó dẫn đến việc họ sẽ chơi bời lang thang rồi làm những điều không tốt, không văn hóa.

Những hiện trạng này liên quan đến những xu hướng sành điệu, khiến họ không còn biết nhiều và thiếu sự tôn trọng những bản sắc văn hóa truyền thống. Nói chung, kiểu sống và phong cách của những người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội hoặc những người đến từ tỉnh khác đều đang bị ảnh hưởng bởi phương Tây.

Có thể thấy rõ những xu hướng mới mẻ nổi lên nhanh như chớp. Chẳng hạn mùa hè năm 2009, xuất hiện một mốt mới và lan tràn nhanh như việc “đốt tiền âm phủ”.

Nó là quần soóc màu trắng hở hang, khêu gợi lắm. Thật ra họ nghĩ họ mặc như vậy là giống Tây, đúng là ở Tây cũng có những người mặc như thế. Hay như mùa xuân năm ngoái có nhiều cô bé cũng theo một mốt mới là mặc quần mầu tím. Nó có vẻ bình thường mà thật ra rất buồn cười! Vì tất cả đều là sự bắt chước!

Trẻ - lịch sử dân tộc

Vấn đề lớn nhất đối với người trẻ khiến cho tôi lo lắng là những nhận thức về lịch sử của các bạn. Nhìn chung suy nghĩ của giới trẻ về đất nước Việt Nam hạn chế hơn so với thế hệ trước.

Văn hóa nước ngoài, sự sính ngoại và những khuynh hướng từ các nước khác đã và đang dần bao phủ khắp môi trường sống ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng. Họ có thể dễ dàng ghi nhớ hàng chục tên các ca sĩ nổi tiếng trên thế giới nhưng lại chỉ dành ra một tí trí nhớ để ghi nhớ tên các anh hùng và sự kiện lịch sử.

Lỗ thủng được rót đầy thế nào?

Khả năng sáng tạo ra một xã hội hiện đại là vô cùng khó vì một khi người dân ít biết về lịch sử thì đương nhiên sự nối tiếp giữa hai khoảng thời gian quá khứ - hiện tại sẽ tạo ra một khoảng trống (lỗ thủng). Khi đề cập tới văn hóa truyền thống của Việt Nam, nhiều bạn trẻ thờ ơ, không hứng thú; ngược lại có rất nhiều người nước ngoài lại quan tâm tìm hiểu.

Buồn thay, giới trẻ ngày nay, đặc biệt ở Hà Nội, đang đi theo những xu hướng mới như chơi nhạc rock, hip-hop hay thậm chí những loại nhạc nhạt nhẽo, ca từ nhảm nhí mà không biết nhiều đến âm nhạc đích thực như những bài hát dân gian, quan họ hay nhạc cổ điển...

Người Việt Nam đang được tiếp xúc và làm quen với những xu hướng mới, cách sống mới của các đất nước khác. Điều này ít nhiều cũng đang tạo ra lỗ thủng trong nhận thức của thế hệ trẻ người Việt. Chẳng hạn phim Hàn Quốc mang đến những câu chuyện tình cảm, lãng mạn một cách không có thực. Hay như những bộ phim phương Tây thể hiện cách giao tiếp bình đẳng giữa các thế hệ...

Và những người trẻ của Việt Nam cũng học tập theo mà không có sự chọn lọc, đánh giá. Liệu những ý nghĩa giáo dục ẩn sâu trong các chương trình truyền hình ấy họ có nhìn ra không hay chỉ nhìn thấy những hình ảnh phù phiếm thuộc bề nổi rồi copy, sao chép lại.

“Lỗ thủng được rót đầy thế nào” vẫn là câu hỏi lớn chưa có lời đáp rõ ràng. Câu trả lời cần có sự tác động và thái độ của toàn xã hội và quan trọng nhất là thái độ và nhận thức của thế hệ trẻ các bạn.

Conor Lauesen​

Bạn có cho là bài viết trên "cực đoan và phiến diện", hay bạn "đồng tình" với nó?
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Tôi đọc được bài viết này qua 1 bản tin tuần, thấy khá hay..



Bạn có cho là bài viết trên "cực đoan và phiến diện", hay bạn "đồng tình" với nó?

Mình không biết do lỗi phiên dịch hay bản thân người viết mà khi đọc thấy tương đối lủng củng và không rõ nghĩa.
 
Thì hình như chính ông ấy viết mà nhỉ.:-? Nhưng đúng là có biên tập lại.
Các nhận xét của ông này là đúng tuy chưa phải là toàn diện.
 
Back
Bên trên