Nguyễn Hoàng Linh
(Hoang Linh Nguyen)
Điều hành viên
Vài lời "phi lộ":
Tôi nghe đến cái tên Solzhenitsyn lần đầu tiên vào khoảng năm 1988.
Lúc đó, ở Liên Xô, Gorbachev đã tuyên bố "cải tổ" và "công khai" được một thời gian. Tại Hung, một nhà xuất bản chuyên ấn hành các văn kiện của Đảng Công nhân Xã hội Hung (tức Đảng Cộng sản) đã cho in bản báo cáo mật của Khrushchev, một hành động mà trước đó, mấy thập niên, chính tác giả Khrushchev đã cho là "giặt áo bẩn trước mắt người lạ". Dân Hung dạo đó rất hồ hởi, phấn khích trước viễn cảnh "tự do", "dân chủ", "đa nguyên", "hiến pháp"..., những ngôn từ thường được nghe trên cửa miệng những ai quan tâm đến thế sự.
Một bận, đọc một bài phê bình văn học về các giải Nobel Văn chương Liên Xô, một tác giả rất nổi tiếng của Hung đã buông một nhận xét khiến tôi sửng sốt. Đại loại, ông ta bảo: ngoại trừ Bunin đã ra nước ngoài sau biến cố tháng 10-1917 và Pasternak từ chối giải Nobel (chính xác hơn là bị buộc phải từ chối) - hơn nữa, phải gọi cả hai là "nhà văn Nga" thì đúng hơn "nhà văn Xô-viết" -, nếu có một nhà văn Liên Xô nào xứng đáng là người nối tiếp truyền thống nhân văn của nền văn học cổ điển Nga thế kỷ XIX, người đó phải là Solzhenitsyn, chứ không phải Sholokhov!
Sholokhov dĩ nhiên tôi biết. Khá rõ. Từ nhỏ, tôi đã đọc "Sông Đông êm đềm", đã nghe chuyện các dịch giả bộ sách kỳ vĩ đó, cuối thập niên 50, từng được sang vùng sông Đông "tập huấn" cả năm trời để chuyển ngữ cuốn sách cho thật sát, thật hay. Về sau, khi lên cấp 2, có lần tôi được thưởng cuốn "Số phận con người", bản tiếng Nga, vì thành tích học khá; phải thú thực là tôi chỉ đọc có một hai dòng bản Nga ngữ đó, rồi bỏ xó, vì khó hiểu. Rồi những năm cuối ở trường phổ thông, tôi "tậu" thêm được "Họ chiến đấu vì Tổ quốc" và tỏ ra rất thích chí vì chiến tích này: tôi đã nhịn một bữa để "mua ngoài" cuốn sách đó bằng số tiền bà tôi cho để ăn phở (hồi đó, sách hay cứ vừa in xong là được ngay tuồn cho các hàng sách tư nhân, và không bao giờ có thể mua được trong "mậu dịch").
Nhưng, Solzhenitsyn là ai?
*
Tôi tự đặt ra nhiệm vụ phải tìm hiểu về Solzhenitsyn. May mà vào giai đoạn đó, nước Hung đã khá tự do trong trao đổi thông tin: tôi có thể dễ dàng tìm lại trong thư tịch những gì người ta viết về Solzhenitsyn, dĩ nhiên là vẫn theo quan điểm "hiện thực xã hội chủ nghĩa". Trong vòng gần một năm trời, tôi đã thu thập được biết bao tư liệu. Tôi được nghe lời khen của Lukács György (Georg Lucas) - triết gia, nhà mỹ học lừng danh người Hung, người sáng lập trường phái triết học & mỹ học Hung thế kỷ XX - dành cho Solzhenitsyn sau khi truyện vừa "Một ngày trong đời của Ivan Denisovich" được tạp chí "Thế giới mới" (Novy Mir) ấn hành năm 1962; không ít người cho rằng chủ nghĩa cộng sản hiện thực rạn nứt và lung lay kể từ thời điểm ấy. Tôi được biết nhiều chi tiết về cuộc đấu tranh của Solzhenitsyn ở Liên Xô trong thập niên 60, đòi quyền tự do sáng tác, tự do ngôn luận. Tôi cũng được đọc về vụ trục xuất Solzhenitsyn khỏi Liên Xô năm 1973: nhà văn một mực không chịu rời Tổ quốc và chỉ chấp nhận ra đi khi bị cưỡng ép; vì thế, không bao giờ ông bắt tay những trí thức Nga lưu vong mà ông cho rằng họ đã TỰ NGUYỆN rời bỏ đất nước.
Lần lượt, trong những năm sau, tôi đã tìm đọc các tác phẩm chính của Solzhenitsyn, lúc đó dần dần được dịch ra tiếng Hung, như "Gulag - Quần đảo ngục tù", "Vòng đầu địa ngục", "Khu ung thư", "Tuyển tập truyện ngắn", "Tháng Tám năm 1914"... Những cuốn sách đó đã khiến tôi không thất vọng về Solzhenitsyn, trên cương vị một chiến sĩ, một tiên tri, một nhà đạo đức của tính cách Nga, ý chí Nga và xã hội Nga. Trong số ấy, có nhiều tác phẩm thật lớn, hoàn toàn có thể tiếp nối truyền thống nhân văn cổ điển Nga của Dostoyevsky, Leon Tolstoy..., hay truyền thống dân chủ Nga của Dobrolyubov, Chernyshevsky...
Nhưng, tôi vẫn thấy thiêu thiếu một cái gì đó. Chẳng hạn, một tâm hồn Nga thuần khiết, hồn hậu, như tôi đã được biết trong tùy bút và truyện ngắn của Pautovsky ("Bông hồng vàng", "Bình minh mưa"...), trong tiểu thuyết của Pasternak ("Bác sĩ Zhivago"), hay trong thi ca của Akhmatova... Phải chăng, vì quá chú trọng đến vai trò cảnh báo loài người về cái Xấu, cái Vô nhân, mà Solzhenitsyn đã bỏ qua điều đó? Phải giáp mặt, đương đầu và giành giật hàng ngày với cái Tệ hại, cái Gian trá, con người ta ít có thời gian để chăm chút phần hồn thuần túy; âu cũng là điều dễ hiểu, dễ thông cảm và dễ bỏ qua...
*
Cho đến một ngày rất gần đây. Trong khi lục tìm trong thư viện, ngẫu nhiên, tôi tìm thấy mười mấy đoản khúc nằm trong loạt ghi chép mang tựa đề "Vụn vặt"; Solzhenitsyn đặt bút viết chúng vào thời kỳ 1958-1960, khi ông là một giáo viên trung học ở Ryazan và đã thai nghén trên bản thảo những tác phẩm dữ dội nhất mà thế giới chỉ được biết đến nhiều năm sau đó.
Dựa trên nội dung, có thể cho rằng nguồn cảm hứng khiến Solzhenitsyn sáng tác những đoản khúc dễ thương này xuất hiện trong (hoặc ít lâu sau) những năm tù ngục (đầu năm 1945, nhà văn bị bản án 8 năm tù cấm cố và sau đó, bị lưu đày 3 năm ở Kazakstan; ông chỉ được phục hồi danh dự vào đầu năm 1956). Đọc chúng, sau những con chữ hiền hòa, xứng đáng là những trang đẹp nhất của văn học trữ tình Nga, tôi lờ mờ cảm nhận được sự trăn trở, day dứt của một tâm thức Nga truyền thống, đang đứng trước ngưỡng cửa của sự nổi giận, cuồng nộ và bão tố.
Dĩ nhiên, rất có thể tôi nhầm: sở dĩ tôi có cảm giác này đơn thuần chỉ vì trước đó tôi đã đọc những tác phẩm "chiến đấu" của Solzhenitsyn? Cũng chả có gì quan trọng lắm...
Dù sao đi nữa, dịch lại những đoản khúc dễ thương này, tôi muốn chia sẻ một nét có lẽ ít được biết đến của Solzhenitsyn, con người bị đa số độc giả, ngày nay, coi là đã "lỗi thời", là "lẩn thẩn". Có thể. Nhưng khi nhận xét về ông, phải chăng, chúng ta nên nhớ đến một con người vĩ đại, từng dùng ngòi bút làm rạn nứt thể chế độc đoán và gây dựng lại tinh thần Nga sau bao năm bị băng hoại.
Làm được việc ấy, có mấy ai?...
(Ghi chú: Một số mẩu dưới đây, đã đăng trên "Tia Sáng" ở Việt Nam)
***
THỞ
Cơn mưa bụi lất phất vào buổi đêm và đến giờ, những đám mây vần vũ bao phủ bầu trời và thỉnh thoảng, vẫn lất phất vài hạt mưa.
Tôi đứng dưới cành táo đang trổ hoa và hít thở. Không chỉ cành táo mà bốn bề quanh đó, cây cỏ cũng ướt đầm sau cơn mưa và không thể gọi tên cái mùi thơm ngọt ngào thấm đẫm không trung. Tôi hít đầy phổi và cái hương vị ấy ngập tràn lồng ngực, tôi thở, thở gấp, lúc mở mắt, lúc nhắm nghiền, tôi không biết thế nào thích hơn.
Vâng, tôi cho rằng đây là tự do, thứ tự do duy nhất nhưng cũng quí giá nhất mà tù ngục đã lấy đi của chúng tôi, nó không cho chúng tôi hít thở khí trời như thế này, ở đây. Chẳng có đồ ăn, thức uống gì trên thế gian này, kể cả nụ hôn của người đàn bà, lại ngọt ngào hơn dưỡng khí, hơn bầu không khí đẫm trong hoa lá, ẩm ướt và trong lành này.
Chỉ là một mảnh vườn bé tí tẹo bị chặn giữa những tòa nhà hộp bốn tầng, nhưng có sao? Giờ đây, tôi không nghe tiếng động cơ xe máy bình bịch, tiếng gào thét của đài, tiếng gầm gừ của loa phóng thanh. Chừng nào còn có thể hít thở sau cơn mưa dưới cành táo, chừng ấy tôi còn có thể sống!
*
HỒ SEGDEN
Người ta không nói, và không viết về cái hồ này. Như thể đó là một lâu đài bị phù phép, mọi con đường dẫn đến đó đều bị khóa chặt và tại mọi ngả đường, lơ lửng một dấu "cấm", một vạch kẻ đỏ đơn giản, câm lặng. Người hay vật, nếu chạm trán dấu hiệu này, hãy quay lại! Một thế lực trần gian cấm bạn đi tiếp, bay tiếp, dạo tiếp hay trườn tiếp.
Cạnh con đường, trong rừng thông rậm rạp, một toán lính canh ngồi mai phục, lăm lăm máy bộ đàm và súng lục.
Bạn có thể đi vòng quanh cánh rừng thầm lặng để tìm đường đến hồ, nhưng vô hiệu, và không ai có thể trả lời được cho bạn: người dân đã bị hăm dọa và trong cánh rừng này, bạn không thể hỏi ai. Mưa rơi từng hạt, chiều tới, theo âm thanh lúc lắc của cái chuông nhỏ buộc ở cổ bò, lần theo dấu chân những chú bò đầu tiên, bạn đến được hồ. Vừa thoáng thấy mặt hồ bao la thấp thoáng sau hàng cây du, khi chửa đến tận nơi, bạn đã biết bạn sẽ yêu nơi này suốt cuộc đời.
Hồ Segden tròn trịa như thể được vẽ bằng com-pa. Nếu bạn đứng ở một bờ hồ và thét vang (nhưng bạn không thét để khỏi bị phát hiện ra), chỉ có tiếng vang đã mờ nhạt đến được bờ bên kia. Xa lắm. Giải rừng ven bờ ôm lấy hồ. Những hàng cây san sát bên nhau, cánh rừng không để hở một khoảng trống nào. Vừa tới gần mặt nước, toàn bộ bờ hồ trải ra trước bạn: đây giải cát vàng, kia bãi sậy xám rùng mình giận dữ, đó thảm cỏ xanh đang vươn mình. Mặt nước phẳng lỳ như gương, không gợn sóng, đây đó, sát bờ, vẩn vơ vài cánh bèo, nhưng hồ sạch và nước trong veo, nhìn thấu được tận đáy hồ trắng bạch.
Hồ bí mật trong khu rừng bí mật. Hồ ngẩn ngơ nhìn trời, bầu trời nhìn lại hồ. Và không thể biết còn gì khác hay không trên mặt đất, không thể thấy gì từ phía trên cánh rừng. Và nếu có gì đi nữa, cái đó không cần ở đây, thừa thãi.
Phải dọn đến đây sống vĩnh viễn. Tại đây, tâm hồn bạn có thể trào dâng giữa trời và đất, như cái rùng mình của không trung, và bạn có thể nảy sinh những ý tưởng trong sáng, thâm trầm.
Nhưng không được! Một hoàng tử độc ác, một con quỉ mắt chột đã chiếm lấy hồ: đây, nhà nghỉ, nhà tắm của nó. Lũ nhóc của kẻ đê tiện đang câu cá và săn vịt giời từ chiếc thuyền nan. Thoạt tiên, chỉ thấy một quầng khói xanh nhỏ phủ trên hồ, rồi một thoáng sau, một tiếng súng nổ.
Bên kia cánh rừng, cả vùng ngoại ô còng lưng trĩu nặng. Và tại đây, để không ai quấy rầy BỌN CHÚNG, người ta đã chặn mọi nẻo đường, ở đây, cá mú và thú rừng được chăn nuôi riêng cho BỌN CHÚNG. Đây này, còn lại dấu vết: ai đó đốt lửa trại, lửa bị dập và người ấy bị tống khứ.
Cái hồ quí giá bỏ hoang.
Tổ quốc tôi...
*
NẮM TRO TÀN CỦA NHÀ THƠ
Nơi mà bây giờ có một làng tên là Lgovo, một thời từng là thành phố cổ xưa của Olgov, nằm trên con đê cao bên bờ sông Oka. Thời xưa, dân Nga đã trụ lại ở đó không chỉ vì nước ngọt của con sông cuộn sóng, mà còn vì vẻ đẹp thiên nhiên trong vùng. Để tạ ơn Chúa Trời đã khiến người anh trai thoát hiểm một cách kỳ diệu khỏi bàn tay tên sát thủ cùng một dòng máu, Ingvar Igorevich đã xây nên ở đây tu viện Đức Mẹ Maria Thăng thiên. Những lúc trời quang, từ đây có thể phóng tầm mắt rất xa, bao quát cả vùng ngập trong con lũ, và cách đó chừng 35 dặm (1), trên một con đê tương tự, là tháp chuông rất cao của tu viện Thánh John Miệng vàng.
Đại hãn của quân Mông Cổ, vốn là kẻ mê tín, đã tha cho cả hai tu viện đó.
Yakov Petrovich Polonsky cũng coi vùng đất này như máu thịt của ông: ông để lại di chúc muốn được yên nghỉ tại đây. Nhà thơ tin rằng hồn ông sẽ vẩn vơ trên mộ phần và ông sẽ phù hộ cho miền quê hiền hòa này.
Nhưng giờ đây, không còn những mái tròn và không còn nhà thờ, bức tường đá cũng chỉ trơ lại phân nửa, người ta dùng hàng rào gỗ có chằng dây thép gai thế vào đó, và cả vùng quê cổ sơ bị trấn ngự bởi những tháp canh, những con bù nhìn đuổi chim xấu xa rất quen thuộc, quen thuộc vô ngần! Tại cửa ra vào tu viện, có một chòi canh, trên dán một áp-phích với dòng chữ "Hòa bình giữa các dân tộc muôn năm!", kèm ảnh một công nhân Nga ẵm một đứa bé da đen.
Chúng tôi giả bộ như thể không biết gì cả. Giữa những ngôi nhà gỗ của toán lính canh, một cảnh sát trong giờ nghỉ, vận may-ô, cất lời giảng gải:
- Hồi xưa, ở đây có một tu viện, đó là tu viện lớn thứ nhì trên thế giới. Cái lớn nhất là ở Roma, tớ cho là như thế, cái ở Moscow chỉ xếp thứ ba. Dạo trước có một trại trẻ ở đây, cố nhiên lũ trẻ chẳng biết đầu cua tai nheo ra sao, chúng phá phách những bức tường và đập vỡ các tranh Thánh. Về sau, nông trang tập thể mua cả hai tu viện với giá 40 ngàn rúp, chỉ để lấy gạch thôi, người ta muốn xây một chuồng bò dày 6 hàng gạch. Tớ cũng tham gia việc dỡ gạch: mỗi viên nguyên vẹn được trả 50 cô-pếch, viên vỡ được 20. Có điều rất khó gỡ được gạch, lớp vữa dính chặt vào từng viên. Dưới lòng tu viện, bọn tớ phát hiện ra một mộ phần, bên trong có thi thể một giám mục, tất nhiên đã trơ xương, nhưng áo choàng của ổng còn nguyên vẹn. Hai đứa chúng tớ cố tháo ra, nhưng vô hiệu...
- Cậu à, theo bản đồ thì một nhà thơ tên là Polonsky được an táng ở đây. Mộ ông ta đâu nhỉ?
- Các cậu không được vào đó đâu. Mộ ông ấy ở trong khu cấm, chẳng ai được vào. Mà có cái quái gì đáng xem ở đó kia chứ? Tấm bia đã rữa của ổng ư? À, mà chờ tí chút... - anh cảnh sát quay sang hỏi vợ. - Mình đã quật mồ cái ông Polonsky ấy chưa nhỉ?
- Ừ. Người ta mang về Ryazan rồi - người phụ nữ gật đầu, cô ta đang đứng ngoài bậc thềm, miệng tí tách cắn hạt hướng dương.
Tay cảnh sát cũng bật cười và nói:
- Thế là ông ấy được thả tự do rồi!
(1) Dặm Nga (verst) bằng khoảng 1,067km.
*
KHÚC GỖ DU
Chúng tôi xẻ gỗ và khi đụng đến một khúc gỗ du (1), ai nấy phải kêu lên: năm ngoái, người ta hạ cây du này, từ dạo đó họ dùng máy kéo lôi đi và xẻ nó thành nhiều khúc, những khúc gỗ bị quẳng lên xà-lan và xe tải, rồi bị chất thành cột hoặc ném lăn lóc dưới đất, vậy mà khúc gỗ này không chịu đầu hàng! Một chồi xanh nhú lên, ở đó, một cây du tương lai, một nhành cây đầy hứa hẹn rì rào cất tiếng giận hờn.
Chúng tôi đặt khúc gỗ lên giá cưa như thể đưa nó lên đoạn đầu đài, nhưng không làm sao cầm lòng cứa vào cổ nó. Làm sao xẻ được nó cơ chứ? Vì nó cũng muốn sống! Mà nó muốn sống biết bao, còn hơn cả chúng tôi!
(1) Một loại gỗ cứng và bền.
*
ẢNH PHẢN CHIẾU TRÊN LÀN NƯỚC
Trên mặt sông chảy xiết, khó thấy được ảnh phản chiếu, dù xa hay gần, ngay cả khi làn nước trong và không có bọt; sóng gợn liên hồi theo từng tia và lấp loáng không ngừng khiến những hình ảnh phản chiếu trở nên mập mờ, nhòa nhoẹt và khó nắm bắt.
Chỉ đến khi dòng nước đến ngã ba hiền hòa và rộng lớn, bỏ lại đằng sau con sông, nó chậm lại ở đoạn uốn khúc hoặc dừng lại để tạo thành hồ nhỏ, và chẳng buồn rung động, chỉ ở đó mới có thể thấy rõ, trên mặt nước phẳng như gương, từng chiếc lá nhỏ của hàng cây ven bờ, những mảnh vụn còn lông tơ của áng mây và bầu trời xanh thắm, thăm thẳm.
Đời ta cũng vậy. Nếu đến giờ chúng ta vẫn chưa thể nhận ra - hay chưa diễn tả rõ ràng - sự thật bất diệt và đặc thù, thì phải chăng là vì chúng ta còn gắng bươn chải đâu đó - vì chúng ta còn tồn tại?
*
CỤC BỘT
Ở sân nhà chúng tôi, một chàng trai xích Cục bột - một chú chó nhỏ - từ dạo nó còn bé xíu.
Một bận, tôi mang cho nó vài mẩu xương gà, còn nóng hổi và thơm phức. Vừa lúc đó, chàng trai mở khóa xích thả con chó chạy rông đôi chút trong sân. Một tấm màn tuyết dày, mềm mại phủ kín sân, Cục bột khoan khoái nhảy nhót trên đó như một con thỏ, nó nhún, lúc thì chân trước, lúc chân sau, nhào từ góc sân này sang góc kia rồi quặt lại, mũi chúi xuống nền tuyết.
Nó chạy đến chỗ tôi - bộ lông ướt đầm vì tuyết chảy -, nó nhảy quanh người tôi, đánh hơi mấy mẩu xương, rồi lại vù chạy và ngập trong tuyết tới bụng!
Tôi chả cần xương, nó nói, nếu được tự do!
*
GIỎ NÔNG TRANG
Nếu bạn đi xe buýt liên tỉnh và bạn bị cạnh cái giỏ cứng như đinh của ai đó quệt vào ngực hay vào cạnh sườn, bạn chớ lên tiếng nguyền rủa mà hãy quan sát thật kỹ cái giỏ bằng vỏ cây, đeo trên vai bằng một dây vải tua rộng bản. Chủ nhân của nó chở sữa, pho-mát tươi, cà chua - của bà và của cả hai láng giềng - lên thành phố, rồi từ thành phố, bà lại mang về dăm chục mẩu bánh mì tròn cho ba gia đình.
Thứ giỏ miệng loe, bền và rẻ tiền này của các bà, các cô, không thể sánh với những loại túi thể thao màu sắc, có biết bao ngăn và khuy cài sáng choang. Thứ giỏ ấy có thể tải một sức nặng khiến dây đeo vai của nó, thấu qua chiếc áo gi-lê ấm áp, vẫn khiến đôi vai dãi dàu của người nông dân phải đau đớn khôn cùng.
Vì thế, các bà, các cô phải đeo nó theo cách sau đây: đặt chiếc giỏ cân đối sau lưng, căng sợi dây đeo ngang trước ngực như một thứ yên cương. Bằng cách đó, trọng lượng sẽ được xẻ đều xuống hai vai và ngực.
Các bạn viết của tôi ơi! Tôi không bảo các bạn hãy thử đeo trên lưng thứ giỏ như thế. Nhưng nếu các bạn thấy khó chịu khi bị thúc vào cạnh sườn, xin mời các bạn hãy đi tắc-xi!
*
LỬA TRẠI VÀ BẦY KIẾN
Tôi quẳng vào lửa một khúc gỗ mục, không để ý đến đàn kiến ngụ trong đó.
Khúc gỗ tức thì kêu đôm đốp, bầy kiến tỏa ra và tháo chạy quyết liệt, chúng nhào lên đỉnh khúc gỗ rồi quay cuồng và bị thiêu cháy trong ngọn lửa. Tôi treo khúc gỗ lên và lăn nó ra rìa đống lửa. Như thế, nhiều con kiến thoát nạn, chúng ùa ra bãi cát hoặc đám lá thông. Nhưng lạ nhất là bầy kiến không chạy khỏi đống lửa. Vừa qua cơn hoảng hốt, lũ kiến quay lại và chạy vòng quanh đống lửa, có một ma lực nào đó khiến chúng trở về với ngôi nhà bị bỏ rơi! - trong số chúng, nhiều con trèo lại lên khúc gỗ đang cháy dở, lăng xăng ngang dọc rồi chết cháy tại đó.
*
CHÚNG TA CHẲNG BAO GIỜ CHẾT, THẾ ĐẤY!
Ngày nay, chúng ta sợ người quá cố và cái chết vào bậc nhất.
Nếu ai đó trong gia đình qua đời, chúng ta cố tránh thư từ và thăm hỏi - chúng ta chẳng biết có thể nói điều gì về cái chết...
Mà chúng ta còn phải ngượng ngập khi coi nghĩa trang là một cái gì đó nghiêm trang. Ở nơi làm việc, con người ta không thể nói "tớ không đi làm ca chủ nhật vì tờ còn phải đến thăm người đã khuất ngoài nghĩa địa". Thử hỏi vậy là sao, đi thăm những kẻ không còn biết ăn ư?
Bạn muốn chuyển một tử thi từ thành phố này sang thành phố khác? Nhảm nhí đến thế là cùng! Chẳng ai cho xe chở đâu. Và hiện tại, những kẻ thấp cổ bé họng chẳng được ai đưa tiễn trong thành phố cùng phường bát âm: người quá cố sẽ bị chở đi ngay bằng xe tải.
Có một thời, vào chủ nhật, ai nấy đều đến nghĩa trang, đi dạo giữa những hàng mộ, cất tiếng hát và đốt trầm hương. Trái tim đã hòa dịu, vết thương bởi cái chết không thể tránh khỏi cũng chẳng còn đè nặng quá đau đớn lên người sống. Như thể những người đã khuất hơi mỉm cười với chúng ta từ nấm mồ đã xanh cỏ: "Bình tĩnh nào! Có gì đâu!"
Giờ đây, ngược lại, nếu có nghĩa trang đi nữa thì ở đó, cũng chỉ lơ láo một tấm bảng: "Chủ mộ! Để khỏi bị phạt, hãy dọn sạch rác rưởi năm ngoái!" Nhưng người ta còn hay giải tán các nghĩa trang, san bằng chúng bằng xe ủi để xây sân thể thao hoặc công viên ở đó.
Và cũng có những người đã hi sinh vì tổ quốc, một điều có thể xảy ra với bạn hay với tôi. Đã có thời Giáo hội qui định một ngày tưởng niệm những ai đã ngã xuống nơi chiến trường. Tại Anh, mọi người nhớ đến họ trong ngày Hoa anh túc. Mọi dân tộc đều dành một ngày cho những kẻ đã bỏ mình vì tất cả chúng ta.
Ở ta, hơn bất cứ một dân tộc nào, đã có biết bao người hi sinh cho chúng ta, vậy mà chúng ta không hề có một ngày kỷ niệm dành cho họ. Nếu bạn dừng chân và mơ tưởng đến người đã khuất, ai sẽ là kẻ đặt viên gạch đầu? Trong ba cuộc chiến tranh, chúng ta đã mất bao nhiêu người chồng, bao nhiêu chàng trai và bao nhiêu vị hôn phu - các người, lũ khốn khổ, cứ ở đó, dưới những cây thánh giá, chớ quấy rầy đời chúng tôi. Vì chúng tôi sẽ không bao giờ chết, thế đấy!
*
THỂ DỤC BUỔI SÁNG
Bình minh vừa rạng, ba mươi chàng trai chạy ra bìa rừng thưa và xếp thành hàng lối, mặt hướng về mặt trời. Rồi họ bắt đầu uốn người, ngồi xổm, vặn thân, hít đất, tập động tác tay, uốn tay, uốn đầu gối trong một phần tư giờ đồng hồ.
Nhìn từ xa, bạn có thể tưởng họ đang cầu nguyện.
Ngày nay, chẳng ai ngạc nhiên khi hàng ngày, con người kiên nhẫn quan tâm đến cơ thể mình.
Nhưng ai nấy sẽ tức giận đến mức nào nếu họ thấy bạn cũng quan tâm như thế đến tâm hồn bạn.
Không, đó không phải là một buổi cầu kinh. Đó là thể dục buổi sáng.
(HL chuyển ngữ theo bản tiếng Hung)
Tôi nghe đến cái tên Solzhenitsyn lần đầu tiên vào khoảng năm 1988.
Lúc đó, ở Liên Xô, Gorbachev đã tuyên bố "cải tổ" và "công khai" được một thời gian. Tại Hung, một nhà xuất bản chuyên ấn hành các văn kiện của Đảng Công nhân Xã hội Hung (tức Đảng Cộng sản) đã cho in bản báo cáo mật của Khrushchev, một hành động mà trước đó, mấy thập niên, chính tác giả Khrushchev đã cho là "giặt áo bẩn trước mắt người lạ". Dân Hung dạo đó rất hồ hởi, phấn khích trước viễn cảnh "tự do", "dân chủ", "đa nguyên", "hiến pháp"..., những ngôn từ thường được nghe trên cửa miệng những ai quan tâm đến thế sự.
Một bận, đọc một bài phê bình văn học về các giải Nobel Văn chương Liên Xô, một tác giả rất nổi tiếng của Hung đã buông một nhận xét khiến tôi sửng sốt. Đại loại, ông ta bảo: ngoại trừ Bunin đã ra nước ngoài sau biến cố tháng 10-1917 và Pasternak từ chối giải Nobel (chính xác hơn là bị buộc phải từ chối) - hơn nữa, phải gọi cả hai là "nhà văn Nga" thì đúng hơn "nhà văn Xô-viết" -, nếu có một nhà văn Liên Xô nào xứng đáng là người nối tiếp truyền thống nhân văn của nền văn học cổ điển Nga thế kỷ XIX, người đó phải là Solzhenitsyn, chứ không phải Sholokhov!
Sholokhov dĩ nhiên tôi biết. Khá rõ. Từ nhỏ, tôi đã đọc "Sông Đông êm đềm", đã nghe chuyện các dịch giả bộ sách kỳ vĩ đó, cuối thập niên 50, từng được sang vùng sông Đông "tập huấn" cả năm trời để chuyển ngữ cuốn sách cho thật sát, thật hay. Về sau, khi lên cấp 2, có lần tôi được thưởng cuốn "Số phận con người", bản tiếng Nga, vì thành tích học khá; phải thú thực là tôi chỉ đọc có một hai dòng bản Nga ngữ đó, rồi bỏ xó, vì khó hiểu. Rồi những năm cuối ở trường phổ thông, tôi "tậu" thêm được "Họ chiến đấu vì Tổ quốc" và tỏ ra rất thích chí vì chiến tích này: tôi đã nhịn một bữa để "mua ngoài" cuốn sách đó bằng số tiền bà tôi cho để ăn phở (hồi đó, sách hay cứ vừa in xong là được ngay tuồn cho các hàng sách tư nhân, và không bao giờ có thể mua được trong "mậu dịch").
Nhưng, Solzhenitsyn là ai?
*
Tôi tự đặt ra nhiệm vụ phải tìm hiểu về Solzhenitsyn. May mà vào giai đoạn đó, nước Hung đã khá tự do trong trao đổi thông tin: tôi có thể dễ dàng tìm lại trong thư tịch những gì người ta viết về Solzhenitsyn, dĩ nhiên là vẫn theo quan điểm "hiện thực xã hội chủ nghĩa". Trong vòng gần một năm trời, tôi đã thu thập được biết bao tư liệu. Tôi được nghe lời khen của Lukács György (Georg Lucas) - triết gia, nhà mỹ học lừng danh người Hung, người sáng lập trường phái triết học & mỹ học Hung thế kỷ XX - dành cho Solzhenitsyn sau khi truyện vừa "Một ngày trong đời của Ivan Denisovich" được tạp chí "Thế giới mới" (Novy Mir) ấn hành năm 1962; không ít người cho rằng chủ nghĩa cộng sản hiện thực rạn nứt và lung lay kể từ thời điểm ấy. Tôi được biết nhiều chi tiết về cuộc đấu tranh của Solzhenitsyn ở Liên Xô trong thập niên 60, đòi quyền tự do sáng tác, tự do ngôn luận. Tôi cũng được đọc về vụ trục xuất Solzhenitsyn khỏi Liên Xô năm 1973: nhà văn một mực không chịu rời Tổ quốc và chỉ chấp nhận ra đi khi bị cưỡng ép; vì thế, không bao giờ ông bắt tay những trí thức Nga lưu vong mà ông cho rằng họ đã TỰ NGUYỆN rời bỏ đất nước.
Lần lượt, trong những năm sau, tôi đã tìm đọc các tác phẩm chính của Solzhenitsyn, lúc đó dần dần được dịch ra tiếng Hung, như "Gulag - Quần đảo ngục tù", "Vòng đầu địa ngục", "Khu ung thư", "Tuyển tập truyện ngắn", "Tháng Tám năm 1914"... Những cuốn sách đó đã khiến tôi không thất vọng về Solzhenitsyn, trên cương vị một chiến sĩ, một tiên tri, một nhà đạo đức của tính cách Nga, ý chí Nga và xã hội Nga. Trong số ấy, có nhiều tác phẩm thật lớn, hoàn toàn có thể tiếp nối truyền thống nhân văn cổ điển Nga của Dostoyevsky, Leon Tolstoy..., hay truyền thống dân chủ Nga của Dobrolyubov, Chernyshevsky...
Nhưng, tôi vẫn thấy thiêu thiếu một cái gì đó. Chẳng hạn, một tâm hồn Nga thuần khiết, hồn hậu, như tôi đã được biết trong tùy bút và truyện ngắn của Pautovsky ("Bông hồng vàng", "Bình minh mưa"...), trong tiểu thuyết của Pasternak ("Bác sĩ Zhivago"), hay trong thi ca của Akhmatova... Phải chăng, vì quá chú trọng đến vai trò cảnh báo loài người về cái Xấu, cái Vô nhân, mà Solzhenitsyn đã bỏ qua điều đó? Phải giáp mặt, đương đầu và giành giật hàng ngày với cái Tệ hại, cái Gian trá, con người ta ít có thời gian để chăm chút phần hồn thuần túy; âu cũng là điều dễ hiểu, dễ thông cảm và dễ bỏ qua...
*
Cho đến một ngày rất gần đây. Trong khi lục tìm trong thư viện, ngẫu nhiên, tôi tìm thấy mười mấy đoản khúc nằm trong loạt ghi chép mang tựa đề "Vụn vặt"; Solzhenitsyn đặt bút viết chúng vào thời kỳ 1958-1960, khi ông là một giáo viên trung học ở Ryazan và đã thai nghén trên bản thảo những tác phẩm dữ dội nhất mà thế giới chỉ được biết đến nhiều năm sau đó.
Dựa trên nội dung, có thể cho rằng nguồn cảm hứng khiến Solzhenitsyn sáng tác những đoản khúc dễ thương này xuất hiện trong (hoặc ít lâu sau) những năm tù ngục (đầu năm 1945, nhà văn bị bản án 8 năm tù cấm cố và sau đó, bị lưu đày 3 năm ở Kazakstan; ông chỉ được phục hồi danh dự vào đầu năm 1956). Đọc chúng, sau những con chữ hiền hòa, xứng đáng là những trang đẹp nhất của văn học trữ tình Nga, tôi lờ mờ cảm nhận được sự trăn trở, day dứt của một tâm thức Nga truyền thống, đang đứng trước ngưỡng cửa của sự nổi giận, cuồng nộ và bão tố.
Dĩ nhiên, rất có thể tôi nhầm: sở dĩ tôi có cảm giác này đơn thuần chỉ vì trước đó tôi đã đọc những tác phẩm "chiến đấu" của Solzhenitsyn? Cũng chả có gì quan trọng lắm...
Dù sao đi nữa, dịch lại những đoản khúc dễ thương này, tôi muốn chia sẻ một nét có lẽ ít được biết đến của Solzhenitsyn, con người bị đa số độc giả, ngày nay, coi là đã "lỗi thời", là "lẩn thẩn". Có thể. Nhưng khi nhận xét về ông, phải chăng, chúng ta nên nhớ đến một con người vĩ đại, từng dùng ngòi bút làm rạn nứt thể chế độc đoán và gây dựng lại tinh thần Nga sau bao năm bị băng hoại.
Làm được việc ấy, có mấy ai?...
(Ghi chú: Một số mẩu dưới đây, đã đăng trên "Tia Sáng" ở Việt Nam)
***
THỞ
Cơn mưa bụi lất phất vào buổi đêm và đến giờ, những đám mây vần vũ bao phủ bầu trời và thỉnh thoảng, vẫn lất phất vài hạt mưa.
Tôi đứng dưới cành táo đang trổ hoa và hít thở. Không chỉ cành táo mà bốn bề quanh đó, cây cỏ cũng ướt đầm sau cơn mưa và không thể gọi tên cái mùi thơm ngọt ngào thấm đẫm không trung. Tôi hít đầy phổi và cái hương vị ấy ngập tràn lồng ngực, tôi thở, thở gấp, lúc mở mắt, lúc nhắm nghiền, tôi không biết thế nào thích hơn.
Vâng, tôi cho rằng đây là tự do, thứ tự do duy nhất nhưng cũng quí giá nhất mà tù ngục đã lấy đi của chúng tôi, nó không cho chúng tôi hít thở khí trời như thế này, ở đây. Chẳng có đồ ăn, thức uống gì trên thế gian này, kể cả nụ hôn của người đàn bà, lại ngọt ngào hơn dưỡng khí, hơn bầu không khí đẫm trong hoa lá, ẩm ướt và trong lành này.
Chỉ là một mảnh vườn bé tí tẹo bị chặn giữa những tòa nhà hộp bốn tầng, nhưng có sao? Giờ đây, tôi không nghe tiếng động cơ xe máy bình bịch, tiếng gào thét của đài, tiếng gầm gừ của loa phóng thanh. Chừng nào còn có thể hít thở sau cơn mưa dưới cành táo, chừng ấy tôi còn có thể sống!
*
HỒ SEGDEN
Người ta không nói, và không viết về cái hồ này. Như thể đó là một lâu đài bị phù phép, mọi con đường dẫn đến đó đều bị khóa chặt và tại mọi ngả đường, lơ lửng một dấu "cấm", một vạch kẻ đỏ đơn giản, câm lặng. Người hay vật, nếu chạm trán dấu hiệu này, hãy quay lại! Một thế lực trần gian cấm bạn đi tiếp, bay tiếp, dạo tiếp hay trườn tiếp.
Cạnh con đường, trong rừng thông rậm rạp, một toán lính canh ngồi mai phục, lăm lăm máy bộ đàm và súng lục.
Bạn có thể đi vòng quanh cánh rừng thầm lặng để tìm đường đến hồ, nhưng vô hiệu, và không ai có thể trả lời được cho bạn: người dân đã bị hăm dọa và trong cánh rừng này, bạn không thể hỏi ai. Mưa rơi từng hạt, chiều tới, theo âm thanh lúc lắc của cái chuông nhỏ buộc ở cổ bò, lần theo dấu chân những chú bò đầu tiên, bạn đến được hồ. Vừa thoáng thấy mặt hồ bao la thấp thoáng sau hàng cây du, khi chửa đến tận nơi, bạn đã biết bạn sẽ yêu nơi này suốt cuộc đời.
Hồ Segden tròn trịa như thể được vẽ bằng com-pa. Nếu bạn đứng ở một bờ hồ và thét vang (nhưng bạn không thét để khỏi bị phát hiện ra), chỉ có tiếng vang đã mờ nhạt đến được bờ bên kia. Xa lắm. Giải rừng ven bờ ôm lấy hồ. Những hàng cây san sát bên nhau, cánh rừng không để hở một khoảng trống nào. Vừa tới gần mặt nước, toàn bộ bờ hồ trải ra trước bạn: đây giải cát vàng, kia bãi sậy xám rùng mình giận dữ, đó thảm cỏ xanh đang vươn mình. Mặt nước phẳng lỳ như gương, không gợn sóng, đây đó, sát bờ, vẩn vơ vài cánh bèo, nhưng hồ sạch và nước trong veo, nhìn thấu được tận đáy hồ trắng bạch.
Hồ bí mật trong khu rừng bí mật. Hồ ngẩn ngơ nhìn trời, bầu trời nhìn lại hồ. Và không thể biết còn gì khác hay không trên mặt đất, không thể thấy gì từ phía trên cánh rừng. Và nếu có gì đi nữa, cái đó không cần ở đây, thừa thãi.
Phải dọn đến đây sống vĩnh viễn. Tại đây, tâm hồn bạn có thể trào dâng giữa trời và đất, như cái rùng mình của không trung, và bạn có thể nảy sinh những ý tưởng trong sáng, thâm trầm.
Nhưng không được! Một hoàng tử độc ác, một con quỉ mắt chột đã chiếm lấy hồ: đây, nhà nghỉ, nhà tắm của nó. Lũ nhóc của kẻ đê tiện đang câu cá và săn vịt giời từ chiếc thuyền nan. Thoạt tiên, chỉ thấy một quầng khói xanh nhỏ phủ trên hồ, rồi một thoáng sau, một tiếng súng nổ.
Bên kia cánh rừng, cả vùng ngoại ô còng lưng trĩu nặng. Và tại đây, để không ai quấy rầy BỌN CHÚNG, người ta đã chặn mọi nẻo đường, ở đây, cá mú và thú rừng được chăn nuôi riêng cho BỌN CHÚNG. Đây này, còn lại dấu vết: ai đó đốt lửa trại, lửa bị dập và người ấy bị tống khứ.
Cái hồ quí giá bỏ hoang.
Tổ quốc tôi...
*
NẮM TRO TÀN CỦA NHÀ THƠ
Nơi mà bây giờ có một làng tên là Lgovo, một thời từng là thành phố cổ xưa của Olgov, nằm trên con đê cao bên bờ sông Oka. Thời xưa, dân Nga đã trụ lại ở đó không chỉ vì nước ngọt của con sông cuộn sóng, mà còn vì vẻ đẹp thiên nhiên trong vùng. Để tạ ơn Chúa Trời đã khiến người anh trai thoát hiểm một cách kỳ diệu khỏi bàn tay tên sát thủ cùng một dòng máu, Ingvar Igorevich đã xây nên ở đây tu viện Đức Mẹ Maria Thăng thiên. Những lúc trời quang, từ đây có thể phóng tầm mắt rất xa, bao quát cả vùng ngập trong con lũ, và cách đó chừng 35 dặm (1), trên một con đê tương tự, là tháp chuông rất cao của tu viện Thánh John Miệng vàng.
Đại hãn của quân Mông Cổ, vốn là kẻ mê tín, đã tha cho cả hai tu viện đó.
Yakov Petrovich Polonsky cũng coi vùng đất này như máu thịt của ông: ông để lại di chúc muốn được yên nghỉ tại đây. Nhà thơ tin rằng hồn ông sẽ vẩn vơ trên mộ phần và ông sẽ phù hộ cho miền quê hiền hòa này.
Nhưng giờ đây, không còn những mái tròn và không còn nhà thờ, bức tường đá cũng chỉ trơ lại phân nửa, người ta dùng hàng rào gỗ có chằng dây thép gai thế vào đó, và cả vùng quê cổ sơ bị trấn ngự bởi những tháp canh, những con bù nhìn đuổi chim xấu xa rất quen thuộc, quen thuộc vô ngần! Tại cửa ra vào tu viện, có một chòi canh, trên dán một áp-phích với dòng chữ "Hòa bình giữa các dân tộc muôn năm!", kèm ảnh một công nhân Nga ẵm một đứa bé da đen.
Chúng tôi giả bộ như thể không biết gì cả. Giữa những ngôi nhà gỗ của toán lính canh, một cảnh sát trong giờ nghỉ, vận may-ô, cất lời giảng gải:
- Hồi xưa, ở đây có một tu viện, đó là tu viện lớn thứ nhì trên thế giới. Cái lớn nhất là ở Roma, tớ cho là như thế, cái ở Moscow chỉ xếp thứ ba. Dạo trước có một trại trẻ ở đây, cố nhiên lũ trẻ chẳng biết đầu cua tai nheo ra sao, chúng phá phách những bức tường và đập vỡ các tranh Thánh. Về sau, nông trang tập thể mua cả hai tu viện với giá 40 ngàn rúp, chỉ để lấy gạch thôi, người ta muốn xây một chuồng bò dày 6 hàng gạch. Tớ cũng tham gia việc dỡ gạch: mỗi viên nguyên vẹn được trả 50 cô-pếch, viên vỡ được 20. Có điều rất khó gỡ được gạch, lớp vữa dính chặt vào từng viên. Dưới lòng tu viện, bọn tớ phát hiện ra một mộ phần, bên trong có thi thể một giám mục, tất nhiên đã trơ xương, nhưng áo choàng của ổng còn nguyên vẹn. Hai đứa chúng tớ cố tháo ra, nhưng vô hiệu...
- Cậu à, theo bản đồ thì một nhà thơ tên là Polonsky được an táng ở đây. Mộ ông ta đâu nhỉ?
- Các cậu không được vào đó đâu. Mộ ông ấy ở trong khu cấm, chẳng ai được vào. Mà có cái quái gì đáng xem ở đó kia chứ? Tấm bia đã rữa của ổng ư? À, mà chờ tí chút... - anh cảnh sát quay sang hỏi vợ. - Mình đã quật mồ cái ông Polonsky ấy chưa nhỉ?
- Ừ. Người ta mang về Ryazan rồi - người phụ nữ gật đầu, cô ta đang đứng ngoài bậc thềm, miệng tí tách cắn hạt hướng dương.
Tay cảnh sát cũng bật cười và nói:
- Thế là ông ấy được thả tự do rồi!
(1) Dặm Nga (verst) bằng khoảng 1,067km.
*
KHÚC GỖ DU
Chúng tôi xẻ gỗ và khi đụng đến một khúc gỗ du (1), ai nấy phải kêu lên: năm ngoái, người ta hạ cây du này, từ dạo đó họ dùng máy kéo lôi đi và xẻ nó thành nhiều khúc, những khúc gỗ bị quẳng lên xà-lan và xe tải, rồi bị chất thành cột hoặc ném lăn lóc dưới đất, vậy mà khúc gỗ này không chịu đầu hàng! Một chồi xanh nhú lên, ở đó, một cây du tương lai, một nhành cây đầy hứa hẹn rì rào cất tiếng giận hờn.
Chúng tôi đặt khúc gỗ lên giá cưa như thể đưa nó lên đoạn đầu đài, nhưng không làm sao cầm lòng cứa vào cổ nó. Làm sao xẻ được nó cơ chứ? Vì nó cũng muốn sống! Mà nó muốn sống biết bao, còn hơn cả chúng tôi!
(1) Một loại gỗ cứng và bền.
*
ẢNH PHẢN CHIẾU TRÊN LÀN NƯỚC
Trên mặt sông chảy xiết, khó thấy được ảnh phản chiếu, dù xa hay gần, ngay cả khi làn nước trong và không có bọt; sóng gợn liên hồi theo từng tia và lấp loáng không ngừng khiến những hình ảnh phản chiếu trở nên mập mờ, nhòa nhoẹt và khó nắm bắt.
Chỉ đến khi dòng nước đến ngã ba hiền hòa và rộng lớn, bỏ lại đằng sau con sông, nó chậm lại ở đoạn uốn khúc hoặc dừng lại để tạo thành hồ nhỏ, và chẳng buồn rung động, chỉ ở đó mới có thể thấy rõ, trên mặt nước phẳng như gương, từng chiếc lá nhỏ của hàng cây ven bờ, những mảnh vụn còn lông tơ của áng mây và bầu trời xanh thắm, thăm thẳm.
Đời ta cũng vậy. Nếu đến giờ chúng ta vẫn chưa thể nhận ra - hay chưa diễn tả rõ ràng - sự thật bất diệt và đặc thù, thì phải chăng là vì chúng ta còn gắng bươn chải đâu đó - vì chúng ta còn tồn tại?
*
CỤC BỘT
Ở sân nhà chúng tôi, một chàng trai xích Cục bột - một chú chó nhỏ - từ dạo nó còn bé xíu.
Một bận, tôi mang cho nó vài mẩu xương gà, còn nóng hổi và thơm phức. Vừa lúc đó, chàng trai mở khóa xích thả con chó chạy rông đôi chút trong sân. Một tấm màn tuyết dày, mềm mại phủ kín sân, Cục bột khoan khoái nhảy nhót trên đó như một con thỏ, nó nhún, lúc thì chân trước, lúc chân sau, nhào từ góc sân này sang góc kia rồi quặt lại, mũi chúi xuống nền tuyết.
Nó chạy đến chỗ tôi - bộ lông ướt đầm vì tuyết chảy -, nó nhảy quanh người tôi, đánh hơi mấy mẩu xương, rồi lại vù chạy và ngập trong tuyết tới bụng!
Tôi chả cần xương, nó nói, nếu được tự do!
*
GIỎ NÔNG TRANG
Nếu bạn đi xe buýt liên tỉnh và bạn bị cạnh cái giỏ cứng như đinh của ai đó quệt vào ngực hay vào cạnh sườn, bạn chớ lên tiếng nguyền rủa mà hãy quan sát thật kỹ cái giỏ bằng vỏ cây, đeo trên vai bằng một dây vải tua rộng bản. Chủ nhân của nó chở sữa, pho-mát tươi, cà chua - của bà và của cả hai láng giềng - lên thành phố, rồi từ thành phố, bà lại mang về dăm chục mẩu bánh mì tròn cho ba gia đình.
Thứ giỏ miệng loe, bền và rẻ tiền này của các bà, các cô, không thể sánh với những loại túi thể thao màu sắc, có biết bao ngăn và khuy cài sáng choang. Thứ giỏ ấy có thể tải một sức nặng khiến dây đeo vai của nó, thấu qua chiếc áo gi-lê ấm áp, vẫn khiến đôi vai dãi dàu của người nông dân phải đau đớn khôn cùng.
Vì thế, các bà, các cô phải đeo nó theo cách sau đây: đặt chiếc giỏ cân đối sau lưng, căng sợi dây đeo ngang trước ngực như một thứ yên cương. Bằng cách đó, trọng lượng sẽ được xẻ đều xuống hai vai và ngực.
Các bạn viết của tôi ơi! Tôi không bảo các bạn hãy thử đeo trên lưng thứ giỏ như thế. Nhưng nếu các bạn thấy khó chịu khi bị thúc vào cạnh sườn, xin mời các bạn hãy đi tắc-xi!
*
LỬA TRẠI VÀ BẦY KIẾN
Tôi quẳng vào lửa một khúc gỗ mục, không để ý đến đàn kiến ngụ trong đó.
Khúc gỗ tức thì kêu đôm đốp, bầy kiến tỏa ra và tháo chạy quyết liệt, chúng nhào lên đỉnh khúc gỗ rồi quay cuồng và bị thiêu cháy trong ngọn lửa. Tôi treo khúc gỗ lên và lăn nó ra rìa đống lửa. Như thế, nhiều con kiến thoát nạn, chúng ùa ra bãi cát hoặc đám lá thông. Nhưng lạ nhất là bầy kiến không chạy khỏi đống lửa. Vừa qua cơn hoảng hốt, lũ kiến quay lại và chạy vòng quanh đống lửa, có một ma lực nào đó khiến chúng trở về với ngôi nhà bị bỏ rơi! - trong số chúng, nhiều con trèo lại lên khúc gỗ đang cháy dở, lăng xăng ngang dọc rồi chết cháy tại đó.
*
CHÚNG TA CHẲNG BAO GIỜ CHẾT, THẾ ĐẤY!
Ngày nay, chúng ta sợ người quá cố và cái chết vào bậc nhất.
Nếu ai đó trong gia đình qua đời, chúng ta cố tránh thư từ và thăm hỏi - chúng ta chẳng biết có thể nói điều gì về cái chết...
Mà chúng ta còn phải ngượng ngập khi coi nghĩa trang là một cái gì đó nghiêm trang. Ở nơi làm việc, con người ta không thể nói "tớ không đi làm ca chủ nhật vì tờ còn phải đến thăm người đã khuất ngoài nghĩa địa". Thử hỏi vậy là sao, đi thăm những kẻ không còn biết ăn ư?
Bạn muốn chuyển một tử thi từ thành phố này sang thành phố khác? Nhảm nhí đến thế là cùng! Chẳng ai cho xe chở đâu. Và hiện tại, những kẻ thấp cổ bé họng chẳng được ai đưa tiễn trong thành phố cùng phường bát âm: người quá cố sẽ bị chở đi ngay bằng xe tải.
Có một thời, vào chủ nhật, ai nấy đều đến nghĩa trang, đi dạo giữa những hàng mộ, cất tiếng hát và đốt trầm hương. Trái tim đã hòa dịu, vết thương bởi cái chết không thể tránh khỏi cũng chẳng còn đè nặng quá đau đớn lên người sống. Như thể những người đã khuất hơi mỉm cười với chúng ta từ nấm mồ đã xanh cỏ: "Bình tĩnh nào! Có gì đâu!"
Giờ đây, ngược lại, nếu có nghĩa trang đi nữa thì ở đó, cũng chỉ lơ láo một tấm bảng: "Chủ mộ! Để khỏi bị phạt, hãy dọn sạch rác rưởi năm ngoái!" Nhưng người ta còn hay giải tán các nghĩa trang, san bằng chúng bằng xe ủi để xây sân thể thao hoặc công viên ở đó.
Và cũng có những người đã hi sinh vì tổ quốc, một điều có thể xảy ra với bạn hay với tôi. Đã có thời Giáo hội qui định một ngày tưởng niệm những ai đã ngã xuống nơi chiến trường. Tại Anh, mọi người nhớ đến họ trong ngày Hoa anh túc. Mọi dân tộc đều dành một ngày cho những kẻ đã bỏ mình vì tất cả chúng ta.
Ở ta, hơn bất cứ một dân tộc nào, đã có biết bao người hi sinh cho chúng ta, vậy mà chúng ta không hề có một ngày kỷ niệm dành cho họ. Nếu bạn dừng chân và mơ tưởng đến người đã khuất, ai sẽ là kẻ đặt viên gạch đầu? Trong ba cuộc chiến tranh, chúng ta đã mất bao nhiêu người chồng, bao nhiêu chàng trai và bao nhiêu vị hôn phu - các người, lũ khốn khổ, cứ ở đó, dưới những cây thánh giá, chớ quấy rầy đời chúng tôi. Vì chúng tôi sẽ không bao giờ chết, thế đấy!
*
THỂ DỤC BUỔI SÁNG
Bình minh vừa rạng, ba mươi chàng trai chạy ra bìa rừng thưa và xếp thành hàng lối, mặt hướng về mặt trời. Rồi họ bắt đầu uốn người, ngồi xổm, vặn thân, hít đất, tập động tác tay, uốn tay, uốn đầu gối trong một phần tư giờ đồng hồ.
Nhìn từ xa, bạn có thể tưởng họ đang cầu nguyện.
Ngày nay, chẳng ai ngạc nhiên khi hàng ngày, con người kiên nhẫn quan tâm đến cơ thể mình.
Nhưng ai nấy sẽ tức giận đến mức nào nếu họ thấy bạn cũng quan tâm như thế đến tâm hồn bạn.
Không, đó không phải là một buổi cầu kinh. Đó là thể dục buổi sáng.
(HL chuyển ngữ theo bản tiếng Hung)