Ho Quy Ly
(HoQuyLy)
Thành viên (sai email)
Người Vĩnh Xuân đương thời
- A lô ! Bác đang ở đâu đấy ?
- Anh mới xuống sân bay, vừa về tới Hà nội.
- Bác chuẩn bị đi, 30 phút nữa em tới chỗ bác.
Đúng 30 phút sau, tôi mở cửa bước xuống đường và gặp một thanh niên dong dỏng cao vừa phi xe máy tới. Tôi đã gặp Bạch Hạc như thế. Chúng tôi quen nhau khá lâu trước đó, và thường uống cờ, đánh rượu, bàn luận võ công trên ... YIM.
Là một người yêu thích võ thuật, rời khỏi gia đình để dấn thân vào giang hồ gió bụi từ năm 17 tuổi, tôi có một niềm đam mê mãnh liệt là la cà nơi các trà đình tửu quán, hang cùng ngõ hẻm, rừng sâu núi cao, các võ đường và ... Câu lạc bộ để quan sát, trao đổi, trò chuyện về võ công. Được nghe và thấy môn Vĩnh Xuân từ năm 14 tuổi, nhưng hồi đó tôi đang luyện Judo và Karate mỗi ngày 4 tiếng, do đó hoàn toàn không có thời gian tập luyện môn Vĩnh Xuân một cách chuyên cần. Một phần cũng vì tính tình hiếu thắng, hung hăng của tuổi thiếu niên, đã luyện tập những môn võ cương mãnh một thời gian, nên tôi không nhận thức được cái hay cái đẹp trong sự mềm mại hoa mỹ của Vĩnh Xuân. Lớn lên, khi lang thang phiêu bạt, tôi cũng ít có dịp tiếp xúc với các nhân vật Vĩnh Xuân.
Lần tiếp xúc với Vĩnh Xuân cuối cùng trước khi tôi rời Việt nam diễn ra gần 10 năm về trước, tại cổng Omni Hotel trên đường Nam Kỳ Khởi nghĩa, Sài gòn. Đối diện Omni Hotel là trường đào tạo Tiếp viên hàng không, nơi các em tiếp viên được tập trung đào tạo tại đó. Một lần tôi có hẹn đi chơi xa, đến sớm, cổng trường chưa mở, tôi leo cổng vào. Một anh chàng bảo vệ Omni Hotel chạy ra, tay xách một cặp côn nhị khúc, gọi tôi xuống, không cho leo rào. Tôi bảo việc tôi đi leo rào tìm gái là một phạm trù triết học không có liên quan gì với côn nhị khúc, và hỏi anh ta có biết đánh côn không. Hóa ra anh ta là một đệ tử của môn Vĩnh Xuân trong số người Hoa ở Chợ Lớn, nhưng nói ngắn gọn là côn pháp anh ta chưa ăn thua. Lần đó tôi truyền cho anh ta thêm dăm đường trong bài Bạch nữ lưỡng tiết côn của Thiếu lâm, và lại tiếp tục sự nghiệp leo cổng.
Tại Mỹ, tôi tình cờ chơi với một sinh viên Việt nam, đệ tử môn Vĩnh Xuân đang làm Ph.D. tại một trường Đại học khá danh tiếng của Mỹ. Với kỹ thuật Judo và Karate rèn luyện gần hai chục năm trời, tôi áp đảo cậu bạn này một cách không khó khăn mấy, nhưng cũng nhận ra nhiều cái hay, cái đẹp và những hiệu quả mạnh mẽ mà tôi biết rằng chắc một người tập Vĩnh Xuân cao thủ hơn bạn tôi sẽ phải có. Vì ít có dịp về nước, trong nhiều lần nghỉ phép, tôi thường la cà tại các võ đường tại các khu vực San Francisco, Los Angeles ... là nơi Lý Tiểu Long đã dựng nên các võ đường truyền bá võ thuật lúc sinh thời. Cũng có lần tôi mò đến Hiệp hội Vĩnh Xuân Sacramento, là nơi được tạp chí Inside Kungfu đánh giá khá cao. Nhưng không nơi nào mang lại cho tôi sự hứng thú đặc biệt.
Vì thế, về nước lần này, được Bạch Hạc giới thiệu trước về phong trào Vĩnh Xuân Hà nội, tôi rất háo hức. Vừa gặp, anh em đã lôi nhau ra quán cà phê ngồi chuyện trò rất là tâm đắc. Bạch Hạc hứa sẽ giới thiệu tôi với những nhân vật đương thời.
Một buổi sáng, Hạc nói : "Bác đi với em lại nhà H., bạn em, một trong những người cực kỳ am hiểu Vĩnh Xuân trong thế hệ trẻ hiện nay". Chúng tôi đi xe máy vòng vèo về phía Chợ Mơ. Khi tới nơi, chúng tôi gặp H mới đi đá cầu về, chuẩn bị ăn sáng. Chúng tôi cũng ngồi ăn luôn, sau đó kéo nhau lên nhà đàm đạo. Qua phần giới thiệu, chúng tôi trò chuyện một hồi. H là một thanh niên vạm vỡ, trẻ hơn tôi một vài tuổi, nhưng chắc chắn không cao và nặng bằng tôi. Được một lúc, H đứng lên, chìa tay ra bảo :" Bác cứ tấn công em thoải mái".
Được lời như cởi tấm lòng, tôi tóm tay H tung ngay ra một đòn Ippon Seoi Nage của môn Judo.Đột nhiên tôi thấy lưng mình bị chặn lại khi chưa kịp nhập nội tới một nửa. Tất nhiên đây chỉ là ấn chứng võ công chứ không phải sát phạt, hơn nữa, do bỏ lâu không luyện tập, đòn thế của tôi không còn sắc nét, nhưng tôi cảm giác chắc chắn được rằng nếu tôi tấn công nhanh hơn, mạnh hơn, thì đòn đánh rồi cũng sẽ bị chặn như thế. Lập tức, tôi gạt cánh tay H ra, dùng cánh tay phải ôm sát vào hông, kéo H vào sát người mình để tay H không chặn được đà tiến nữa, tung tiếp đòn Uki Goshi. Một bước mã ngang của H đã làm tôi mất thăng bằng và tiếp theo là một cái đẩy làm thân hình nặng 80 kg của tôi đập huỵch vào tường.
Khi lấy lại thăng bằng, tôi bảo H. :"Lần này anh tấn công từ xa", rồi vung tay phải theo một hình vòng cung nhằm vào phía hàm bên trái của H, tay trái tôi đưa ra chặn tay phải của H, đồng thời xoay người đá thốc gót chân lên hạ bộ H theo cách đánh atémi của thế Uchi Mata. Uchi Mata trong Judo thể thao là một tay nắm cổ áo, một tay nắm tay áo đối phương, xoay người đá chân vào giữa hai chân đối phương và ném hắn bay qua hông. Nhưng đánh theo lối atémi, một tay chặt vào hàm rồi khóa cổ, một tay khóa tay kia bẻ xuống và đá thốc gót chân thẳng vào hạ bộ, hạ gục đối phương trước khi quật ngã, là một đòn cực kỳ tàn khốc. Nhưng cánh tay phải của tôi đã bị thế tay xà của Vĩnh Xuân chặn lại, cánh tay của H bị tôi đè quay theo một hình vòng cung, dùng Niêm thủ chặn tay tôi lại, chân H bước theo bộ mã vòng của môn Vĩnh Xuân, thế là toàn bộ lực tôi vừa tung ra rơi vào khoảng không, biến mất.
Lập tức tôi chuyển sang dùng Karate, tung ra một loạt bốn quả đấm thẳng, vòng, móc và bổ. Sinh thời dọc ngang trên giang hồ, một giây tôi có thể tung ra ít nhất là 6 cú đấm, và ít có người tránh khỏi. Nhưng cả 4 quả đấm của tôi lần này đều bị khuôn tay ngũ hình của Vĩnh Xuân bắt dính trước khi tôi kịp phát lực ra đến nửa tầm, vả cả hai cánh tay tôi có cảm giác như bị một vật gì rất mềm, rất nhu đẩy ngược về phía cơ thể, không sao vươn ra được nửa chiều dài. Tôi rút hai tay lại, định xô H ra để đánh tiếp, nhưng hai tay H đã dính sát hai tay tôi, và chạm ngay vào những điểm yếu trên người tôi ngay khi tay tôi vừa co lại. Như vậy là thua nữa. Tôi co hai tay lại, dùng sức hất H bật ra và tung theo một cú đá Mae Kekomi Geri của Karate, nhưng cú đá vừa tung lên nửa chừng thì đã bị bộ chân Vĩnh Xuân chặn lại. Kể thêm nữa thì dài, nói ngắn lại, trong hơn nửa tiếng đồng hồ, tôi đã thử gần hết các kỹ thuật Judo và tung ra đủ các cú đòn Karate ưa thích nhất mà không chạm được vào người H. Nhưng điều kỳ lạ nhất mà tôi cảm nhận được là mình có lực mà không dùng được, đòn nào cũng tung ra nửa vời là đã bị chặn nhẹ nhàng như bị chặn bởi một bức tường bông. Đấy là chưa tính đến chuyện đối phương đánh trả, vì riêng chuyện mình không đánh được là đã phiền phức lắm rồi. Bắt tay H ra về, tôi thấy mình đã thu thập thêm được một kinh nghiệm và những cảm giác rất kỳ lạ.
Một buổi tối đang ngồi uống cà phê, lại Bạch Hạc:
- A lô, bác có làm gì không ?
- Không, có việc gì thế ?
- Em dẫn bác đi đằng này một tí.
Lúc sau, Bạch Hạc dẫn xác đến, ướt lướt thướt vì chạy bộ dưới trời mưa. Hai anh em kéo nhau đi bộ vòng vèo qua một vài con phố, bước vào một căn nhà nằm trong một ngõ ngỏ, có một con mộc nhân to tướng dựng giữa sân. Chủ nhà, anh D là một người tầm tuổi trung niên, nhẹ nhàng, vui vẻ. Chúng tôi đàm đạo với nhau rất lâu về võ thuật, cương và nhu, các nguyên lý của Vĩnh Xuân. Đây là một cuộc trò chuyện rất thú vị và đem lại nhiều điều bổ ích, mặc dù tôi không hề có cơ hội động thủ động cước. Những gì rút ra từ cuộc nói chuyện này, nếu viết ra đây thì sẽ quá dài.
Lại một hôm khác, Bạch Hạc bảo "Bác đi với em đến nhà ông S, bác sẽ được nhìn Vĩnh Xuân từ một khía cạnh khác". Phóng xe lên khu vực Bờ hồ, sau khi gửi xe, chúng tôi len lỏi trong một cái chợ mà tôi cũng không biết là chợ gì, leo lên gác ba của một căn nhà cổ trong khu vực 36 phố phường. Ông S đang có lớp, nhưng vẫn vui vẻ tiếp chúng tôi. Nghe nói tôi là người ham mê võ thuật và muốn tìm hiểu môn Vĩnh Xuân, ông không khách sáo gì, vui vẻ đứng lên "Nào, ta vào tay một tí". Tôi cũng không khách sáo, lại bổn cũ soạn lại, tung ra đòn Ippon Seoi Nage. Lần này, tôi cũng bị chặn, nhưng không phải bởi một tấm mền bông, mà như một bức tường. Lập tức tôi chuyển qua đòn chân Ouchi Gari, cũng bị chặn, tôi quay sang quét tiếp một thế Kouchi Gari, lại cũng bị chặn. Ông S. là một người đã cao tuổi, gầy gò, quắc thước, còn tôi mới ngoài 30, khá to lớn, nặng trên 80 kg, và tính sức khỏe đơn thuần thì chắc cũng không đến nỗi tệ. Ấy vậy mà tôi bị ông S dùng lực chọi lực, chặn tất cả các đòn tung ra một cách không thương tiếc.
Tôi hỏi:
- Thưa ông, cháu tưởng Vĩnh Xuân chỉ có nhu ?
- Không, có cả cương chứ. Bộ tay Hổ chẳng hạn.
Tôi khởi ngay bộ quyền pháp Karate, một tay đánh, một tay khóa, nhưng gặp kình lực cuồn cuộn từ bộ tay Hổ của ông S chặn lại, và thoáng một cái, bộ tay của ông đã chạm vào những điểm yếu trên cơ thể tôi. Tôi hỏi ông:
- Làm thế nào mà ông có thể dùng lực chọi lực như thế, vì chắc chắn cháu khỏe hơn ông ?
- Dùng lực vào chỗ đối phương không có lực.
- Làm thế nào ông biết chỗ nào đối phương không có lực ?
- Hãy tập thư giãn và thả lỏng.
Chúng tôi trò chuyện thêm một lúc nữa. Ông S giải thích thêm một số điều về các nguyên lý của Vĩnh Xuân. Dần dần rồi nói sang chuyện nội công và khí công. Khí công của Vĩnh Xuân có điểm đặc sắc hơn các môn phái khác là không cần phải nén khí mà vẫn chịu đòn được. Ông S đứng lên bảo "Cậu cứ thoải mái đánh vào bất kỳ chỗ nào trên người tôi."
Trong khi ông S vẫn chuyện trò bình thường, tôi dùng độ bảy thành công lực tung một đòn Mae Tsuki giữa ngực ông. Thấy ông vẫn tươi cười như không, tôi tung ra một đòn đấm thẳng vào ngực và một cú đấm vòng vào mạng sườn. Ông vẫn đứng thản nhiên nói chuyện. Tôi không dùng hết lực, nhưng quá đủ để biết là nếu dùng hết lực thì cũng không ăn thua gì. Cảm giác như hai bàn tay chạm vào một cái bị đầy bông. Vì ông đang bận lớp, chúng tôi đành từ biệt ra về. Tôi lại được chứng kiến một khía cạnh mới của môn Vĩnh Xuân.
Vẫn biết vẫn còn nhiều cao nhân Vĩnh Xuân ngay tại Hà nội, nhưng thời gian ở Hà nội của tôi đã hết, tôi lại phải ra đi, mang theo trong mình bao nhiêu cảm xúc mới mẻ và những điều bổ ích. Tôi vẫn luôn mong một ngày trở lại, sống, làm việc và luyện tập ở Hà nội.
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành: