Đỗ Việt
(doviet)
Thành viên danh dự
Ông Bầu Đê
Người Tuy Phước, Bình Định nổi tiếng với ngọn trường tiên (cây roi trường) ở các khóa trường võ Bình Định.
Ông không đi thi, vì không luyện tập những môn bắt buộc khác mà ông cho là vô ích. Tuy không đi thi, song bất cứ kỳ thi nào ông cũng đi xem suốt. Nhất là cuộc thi phân hạng giành thủ khoa và á nguyên.
Khi các thầy thi trường ba họp cách thì ban giám khảo mở kỳ phúc hạch để phân hạng. Đó là cuộc đấu roi trường.
Roi trường làm bằng gỗ rắn chắc, bền dẻo, dài bảy thước năm ta (tương đương với 2,625m). Một đầu lớn bằng cổ tay, một đầu nhỏ bằng cán cuốc. Để tránh nguy hiểm khi đấu, ở đầu nhỏ có bọc vải, bên trong có tóc và nhọ trộn dầu, để khi nào điểm trúng thì có vết lọ trên người. Căn cứ vào số vết lọ mà tính điểm để thí sinh không chối cãi được.
Chờ cho cuộc thi tài xong, các ông thủ khoa, cử nhân nhì, ba... đã được xác định thì Bầu Đê xách roi bước ra và xin phép ban giám khảo cho đấu với các thầy Cử tân khoa.
Ông cử ba ra trước. Chào nhau xong, với mới nhập hiệp thì cắt... cụp chiếc roi của ông Cử ba đã bị đánh văng tới hiên trường. Đành phải giơ tay đầu hàng.
Ông Cử nhì bước ra với dáng điệu thận trọng. Để khỏi bị đánh bật roi, ông xuống trụ, nắm chặt lấy cây roi và đánh trong thế thủ. Nhưng cây roi của ông bị ghìm xuống không thể nào rời khỏi ngọn roi của Bầu Đê. Thình lình, không ai thấy rõ thế nào mà ông Cử nhì bỗng ngã ngửa ra, roi rơi một bên còn ngọn roi của Bầu Đê vẫn còn giáng trên bụng Cử nhì.
Ông Bầu Đê thu roi và đỡ ông Cử nhì dậy, song ông Cử đã ngất đi. Không biết vì bị đầu roi bọc vải điểm trúng vào huyệt đan điền hay vì sợ quá mà ngất đi.
Chờ cứu ông Cử nhì hồi tỉnh bằng cách cho uống rượu mật ong pha mật gấu, ban giám khảo mời ông thủ khoa ra đấu.
Ông thủ khoa cao lớn, oai nghi và có vẻ tự tin, bình tĩnh.
Tuy đấu đã hai trận rồi, song ông Bầu Đê vẫn ở trong tình trạng bình thường. Hơi thở vẫn điều hòa và nét mặt vẫn tự nhiên.
Dường như đã quan sát được đối phương sau hai trận đánh, nên ông thủ khoa luôn luôn tiếp nhận các thế đánh của ông Bầu Đê trong tư thế tấn công. Tiếng cắc cụp của đầu roi va vào nhau kêu rõ mồn một. Vòng quay người quanh võ trường im phăng phắc. Tự nhiên mọi người thấy toát mồ hôi. Cái không khí giao tranh giữa trưa nắng gắt đè nặng lên ngực mọi người đang theo dõi trận đấu.
Ông Bầu Đê người nhỏ nhắn gọn gàng trong bộ quần áo nâu, đôi mắt long lanh sắc bén.
Ông thủ khoa to lớn vạm vỡ nhưng đi lại nhẹ nhàng.
Hai bên quần nhau, đi lại độ mười phút thì ban giám khảo truyền nghỉ và tuyên bố hai bên hòa.
Lập tức có hai người phản đối: đó là ông Bầu Đê và ông Chánh Lãnh binh chủ khảo. Hai người chưa ai kịp giải thích tại vì sao phản đối thì chính ông thủ khoa bước ra trước ban giám khảo bái tạ và nói lớn.
- Tôi xin nhận thua.
Nói đoạn, ông thủ khoa giơ hai tay lên cao để lộ ra hai bên hố nách có hai vết lọ tròn rõ ràng. Thì ra hai hố nách đã bị ngọn roi của ông Bầu Đê điểm trúng.
Các ông giám khảo cùng các thầy tân khoa đều giật mình. Trăm mắt nhìn từ ngoài vào vẫn không thấy kịp hai cú đấm thì người trong cuộc làm sao thấy rõ, mà dù có thấy kịp cũng không phản ứng kịp. Thật là nhanh như chớp. Nếu ngọn roi không dừng lại kịp thời thì thương vong tất đã xảy ra rồi. Trong cơn hăng say, ông thủ khoa đâu có hay biết gì nách mình đã dính lọ.
Quan Chánh Lãnh là một Tạo sĩ (Tiến sĩ võ) trường Thừa Thiên ngày trước, lại chính là một cây roi trường có tiếng. Ngứa nghề, quan lớn cởi áo dài, nai nịt gọn gàng, cầm roi xuống sân đề nghị Bầu Đê đấu mười hiệp.
Bầu Đê khiêm tốn từ chối, Quan Lãnh nói:
- Cung kính bất như phụng mạng, anh cứ làm cho hết sức mình để tôi biết thêm, nhất là hai kỹ thuật đánh văng roi và đâm vào nách.
Hai bên ra đấu trường. Hai roi dính sát vào nhau. Ngọn roi qua lại.
Chưa dược hai hiệp, ông Bầu Đê lên tiếng:
- Xin quan lớn cho phép tôi thực hiện tuyệt kỹ thứ nhất.
- Tùy.
Tiếng "tùy" vừa ra khỏi miệng thì cây roi trong tay quan lớn cũng vù bay đến tận hiên trường.
Ông Bầu Đê chống roi đứng đợi lính mang roi lại cho quan lớn.
Cuộc đấu lại tiếp tục. Hai bên ghìm roi nhau sít sao.
Kẻ tới người lui, hai đầu roi không thấy rời nhau mà âm thanh cắc cụp - cắc cụp vẫn vang vang. Khi chậm khi mau. Bỗng ông Bầu Đê lên tiếng:
- Xin phép quan lớn cho tôi ra tuyệt kỹ thứ hai.
Quan lớn lần này không trả lời "tùy" nữa mà lại kêu to:
- Xin thôi.
Ông Bầu Đê thu roi. Quan Lãnh cầm ngang cây trường tiên, cúi đầu vái ông Bầu Đê nói lớn:
- Thật là roi thần. Tôi đã gặp trên hàng trăm tay roi bậc thầy, ngang có, hơn có, kém có, nhưng chưa gặp một cây roi thần thế này. Thật đáng bậc tôn sư.
Ban giám khảo mời Bầu Đê ngồi và thưởng một chén rượu cùng một cây lụa.
Quan Lãnh lại giơ cao tay trái lên để cho mọi người thấy rõ vết lọ do đầu roi ông Bầu Đê đã ghi. Ai nấy đều xôn xao hỏi:
- Lúc nào ạ?
Quan Lãnh cười:
- Lúc ông xin phép, tôi chưa kịp trả lời thì đầu roi đã giáng vào nách tôi một cách nhẹ nhàng. Tôi xin thôi.
Quay sang ông Bầu Đê, quan Lãnh cười:
- Thật tình tôi suy nghĩ vẫn chưa hiểu rõ cách đánh văng roi và cách đâm vào nách thế nào? Tôi giữ chặt tay roi mà tay tôi không yếu hơn anh, làm sao anh đánh bật được roi tôi bay xa như vậy?
Ông Bầu Đê ung dung đáp:
- Đây là phép mượn sức người. Đánh văng roi quan lớn ra xa không phải chỉ có sức gân của tôi mà là hai sức của quan lớn và của tôi cộng lại. Nhưng đánh phải lựa chiều. Nếu đánh xuôi theo chiều mở bàn tay thì roi bị cả bàn tay giữ lại, không tuột ra được để bay đi, nhưng có thể bị đứt tiện trên sát chỗ cầm.
Quay sang ông Cử nhân ba, ông nói:
- Trường hợp của ông, thế đánh bay roi dễ dàng là vì ông không ở vào tư thế chuẩn bị kỹ càng. Khi mới vào cuộc, lúc đầu đầu roi của ông chạm vào đầu roi của tôi thì chắc ông nhận thấy nội lực của tôi truyền ra đầu roi không đầy đủ và sung mãn, cho nên ông tỏ ý khinh thường. Cho nên khi hai đầu roi vừa chạm nhau, ông đã vận nội lực úp bàn tay mặt xuống, đánh một đòn quyết tử. Biết trước thế nào ông cũng ra đòn như vậy, nên tôi chỉ chờ sẵn, khẽ bẩy một cái, đưa cả nội lực của ông cộng với nội lực của tôi vào đầu roi của ông để chuyển xuống nắm tay phải của ông. Thế là cây roi nhất định phải văng ra khỏi tay.
Ông Cử ba vui vẻ cúi đầu bái lĩnh.
Ông Cử nhì bước ra giọng ồ ồ:
- Xin tiên sinh chỉ giáo.
- Trường hợp của ông lại khác. Ông là người vô cùng cao, nội lực thâm hậu. Nhất là ông đã nhìn thấy cái sơ hở của kẻ đánh trước nên đã phòng bị chu đáo. Song vì chu đáo quá mà ông quên rằng đối phương đã lợi dụng được cái sức mạnh và sự dè dặt của ông mà ra đòn bí quyết. Khi hai đầu roi giao nhau, ông đã quyết tâm ghìm đầu roi của tôi, vì ỷ vào nội lực của mình. Tôi thì đã già rồi, nên nếu đấu lực với ông tôi sẽ bị thời gian làm cho hao mòn thể lực. Do đó, tôi cũng thả một nội lực của tôi ra để truyền vào đầu roi, song chỉ trong khoảnh khắc, tôi đã thu hồi ngay lại bằng cách xoay nhẹ đầu roi rồi thuận thế đưa cả nội lực của ông và của tôi truyền ngược về phía cán roi của ông. Vì thế, ông phải tự bật ngửa ra và đầu roi của tôi thẳng đến huyệt đan điền của ông ở dưới rốn. Ông ngất đi vì trúng huyệt đan điền và vì quá hoảng sợ. Chắc ông không hiểu được làm sao tôi lại có một nội lực thâm hậu dường ấy.
Ông Cử hai cúi đầu, lẳng lặng bước lui, miệng lẩm bẩm:
- Xin bái phục, bái phục.
Ông thủ khoa định bước ra xin lãnh giáo thì quan Lãnh đã vội lên tiếng:
- Còn trường hợp ông thủ khoa và cũng là của tôi. Xin cao huynh chỉ giáo.
- Thưa, đâm vào nách là một kỹ thuật mà chúng tôi gọi nôm na là đâm so đũa. Tôi luồn ngọn roi theo thân roi của quan lớn đang đâm tới tức là hai roi đi song song nhau, sít nhau và ngược chiều nhau. Đâm so đũa là như thế.
Quan Lãnh mỉm cười:
- Lúc ấy tôi đã bí mật chuyển roi từ tay phải sang tay trái. Tay trái ở trước, dùng ngọn che thân, tay phải ở sau, dùng đốc che nách trái, kín như sau hai chiến lũy, làm sao anh lẻn vào được mà ghi điểm.
Ông Bầu Đê thưa:
- Thường nơi mình canh giữ nhiều, cho là kín thì lại có một cái khe hở nhỏ rất bất ngờ. Đấu võ cũng như đánh giặc, tìm chỗ khe hở bất ngờ nhất là nơi mà đối phương tin là giữ chặt, kín nhất, để từ đó bí mật tấn công vào thì đối phương sẽ bối rối không biết đâu mà đối phó. Quan lớn đã dùng kỹ thuật đổi tay roi khi hai ngọn roi của tôi và quan lớn song song ngược chiều nhau. Đầu roi của quan lớn nhằm ngực tôi thẳng đến, đồng thời che khuất cái đẩy roi của tôi đang tìm nách quan lớn lao tới. Nếu hai bên đều vô tình thì mỗi người nhận của bên kia một vết nhọ. Nhưng ở đây thì tôi đã biết và đã chuẩn bị gạt đầu roi của quan lớn ngay sau khi quan lớn thay tay. Còn quan lớn thì lại không biết roi của tôi cũng đang gần nách mình, nên tay phải cầm đốc vẫn không đề phòng khi đầu roi quan lớn gần sát ngực tôi, chắc quan lớn đã nghĩ là trúng rồi. Nhưng đầu roi chưa kịp đụng vào ngực tôi thì cái ngực đó đã xoay nghiêng và cái đốc roi của tôi từ dưới đưa vòng lên gạt đầu roi của quan ra. Quan lớn tiếc cú đánh không trúng cả mặt và tâm nên cố xoay đầu roi để đâm lại, nhưng không ngờ động tác vòng cái đốc gạt đầu roi của quan lớn giúp cho đầu roi của tôi chìm xuống, tránh đốc roi của quan lớn, rồi chui thẳng vào nách. Bí quyết là đó.
Quan Lãnh đứng dậy bái ông Bầu Đê mà nói:
- Hay! Hay lắm! Hay quá! Thật là bài học ngàn vàng. Xin hết sức cảm ơn ông. Tôi về theo đó luyện tập thêm, sang khoa sau xin trình bày lại ông chấm.
Ông Bầu Đê mang cây lụa đổi lấy vải thao càng, may hai bộ quần áo nhuộm nâu dà (dà khác màu nâu vì màu nâu nhuộm bằng nước sắc củ nâu, màu đà nhuộm bằng vỏ cây dà, màu nhuộm sáng hơn, nếu pha thêm ít vàng thì màu phớt tía. Nếu pha hạt cau thì da sậm, dùng nhuộm lưới) cùng một cái khăn xéo bịt đầu.
Ông vợ con không có, sống quanh quẩn trong làng. Gia tài chỉ có một cái vó vớt cá.
Ông hành nghề cất vó một cách rất nghệ thuật. Đó là một phương pháp luyện tập hai tay cho khỏe và nhanh. Ông thường đem vó ra một cái bàu rộng và sâu, bỏ vó xuống và đứng trầm tĩnh nhìn mặt nước. Khi nhìn thấy mặt nước sủi tăm cá, ông mới tay trái cầm đốc cán vó, tay phải cầm thân cán và hấp một cái, vó đã được nhấc bổng ra khỏi nước. Dù nước sâu cách mấy, động tác cất vó rất nhanh nhẹn và lần nào cũng có cá lớn. Khi thì một con cá chép, đôi con diếc... Trong ngày, ông chỉ cất vó một đôi lần mỗi khi nhìn thấy tăm cá nổi lên trong vó. Khi lượng cá đủ mua gạo trong ngày, ông thôi không cất vó nữa. Tháng ngày thong thả, ung dung.
Tuy nổi tiếng về roi thần, song ông lại không nhận dạy học trò. Có người hỏi, ông đáp:
- Dạy học trò làm chi cho cực. Hễ cứ mỗi khoa thi thì mình lại chỉ cho vài quan Cử một vài thế để luyện tập suốt đời là đủ. Dạy như vậy ít tốn sức mà đạt nhiều kết quả. Các quan Cử võ luyện nhiều thứ, biết thêm một thế roi cũng đủ nói chuyện với người.
Học trò duy nhất của ông là Lê Công Trì tục gọi là Hương lễ Nghè, người cùng huyện Tuy Phước, học được ông môn tuyệt kỹ đâm so đũa và đánh văng roi. Tình thầy trò như tình cha với con. Sau khi già yếu, ông Bầu Đê được người học trò tâm đắc rước về nuôi dưỡng trong những ngày cuối đời rất tận tâm, thân ái.