Cờ Tướng, Cờ Vua - Một hay hai thế giới

Phạm Quang Linh
(pqlinh)

Điều hành viên
Post lại từ box cờ của TTVN, nguyên gốc do myluyi post.
http://ttvnol.com/co/350476.ttvn


CỜ TƯỚNG, CỜ VUA - MỘT HAY HAI THẾ GIỚI​

Từ khi Cờ vua du nhập vào nước ta, đã có những cuộc tranh luận sôi nổi so sánh cờ Tướng với cờ Vua.
Cờ vua cuốn hút lớp trẻ, vì sao vậy?
Một số người chơi cờ Tướng tìm hiểu cờ Vua, nhưng cuối cùng phần đông vẫn thích quay về với cờ Tướng.
Hiện tại học sinh phần đông thích chơi cờ Vua, người lớn thích chơi cờ Tướng, tất cả đều có những lí do của nó. Vậy thực chất của 2 loại cờ này là như thế nào? Cờ Tướng và cờ Vua khác nhau điểm nào, giống nhau ở điểm nào và vì sao?
Phiếm đàm về những vấn đề trên không chỉ thoả mãn trí tò mò mà còn cung cấp và lý giải nhiều điều bổ ích và lý thú cho những người chơi cờ cũng như bạn đọc gần xa.

Tướng hay là Vua?
“Nhập gia tuỳ tục” là câu tục ngữ cửa miệng ở ta, hình như đó còn là qui luật tự nhiên. Chữ Hán sang đến nước ta liền biến thành chữ Nôm, chữ Latinh (Pháp) khi sang ta thì mọc ra thêm đủ loại “dấu má”, “râu ria” để trở thành được chữ Quốc ngữ bây giờ.

Khi trò chơi Saturanga, tiền thân của cờ được phát minh ở Ấn Độ từ 15 thế kỉ trước được truyền bá sang châu Âu vào khoảng thế kỉ 10, được đón nhận nhiệt liệt, nhưng người châu Âu chỉ nắm lấy cái tinh thần cốt lõi của nó, phần còn lại được cải cách hầu hết, từ tên quân cờ, hình dạng quân cờ, luật chơi một cách triệt để tới mức nếu đem so với Saturanga thì không còn ai nhận ra được nữa!

Sự thể đó cũng xảy ra khi Saturanga được truyền bá vào Trung Quốc, một đất nước thâm nghiêm, kín cổng cao tường với những luật lệ kỷ cương nghiêm ngặt theo những quan niệm “trung quân ái quốc” “tam cương ngũ thường” thì Saturanga bị xét nét tới tận chân tơ kẽ tóc. Rốt cuộc đã được chấp nhận vì sự tuyệt vời về mọi phương diện nằm ngay trong chính bản thân nó, tuy nhiên nó cũng bị cải tổ toàn diện, được “Trung Hoa” hoá bằng những tư tưởng, triết lý và tập tục ở đất nước bao la này để có thể trở thành cờ Tướng hoàn toàn mang màu sắc phương Đông.

Trung Hoa cả ngàn năm sống trong cảnh bề dâu, lấn đất, đoạt quyền, tranh giành ngôi báu, giặc giã triền miên nên màu sắc chiến trận của Saturanga làm cho người Trung Hoa cảm thấy hết sức gần gũi với mình. Nhưng nhìn vào Saturanga các vị Hoàng Đế ở đây không tài nào chịu nổi cái cảnh Vua trên bàn cờ Saturanga bị rượt đuổi, chạy loạn trên bàn cờ và bị chém đầu ngay trên bãi chiến trường. Thật là một sự phạm thượng có thể dẫn tới “tác loạn”, nhất là ngay cả “anh kéo xe, chị bán tương” cùng đám tiểu yêu con nít đều có thể cầm một quân bất kì giáng một cái “chát” lên đầu Vua khiến Vua chết lăn quay rồi phá lên cười hể hả.

Hoặc là phải biến mất, hoặc là tồn tại nhưng phải thay đổi. Trên bàn cờ không thể có một quân nào được phép xưng Vương. Không mấy khó khăn, các nhà thông thái Trung Hoa đã khôn khéo tìm ngay được cái tên thích hợp cho quân cờ này: nó sẽ mang tên là Tướng hay Soái và mãi mãi chỉ được phép dùng tên đó mà thôi. Tên của trò chơi đánh trận mới này được đổi thành “Tượng kỳ”.

Nhưng thật ra đó chỉ là sự “kỵ huý” một cách hình thức. Bởi xét về nội dung thì đó vẫn là Vua. Vua trăm phần trăm.

Bởi làm sao đã là Tướng lại không bao giờ ra trận? Trong lịch sử muôn đời của Trung Hoa, Tướng phải luôn “lãnh ấn tiên phong”, xông pha trận mạc. Quân chỉ dàn hai bên, còn “choảng” nhau thật sự phải là hai Tướng. Chẳng phải Quan Công vác đao chém Hoa Hùng, Hứa Chử cởi trần đánh Mã Siêu đó sao. Đằng này tướng ung dung trong màn trướng, chẳng hề hay biết thế nào là mùi khói lửa. Tướng gì mà có 2 “quan văn” chầu chực hai bên (Sĩ) và trong ngoài canh phòng cẩn mật (2 tượng)

Thật rõ ràng, ai cũng có thể dễ dàng nhận ra: đấy không phải là Tướng mà là một ông Vua. Và xin các bạn chớ ngạc nhiên khi ta nói rằng đấy mới chính là cờ Vua!

Thế còn cờ Vua?

Xin thưa, cờ Vua mới chính là cờ Tướng, theo đúng nghĩa của nó, nhất là khi ta xét vai trò của quân đứng đầu bàn cờ.

Ta hãy tạm rời Trung Quốc sang châu Âu, nơi Vua (tiếng Anh: King, tiếng Pháp: Roi, tiếng Nga: Karol…) cùng Hoàng Hậu ngự trị trên bàn cờ.

Nhưng có điều là Vua không sống trong cung điện, không có quần thần vây quanh. Vua được thoải mái chạy lông nhông khắp trận địa. Đã có môt thuật ngữ rất hay được dùng trong cờ vua là “Vua lang thang”. Vua cũng chen lấn trong đám lính tráng, ngựa xe… hỗn loạn trên bàn cờ. Bất kỳ quân nào tới gần Vua là Vua vung gươm chém liền, nếu không chém thì Vua cũng toi mạng.

Vua còn hỗ trợ đắc lực cho các quân khác chiến đấu, nhất là vào tàn cuộc, lắm lúc Vua phải lom khom hộ vệ cho một chú Tốt “lỏi con” (thật chẳng còn ra thể thống gì cả!) để chú có cơ may vào tận tới sào huyệt đối phương nhằm được phong cấp (thành Xe hay Hoàng Hậu) đặng cứu Vua khỏi cơn khốn đốn. Có lúc Vua phải xông thẳng ra bãi chiến trường để chặn đường Vua đối phương hay giơ lưng ra cản đám lính địch đang tràn tới. Thật chẳng còn chút đường bệ nào như Tướng bên cờ Tướng!

Ngoài ra bên cờ Vua còn có Hoàng Hậu, tuy tên là như thế nhưng cũng chẳng có ai đi theo bảo vệ hay hầu hạ đức bà cả, ngược lại “nàng” cũng phải xông pha trận mạc, đánh đông dẹp bắc, lắm khi còn oai phong hơn Vua nhiều.

Tóm lại, về thực chất Vua chính là Tướng, Hoàng Hậu cũng là Tướng, chỉ khác nhau ở chỗ dù “bà” có hi sinh thì cờ vẫn còn, nhưng nếu ông hi sinh thì thất bại hoàn toàn. Việc toàn thể các quân cờ đều xông pha trận mạc dưới sự chỉ huy của một nhân vật khiến cho người ta dễ dàng nhận ra: cờ Vua đúng là cờ Tướng chính hiệu!

Cũng phải nói thêm một chút về sự ra đời của Hoàng Hậu trên bàn cờ Vua:
Vào khoảng 1400 năm trước đây, khi Saturanga hình thành thì vị trí của quân Hoàng Hậu là một quân khác có tên là Mantri, khi cờ được truyền bá sang Ba Tư thì người Ba Tư gọi nó là Firzan nghĩa là “ông cố vấn”… Đây là quân yếu nhất trên bàn cờ vì nó chỉ được phép đi chéo tới 4 ô lân cận nơi nó đang đứng mà thôi. Khi cờ Vua sang châu Âu thì người châu Âu lấy làm lạ lùng về vai trò của một quân quá mức “vô thưởng vô phạt” như thế. Họ bèn thay đổi vai trò của nó. Vào khoảng năm 1475, khi nền văn hoá Phục Hưng đang ở thời kì rực rỡ, vai trò của phụ nữ trong văn hoá nghệ thuật được tôn vinh, người Italia và Tây Ban Nha đã đi tới một quyết định táo bạo là phế truất “ông cố vấn” khỏi bàn cờ và biến nó thành Hoàng Hậu và cho nó quyền ngang dọc tung hoành, kể cả theo các đường chéo, trở thành lực lượng chiến đấu hùng mạnh nhất trên bàn cờ. Hoàng Hậu giữ vững vị trí của mình hơn 500 năm qua và nhờ có nó mà bàn cờ sôi động hẳn lên.

Ta cũng dễ dàng nhận ra rằng quân cố vấn trong Saturanga không khác mấy quân Sĩ trong cờ Tướng, nó lại là một bằng chứng cho thấy cờ Tướng xuất phát từ Saturanga.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Đơn giản là một trận đánh hay cuộc chiến giữa 2 quốc gia?

Cứ nhìn cách đánh, cách đi của Vua ở cờ Vua, ta cảm nhận rằng bàn cờ Vua không hề biểu thị cho một chủ quyền của 2 quốc gia. Hai bên tuy dàn quân xa nhau nhưng không có tường cao hào sâu, không có sông ngăn cách. Toàn bộ bàn cờ gồm 64 ô đều chằn chặn, trắng đen xen kẽ bát ngát như một cánh đồng. Không có một quân nào chuyên trấn thủ giữ nhà, quân nào cũng có thể rời vị trí của mình rất dễ dàng để sang trận địa bên kia. Bản chất cờ Vua biểu thị đơn thuần một trận đánh, nói cách khác là hai vị tướng cùng binh lực của mình xáp chiến trên một bãi chiến trường.

Trong lúc đó bạn hãy nhìn kỹ bàn cờ Tướng mà xem. Đó là 2 quốc gia rất hoàn chỉnh được phân định rành rành bằng giới tuyến: trên bàn cờ được them hẳn một giải phân cách nằm ngang, định mốc biên giới rất rõ mà người chơi thường gọi là “hà” hay sông. Vì sao lại phải gọi là hà, là sông? Bởi vì sông là sự ngăn cách nổi bật nhất cho lãnh thổ đã được phân định. Chẳng phải Đông Ngô nhờ sông Trường Giang mà hùng cứ được một phương, đương cự được với cả Tào Tháo lẫn Lưu Bị đó sao?

Triều đình của 2 bên được thiết kế và kiến trúc rất công phu và đối xứng. Nằm ở trung tâm và xa hẳn biên cương là một toà thành đồ sộ: đó chính là Cửu cung với đủ đường ra lối vào đầy ngóc ngách được biểu thị bằng những đường chéo. Tướng là chủ nhân của Cửu cung, hai cận thần (Sĩ) luôn bị nhốt chặt trong cung cấm cùng với vua như những thị lang hay hoạn quan và nếu cần thì phải hi sinh cứu Vua khi bị Tốt nhập cung. Thêm một vòng ngoài đảm bảo an toàn nữa cho Vua là cặp Tượng, Tượng cũng chỉ giữ nhà, không được phép vượt qua biên ải. Tuy vậy nó có thể vừa lên tận “hà” để diệt Tốt 3 và Tốt 7, vừa có thể ra 2 cạnh bàn đề phòng đòn Pháo nguy hiểm của đối phương vừa có thể quay về cung bất cứ lúc nào để “hộ giá” an toàn cho Tướng mình.

Tướng là nhân vật tối thượng nên không thể có một nhân vật thứ hai ở một vị trí ngang hàng với Vua (như Hoàng Hậu trong cờ Vua). Quân Tướng (tức Vua) nằm ở “chính đạo” (đường trung tâm). Tả hữu hai bên Sĩ, Tượng, Mã, Xe đối xứng nhau. Chính vì cách sắp xếp theo kiểu chầu Vua như thế nên số đường (hay cột) phải là số 9. Như thế trong tống số 16 quân của mỗi bên sẽ còn lại có 7 quân. Việc sắp xếp 7 quân còn lại sẽ ra sao đây? Vấn đề này đã được các nhà thông thái Trung Quốc giải quyết một cách sáng tạo, xin xem ở phần sau.

Xa xôi chốn biên thùy, gần bờ sông đối diện với quốc gia bên kia bao giờ cũng có quân lính đóng ở các đồn ải bảo vệ biên cương của quốc gia. Lực lượng tinh nhuệ dùng để vừa bảo vệ triều đình cũng như tấn công xâm chiếm quốc gia đối phương (Xe, Mã) bao giờ cũng được đóng quanh khu cung cấm của Vua. Đại bác được bố trí bên tả và bên hữu của thành trì. Đánh một ván cờ có nghĩa là xâm lăng quốc gia kia nhằm chiếm đất, bắt Tướng đối phương.

Quả là các quần thần tướng lĩnh Trung Hoa qua nhiều thế hệ nghiên cứu đã dựng nên một quốc gia vô cùng hoàn chỉnh trên một bàn cờ. Mỗi một vị trí, mỗi một “tấc đất” đều được sắp xếp đầy ý nghĩa đến từng chi tiết. Ý nghĩa của bàn cờ phương Đông sâu sắc và hoàn thiện hơn bàn cờ phương Tây nhiều vì nó mang trong lòng một ý đồ sâu xa và ẩn ý cho cả một quan niệm chính thống.

Các tuyến phòng vệ được bố trí thành 3 lớp: ngoài cùng là lính tráng (Tốt), lớp tiếp theo là Pháo, Mã (vừa thủ vừa công), lớp thứ 3 là lớp cận vệ gồm Sĩ và Tượng. Hai tuyến phòng thủ ngoài cộng với Xe sẽ mau chóng biến thành quân tiến công khi cần.

Ở đây cũng nên chú ý đến sự đối xứng, cân bằng và hài hoà vốn là truyền thống trong mọi kiến trúc từ mỹ thuật hội họa, xây dựng cho tới binh pháp của Trung Hoa.

Trên bàn cờ, bên tả cũng như bên hữu của đấng Kim thượng luôn đối xứng. Trong quốc gia chỉ có duy nhất một trung tâm, đó là Tướng (tức là Vua).

Sự bình ổn, tránh thái quá, quân nào cũng có đặc trách riêng nên không quân nào được lộng hành (vừa đi ngang, đi dọc, đi chéo như quân Hoàng Hậu bên cờ Vua, nó phù hợp với quan niệm: phụ nữ không được tham chính và tham chiến của phương Đông)

Sự cân đối hài hoà trong cờ Tướng còn thể hiện ở khía cạnh tổng thể: Đã là một quốc gia thì dù có hay không có chiến sự thì vẫn phải có tiền tuyến và hậu phương. Không thể tổng động viên toàn bộ lực lượng ra trận. Nước một ngày không thể không có vua nên lực lượng canh phòng có vai trò chủ yếu là “hộ giá”, không được phép ra trận (Sĩ, Tượng)

Trong cờ Tướng, đã định ra một tỷ lệ thích đáng để cân bằng giữa phòng thủ và tấn công. Nó khác hoàn toàn với cách tấn công, dốc toàn lực, di chuyển cả “trăm họ” của quốc gia mình sang quốc gia đối địch trong cờ Vua (tuy nhiên đây là một thế mạnh của cờ Vua, khiến trận đánh rất phức tạp và lí thú). “Cân bằng là gốc của vạn vật”, chính thuyết âm dương ngũ hành của phương Đông từ cổ xưa đã thể hiện rất rõ trên bàn cờ Tướng.

Một cải cách tuyệt vời nữa là người phương Đông đã dám vứt bỏ hẳn bàn cờ 64 ô đen trắng xen kẽ (trong tài liệu cổ của Trung Quốc còn lại thì thủa ban đầu cờ Tướng cũng đi theo 64 ô vuông giống như cờ Vua) không sử dụng ô mà chuyển hẳn sang một bàn cờ dạng hoàn toàn mới: dùng các giao điểm cột và hàng để đặt quân.

Hệ quả của sự cải cách này là hết sức to lớn: Bố trí lại được toàn bộ cấu trúc quân của bàn cờ và tăng thêm đáng kể diện tích “đi quân”, khiến bàn cờ thoáng rộng hơn, những cuộc giao tranh trên bàn cờ trở nên năng động, thu hút đông đảo người chơi, nhất là tầng lớp bình dân. Các bạn hãy xem: khắp chợ cùng quê, không có nơi nào người ta không chơi cờ Tướng.

Tuy nhiên, theo các nhà khảo cổ học thì cách bày quân như cờ Tướng như ngày nay còn mang nhiều dấu vết của Saturanga hơn là cờ Vua bởi vì ở thời kỳ Saturanga có một quân đứng cạnh Vua gọi là “cố vấn”, quân này chỉ quanh quẩn ở 4 ô lân cận nó theo đường chéo giống như quân Sĩ ngày nay. Thêm nữa vào thời Saturanga, quân Vua chỉ được di chuyển trong một khu cấm địa hẹp gồm khoảng 8 ô, nghĩa là Vua không được qua trận địa đối phương.

Các cụ ta ngày xưa khi đánh cờ không chỉ chú ý tới tính mỹ thuật, bền đẹp của quân cờ mà ngay cấu tạo bàn cờ Tướng cũng chắc chắn đánh cả đời không hỏng, thường làm bằng gỗ tốt, dày dặn, có ghép các gờ cao chung quanh để có thể đẩy một hơi các quân ra sát mép mà không bị lệch hay rơi tuột ra ngoài, nhiều khi quân chạm vào mép bàn tạo ra một tiếng “cách” dứt khoát, khi ăn quân đập một tiếng “chát” hả hê và sảng khoái. Những nhà sản xuất theo kiểu công nghiệp và chạy theo lợi nhuận ngày nay không hiểu hết được cái bền, cái cân đối, cái mỹ thuật, cái “tầm cao” của cờ Tướng, không cảm nhận được cái thú, cái say, cái hào hứng của người chơi cờ nên các loại quân cờ ngày nay rất mỏng mảnh, ẽo ợt bằng vật liệu rẻ tiền, còn bàn cờ hoặc làm bằng nilông mỏng dính hoặc giấy giả da khiến quân dễ bị nghiêng lệch, nước đi phải rón rén, ẻo lả không xứng với cách xử sự vừa trí vừa dũng của cờ Tướng chút nào.
 
Đất rộng người thưa, pháo xuất hiện

Nếu bạn lấy con số 64 so sánh với số 90, bạn thấy số nào lớn hơn? Tất nhiên là số 90. Bạn thấy chưa, quốc gia của cờ Tướng rộng hơn trận địa của cờ vua nhiều. Người Trung Hoa ưa sắp xếp hợp lý, chặt chẽ. Họ đặt các quân cờ đi trên đường chứ không phải trong ô. Chính nhờ điều đó mà họ có được 9 đường cho phù hợp với quan điểm chính thống của mình như bài trên đã nói. Hàng ngang cũng vậy, ngoài 9 đường ngang thông thường, lại bổ sung thêm đường “hà” nên thành 10 đường. Nhờ sự đặt quân đi theo đường chứ không phải theo ô như ở cờ Vua mà cờ Tướng có được tới 90 điểm để các quân di chuyển. Việc hơn bàn cờ Vua tới 26 vị trí (một con số không nhỏ chút nào, gần gấp rưỡi của bàn cờ Vua) khiến cho lãnh thổ của cờ Tướng được mở rộng rất đáng kể.

Đất đã rộng như vậy thì việc bày quân cũng phải được nghiên cứu kĩ lưỡng. Về mặt này thì ta buộc lòng khâm phục các nhà thông thái của các triều đại Trung Hoa. Nếu cứ bày theo kiểu cờ Vua thì thật không ổn chút nào. Hàng dưới cùng với 9 quân cờ được xếp thành một hàng chữ “nhất”. Nơi Tướng (tức là Vua) thống trị là cột trung tâm, Vua phải ở ngôi độc tôn, theo đúng triết lý của người Trung Quốc. Còn lại chỉ có 7 quân? Nếu xếp thành một hàng nữa thì sẽ so le, xộc xệch, một điều không thể nào chấp nhận được. Như thế 7 quân còn lại buộc phải được xếp theo một cấu trúc và trình tự khác. Điều này buộc các nhà thông thái phải dày công suy nghĩ và sáng tạo.

Lính tráng tất nhiên là phải lên trên giữ biên ải rồi, nhưng để bố trí cân đối với 7 quân cờ còn lại thì chỉ có cách là bố trí một hàng 5 (cách 1 điểm có 1 quân) hay một hàng 4 (ở hai biên không có quân). Nhưng việc bố trí 4 thì sẽ còn thừa lại 3 quân, việc bố trí tiếp theo sẽ rất khó khăn. Như vậy phương án 5 Tốt đứng cách nhau một đường dọc là hợp lý nhất. Thế nhưng còn thừa 2 quân, chẳng lẽ lại cho chúng làm lính nốt thì rất dở? Mà dù đặt ở đâu thì nó cũng phải mang một ý nghĩa.

Chính từ tình hình này mà người Trung Hoa nghĩ tới những khẩu thần công oai vệ, đầy uy lực, là thứ vũ khí không thể thiếu được trong những cuộc chiến để công phá những thành trì kiên cố được bảo vệ cẩn mật lớp trong lớp ngoài như Cửu cung. Không có pháo thì đám lính tráng và kị binh dù có bắc thang trèo lên mặt thành cũng chưa chắc đã ăn thua. Và thế là quân Pháo tuyệt diệu đã ra đời, đặt vào 2 vị trí cực kỳ cân đối, nằm giữa bộ binh và các binh chủng khác, đối kháng thẳng sang trận địa đối phương đồng thời hết sức dễ dàng di chuyển theo đường ngang và dọc, nhất là vào chính đạo để phát huy uy lực tối đa. Nó đánh dấu sự khác biệt lớn nhất giữa cờ Tướng và cò Vua. Nó nói lên tính sáng tạo phi thường và cả cấu trúc hoàn chỉnh về binh chủng quân sự của phương Đông. Thế là phương Đông đã mở ra cho mình một chương mới về nghệ thuật cờ sau khi đưa được quân Pháo cực kỳ độc đáo vào cuộc và đã phát huy được hết công lực mạnh mẽ của quân cờ kỳ ảo này.

Nói đúng ra thì pháo binh đã được châu Âu phát minh từ lâu, trên các chiến trường pháo binh cũng đã tung hoành với nhiều chiến tích, nếu ai đã đọc về lịch sử những cuộc chiến tranh thời xưa ở châu Âu đều rõ. Hẳn đó là một binh chủng chủ đạo trong chiến trận. Trên bàn cờ đã có kị binh, bộ binh, chiến xa thì tại sao lại không có pháo binh kia chứ?

Vấn đề là ở chỗ: nếu trong cờ Vua có thêm pháo binh thì sẽ đặt nó vào đâu? Với cách bày quân của cờ Vua thì ở bất cứ vị trí nào mà đặt Pháo vào đều thấy không ổn. Vả lại bàn cờ Vua đã chật như nêm cối, thêm Pháo vào chỉ tổ ngáng đường, tắc lối nhau, không khéo “quân ta lại bắn quân mình” thì khốn. Ấy chính là lý do làm cho cờ Vua dù có muốn Pháo thì cũng không biết chen chân vào đâu.

Trái lại cờ Tướng “đất rộng người thưa”, chính là nơi lý tưởng để Pháo thả sức tung hoành. Pháo có thể được kéo đi khắp nơi, phát huy thế mạnh của mình được, tầm xa hoặc tầm gần, thoả thích ngắm thẳng vào thành trì nơi đấng Quân vương đang ẩn núp để nhả đạn theo đường cầu vồng mà tiêu diệt.
 
Nghệ thuật cao cường của đòn đánh pháo

Pháo xuất hiện đã mở ra một chương hoàn toàn mới trong cờ Tướng, tách nó xa hẳn gốc gác là Saturanga và trở thành một loại cờ hoàn toàn mang màu sắc phương Đông, đã thổi vào bàn cờ không khí nóng bỏng khét lẹt mùi thuốc súng, với những trận hoả công kinh hồn. Pháo đã trở thành linh hồn công phá trong cờ Tướng đến nỗi nếu ngay từ đầu trận mà cả 4 quân Pháo của 2 bên bị loại sớm ra khỏi vòng chiến, nghĩa là bị vứt ra khỏi bàn cờ thì ván cờ coi như bị “xỉu đi” tới 50%. Chẳng khác nào đọc Tam Quốc diễn nghĩa mà mất đi trận Xích Bích hay Khổng Minh chọc giận Chu Du.

Quyển kỳ phổ nổi tiếng nhất thiên hạ trong 700 năm qua có tên là Quất Trung Bí cũng chủ yếu nói về cuộc chiến bằng Pháo trên bàn cờ. Sau này cả những kỳ phổ khác như Mai Hoa Phổ, Phản Mai Hoa, Bách cục Tượng kỳ, Thích tình nhã thú, Trúc Hương trai, Tượng kỳ trung phong, Tượng kỳ hậu vệ… không có quyển nào là không nói tới nghệ thuật đánh Pháo.

Những quyển sách nghệ thuật chơi cờ nói về những đòn tấn công của Pháo, quyển nào cũng hay, quyển nào cũng thú, mỗi một quyển lại có những khám phá mới. Pháo là sự khác biệt kì lạ nhất giữa cờ Tướng với cờ Vua, là niềm tự hào của phương Đông với phương Tây, nó cho thấy trình độ sáng tạo, tính độc lập và sự biến hoá đến mức diệu kì khi Sangturanga rơi vào tay những “pháp sư” cao cường phương Đông, đã hoá phép cho đứa con nuôi Sangturanga trở thành đứa con ruột thịt và thân yêu của mình trong gần 1000 năm qua.

Trong khi điều binh khiển tướng bằng 16 quân cờ, bên nào mà chẳng muốn nhanh chóng tiêu diệt địch. Người ta đã đặt Pháo ở vị trí “hiếu chiến”. Pháo ngay từ nước đi đầu tiên đã được phép di chuyển vô cùng tự do: lên, xuống, sang phải, qua trái một cách cực kì thoải mái. Và nếu muốn Pháo có thể khai hỏa ngay lập tức. Lúc đó hai “binh đoàn Kỵ Mã” của đối phương có thể bị tiêu diệt sạch sành sanh chỉ trong giây lát. Nhất Pháo là quân cờ tiêu biểu. Ấy là khi một bên cho rằng kị binh là vũ khí lợi hại và tinh nhuệ nhất của đối phương, hoặc nếu không diệt sạch Mã đối phương ngay từ đầu thì chí ít việc vào Pháo đầu cũng đủ uy hiếp trục giữa, tức là trục nhằm vào Tướng đối phương. Hoặc khiêm tốn hơn, việc di chuyển Pháo vào lộ 3 hay lộ 7 nhằm vào 2 Tốt của đối phương cũng khiến đối phương phải vào thế phòng bị cẩn thận.

Tất cả những sự việc này không có một quân nào ở cờ Vua có thể so sánh nổi. Hoàng hậu ở cờ Vua dù có sức mạnh ghê gớm như thế nào chăng nữa thì cũng phải ru rú nằm im đó mà chờ thời, tức là chờ cho tới trung cuộc và tàn cuộc mới dám xuất đầu lộ diện, chứ ngay khai cuộc mà lò dò ra trận thì dễ mất mạng như chơi, bởi vì cờ Vua chỉ có 64 ô chật hẹp và có cả 16 quân Tốt chen lấn ngăn cản, nên Hoàng hậu ra trận sớm rất dễ bị dồn vào thể bí và bị tóm sống. Vả lại Hoàng hậu dù có muốn ra trận sớm cũng khá khó khăn, phải có những quân Tốt đi trước mở đường, dọn lối và dù Hoàng hậu có lên được thì cũng không phát huy được tác dụng đáng kể.

Còn như Xe của cờ Vua muốn tham gia chiến trận thì còn khó khăn hơn rất nhiều. Chính vì bị ngăn cản quá nhiều như thế mà cực chẳng đã, sau một thời gian dài châu Âu mới nghĩ ra được nước “nhập thành” để cứu vãn tình hình.

Thể nhưng Pháo không phải hiện thân của “sát khí đằng đằng” hay tư tưởng nóng vội công kích của cờ Tướng. Người phương Đông sử dụng vũ khí hạng nặng này cũng rất cẩn trọng, đúng lúc, đúng đối tượng chứ không phải theo kiểu “dùng dao giết trâu để mổ gà”. Anh nào ngay từ đầu dùng Pháo mình triệt hạ 2 Mã đối phương thì đều là kẻ khờ khạo vì ngoài việc tự nhiên mất đứt hai khẩu thần công quý giá, hai con “át chủ bài” của mình, còn tạo cho đối phương xuất được 2 quân Xe rất nguy hiểm khống chế ngay lộ 2 và lộ 8. Sự hấp tấp và “háu ăn” đã phải trả giá không nhỏ. Hai con Pháo còn lại của đối phương sẽ là mối đe doạ trường kì trong ván cờ.

Chính sự xuất hiện của Pháo đã nâng đỡ vai trò của nhiều quân “yếu đuối” trên bàn cờ Tướng mà quân Sĩ là một điển hình tiêu biểu nhất. Thoạt nhìn, hình ảnh của 2 con Sĩ thật thiểu não, chúng khiêm tốn đến mức trong cờ Vua (được gọi là quân “cố vấn”) người ta đã vứt béng nó đi để thay vào đó quân Hoàng hậu hùng mạnh. Còn trong cờ Tướng người ta đã ví chúng như 2 “hoạn quan”, là 2 chiếc bia đỡ đạn cuối cùng cho Tướng và là 2 quân làm vật tế thần cho Tướng khi Tướng hết đường thoát hiểm. Thế nhưng vì Pháo luôn vẫn phải có “ngòi” để công phá đối phương, nên trong nhiều trường hợp, nhất là ở cờ tàn khi mà quân trên bàn cờ đã hầu như cạn kiệt hoàn toàn thì Sĩ chính là một “ngòi nổ” vô cùng lợi hại của Pháo. Pháo được “triệu hồi” về cung, nếu trong cung còn 2 Sĩ thì càng tốt, nếu không dù chỉ còn duy nhất 1 Sĩ mà thôi thì cũng đủ để vị “hoạn quan” này châm ngòi cho khẩu thần công bắn những phát đạn “vọt cầu vồng” quyết định để tiêu diệt Tướng đối phương đang nấp trong cửu cung cách xa nghìn dặm. Uy lực của Sĩ lúc này còn hơn Xe, hơn Mã rất nhiều và lúc đó Sĩ mới tỏ rõ được vai công thần của mình. Cờ Vua không có được những đòn quái chiêu như vậy.

Trong quan niệm của người phương Đông việc chém.giết ngay từ nước đi đầu tiên được cho là hiện tượng xui xẻo. Ở nhiều làng xã Việt Nam ta còn có tập tục chơi cờ người, người ta đã cấm hẳn đòn “sát” ở nước đầu tiên. Ở một vài hội làng có cờ người truyền thống lân cận thủ đô Hà Nội nếu một bên vào Pháo đầu, bên kia không lên Mã hay vào Pháo đối công mà để cho bên đi tiên “chém” ngay Tốt giữa thì làng cho đó là điểm “đại hung”, bên đi hậu sau đó phải làm lễ tạ lỗi và quần áo của quân Tốt giữa được đem đốt, thay bằng bộ mới vì người ta nghi rằng “quân” Tốt đó có thể bị chết trẻ.

Cho nên suy đi tính lại về mọi lẽ thiệt hơn, hầu như không bao giờ người ta “nóng ăn” khờ dại khai hoả theo những kiểu như trên.

Tuy nhiên Pháo được nghiên cứu để đánh những đòn thông minh và ác hiểm hơn nhiều mà trong làng cờ đã có những tên gọi để người chơi thuộc lòng như Pháo trùng (Pháo lồng), Pháo lăn, Pháo song tiên, tiền Mã hậu Pháo, Pháo đầu Mã đội, Pháo góc (Pháo giác)… Những thế cờ dùng Pháo tấn công, phản công và chống Pháo đối phương đã được bàn luận và phân tích rất nhiều. Các trận như Thuận Pháo, nghịch Pháo… được bàn đến từ đời này qua đời kia, từ thời Quất Trung Bí cho mãi tới các tác phẩm cận đại ngày nay. Người ta cũng bỏ không biết bao công sức để nghiên cứu phá trận đánh Pháo nguy hiểm của đối phương như Bình phong Mã chống Pháo đầu, Pháo đầu phá đơn đề Mã, Pháo đầu phá triền giác Mã, Pháo đầu phá thuận Pháo và Sĩ giác Pháo…

Ngoài ra còn có hàng loạt sách khác viết về các đòn liên hợp giữa Pháo và các quân khác như Mã Pháo công sát, Xe Pháo công sát, Xe Pháo Mã công sát… và hàng loạt các sách dạy cách kết hợp Pháo ở cờ tàn như Tàn cuộc Pháo Tốt, tàn cuộc Pháo Mã, tàn cuộc Xe Pháo, Sĩ Tượng toàn chống Pháo Tốt… được người đọc hết sức hâm mộ.

Mục tiêu của Pháo thông thường nhằm vào việc tiêu diệt quân địch, công phá thành trì, hạ thủ Tướng đối phương để giành thắng lợi quyết định. Tầm hoạt động của Pháo rất lớn. Xe có thể bị quân mình cản nhưng Pháo thì không. Từ trận địa bên này Pháo có thể bắn vọt sang tận sào huyệt đối phương bên kia, phá tung hàng thủ của địch, hay lọt thẳng vào Cửu cung đối phương để lót đường cho Pháo thứ hai tấp tập nhả đạn. Trong lịch sử cờ Tướng đã ghi danh nhiều đại cao thủ có lối chơi Pháo “quỷ khốc thần sầu”, họ đi sâu nghiên cứu và phát kiến ra những thế trận sử dụng Pháo tới mức hoàn hảo.

Tuy nhiên nói như thế không có nghĩa là Pháo là “vũ khí vạn năng” làm được mọi việc trên bàn cờ, bởi càng về tàn cuộc, khi quân trên bàn cờ vãn đi nhiều rồi thì tác dụng của Pháo cũng giảm dần. Nhất là khi hai bên đã cụt Tượng hay khuyết Sĩ hoặc bên địch có Sĩ Tượng toàn thì Pháo đành chịu “nằm rỉ sét” một xó, hết thời oanh liệt!

Nhưng dù sao đi nữa thì nhờ có Pháo mà chiến cuộc trên bàn cờ Tướng sôi động hẳn lên. Nhờ có Pháo mà sự thụ động của quá nhiều quân phải “nằm nhà” của cờ Tướng được giảm bớt đi đáng kể. Nhờ có Pháo mà các đòn phối hợp cùng với các quân Xe và Mã trở nên vô cùng diệu ảo, biến hoá và bất ngờ, tạo ra được cho cờ Tướng muôn vàn đòn chiến thuật lạ lùng được ghi danh từ đời này qua đời khác trong các quyển kỳ phổ cổ điển và hiện đại trong cờ thế giang hồ.

Nếu cờ Tướng có Pháo độc đáo và dũng mãnh với dạng cầu vồng rót lửa của những khẩu thần công huyền thoại như thế thì bên cờ Vua cũng có những độc chiêu không kém mà chúng ta sẽ được nghe nói tới trong những phần sau. Bởi nói cho cùng mỗi loại cờ đều có những sáng tạo tuyệt vời của nó.
 
Em không bao giời cho cờ tướng với cờ vua là 1.(mặc dù cách giải thích của anh có vẻ hợp lý ) Nhưng cờ vua là cờ vua mà cờ tướng là cờ tướng chứ.Không nên so sánh chúng như vậy.
Nếu nói như anh thì cờ vây thuộc thế giới nào?
 
hì thì đây là anh post lại bài của một bác post bài của một người khác nữa :)
Bài này nói về sự giống nhau giữa cờ Vua và cờ Tướng, xem liệu chúng có đều bắt nguồn từ một loại cờ cổ xưa (Saturanga) hay không cơ mà. Dính gì đến cờ vây đâu :)
Người viết bài này có lẽ chuyên về cờ Tướng hơn hoặc tại anh nghiêng về cờ Vua hơn nên thấy người viết có vẻ có thành kiến với cờ Vua :)

-------------------------

Có từ một gốc sinh ra?

Chính từ một số dị biệt như đã nói trên và mỗi loại cờ lại có một số quân lạ (cờ Vua có Hoàng Hậu, cờ Tướng có Sĩ, Pháo, cách xếp quân, cấu trúc bàn cờ…) nên đã có câu hỏi được đặt ra khá dai dẳng trong suốt mấy thế kỷ: “Cờ Vua và cờ Tướng có cùng nguồn gốc, cùng xuất phát từ Saturanga ở Ấn Độ hay không? Hay là hai sự sáng tạo hoàn toàn độc lập với nhau?”. Người cho cùng gốc ra sức tìm hiểu, lần mò khảo cứu theo dấu vết còn sót lại. Người phản bác thì gắng sức đưa ra những luận cứ của mình. Qua bao nhiêu năm câu hỏi này vẫn còn gây được hứng thú rất lớn cho người chơi cờ.

Những người châu Âu, qua nhiều thế hệ các học giả, các nhà nghiên cứu lịch sử cờ… bằng những công trình khoa học nghiêm túc và những công cuộc khảo cổ đáng tin cậy đã hoàn toàn thừa nhận rằng cờ Vua mà ngày nay họ đang chơi là bắt nguồn từ trò chơi Saturanga được phát minh ở Ấn Độ từ thế kỉ thứ 5 hay thứ 6. Ở đây phải nói tới công lao to lớn của nhà nghiên cứu Đức Antonius Van de Linde (1833 – 1897) đã dành cả cuộc đời mình để dựng nên bức tranh đúng đắn về lịch sử cờ. Sau 20 năm bền bỉ đọc ở những thư viện nổi tiếng ở châu Âu, ông chỉ ra: “Lịch sử lâu đời của cờ Vua phần nhiều dựa vào truyện thần thoại, huyền thoại hoàn toàn xa lạ với thực tế”.

Sau đó ông đi tới hàng chục quốc gia Âu, Á để khảo cứu, khai quật, nhất là Ấn Độ, Ba Tư, Ả Rập… và đi đến kết luận một cách chắc chắn rằng cờ Vua bắt nguồn từ Saturanga, được phát minh tại Ấn Độ vào thế kỉ thứ 6 sau Công nguyên. Ông viết: “Trên cơ sở đó tôi khẳng định rằng châu Âu vào những thế kỉ trước vẫn còn chơi cờ theo kiểu Saturanga. Mãi đến đầu thế kỉ 16 mới có những cải cách để trở thành cờ Vua châu Âu. Sau khi châu Âu phát minh ra việc in sách báo, tìm ra châu Mỹ và cải cách nhà thờ thì cờ Vua đã được định hình rõ nét và những quy tắc giống như ngày nay”.

Như vậy phải trải qua 2 giai đoạn: bác bỏ những ý kiến vô căn cứ trước đó và tìm ra được chân lý đúng đắn mới.

Riêng về cờ Tướng thì có vẻ khó khăn hơn. Trước tiên là do sự bảo thủ của một số học giả Trung Hoa trước đây. Họ khăng khăng cho rằng cờ Tướng là thuộc độc quyền của người Trung Hoa (trong lịch sử, Trung Hoa từng được chia thành nhiều quốc gia nhỏ), chẳng dính dáng gì tới Saturanga cả. Những người này còn cho rằng cờ Tướng được phát minh tại đây từ 3000 hay 4000 năm trước, từ thời vua Nghiêu, vua Thuấn và để chứng minh cho luận điểm của mình họ dẫn ra những truyền thuyết dân gian, những truyện cổ tích, thậm chí cổ sử như “Từ 3000 năm trước Công nguyên, vua Thần Nông đã từng sáng tạo ra Tượng kỳ, thời nhà Đường hoà chỉnh thành cờ Tướng như bây giờ”, nào là chuyện nàng Chung Vô Diệm đánh cờ với Hầu Vương để tranh giành đất đai, chuyện Quan Vân Trường đánh cờ với thần y Hoa Đà mổ cánh tay và cứ việc ép cho những nhân vật này phải chơi cờ Tướng cả. Thật là những nhầm lẫn tai hại.

Một số sách báo ở ta cũng chép lại thuyết trên. Từ một trò chơi thông thái trí tuệ, người ta lồng vào đó không ít điều thần bí, cao xa, nào là thuyết âm dương, ngũ hành, tư tưởng Khổng giáo chính thống, khái niệm đạo lý như nhân nghĩa trí dũng, tự đặt ra thêm những quy tắc thiếu cơ sở như cấm chiếu hậu, thậm chí cấm đi Tốt đầu, quy ước “hắc giả tiên hành” được giải thích khá tuỳ tiện. Những bức màn như thế khiến cờ Tướng bị tách rời hoàn toàn nguồn gốc đích thực của nó.

Trong lúc người châu Âu coi cờ Vua là một trò chơi giải trí, rèn luyện trí thông minh, tập cho những thói quen tốt và cao hơn nữa là qua cuộc cờ mà thấy bóng dáng cuộc đời, thế thôi, thì ở châu Á có một số người muốn biến hết thảy những người chơi cờ thành những bậc “chính nhân quân tử”, rồi nhìn bàn cờ cứ như “thâm cung bí sử” đầy những ý nghĩa triết học cao xa, chẳng khác nào một số “thánh nhân” do cha mẹ người trần mắt thịt sinh ra hẳn hoi nhưng lại cố tự chứng minh rằng mình do “khí linh thiêng của trời đất hội tụ lại mà thành”.

Lại có người cho rằng cờ Tướng xuất phát từ cờ Vây! Quả là một chuyện hoang đường. Ai đã từng chơi cờ Vây cũng đều hiểu giữa cờ Vây và cờ Tướng có khoảng cách một trời một vực, chẳng có bất cứ mối liên hệ nào, và cũng không thể tưởng tượng được rằng xuất phát từ cờ Vây mà cải tiến được thành cờ Tướng. Những truyện dã sử về những nhân vật như đã nói ở trên đều là chơi cờ Vây chứ không phải chơi cờ Tướng như một số người lầm tưởng. Quả là cờ Vây có nguồn gốc cổ đại tới 3000 hay 4000 năm ở Trung Quốc, nhưng cờ Vây là cờ Vây, cờ Tướng là cờ Tướng, chứ không thể nhập nhằng đánh lận con đen, à uôm muốn nói sao thì nói, viết sao thì viết.

Cho nên tận ngày nay, chưa ai đưa được ra một minh chứng khoa học hay khảo cổ học chứng minh được rằng cờ Tướng có trước Saturanga cả.

Trong những công trình nghiên cứu khoa học kết hợp với khảo cổ, những bức hoạ Trung Quốc xưa còn lại, người ta thấy tiền thân của cờ Tướng là một bàn gồm 64 ô y như kiểu Saturanga, trên đó không hề thấy mặt quân Pháo và cách xếp đặt các quân cũng khác xa ngày nay, nhưng lại hao hao như kiểu quân của Saturanga.

Dù có cố công tới mấy thì những tài liệu lịch sử và những dấu vết khai quật được dưới lòng đất cũng chỉ đem lại được một lời khẳng định rằng cờ Tướng có sớm nhất ở Trung Quốc là vào thế kỉ thứ 8, thứ 9 chứ không thể sớm hơn. Như vậy nó phải sau Saturanga đến 300, 400 năm.

Nhưng có lẽ tốt nhất ta cứ nhìn thẳng vào bàn cờ. Biết bao người chơi cờ Tướng chỉ cần có 10, 15 phút là có thể hiểu được ngay nước đi của cờ Vua (với những người chơi cờ Vua cũng chỉ cần chút ít thời gian là họ nắm ngay được nước đi của cờ Tướng). Vì sao? Bởi vì chúng giống nhau quá thể, giống đến 90%. Như thế không thể 2 nơi cùng lúc sáng tạo ra 2 loại cờ như “hai anh em ruột” vậy.

Trên thế giới này, biết bao loại cờ, loại bài dính dáng đến bói toán, chiêm tinh, cầu may, đoán tiền vận, hậu vận, xem quẻ… Một số khác thì dựa vào việc gieo quân xúc xắc đầy may rủi. Chỉ riêng có cờ Tướng cờ Vua là hoàn toàn không có những trò này. Đó là trò chơi sòng phẳng, ngang bằng, đường hoàng, khí phách, trí tuệ và cao thượng nhất trong tất cả các trò chơi trí tuệ.

“Cây ngay không sợ chết đứng”, chính bản chất tuyệt vời đó khiến cho cả hai loại cờ đã đứng vững trong đời sống của nhân loại và ngày càng nảy nở phát triển suốt 1500 năm, vượt qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử nhân loại (ví dụ trong thời kì “cách mạng văn hoá” của Trung Quốc, người ta đã cấm chơi cờ Tướng, cờ Vua vì coi chúng là “sản phẩm của Phong kiến và Tư sản”?!)

Cả hai loại cờ có cùng một mục đích duy nhất là tiêu diệt được thủ lĩnh (Vua hay Tướng) của đối phương. Cả hai vị thủ lĩnh này đều được bảo vệ bằng một thế trận ban đầu rất chặt chẽ. Bàn cờ tuy có khác nhau chút ít nhưng cũng gồm toàn đường thẳng và một số nước đi chéo. Diện tích tuy có khác nhau, nhưng thật ra chỉ do cờ Tướng có thêm hà, còn số điểm di chuyển quân cờ có chênh lệch nhau nhiều chẳng qua vì cờ Tướng lấy vị trí quân là các đường chứ không phải là các ô (nếu tính ô thì chỉ 8, còn tính đường thì thành 9). Quân hai bên không để ngoài như cờ Vây mà được sắp toàn bộ vào ngay thế trận. Mỗi loại cờ đều có 32 quân (cùng chia làm 2 màu, mỗi màu 16 quân). Thế và lực hai bên lúc ban đầu hoàn toàn cân bằng nhau và đều lấy ý tưởng quân sự làm nền tảng. Các loại cờ khác đều khác xa cờ Tường và cờ Vua. Ví dụ như cờ Vây: cờ Vây lúc bắt đầu chơi không có một quân nào trên bàn cờ, cả trăm quân giống nhau như hạt đậu ván, chẳng quân nào được đặt tên. Nước đi thì chỉ có một nước duy nhất là đặt thêm từng quân một vào. Các loại cờ nhảy, cờ Đam, cờ gánh… đều chẳng có một nét nào tương đồng với hai loại cờ mà ta đang nói tới.

Ở cờ Tướng và cờ Vua các binh chủng hầu như giống nhau: có chủ tướng, có cận thần, có kị binh, có Xe, có bộ binh (các Tốt). Nước đi của mỗi quân cũng rất tương ứng với nhau: Mã cờ Vua đi giống với Mã cờ Tướng, Tượng giống với Tượng (đi chéo), Xe giống với Xe (đi ngang, dọc), Tốt giống với Tốt từng bước, chỉ tiến không lùi (thân phận của Tốt không thể ngang với Vua hay Tướng được). Có một vài quân có nước đi hơi khác nhưng cũng cùng một nguyên tắc (Tướng hay Vua chỉ được đi từng nước một). Tất nhiên 2 loại cờ này không thể giống hệt nhau được (như thế thì còn làm gì có hai nữa!) nhưng về tổng thể thì tuy trên thế gian này có tới gần 100 loại cờ (riêng ở Việt Nam có đến gần chục loại) thì không tìm đâu ra được hai loại cờ lại giống nhau tới như thế. Ngay cả quan niệm về khu trung tâm, về các đòn chiến thuật, về chiến lược tổng thể cũng có khá nhiều điểm trùng hợp (tất nhiên về chi tiết cụ thể, về một số điều luật cũng có những dị biệt)
 
Phạm Quang Linh đã viết:
Người viết bài này có lẽ chuyên về cờ Tướng hơn hoặc tại anh nghiêng về cờ Vua hơn nên thấy người viết có vẻ có thành kiến với cờ Vua :)
Không hiểu có phải chỉ có người Việt Nam thế không, nhưng em thấy người mình có thói quen mỗi khi muốn tâng bốc cái gì mình thích thì thế nào cũng phải chê bai những cái khác. Dù sao thì mấy bài này tán cũng hay phết :biggrin:
 
Không chỉ tán hay mà còn bịa giỏi nữa ạ :D Đúng là Internet làm cho con người ta dạn dĩ lên nhiều :D

Tác giả mấy bài này chỉ được cái đọc nhiều + bịa giỏi, chứ cũng không có gì sáng tạo lắm, nhiều chỗ còn...bịa hơi thái quá, tâng hơi cao :D

Hì, có thêm ý nữa đây, cái này sao không thấy bác kia đề cập nhể :D

-Cờ Tướng không phải là minh họa cho một quốc gia, mà là một trận đánh.

-Với người Trung Hoa, cờ Vây mới là minh họa cho việc tranh giành lãnh thổ. Người Hoa Hạ xưa coi hạ lưu Hoàng Hà là Thần Châu, là trung tâm trời đất, thế nên trên bàn cờ Vây, mới chia làm Đông Tây Nam Bắc, mới được biểu trưng cho việc mở rộng lãnh thổ.

Em đã từng nghĩ tới một cái kiểu: hai bên lấy Vi kỳ làm gốc, đến chỗ nào tranh giành quyết liệt thì...lôi cờ Tướng ra đánh :D Ai thắng thì được phép chiến tiên cơ ở mảng ấy :D Nghe cũng...cầu kỳ :p

Còn cái chuyện sáng tạo quân Pháo:

-Bác ấy có bịa hay không mà kêu là sách từ 700 năm trước đã có đòn về Pháo :-/ Thời Thành Cát Tư Hãn oánh lộn bậy, pháo chỉ dùng để công thành, chứ không có thằng nào vác thần công đốt đít ra bắn bùm bùm như bên châu Âu cả :D Mà xưa nay, trong sử Tàu, mãi đến Minh mạt-Thanh sơ mới thấy có mấy khẩu pháo còm, làm gì đã uy lực như bác ấy nói :-/

-Tại sao lại có chi tiết Pháo phải ăn cách quân :-/ Sao không thấy tán tiếp nhể :-/ :p Cung thủ thì có thể bắn góc cao, chứ pháo góc thấp mà có thằng quân mình chặn ngay trước thì... :D Đoạn này hình như bác ấy tảng đi thì phải :p
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Tran Tuan Anh đã viết:
Em đã từng nghĩ tới một cái kiểu: hai bên lấy Vi kỳ làm gốc, đến chỗ nào tranh giành quyết liệt thì...lôi cờ Tướng ra đánh :D Ai thắng thì được phép chiến tiên cơ ở mảng ấy :D Nghe cũng...cầu kỳ :p
Thế thì mua Dynasty Warriors 4 Empires về mà chơi :biggrin:

PS. Pháo ngày xưa không bắn cầu vồng được à?
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Dạ, theo em nó bắn thì bắn được :D Thậm chí ngày xưa các cụ đã có được pháo bắn thẳng kiểu rocket nòng tăng thì em cũng chẳng có ý kiến gì :D có điều xem các khẩu pháo cổ, thấy góc bắn của nó cũng nhỏ, thường là được đặt ở các cao điểm nếu được nghịch ở vùng đồi núi, còn nếu đánh đồng bằng thì toàn là bọn đặt ở hàng một hết ấy ạ :D Ngay cả cung thủ cũng thế còn gì ạ :p
 
Em thấy mấy anh giỏi liên tưởng quá .Có đòn pháo mà nào thì bắn rocket, nào thì bắn cầu vồng :))
Bịa thế còn giỏi hơn người khơi mào ấy chứ :biggrin:
Chúng ta có bàn tiếp về nguồn gốc của cờ tướng và cờ vua nữa không?
Em thì nhất chí cho rằng cờ tướng và cờ vua có cùng nguồn gốc.Nhưng nó từ đâu tới thì em không biết 8-| Có đúng như anh Linh nói không nhỉ? :-/
 
Tiếp nào :) Còn khối cái để bình luận :)

Lại có câu hỏi là: Nếu 2 loại cờ cùng xuất phát từ một nguồn gốc thì tại sao quân cờ cờ Vua lại có cấu trúc hình dạng khác hẳn cờ Tướng? Cờ Vua có hình tượng rõ ràng, cao ráo, sinh động của Vua, Hoàng Hậu, Mã, Xe… chỉ cần thoáng nhìn vào là biết đó là quân gì. Còn như cờ Tướng thì trừ vùng Á châu, nơi biết chữ Hán thì mới đọc được tên quân cờ, còn dân tộc nào dùng chữ khác thì chịu chết. Việt Nam xưa kia dùng chữ Hán làm văn tự vì vậy người Việt Nam sớm tiếp thu cờ Tướng cũng là điều dễ hiểu. Vả lại nếu tra gia phả của từng tộc họ thì đại đa số các tộc họ Việt Nam đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Điều đó cũng giải thích vì sao ở một số nước khác cũng có chơi cờ Tướng nhưng phần đông chỉ được chơi và chơi giỏi trong các cộng đồng người Hoa (Hoa kiều).

Cho đến tận bây giờ, do việc các quân cờ vẫn còn là chữ Hán mà trong khi Liên đoàn cờ Vua có tới 168 nước thành viên, Hiệp hội cờ Vây có 55 nước thành viên thì Hiệp hội cờ Tướng thế giới chỉ khoảng 20 thành viên mà thôi, trong đó chủ yếu là Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, còn một số nước Âu Mỹ ghi tên tham gia nhưng thực ra các kì thủ cờ Tướng mang quốc tịch Mỹ, Pháp, Đức, Canada.. tuyệt đại đa số là người Trung Quốc di cư sang mà thôi!

Đứng về mặt lịch sử mà nói thì Saturanga lúc đầu chắc chắn cũng không có những hình tượng đẹp đẽ như quân cờ Vua mà cũng chỉ là những khối đất nung, những miếng ngà voi, thậm chí là những khối gỗ đẽo gọt giản đơn. Sau đó để phục vụ cho các bậc quyền quí cao sang dần dà người ta mới cải tiến và tôn tạo nó thành những bức tượng nhỏ mang hình tượng rõ ràng và đặc sắc.

Tuy nhiên ta phải thừa nhận một điều, khi Saturanga được đưa sang châu Âu đúng thời buổi hoàng kim của nền văn hoá Phục hưng châu Âu với nhiều nhà bác học, với nhiều nghệ sĩ, nhất là hội họa và điêu khắc thì lập tức người châu Âu coi đây là một đề tài hết sức độc đáo của nghệ thuật và người ta đã bỏ biết bao công sức trau chuốt các hình tượng quân cờ để nó có được hình tượng hoàn hảo như ngày nay.

Còn Saturanga sang châu Á trong thời buổi chinh chiến loạn lạc. Nước Trung Hoa rộng lớn và thống nhất như hiện nay lúc bấy giờ được chia năm xẻ bảy, nên việc tìm được một tiếng nói thống nhất để tạo ra một hình tượng từng quân cờ sao cho phù hợp cũng không phải dễ dàng gì. Có lẽ cũng đã từng có những đề xuất, có những người thợ thủ công đã từng bỏ công sức ra làm những quân cờ mỹ thuật và hình tượng hơn, nhưng có lẽ đó chỉ là những trường hợp đơn lẻ hiếm hoi hay chỉ được dùng ở những nơi quyền quý cao sang mà thôi!

Nhưng cũng còn một lí do nữa mà ta không thể không xem xét, đó là trong điều kiện kinh tế của các quốc gia thuộc Trung Quốc còn kém xa châu Âu, nên phần đông người châu Á không có tiền để có thể mua được một bộ quân cờ như người châu Âu. Nếu một bộ cờ như châu Âu được coi như một bộ tác phẩm nghệ thuật gồm 32 bức tượng nhỏ thì chỉ có những người khá giả mới có thể chơi cờ mà thôi. Tốt nhất là các quân phải nhỏ, gọn, nhẹ, rẻ tiền, dễ mang đi lại, các quân đơn giản giống hệt nhau và chỉ cần phân biệt nhau bằng chữ viết trên đó là được. Như vậy sự tiết kiệm tối đa, giản tiện tối đa và lòng kiêu hãnh văn tự Trung Hoa đã tạo ra hình dạng quân cờ Tướng như bây giờ.

Châu Á sau bao nhiêu năm bế quan toả cảng, thậm chí thù nghịch với nhau nay đã bắt đầu hoà đồng và xích lại gần nhau hơn, hơn nữa châu Á giờ đây kinh tế đã khá hơn xưa kia rất nhiều. Lại nữa Trung Quốc tuy vẫn là nước lớn nhưng không còn phải là trung tâm nữa (chỉ còn ưu thế là nước đông dân nhất), trong lúc về kinh tế và những mặt khác thì có nhiều nước đã hơn hẳn, cho nên gần đây đã có nhiều ý kiến nên cải cách lại hình tượng các quân cờ để mở rộng cờ Tướng ra thế giới. Một mẫu cờ cải cách được đưa ra từ năm 1995 để các kì thủ tham khảo, và có nơi đã đưa ra đánh thử. Không biết bao giờ ý tưởng này mới thành công, tuy nhiên theo đà tiến lên của xã hội thì có thể có ngày những cải cách này biến thành hiện thực. Ngay cả cách ghi chép theo kiểu từ trái sang phải, từ trên xuống dưới, đối xứng nhau hiện nay cũng đang có đề nghị cải cách mạnh mẽ theo kiểu ghi theo toạ độ rất khoa học tiện lợi của cờ Vua. Thực tế thì các chương trình cờ Tướng chạy trên máy vi tính đều từ bỏ kiểu ghi theo truyền thống để sử dụng hệ toạ độ mới. Những người chơi cờ Tướng thế hệ mới đã vui long tiếp nhận những cải tiến này.

Người viết bài này đã từng cố công bày cho người châu Âu chơi cờ Tướng. Những người châu Âu cũng phải công nhận rằng cờ Tướng có những cái hay, độc đáo và thú vị nhưng họ cảm thấy hết sức bất tiện trước các chữ lằng ngoằng mà cứ phải ra sức hiểu rằng đó là ông Tướng hay khẩu Pháo và hầu như 100% số người được dạy chơi đều hỏi “Vì sao không thay chữ bằng các quân theo kiểu như cờ Vua cho dễ nhớ, dễ phân biệt hơn?”. Đó là một câu hỏi rất tự nhiên và đơn giản, nhưng câu trả lời thì thật khó khăn, vì muốn thay đổi thì trước tiên đất nước hơn 1 tỉ dân kia phải thực hiện cải cách trước. Mà xem chừng cho tới nay chưa có dấu hiệu nào là họ sẵn sàng làm việc này cả!

Nhìn tổng quát vấn đề như trên cho phép ta đi tới một khái niệm rất rõ ràng là cả hai loại cờ có cùng một nguồn gốc. Chỉ có tới những vùng đất khác nhau, chúng được cải biến, nâng cao, sáng tạo thêm cho phù hợp với quan niệm nhân sinh, quan niệm binh lược và bản sắc văn hoá tại nơi đó mà thôi. Cả hai ngày nay đều khác xa với Saturanga cổ xưa, nhưng cùng là anh em cùng một nhà. Trước đây 2 loại cờ này bị tách biệt bởi thế giới còn những ý thức hệ dị biệt, sự đi lại cách trở, thông tin ít ỏi và lao động trí tuệ cũng chưa mấy phát triển. Ngày nay khi tất cả những hạn chế trên được giải toả, cả cờ Vua và cờ Tướng lại hoà hợp nhau, cùng song song tồn tại. Mỗi loại cờ đều có những giá trị đặc sắc của nó và phát huy sức mạnh của mình. Việt Nam ta nằm trong số ít nước may mắn đang phát triển mạnh mẽ cả 3 loại cờ: cờ Tướng, cờ Vua, cờ Vây. Điều đó chứng tỏ rằng dân tộc ta có khả năng mạnh mẽ về trí tuệ. Đó là nguồn tài nguyên quý giá nhất của mỗi quốc gia.

Tất cả những gì nói trên giúp chúng ta thống nhất lại bức tranh lịch sử chân thật của mỗi một loại cờ và nguồn gốc đích thực của nó, từ đó làm nền tảng cho những nghiên cứu tiếp theo, cũng giống như người ta đã khám phá ra rằng hàng trăm vạn vật chất trên thế gian này chỉ do hơn 100 nguyên tố cơ bản cấu tạo thành, từ đó mới giải thích được sự hình thành thế giới, đặt được nền tảng cho việc nghiên cứu hoá học, khám phá ra biết bao hợp chất, tạo ra biết bao sản phẩm có ích cho đời.
 

Chuyện lính tráng

Rất nhiều người cho rằng nước đi của cờ Vua thật thoáng đãng: Tượng xuyên suốt bàn cờ, Vua cũng sang được trận địa đối phương, Mã không bị cản cộng thêm những nước đặc biệt như nhập thành, bắt Tốt qua đường và nhất là nước phong cấp kì diệu, mang tính dân chủ, công bằng và bình đẳng hơn hẳn thân phận của Tốt ở cờ Tướng.

Thử hỏi có đấu thủ nào mà không hả dạ khi đưa được Tốt của mình vượt qua bao hiểm nguy, tiến lên phía trước, tiêu diệt địch quân và cuối cùng, chú Tốt nhỏ bé đáng yêu của mình chỉ trong chớp mắt đã biến thành một chàng kị sĩ oai hùng, có sức mạnh tăng gấp bội phần. Nếu Tốt biến thành Xe hay Hoàng Hậu thì sức mạnh còn tăng gấp bao lần. Đó là sự tưởng thưởng xứng đáng cho một “anh Tốt quèn” đi tới nơi về tới chốn.

Thế nhưng bạn có dám cam đoan với tôi đó luôn là một điều hay ho tuyệt đối không? Người phương Đông ta có câu “Họa trung hữu phúc” nghĩa là trong họa có cái phúc, cũng có nghĩa là trong cái phúc có chứa cái họa.

Ta hãy quay về với sự “hơn hẳn” của Tốt cờ Vua đối với Tốt cờ Tướng. Rõ rang việc được phong cấp thành Tượng, Mã, Xe hay Hoàng Hậu (phần lớn được phong thành Hoàng Hậu hay Xe) và tham gia ngay lập tức vào cuộc chiến có ý nghĩa lớn. Trên bàn cờ mỗi bên có 8 Tốt, như thế, đứng về mặt lý thuyết, nếu đưa được toàn bộ Tốt sang hàng cuối cùng thì trên bàn cờ mỗi bên sẽ có 1 Vua và 9 Hoàng Hậu. Đúng thế, có 9 bà Hoàng trong lúc chỉ có duy nhất một đức Vua. Ở đời, 1 Vua 1 Hoàng hậu mà lắm khi còn “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” nữa là 1 ông có tới 9 bà! Bên đối phương cũng thế. Hoàng Hậu là quân mạnh nhất, trên bàn cờ có tới 18 bà Hoàng Hậu tung hoành nganh dọc thì còn không biết loạn tới đâu! Ấy là cái họa của sự dân chủ quá trớn. Nó sẽ làm tan hoang ván cờ, với 64 ô chật hẹp mà phong cấp kiểu ấy thì…

Nhưng cờ Vua vẫn bất chấp, Tốt nào cũng có cơ được phong và thật tội nghiệp cho những chú Tốt chẳng hề có ý đòi hỏi tước vị, cấp bậc gì, chỉ muốn yên phận làm lính cũng không được. A lê hấp, phải chấp nhận ngay sự tấn phong và xông vào chiến cuộc ngay.

Thế còn nếu thay Tốt bằng Mã thì sẽ có bao nhiêu Mã nhảy lông ngông trên bàn cờ đây? Thay bằng Tượng thì có lẽ sẽ rất nực cười nếu tất cả các đường chéo bị Tượng khống chế sạch, thì còn đâu là đường để đi quân!

Ở mỗi ván cờ đáng lẽ số quân được cố định đâu ra đấy, thì riêng cờ Vua lúc nào cũng phải có một số quân dự phòng chi việc phong cấp. Dự phòng bao nhiêu? Ai mà biết được. Nhưng mỗi bộ cờ có thấy quân dự trữ nào đâu? Lúc đó đành vớ vội bất kì một cái gì đó đặt tạm vào và cho đó là “Hoàng Hậu” vậy. Nếu chỉ 1 Hậu thì không sao nhưng nếu 5, 3 Hậu thì lúng túng quá, chẳng lẽ lại đi mượn Hậu ở bàn khác? Rõ ràng việc này đã bộc lộ sự thiếu hoàn chỉnh hay nói cách khác, đó là sự “lòng thòng” bất đắc dĩ của cờ Vua mà bất kì loại cờ nào cũng không mắc phải.

Trong cờ Tướng tình hình khác hẳn. Sự cân đối hài hoà giữa các binh chủng và tỉ lệ bao nhiêu cho hợp lý giữa chúng đã được tính toán ngay từ đầu. Binh chủng nào có phận sự và trách nhiệm của binh chủng đó. Không ai chấp nhận trên bàn cờ có tới 9, 10 khẩu Pháo ầm ầm nhả đạn hay mỗi bên có tới năm bảy chú voi chạy tứ tung hoặc tự nhiên có khoảng nửa tá Sĩ lô nhô lốc nhốc trong Cửu cung thì lấy đâu ra chỗ chứa!

Có nghĩa là nếu anh đã có một bộ cờ Tướng thì anh yên tâm cứ thế mà chơi, khỏi phải thấp thỏm lo kiếm thêm quân này hay quân kia để thay thế và chẳng bao giờ phải bận tâm về việc trên bàn cờ sẽ xuất hiện thêm một loạt “kẻ lạ mặt” do tấn phong.

Sự tấn phong xuất phát từ Tốt, tức là từ những “chú lính chì”. Không ít người chơi cờ phương Đông khi thoạt nhìn thấy nước “phong cấp” của cờ Vua thì loá mắt trước ý tưởng dân chủ quá hấp dẫn này, lúc đó như chợt tỉnh giấc mê mà ngộ ra rằng thân phận của “anh Tốt phương Đông” thật lắm nỗi đắng cay, gian truân và thiệt thòi, chẳng bao giờ được tưởng thưởng công lao. Bao nhiêu bài viết về Tốt phương Đông đầy vẻ ai oán, thương cảm.

Những xúc động ấy cũng phải thôi vì ai mà chẳng phẫn uất trước nỗi bất công! Nhất là khi kẻ chinh chiến phong trần suốt đời mà cũng chỉ là anh lính quèn, đó là chưa nói lúc cần là người ta sẵn sang đem ra thí mạng!

Thế nhưng những chuyện bi thảm như vậy cũng chỉ mới là một mặt của sự việc!

Nhưng thật ra, Tốt phương Đông hay nói chính xác là Tốt trong cờ Tướng không phải không có cái oai phong của nó và trên thực tế sức mạnh quật khởi của nó ở nhiều thời điểm không kém gì các quân mạnh trên bàn cờ.

Bạn không tin ư? Bạn cười nhạo ư? Xin cứ từ từ, chúng ta hãy cùng xem xét kỹ một chút nhé!

Tốt bên cờ Vua chỉ đi lên phía trước và không được lùi lại. Điều này cũng không có gì đáng nói. Tốt ở cờ nào mà chẳng thế. Nhưng Tốt ở cờ Vua có 2 hạn chế rất cơ bản: Thứ nhất, không được phép đi ngang như ở cờ Tướng và thứ hai, điều này mới thật tồi tệ: không làm gì được với quân đối phương nằm ngay trước mặt mình. Cứ cho quân chắn là Tốt bị tắc tị ngay, không làm sao có thể nhích lên nửa bước. Kể cũng lạ, khi Vua đối phương sấn sổ tới ngay trước mặt Tốt, Tốt chẳng thể rút gươm ra hạ thủ để lập chiến công mà lại đứng ỳ ra đấy, cứ như là chịu tình nguyện làm lá chắn bảo vệ cho Vua đối phương. Lắm khi Vua đối phương bị cả một đám Tốt vây bọc mà chẳng mất một “chiếc lông chân” nào. Còn khi quân địch bên tả bên hữu ào tới, thì Tốt cũng cứ phải “đứng im chịu trận” không được phép hó hé cựa quậy gì! Dĩ nhiên là Tốt cờ Vua được ăn chéo, nhưng có phải lúc nào cũng có quân nằm ngay ô chéo trước mặt để mà ăn đâu, và nếu không ăn chéo được thì đành án binh bất động, nửa bước không nhích nổi. Chính sự kẹt cứng của Tốt như thế đã tạo ra thế cờ “hết nước đi” rất vô duyên!

Nên tuy lực lượng Tốt của cờ Vua hùng hậu (8 trong tổng số 16) nhưng mãi tới cuối ván cờ may ra mới còn một vài tiến sâu sang bên địch, còn phần lớn do ách tắc nên bị tiêu diệt gần hết. Ngay cả những Tốt thoát được để phong cấp cũng phải có sự hỗ trợ rất lớn của các quân mạnh khác như Xe, Hoàng Hậu để dọn đường, mở lối. Thậm chí lắm lúc Vua cũng phải thân chinh lặn lội lên thông đường cho Tốt, có lúc chưa kịp đưa được Tốt tới phong cấp thì Vua đã phải lăn quay ra chết vì phải liều thân xông vào những vùng trống trải, làm mục tiêu địch quân tới tấp nhả đạn. Thật rõ nực cười, Đức Vua phải bỏ mạng vì một anh lính quèn, còn chàng lính này chẳng thể giúp ích gì cho Vua, phút chốc làm mất đứt cả giang sơn xã tắc! Thật lính chẳng ra lính mà Vua cũng chẳng ra Vua! Chuyện này ở cờ Tướng tuyệt nhiên không bao giờ xảy ra.

Sự ì ạch và bất lực của Tốt ở cờ Vua trái ngược hẳn với sức mạnh ngày càng gia tăng của Tốt ở cờ Tướng. Tốt ở cờ Tướng lúc khởi sự cũng không nhanh gì hơn Tốt cờ Vua, nhưng kể từ khi nó đã vượt sông thì sức mạnh của nó tăng bội phần: các quân đối phương, bất kể là Xe hay Mã, là Pháo hay Tượng, thậm chí Sĩ hay Tướng mà dám xông ra chặn đường là Tốt cho nhát đi đời, không thương tiếc. Không những thế tất cả đối phương bên phải bên trái xáp tới, nó cũng tiêu diệt luôn chẳng tha.

Tốt đã sang được trận địa đối phương là tha hồ tung hoành mặc sức không có một quân nào cản nổi. Lúc đó Tốt cờ Tướng cũng gần như đã được “phong cấp” chẳng kém gì Tốt ở cờ Vua. Tốt ở cờ Vua lận đận tới hàng cuối bên đối phương mới được thăng hạng, nhưng với Tốt cờ Tướng thì sự thăng hạng tuy không cao cấp như Tốt cờ Vua nhưng được “thăng” rất sớm nên sức mạnh của nó hơn hẳn Tốt cờ Vua. Nhất là khi có 2 Tốt liên kết sang được sông thì đối phương lắm khi kinh hoàng. Thế thì nó có kém gì Pháo, kém gì Xe cơ chứ? Chả thế mà “Lạc nước 2 Xe đành bỏ phí, gặp thời 1 Tốt cũng thành công” đó sao. Tốt cờ Tướng cực kì linh hoạt, lắm khi phi thân vào chân ngựa đối phương, chặn ngay đà phi của Mã bằng nước cản Mã độc đáo. Nhiều khi Tốt tình nguyện làm ngòi cho Pháo mình nhả đạn vào quân thù.

Còn khi “lính tráng” cờ Tướng đã bắc được thang, trèo lên thành mà xông vào được Cửu cung thì hỡi ôi, Tướng đối phương toi mạng tới nơi. Lúc ấy Tốt sẽ thét lên dõng dạc “Ta là Tốt đây, tự tay ta sẽ chém đầu Tướng giặc cho mà coi”. Lời ấy ứng vào câu “Tốt nhập cung, Tướng khốn cùng” mà các cụ ta vẫn thường dạy.

Lúc ấy Tốt oai hùng biết bao. Có sự tưởng thưởng xứng đáng nào hơn thế nữa. Có hình ảnh nào hùng vĩ hơn cảnh một vị Chủ soái đối phương phải cong lưng bó giáp quy hàng trước một “vô danh tiểu tốt” hay không? Công lao của Tốt, sự vẻ vang của Tốt là ở đó, và dù vẻ ngoài vẫn là lính nhưng bên trong mang đầy đủ phẩm chất của những quân mạnh nhất bàn cờ, vì việc phong cấp còn cần để làm gì nữa? Chỉ với 5 Tốt nhưng Tốt cờ Tướng đã đóng vai trò không nhỏ trên bàn cờ. “Đấng quân vương cứ yên tâm ở nhà mà trị vì đất nước, ngoài biên ải đã có chúng tôi!”. Người lính ra đi xông pha trận mạc theo quan niệm từ ngàn xưa “da ngựa bọc thây”, dẫu có hi sinh thân mình âu cũng là đền nợ nước, chứ nào có nghĩ tới tước vị cấp bậc, công danh phú quí gì đâu. Người lính của phương Đông, từ thế hệ này qua thế hệ kia, muôn đời vẫn thế…

Tuy nhiên, trên thực tế tất cả các Tốt trong cờ Vua có mấy hồi được phong cấp cả đâu. Có tới 80, 90% các ván cờ là không có sự phong cấp nào hết. Một ván cờ nói chung chỉ có một Tốt được phong. Do vậy việc giả định có tới 5 hay 7 Hoàng Hậu trên bàn cờ cũng chỉ là chuyện phòng hờ mang tính cực đoan mà thôi! Vì vậy dù là cờ Vua có sự “lòng thòng” nào đó thì trên thực tế cũng hiếm khi xảy ra, cho nên cờ Vua vẫn được chơi mà hầu như những tình huống oái oăm nói trên rất ít xuất hiện.

Nhưng lại xuất hiện một loạt câu hỏi khác: vì sao cờ Vua phải có những nước khác thường và đầy tính cải cách so với Saturanga xưa kia như: thêm quân Hoàng Hậu, nhập thành, phong cấp, Tốt được nhảy lên 2 bước và bắt Tốt qua đường. Để trả lời những câu hỏi này chúng ta hãy xem các phần sau.

 
Đọc mấy bài này càng ngày càng thấy lệch lạc, lúc đầu còn cố ra vẻ khách quan 1 tí nhưng mà về sau thì... :)
 
Một mẫu cờ cải cách được đưa ra từ năm 1995 để các kì thủ tham khảo, và có nơi đã đưa ra đánh thử. Không biết bao giờ ý tưởng này mới thành công, tuy nhiên theo đà tiến lên của xã hội thì có thể có ngày những cải cách này biến thành hiện thực

hehe, thế này thêm hỏa tiễn, máy bay, tàu ngầm, bomb vào cho xong. Thế thì chế luôn 1 loại cờ mới cho đúng thời đại

Mấy bài này tán hay đấy chứ, nhất là về đoạn lịch sử. Tất nhiên là mỗi cờ thể hiện 1 tư tưởng và triết lý của 1 phương, cũng chẳng nói ai hay ai dở hơn được. Nhưng mà cờ tướng vẫn RULES !

PS : tranh thủ chào anh Linh 1 phát ! long time no see
 
Hì chào Rem :)

Mấy bài này tán phét đọc cũng vui nhưng như chú Vũ nói, càng về sau thì hì hì...


Như bài trước đã nói, Tốt cờ Tướng tiến thẳng và quét sạch những quân đối phương ngăn trở nó cũng như tiêu diệt quân đối phương theo hàng ngang cả bên trái lẫn bên phải, như vậy Tốt có tới 3 hướng tấn công. Trong lúc đó, Tốt cờ Vua phải có quân để ăn hay đường phía trước được dọn sẵn mới có thể đi tiếp. Do yếu ớt như thế nên số lượng Tốt ở cờ Vua phải rất đông (gần gấp đôi số Tốt ở cờ Tướng) và phải luôn luôn “bá vai bá cổ” nhau theo kiểu “rồng rắn lên mây” để cùng tiến mà trong thuật ngữ cờ Vua gọi là “móc xích Tốt”. Nếu móc xích mà bị đứt sẽ tạo ra các “Tốt cô lập”, các Tốt này sẽ trở thành miếng mồi béo bở cho kẻ địch. Đa số các Tốt cô lập không sớm thì muộn cũng sẽ bị tiêu diệt.

Ngay cả khi ăn được quân đối phương thì Tốt cờ Vua lại gặp một trường hợp không mấy dễ chịu, đó là Tốt “chồng”. Khi bị Tốt chồng (tức là Tốt này đứng chặn trước Tốt kia) thì hiệu quả của Tốt sau bị giảm đi đáng kể, vì con Tốt trước cản đường Tốt sau. Còn nếu Tốt trước cũng bị chặn thì cả hai đành dồn cục, tắc tị. Hai Tốt này không những không bảo vệ được cho nhau mà còn ngáng trở hàng loạt quân khác.

Trái lại ở cờ Tướng, nếu có 2 Tốt chồng thì sức mạnh của cả 2 sẽ tăng bội phần vì lúc đó Tốt sau vừa có thể bảo vệ cho Tốt trước, vừa có thể đi ngang rồi tiến tiếp thành 2 Tốt song hành, cặp Tốt này có thể ví ngang với 1 Pháo thậm chí có lúc ngang với 1 Xe.

Nếu cờ Vua mà chỉ có 5 Tốt thì chắc chết hết quá, bởi chúng buộc phải tách rời nhau để thành các “Tốt cô lập”.

Bây giờ thì bạn đã công nhận với tôi vai trò của Tốt cờ Tướng chưa, nó đâu có đáng thương, thảm hại như người ta tưởng.

Nhưng có người sẽ vặn lại: Nhưng nếu Tốt lụt thì sao? Chẳng phải lúc đó Tốt cờ Tướng hết tác dụng, đáng bị vứt ra rìa lắm chứ, trong lúc nhìn xem kìa: Tốt cờ Vua được tấn phong thành Hậu, thành Xe, thành Mã! Được phong cấp xong, Tốt cờ Vua trong vai trò mới của mình lao ngay vào chiến trận khiến quân địch bạt vía kinh hồn, nhiều khi lật ngược thế cờ, chuyển bại thành thắng!

Điều này thì chúng ta hoàn toàn công nhận, vì sự thật nó là thế và đó cũng là nét độc đáo, hấp dẫn của cờ Vua.

Nhưng từ đâu mà phát sinh ra ý tưởng phong cấp này? Mà thực tế thì có muốn hay không rồi trước sau người ta cũng phải thực hiện đối với Tốt cờ Vua thôi. Bởi vì, giả sử không có sự phong cấp thì Tốt cờ Vua sẽ là “cái quái gì” khi tới hàng cuối cùng bên đối phương cơ chứ!

Hãy xem nhé, Tốt cờ Tướng khi đi tới hàng cuối cùng thì “lụt” thật, không ai phủ nhận điều đó. Nhưng dù sao thì nó cũng còn gắng sức làm được 3 việc sau đây: Đi ngang để tiếp tục ăn các quân đối phương, thậm chí tấn công hẳn vào cung Tướng đối phương. Nếu Tướng của nó chiếm một lộ của Cửu cung tạo ra thế lộ mặt Tướng thì Tốt dù “lụt” cũng sẽ xông ra cung và tóm sống được Tướng địch chứ chẳng chơi! Thứ hai là nó sẽ làm ngòi cho Pháo góc nã vào cung Tướng, ở tàn cục khi quân cạn thì Pháo rất cần ngòi. Việc thứ ba là nó có thể cản chân Mã ở hàng cuối để quân mình xáp trận.

Thế còn Tốt cờ Vua khi xuống tới hàng cuối cùng mà vẫn cứ để nguyên là Tốt thì làm được gì? Nó chẳng làm được một cái gì cả: nó không thể diệt được bất cứ quân nào của đối phương, dù là quân đối phương nằm sát bên phải hay bên trái của nó. Nó cũng không cản được quân nào của đối phương hết. Lúc đó nó trở nên hoàn toàn vô tích sự và bị đối phương tóm bất cứ lúc nào. Nó không những không tấn công Vua đối phương được mà đôi lúc còn trở thành kẻ phản bội nguy hiểm: biến thành lực lượng bảo vệ vững chắc cho Vua đối phương. Nếu có 2 Tốt đứng kẹp hai bên Vua đối phương và 1 Tốt che trước mặt Vua đối phương (tức là Tốt nằm ở hàng 7) thì ở tàn cuộc, dù bên “quân ta” còn hơn 2 Xe thì cũng đành trơ mắt ếch mà nhìn Vua đối phương nhăn răng cười vào mũi để rồi hoà cờ. Quả là một sự trớ trêu khó tin.

Như thế thì dù có 1 Tốt xuống tới hàng cuối chứ đến 8 Tốt xuống tới hàng cuối mà nếu không được phong cấp để cứu vãn tình thế “quá sức bẽ bàng” này thì cả 8 cũng hoàn toàn là “thứ vứt đi”. Vì vậy dứt khoát phải có phong cấp. Đó là chuyện tất yếu, như cái gì cần đến phải đến. Đó là lối thoát danh dự duy nhất để giải quyết sự “ngô nghê” của các Tốt cờ Vua khi tới hàng cuối bên đối phương! Hoan hô các nhà cải cách châu Âu!

Đọc tới đây chắc hẳn có những bạn chơi cờ Vua sẽ nóng mũi lên, cáu tiết lên: “Sao lại cứ phanh phui lắm chuyện dở của Tốt cờ Vua thế, sao lại tán dương, tâng bốc Tốt cờ Tướng đến thế?". Nhưng biết làm sao, nếu quả thực nó đúng như thế thì làm sao mà nói khác được. Vả lại, ở những bài sau này, bạn cũng sẽ thưởng thức không ít những điều bất cập và cả những sự “bổ cứu” không kém phần khôi hài của một số nước đi ở cờ Tướng, bạn cứ chờ đấy mà thưởng thức để xả cơn bực bội!

Trên đời này vốn chẳng có cái gì là hoàn toàn trăm phần trăm, không có cái gì là tuyệt đối, kể cả Thuyết tương đối của Anhstanh có nền tảng từ vận tốc ánh sáng là tuyệt đối cũng thế mà thôi! Ngày nay người ta khám phá ra có tốc độ còn lớn hơn tốc độ ánh sáng! Thế là học thuyết của Anhstanh phải được xem xét lại. Hoá là học thuyết ấy không phải đúng cho tất cả mọi nơi, mọi lúc. Bởi vì cái gì mà hoàn toàn tuyệt đối thì cũng thường là cận kề với sự diệt vong. Hình như nó phải không tuyệt đối để người sau còn sáng tạo, còn khám phá nữa chứ!

Bạn không tin ư? Hãy tưởng tượng một ngày nào đó, bằng những chiếc máy tính siêu hiện đại, siêu nhỏ với sức tính tỷ tỷ phép tính trong 1 giây, người ta tính được toàn bộ các phương án của mỗi nước cờ (mà chúng ta đang nghĩ là vô cùng vô tận) của từng ván cờ thì ôi thôi, việc đánh cờ trở nên hoàn toàn vô nghĩa. Mỗi người với chiếc máy tính nhỏ xíu đeo tay như chiếc đồng hồ, chỉ cần đi khoảng vài ba nước rổi bấm nút là biết ngay mình sẽ thắng hay thua, thế là… hết chuyện. Sở dĩ cờ còn tồn tại được vì mỗi người chơi còn mắc không biết bao nhiêu lỗi, bao nhiêu sai lầm trong mỗi ván cờ mà người chiến thắng chính là người mắc ít lỗi, ít sai lầm hơn mà thôi!

Rõ ràng việc phong cấp là minh họa cho trí thông minh và khôn ngoan của người châu Âu, nói cách khác là một sáng tạo đáng khâm phục khiến cho cờ Vua trở nên linh hoạt và đầy những bất ngờ khi ván cờ đang đi dần tới tàn cục.

 
Back
Bên trên