20g thứ bảy (29-3) đánh dấu một sự kiệnquan trọng tại hơn 380 thành phố và thị trấn ở 35 quốc gia trên thế giới. Trong suốt một giờ, ánh sáng rực rỡ của đèn điện đã nhường chỗ cho ánh nến lung linh khi gần 100 triệu người tắt điện để hưởng ứng "
Giờ Trái đất".
Cùng thời điểm kể trên, nếu bạn ghé thăm trang chủ Google của một số quốc gia như
Argentina,
Bolivia,
Colombia,
Canada,
Đan Mạch,
Ai Len,
Anh Quốc hoặc
Hoa Kỳ, bạn sẽ thấy một giao diện màu đen thay cho giao diện thường thấy của Google nhằm hưởng ứng
Giờ Trái đất.
Chiến dịch "Giờ Trái đất" do Quĩ quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) phát động tại Úc từ năm ngoái, khuyến khích công chúng tắt điện trong một giờ để nâng cao nhận thức về tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo Reuters, trong năm đầu tiên đã thu hút 2,2 triệu người Sydney. Sang năm thứ hai, "Giờ Trái đất" đã vượt khỏi biên giới nước Úc, trở thành một màn trình diễn domino đẹp mắt từ đông sang tây bán cầu, tuần tự vào lúc 20g ở từng địa phương. Suva ở Fiji và Christchurch ở New Zealand là hai thành phố khai mạc cho chương trình năm nay.
Tại thủ đô Bangkok (Thái Lan), nhiều khu thương mại, panô quảng cáo và ngôi chùa Wat Arunnổi tiếng đã tắt điện trong 60 phút. Đối với hàng triệu người Philippines lần đầu tiên tham gia chiến dịch "Giờ Trái đất", động thái này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh giá năng lượng tăng, nguy cơ khủng hoảng lương thực cận kề, hiện tượng thời tiết bất thườngvà tình trạng ô nhiễm môi trường tồi tệ. Trong khi đó, các chuyên gia của những tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu có trụ sở tại Ấn Độ như Infosys, Wipro, Microsoft và Intel đã được "ngồi chơi xơi nước" thoải mái trong một giờ khi những bộ máy không nghỉ này đồng loạt tắt hết các thiết bị điện.
Ở tây bán cầu, Hi Lạp - quốc gia có đồng hồ chạy sớm hơn một giờ so với phần lớn các nước châu Âu - đã trở thành nước đầu tiên hưởng ứng "Giờ Trái đất" trên châu lục này. Tiếp theo đó là các tòa nhà chính phủ ở Anh, những tòa lâu đài ở Thụy Điển và Đan Mạch, tòa nhà quốc hội ở Hungary và một loạt danh thắng ở Ba Lan.
Sau khi vượt Đại Tây Dương, "Giờ Trái đất" đã diễn ra những hoạt động cuối cùng tại Canada và Mỹ. Ghi danh vào những công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới hưởng ứng tắt điện trong 60 phút có tòa tháp truyền hình CN cao 553m ở Toronto (Canada), tòa tháp chọc trời Sears ở Chicago và cây cầu GoldenGate ở San Francisco (Mỹ). Hưởng ứng chiến dịch này, màu nền trang chủ của dịch vụ tìm kiếm Google cũng đã được chuyển từ trắng sang đen với thông điệp: "Chúng tôi đã tắt đèn. Bây giờ đến lượt bạn!".
Theo bảng đếm điện tử trên trang web
http://www.earthhour.org, năm nay có hơn 20.000 doanh nghiệp đăng ký hưởng ứng "Giờ Trái đất", trong đó nhiều doanh nghiệp cam kết cắt giảm khí thải cacbon dài hạn. Greg Bourne, giám đốc điều hành WWF ở Úc, dự đoán có gần 100 triệungười trên thế giới tham gia chiến dịch "Giờ Trái đất" năm nay. "Tôi hi vọng sang năm thứ ba, chúng tôi có thể huy động 1 tỉ người tham gia.Nếu kêu gọi được từ 1/7 - 1/5 dân số toàn cầu thực hiện "Giờ Trái đất",đó sẽ là một thông điệp gửi đến các chính phủ rằng chúng tôi muốn hành động mạnh mẽ hơn" - ông Bourne tuyên bố.
Dù việc tắt điện trongmột giờ có tác dụng rất ít đối với việc cắt giảm khí thải nhà kính (năm ngoái, Sydney giảm khoảng 10,2% khí thải cacbon trong giờ tắt điện),nhưng ban tổ chức khẳng định sự tham gia của đông đảo người dân trên thế giới thể hiện rằng dân chúng toàn cầu đang ngày càng tỏ ra trách nhiệm hơn với vấn đề khủng hoảng khí hậu.
(I Love Google blog)