Công Vinh tự truyện(P.1)

Phương Dung
(teenkute)

New Member
Tự truyện Công Vinh - Kì 1: "Một đứa trẻ nghèo khó đá bóng rất kém"
“Hồi đó, mỗi khi có chuyện gì không hay, người ta lại khinh thường nói rằng vì bố tôi đi tù nên con cái mới không ra gì. Chưa bao giờ trách bố, nhưng thời thơ ấu, nhiều lúc tôi không dám ngẩng mặt nhìn ai…”


Ghi bàn thắng Vàng trong trận chung kết AFF Cup, trở thành Người hùng của dân tộc, thảm đỏ của vinh quang và thành công dường như trải dưới chân Công Vinh.
Nhưng lúc nào, trên gương mặt và trong ánh mắt của chàng cầu thủ 24 tuổi này cũng “đau đáu” một nỗi u buồn nào đó. Công Vinh tự nói về mình “Nếu không có những tháng ngày ấu thơ khốn khó, hẳn không có một Công Vinh như bây giờ”. Và trong thâm tâm của một đứa con trụ cột gia đình, Vinh vẫn luôn mong một bữa cơm đầm ấm, một cái Tết sum họp, có đầy đủ thành viên trong gia đình, dẫu biết mơ ước đó thật xa vời…


090113_CVinh_09.jpg


Cho dù giờ đã trở thành một cầu thủ nổi tiếng và thành công, nhưng Công Vinh không bao giờ có thể quên những ngày tháng ấu thơ của mình...
Thời thơ ấu đầy cay đắng

Vì miếng cơm manh áo, mà từ nhỏ chúng tôi đã thường xuyên phải xa mẹ.

Mẹ đi buôn đá đỏ, thi thoảng mới về, 4 chị em ở nhà với bố, khi các chị đi học, tôi ở nhà bồng em Chi, đưa em Chi đi chơi xung quanh làng rồi nấu cơm giặt giũ, nấu cám lợn, làm mọi việc nhà. Nhà tôi hồi đó nghèo lắm, chẳng có cái gì. Nghèo còn mắc cái eo. Một lần bố đi trên đường bị xe khách tông, phải vào viện điều trị rất lâu. Tiền thuốc men, viện phí khiến gia đình tôi gần như khánh kiệt.


090113_CVinh_03.jpg


Công Vinh và em gái Khánh Chi - người mà từ nhỏ, Vinh đã luôn bế bồng, chăm sóc.
Nhưng tai họa đâu đã hết. Khi bình phục, vì muốn gia đình tôi bớt khổ nên bố theo người ta đi buôn bán ma túy. Rồi bố bị bắt, cả nhà sững sờ, chao đảo. Năm đó tôi mới có 11 tuổi. Vắng bố, mẹ không đi buôn nữa, ở nhà trông chị em tôi. Nhưng một thời gian sau đó, mẹ chia tay bố. Khi đó bố vẫn ở trong tù.
Vẫn biết là vì hoàn cảnh gia đình quẫn quá nên bố mới làm liều, bản thân tôi chưa từng bao giờ trách bố cả, tôi rất yêu bố. Nhưng trong trí óc non nớt của một đứa trẻ, tôi vẫn tủi thân và cay đắng cho hoàn cảnh gia đình của mình, mặc cảm, nhiều lúc chẳng dám ngẩng mặt lên nhìn ai.
Và tôi vẫn ý thức được rất rõ, những người xung quanh nhìn gia đình tôi như thế nào, có những người khinh thường chúng tôi ra mặt. Có bất cứ việc gì không hay xảy ra, người ta cũng nói rằng vì bố mày đi tù nên mày mới không ra gì như thế. Sau này, khi được nhiều người biết đến hơn, trong những lần đầu tiếp xúc với báo chí, tôi cũng tránh, không bao giờ nói đến chuyện của bố mình.
Nhưng trong 24 năm cuộc sống của tôi, từ nhỏ tới lớn, chưa bao giờ tôi thực sự được sống trong cảnh đầm ấm, đầy đủ cả gia đình. Hồi nhỏ mẹ đi làm thì sống với bố, lớn lên bố vào vòng lao lý thì sống với mẹ. Rồi bố mẹ lại li dị, đến khi bố ra tù rồi, chúng tôi cũng vẫn mãi mãi không bao giờ có thể đoàn tụ.
Tôi nhớ, năm 18 tuổi, ở trong đội U18 Sông Lam Nghệ An vô địch Quốc gia thì tôi bắt đầu có những khoản thu nhập đầu tiên. Tôi chơi thân với anh Hồng Tiến trong cùng đội – thân còn hơn cả anh em ruột thịt.
Vài tháng một lần hai anh em lại rủ nhau lên trại thăm bố. Chúng tôi phải thuê xe máy từ Vinh lên Thanh Chương - Nghệ An (quãng đường khoảng 80 cây) vì làm gì có xe đâu. Sáng đi chiều về. Mà cứ phải khi nào có tiền thì mới lên thăm bố được, biếu bố ít tiền, kể cho bố nghe vài chuyện rồi lại đi về. Bố nghe tôi kể, biết tôi đá bóng tốt, được vô địch, được quay lên truyền hình thì mừng lắm, nghĩ con cái đã có được chút ít thành công.
Năm tôi 19 tuổi, bố cải tạo tốt, được ra tù trước thời hạn 4 năm, tôi mua xe, tìm việc cho bố, lo cho bố một cuộc sống ổn định. Tôi tìm cách để bố mẹ tái hợp, nhưng cũng không thể nào làm được. Là con cái, dù đau đớn, nhưng tôi không thể quyết định thay bố mẹ được. Những bữa cơm nhà sum họp, những cái Tết đoàn tụ, đầy đủ các thành viên trong gia đình chỉ là mơ ước xa vời. Bây giờ, nhiều lúc nghĩ lại, tôi nhận ra nỗi buồn đó vẫn cứ đeo đẳng mình mãi.

081230_doisong_14.jpg




vinh281009.jpg


Những phút sum họp hiếm hoi của gia đình, nhưng dường như luôn thiếu vắng bóng cha.
Đã từng là người kém nhất trong lớp bóng đá
Lúc lớp 4, lớp 5, xem các anh Huỳnh Đức, Hồng Sơn đá Tiger cup, Seagames thì ngưỡng mộ và thèm lắm. Tôi bắt đầu làm quen với bóng đá, chơi bóng nhựa với một cậu bạn ở cái sân xi măng nhỏ trước nhà. Cậu ấy bị câm điếc, thua tôi một tuổi nhưng hai đứa đã đá bóng thân thiết suốt thời ấu thơ của tôi. Đá quen quen rồi thì được ra sân vận động lớn hơn đá với mọi người.
Tới năm 14 tuổi thì tôi bắt đầu tập luyện bóng đá một cách thực sự. Sông Lam Nghệ An định kì mỗi năm có một đợt tuyển cầu thủ trẻ, chọn từ xã lên, rồi huyện sẽ chọn lọc những người xuất sắc nhất để thi vòng cuối với các bạn khác trong tỉnh.
Năm đó, tôi thi và trúng tuyển cùng với 5 người khác của huyện, rồi từ gần 60 người của cả tỉnh, chọn ra hơn 20 bạn tầm tuổi như tôi vào lớp đào tạo cầu thủ trẻ của Sông Lam Nghệ An. Tôi phải lên Vinh (cách nhà 75 km) để theo lớp đó. Một buổi học văn hóa, một buổi tập bóng, ăn ở tập trung ở đây. Tôi rất ít khi được về nhà. Vì bố mẹ cũng lo tôi còn nhỏ không tiện đi lại, rồi nhớ nhà, chưa quen cuộc sống tự lập, về nhà nhiều thì sẽ khó học. Chính cuộc sống đó đã khiến cho tôi trưởng thành từ rất sớm.


090113_CVinh_01.jpg


"Chính cuộc sống đó đã khiến cho tôi trưởng thành từ rất sớm."
Hồi mới vào, chập chững tập luyện những động tác cơ bản, tôi đã nghe tên tuổi của anh Văn Quyến, Lâm Tấn. Nhưng tôi nghĩ rằng, những người đó quá xa vời vì dù chỉ hơn tôi 1, 2 tuổi nhưng họ đã nổi danh trong cả nước, từ giải U16 châu Á. Bao nhiêu vinh quang, thành công ở xung quanh họ. Tôi tự ti, chỉ đứng xa nhìn họ thôi, không dám cả đến gần để được nói chuyện với họ nữa.
Trong lớp học bóng đá thì tôi là người học kém nhất. Tôi nhỏ con, yếu, lại chưa từng được học những động tác cơ bản, trong khi các bạn khác thì đã tập vững hết rồi. Thêm sự tự ti, tâm lí sợ thầy giáo, nên tôi càng khó tiếp thu những bài tập. Tôi cứ đuối dần.
Hơn 3 năm như thế, thì tôi xin thầy để cho tôi về nhà. Sức học văn hóa của tôi tương đối khá, và lúc đó, tôi cũng chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành vận động viên chuyên nghiệp, tập lẹt đẹt như tôi thì làm cầu thủ làm sao được. Tôi muốn trở thành một sĩ quan quân đội.
Nhưng thầy Hà Thìn – thầy của tôi không đồng ý. Thầy bảo người ta xin vào không được mà tôi lại xin ra. Cứ ở lại học thêm năm nữa xem sao. Trong 10 năm đá bóng của mình, quyết định đó thực sự là bước ngoặt đầu tiên với tôi. Tôi bắt đầu gồng mình lên tự học, tự tập luyện, và thời gian đó, điều tôi học được là đã biết tự tin vào mình để đi lên, không được chùn bước, không được dừng lại…

Mời các bạn đón đọc phần 2 của Tự truyện Công Vinh với tiêu đề "Sợ nhất quãng thời gian nguời ta nói tôi "tịt ngòi" vào 0h ngày 22.1.2009.

[Source]: http://kenh14.vn/2009011811009818_tm,1cat78/tu-truyen-cong-vinh-ki-1-mot-dua-tre-ngheo-kho-va-da-bong-rat-kem.chn
 
Back
Bên trên