Mướp
Họa My
Như nhiều nhà trong xóm, nhà tôi rồi cũng nuôi một chú mèo. Kể từ cái ngày tôi chừng năm tuổi, Mướp là con mèo duy nhất nhà tôi nuôi, đúng ra là nhà tôi ở vào thế phải nuôi.
Mướp là 1 chú mèo mướp hoang chính cống, lông xám đen, vằn vèo, mắt xanh theo đúng kiểu người ta nói xanh như mắt mèo. Nguồn gốc của Mướp thật đáng ngờ: môt ngày đẹp giời, mấy anh học sinh của bố đem đến biếu thầy một con mèo, chính là anh Mướp này đấy. Mướp tội nghiệp là một chú mèo con đi hoang lang thang vào ký túc xá và lũ học trò quái ác bèn nghĩ ngay ra việc bắt về nuôi như một trò chơi. Nhưng cái thời bao cấp, đến bản thân các anh ấy còn đói dài đói rạc với mấy khúc sắn, mấy cái bánh bao, thì hơi sức đâu mà nuôi Mướp. Sau đúng 1 ngày 1 đêm hưởng cái thú nuôi mèo, các anh học trò dài lưng tốn vải sợ hãi cuống cuồng vì chú kêu suốt đêm, ban ngày thì không ai đến gần được, cứ xù lông và co rúm người lại, nửa dọa dẫm, nửa sợ hãi. Và thế là Mướp nằm gọn trong cái túi lưới ở nhà tôi ngay tối tiếp theo.
Trước đó nhà tôi rất nhiều chó nhưng ngựợc lại, nhà chưa bao giờ nuôi mèo. Tôi vốn dĩ chẳng có chút cảm tình gì với mèo vì suốt ngày bị mẹ giao phải trông mèo mỗi khi làm xong thức ăn mà mèo nhanh lắm, trông chúng rất khó chịu, nhiều phen chểnh mảng bị mắng lắm rồi. Mèo ấy là mèo hàng xóm, ăn vụng như ranh đã đành, lại chẳng gần gũi nên chẳng có chút tình cảm gì với tôi, thì mèo nhà hàng xóm mà. Suốt ngày trông thấy chị mèo hàng xóm tôi toàn phải đuổi quầy quậy, thế nên dĩ nhiên từ phía chị ta cũng chẳng thể có cảm tình với tôi được. Chó thì lại khác, chúng thân mật, chúng vẫy đuôi mỗi khi tôi chạy đâu về nhà, chúng nằm bên cạnh mỗi khi tôi đọc mấy cuốn truyện tranh, chúng cho tôi cảm giác yên tâm khi phải ngồi trông nhà một mình. Chưa kể, tôi chẳng bao giờ phải lo lắng vì chúng ăn vung, chỉ cần mang thức ăn cất lên cao là xong.
Đúng là không bị biếu chú Mướp chắc nhà tôi chẳng hề nghĩ ra cần phải nuôi mèo. Chị mèo tam thể hàng xóm kia cũng canh luôn chuột cho cả nhà tôi rồi còn gì. Ban đầu, nhìn mướp xấu xí, mắt xanh lè, rất hoang dã, tôi chẳng có chút cảm tình nào. Thậm chí, tôi tiện miệng gọi tên luôn là Mướp, cho ăn hay gọi gì tôi cũng chỉ gọi meo meo mà thôi. Lũ cún thì được dịp lạ, cứ xúm vào sủa, tôi cũng chẳng buồn quát chúng mà chỉ tò mò ngồi xem.
Tôi tưởng tôi không thích Mướp được, ấy thế mà lại khác rất nhanh. Hàng ngày tôi phải cho Mướp ăn. Mướp toàn bị lũ cún tranh ăn đâm ra tôi bắt đầu bênh và thương Mướp. Đêm đêm Mướp kêu nhớ mẹ như khóc làm tôi càng thương hơn. Mất hẳn tuần đầu tôi chuyên ngủ thiếp đi trong tiếng kêu của Mướp. Mướp cũng dần dần thể hiện tình cảm, trước hết là với tôi, kẻ chuyên cho Mướp ăn và bênh Mướp trước bầy chó tinh nghịch và đông đảo. Tôi bắt đầu nói chuyện với Mướp bằng đủ các cung bậc meo meo và nhiều khi nói như nói chuyện với người vậy. Mướp có bản năng tuyệt với của một chú mèo chính cống, ấy là nịnh nọt và nũng nịu kinh khủng. Mỗi khi nhà tôi quay quần bên mâm cơm hay bên chiếu nước là Mướp xán đến tôi dụi dụi vào người để nhắc nhở sự có mặt của Mướp. Thế là tôi bế luôn Mướp vào lòng rồi vuốt ve suốt. Mỗi khi đưược vuốt ve, Mướp nũng nịu rên hừ hừ nghe ra chiều âu yếm tình cảm lắm. Bữa nào nhà có thịt cá thơm lừng là Mướp cứ quanh quẩn bên mâm cơm, nhìn tôi rất trách móc. Thế là không ít lần tôi ngấm ngầm tuồn cho Mướp 1 vài miếng. Cứ thế, tình cảm của chúng tôi ngày càng gắn bó. Mướp quấn tôi kinh khủng có lẽ cũng vì tôi chiều Mướp và gần Mướp cả ngày. Tôi bắt đầu bênh Mướp chằm chặp trước lũ cún rất hay trêu Mướp. Mướp chắc cũng đoán ra tôi chiều Mướp nên ngày càng lấn tới. Tối nào Mướp cũng đòi chui vào màn ngủ cùng tôi. Mẹ sợ lông Mướp làm tôi ho hen nên cấm tiệt, thế là rất hiếm khi Mướp được lén cho vào, chủ yếu Mướp nằm ngoài màn sát ngay bên tôi. Tôi dần cũng quen thân với tiếng thở nhè nhẹ của Mướp cạnh mình, đôi khi thò tay ra vuốt Mướp một cái, thế là Mướp lại rên lên trả lời. Khoản chiều nết ngủ của Mướp cũng gây phiền toái cho tôi không ít. Đó là mỗi khi bắt được chuột, đang đêm Mướp cũng khoe chiến công với tôi. Thật khốn khổ cho tôi, đêm khuya Mướp toàn tha về chén chuột rau ráu ngay phía ngoài màn. Chập tối khi cả nhà chưa ngủ hoặc còn tỉnh táo thì còn đuổi được, chứ đang say giấc, khi Mướp lên đầu giường bị đuổi thì Mướp lại xuống đuôi giường. Kiểu gì Mướp cũng không đi. Thế là nhà tôi cứ mất ngủ và phải giặt màn và chiếu mỗi khi Mướp bắt được chuột ban đêm. Còn tôi thì bị mắng, cứ chơi với nó thân cho lắm vào rồi khổ thế này đây.
Nếu như tôi có tham vọng dạy chó như các chú cảnh sát tả trên báo hoặc như các chú chó nổi tiếng trong truyện thì Mướp tôi cũng không tha. Tôi bắt đầu khám phá khả năng của Mướp. Thôi thì thử đủ kiểu, nào ép Mướp ăn rau muống, nào ép Mướp mang khăn về cho tôi,… Cuối cùng tôi tập được cho Mướp được vài bài: ăn rau, ăn mía nhả bã, ăn bánh đa rau ráu và đặc biệt là vuốt lưng chổng mông. Bài chổng mông tôi dạy Mướp rất tình cờ thôi. Một hôm tôi phát hiện mỗi khi vuốt lưng Mướp thì Mướp dướn người và hơi nhỉnh hông lên. Thế là từ lần sau mỗi khi vuốt lưng Mướp, tôi lấy tay kia nhấc hẳn hông mướp lên. Rồi mướp cũng hiểu ý tôi, tôi cứ vuốt lưng là Mướp dướn hẳn hông lên, nhìn nhấp nhô theo nhịp vuốt rất là buồn cười. Tôi còn hay bẻ gập tai Mướp ra phía sau rồi bắt Mướp để nguyên. Trông cái mặt Mướp lúc ấy tròn xoe, cùn cụt rất là ngộ, nhưng Mướp chỉ để như thế được 1 lát, Mướp không khoái bài này lắm, toàn kêu meo meo rất chi là bất bình. Tai là công cụ săn mồi của Mướp mà, ai Mướp cho nghịch tùy ý..
Rồi Mướp lớn thêm, cái mốc đáng ghi nhớ nhất là khi Mướp bắt được một chú chuột nhắt bé xíu. Đấy lại vào buổi sáng, thế mới lạ, vì trước tôi toàn nghĩ Mướp bắt chú chuột đầu tiên phải vào buổi tối cơ. Mướp hãnh diện lắm trước cặp mắt của tôi và chị, nhà đi vắng hết mà. Mướp không có ý ăn chú nhắt ngay tẹo nào. Mướp cũng khá, chú bắt sống nhắt hẳn hoi nhé. Mướp rất tự tin thả nhắt ra, nhắt cuống lên chạy trốn vào xó nhà, nhưng trốn đâu cho thoát. Mướp chồm lên rồi lại thả ra, cứ vờn đi vờn lại chú nhắt cho đến khi mệt Mướp mới thong thả ăn, mắt lim dim như đang chén đặc sản ấy. Chứng kiến Mướp ăn chuột, tôi vốn sợ chuột, cứ tưởng không dám sờ vào Mướp nữa. Hóa ra không sao hết, bình thường Mướp vẫn dễ thương như trước, mềm mại và nũng nịu. Mấy lần đầu tôi còn lấy khăn ướt lau miệng Mướp, nghĩ rằng cho sạch. Nhưng Mướp sợ nước lắm, cứ dúm lại, vả chăng Mướp bắt chuột ngày càng thơ, cả đêm lẫn ngày, ai mà biết Mướp ăn lúc nào, thế nên tôi đành mặc kệ. Cứ âu yếm Mướp rồi quen dần đi, chẳng nghĩ gì đến những chú chuột trên miệng Mướp nữa.
Càng ngày Mướp càng lớn phổng lên,. Một năm sau Mướp đã thành một chàng trai khỏe mạnh, dáng đi uyển chuyển và có vẻ hùng dũng của một con báo. Nhìn Mướp lúc ấy oách lắm, có cái vẻ rất kiêu bạc, khác hẳn chú Mướp nhãi nhép dúm dó hồi nào. Mướp rất sát chuột, không chỉ nhà tôi mà cả mấy nhà quanh đó tịnh không còn bóng dáng của chúng. Nhưng Mướp lớn phổng lên thì cũng rất phiền toái. Mướp bắt đầu lồng lộn lên vì các chị mèo cái. Nhiều đêm Mướp kêu ngoao ngoao như tiếng trẻ con khóc, nghe rất hoang và rợn. Dù biết đó là Mướp mà tôi vẫn không tránh khỏi rùng mình sợ hãi, dựng cả tóc gáy. Song đó chưa phải là điều tồi tệ bằng việc Mướp bỗng dưng bỏ nhà ra đi. Không biết Mướp bỏ đi theo tiếng gọi của bạn tình nào nhưng tôi cứ cuống lên lo Mướp đói, lo Mướp đi hẳn. Tôi nháo nhào đi tìm Mướp khắp khu, lang thang vào cả trong làng để tìm. Mấy ngày liền tôi dắt cả con chó khôn nhất theo sau khi hết lời giải thích với nó việc cần phải làm, nhưng Mướp vẫn mất hút. Mẹ thì bảo, Mướp vốn là giống mèo hoang mà khéo chẳng về nữa, bố thì bảo, cứ để nó đi chán, đói thì về thôi. Người lớn nói tỉnh queo thế mà đúng thật. Độ non tuần thì Mướp về, hoang dại và xơ xác, lại dài người ra vì đói mềm. Tôi cho ăn thì Mướp ăn đúng như kẻ chết đói chết khát thực sự. Sau đó nhiều lần Mướp cũng đi nhưng chỉ hơn ngày là lại về. Tôi biết thế nên chẳng tìm Mướp nữa. Rồi để cho đỡ phiền toái, Mướp bị thiến. Thôi như thế lại hơn, Mướp không bỏ nhà đi hoang như trước.
Cứ sợ sau đó Mướp không bắt chuột nữa, nhưng không phải, Mướp vẫn bắt chuột đều đặn, có hôm 2 con liền. Có điều là Mướp béo lên trông thấy, y hệt một gã trung niên.
Mà cũng như bất kỳ một gã mèo nào, Mướp nhà tôi cũng rất thích ăn vụng, từ khi Mướp bé đến khi Mướp già vẫn thế. Mướp vốn thông minh nên ăn vụng khá thành công. Tôi hay chủ quan, thấy đĩa cá được úp một đĩa khác lên rồi đậy cả lồng bàn, kèm theo lời dọa nạt Mướp, thế là nhảy chân sáo chơi. Không ăn thua, dù bế hẳn Mướp dí vào miếng cá rồi dí tay vào trán Mướp dậm dọa, Mướp vẫn ăn vụng như thường. Tôi bực lắm, có lần rình xem sao. Hóa ra tôi quay đi thì Mướp cũng liếc thấy, mon men đến gần mâm, thò tay nhấc lồng bàn rất dẻo, rồi cậy cái đĩa úp trên, khều khều khúc cá. Tôi quát to lên 1 tiếng, Mướp thụt tay lại vẻ rất sợ hãi. Nhưng nếu Mướp chưa kịp lấy mà tôi quát rồi á, Mướp nhìn tôi có vẻ vô tội lắm. Khi ấy tôi cứ phì cười khi nhớ ai đó từng nói loài mèo giống hệt đàn bà, chuyên đóng kịch, mềm mại nhưng gian ngoan, cho ăn thì yêu quý, hết ăn thì bỏ đi. Không phải thế đâu nhá, Mướp nhà tôi có thích ăn vụng thật, nhưng Mướp nhà tôi cũng khác bọn mèo khác lắm. Đấy, Mướp nhà tôi không chỉ sát chuột, Mướp còn đa tài, đủ bài biểu diễn mua vui cho cả nhà mỗi tối đấy thôi.
Cứ thế, Mướp và nhiều đời chó nhà tôi chung sống, có chí chóe nhưng vẫn khá hòa thuận. Mướp được tôi coi như trưởng lão của bầy chó mèo vì đúng là Mướp già nhất trong hội thật. Lúc này Mướp chẳng coi bọn cún ra gì nữa, Mướp đùa với chúng bằng những cái khều tay rất điệu nghệ, kẻ cả, cáu lên thì Mướp tát cho y như thật. Duy chỉ với tôi là Mướp vẫn vừa nũng nịu, vừa e sợ. Bạn bè cấp III rồi bạn đại học đến nhà chơi, tôi vẫn sai Mướp chổng mông biểu diễn, vẫn cho Mướp ăn mía, ăn bánh đa, ăn rau muống , khoai sắn luộc để biểu diễn và cùng cười vui vẻ.
Hai mươi tuổi ra thành phố làm việc tôi không còn ở nhà cũ hàng ngày. Mướp ở lại với bố mẹ, sau bố mẹ nhanh chóng chuyển ra cùng tôi thì Mướp vẫn ở lại nhà cũ với anh chị. Mỗi khi tôi về thăm nhà hàng tuần tôi dành thời gian rất nhiều với lũ chó và Mướp, quả thật tôi cũng sợ chúng sẽ quên tôi. Mướp có vẻ cũng tủi thân vì bị ở lại một mình, anh chị tôi nuôi mướp như nuôi mèo bắt chuột chứ không có kiểu chơi như bạn bè giống tôi. Chẳng gì thì Mướp chỉ kém tôi có 5 tuổi thôi mà, tôi vẫn xưng chị em với Mướp suốt. Nhưng khi ấy Mướp đã già lắm, đi đứng bắt đầu xiêu vẹo. Tôi cho Mướp ăn mía thì Mướp nhai rất trệu trạo rồi nhả bã ra ngay, cho ăn bánh đa nướng thì cũng chỉ ăn 1 miếng nhỏ lấy lệ. Mỗi khi về thăm nhìn Mướp già yếu tôi chạnh lòng lắm nhưng nhà mới chật chội, nuôi chó mèo đều sẽ hôi hám, bố mẹ không chịu, thôi đành cứ về thăm hàng tuần thôi.
Lực bất tòng tâm, Mướp già Mướp vẫn thèm chuột nhưng sức yếu, kém nhanh nhẹn, không còn bắt được chuột nữa. Mắt Mướp đã lờ đờ hẳn, mí hơi sụp, lông xác xơ, đi đứng lảo đảo. Có lần vuốt râu Mướp thì 1 sợi râu đã tuột hẳn ra, xơ cứng. Tôi biết, Mướp đã thực già rồi. Thi thoảng anh chị lại điện thông báo rằng Mướp tha chuột chết đâu về, ăn không được, nhà lại phải theo dõi mà đi dọn suốt. Thế là Mướp đã bị ghét rồi. Mướp cũng nhạy cảm lắm, Mướp biết hết đấy. Mỗi khi tôi về Mướp cứ xán lại gần bên tôi suốt, nom rất thương. Chẳng biết làm thế nào tôi đành dặn cháu cho Mướp ăn đều đặn, đừng hắt hủi Mướp, rồi lại phải ra đi.
Nhưng điều tồi tệ nhất đã đến. Một ngày chị tôi bỗng gọi điện bảo tôi thu xếp về nhà, Mướp nó bị dại và cứ vật vã trong phòng tôi mà không ai dám vào và không biết phải làm thế nào cả. Chiều đó hết giờ làm tôi phóng thẳng về ngoại ô xem sự thể ra sao. Căn phòng cũ của tôi cửa đóng chặt, tôi mở cửa sổ dòm vào thấy Mướp đang ngồi dưới nền nhà, chốc chốc lại lăn ra giãy giãy. Tôi chưa nhìn thấy mèo bị dại thế nào cả nhưng linh cảm không phải Mướp bị dại. Tôi bắt đầu goi Mướp bằng các cung bậc khác nhau của cụm từ meo meo. Mướp vẫn nhận ra tôi, lảo đảo đi đến bên cửa sổ, rồi vẫn cứ ngã quay ra, rồi lại xiêu vẹo đứng lên, miệng kêu meo meo rất nhỏ, rồi lại như muốn nôn cái gì đó ra. Khi ấy tôi quên hết lời mẹ dặn, nào là khi chó mèo dại, ai thân nhất nó sẽ cắn trước, nào là chó dại đã kinh, mèo ít dại hơn nhưng đã dại thì sẽ còn độc hơn cả chó, Tôi suy đoán chắc Mướp lại ăn phải chuột bị đánh bả độc nên bị ngộ độc, nôn ra thì sẽ khỏi thôi. Mới chỉ suy đoán nhưng thương Mướp quá tôi đâm thành liều, đẩy cửa bước vào định nói chuyện với Mướp và nếu có thể thì giúp Mướp nôn chuột ra. Song vào đến nơi thì tôi thấy dại quá, chưa biết Mướp có dại thật không mà Mướp cứ lao vào tôi. Anh chị và các cháu lúc ấy bên ngoài cứ hét lên chỉ đạo tôi. Tôi cũng sợ, nhảy luôn lên giường. Mướp sức yếu nên cố lên theo mà không được, thế là cứ loay quay ở dưới. Theo lời mọi người tôi phải trùm kín chăn trên giường, Mướp đi đâu thì mọi người đều hét lên cho tôi biết.
Cuối cùng tôi đã suy đoán đúng, Mướp nôn hết được chuột ra thì Mướp tỉnh hơn, không có dấu hiệu lăn lộn vật vả nữa. Tuy đã biết sợ nhưng tôi cũng đủ dũng cảm nhảy phóc xuống đất và biến ra phòng ngoài. Sau khi đi giày, đeo găng, đội mũ kín mít, tôi mở cửa gọi Mướp nhử Mướp lên gác xép rồi ra sân thượng. Theo chỉ đạo của cả nhà, Mướp phải cách ly với cháu tôi hoặc là phải chết. Tất nhiên, tôi chọn cho Mướp sống cách ly, nếu 1 tuần sau Mướp không khỏi, anh chị tôi có thể đánh chết Mướp, đành chịu. Mướp lên rồi, tôi bèn nhốt Mướp bên ngoài sân thượng. Ai cũng bảo sức sống của loài mèo rất khủng khiếp, đúng vậy. Mặc dù đang là mùa đông, chẳng cần đến 1 tuần, 2 hôm sau Mướp khỏe lên là lại nhảy theo cây hồng xiêm xuống đất, chấm dứt 2 ngày đêm nằm 1 mình dưới ô văng của cánh cửa lên sân thượng trong một manh áo tôi thả cho và ăn thức ăn dòng dây thả ra từ trong gác xép hàng bữa.
Tôi đã cứu Mướp khỏi nhiều lần Mướp bị dọa cho mấy chú thợ mộc trong làng xin giết thịt kể từ khi Mướp già cả không bắt được chuột nhưng tôi không thể cứu Mướp khỏi cái chết vì già nua bệnh tât. Sau trận ấy Mướp kiệt sức, độ vài tuần sau Mướp ốm thêm một trận nữa. Lần ấy tôi bận việc quá không về được, nghe đâu Mướp cũng bị ngộ độc chuột độc như lần trước và lần này Mướp chết.
Khi tôi về Mướp đã được chôn dưới gốc khế, như nhiều người bảo, làm thế, khế sẽ rất ngọt.
Mướp ơi, chẳng ai tránh được số phận. Mười mấy năm cùng nhau rồi cũng phải xa thôi. Dẫu sao Mướp cũng chết vì già nua bệnh tật. chứ không bị giết thịt như Ki xấu số. Âu đó cũng là điều an ủi tôi. Mướp gắn bó với tôi quá, nhiều kỉ niệm quá thành ra nhìn các chú mèo khác tôi thấy không thể bằng Mướp của tôi. Mấy năm nay nhà ông bà nhận là bố mẹ nuôi tôi bên này cũng nuôi 5 chú mèo tên rất kêu, giống mèo Mianma đẹp như tranh vẽ. Mỗi khi đến chơi tôi cũng thấy chúng thân thiện, âu yếm lắm, nhưng sao so với Mướp xấu xí mà đa tài của tôi, chúng trở nên nhạt nhẽo vô cùng.
Tôi chỉ nuôi 1 chú mèo mướp thôi nhưng tôi như là sống với Mướp vậy. Người ta bảo mèo già hóa cáo, ăn vụng, bắt gà,... nhưng Mướp nhà tôi đã sống rất tuyệt vời. Cho tới khi chết, Mướp đã từng sống rất tình cảm chứ không chỉ điêu toa, nịnh bợ. ăn vụng như chảo chớp như một chú mèo tầm thường khác. Chó thì tình cảm theo một kiểu khác, chắc chắn sau này tôi cũng sẽ nuôi 1 ,2 chú khuyển. Nhưng Mướp, chú mèo hoang thuần hóa này với tôi nhiều sự kiện quá khiến tôi tự hỏi, không biết liệu tôi có đủ can đảm để nuôi một chú mèo khác như tôi đã từng nuôi Mướp nữa không ?
TN, HN, 22 May 2002