Những công trình ngoạn mục của kiến trúc đương đại
Những hình dáng đầy bất ngờ, những sự chối bỏ lối mòn và vượt qua các khuôn khổ cũ đầy cá tính...- đây xứng đáng là những công trình tiêu biểu cho kiến trúc của thế giới đương đại.
Trung tâm văn hóa Jean - Marie Tjibaou (New Caledonia, 1998)
Khu nhà này nằm trên một bán đảo nhỏ cách thủ đô Nouméa của New Caledonia 10km về phía Tây Bắc; Từ khi New Caledonia tách khỏi Pháp, kiến trúc sư Renzio Piano ngay lập tức bị ám ảnh bởi ý nghĩ sử dụng bản sắc của tộc người Kanak trong thiết kế trung tâm văn hóa này. Nó đã được yết danh trong số những công trình kiến trúc ngoạn mục nhất với diện tích 7650m2 và chi phí xây dựng là 200.000.000 FF.
Rành mạch trong việc chối bỏ tính châu Âu, dãy nhà gồm mười ngôi hình nón bằng gỗ này được nối với nhau qua những hành lang kính và gỗ, dàn trận trên diện tích rộng và được bao bọc bởi vườn tược. Khi xây dựng, người ta đã phải hết sức thận trọng để tôn trọng thiên nhiên và để công trình ẩn hiện trong môi trường của các loại thực vật địa phương. 10 khối nhà chia làm 3 nhóm bao gồm sảnh vào, phòng triển lãm, quán cà- phê, phòng triển lãm đa phương tiện, phòng chiếu phim và các phòng kính cho các khóa học về văn hóa bản địa. Những ngôi nhà này lượn cong những cái lưng óng ả bằng gỗ của nó về phía đại dương, để chống chọi với những cơn gió có thể tạo thành bão có sức gió trên 240km/h. Renzio Piano đã đưa ra sự diễn giải kiến trúc đương đại đầy tinh tế và bất ngờ khi thiết kế trung tâm này. Nhìn xa trông nó như những bẫy khổng lồ chờ đợi những chiến binh dại dột.
Rạp chiếu bóng UFA, Dresden, Đức (1996-98)
Một khu nhà với hình dạng đầy bất ngờ, là kết quả của bê-tông và thủy tinh thể. Được xây dựng cho tổ chức nhà hát UFA với ngân sách rất hạn chế 12.000 DM/ghế ngồi, quần thể kiến trúc này bao gồm 8 sân khấu và có tổng cộng 2600 ghế. Với sự tương phản trong một phong cách ghi dấu ấn của kiến trúc Stalin, hình dạng lạ thường của ngôi nhà này mang lại sinh lực mới cho trung tâm thành phố Dresden của Đức. Ngôi nhà do nhóm kiến trúc sư nổi tiếng Coop Himmelb(L)au thiết kế, do Wolf Prix và Helmut Swiczinsky thành lập. 30 năm sau khi thành lập, hai kiến trúc sư này vẫn đang "oanh tạc" đất đai các thành phố trung tâm bằng những thiết kế hết sức khốc liệt, những cơ thể nhà khổng lồ và chật vật. Họ luôn tìm sự đồng nhất trong một phong cách đặc biệt được gọi là phong trào Deconstructivist. Theo lời Wolf Prix thì "ngôi nhà được thiết kế như một video-clip, gạt bỏ viễn cảnh tập trung". Chi phí: 32.000.000 DM. Diện tích: 2600m2.
Bảo tàng người Do Thái (Berlin, Đức, 1989-1999)
Bảo tàng này có một lịch sử dài và phức tạp. Dự án được khởi sự vào năm 1988 như một phân nhánh nhỏ của Bảo tàng Berlin. Kiến trúc sư Daniel Libeskind đã giành được giải nhất trong một cuộc tranh tài vào năm 1989. Sự đổ vỡ của Bức tường Berlin và quyết định chuyển thủ đô đã ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án. Vượt ra khỏi khuôn khổ cũ, giám đốc bảo tàng, ông W. Micheal Blumenthal quyết định bao quát "toàn bộ lịch sử mối quan hệ giữa người Do Thái và những người không phải Do Thái từ thời La Mã tới nay". Rất nhiều tiết diện của khu nhà duy trì những khoảng trống cố ý, những vết cắt như để tượng trưng cho sự trống rỗng và thiếu vắng của những người Do Thái đã chết trong thảm họa tàn sát Holocaust. Ngôi nhà được xây dựng trên diện tích 9500m2 với chi phí 72.100.000 DM.
(sưu tầm)