Băn khoăn từ việc đưa 6 ''quý tử'' ra toà ?!

Hoàng Mạnh Khải
(Prime Minister)

New Member
Băn khoăn từ việc đưa 6 ''quý tử'' ra toà ?!



Một tuần qua, dư luận báo đài đều quy một hướng: phẫn nộ và lên án. Chúng tôi cũng có tâm trạng như vậy. Và cũng là điều tự nhiên khi 6 ''đại thiếu gia'' này bị khởi tố hình sự, người dân ai cũng hả lòng hả dạ. Chúng tôi cũng vậy song nghĩ kỹ lại có điều băn khoăn: khởi tố 6 thanh niên này tội ''Gây rối trật tự công cộng'' hay ''Đua xe trái phép''? Xin nói ngay, điều đó không ổn bởi lẽ:

- Về tội Gây rối trật tự công cộng, (Điều 245), năm 1999 Quốc hội đã sửa yếu tố cấu thành tội này như sau: ''Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng... thì bị phạt...'' nghĩa là có thêm năm chữ ''gây hậu quả nghiêm trọng''. Về mặt pháp luật, ''gây hậu quả nghiêm trọng'' là có chết người hoặc gây thương tích, gây tổn hại sức khoẻ người khác từ 11% trở lên hoặc gây tổn hại về tài sản của người khác có giá trị đến 10 triệu đồng trở lên...

Trường hợp 6 thanh niên đua xe trái phép không có tình tiết đó.

- Về tội Đua xe trái phép (Điều 207BLHS) mới được bổ sung trong BLHS như sau: ''Người nào đua trái phép xe ôtô, xe máy... gây thiệt hại cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì bị phạt...''. Hiện nay chưa có văn bản pháp quy nào nói rõ ''gây thiệt hại cho sức khoẻ'' là thế nào. Nhưng dựa vào việc áp dụng pháp luật lâu nay, ''gây thiệt hại cho sức khoẻ'' đuợc hiểu là hành vi gây tổn thương đến thân thể, gây thương tích, thương tật. Nghị quyết số 04/HĐTP ngày 29/11/1998 có hướng dẫn: ''Sự phân biệt mức độ tổn hại sức khoẻ cần phải dựa vào kết luận của giám định pháp y và khi cần thiết dựa vào kết luận của bác sĩ điều trị''. Nghĩa là chỉ có thiệt hại cho sức khoẻ khi nào có thân thể ai đó bị xâm phạm, hoặc bị gây thương tích, từ đó mới có điều trị, có giám định... Xem vậy khó có thể truy tố hình sự 6 thanh niên này về tội đua xe trái phép.

Trên báo Lao Động ngày 30/5, luật sư Nguyễn Tất Thắng cho rằng, khởi tố được vì hành vi đua xe ấy đã đe dọa nghiêm trọng tính mạng, sức khoẻ và tài sản của người khác.

Ngôn ngữ pháp luật là ngôn ngữ chuẩn xác, không thể tuỳ tiện suy diễn. Về tội Đua xe trái phép, trong BLHS cũng như các văn bản giải thích, chúng tôi không hề thấy chỗ nào đề cập tới dấu hiệu ''đe dọa gây hậu quả''.

Cần nhắc lại, cả hai loại tội phạm: loại tội phạm cấu thành vật chất là hành vi phạm tội đã gây ra hậu quả và loại tội phạm cấu thành hình thức là hành vi phạm tội bất chấp đã gây ra hậu quả hay chưa, ví dụ: tội giết người, hiếp dâm... Cả hai tội Gây rối trật tự công cộng và tội Đua xe trái phép đều thuộc loại tội cấu thành vật chất.

Sẽ có người trách Báo Pháp luật TP.HCM tự nhiên đi làm luật sư không công cho thanh niên con nhà giàu, thị tiền ỷ của, ăn chơi ngông cuồng, nếp sống sa đọa. Những kẻ ấy dứt khoát phải bị trừng trị để răn đe.

Đó là đạo lý. Còn pháp luật? Biết làm sao được! Chúng ta sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Đó không phải là khẩu hiệu suông. Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị càng tỏ rõ Đảng quyết tâm đổi mới hoạt động tư pháp. Mọi cơ quan tiến hành tố tụng đang vận hành theo chiều hướng tiến bộ và chuẩn xác. Nếu khởi tố, rồi đây 6 thanh niên sẽ ra đứng trước vành móng ngựa. Mọi hoạt động xét xử sẽ diễn ra công khai, đúng quy trình.

Ở bất kỳ xã hội nào, dù nền pháp luật và tố tụng tiến bộ tới đâu cũng còn trường hợp có độ vênh giữa pháp luật và đạo lý. Mọi nỗ lực để hoàn thiện hệ thống pháp luật đều nhằm tiếp cận giữa hai phạm trù này. Quản lý xã hội phải bằng pháp luật, cho nên đôi lúc phải chấp nhận độ vênh với tình cảm. Pháp chế, pháp lý, pháp luật là cái lớn có đưa 6 thanh niên này ra toà được hay không, suy cho cùng đó cũng là điều không lớn bằng. Chưa kể, pháp luật hoàn toàn cho phép phạt vi phạm hành chính 6 thanh niên này mỗi người 20 triệu đồng, tịch thu sung công 6 xe ôtô... (Điều 38 Nghị định 15). (Chỉ riêng Nguyễn Quốc Cường mới bị truy tố về tội đưa hối lộ). Pháp luật cũng quy định những thanh niên này chỉ cần tái phạm là bị đưa ra toà ngay. Ngoài những chế tài ấy, đương nhiên 6 thanh niên này cùng với gia đình của họ đã và sẽ còn bị toà án, dư luận lên án.

Cuối cùng, chúng tôi rất mong những điều phân tích pháp luật trên đây có chỗ khiếm khuyết. Rất mong nhận được ý kiến phản biện. Nếu ý kiến phản biện xác đáng, trong trường hợp này, chúng ta sẽ có sự thống nhất giữa tình cảm và lý trí: 6 thanh niên ấy - 6 ''đại thiếu gia'' - sẽ phải vào tù.

(Theo Pháp Luật TP.HCM)
 
Back
Bên trên