Bình thơ

Ngô Tố Giao
(togiao)

Administrator
Người ta định tổ chức một đêm thơ. Ông trưởng ban tổ chức mời một nhà thơ kiêm phê bình gia đến, đưa một bài thơ đánh máy vi tính nghiêm chỉnh:

- Nhờ anh đọc và bình giùm cho tôi bài này xem có xứng đáng đem ngâm trong chương trình không.

Phê bình gia đón lấy đoạn thơ và đọc:

Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thóang cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt nước một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuộn mặt ghềnh
Ầm ầm tiếng sóng reo quanh ghế ngồi.


Phê bình gia đọc kĩ 96 chữ đó y như là phía sau 96 chữ đó tiềm ẩn một điều gì ghê gớm lắm. Cuối cùng anh lắc đầu:
- Không thể đưa ngâm được. Đoạn thơ không có chút giá trị nào cả
- Xin cho nghe lời cao luận!
- Vâng. Toàn đoạn thơ thì lập đi lập lại 4 lần "buồn trông", vẽ ra một cái nhìn bi quan trước hiện thực cuộc sống. Cuộc sống tươi đẹp là vậy, sinh động là vậy mà bản thân người làm thơ cứ "buồn trông", phủ nhận hiện thực, thê thảm hóa hiện thực. Người này định trốn chạy ra nước ngoài khi vẽ ra hai hình tượng "cửa bể" và " cánh buồm xa xa".
- Thôi được, anh cứ tiếp tục đi.
- Tôi có thể nói là cụm từ "ngọn nước mới sa" nghe rất không ổn vì rất tối nghĩa. Nước nào cũng là nước, còn "sa" là làm sao? Tuy nhiên toàn bộ ẩn ý của tác giả lại hiện ra trong hình ảnh "hoa trôi... về đâu". Hoa là hình ảnh tượng trưng cho người phụ nữ. Phụ nữ hiện nay đang khẳng định thế đứng của mình trong lao động, công tác trong mọi lĩnh vực xã hội. Phụ nữ đang hướng về năm 2000 với cái nhìn lạc quan và kiêu hãnh. "Biết đi về đâu" chẳng khác gì nói phụ nữ không nhìn thấy tương lai của mình? Đây rồi Thành hội phụ nữ, Hội bảo vệ bà mẹ và trẻ em sẽ kiện tác giả đã coi nhẹ vai trò của người phụ nữ.
- Còn hai câu tiếp?
- Hai câu này cũng sai toét! Nông thôn ta đang từng bước đổi mới. Chương trình phủ xanh đất trồng trọt đang được thực hiện. Ta lại là nước có lượng gạo xuất khẩu cao nhất châu Á, làm gì còn đất hoang, đất bỏ trống mà "nội cỏ rầu rầu" với "chân mây mặt nước một màu xanh xanh". Tác giả có cái nhìn đen đúa về cuộc sống, nhưng anh ta chưa dám viết "một màu đen đen" mà chỉ dám viết lửng lơ "một màu xanh xanh". Hai câu cuối đưa khái niệm "sóng" và "gió". Nếu khái niệm "ghế" để chỉ vị trí của anh chị em cán bộ, nhân viên trong các cơ quan chúng ta thì "sóng" và "gió" để chỉ những tác động không có lợi cho việc ổn định tinh thần cán bộ nhân viên. Ý định của tác giả đã quá rõ: anh ta chụp mũ cán bộ nhân viên ta đang dao động về tư tưởng. Tôi đề nghị anh nên đưa tác giả bài thơ ra trước công luận để vạch rõ những ý đồ đen tối của anh ta.
- Cái khổ là mình không thể đưa tác giả ra công luận như anh đề xuất.
- Tại sao không? Anh ta là ai?
- "Anh ta" chính là Nguyễn Du và đây chính là đoạn trích trong truyện Kiều.
- Trời đất, tưởng thơ của "thằng cha" nào mới đây.
- Cảm ơn anh, thôi để chắc ăn, anh đưa cho tôi khoảng 30 bài thơ của anh có chữ kí 30 bút danh khác nhau để tôi tổ chức đêm thơ cho chắc ăn!


Đỗ Bì

:mrgreen:
 
Back
Bên trên