America vs. Europe

Hồ Lê Việt Hưng
(Atonix)

Ban quản lý diễn đàn
Trong mấy năm gần đây, cơ hội du học càng ngày càng nhiều. Thông tin về du học trước kia khan hiếm thì bây giờ lại tràn lan. Các bậc phụ huynh trước khi gửi con của mình ra nước ngoài chắc hẳn muốn biết cuộc sống sinh hoạt và học tập của con mình sẽ như thế nào. Ngay bản thân những người sẽ trực tiếp phiêu du trên bước đường du học cũng muốn thấy được mình sẽ phải đối mặt với những gì ở phía trước. Thực tế nảy sinh ra câu hỏi “Mỹ và châu Âu nơi nào tốt hơn?”. Úc và Canada cũng được đặt vào cùng nhóm với Mỹ. Vì có may mắn đã từng “du học” cả ở châu Âu lẫn các nước nằm trong “nhóm” Mỹ nên phần tản mạn này của tôi sẽ dành riêng để nói về sự giống và khác nhau trong cuộc sống của một du học sinh ở Mỹ (Úc và Canada) và châu Âu. Những gì tôi viết ở đây hoàn toàn dựa trên nhìn nhận (có lẽ chưa được đầy đủ và sâu sắc lắm) của riêng bản thân mình.

Trước tiên hãy nói về mặt địa lý. Từ Việt nam qua châu Âu đi máy bay mất chừng 12-15 tiếng. Ngoại trừ Úc ra (mất khoảng 8-10 tiếng), để sang tới Canada hoặc Mỹ phải mất cỡ 24-28 tiếng. Vì thế, nếu bạn ra sân bay đón người nhà, chỉ cần nhìn vẻ mặt của hành khách bạn cũng có thể đoán ra được họ từ đâu tới. Nếu trông họ phờ phạc, đàn ông râu ria mọc lổm chổm, đàn bà “son không buồn tô, phấn không kịp đánh”, áo quần xộc xệch, tóc tai rũ rượi, thì chắc hẳn họ đã trải qua một chặng đường dài từ bắc Mỹ trở về. Vì điểm này, du học sinh ở Mỹ lẽ ra ít có dịp về thăm nhà hơn du học sinh ở châu Âu. Nhưng thực tế hình như ngược lại. Vì sao vậy? Thứ nhất, một năm học ở Mỹ có quá nhiều kỳ nghỉ, ngoài 3 tháng hè ra còn có thêm kỳ nghỉ đông khoảng 3-4 tuần, và các kỳ nghỉ xuân, nghỉ thu (mỗi kỳ một tuần); trong khi đó ở châu Âu, kỳ nghỉ đông không dài, và kỳ nghỉ hè cũng chỉ được trên dưới 2 tháng trời. Thứ hai, ở Mỹ (kể cả Canada và Úc), nếu được nghỉ cũng không biết đi đâu chơi - Trong nước Mỹ, từ thành phố này tới thành phố khác vé máy bay khoảng 200-400 đô. Cộng thêm tiền nhà cửa, tiêu pha nữa thì bất quá mua vé về Việt nam luôn (khoảng 900-1200 đô). Trong lúc đó, giá vé về Việt nam từ châu Âu cũng khoảng trên dưới 1000 đô. Hơn nữa, các nước trong khu vực châu Âu rất gần nhau, đi lại thuận tiện, vì thế đi du lịch một vòng quanh châu Âu vào dịp hè không tốn kém là mấy. Trên thực tế, vào dịp hè, du học sinh ở Mỹ, Úc và Canada thường về thăm nhà, còn du học sinh ở châu Âu thường ở lại và đi chơi loanh quanh trong khu vực.

Vấn đề thứ hai mà tôi nói tới là văn hoá. Đây có lẽ là vấn đề quan trọng nhất trong sự khác biệt giữa cuộc sống của du học sinh ở Mỹ và châu Âu. Các nước châu Âu là những nước có lịch sử hàng nghìn năm, những nền văn hoá lâu đời và cổ kính. Trong khi đó lịch sử của Mỹ, Úc và Canada lại không quá 300 năm. Suy nghĩ và phong cách sống thật khác nhau. Hãy đơn cử một ví dụ, đối với người Mỹ, giải trí cuối tuần thông dụng nhất là ngồi trước màn hình Tivi xem một trận bóng bầu dục và nhấm nháp vài lon bia, khá hơn thì đi ăn tối ở nhà hàng Á châu nào đó hoặc đi xem một bộ phim đầy những cảnh tượng đấm đá. Đối với người châu Âu, giải trí cuối tuần thông dụng nhất có lẽ là cùng người thân đi dạo dọc bờ biển, ngồi trong một quán ăn yên tĩnh và thưởng thức những ly rượu lâu năm, hoặc hay hơn nữa là đi nghe hoà nhạc, nghe opera. Tôi chỉ nói tới lớp người đã đứng tuổi, bởi vì đây là hình ảnh của lớp trẻ trong tương lai, mặc dù rằng, tuổi trẻ ai cũng giành nhiều thời gian cho các quán bar và night club. Sự khác nhau của môi trường sống làm cho nhận thức của du học sinh ở Mỹ và châu Âu khá khác nhau. Du học sinh châu Âu gắn bó với nhau hơn, trong khi đó du học sinh ở Mỹ lại chóng hoà mình với xã hội bên ngoài hơn.

Bây giờ tôi sẽ lạm bàn về cộng đồng người Việt nói riêng. Thời khối đông Âu còn, mỗi năm có hàng nghìn du học sinh Việt nam được gửi sang. Một phần trong số các anh các chị hiện nay vẫn còn ở lại. Vì thế cộng đồng “du học sinh” ở châu Âu đông hơn ở Mỹ. Ở Mỹ, trừ một vài thành phố lớn, mỗi thành phố nhiều lắm cũng chỉ trên dưới 10 du học sinh. Hơn nữa, các thành phố lại xa nhau, nên dân vùng này ít khi quen và đi lại với dân vùng khác. Trong khi đó, ở châu Âu, có trường có cả trăm sinh viên Việt nam, và từ trường này tới trường khác hoàn toàn không xa gì. Tôi có đứa em ở Grenoble (Pháp), nó phàn nàn là đi lên Paris thăm người yêu xa quá. Hỏi ra mới biết từ Grenoble lên Paris mất khoảng 3 tiếng đi tàu. Thiếu chút nữa tôi phì cười - bên chỗ tôi, đi thăm bạn bè lái xe cả 10 tiếng là chuyện thường. Cộng đồng du học sinh ở châu Âu, với số lượng đông hơn, chắc cũng vui hơn. Hè năm 1999, tôi qua trường đại học ở Lepzig (Đức) chơi mấy ngày. Vào chiều thứ 7, mọi người đốt một đống lửa to ngay trong sân khu tập thể, rồi ngồi quanh quần quanh đống lửa, vừa đàn vừa hát. Những gì tôi đọc và nghe kể về cuộc sống du học sinh Việt nam ngày trước, sau bao nhiêu năm, hiện ra hoàn toàn không thay đổi - Cảm giác thật khó tả .. bỡ ngỡ và ấm áp. Trong số du học sinh ở Mỹ, có một số em đi theo diện “exchange” (trao đổi văn hoá) .. qua bên này ở với một gia đình người Mỹ, học lớp 12, và sau đó có thể thi vào đại học. Tôi có lần luyện tiếng Anh cho một lớp mấy em chuẩn bị đi theo diện này, qua tới đây rồi, một số vẫn giữ liên lạc thường nên cũng hay được nghe kể về cuộc sống của các em. Phần lớn những gia đình nhận các em sang đều ở những vùng khá hẻo lánh và ít người. Vì thế, nếu may, gặp được gia đình nào tốt thì rất thuận lợi trong việc học hành và tìm trường đại học sau này, nhưng nếu không may thì cuộc sống khá cô đơn và vất vả.

Có người sẽ nói, theo như những gì tôi viết thì du học châu Âu hay hơn hẳn du học ở Mỹ (Úc và Canada). Không hẳn là như vậy. Mỗi người sẽ có những phản ứng khác nhau đối với cùng một môi trường. Bản thân tôi thấy hợp với phong cách châu Âu hơn. Nhưng cũng không vì thế mà tôi đã không thích thời gian du học của mình ở Úc và Canada. Bất kể đi đâu, chỉ cần ra ngoài đời, là mình đã có cơ hội để học hỏi thêm rất nhiều rồi. Cái hay nhất trong xã hội Mỹ (Úc và Canada) là ít có sự phân biệt sắc tộc, màu da – Trong nhiều năm sống ở đây, tôi cảm thấy mình cũng như mọi người, hoàn toàn không mặc cảm bao giờ. Trong khi đó, chỉ ở Đức có một tháng mà đã hai lần tôi phát bực. Lần thứ nhất, đang đi tàu, có một nhân viên đường sắt (hoàn toàn không phải cảnh sát) tới kiểm tra giấy tờ. Người đó không nói được tiếng Anh còn hoạnh họe đủ điều .. đến nỗi có 2 vợ chồng người Đức ngồi cạnh bên cũng phải thấy xấu hổ giùm. Lần thứ 2, tôi đang đi dạo trong phố ở Meserburg (gần Halle) thì bị mấy “chú” cảnh sát tới đòi kiểm tra hộ chiếu và thẻ cư trú. Sau khi thấy tôi đưa đầy đủ hộ chiếu và thẻ cư trú ở Italy, các “chú” ấy còn hỏi han chán chê về “lý do”, “mục đích” sang Meserburg. Cuộc sống ở Mỹ (Úc và Canada) nói chung rất thoải mái, ít khi bị ức chế - Nhiều người, chỉ sau một thời gian, đã “quá” hoà nhập, đến mức nếu không biết trước, chắc tôi không đoán nổi họ vốn là du học sinh từ Việt nam qua. Tôi có cảm giác, môi trường ở Mỹ làm cho du học mình trưởng thành sớm hơn.

Có một lý do khá quan trọng làm cho bản thân tôi thích châu Âu hơn Mỹ: cà phê. Tôi là người thích uống cà phê. Khi còn ở Việt nam, sáng sáng bố tôi thường đánh thức tôi dậy khá sớm để uống cà phê (cụ là người “nghiền” cà phê). Tôi rất khoái ngồi nhìn những giọt cà phê chảy tí tách vào đáy cốc, hay cầm tách cà phê còn nóng hổi trong lòng bàn tay và hít một hơi thật dài – hương thơm nồng của cà phê tràn căng lồng ngực làm cho ta thấy thật sảng khoái. Trong thời gian ở Italy, có lần tôi và cậu bạn giành trọn một buổi chiều thưởng thức lần lượt đủ 13 loại cà phê khác nhau - Tuyệt vời! (Tất nhiên, tối đó 2 thằng thức trắng ngồi nói chuyện tào lao). Qua Mỹ, ngày nào cũng uống gần nửa lít cà phê, nhưng nhiều lúc chẳng nhớ là mình đang uống cà phê nữa, chỉ biết có vị đắng đắng trong cổ họng, uống như uống nước nóng cho ấm người mỗi lúc trời trở lạnh.

By CXR - TTVNOL
 
Có một chuyện khá quan trọng - mà trong nhiều trường hợp lại là quan trọng nhất - đó là học bổng và financial aid thì các trường ở Mỹ cho nhiều hơn hẳn so với ở Châu Âu.
 
Bài này viết hay quá, đọc thấy đúng hết cả người.
Em chỉ add thêm một chút, theo personal experiences thì ở châu Âu chuyện tôn giáo nó nhẹ nhàng hơn, chứ ở Mỹ cái gì cũng động đến tôn giáo, mà nhiều khi nó hỏi mình theo đạo gì mà treat mình. GHét thế không biết.
 
Bài này được viết trên kinh nghiệm của bản thân anh Hưng ạ???Thế thì anh cũng đi đây đi đó được nhiều nhểy??? :D
Em thấy còn 1 chuyện nữa(theo ý kiến của em) là xin visa đi Mẽo ngày càng khó,có nhiều tiền cũng chưa chắc đã làm ăn được gì,còn đi sang bên Châu Âu thì chỉ cần có trường nhận,tài chính đàng hoàng là ok.Em có đứa bạn chỉ đi theo diện exchange thôi ạ mà saving book của nhà nó có tới 60k---->chả hiểu sao vào sứ quán bị 2-3 lần đều bị đánh trượt thẳng cẳng ko lý do(tiếng anh của no ko hề tồi chút nào). Tức mình quá nó đăng ký đi ANh,vừa có trường nhận,cầm giấy tờ tài chính vào sứ quán,1 phăt ăn luôn<-----có lẽ vì thế mà học sinh chon qua EU nhiều hơn??????
 
Bài viết này chủ yếu nói về sự khác nhau về kinh nghiệm, môi trường học tập và cuộc sống ở 2 bên (tức là sau khi bạn đã được đặt chân lên đất nước đó rồi) nên tạm gác lại yếu tố học bổng, VISA cũng như apply :)
 
Back
Bên trên