A3 95-98

Phan Thu Hà
(haphanthu)

Administrator
Lớp A3 95-98

A3! That's what friends are for!

Vâng, đó là biểu tượng của chúng tôi. Các bạn dễ dàng gặp nó ở mọi nơi, mọi lúc, miễn là ở đó có A3. Vì sao ư? Một lẽ đơn giản, trên chiếc áo đồng phục của chúng tôi, đó là biểu tượng. Có lẽ điều đó không quan trọng bằng lí do mà chúng tôi chọn nó làm biểu tượng của lớp mình. A3 chúng tôi sống theo phương châm: "Young - Wild - Free". Cũng không hiểu vì lẽ gì mà trong các hoạt động, A3 đều hết mình, rất young, rất wild và tất nhiên cả free nữa.

Nói về mình thì rất khó, đây là hai ý kiến trái ngược nhau của thành viên A3: "Tao sẽ không nói một lời nào về A3, hãy để A3 đẹp như A3 vẫn đẹp, không cần phải tô vẽ bằng mấy lời ca tụng", "Tao ghét A3! Vì tao không sống được trầm lặng như trước khi tao ở A3".

Bạn nghĩ sao?

Chắc chắn các bạn sẽ hiểu hơn về A3 nếu đọc tiếp những phần sau của A3 và hơn nữa, các bạn sẽ càng hiểu thế nào là young, wild and free. Rồi các bạn sẽ phải đồng ý với cách chúng tôi nói về chúng tôi. A3 lands of smiles! Thật đấy!

Câu lạc bộ những người thích cười
Có những mẩu chuyện made in 12A3 và thực sự thể hiện phong cách 12A3. Nhưng dù có như vậy nó cũng không thuộc dạng "một giọt nước soi sáng cả bầu trời". Vì vậy,chúng tôi phải lập nên trang CLB Những người thích cười này để tụ tập tất cả các giọt nước soi sáng bầu trời 12A3.

1. Tình yêu bóng đá
Hẳn các bạn vẫn chưa ai quên được không khí sôi động của những ngày Seagame 19, đặc biệt là không khí của những trận bóng đá. Thời điểm đó, cũng như tất cả mọi người, từng thành vieưn A3 đều hướng về đội bóng nước nhà với cả tấm lòng. Và, vì hướng với cả tấm lòng nên một trong các big fan của A3 đã "chẳng còn tí lòng nào mà học" và đã lập nên một kì tích dở khóc dở cười: trong bài kiểm tra Văn 2 tiết với đề bài "Những sáng tạo độc đáo của truyện ngắn Vi Hành" nhân vật ấy đã viết tất cả những chữ "Khải Ðịnh" thành... "Ðỗ Khải"!!! Nếu biết được điều này, hẳn chàng li be ro số 7 ấy sẽ phải cảm động lắm.

2. Từ chối khéo
Giờ Toán, thầy mở hầu bao cho lớp ăn bỏng. Hết giờ nhưng bỏng chưa hết, thầy đứng lên và nói: Ta chào nhau rồi nghỉ nhé, với một điều kiện khi chào thì không được ăn.
Hạnh: Có nghĩa là khi ăn thì không được chào chứ gì ạ? (và tiếp tục cho bỏng vào mồm)

3. Tạm
Giang: Mày ơi, AD là trước hay sau công nguyên?
Thu: Hình như là sau.
Phương: Trước chứ nhỉ?
Hạnh: Tao cũng chẳng rõ, mày cứ ghi tạm là giữa công nguyên. (AD: Anno Domini - sau công nguyên)

4. Láu cá
Thầy Toán: Tôi có một qui định rằng nếu ai nghỉ trong buổi kiểm tra vì bất cứ lí do gì sẽ không được làm lại bài mà phải lấy điểm thấp nhất trong số những điểm mà người ấy đã có.
Trò: Thế nếu bài đầu tiên em được 10 và em nghỉ tất cả các bài sau thì sao ạ?

5. To gan
Giờ Hoá, sẵn có chút vitamin và cũng để nịnh nọt cô hoá chút xíu, cả lớp mang hoa quả lên mời cô. Trong lớp rộn lên những lời "đưa đẩy":
- Cô ăn quít đi cho mát cô.
- Cô ăn táo cho ngọt giọng cô...
Bỗng: Cô có cần chấm thêm muối iôt cho đỡ đần độn không cô?
Trời! Cũng may là cùng lúc câu nói ấy phát ra thì cô hoá cũng đang phập răng vào quả táo, tai cô chỉ còn nghe tiếng phồm phộp, lạo xạo, lao xao (ơn trời đã để tai, mũi, họng thông với nhau) nếu không thì có khó đoán được hậu quả không nhỉ???
 
Chỉnh sửa lần cuối:
6. Lợi dụng
Cô chủ nhiệm: Học là quan trọng nhưng sức khoẻ còn quan trọng hơn. Các em phải chú ý giữ gìn sức khoẻ thì mới học tốt được. Ðừng cố quá, nhỡ xảy ra chuyện gì thì rất phiền.
Lập tức trong lớp lưu truyền một thông cáo: "Sức khoẻ là trên hết. Nếu chẳng may bạn ngáp một cái thì bạn nên nghỉ học 3 tuần để bảo vệ sức khoẻ, còn nếu bạn hắt xì hơi thì một học kì cũng không phải là quá nhiều!"

7. Cách giải thích hợp lí
Cô: Các em có hiểu vì sao lúc đầu Mị cú A Phủ và dửng dưng nghĩ tới cái chết đang chờ đợi nhưng ngay sau đó Mị lại bừng tỉnh và chạy trốn theo A Phủ không?
Dung: Hẳn là vì Mị thấy A Phủ đẹp trai nên Mị tiếc!

8. Hình tượng cụ thể
Giờ KTNN, trả bài kiểm tra:
- LiDu, sao ông lại bị 8? Ông chép y hệt bài tôi cơ mà?
- Tôi chẳng hiểu, bà so lại hộ cái, có gì tôi còn kiện.
Bỗng: Ha!Ha!Ha!
Tại chỗ mà bài người ta ghi là "biện pháp bón phân lên lá" thì trong bài LiDu là "biện pháp BÔI phân lên lá"!?! Thật là một sự cụ thể hoá hết sức sinh động. Ðọc câu ấy lên, bạn có thể hình dung cái cảnh một cậu bé căm cụi bôi, trát, sơn, phết cái thứ vật chất tinh tuý ấy lên từng phiến lá không? Chắc hẳn cô Kĩ thuật đã không hình dung được hình ảnh nên thơ đó nên bài của LiDu mới có một con 8 đỏ chói!

9. Coi thường 87/CP
- Chúng mày ơi, xuống phòng tiếng đi, cô Hạnh đang cho lớp mình xem phim con heo hay lắm.
- Hay kinh khủng đấy, có con heo từ đầu đến cuối xem mê luôn nhé.
Trời! Thầy Khải mà đi qua chắc ngất xỉu trước khi kịp gọi công an! Nhưng chẳng qua đó chỉ là một sự loạn ngôn: A3 đang thực hành tiếng Anh với bộ phim New Zealand nổi tiếng "Babe chú heo chăn cừu".

10. Bằng chứng xác thực
"Lịch sự là như thế đấy các em ạ. Ngay cả chuyện ăn mặc, không cần phải chải chuốt gì nhưng phải nghiêm chỉnh. Có những người ra đường, cổ áo cũng không bẻ cho tử tế, người ta sẽ nhìn vào đó mà đánh giá".
Những nụ cười ý nhị bỗng xuất hiện trên môi đám học sinh đang chăm chú nghe cô thuyết trình về phép lịch sự. Chột dạ, cô sờ tay lên cổ áo và thấy nó đang được... gập vào trong! Quả thật đó là cách chứng minh hùng hồn dễ đem lại sức thuyết phục nhất. Thêm một điểm cho người chứng minh (vì bí mật nghề nghiệp và vì lòng nhân đạo chúng tôi phải giữ kín tung tích cho thân chủ nhưng các bạn hãy tin rằng đây là chuyện có thật tới... 101%).

11. Ðời còn dài
Sau chuyện Thư - một thành viên trong lớp bị gẫy chân và phải nằm bệnh viện, cô chủ nhiệm rất quan tâm đến vấn đề "an toàn tính mạng " cho cả lớp. Cô dặn "Việc giữ gìn sức khoẻ là hết sức quan trọng. Ðời còn dài, tha hồ học. Cô dặn thế để các em cẩn thận. Còn bây giờ lấy vở ra học nhanh lên, lớp mình học chậm quá". Cả lớp đồng thanh: Thưa cô, đời còn dài mà, học lúc nào chả được.

12. Không cho (chúng) nó thoát
Giờ Toán, thầy bước vào lớp trong chiếc áo da bóng lộn. Cả lớp không bỏ lỡ thời cơ:
- Thầy ơi, áo mới...mới...ới.
Thầy vội vàng xua tay: Mới đâu mà mới, áo này thầy mặc từ năm ngoái rồi.
- Nhưng mà mới mặc năm nay, lại vừa đánh xi mất 80 nghìn. - Hạnh nói, như thể chính mình vừa đại tu áo cho thầy.
Cả lớp được thể gào lên: Khao đi thầy ơi!
- Nhưng áo này năm ngoái mới là áo mới, lúc ấy thầy khao các anh khoá trước rồi.
- Thế thì lại càng phải khao, không thì mang tiếng trọng nam khinh nữ đấy thầy ạ.
- Nhưng nhà trường cấm ăn quà trong lớp cơ mà. - Thầy đắc thắng.
- Lớp em chưa nộp bản cam kết đâu mà thầy.
Thầy đuối lí quá, cố đưa ra tuyệt chiêu cuối cùng: Nhưng không được ra khỏi cổng trường đâu.
Và tuyệt chiêu này của thầy cũng bị các tâm hồn đói ăn của A3 đập tan một cách dễ dàng: Tiết 5 rồi mà thầy, mình ra khỏi cổng bây giờ thì có khác gì cái bọn 4 tiết đâu ạ.
Thế là, với tinh thần chiến đấu kiên cường cùng khẩu hiệu "Không cho (chúng) nó thoát", A3 đã đạt được mục đích của mình: một túi bỏng ngô trị giá 20000đ và 15' nghỉ sớm để hưởng thụ. Các bạn đã thấy sự bền bỉ có lợi chưa? Như đồng chí Trường Chinh đã nói "Trường kì kháng chiến nhất định thắng lợi".

13. Ngôn ngữ thời mở cửa
Giờ Hoá, giáo sinh thực tập đang say sưa đánh vật với bài giảng.
- Em nào có thẻ nói cho cô một số ứng dụng của nhôm?
Chẳng thấy có động tĩnh gì, cô nài nỉ:
- Nhà các em có nhiều đồ nhôm lắm mà, thử kể một vài cái xem nào.
- Cô có cho điểm không ạ?
- Chẳng nhẽ cứ phải cho điểm thì các em mới trả lời sao?
- Hẳn rồi, cơ chế thoáng mà cô, có đi có lại mới toại lòng nhau chứ.
(Chẳng biết lòng các em đã "toại" chưa chứ lòng cô thì đã quá "toại" đến nỗi lấn sau cô chẳng còn dám bén mảng đến cửa lớp em nữa).

14. Vỏ quýt dầy có móng tay nhọn
Trong chuyến tham quan Sa Pa, các nường đang say sưa thay ra thay vào quần áo để tạo dáng công nghiệp:
Hà: Thuỷ ơi, ra chụp với tao một kiểu nào.
Thuỷ: Mày đợi tao thay bộ khác đã, bộ này tao chụp mấy kiểu rồi (!!!)
Xung quanh cười rộ lên trước câu trả lời rất thật lòng của Thuỷ (Thuỷ vốn được phong danh hiệu "Người điệu nhất 12A3" mà). Tưởng rằng Hà sẽ phải phì ra một câu kiểu như "Ôi dào vẽ, chụp đại đi chứ" hoặc ít nhất thì cũng là "Khẩn trương lên, mất thì giờ quá", thế nhưng câu trả lời của Hà lại là:
- Nhanh lên mày ơi, bộ này tao cũng chụp rồi, chụp nốt với mày xong là tao phải thay ngay bộ khác, từ nãy đến giờ mới thay được có 4 bộ!!!!
Khỏi phải nói thì bạn cũng hiểu thái độ của mọi người xung quanh thế nào rồi chứ, đúng là vỏ quýt dầy có móng tay nhọn.
 
A3 - sôi động mùa ăn hỏi

Nghe tiêu đè chắc các bạn sẽ ngạc nhiên lắm, "Mới có lớp 12, hỏi với xin cái gì". Nhưng các bạn biết không, không phải A3 được-ăn-hỏi đâu mà là A3 đóng vai những người đi ăn hỏi cơ. Nói thế chắc bạn nào cũng hiểu ra "À, đi bưng tráp". Vâng! Bản chất của sự việc chính là như vậy đấy.

Chưa có mùa cưới nào A3 lại rôm rả và sôi nổi như mùa cưới năm nay (1998). "Mở hàng" là đám hỏi chị của Hồng Ngọc. Nhà trai thiếu nhân lực nên phải kêu gọi nhà gái cho "vay" một đội ngũ "tiếp viên trẻ đẹp". Kết quả là 10 nàng trong lớp đã phải giã từ một buổi học để... ngồi xích lô. Có vẻ như vía của cái đám hỏi ấy rất nhẹ nên ngay sau đó đội ngũ "ăn xin" của A3 trở nên rất đắt hàng (nếu gọi là ăn hỏi thì bình thường quá, gọi là"ăn xin" cho nó... chẳng giống ai). Tiếp theo đấy là đám hỏi của chị LiDu, của cậu ÐDương, của cháu thầy T. của con thầy H... Cứ mỗi lần thấy lớp vắng, cả lớp lại nhìn nhau "Hôm nay ăn hỏi ai thế?"

Và hậu quả tất yếu của những đám hỏi ấy là những... đám cưới. Những cô gái xinh đẹp đã có công hỏi xin được hẳn một nàng dâu thì cũng xứng đáng được trân trọng mời dự cái đám cưới ấy chứ. Và thế là lại phải nghỉ thêm một buổi học nữa. Có hề gì! Tất cả vì hạnh phúc của đôi bạn trẻ, nhỉ.

Những người không hề tham gia vào những lễ lạt ấy lúc đầu không có phản ứng gì, rồi họ bắt đầu bị cuốn hút vào không khí háo hức ấy qua những tấm ảnh, nhưng rồi họ cũng bắt đầu chán "Học đi thôi, cưới với xin làm gì mãi thế". Còn những người trong cuộc, họ nghĩ gì?

Dung - một "ăn xin" đầy triển vọng phát biểu: Vui nhất là đi đường mọi người cứ nhìn với ánh mắt ngưỡng mộ. Mình lại còn là đoàn trưởng nữa chứ, được dẫn đầu và đi cùng với bà cố - nhân vật "xịn" nhất trong đoàn, vinh dự lắm đấy. Mỗi tội phải bê mâm cau là mâm nặng nhất, trĩu cả tay còn đâu mà tạo dáng.

Thuận - người hầu như không vắng mặt trong bất cứ một đám nào, trả lời với đôi mắt sáng long lanh: Chỉ thích mỗi lúc được trả tiền duyên thôi. Tiếc rằng các đám cứ trả theo số tuổi, mà mình thì mới có 18, lúc ấy cứ ước mình lớn hơn vài chục tuổi (Ối giời ơi đừng có mà tưởng bở, "mình" mà già đến thế thì liệu có ai còn mời "mình" nữa không hả"mình"?).

Hồng Ngọc - người có bà chị nhẹ vía đã mở hàng cho 12A3 hùng hổ tuyên bố: Ôi chao là mê ly! Tao thấy đã quá mày ạ, cứ muốn mình cũng cưới ngay... (Em ơi xin đừng! Lấy chồng sớm làm gì để…).

Người viết bài này cũng đã từng tham dự một đám hỏi nhưng chỉ với tư cách người mục kích. Chẳng biết các đám khác thế nào chứ nếu đám nào cũng như đám này thì thật là vui hết chỗ nói. Mở đầu người đại diện nhà trai đứng lên thưa chuyện "Hôm nay ngày lành tháng tốt, chúng tôi đến ăn...ăn...ăn...hỏi cháu...". A, thì ra mục đích của họ nhà trai gồm có hai phần: ăn và hỏi, trong đó phần ăn mạnh gấp 3 lần phần còn lại. Thế là, mặc kệ bác speaker cứ thao thao bất tuyệt, những phần tử còn lại thuộc họ nhà trai ào ạt tấn công tất cả những gì xơi được mà họ nhà gái đã có nhã ý bày trên bàn. Sau đó đến phần nhà gái đáp lời, một speaker khác đứng lên trịnh trọng "Thay mặt họ nhà TRAI chúng tôi xin cảm tạ họ nhà GÁI đã đến xin cháu...". Ô, sao thế nhỉ? Sao trai gái lại quấn quít giao hoà lộn tùng bậy như vậy nhỉ? Phải chăng nhà gái quá vui mừng vì tống khứ được một cái-của-nợ-đời ra khỏi cửa? Nhưng chắc là không phải vậy, vì nếu thế thì ta đã vô tình phủ nhận công lao xin sỏ khó nhọc của đội ngũ bưng tráp ở VN nói chung và đội ngũ của 12A3 nói riêng.
 
Chúng tôi đã tìm ra biểu tượng của lớp mình như thế nào?

Xuất phát điểm
Từ lâu đã trở thành một cái mốt rằng bất cứ một tập thể lớp 12 nào khi ra trường đều phải in một mẫu áo như là một biểu tượng của lớp mình. Có những lớp làm việc đó từ rất sớm, có thể từ lớp 11 thậm chí lớp 10 (họ muốn sớm khẳng định cái tôi... tập thể chăng?). Ý tưởng in áo đến với chúng tôi vào những ngày cuôi năm lớp 11, "Lớp 12 bận lắm, làm gì có thời gian để nghĩ đến chuyện ấy", bí thư nói, và cả lớp đều tán thành.

Chiến tranh
Bất kì một lớp nào cũng đã từng có những cuộc đấu khẩu tưởng chừng có thể dẫn tới cảnh "huynh đệ tương tàn" mỗi khi có một hoạt động tập thể cần trưng cầu ý kiến. Cuộc chiến tranh ngôn ngữ của chúng tôi lần này cũng thật là khủng khiếp, vì rằng, nói như một thành viên của lớp thì "Cái áo in ra sẽ là bộ mặt của cả lớp, không thể để nhục lớp thể được" (bạn đã bao giờ nghe tới cụm từ "nhục quốc thể" chưa? Nhân vật nay đã "tiểu nhân hoá" cụm từ ấy một cách hết sức tự nhiên).

Bắt đầu là kiểu áo. Phần đông biểu quyết áo phông không cổ. Một số muốn áo có mũ, số khác lại muốn áo có cổ. Số muốn áo có cổ tuy không nhiều nhưng rất hăng hái bảo vệ ý kiến của mình bằng một bài hùng biện "Cái bất lợi của áo không cổ":

Ðiều bất lợi thứ nhất là áo không cổ rất hay bị "bai" cổ.
Ðiều bất lợi thứ hai là cái cổ của áo không cổ rất hay bị bai.
Ðiều thứ ba...
Ðiều thứ tư...

Lập tức bên chiến tuyến đối lập cũng có ngay một bài diễn thuyết không kém phần thuyết phục:

Ðiều có lợi thứ nhất của áo phông không cổ là nó là... áo không cổ.
Ðiều có lợi thứ hai là nó không phải là áo có cổ.
Ðiều thứ ba là áo không cổ có những cái lợi mà áo có cổ không có.
Ðiều thứ tư là áo có cổ không có những cái lợi mà áo không cổ có.

Trước những lí lẽ sắc bén, những lập luận đầy tính logic của bên "không cổ", bên "có cổ" buộc phải đầu hàng vô điều kiện.

Tiếp đến là mầu áo.
- Màu đỏ muôn năm, áo đỏ em đi giữa phố đông. Có muốn lớp mình nổi nhất Hà Nội không? - Chi và Hạnh lớn tiếng kêu gọi.
- Ôi không! Thế còn bọn tớ thì sao? - Năm đấng "nam tư quân nhỉ" của lớp kêu lên đầy hoảng sợ.
- Ðen vậy, đen nhé. - Ai đó nhiệt tình.
- Mày muốn biến lớp mình thành đảng Hắc mô ni chắc?
- Hay là trắng?
- In thì đẹp nhưng màu ấy phổ biến quá.
- Vậy thì xanh dương, nõn chuối hay da cam?
Không thể ngã ngũ nổi, các chiến sĩ đành tạm gác vấn đề mầu lại và quay sang mẫu chữ in. Ðây mới thực sự là chiến trường khốc liệt nhất.
- Phát huy ý kiến đi đồng bào ơi. Chỉ có điều là đừng có tầm thường hoá 12A3 bằng những câu tương tự như "Remember the time" hay "I love 12B forever" đấy nhé.
- "Never forget" được không? - Ai đó tung ra chiêu đầu tiên.
- Không được! Forget hay remember thì có khác gì nhau (ôi một định luật mới: nhớ hay quên thì cũng như nhau cả).
- "Thinking of 12A3" nhé.
- Tấm thường! Tầm thường!
- "A3 keep shining forever and ever" vậy.
- Nghe được đấy!
- Tao có câu này hay hơn, "In love we trust".
- "In love we... OK" có được không?
Tác giả của "In love we trust" hiểu ra và vội vàng im bặt.
Và cứ thế, khung cảnh lớp học diễn ra không khác gì quốc hội Ðài Loan.
Sau vài hôm khẩu chiến, tình hình ngày càng căng thẳng, chẳng ai còn hứng thú cho chuyện in áo nữa (theo cách nói của một thành viên trong lớp thì "Cứ cãi nhau mãi làm tụt cả hứng"). Thế là vấn đề biểu tượng của 12A3 tạm rơi vào quên lãng.

Tái xuất giang hồ
Năm học thứ 12 đã bắt đầu được gần hai tháng. Cả lớp không ai còn nhớ gì về chuyện in áo và cuộc chiến đã qua (thù dai là một đức tính quí hiếm mà không phải ai cũng có).
Bỗng: Lớp mình ơi, sắp đi thăm quan rồi đấy, in áo đi.

Thế là (ối giời ơi) đáp lại lời kêu gọi đầy nhã ý kia, các chiến sĩ lại vùng dậy với tinh thần chiến đấu vẫn phơi phới như xưa.

Lần này màu áo và tiêu ngữ không gây tranh cãi nhiều lắm (không phải vì đã được ngã ngũ mà đơn giản chỉ vì người ta thường không thích đánh nhau nhiều lần trên cùng một chiến trường). Thay vào đó là một váan đề mới: mẫu hình.
- 6 khuôn mặt biểu lộ 6 cảm xúc nhé. - Khánh Phương đưa ra ý kiến.
- Tại sao lại là 6 mà không phải là 4 hay 38 hoặc 9827 gì đó. Với lại trông cứ như cái cột đèn giao thông ý.
- Hình con khỉ được không? - Dương hào hứng.
- Hay đấy nhưng lớp khác chộp mất rồi, mình không nên dập khuôn.
- Hình trái tim vậy. - Linh tham gia.
- Nhàm quá. Ði đén đâu cũng thấy toàn những tim gan lòng mề, ghê chết.
- Quả bí ngô nhé. - Ngọc hăng hái.
- Mày có định thi vào trường Nông Nghiệp không đấy? - Lớp trưởng càu nhàu.
- In bí ngô thì là trường Nông nghiệp, thế cái áo hình con chó của mày thì là trường gì? Trường RTC Nhật Tân chắc.
Thấy nguy cơ trận chiến sẽ còn tiếp diễn vô thời hạn nếu không có một sự can thiệp, bí thư đành tham chiến:
- Mỗi người một ý không ai chịu ai thì rút cục sẽ chẳng đi đến đâu cả. Bây giờ tớ sẽ làm phiếu trưng cầu theo kiểu "Choose A, B, C or D". Kết quả đa số đánh bại thiểu số chứ không có "quyền phủ quyết" như Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đâu nhé.
Thế là tạm ổn (nghe thì đơn giản nhỉ, nhưng thực tế thì...). Tuy nhiên, cuộc chiến đã kết thúc không mấy êm đẹp. Ngoài những kẻ "dương dương tự đắc" vì "trúng cử", số còn lại hậm hực vì ý kiến không được sử dụng. Nhưng dù gì đi nữa thì "sự cũng đã rồi".
 
Vẽ mẫu
Nghĩ ra mẫu là một chuyện nhưng mẫu ấy được trình bày như thế nào thì lại là chuyện khác. Tôi - tác giả của bài viết này - có một ông anh học trường Mĩ thuật, vậy là đương nhiên nhiệm vụ vẽ mẫu sẽ thuộc về tôi.
- Vẽ ngay đấy nhé, trong vòng hai ngày thôi, sắp đi thăm quan rồi. - Bí thư nhắc nhở.
Tôi về trình bày với anh tôi và giục anh vẽ ngay. Anh lắc đầu:
- Ít nhất 3 ngày nữa anh mới rỗi, anh còn đang phải hoàn thành bản đồ án.
"Ðồ án?" Nghĩa là anh bận thật, chẳng thể năn nỉ được gì đâu. Tôi đang băn khoăn không biết phải xoay sở thế nào thì may sao một anh bạn của anh tôi đến chơi. Anh không học trường Mĩ thuật nhưng cũng là một tay vẽ cừ khôi.
- Em mà nhờ nó thì em sẽ chỉ nhận được một con chim cánh cụt thôi. - Anh tôi cười.
- ?????
- Bọn anh còn phải đặt biệt hiệu cho nó là "Chim cánh cụt" nữa cơ, vì nó chỉ vẽ chim cánh cụt thôi mà.
- Ðể xem...
Sau một hồi vòng vo rào đón, tôi vào đề:
- Em nhờ anh vẽ cho em cái này được không?
- Xong ngay. Gì chứ vẽ thì...
Tôi nhìn anh tôi đắc thắng.
- Bọn em định in áo…
- Ôi in áo à, thế thì chỉ có chim cánh cụt là đẹp thôi.
Anh tôi phá lên cười còn tôi thì đành đánh trống lảng và chuồn thẳng.

Thế là kế hoạch nhờ vả của tôi tan tành mây khói. Tôi đành vác bộ mặt biết lỗi đến lớp chịu trận. Cả lớp nghe câu chuyện về con chim cánh cụt của tôi với một lòng tin không đáng kể (hẳn rồi, vào những năm cuối của thế kỉ 20 này mấy ai còn tin vào chuyện cổ tích về chàng hoàng tử chim cánh cụt). Nhưng may sao không ai có ý định tuyên án tôi về việc này và thống nhất cho tôi hưởng án treo (vì suy cho cùng biến cố đó cũng là do một nguyên nhân bất khả kháng). Và bí thư đành thân chinh vác mẫu ra hàng chế bản điện tử.

Sóng gió chưa phải là đã qua, tuy nhiên chắc các bạn cũng đã quá mệt mỏi để có thể theo dõi tiếp những hồi sau của câu chuyện, vậy nên, vì phép lịch sự và vì lòng nhân đạo chúng tôi xin phép hạ màn tại đây.

Và đây... here we are! Chiếc áo phông trắng không cổ, đằng trước với chú chuột tinh nghịch chui ra từ trái bí ngô ngộ nghĩnh và dòng chữ mang đậm màu sắc 12A3 "Young - Wild - Free". Ðằng sau là một "chữ A màu đỏ" nổi bật trong khuôn khổ khẩu hiệu của 12A3: "A3 - That's what friends are for".

Vâng! Ðó chính là biểu tượng của 12A3 - biểu tượng của sự khoẻ khoắn, sôi nổi, nồng nhiệt và đoàn kết.
 
Back
Bên trên