không nạp quá nhiều kiến thức trong giai đoạn nước rút
Do tâm lý thi cử nặng nề nên nhiều thí sinh đã gấp rút ôn tập ba môn thi một lúc. Lượng kiến thức khá lớn đã làm nhiều em rơi vào trạng thái stress và làm giảm hiệu quả ôn tập.
Để tránh hiện tượng này, thí sinh cần phải biết loại những kiến thức không cần thiết. Nếu đã tự tin với những phần mình ôn trước đó thì không nên ôn tập lại. Cần tập trung ôn những phần mình chưa chắc chắn, những kiến thức mình còn bị hổng.
Tuyệt đối không ôn tập hỗn độn 3 môn thi cùng một lúc, cần bố trí ôn tập kiến thức “nước rút” hợp lý. Chẳng hạn như, đêm trước hôm thi môn Toán, chỉ nên tập trung vào kiến thức môn Toán, không phân tâm về kiến thức của những môn khác.
Trong giai đoạn này, bạn tuyệt đối không nên tập trung giải đề thi các năm trước đây vì sẽ dễ bị hoang mang với những dạng toán mới, những công thức mới… Bạn phải luôn nghĩ, đề thi ĐH cũng chẳng có gì ghê gớm, mình đã học chắc rồi thì không có câu hỏi nào là không làm được.
Loại bỏ những thông tin “nhiễu”
Nhiều thông tin “nhiễu” vào giai đoạn cuối sẽ làm cho thí sinh dao động. Với những đắn đo về chọn trường, chờ đợi tỷ lệ “chọi” để chấm trường dự thi… sẽ làm bạn mất tập trung trong ôn tập. Do đó cần loại bỏ tất cả những thông tin này với niềm tin mình sẽ trúng tuyển.
Tất cả những thông tin có được bạn chỉ nên xem để tham khảo, không quá bận tâm vào những thông tin không chính thống như nghe nói, có thông tin cho rằng…
Tạo lại khả năng tính “nhẩm” nhanh
Sau nhiều ngày ôn tập vất vả sẽ làm giảm thiểu khả năng tính toán “nhẩm” nhanh của bạn. Do đó việc ổn định lại hệ thống tính “nhẩm” vốn có của mình là điều bắt buộc phải làm.
Để có thể làm được điều này bạn nên chơi các trò chơi vui, đơn giản nhưng trong đó có sự logic cùng với những phép tính nhẩm vui. Thậm chí, bạn có thể thư giãn bằng cách đọc những chuyên mục giải trí liên quan đến những con số trên báo, tạp chí…
Lưu ý: Không nên dành quá nhiều thời gian cho các hoạt động này, tốt nhất dành khoảng 30 phút/ ngày.
Giảm thiểu những lo lắng không cần thiết
Nhiều bạn rất mất thời gian trong việc tìm hiểu lí do vì sao chưa nhận được giấy báo, bị mất phiếu ĐKDT số 2…, trong khi những sự cố này hoàn toàn có thể giải quyết đơn giản.
Bạn phải luôn ý thức được rằng, tất cả những sai sót trên giấy báo dự thi đều có thể được chỉnh sửa vào ngày làm thủ tục dự thi.
- Nếu bạn chưa nhận được giấy báo qua đường bưu điện thì hãy nhanh tay liên hệ trực tiếp với nơi mình nộp hồ sơ ĐKDT. Trường hợp thất lạc giấy báo dự thi cần phải liên hệ trực tiếp ngay với Phòng đào tạo của trường mình ĐKDT để được hỗ trợ Số báo danh, phòng thi, địa điểm thi.
Sau khi có những thông tin trên bạn đến đăng kí dự thi bình thường và nên mang theo Chứng minh thư, phiếu đăng kí dự thi số 2 và những giấy tờ liên quan khác để có thể chỉnh sửa lại thông tin nếu trước đó có sai sót.
Giảm sức ép “đỗ” - “trượt”
Sức ép này sẽ làm bạn hay bị đau đầu, căng thẳng đầu óc… Do đó bạn cần xác định mục tiêu “học hết mình thi hết sức” chứ đừng xác định “học giỏi phải bắt buộc thi đỗ”.
Bên cạnh đó, bạn đừng bao giờ nghĩ đến sức ép của gia đình và người thân. Bởi nếu bạn có thi trượt, họ cũng không bao giờ trách bạn vì bạn đã nỗ lực hết mình.
Với tư tưởng như vậy, sẽ tạo ra một tâm lý thoải mái cho bạn trước khi bước vào kì thi chính thức.
Chuẩn bị sớm những vật dụng cần thiết
Những vật dụng dùng trong thi cử nên chuẩn bị càng sớm càng tốt. Đặc biệt, cần chọn loại máy tính có trong danh mục cho phép mang vào phòng thi. Cụ thể là các loại máy tính không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ…
Bút chì là vật dùng cần phải dùng để thi trắc nghiệm, vì thế bạn nên chuẩn bị dự phòng vài chiếc, gọt bút chì cho thật “ngon lành” để không ảnh hưởng đến quá trình làm bài.
Việc chuẩn bị sớm các vật dụng cần thiết trong thi cử cũng góp phần tạo cho bạn sự tự tin khi làm bài.