Nguyễn Hoàng Vũ
(Hoàng Vũ)
Điều hành viên
Bão giá nguyên nhiên liệu thổi bùng lên nỗi lo về tăng trưởng và lạm phát. Tôm xuất khẩu bị chèn ép. Ngành dệt may thăng trầm trước thềm hậu hạn ngạch. Kinh tế nước nhà năm 2004 đã vượt qua những khó khăn chất chồng đó để vững bước đi lên, dần thu hẹp khoảng cách hội nhập với thế giới.
Dưới đây là 10 sự kiện kinh tế nổi bật trong năm qua theo đánh giá của VnExpress.
Tăng trưởng quá nóng tại Trung Quốc, sự phục hồi của một số nền kinh tế lớn khác là tác nhân chính đẩy căng thẳng cung cầu nguyên nhiên liệu thế giới lên cao tột độ. Ngay từ tháng 2, giá phôi thép thế giới tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái đã đẩy giá thép thành phẩm trong nước lên cao. Cơn bão giá nhiên liệu cũng hoành hành dữ dội khi dầu bắt đầu rơi vào tâm điểm. Các mức cản 30, 35, 40, 45 và rồi 55 USD/thùng lần lượt bị vượt qua cùng với xung đột leo thang tại Trung Đông, thiên tai và sự đầu cơ, lũng đoạn của một số tập đoàn lớn. Để giảm lỗ cho các doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối và san sẻ bớt gánh nặng thu chi ngân sách, Việt Nam phải 3 lần tăng giá bán lẻ xăng dầu.
Cùng với sắt thép và xăng dầu, hàng loạt nguyên liệu đầu vào như nhựa, than, phân bón, xi măng cũng ngày một đắt đỏ. Vì vậy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), sau thời gian chịu tác động của dịch cúm gia cầm lại tiếp tục leo thang với tốc độ chóng mặt và kéo dài suốt 3 quý đầu năm. Hết tháng 9, CPI đã là 8,6%, nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia đầu ngành về tài chính, tiền tệ và vượt xa mục tiêu 5% mà Quốc hội đề ra. Tốc độ tăng giá cả chững lại đột ngột vào tháng 10 và chỉ biến động nhẹ vào tháng 11 khi Chính phủ và các bộ, ngành triển khai một loạt biện pháp mạnh tay để kiềm chế như đưa thuế nhập khẩu sắt thép và xăng dầu về 0%, hạn chế xuất khẩu gạo, giãn thời gian nộp thuế nhập phân bón... Theo các chuyên gia, việc để cho cơn bão giá nguyên, nhiên liệu thế giới tràn vào Việt Nam và làm chao đảo nhiều ngành công nghiệp bắt nguồn từ những bất cập trong hệ thống phân phối hàng hóa, yếu kém trong khả năng dự báo của nền kinh tế và cả sự lúng túng, bị động của các cơ quan hữu quan.
Con tôm đương đầu với tranh chấp thương mại
0h sáng 1/1/2004 (giờ Hà Nội, tức trưa 31/12/2003 giờ Washington), Liên minh tôm miền Nam - Mỹ (SSA) đã đệ đơn kiện 6 nước, trong đó có Việt Nam, bán phá giá. Vào chính đêm 30 Tết Giáp Thân (21/1/2004), đại diện của Việt Nam phải tham gia phiên điều trần đầu tiên trên đất Mỹ cùng 5 nước bị đơn khác là Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Ecuador và Brazil.
Sau 2 lần Bộ Thương mại Mỹ ra phán quyết, mức thuế cuối cùng với các nước đã giảm đáng kể và thấp hơn nhiều so với đề xuất ban đầu cao tới 200% của nguyên đơn. Tôm xuất khẩu của Việt Nam, trải qua bao khó khăn do vụ kiện, cuối cùng phải chịu thuế suất trung bình dưới 6%. Mức thuế thấp hơn một chút so với đối thủ cạnh tranh trực tiếp Thái Lan (6,03%), song không làm doanh nghiệp hài lòng vì thực tế họ không bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ. Vụ kiện đã làm cho ngành thủy sản Việt Nam không đạt chỉ tiêu xuất khẩu 2,6 tỷ USD năm nay. Nhưng nó góp thêm bài học kinh nghiệm cho doanh nghiệp nước nhà khi đương đầu với những tranh chấp thương mại quốc tế trong thời hội nhập, đặc biệt là bài toán đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và tổ chức tốt hơn kênh phân phối hàng hóa.
Thăng trầm dệt may
Hơn 9 tháng làm quen với "chiếc cổng hẹp" để vào thị trường dệt may Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa hết sốc bởi đã đầu tư quá nhiều cho mảnh đất màu mỡ này. Hạn ngạch tiêu chuẩn luôn quá ít so với năng lực thực tế, đã vậy, còn bị trói chân bởi quá nhiều bất cập trong cơ chế phân bổ. Những khó khăn có lúc khiến nhiều người không dám tin dệt may sẽ hoàn thành chỉ tiêu kim ngạch 4,2 tỷ USD.
Việc EU tuyên bố bãi bỏ hạn ngạch kể từ 2005 là một sự kiện quan trọng, bởi kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này cũng ngót nghét 500-600 triệu USD. Tuy nhiên, sau thời gian dài bỏ bẵng các đối tác châu Âu để tập trung làm ăn với Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam phải bắt đầu "tìm hiểu lại bạn cũ". Và đây cũng là lúc họ chuẩn bị hành trang để đương đầu với những thách thức thời hậu hạn ngạch, khi chế độ quota được dỡ bỏ cho tất cả các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ năm tới. Ngành dệt may tự hiểu rằng, dù mình có lợi thế về nhân công giá rẻ, trình độ tay nghề cao thì cũng chưa thể khắc phục nhược điểm về nguồn nguyên phụ liệu.
Chỉ số năng lực cạnh tranh tụt bậc
Việc Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam giảm 17 bậc, từ 60/102 năm 2003 xuống 77/104 năm 2004; đồng thời chỉ số năng lực cạnh tranh doanh nghiệp giảm 23 bậc, từ 50/93 xuống 73/98 đã tạo ra các cuộc tranh luận nóng bỏng trong cộng đồng doanh nhân và dư luận. Chỉ số cạnh tranh của Việt Nam sút giảm là do kết quả thu được trong cuộc khảo sát về mọi lĩnh vực đều kém so với trước đây, trong đó yếu nhất về ứng dụng công nghệ và chất lượng các tổ chức công.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, kết quả trên chưa hoàn toàn phản ánh đúng năng lực của Việt Nam. Rõ nhất là động lực mạnh mẽ của Việt Nam trong việc cải cách quy định và thể chế hướng tới kinh tế thị trường chưa được thể hiện trong xếp hạng. Hơn nữa, một nền kinh tế kém cạnh tranh khó có thể đạt mức tăng trưởng GDP năm 2004 thuộc hàng cao nhất thế giới - 7,2%/năm và tăng trưởng xuất khẩu gần 30%. Và nếu như không có những cải thiện đáng kể, sẽ không thể có việc cộng đồng các nhà tài trợ tiếp tục đánh giá cao Việt Nam với cam kết tài trợ ODA kỷ lục - 3,4 tỷ USD.
Lượng ngoại tệ đổ vào Việt Nam tăng cao kỷ lục
Bất chấp những khó khăn đối với các mặt hàng chủ lực kể trên, kim ngạch xuất khẩu năm nay vẫn đạt 26 tỷ USD, tăng 24% so với năm ngoái và là mức cao nhất kể từ 1996. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng lên tới 4 tỷ USD, cao nhất trong 7 năm, tạo nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu thu hút trên 22 tỷ USD trong 5 năm tới. Lượng kiều hối đổ về có thể lên tới 3 tỷ USD, tăng 200 triệu USD. Cam kết ODA cũng đạt kỷ lục 3,4 tỷ USD. Tổng số ngoại tệ trị giá hơn 36 tỷ USD này là nỗ lực của Việt Nam trong điều hành sản xuất, minh bạch hóa chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh xã hội; đồng thời thể </FONT>hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của thế giới. Tuy nhiên, đằng sau những con số đó vẫn còn nhiều vấn đề cần suy tính. Xuất khẩu tăng trưởng một phần là do xu hướng tăng giá nguyên liệu đầu vào chung trên thế giới. Sự tăng trưởng đó cũng chưa thật bền vững để giúp cải thiện cán cân thương mại, vốn đang nghiêng về nhập khẩu với mức nhập siêu hơn 4 tỷ USD. Môi trường thu hút FDI vẫn còn nhiều hạt sạn và sẽ phải đối đầu với thách thức cạnh tranh từ Trung Quốc, khi nước này đẩy mạnh thực hiện các cam kết mở cửa với WTO kể từ đầu năm tới. Khoản cam kết ODA kỷ lục vừa qua đưa tổng nợ nước ngoài của Việt Nam lên 15 tỷ USD cũng chưa hẳn là điều mừng, thậm chí có thể trở thành gánh nặng cho thế hệ sau nếu các dự án không được triển khai hiệu quả.
Ngoại giao tập trung phục vụ kinh tế
Lần đầu tiên tổ chức hội nghị tầm cỡ và quy mô như ASEM 5 (Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu lần thứ 5), Việt Nam đã chứng tỏ với thế giới về một môi trường đầu tư an toàn, ổn định.
Chuyến công tác nước ngoài nửa cuối tháng 11 của Chủ tịch Trần Đức Lương và Thủ tướng Phan Văn Khải cũng là điểm nhấn trong hoạt động kinh tế đối ngoại của năm. Trở về từ Nam Mỹ và Hội nghị cấp cao lần thứ 12 Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC 12), Chủ tịch Trần Đức Lương đã mang về thoả thuận kết thúc đàm phán song phương với Chile, Brazil cùng nhiều văn kiện hợp tác kinh tế quan trọng khác. Trong chuyến đi châu Phi của Thủ tướng Phan Văn Khải, Việt Nam đã ký kết thoả thuận hợp tác nông nghiệp, mở đường cho xuất khẩu 2 tỷ USD nông sản sang Algeria mỗi năm.
Sự thành công trong các hoạt động kinh tế đối ngoại là bước đệm quan trọng, giúp Việt Nam tranh thủ sự ủng hộ của các đối tác và đẩy nhanh tiến trình hội nhập.
Cánh cửa vào WTO mở rộng hơn
2004 là năm bản lề trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tạo đà để Việt Nam có thể gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong 2005. Trải qua 7 vòng đàm phán, Việt Nam bước vào phiên đa phương thứ 8 (15/6) với những cam kết mở cửa rộng rãi hơn nữa và đã được đánh giá cao. Phiên thứ 9 trong tháng cuối cùng của năm kết thúc thắng lợi ở Geneva với việc Việt Nam cùng các đối tác bắt đầu rà soát dự thảo báo cáo Ban Công tác WTO, một tài liệu rất quan trọng để gia nhập. Trong đàm phán song phương, Việt Nam cũng thu hẹp được khoảng cách với các đối tác lớn, kết thúc đàm phán với 6 trong số 27 nước có yêu cầu. Mỹ và Canada cũng đã bật đèn xanh ủng hộ việc gia nhập sớm trong 2005.
Tuy nhiên đoạn đường ngắn phía trước vẫn còn gian nan. Bản chào mới nhất đã được đánh giá cao, song mới thỏa mãn được 30% nhu cầu của các nước thành viên WTO. Để gia nhập trước thời điểm cuối năm 2005, khối lượng công việc mà Việt Nam phải làm trong 3-4 phiên tới vô cùng lớn. Trong 21 đối tác song phương còn lại, Việt Nam vẫn chưa tìm được nhiều điểm chung với Nhật Bản, Trung Quốc và Australia, những bạn hàng lớn được xem là rất khó tính và nhiều tham vọng.
Luật Đất đai có hiệu lực thực thi vào 1/7. Song dư luận lại dành sự quan tâm nhiều hơn cho các văn bản dưới luật, đặc biệt là Nghị định 188 về khung giá đất. Văn bản này ra đời vào nửa cuối tháng 11 và có hiệu lực thực thi từ đầu năm sau, trong đó ấn định mức giá trần 67,5 triệu đồng/m2. Đây sẽ là căn cứ để các tỉnh thành xây dựng giá cho địa phương mình và áp thuế chuyển quyền sử dụng đất, lệ phí trước bạ...
Khi ban hành Nghị định 188, các nhà làm luật hy vọng nó sẽ giúp hạn chế tối đa tình trạng đầu cơ, làm giá trên thị trường. Tuy nhiên, việc nâng biên độ giá đất lại là gánh nặng đối với các chủ dự án, bởi khung giá mới cao hơn khung cũ nên việc thoả thuận đền bù giải phóng mặt bằng sẽ khó khăn. Về phần mình, giới kinh doanh không tin rằng nghị định mới sẽ tác động mạnh tới thị trường, bởi giá đất trên thực tế cao hơn nhiều so với quy định. Thậm chí có người cho rằng, giá bất động sản tiếp tục tăng khi văn bản này có hiệu lực, vì người bán sẽ bị đánh thuế thu nhập và người mua bị đánh thuế trước bạ. Suốt năm qua, thị trường bất động sản luôn rơi vào tình trạng đóng băng do tâm lý nghe ngóng chờ đợi chính sách đất đai mới của người dân và tác động của những đợt tăng giá vàng.
Có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế song trong quá khứ, giới công thương chưa thực sự được cộng đồng đánh giá một cách tương xứng với vai trò của nó (xếp thứ 4 trong các giới: sĩ, nông, công, thương). Chính vì vậy, việc Chính phủ chọn ngày 13/10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam đã trở thành sự kiện quan trọng nhất của "những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế".
Đội ngũ doanh nhân ngày càng đông đảo và vững mạnh dù vẫn đang đối đầu với nhiều thách thức. Hiện đã có gần 150.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp với tổng vốn điều lệ 182.000 tỷ đồng. Quyết định tôn vinh giới doanh nhân cũng là cách Chính phủ thể hiện cam kết tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các loại hình doanh nghiệp cùng bình đẳng tham gia xây dựng kinh tế nước nhà.
Đồng đôla tụt giá mạnh
Nước Mỹ không phải là ngoại lệ trong cơn bão giá nguyên nhiên liệu. Tác nhân quan trọng này đã đẩy Nhà Trắng vào thế khó xử khi tiếp tục lún sâu trong tình trạng thâm hụt kép, trong đó thâm hụt ngân sách lên tới hơn 400 tỷ USD, chiếm 3,7% GDP. Đồng đôla, do đó cứ tụt dốc không phanh, dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã 5 lần "phẩy tay làm phép", tăng lãi suất một cách thận trọng: 0,25%/lần. Giá trị USD sụt giảm khiến một số nước vui mừng hả hê bởi nó có lợi cho nhập khẩu, song nhiều quốc gia đã không giấu nổi quan ngại. Liên minh châu Âu (EU) đã gay gắt chỉ trích Mỹ, khi trị giá đồng euro ăn tới 1,34 USD, tăng hơn 50% so với lúc mới lưu hành, năm 2000, đe dọa nghiêm trọng tới xuất khẩu - mũi nhọn để phục hồi kinh tế nơi đây.
Tỷ giá đôla Mỹ dường như chưa tác động nhiều tới Việt Nam, bởi VND vẫn tiếp tục mất giá ở mức độ hợp lý so với USD. Các doanh nghiệp cũng không bị ảnh hưởng lớn vì đa số đã dùng đồng USD trong thanh toán hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, sự yếu đi của đồng Mỹ kim đang hối thúc doanh nghiệp suy tính nhiều hơn về chuyện linh hoạt lựa chọn đồng tiền trong thanh toán cũng như áp dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá khi mua ngoại tệ.