Đi tắt đón đầu – đi như thế nào?

Lê Doãn Hoàng
(llddhh)

New Member
Các bạn thường xuyên nghe thấy cụm từ này trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nó xuất hiện trên các báo chí, từ trong lĩnh vực thể thao tới giáo dục, từ khoa học công nghệ tới nông nghiệp. Tôi làm thử một phép tìm kiếm trên Google ở đây và ra được 96 kết quả, chỉ riêng trên báo Thanh niên. Chả cứ các kỹ sư công nghệ, các vận động viên, mà ngay cả bà con nông dân và học sinh cũng phải biết “đi tắt đón đầu” để chui cho kịp vào thế kỷ 21. Đến bây giờ mà lỡ có ai kêu gọi “hành đại lộ” (*) chứ không “đi tắt” thì có thể bị làng nước xúm vào đập cho nát bét chứ chẳng chơi.

Thế có bao nhiêu người trong số chúng ta, những độc giả bài viết này, thật sự dành ra lấy nửa tiếng để nghĩ xem mình nên đi tắt đón đầu như thế nào. Hoặc nói cho rõ hơn, chúng ta cần phải làm gì để có thể được coi là đi tắt đón đầu thực sự, chứ không phải là dềnh dang trên quốc lộ 1 Pháp Vân – Cầu Giẽ? Riêng tôi, như là một người rất quan tâm và có một chút hiểu biết trong ngành Công nghệ Thông tin, cái ngành thường được nhắc tới như một “mũi nhọn” trong việc đi tắt, thì trớ trêu thay, khái niệm thế nào là đi tắt đón đầu lại hết sức mù mờ.

Tôi cứ lấy một ví dụ. Hiện nay hãng Intel đang chuẩn bị đầu tư một nhà máy ở Việt nam (tin báo Thanh niên ngày 6/1/2005). Theo các tin khác cùng ngày, Intel sẽ tập trung vào công nghệ 45nm. Họ tính rằng đến năm 2007/2008 thì công nghệ này sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt. Trong chiến lược dài hạn của mình, năm 2009/2010 Intel sẽ sử dụng công nghệ 32nm và năm 2011/2012 sẽ là 22nm. Việt nam ta đi tắt đón đầu ra sao để theo kịp công nghệ vũ bão này đây ?

Nhìn về một góc khác của nền CNTT Việt nam. Chúng ta từng có một mục tiêu vĩ đại là 500 triệu USD doanh thu phần mềm vào năm 2005. Đến bây giờ, mặc dù chưa tổng kết năm, cả tôi và các bạn đều biết chúng ta còn cách xa mục tiêu này lắm. Những gì chúng ta làm được trong vài năm vừa qua là một thành công đáng khích lệ, nhưng để chuyển từ gia công phần mềm lên phát triển phần mềm đóng gói đã là cả một bước tiến không tưởng rồi. Thế thì chúng ta biết đi tắt vào đâu và đón đầu ở chỗ nào?

Tình hình ở các lĩnh vực khác cũng vậy. Năm năm qua ngành giáo dục hết cải cách lên rồi lại cải cách xuống, hết tăng tải lại giảm tải, hết dạy từ chữ a lại chuyển sang dạy từ chữ e. Ai cũng nói là muốn đi tắt đón đầu thì phải bắt đầu từ giáo dục và đào tạo đại học. Nhưng xem ra trong suốt thời gian qua, giáo dục đại học ở Việt nam chưa hề có một chuyển biến rõ rệt nào. Đến cuối năm 2005 vừa rồi, tôi thấy rộ lên một loạt bài về xây dựng trường Đại học tầm cỡ quốc tế. Nói thật là mới đầu tôi cũng khấp khởi mừng thầm, mong rằng nước ta từ nay mở mày mở mặt với láng giềng ASEAN. Nhưng càng đọc thì tôi lại thấy càng thất vọng. Báo chí bàn tán rất nhiều về việc làm thế nào để xây được một ngôi trường tầm cỡ quốc tế, mua sắm phòng lab tầm cỡ quốc tế, thư viện tầm cỡ quốc tế, nối mạng tầm cỡ quốc tế nhưng hầu như không nói gì về việc làm thế nào để có các giáo sư tầm cỡ quốc tế và các sinh viên tầm cỡ quốc tế. Mà một trường đại học không có giáo sư và sinh viên thì sẽ không bao giờ là một trường đại học, dù ở tầm cỡ nào cũng vậy. Để xây một ngôi trường, chỉ cần từ 3 đến 5 năm. Chúng ta có cách gì đi tắt để trong vòng 10 năm nữa, có đủ số giáo sư tầm cỡ quốc tế cho MỘT trường đại học ấy hay không ?

Tôi hoàn toàn không thấy Việt nam cần phải “đi tắt đón đầu” trong bất kỳ một lĩnh vực nào. Nhà nước chỉ cần làm tốt công tác quản lý, thì người dân tự họ sẽ tìm ra cách đi riêng cho mình. Trên thực tế, ai cũng biết số tiền mà Nhà nước chi ra không hề nhỏ, nhưng rồi hiệu quả thu được chẳng đáng là bao. Không có nhiều người từng nghe về Viện Công nghệ Sau Thu hoạch. Viện này tọa lạc ở số 4 Ngô Quyền (Hà nội) và ăn lương từ ngân sách Nhà nước để nghiên cứu ra các phương thức bảo quản chế biến sản phẩm nông nghiệp nói chung. Nhưng rồi cái máy thái hành cũng phải chờ ông Nguyễn Xuân Sành ở Hải Dương chế ra. Nếu ông Sành không nghĩ ra cái máy thái hành này, có nhẽ dăm năm nữa Viện Công nghệ Sau Thu hoạch cũng chưa đi tắt được đến đó.

Quốc hội và Nhà nước nên tập trung vào các công việc xây dựng và quản lý thi hành pháp luật, như ban hành các bộ luật đầy đủ và chính xác, chống tham nhũng, cửa quyền, hạch sách dân chúng, khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn chân chính và trừng phạt các doanh nghiệp làm ăn gian dối. Như thế sẽ mang lại hiệu quả lớn hơn là lo can thiệp vào thị trường, đẩy mạnh “mũi nhọn” này hay “mũi nhọn” khác. Hãy mạnh dạn nhìn vào những thực tế sau đây: trong năm qua, Tổ chức Minh bạch Thế giới xếp Việt Nam thứ 102/146 về chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI), Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp Việt Nam tụt 4 bậc (từ 77 xuống 81/117) về năng lực cạnh tranh, Wall Street Journal và Heritage Foundation xếp Việt Nam tụt 5 bậc (từ 137 xuống 142/157) về chỉ số tự do kinh tế. Tại sao chúng ta không đặt mục tiêu vào những chỉ số và thứ bậc này? Nghị quyết của chúng ta, thay vì tập trung vào doanh số 1 tỷ USD từ gạo hay 3 tỷ USD từ tôm cá mực, hãy đặt mục tiêu cải thiện năng lực cạnh tranh, loại bỏ tham nhũng và nâng cao tự do kinh tế. Những mục tiêu này phải được lượng hóa (tăng bao nhiêu bậc hay tăng bao nhiêu điểm tuyệt đối), phải có kế hoạch thực hiện cụ thể và công khai cho mọi người dân đều biết. Hàng năm, những nhà điều tra độc lập sẽ cho Nhà nước và nhân dân thấy, một cách khách quan, kết quả những nỗ lực mà Nhà nước đã bỏ ra. Tiền là quý, nhưng tạo ra một môi trường công bằng và lành mạnh để kiếm tiền còn quý hơn nhiều.

Được như thế, Nhà nước mới tạm xứng đáng với danh hiệu “Của dân, do dân và vì dân” mà lâu nay, các phương tiện truyền thông đại chúng vẫn gán ghép cho.


(*) Trích ý “Quân tử hành đại lộ”
 
Rõ ràng là muốn phát triển thì nhà nước phải có những bước đi đúng hướng, nâng cao năng lực cạnh tranh, quản lý các viện nghiên cứu làm việc có hiệu quả....chứ ko thể chỉ chạy theo thành tích.... Bệnh thành tích là một căn bệnh nan y thâm căn cố đế của Việt Nam.

Nói thế có nghĩa là phải ưu tiên phát triển bền vững chứ ko thể biết đến những lợi ích trước mắt....Báo chí nước ngoài có nhận xét là những bước phát triển của VN trong mấy năm gần đây là rất đáng khích lệ.Tuy nhiên, chúng ta chưa có tầm nhìn xa trông rộng, việc thay đổi cơ chế diễn ra còn chậm....( dịch thế chắc là đúng... :D )

Mặt khác, nếu chúng ta có thể đi tắt đón đầu được công nghệ nào đó thì cũng rất tốt.... :) VD như ngành công nghệ sinh học, các nước trong khu vực và TQ đã phát triển trước rất tốt. Nếu như chúng ta cũng đi tắt đón đầu được như thế thì hay biết bao... :(

Trong thể thao cũng có những VD về việc đi tắt đón đầu. Những năm trước chúng ta chú tâm phát triển các môn thể thao mới như võ thuật để có thể giành thứ hạng cao tại SEAGames, những môn ko có trong Olympic. Nhìn bề ngoài có vẻ thành công vì có rất nhiều HCV. Nhưng thực sự VN chưa vươn được đến tầm quốc tế. Chính vì vậy, gần đây chúng ta đã định hướng lại, tập trung hơn vào các môn cơ bản như chạy, bơi lội, đấu kiếm,....và cũng đã giành được những thành tik nhất định....
 
nói mình không có đủ giáo sư giỏi là không đúng :) riêng số giáo sư người Việt Nam đang giảng dạy ở các trường đại học danh tiếng trên toàn thế giới mà tớ có vinh dự được làm quen cũng đã đếm được kha khá rồi. không phải là họ không muốn về như nhiều người nói. nhưng hình như vào thời điểm này thì một chú trong ngành education mà chỉ giỏi chuyên môn thì hơi khó có chỗ ở nước mình. sad. họ cũng là người tài, nhưng chắc là tài chưa đủ để vượt lên mọi khó khăn được. lại nhớ cái topic hồi lâu rồi, của bác Tống Minh Tuấn hay sao nhỉ, bàn đến chuyện về nước này, bàn về người tài... khó nhỉ? làm sao để giải quyết bài toàn sử dụng nhân tài?
 
Nếu có trường ĐH tầm cỡ quốc tế, trang thiết bị hiện đại thì các giáo sư giỏi đang làm việc ở nước ngoài chắc sẽ về nước ầm ầm.... học sinh thì ko phải đi du học nữa.... nhưng mà đã xây được cái nào đâu... :(....Mà có xây thì chưa chắc đã được như mong muốn.... :p
 
Quốc hội và Nhà nước nên tập trung vào các công việc xây dựng và quản lý thi hành pháp luật, như ban hành các bộ luật đầy đủ và chính xác, chống tham nhũng, cửa quyền, hạch sách dân chúng, khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn chân chính và trừng phạt các doanh nghiệp làm ăn gian dối. Như thế sẽ mang lại hiệu quả lớn hơn là lo can thiệp vào thị trường, đẩy mạnh “mũi nhọn” này hay “mũi nhọn” khác. Hãy mạnh dạn nhìn vào những thực tế sau đây: trong năm qua, Tổ chức Minh bạch Thế giới xếp Việt Nam thứ 102/146 về chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI), Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp Việt Nam tụt 4 bậc (từ 77 xuống 81/117) về năng lực cạnh tranh, Wall Street Journal và Heritage Foundation xếp Việt Nam tụt 5 bậc (từ 137 xuống 142/157) về chỉ số tự do kinh tế. Tại sao chúng ta không đặt mục tiêu vào những chỉ số và thứ bậc này? Nghị quyết của chúng ta, thay vì tập trung vào doanh số 1 tỷ USD từ gạo hay 3 tỷ USD từ tôm cá mực, hãy đặt mục tiêu cải thiện năng lực cạnh tranh, loại bỏ tham nhũng và nâng cao tự do kinh tế. Những mục tiêu này phải được lượng hóa (tăng bao nhiêu bậc hay tăng bao nhiêu điểm tuyệt đối), phải có kế hoạch thực hiện cụ thể và công khai cho mọi người dân đều biết. Hàng năm, những nhà điều tra độc lập sẽ cho Nhà nước và nhân dân thấy, một cách khách quan, kết quả những nỗ lực mà Nhà nước đã bỏ ra. Tiền là quý, nhưng tạo ra một môi trường công bằng và lành mạnh để kiếm tiền còn quý hơn nhiều
Được như thế, Nhà nước mới tạm xứng đáng với danh hiệu “Của dân, do dân và vì dân” mà lâu nay, các phương tiện truyền thông đại chúng vẫn gán ghép cho.
.

hình như đây mới là đại ý của bản văn...

Mình hết sức tán thành về cách nhìn nhận sâu sắc và tích cực này này. Mình cũng rất mong muốn lắng nghe ý kiến của mọi người về vấn đề này.
 
Đọc bài bác Hoàng viết, em quả thực khâm phục tầm hiểu biết rộng của bác. Những gì bác nói, theo thiển ý của em, không phải là mấy bác lãnh đạo cấp cao không biết. Nhưng để làm được cái đó quả thực khá khó trong điều kiện VN hiện nay.

Chỉ nói riêng GD, giá mà bác Hiển mạnh dạn tạo những bước đột phá trong cơ chế, chính sách thì em nghĩ bức tranh GD cũng đã khác. Tuy nhiên, nước ta là nước XHCN, Đảng CS phải bảo vệ quyền lợi của giai cấp CN, và liên minh công-nông b-). Nói cách khác, phải đảm bảo cho "ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Em chỉ thử giả dụ trường hợp "mở cửa" về cơ chế quản lý cũng như tài chính cho một trường ĐH như ĐHBKHN chẳng hạn, không biết là biết bao kỹ sư tương lai đầy nhiệt huyết và có tài sẽ phải bỏ học vì học phí quá cao? Hiện nay theo em được biết, nhà nước phải bù lỗ một khoản không nhỏ mỗi năm cho đào tạo một kỹ sư khoa học kỹ thuật. Nếu trường tự lực về tài chính thì để đảm bảo hoạt động tối thiểu của trường, mức học phí 250K/tháng của SV BKHN hiện nay không đủ để trang trải. Nếu nâng mức học phí lên, theo em phải tầm 1M/tháng, thì e rằng sẽ loạn mất.

Nói cách khác, em cảm thấy sự can thiệp quá sâu của nhà nước trong điều tiết thị trường lao động đã dẫn đến những bất cập trong công tác đào tạo ĐH (Cụ thể là vấn đề chỉ tiêu đào tạo, không thể hiểu nổi là một cty tuyển một KS làm việc như một công nhân??? Trong khi đó lương trả cho KS rõ ràng là cao hơn nhiều so với CN, một sự lãng phí quá thể!!!). Nếu để chính nhu cầu của XH điều tiết hoạt động đào tạo của các trường thì có lẽ sẽ khác đi nhiều. Nói theo cách của một nhà kinh tế là sản xuất ra những sp mà XH cần chứ không phải sản xuất ra những sản phẩm mà mình muốn. Như hiện nay, KS, Cử nhân ra trường làm việc trái ngành, trái nghề là quá nhiều... Tiếc rằng, điều đó khó có thể xảy ra khi mà sự tự do hoá trong Đào tạo ĐH không được chấp thuận, theo em vẫn là do vấn đề thể chế mà thôi.

Thêm một ý là em thấy, tính chính trị trong trường ĐH của VN quá cao :D

Còn về đi tắt đón đầu, nhiều khi chỉ thấy các bác lãnh đạo kêu gào một cách sáo rỗng. Có thể thấy, VN chúng ta hiện nay, với những ngành khoc học công nghệ cao, mũi nhọn đều thiếu những công nghệ gọi là nền tảng.
- Với ngành Điện tử chẳng hạn: Công nghệ bán dẫn không có thử hỏi làm được gì đây? Cái máy PC mang thương hiệu VN thì liệu rằng, bao nhiêu % trong nó được made in vietnam? Đến ngay cả phần mềm được cài thì hình như cũng chả có cái nào là made in vn cả. Được biết hồi năm 80s, VN có "xin" được của CHDC Đức một dây chuyền công nghệ bán dẫn LSI, tuy không phải là dây chuyền cập nhật thời đó nhưng giá mà các bác lãnh đạo quan tâm đến công nghệ này thì bây giờ, nền công nghiệp điện tử VN đã đi theo hướng khác (Hồi đó các bác quá quan tâm đến công nghiệp nặng như sắt thép thì phải)
- CNTT: Không phải lĩnh vực của em nhưng em thấy FPT là một điển hình cho sự phát triển CNTT kiểu đi tắt đón đầu ở VN. Rất nhiều người ở khoa em đều có chung một nhận xét, FPT về phương diện công nghệ thì là một kẻ lừa đảo không hơn không kém. Còn về phương diện kinh doanh thì là một điển hình đáng học hỏi :D
- Cơ khí: Công nghệ cơ khí chính xác ở VN phát triển được đến đâu rồi? Em cũng rất mong biết thêm thông tin về ngành này?
...

Nói chung, bản thân em thấy, về mặt công nghệ, ở VN thì khái niệm đi tắt đón đầu chỉ đưa ra cho nó có chứ thực sự thì mình chưa đi tắt mà cũng chẳng đón đầu được cái gì...
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Lê Hải Bình đã viết:
- CNTT: Không phải lĩnh vực của em nhưng em thấy FPT là một điển hình cho sự phát triển CNTT kiểu đi tắt đón đầu ở VN. Rất nhiều người ở khoa em đều có chung một nhận xét, FPT về phương diện công nghệ thì là một kẻ lừa đảo không hơn không kém. Còn về phương diện kinh doanh thì là một điển hình đáng học hỏi :D

Bác Bình nói FPT lừa đảo thì cũng nên dẫn chứng chứ nhỉ, em ko biết nhiều về cái gọi là lừa đảo như bác nói nên cảm thấy hơi có phần bất bình. Theo cách nhìn của em thì nếu ko có FPT dẫn đầu thì ngành CNTT VN có bằng được hiện tại ko? Nhớ hồi DSL nếu ko có FPT khơi thì chưa chắc bây giờ hàng net nào cũng có DSL để HS, SV có thể ra ngoài hàng để tra cứu rồi.

Đọc bài của bác Hoàng em chỉ còn cách cúi lạy cho bậc cao nhân, em là hơi bị phục bác Hoàng đấy, thích nhất cái câu "quân tử hành đại lộ". Em thấy biết đâu nếu VN "hành đại lộ", sửa từ căn bản chứ ko cố gắng chạy đua công nghệ ( mà việc chạy đua này là rất tốn kém và ít hiệu quả), đại lộ mà đi thì có khi VN lại có thể có bộ mặt khác. Hãy như là người samurai, cái đầu tiên cần phải học là làm sao để tư cách làm quân tử rồi sau đó mới được học về cầm kì thi họa.

Cho dù việc xây dựng trường ĐH tầm cỡ quốc tế là khó, nhưng muốn đi ra ánh sáng thì việc xây dựng trường ĐH tầm cỡ để cung cấp nhân lực là việc tất yếu. Dũng cảm không phải không biết sợ, dũng cảm là sợ mà vẫn làm ( trích chữ kí của bạn Linh). Cứ làm đi rồi sẽ có người tâm huyết. Người tâm huyết với đất nước nhiều lắm, có cơ hội chắc chắn họ sẽ lên tiếng. Việc xây dựng trường ĐH tuy có nhiều mặt bất cập nhưng cũng đã phần nào thể hiện được chủ trương của Đảng khuyến khích nhân tài, coi trọng nhân tài. Chẳng đáng mừng lắm thay. Dù gì thì đất nước cũng sẽ thay đổi. Chung ta nên nhìn một cách tích cực về tương lai đất nước.

Việc kĩ sư đi làm công nhân quả thật là một sự lãng phí, nhưng như ai đó trong Thảo luận nghiêm túc đã từng nói: kĩ sư là kĩ sư, công nhân là công nhân. Kĩ sư của ta chưa đủ trình độ làm kĩ sư, nhưng cũng lại chẳng có kĩ năng của người công nhân chuyên nghiệp. Đó mới là sự lãng phí thật sự. Em cũng chưa nghĩ ra cách nào để giải quyết vấn đề. Thiển ý của em là hãy cứ tăng học phí đào tạo kĩ sư lên gần đúng với chi phí thực ( tất nhiên là phải làm sao để cho một tầng lớp nhất định có thể afford được ), làm thế này có thể bị coi là phân biệt giai cấp, là không công bằng, nhưng không như thế thì chất lượng đào tạo kĩ sư sẽ khó được nâng cao, đồng thời sẽ ít người muốn làm công nhân.

Đó là chút ý mọn của em. Mong mọi người có thể đóng góp cho mục này.
Một lần nữa kính lạy bậc cao nhân :D.
 
Nguyễn Minh Hiền đã viết:
Bác Bình nói FPT lừa đảo thì cũng nên dẫn chứng chứ nhỉ, em ko biết nhiều về cái gọi là lừa đảo như bác nói nên cảm thấy hơi có phần bất bình. Theo cách nhìn của em thì nếu ko có FPT dẫn đầu thì ngành CNTT VN có bằng được hiện tại ko? Nhớ hồi DSL nếu ko có FPT khơi thì chưa chắc bây giờ hàng net nào cũng có DSL để HS, SV có thể ra ngoài hàng để tra cứu rồi.

Ừ, có thể khiến nhiều người bất bình, nhưng tớ cũng đã nói rồi mà, đấy chỉ là nhận xét được chia sẻ bởi nhiều người cùng khoa tớ. Nhưng từ phía bản thân, tớ thừa nhận là FPT có rất nhiều cái hay, một môi trường làm việc cạnh tranh, cởi mở, một thứ văn hóa công ty đầy cá tính, ... Nhưng bảo rằng vào FPT để học hỏi về công nghệ cao, công nghệ mới, e rằng có phần không đúng. Nếu ai đó học kỹ thuật, có thiên hướng đi về mảng kinh doanh thì FPT là một môi trường rất tốt! Thú thật là tớ chưa thấy FPT đóng góp gì lớn cho nền khoa học kỹ thuật và công nghệ VN ngoại trừ việc mua thiết bị về để khai thác dịch vụ, đào tạo nhân lực để vận hành thiết bị và đảm bảo chất lượng dịch vụ (Cái này thì xem chừng cũng chưa okie lắm vì FPT ADSL chẳng hạn, vẫn còn hiện tượng treo đầu dê bán thịt chó).

Nếu cho rằng đi tắt đón đầu kiểu chúng ta bỏ tiền mua công nghệ mới nhất của các nước phát triển về để khai thác dịch vụ giá trị gia tăng trên đó (bằng cách mua thêm phần mềm của họ, việc VN phát triển phần mềm trên nền phần cứng của họ xem ra vẫn còn là một tương lai xa) thì chỉ là một nền công nghệ phụ thuộc, nước lên bèo cũng lên, thế thì xây dựng làm gì cái viện khoa học và công nghệ VN...

Nhìn chung tớ thấy là do chính sách cả thôi, mình nói thế cũng chỉ là trao đổi cách nhìn nhận, từ đó mà tự định hướng cho bản thân thôi. Em là em cũng rất phục bác Hoàng đấy...
 
Bạn Hiền quá lời làm tôi cảm thấy khó xử :) Tôi không viết nhiều, khi nào bức xúc lắm thì mới viết một bài, thành ra đóng góp cho forum cũng còn ở mức rất khiêm tốn ...

Cám ơn bạn Hiền và bạn Phước, hai bạn đã chỉ ra những ý chính mà tôi định nêu lên.
 
Lê Doãn Hoàng đã viết:
Các bạn thường xuyên nghe thấy cụm từ này trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nó xuất hiện trên các báo chí, từ trong lĩnh vực thể thao tới giáo dục, từ khoa học công nghệ tới nông nghiệp.
...
Tôi hoàn toàn không thấy Việt nam cần phải “đi tắt đón đầu” trong bất kỳ một lĩnh vực nào. Nhà nước chỉ cần làm tốt công tác quản lý, thì người dân tự họ sẽ tìm ra cách đi riêng cho mình. Trên thực tế, ai cũng biết số tiền mà Nhà nước chi ra không hề nhỏ, nhưng rồi hiệu quả thu được chẳng đáng là bao. Không có nhiều người từng nghe về Viện Công nghệ Sau Thu hoạch. Viện này tọa lạc ở số 4 Ngô Quyền (Hà nội) và ăn lương từ ngân sách Nhà nước để nghiên cứu ra các phương thức bảo quản chế biến sản phẩm nông nghiệp nói chung. Nhưng rồi cái máy thái hành cũng phải chờ ông Nguyễn Xuân Sành ở Hải Dương chế ra. Nếu ông Sành không nghĩ ra cái máy thái hành này, có nhẽ dăm năm nữa Viện Công nghệ Sau Thu hoạch cũng chưa đi tắt được đến đó.

Bác Hoàng lấy tiêu đề topic là "Đi tắt đón đầu" nhưng phát triển ý thành "minh bạch hóa trong cơ chế quản lý công nghệ" là hơi mâu thuẫn. Tôi chỉ xin thảo luận về cái "đi tắt đón đầu", cần được hiểu là NN định hướng là dành 1 phần miếng lớn bánh ngân sách cho việc nghiên cứu KHCN, đào tạo bậc Đại học và sau Đại học, du học bằng học bổng Ngân sách với hy vọng là lực lượng trí thức sẽ tiếp cận với KHCN như các anh, các bác rồi về tư vấn cho NN (nếu làm DN NN) hoặc mở công ty tư nhân hoặc kêu gọi hội tư bản nước ngoài vào VN đầu tư (Cty vốn nước ngoài) để tìm cách làm giàu cho bản thân, đóng thuế đầy đủ cho NN.

Thế vậy thế nào là "ko đi tắt đón đầu" = đề xuất của bác = bỏ khoản chi phí Nghiên cứu khoa học cơ bản, chỉ tập trung cải thiện cơ chế quản lý và môi trường đầu tư => sau đó thì "hành cái quan" mạnh ai ng đây đầu tư sẽ có hàng trăm công ty tư nhân vừa và nhỏ với các loại máy cắt hành, cắt cỏ, cắt tóc thủ công ... => mà không có cái nào lên được dây chuyền sản xuất cắt hành tự động. => vậy thì chẳng khác bác bảo chuyển hết các dân trí thức thành công nhân hết rồi để dân tư bản nước ngoài về VN sử dụng công nghệ cũ với giá nhân công rẻ rồi xả rác công nghiệp ở VN cho dân VN hưởng ah?

Ví dụ của bác nhầm lần giữa khoa học cơ bản, công nghệ và sáng kiến. Sáng kiến của cái ông Sành nào đó, hay rất nhiều sáng kiến khác đều đang hoan nghênh, khuyến khích nhưng điều đó không nên được sử dụng để phủ nhận các NC KH của 1 Viện nghiên cứu. Cái ông Sành dù có sáng kiến hoặc trí thông minh cực đỉnh nhưng cũng chỉ xuất phát từ những quan sát thực tế trong sản xuất với những công cụ mà ông có trong tay chứ ví dụ ông ý ko thể sáng kiến về cách dùng bột chitin từ vỏ tôm để tạo 1 lớp màng bảo quản thực phẩm được.

Nói chung là tôi hiểu bức xúc của bác, và tôi nhiều lúc cũng trong hoàn cảnh tương tự. Nhưng anh em chỉ giải stress với nhau chứ vạch đường lối thì để cho mấy cậu trong ban thư ký của văn phòng chính phủ làm.
 
--Các anh ơi, cho đàn em hỏi là cái kiểu phát triển kinh tế thiên về công nghiệp nặng (giống Liên Xô) hồi trước đổi mới có gọi là "đi tắt đón đầu" k0 ah :-/ :D:D
 
Cao Xuân Hiếu đã viết:
NN định hướng là dành 1 phần miếng lớn bánh ngân sách cho việc nghiên cứu KHCN, đào tạo bậc Đại học và sau Đại học, du học bằng học bổng Ngân sách

Bạn Hiếu,

Tôi không rõ bạn có nguồn nào để minh chứng cho định nghĩa trên dây của mình. Theo nhận xét của tôi (như tôi đã nói trong bài viết của mình), khái niệm “đi tắt đón đầu” được sử dụng vô tội vạ ở mọi khía cạnh của cuộc sống. Nếu như Nhà nước ta chỉ hiểu “đi tắt” là chi thêm tiền ra cho du học sinh và nghiên cứu sinh, thì tôi sẽ rất lấy làm mừng vì tôi đã sai lầm. Quả thật hiện nay tôi đang hiểu một cách rất ấu trĩ là toàn dân ta đang mạnh ai nấy đi tắt :)

Riêng về chuyện máy thái hành, bạn nên nhìn vào logic phát triển của sự việc. Từ việc thái hành bằng tay (thủ công), người dân ta đã tự chế ra máy móc để tăng năng suất trong điều kiện thực tế. Trong tương lai, khi xã hội phát triển tiếp tục, sẽ có người cải tiến máy thái hành, gom chúng lại thành công ty thái hành. Công ty này có thể gọi vốn, phát hành trái phiếu, kêu gọi đầu tư nếu quả thật thái hành là một công việc sinh lời. Và tới một mức độ nào đó, chuyện mua một dây chuyền thái hành chỉ là việc nhỏ. Dây chuyền này sẽ là tự động và vô trùng hoàn toàn, cứ đút hành vào đầu này thì đầu kia sẽ chui ra một lon hành đã thái, có tỉa hoa và xâm chữ “Ông Sành” lên mọi củ hành để chống hàng giả. Nhưng để tôi nói cho rõ, là nó chỉ phù hợp khi thị trường có nhu cầu. Bây giờ mà cái Viện Công nghệ Sau Thu hoạch kia lại “đi tắt đón đầu”, xin xỏ Nhà nước làm một cái đề tài nghiên cứu cấp quốc gia, chế ra một dây chuyền thái hành như thế tốn hết vài triệu USD, thì tôi đảm bảo chỉ sang năm là nó gỉ toét ra và chúng ta chỉ còn có việc mang nó đi bán sắt vụn ở Đa hội.

Tôi đồng ý là trong những ví dụ của tôi, người đọc khó nhận ra ranh giới giữa khoa học cơ bản, công nghệ và sáng kiến. Đó có thể là nguyên nhân gây ra những ngộ nhận và hiểu nhầm không cần thiết. Nhưng suy cho cùng thì điều đó cũng không phải là mục đích tối hậu của bài viết. Tự trong thâm tâm, tôi rất kính trọng những chuyên gia công nghệ đang mày mò để đưa các tiến bộ KHKT vào đời sống hàng ngày (nuôi cá hồi ở Sapa là ví dụ gần nhất), nhưng tôi cũng rất khinh bỉ những kẻ núp bóng tìm cách kiếm dự án và đề tài để xoay tiền Nhà nước bỏ túi. Trong lúc đó anh chị em tôi, bố mẹ tôi, ông bà tôi, những người hiện nay ngoài việc thái hành ra vẫn còn phải còng lưng nhổ sắn hay mạo hiểm tính mạng leo dừa hái trái thì chẳng có máy móc nào giúp đỡ cả.

Theo kinh nghiệm cá nhân, riêng về đường lối thì tôi rất tin cậy ở các anh xe ôm. Các anh ấy rành về khoản này lắm :)
 
Lê Doãn Hoàng đã viết:
Theo nhận xét của tôi (như tôi đã nói trong bài viết của mình), khái niệm “đi tắt đón đầu” được sử dụng vô tội vạ ở mọi khía cạnh của cuộc sống. Nếu như Nhà nước ta chỉ hiểu “đi tắt” là chi thêm tiền ra cho du học sinh và nghiên cứu sinh, thì tôi sẽ rất lấy làm mừng vì tôi đã sai lầm. Quả thật hiện nay tôi đang hiểu một cách rất ấu trĩ là toàn dân ta đang mạnh ai nấy đi tắt :)

tôi ko dám "đại ngôn" hay "tầm trương chính cú" mà chỉ nói nôm na theo ý hiểu của mình. Trong mọi trường hợp, việc sử dụng ngượng ép, cứng nhắc 1 mô hình hay công nghệ mà ko đánh giá hết tác động, hậu quả của nó thì gọi là "ấu trĩ". Còn về bản chất, đường lối "đi tắt đón đầu" thì ko phải là sai lệch hoàn toàn (nghĩa đen là trong 1 quá trình vận động, ở một số thời điểm nhất định, người ta có thể bỏ qua 1 số bước trung gian nhằm tiết kiệm thời gian, nội lực mà vẫn có được những thành tựu tương đương) mà chỉ trong từng trường hợp, một bộ phận (ko nhỏ) đã áp dụng sai lầm hay bồng bột, hoặc những sai lầm có tính hệ thống nhằm trục lợi cá nhân (nếu anh phát hiện trường hợp nào, với chứng cứ đầy đủ thì chỉ việc viết thư lên các trang báo điện tử thì chắc là pháp luật sẽ vào cuộc thôi). Hiện giờ, trước thềm hội nghị Đảng các báo chí đăng la liệt các loại tư tưởng đường lối, mỗi ng 1 phách, 1 chí hướng, 1 mô hình, chẳng ai chịu ai (trong đó cái cụm từ "đi tắt đón đầu", "chấn dân khí" cũng được mô xẻ cẩn thận, tìm trên google í) đọc mà hiểu hết thì chắc chết liền.

Tự trong thâm tâm, tôi rất kính trọng những chuyên gia công nghệ đang mày mò để đưa các tiến bộ KHKT vào đời sống hàng ngày (nuôi cá hồi ở Sapa là ví dụ gần nhất), nhưng tôi cũng rất khinh bỉ những kẻ núp bóng tìm cách kiếm dự án và đề tài để xoay tiền Nhà nước bỏ túi. Trong lúc đó anh chị em tôi, bố mẹ tôi, ông bà tôi, những người hiện nay ngoài việc thái hành ra vẫn còn phải còng lưng nhổ sắn hay mạo hiểm tính mạng leo dừa hái trái thì chẳng có máy móc nào giúp đỡ cả.

điều này không cần phải nói, chẳng ai ủng hộ (một cách đường đường chính chính) cái thực trạng này ("những kẻ núp bóng tìm cách kiếm dự án và đề tài để xoay tiền Nhà nước bỏ túi") nhưng ko ít ng vẫn phải "lựa theo chiều gió". Mọi ng nói đã đến lúc phải đứng dậy, phải lên tiếng nhưng có ai chỉ ra cách đứng dậy, cách lên tiếng "hợp pháp" đâu?

vấn đề ở đây là tôi với anh chẳng mâu thuẫn gì về tư tưởng cả. Anh nói rằng khoa học công nghệ cần phải gắn liền với đời sống nhấn dân, với sản xuất với thực tiễn (điều này quá đúng). Còn giới trí thức công nghệ thì lại muốn đòi hỏi 1 thị trường công nghệ rõ ràng, 1 nền kinh tế lành mạnh với những nhà đầu tư tư nhân, nước ngoài với những bản hợp đồng đặt hàng các nghiên cứu KH. Và ng ta nói đến 1 ngành công nghiệp khoa học, các chợ công nghệ, những trung tâm/khu công nghiệp cao. Nói chúng đó là 2 nhóm đối tượng (doanh nghiệp & khoa học) đang tìm cách tiếp cận nhu cầu của nhau. Nhà nước và chúng ta (những trí thức trẻ) cũng đang tìm cách để thỏa mãn mong muốn của anh và của bản thân mình. Trong đó, việc xây dựng website& chương trình VTV1 về "ý tưởng" cũng là 1 ý tưởng hay. Tuy nhiên, phần lớn các ý tưởng "cây nhà lá vườn" trên đó là những ý tưởng sơ khởi, chưa rõ ràng, ít tính công nghệ, tính đột biến nên chưa đáp ứng được nhu cầu của cả doanh nghiệp hay nhà khoa học.

Tôi thực chẳng phải nhà hùng biện, cũng chẳng biết gì về đường lối chính sách của Đ&NN. Tôi chỉ đi học những kiến thức khoa học thuần túy, còn thời gian thì quanh quẩn với những site khoa học, hy vọng giúp được ai, cái gì thì tốt cái đây.

Chúc mọi ng 1 ngày làm việc hiệu quả,
 
Em lên mạng Search cái câu "đi tắt đón đầu" nhưng các kết quả cho được hầu hết là các văn bản, bài báo ( đủ các lĩnh vực) đều sử dụng cụm từ "đi tắt đón đầu" mà chẳng có một lời giải thích nào cặn kẽ hay một biện pháp được nêu ra...do vậy em cũng có một thắc mắc là nước Việt Nam có thực sự là "đi tắt đón đầu" hay không ? đi như thế nào ? hay nước Việt Nam phát triển như vậy là tất yếu trong quá trình Toàn cầu hóa hiện nay ? ( cũng không loại trừ các bố nhà mình dùng linh tinh cái cụm từ này ) :)
 
Back
Bên trên