[Điện ảnh võ thuật] Tony Jaa - phiên bản mới của Lý Tiểu Long

Đỗ Việt
(doviet)

Thành viên danh dự
tony.jpg

Với những pha nhào lộn không đếm xỉa đến tổn thương thân thể và coi thường cái chết, Tony Jaa - võ sĩ cổ truyền Thái Lan Muay - đang trong giấc mơ trở thành một Lý Tiểu Long mới. Giới hâm mộ cũng không hề nghi ngại khi đặt vào anh nhiều kỳ vọng.

Khi gặp Tony lần đầu, một nữ đạo diễn cộng tác với anh đã nghĩ "thằng cha này ngu ngốc và không thể diễn xuất được". Giáo viên tiếng Anh riêng của Tony thì nhận xét: "Trong hai năm học, Tony không thu hoạch gì hơn một vốn ngôn ngữ thô sơ". Chẳng ai tin rằng anh chàng này đang trên đường trở thành một Lý Tiểu Long hay một Thành Long của Đông Nam Á.

Cho đến khi người ta nhìn thấy Tony hành động. Trong một căn phòng sâu hút trên tầng ba của một trung tâm đào tạo nhào lộn tại Bangkok, Tony nhảy nhót trên tấm thảm tập như một vận động viên thể dục nghệ thuật chạy lấy đà trong môn nhảy ngựa. Một người đàn ông cao lớn chân trụ vững, giữ trên đầu một tấm đệm cao ngang đầu người, Tony vọt trên đường chạy, phóng mình như một quả tên lửa, búng người lơ lửng trên cao và tung chân phải đá vào tấm đệm. Cú đá làm tấm đệm và cả người đen đủi giữ nó bay đi. Tony hạ chân xuống đất, cười sảng khoái.

Trong phim Ong Bak, chiến binh Muay Thái, Tony đã diễn những màn nhảy qua dầu sôi, nhảy trên những hàng xe tuk tuk hay đánh gục những kẻ dám thách thức anh ta. Những cú nhào lộn thần tình được thực hiện không có bất cứ thứ bảo hiểm nào là biểu hiện sức lực sung mãn của Tony. Những buổi trình diễn của anh tại Thái Lan, Hong Kong, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và thậm chí cả ở Pháp đều thu bộn tiền vé. Tony biểu diễn tại Pháp nhằm quảng bá cho phim và tìm hãng phát hành quốc tế, và đã tìm được hãng Luc Besson. Hãng này cắt đoạn, biên tập lại phim và ký hợp đồng phát hành phim tại Mỹ với Magnolia Picture. Người ta mong đợi Ong Bak và Jaa sẽ đột phá lớn tại thị trường Bắc Mỹ vào tháng 2/2005, khi phim chiếu tại rạp ở đây.

Tên thật là Phanom Yeeram, Tony lớn lên ở vùng nông thôn Đông Bắc Thái Lan, một vùng được người ta biết tới nhiều nhất vì đói nghèo. Đầu những năm 1980, quân Khmer đỏ ở Campuchia còn nã đạn pháo qua vùng này không thương tiếc. Tony kể: "Có những hôm chúng tôi ngồi ăn tối, trong khi đó đạn pháo thổi bay cửa sổ và cửa ra vào các nhà trong làng". Tony thoát chết 3 lần nhờ đi ra ngoài xem các phim do Lý Tiểu Long và Thành Long đóng tại bãi chiếu phim ngoài trời. "Những bộ phim đó có ma lực khiến tôi mê mẩn. Những gì họ làm quá đẹp, quá anh hùng và tôi cũng muốn làm như thế". Tony thổ lộ. Và thế là anh luyện tập trên ruộng lúa của cha; nhảy từ lưng voi lộn về phía sau khi tắm cho voi.

"Tôi đã tập đến khi tôi có thể làm chính xác như các bậc thầy đã làm". Khi Tony 15 tuổi, hướng dẫn viên nhào lộn kiêm đạo diễn những phim hành động ít vốn Panna Ritthikrai nhận làm người bảo trợ cho cậu. Tony vào học tại một trường thể dục và sớm làm việc như một diễn viên nhào lộn trong các phim địa phương và quốc tế, cả trong Mortal Kombat 2 (1997). Nhận ra những động tác nhào lộn của mình tương đồng với một số động tác môn Muay Thái, Tony về nông thôn tìm thày dạy Muay cao tuổi, và học được hơn 100 thế võ tưởng đã thất truyền.

Rithikrai và Tony ghi lại những pha nhào lộn hay nhất của Tony rồi đưa cho đạo diễn Prachya Pinkaew ở Bangkok. Đạo diễn vô cùng kinh ngạc. "Tôi rất tự hào. Tôi từng bị đánh và bị phân biệt đối xử khi còn rất nhỏ. Thay vì chú ý vào ngoại hình hay nơi xuất thân, tôi luôn mơ làm việc vì những ai tôn trọng cái đẹp và võ thuật cổ truyền". Hiện Tony rất bận rộn khi tham gia bộ phim thứ hai, Tom Yum Goon, thực hiện tại Thái Lan và Australia. Anh bận đến nỗi chẳng có thời giờ để cắt tóc, để ý đến bộ giáp trụ hay vốn tiếng Anh của mình. "Lý Tiểu Long không biết tiếng Thái. Nhưng dù thế nào, tôi vẫn yêu quý anh ta", Tony nói.

(Lao Động)
 
Back
Bên trên