ĐIỀU GIẢN DỊ ( Trở Lại Ngư Thủy )

Phạm Quang Minh
(Minh172)

New Member
Số 12: Hãy đọc, hãy lắng nghe, bạn sẽ hiểu thêm về những giá trị của cuộc sống....

Thêm một lần về lại Ngư Thuỷ

(bài sưu tầm)

Khi chứng kiến tận mắt cuộc sống hôm nay của các chị em Ngư Thuỷ (Lệ Thuỷ, Quảng Bình) để đối chiếu với những thước phim "Trở lại Ngư Thuỷ" bốn năm về trước, chúng ta mới thấy hết sức mạnh kỳ diệu của nghệ thuật và hiệu quả xã hội của một tác phẩm đích thực! Với riêng những người làm phim, họ đã giữ lời hứa khi không chỉ trở lại Ngư Thuỷ một lần...

Ðó là một cuộc trở lại đầy xúc động. Khi đoàn làm phim Trở lại Ngư Thuỷ gặp lại đại đội nữ pháo binh năm xưa, trong nắng cát, gió cát. Họ ôm lấy nhau, cười đấy mà khóc đấy, tưởng như sự xa cách đã dài lâu hơn thế kỷ.

Nếu ai đó làm một phép so sánh tỉ mỉ thì cuộc sống của chị em Ngư Thuỷ hôm nay, dù vẫn còn cơ cực nhưng so với mấy năm trước đã đỡ hơn nhiều. Chị Ngô Thị Sam trước chạy ăn từng bữa, nay đã có của ăn của để. Không những thế còn làm thêm được cái chái nhà. Tuy không có lao động chính làm nghề biển (vì con lớn đi làm ăn ở xa), nhưng lương của ông chồng làm cán bộ xã và hai con bò trong chuồng cũng tạm đủ nuôi cả năm miệng ăn trong nhà. Chị Ngô Thị Thản tự hào với cái nền nhà đã được tráng ximăng. Túp lều "chị Dậu" của chị Ngô Thị Tần năm xưa trống hoang trống hoác, nay đã có tấm phibrô ximăng để lợp... Nhưng điều đáng kể là tinh thần các chị đã thoải mái hơn nhiều. Ðã có da có thịt hơn, đã tự tin hơn và nhìn cuộc sống bớt màu xám hơn. Ai cũng bảo "nhờ bộ phim mà được quan tâm hơn, đỡ khổ hơn". Vâng, chính nhờ bộ phim Trở lại Ngư Thuỷ dạo nào trình chiếu đã gây xúc động trong cả nước và làm dấy lên một làn sóng ủng hộ, hướng về Ngư Thuỷ. Trong số các đơn vị hảo tâm, đáng kể nhất là Cty điện lực 1 đã mời các chị ra thăm thủ đô Hà Nội, vào Lăng viếng Bác - ước mơ lớn nhất của chị em.

Ðạo diễn Lê Mạnh Thích vừa khỏi ốm, nay về đây như khoẻ lại. Hình ảnh ông chạy trên bãi biển, đùa cùng chị em Ngư Thuỷ trong ánh nắng chiều, làm ai nấy đều lặng đi. Trong buổi lễ trao quà cho các cô, người đạo diễn nhiều từng trải, cũng không nén được nỗi rưng rưng "...Cuộc sống còn bao nỗi truân chuyên. Chị em vẫn còn phải đối mặt với những ngọn sóng lớn, nhưng các chị sẽ không ngã tay chèo vì tất cả cùng thương yêu nhau, đoàn kết với nhau như ruột thịt trong nhà". Nhiều chị em bật khóc. Ơ vùng đất này mà nhà không có người đàn ông coi như chết vì cuộc sống nơi đây gắn liền với biển, dù biển không phải luôn hào phóng. Nhưng với chị em Ngư Thuỷ "tắt lửa tối đèn" vẫn có nhau. Nhìn chị Ngô Thị Thản, chính trị viên đại đội năm nào, như người chị cả vẫn giữ được cái uy với các em, vẫn phân bổ rạch ròi đâu ra đấy dù chỉ là bữa cơm trưa mời đoàn, thấy ấm lòng.

Nhưng khá là so với trước, còn người dân làng cát vẫn khổ nhiều. "Người ta khôn ở cửa sông cửa lạch, tôi nghèo tôi ở bãi Ngang". Bãi Ngang thì không có cá to, chỉ toàn cá bằng nắm tay và thuyền đánh cá không có bến neo, nên phải khiêng lên cát. Bữa cơm của nhiều gia đình vẫn là khoai độn nhiều hơn, và rau luôn là món chủ lực. Mà để có được ngọn rau trên cát cháy, biết bao mồ hôi, nước mắt đã đổ xuống...

Ngư Thuỷ trước đây là một xã, sau tách thành ba xã: Ngư Hoà, Ngư Thuỷ và Hải Thuỷ. Chị em pháo binh năm xưa tập trung nhiều ở Hải Thuỷ, nhưng vì cái tên Ngư Thuỷ Anh hùng đã ăn sâu vào trái tim mọi người nên mọi thứ đều dồn về cho Ngư Thuỷ. Con đường 3,8 tỉ dành cho Ngư Thuỷ, còn Hải Thuỷ vẫn chưa có đường, trong khi Ngư Hoà đã có điện thì phải đến tháng 10 này (nhờ Cty điện lực 3) mà Ngư Thuỷ và Hải Thuỷ mới được "sáng". Vì thế món quà 45 chiếc TV mà Cty điện lực 1 trao tặng chị em cuối tháng 8 phần lớn vẫn tạm im tiếng cho đến ngày có điện.

Lần đầu đến Ngư Thuỷ, tôi vẫn mang những ấn tượng từ bộ phim để đối chiếu với hiện thực trước mắt. Hôm nay tôi về và thầm phục các nhà làm phim đã biết lựa chọn tìm ra những tình huống, con người đặc trưng nhất ở nơi gió cát này để nói lên điều cần nói, để ngay cả người vô tình nhất cũng phải tự hỏi: Mình đã làm gì, khi còn đó những vất vả của những con người đã hy sinh một thời con gái trong chiến tranh chống Mỹ, để cuộc sống hôm nay tốt đẹp hơn?
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Back
Bên trên