Đủ tuổi, bạn là ai?

Lê Nguyễn Ngọc Tâm
(Youngexplorer)

New Member
Trích dẫn:

Thưa các bác, chả hiểu sao dạo này em băn khoăn trăn trở lắm. Mà chẳng phải chỉ có em, phàm là đàn ông, nhất lại là đàn ông TL, không ít thì nhiều cũng khao khát công thành danh toại lắm chứ. Các cụ bảo “tam thập nhi lập”. Em cũng hiểu 10 năm tuổi ba mươi là khoảng thời gian quan trọng nhất trong đời thằng đàn ông. Được thua, thành bại là ở 10 năm này. Vậy mà em tiêu gần hết quỹ thời gian này rồi mà chưa ra cái thể thống gì. Tối ngủ nghĩ đến lại toát mồ hôi hột.

Thăng long nhiều cao thủ, loé sáng tuổi 20, rực rỡ tuổi 30 và chói loà tuổi 40. Tất nhiên, số đó cũng chẳng nhiều, nhưng chắc chắn là có. Bọn thanh niên xa mẹ năm nào, thoắt một cái đã thành trung niên (xa vợ). Đấy, như các bác thấy, Saint 4` năm xưa chơi bời đàng điếm ở Anh quốc, một tay ôm gái, một tay cầm chai bia, mắt mơ màng nhìn pháo hoa giao thừa, đầu nghĩ : ”nghèo đến thế là cùng, đ. éo có nổi lấy chai nước lọc mà uống, đành phải uống bia thay”. Âý vậy mà giờ cũng tam thập, rục rịch xây nhà tậu trâu cưới vợ. Hay như bác Kiu em, coi mình là đại bàng bay lượn trên trời xanh, trong nháy mắt biến thành con vịt bầu đội mũ len cần mẫn ngồi rỉa lông, thỉnh thoảng lại kêu cạc cạc làm nũng sư tử cái. Cuộc đời trôi nhanh quá các bác nhẩy. Chớp mắt đã thấy đi hết tuổi thanh niên. Nhoằng cái tuổi trung niên đã bị gặm mất non nửa.

Mười năm này hội tủ đầy đủ những tố chất cần thiết của thằng đàn ông, từ sự từng trải đến sức khoẻ, tài năng. Nếu làm được cái gì đó, thì 10 năm tiếp theo mới có cơ mà “bứt phá” hay “phát huy”. Nếu chẳng làm được gì, thì chắc chắn, qũy thời gian tiếp theo sáng uống trà đọc báo, chiều ngồi buôn chuyện chiến tranh thế giới thứ 3, tối đợi vợ ngủ trước, còn mình len lén ôm gối ra ghế bành ngủ. Chẳng hạn như chú Thợ đời nhà em, phong độ đầy mình, mắt trái đọc Kant, mắt phải đọc Hegel. Chục năm nữa ít ra cũng phải hoàn thành xong bộ sách Thợ đời tuyển. Chứ lại thấy tóc tai rối bù, mặt mày bạc nhược, áo quần xộc xệch, tay cắp làn nhựa, ngực ấp cuốn 400 món ăn ngon, cun cút đi chợ nấu cơm thì nhục lắm. Đời thế là tèo đấy.

Chính vì vậy, em mở topic này, rất cầu thị, mong các bác vẽ đường chỉ lối, anh em đóng góp kinh nghiệm, sao cho mấy năm còn sót lại được hoành tráng mở mày mở mặt với đời. Nếu như em đã nhỡ tầu rồi, thời gian còn lại chẳng chạy kịp đến ga, thì cũng bổ ích cho anh em thời gian còn xông xênh rút kinh nghiệm, không bổ âm cũng bổ dương.

Tuổi 30 nghiệt ngã thật. 10 năm sinh ra một người đàn ông, hay cũng kết thúc cuộc đời họ.

Lời khuyên thứ nhất.

Em các bác vốn ham chơi. Nhưng được cái toàn chơi những thứ lành mạnh, chỉ tội tốn tiền và thời gian. Khi ngấp nghé tuổi 30. Em đến gặp một đàn anh xin lời khuyên. Ông anh này hơn em 5 tuổi.

Ông ấy lặng người đi một lát, nhìn em thăm dò xem lời thỉnh cầu có thật lòng không. Ông ấy biết em từ khi em học cấp 3, thói hư tật xấu của em ông ấy nắm được cả. Em là thằng phá gia chi tử, coi trời bằng vung. Nay thấy khép nép ngồi yên một góc nghe lời ngọc ý vàng thì thấy làm lạ.

Ông ấy bảo: “quĩ thời gian không còn nhiều. Có 3 thứ đáng quí anh đều qui ra tiền: Sức khoẻ, thời gian và tiền bạc. Giữ được 3 thứ này, em sẽ là người thành công”.

Em các bác chết ngợp bởi chân lý này. Nó hoàn toàn không mới, nhưng rất ngấm cho những người lông bông như em.

Thời gian là tiền bạc! Một ngày chỉ có 24 tiếng. Một người có khả năng làm việc, tư duy gấp đôi người khác đi chăng nữa, thì cũng khổng thể biến một ngày thành 48 tiếng được. Có chăng, cùng một khoảng thời gian, họ chỉ có thể đạt được hiệu quả gấp đôi người bình thường. Bỏ mẹ, 24 giờ của em xem xét lại thấy có 3 giờ dành cho công việc. 1 giờ dành cho lên TL buôn chuyện với các bác. Thời gian còn lại chỉ để phục vụ các nhu cầu cá nhân: ăn, ngủ, đụ, ị rồi lang thang ngoài đường ngắm gái đẹp.

Sức khoẻ là tiền bạc! Hầu hết những người lao đầu vào kinh doanh, công danh sự nghiệp đều bỏ qua khái niệm này. Lúc trẻ, còn khoẻ thì ta mang sức khoẻ đổi lấy tiền, về già lại lấy tiền mua sức khoẻ. Ấy là với điều kiện em bác có tiền để mua đấy, chứ phải dùng BHYT chắc chết sớm. Bài toán đặt sẽ đơn giản hơn rất nhiều nếu ta dừng ngay cuộc đổi chác này.

Tiền bạc là tiền bạc! Cái này sai thế đếch nào được các bác nhỉ, chuyện xưa như trái đất rồi, em xin không bàn đến nó nữa.

Thế là sau khi nghe lời khuyên, về nhà vắt tay lên trán ngẫm nghĩ sự đời, em các bác quyết định thay đổi cách sống. Thời gian được chia cụ thể cho từng phút sao cho khoa học nhất. Mấy giờ thì dậy, mấy giờ có mặt ở công ty, mấy giờ đi tập thể dục, thậm chí, mấy giờ thì làm chuyện ấy em cũng cho vào máy nhắc việc hết.

Lời khuyên thứ 2

Em sống được vài năm như thế. Thậm chí không chỉ 3 thứ quí báu như trên, mà tất cả em đều qui ra một giá trị chung là tiền bạc. Từ chuyện ăn uống đến chuyện đi lại, quan hệ bạn bè đến ruột thịt đều đưa lên máy tính xem được bao nhiêu, mất bao nhiêu. Kể ra như thế cuối năm kiểm điểm lại thì cũng thấy phần tài sản của mình dư ra thật. Nhưng mà đấy là mới tính phần được. Mà phần được thì nhỏ lắm, chủ yếu do mình chổng mông đi cày và tiết kiệm chi phí tối đa mà “được” thôi. Nhưng phần mất thì nhiều quá. Mất anh em, mất bạn bè, mất nhiều niềm vui ngớ ngẩn trong cuộc sống. Mà cái mất lớn nhất, là đánh mất bản thân mình. Bỗng nhiên em thấy mình hèn hạ vô cùng. Hèn đến mức cãi nhau với một cô bạn gái vì sau bữa ngủ trưa cô ấy không chịu bồi dưỡng em bát phở có đập 2 quả trứng gà như đã hứa. Hèn đến nỗi chẳng dám cãi nhau với vợ, vì sợ cô ấy mà cáu lên, li dị thì lại phải chia đôi tài sản. Hèn đến thế là cùng, các bác nhỉ!

Khi em còn đang hoang mang, chưa biết cách xây dựng lại nếp sống như thế nào, thì lại gặp một đàn anh khác. Đàn anh này rất thành đạt và hơn em nhiều tuổi. Một lần, em với anh này bay sang Nga. Anh em bên ấy vẫn có lệ tiếp đón các đoàn đại biểu ở quê sang bằng những món thịt tươi sống trắng phau, thơm phức mùi nước hoa. Hí hí, đến đoạn này chị em thông cảm nhá. Bữa tiệc vui đáo để, ai cũng hết mình ra ba vào bẩy. Ấy vậy mà ông anh em cứ ngồi trơ ra đấy. Chẳng phải vì anh em đứng đắn đâu, vì anh em cũng cởi quần áo dài như mọi người và chỉ mặc độc cái quần xịp… cho mát. Anh ấy ngồi đấy, mắt đắm duối nhìn các tiên nữ thiết tha đi lại, thỉnh thoảng lại vẫy một em lại, thò tay đụng chạm vài chỗ, rồi boa rất hậu hĩnh. Đám tiên nữ chân dài da trắng được tiền thì bu hết cả lại bên anh, “thái độ phục vụ”(@Viu) đối với bọn em kém hẳn. Đấy, kẻ có tiền sướng thế đấy. Vậy mà anh chẳng làm gì cả ngoài việc rút tiền ra cho và nói năng mấy câu rất vô nghĩa.

Đêm về, khi chỉ còn hai anh em nằm bên nhau, bên chai vodka còn phân nửa, anh mới thổ lộ: “Tiền bạc công danh thực ra là thứ rất vô nghĩa, phù du, nay có mai hết. Chú có tin không, đến một lúc nào đó, tiền không có ý nghĩa đối với cuộc đời chú”. Thực tình với các bác, bình thường thì em cũng đếch tin cái chân lý ngớ ngẩn ấy đâu. Nhất là em đang trong giai đoạn cực đoan, mọi thứ đều qui ra tiền như thế này. Nhưng tận mắt chứng kiến bữa tiệc kia thì em gật đầu lia lịa: “anh nói đúng, tiền bạc công danh vô nghĩa”.

Thế là em các bác lại thấm một lý thuyết mới, đối lập hẳn với lý thuyết cũ 3 thứ đáng quí

Lời khuyên thứ ba.

Một lần em đi mua nhà. Người bán là một đại gia. Ông này chẳng có nghề ngỗng đếch gì cụ thể, nhưng được cái khôn khéo và tỉnh táo. Ông chọn job đầu tư rất đơn giản, hiệu quả nhưng không phải ai cũng làm được. Đó là mua đất ở sát ngay những khu vực qui hoạch khu đô thị mới khi còn chưa được công bố. Lúc dự án được khởi công là lúc đất xung quanh bắt đầu sốt. Thế là ông ấy kiếm được tương đối. Thêm nữa, ông lại quan hệ tốt với chủ đầu tư những khu đô thị ấy, mua vài căn theo giá tình thương, để đấy đợi thời cơ. Mặc dù văn hoá hết trường làng, nói năng thô lỗ, con buôn hàng chợ nhưng em vẫn coi ông ấy là bậc đại gia. Không đại gia thì lấy đâu ra đống tài sản ấy, các bác nhỉ.

Mọi việc mua bán rất chóng vánh. Thường thì việc mua nhà là đại sự, người bán người mua mặc cả thương lượng chán. Người mua mặc dù thấy giá là phù hợp với khả năng mình nhưng vẫn phải kỳ kèo bớt một thêm hai. Mua ngay lại sợ người bán nghĩ rằng mình bán rẻ, bị hớ. Người bán cũng vậy, chỉ sợ gật đầu nhanh làm cho người mua lại nghĩ mình hớ. Thế nên cứ phải đóng kịch với nhau vài tháng. Em các bác vừa ngấm lời thứ nhất: sợ mất thời gian, vừa ngấm lời khuyên thứ hai: tiền bạc là thứ phù du nên mặc cả phải phép rồi đặt cọc hẹn ngày giao nhà.

Ngày lành tháng tốt đã đến, em cho cả vợ đi cùng nhận nhà. Đợi mãi không thấy đại gia kia đâu, mặc dù tối hôm trước đã cần phơm đàng hoàng. Gọi điện chỉ thấy tò te tí. Vợ em cũng lo, chỉ sợ chủ nhà chạy làng thì mất công. Vợ em đã thuê hoạ sỹ nội thất thiết kế lại căn nhà này rồi.

Đợi khoảng 2 tiếng, khi em đã tính chuyện về rồi thì thấy điện thoại reo. Ông chủ nhà gọi điện xin lỗi vì đến muộn. Em rất ghét chuyện chờ đợi, tuy vậy không dám cáu với đại gia kia.

Một lúc sau thấy ông đến, mặt mũi nhầu nhĩ, tóc tai bơ phờ mệt mỏi. Ông làm nốt các thủ tục còn lại như một cái máy. Xong xuôi, em thấy ông ấy cứ nấn ná chẳng chịu về (vì lúc này nhà đã là của em rồi). Em ra xe lấy chai rượu rủ ông ấy uống vài hớp mừng cả người bán lẫn người mua. Ông ấy làm một cốc to tướng, khi ngà ngà rồi ông ấy mới kể lý do tại sao đến muộn.

Ông ấy có thằng con trai, ngày xưa rất ngoan, nhưng giờ lại bị nghiện. Sáng hôm đó, cu cậu chích thuốc bị sốc, tưởng chết, may mà ông ấy đưa kip vào viện.

Em nhìn vào mắt ông ấy và cảm nhận được nỗi đau của một người cha mất con. Nỗi đau dai dẳng ngày này qua tháng khác mà không bao giờ kết thúc. Bất ngờ, ông ấy nắm tay em rồi thốt lên: “cuộc đầu tư lớn nhất đời người là đầu tư cho con cái. Cuộc đời này anh hỏng rồi em ơi”. Vâng, em đang ngậm hớp conag trong mồm, tí nữa thì sặc. Không biết cha làm hỏng con, hay con làm hỏng cha.

Em có 2 đứa con, bắt đầu với chúng như thế nào đây?

Lời khuyên thứ 4.

Chắc một vài bác cũng biết, em là con buôn. Thời tập trung bao cấp, những người làm kinh tế tư nhân được gọi một cách miệt thị như thế. Đã là con buôn, thì không có sổ gạo, không có tem phiếu, không nhiều tiêu chuẩn khác và luôn bị hàng xóm theo dõi xem hôm nay ăn gì. Xấu hổ quá, các bác nhỉ.

Chỉ vài năm trở lại đây, địa vị xã hội của bọn em mới được luật hoá với danh từ: Thương nhân và xã hôi hoá là: Doanh nhân. Nghe oai phết, riêng em, thỉnh thoảng em vẫn phát âm nhầm là Vỹ nhân. Dạo này đổi mới, kinh tế tư nhân được cổ suý kinh lắm, giữa tháng 10 này các đài phát thanh truyền hình còn làm lễ tôn vinh Doanh nhân cơ đấy. Em các bác mặt mũi mà không vêu vao thì cũng sẽ lên TV phát biểu vài câu cho nó hoành tráng.

Các bác có thấy hình tượng con buôn trên phim mà được giải văn toàn quốc, giải toán, giải vật lý quốc tế không? Làm gì có các bác nhỉ. Con buôn thì chỉ học trưòng làng, chữ nghĩa số má chỉ đủ để đếm tiền và viết giấy biên nhận vay nợ. Mà đúng là như thế đấy, năm 87 em mua một cái đầu Video ở sân bay Gia lâm 500$. Chạy về chợ điện tử Cầu mới ở Ngã tư sở bán 1800$. Cùng lắm em chỉ cần biết cái nút play ở đâu, tua ngược tua xuôi thế nào để hướng dẫn cho khách. Cần đếch gì phải biết quản lý doanh nghiệp, kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô, kế toán… là cái gì các bác nhỉ. Em cứ làm phép nhẩm lãi 1300$. Chỉ có 300 ngàn một chỉ vàng, xe 81 kim vàng giọt lệ long lanh mầu su hào cũng chỉ 1 cây 2 vàng là cùng. Em tính nhanh lắm các bác ạ.

Khi em các bác bắt đầu khởi sự một doanh nghiệp, em lúng túng vô cùng. Được cái em chịu khó học hỏi, em lại đi tìm một ông anh.

Ông anh này cũng có giải quốc tế, cũng là những nhân tố đầu tiên thành lập cái công ty… mà ai cũng biết đấy. Lúc này, ông anh em đã rút khỏi công ty kia và đang thành lập một ngân hàng gì đó. Theo qui định pháp luật, thì ông ấy phải tốt nghiệp ngân hàng. Mặc dù là phó tiến sỹ rồi, nhưng đếch phải ngành ngân hàng nên phải đi học tại chức buổi đêm cho phù hợp. Ông ấy bảo: “Tao lăn lộn thương trường bao nhiêu năm, kiến thức mưu mẹo tích lỹ hơi bị nhiều, cứ ngỡ là bửu bối của riêng mình. Ấy vậy mà nó viết mẹ nó hết trong giáo trình của bọn sinh viên năm thứ 2”.

Em các bác mới chỉ được thi toán thành phố thì lúng túng là cái đương nhiên rồi.

Lời khuyên thứ năm.

Em lại lao đầu vào học các bác ạ. Học tất những cái gì có thể học. Từ kinh tế đến luật, từ ngoại ngữ đến toán. Những gì có sách thì mua sách về đọc, cái gì không có trong sách thì đi hỏi, hoặc lên TL buôn chuyện cũng vỡ vạc đôi điều. Thậm chí, phải học cả những thứ ngớ ngẩn nhất như là thông cống. Bởi nếu không biết, cống của công ty tắc cũng đếch chỉ đạo được. Đến lúc này, em của các bác khác hẳn. Gặp khách, cần thể hiện khả năng cảm thụ văn học em đọc vài đoạn học thuộc trong “phê bình văn học của tôi”. Muốn cho người đối thoại thấy được trình độ triết học của mình em đọc Hegel của chú Thợ đời. Thỉnh thoảng ngứa cựa em chửi nhân viên “ngu như mày thì con bò cũng đỏ sừng vì xấu hổ”. Ai cũng kinh em.

Em vật vã với những lời khuyên. Lúc thì sít sao từng đồng, khi thì hào phóng coi tiền như cỏ rác. Hôm nay thấy mình như ông A, mai lại phải như ông B. Thôi thì ông gì cũng được, nhưng miễn là phải đạt được mục đích của mình. Vâng! Mục đích của mình các bác ạ. Nhưng cái mục đích ấy là gì, phần sau em sẽ dần dà đề cập đến. Các bác đừng sốt ruột.

Anh bạn thân thấy vậy, lắc đầu: “Đời nó có số rồi, sao mày phải khổ thế”.

Lại phải sơ qua về anh bạn này tí, nếu không các bác cũng thấy lời khuyên của anh ấy vô giá trị. Anh ấy là bạn học hồi ĐH. Cũng chỉ học được với nhau đúng 1 tuần thôi, rồi anh ấy bỏ học. Bỏ hoàn toàn chứ không phải như em, vừa học vừa bỏ. Em thì ý thức được nghèo là có tội nên cố gắng nhặt nhạnh nồi hầm, bàn là đóng hòm. Anh bạn em thì rong chơi tối ngày, kiếm được tiền là vào casino ngồi đung đưa đến sáng. Mở miệng là “đời có số” rồi khì khì cười.

Cho đến lúc ấy, em chẳng thấy anh ấy làm cái gì cụ thể nhưng tiền thì nhiều lắm.

Năm 199… anh ấy xuống một thành phố cách thủ đô khoảng 180 km. Ở đấy có một cái chợ cả Tây lẫn Ta buôn bán tấp nập. Anh ấy hỏi xem chủ chợ dưới này là ai. Chẳng có ai là chủ cả, chợ vẫn thuộc nhà nước quản lý. Thế thì không được rồi, tiền một đống thế này mà không ai nhặt. Anh ấy đến gặp bọn phít, đề ra phương án thu tiền chỗ như thế...như thế. Tiền chia nhau thế này…thế này. Bọn phít Nga ngày ấy vẫn mông muội vỗ đầu đến đét một cái khoái trá. Vậy là chẳng phải làm gì, anh ấy kiếm được vài chục ngàn một tháng. Anh đưa hẳn vợ xuống thành phố ấy để có người nâng giấc.

Được 3 tháng như thế, cả Tây lẫn Ta đếch chịu được. Họ đang tự do buôn bán, nay lại phải nộp tiền chỗ cho mấy thằng ma cô, thế là họ viết đơn kiện lên công an. Công an quyết bắt quả tang lúc thu tiền chợ nên cho người mật phục. Đúng hôm thu tiền, bạn em comple caravat đeo kính đen đi ông ôtô đến chỉ đạo. Vừa đến cổng chợ thì điện thoại réo, vợ gọi về nhà có khách quí. Bạn em vội lên xe về nhà. Về đến nhà vừa cởi xong quần áo lại thấy điện thoại reo báo anh em ngoài chợ bị công an bắt hết rồi. Bạn em lại tức tốc ra xe định phi ra chợ để giải quyết. Xe chạy được vài chục mét thì thấy cảnh sát đặc nhiệm súng ống giáp mũ đầy người ập vào vây kín nhà anh. Biết là tình thế không thể thay đổi được, cứ quần đùi áo may ô như thế, bạn em chạy một mạch chẳng quay lại.

Các bác bảo thế có phải đời có số không!?

Hai tháng dặt dẹo hết tiền. Bạn em nhớ ra em vay 200 đô từ đởi từ đời nào. Bạn em mò đến đòi để lấy tiền mua bánh mỳ. Lúc đó, em nghĩ con đường em đi là đúng quá, kiếm được ít nhưng an toàn, em lại động viên anh bạn hoàn lương. Anh ta lại cười hì hì “đời nó có số rồi”. Cơm nước với nhau một bữa, ngủ lại với em 1 đêm, hôm sau anh ấy định đến một thành phố khác, nơi ấy có 1 băng nhóm đàn em đang kiếm ăn được. Trước khi đi, anh ấy hỏi thăm xem số bạn bè cũ đang ở đâu, làm gì. Rồi anh ấy quyết định đi thăm bạn bè trước đã, sau rồi mới về nhập băng đảng kia sau.

khi xuống thăm một anh bạn thuộc nước cộng hoà khác. Buồn buồn thế nào lại đi ngang qua một cái chợ. Lại thấy máu tham nổi lên. Lần này anh bài bản hơn. Vay bạn bè mấy ngàn đô, lập một công ty cho oai, rồi đấu thầu cái chợ này. Tất nhiên là mọi việc OK, bà con bán hàng bị đuổi cổ, nộp tiền thì mới quay trở lại được. Lần này không ai kiện được vì pháp luật nằm trong tay bạn em. Chỉ mấy tháng sau, anh ấy lại đút túi tiền triệu. Quần đùi may ô mà lập được nghiệp lớn đấy các bác ạ.

Các bác bảo thế có phải là số không!?

Thế cho nên nhiều lúc em cũng nhụt chí.

Anh Thạc, chị Trâm và chúng ta.

Cho đến lúc này, các bác có thấy em vô lý không. Mười tám đôi mươi trẳn trở kiểu này còn chấp nhận được. Chứ đã tầm xê xế như em thì phải trăn trở những cái to lớn hơn chứ. Có chí lớn thì trăn trở làm sao dân giầu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh (như bác Tệ em). Chí nhỏ thì cũng phải nghĩ đến việc tỷ phú tiền đô. Nhỏ nữa thì cũng phải thông “cái giá cho tự do tinh thần”. Vậy mà em cứ lọ mọ đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành. Gái có vào đây đọc nó cũng khinh chẳng thèm rủ đi uống cà phê.

Hình như Mãi mãi tuổi 20 và Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm đang bán rất chạy thì phải. Em nói hình như là vì đọc báo thì thấy thế, chứ em cũng chưa bao giờ đọc 2 cuốn sách này. Ngay cả topic các bác mở trên Đọc sách em cũng chỉ vào có 1 lần. Và hình như, 2 cuốn sách này cũng tạo nên được một làn sóng không nhỏ trong giới thanh niên về lòng yêu nước thì phải.

Em không đọc 2 cuốn sách kia không có nghĩa là em không yêu nước, không đánh giá đúng công lao của thế hệ cha anh đã hi sinh sương máu cho tổ quốc. Không phải thế, đơn giản chỉ là em biết 2 cuốn sách ấy viết gì.

Anh Thạc, chị Trâm và rất nhiều người khác, trong đó có cha mẹ em và cha mẹ các bác, đều đã sống một thời vinh quang đầy máu lửa như thế. Và nếu các bác là người sống không thờ ơ với vận mệnh tổ quốc, thì những câu chuyện như anh Thạc chị Trâm phải được ngấm vào máu từ tấm bé. Nhưng không phải thông qua một đợt “nâng cao chính trị” như thế này, mà từ câu chuyện kể của cha, cái chân cụt của chú bơm xe đầu phố, dáng đi cà nhắc của chị bán dưa. Họ đều là anh hùng cả đấy, có điều, chẳng được lên đài lên báo như thế kia.

Về mặt tinh thần, thế hệ ông cha may mắn hơn chúng ta. Vì họ có lý tưởng, có mục đích sống rõ ràng. Họ chỉ có một con đường duy nhất sống và chiến đấu mà không thể có sự lựa chọn thứ 2. Khi người ta không phải chọn lựa, lại là sự chọn lựa lớn nhất, quan trọng nhất của đời người, thì rõ ràng là may mắn. Phải không các bác.

Em của các bác nhỡ thì. Khi sinh ra thì Tổ quốc vẫn bom rơi đạn nổ. Đến tuổi thanh niên biên giới phía Bắc vẫn ngày đêm đổ máu. Lúc bắt đầu trưởng thành thì lại kinh tế thị trường mới đau chứ. Em chuẩn bị cho mình hành trang của một người lính, một xanh cỏ hai đỏ ngực, thế mà lại thành con buôn. Không thể mang những câu chuyện về anh Thạc chị Trâm ra để ký hợp đồng kiếm ít thặng dư được. Phải có một loại anh Thạc khác đứng lên đánh Mỹ để cá Basa Việt nam có chỗ đứng trên thị trường Mỹ. Phải có chị Trâm khác để ta có thể ngồi trong WTO và đưa Việt nam “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Mà em thì không chẳng đủ trình. Em hi vọng ở nhiều bác trên này lắm. Đấy là câu thật lòng.

Hôm vừa rồi, em có một anh bạn xa quê mười mấy năm mới về. Cũng vì mưu sinh, vì miếng cơm manh áo mà phải dứt tình với quê cha đất tổ thôi. Chứ anh ấy yêu nước lắm, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc. Mà chẳng phải là nói mồm đâu, một cánh tay để lại ở biên giới. Bây giờ đeo cái tay giả bằng nhựa. Anh ấy bảo em: “cậu bây giờ không phải lo cái ăn cái mặc, điều kiện kinh tế bớt khó khăn, cậu phải xem thế nào chứ bà con nông dân mình vẫn còn nghèo và lạc hậu lắm”. Thật với các bác chứ, em trả lời là: “việc mình làm có ích cho xã hội đó là không sản sinh ra một nhân vật bất hảo, gây hại mùa màng nữa, đó chính là mình”.
Cậu ấy cũng giống em, chuẩn bị cho mình một hành trang người lính, nhưng không chịu đổi chiếc balo cũ sờn rách sang cái cặp Kaufmann như em, các bác nhỉ.

Cuộc cách mạng Cải lương và hai du học sinh.

Thời bọn em, mới chỉ xuất hiện khái niệm lưu học sinh, tức là loại được đi học nước ngoài theo tiêu chuẩn của bộ Đại học. Khoảng năm 93 thì xuất hiện khái niệm mới du học sinh do tự bỏ tiền ra đi học nước ngoài. Đến nay, em thấy đánh đồng cả hai nhóm trên gọi chung là du học sinh. Thực ra cũng chẳng sao, vì được cho tiền hay tự bỏ tiền thì cũng thế, quan trọng là người sinh viên đó thu được gì những năm ngồi dưới mái trường ở các nước phát triển.

Em nhớ hồi học sử phổ thông, thầy giáo có giảng Cụ Hồ đã không chọn phương pháp làm cách mạng như phong trào “Đông Du” của cụ Phan. Cụ Phan định đưa thanh niên yêu nước sang Nhật học tập sau đó đưa về nước, cấy vào bộ máy cai trị và đến một ngày đẹp giời thì thay thế. Cụ Hồ gọi đó là cách mạng “Cải lương” và chọn cách mạng “đỏ”, tức là phải có “đường vinh quang xây xác quân thù”. Cụ Hồ đã đúng!?

Phong trào “Tây Du” cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 thực sự sẽ là một cuộc cách mạng tri thức. Phải có cuộc cách mạng tri thức thực sự thì đất nước ta mới thoát cảnh “chồng cầy vợ cấy con trâu đi bừa”. Cuộc cách mạng “cải lương” này đang dần dần diễn ra trong bộ máy vận hành đất nước. Năm 1994, sau khi tốt nghiệp trường MGU, một trường ĐH lớn của Liên xô cũ, vợ em về nước và thi vào A… Bộ Nội Vụ (bộ Công An). Cùng thi với vợ em có một nhân vật học ở một trường cũng đình đám bên Mỹ. Vợ em đỗ đầu, còn nhân vật kia trượt. Mà lại trượt môn tiếng Anh với một lý do vô cùng dễ thương: các cán bộ hỏi thi không nghe được cô ấy nói gì!? Thực ra nguyên nhân sâu xa là vì nhân vật ấy học ở hang ổ của “kẻ thù dân tộc”. Mười năm sau, một khoảng thời gian không dài, nhưng câu chuyện kia đã có vẻ khó tin và những người học ở “Tư bản” đã có thể ngồi ở vị trí cấp Vụ. Nó xứng đáng để được gọi là một cuộc cách mạng, phải không các bác, tuy rằng vẫn chưa đến thời kỳ cao trào.

Cũng chính vì em quan niệm như thế, nên rất quan tâm đến các bác Tây du.

Du học sinh đầu tiên vẫn là ở nước Nga. Một hai năm sau cơ chế thông thoáng hơn mới thấy du học sinh đi các nước khác. Năm 93, em qua thăm cậu em trai ở một trường ĐH gần ngoại ô Matxcova. Em thấy trường có rất nhiều sinh viên mới, họ chính là những du học sinh đầu tiên của VN. Nói chung, họ cũng vừa học, vừa bỏ như em thôi. Có khác là em bỏ để kiếm ăn, còn họ bỏ để chơi. Đặc biệt trong số đó, em thấy có cậu T, con trai một vị giám doanh nghiệp lớn trong thành phố HCM. Cậu ta chẳng học hành gì. Ngày nằm nhà nghe nhạc, tối chơi điện tử trò đánh tăng. Dù sao, em vẫn thấy cậu ấy lành hiền nên hỏi: “Sao em lại không đi học”. Cậu ta trả lời: “Em đang muốn trường đuổi em để em còn về, ở bên này khổ quá anh à”. Em giật mình, vì lúc ấy được đi nước ngoài vẫn là mơ ước của toàn dân Việt Nam chứ chẳng phải chỉ ở lớp trẻ chúng em. Thế mà cậu ấy lại thích về mới lạ. Mặc dù cuộc sống của cậu ấy bên đó chúng em nằm mơ cũng chẳng dám nghĩ tới, khi mà một tháng cậu em em tiêu hết 100$ thì có tháng cậu T kia tiêu hết 7000$. Khật khưỡng học hành thế rồi cậu ấy cũng tốt nghiệp ĐH đấy.

Vài năm sau, em lại có dịp tiếp xúc với một du học sinh khác. Mà câu chuyện này, hình như em đã một lần nhắc trên TL rồi thì phải. Số là trong một chuyến chu du để học rùng mình, có người bạn gửi cho thằng cháu cái áo len và em đem đến tận trường cho em nó. Em nó cùng với một cậu bạn khác ở chung phòng. Cậu bạn này mặt mũi rất sáng sủa, nói năng đĩnh đạc. Cậu này rất chăm chỉ. Sáng sáng cậu ấy dậy rất sớm để đi đưa báo, tối lọ mọ rửa bát thuê kiếm đồng ra đồng vào cho cha mẹ ở nhà đỡ vất. Ấy vậy mà học vẫn rất giỏi. Lúc đầu em cho là chuyện bình thường, vì cũng như em hồi đi học thôi. Sinh viên nghèo thì phải vượt khó, đó là chuyện bình thường. Mãi sau này em mới biết, cậu ấy con trai một sếp lớn, nhà rất giầu. Sinh viên giầu vượt khó còn khó gấp bội lần sinh viên nghèo, phải không các bác?

Em mong có nhiều sinh viên giầu vượt khó như thế lắm.

Người trăn trở cho nước Việt.

Chẳng biết là em giật một cái tít như thế có mạnh quá không. Riêng em, thì thấy đúng là như thế.

Lâu nay, người ta xây dựng hình tượng các nhà ái quốc như thể những vị thần, khiến cho quần chúng nhân dân cứ ngỡ những vị ái quốc ấy có một lòng yêu nước vô bờ bến. Lòng yêu nước của họ mạnh mẽ và quyết liệt hơn hẳn đám dân đen chân lấm tay bùn như chúng ta. Thực ra, hầu hết con người trên trái đất này đều yêu tổ quốc của mình nồng nàn như nhau và không thể đo đếm được. Sự khác nhau giữa nhà ái quốc và chúng ta chỉ là hành vi thể hiện tình yêu đó như thế nào. Cụ Hồ thể hiện lòng yêu nước bằng cuộc cách mạng tháng 8. Hàng vạn người dân thể hiện lòng yêu nước bằng chính sinh mạng mình trong 2 cuộc kháng chiến. Em của bác thể hiện lòng yêu nước bằng cách sửa mình tu thân, không sản sinh cho xã hội một phế thải. Các bác thể hiện lòng yêu nước bằng “Cuộc cách mạng cải lương”. Hành vi thể hiện khác nhau, dẫn đến kết quả khác nhau, nhưng tựu trung em và các bác đều là những người yêu nước nồng nàn, các bác nhỉ!

Còn cái bác mà em sắp nhắc tới đây, có cách thể hiện khác mọi người, thể hiện qua những trăn trở với vận mệnh tổ quốc.

Lại dông dài một tí về anh bạn mất một cánh tay của em nhé. Sau câu khuyên em phải quan tâm tới đời sống quần chúng lao động, bạn em lại suy tư kể về một cuốn sách. Bạn em xa quê lâu, lại ở nơi hẻo lánh của xứ người, thiếu thông tin là điều dễ hiểu. Tình cờ bạn em đọc được cuốn: “Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào”. Bạn em cảm động lắm, định viết thư cảm ơn dịch giả đã dũng cảm tìm tòi nghiên cứu các tư liệu để có thể tổng hợp thành cuốn sách đó. Tưởng ai, chứ hình như dịch giả là người Thăng long mình thỉnh thoảng vẫn nhắc đến.

Em phải gọi nhờ tiến sỹ Phan An thiết kế cho buổi gặp trên. 4h chiều tiến sỹ mặc quần soóc, áo phông, cắp một cái túi to đùng tất tươỉ qua chỗ em. Vẫn đang giờ làm việc mà thấy tiến sỹ ăn mặc thể thao quá. Tiến sỹ nháy mắt: “tí nữa đi chơi bóng, với lại nhỡ tối nay không về nhà thì phải có quần áo mà thay chứ” rồi vỗ vỗ vào cái túi to đùng đó. Chăm sóc sức khoẻ bản thân và nâng niu những tình yêu chớm nở như tiến sỹ, âu cũng là một nét đẹp trong cuộc sống, một cách thể hiện tình yêu với Tổ quốc, nhỉ!

Thế là bạn em gặp được tác giả với tư cách bạn đọc hâm mộ, em thì ngồi cạnh “tiếp chuyện bạn nghe đài”. Chuyện giời chuyện biển lại quay lại lý do tại sao tác giả lại dịch cuốn đó.

Chẳng phải tự nhiên mà nước Mỹ cường thịnh suốt 200 năm. Cũng chẳng phải tự nhiên mà hiến pháp Mỹ lâu đời nhất thế giới. Cho nên, chẳng phải tự nhiên mà dịch giả nghiên cứu sự ra đời của hiến pháp Mỹ như thế nào, vì sao mà nó tồn tại được, vì sao nó đưa nước Mỹ trở thành cường quốc…

Thomas Jefferson soạn thảo bản hiến pháp đó vào năm 30 tuổi, tên tuổi ông đã đi vào lịch sử của nhân loại.

Nước ta kể từ ngày độc lập đến nay, đã có 4 bản hiến pháp vào những năm 1946, 1959, 1980 và 1992. Trong đó bản hiến pháp 1946 thừa kế rất nhiều những tư tưởng tiến bộ mà Thomas Jefferson soạn ra cách đây hơn hai trăm năm. Bản hiến pháp thứ 4 lại quay về với tư tưởng của bản hiến pháp đầu tiên, tiếc rằng vẫn chưa “văn minh” bằng.

Rồi em thấy dịch giả hào hứng : “mình mong muốn được chấp bút viết bản Hiến pháp thứ 5”.

Đấy là một khao khát thể hiện những trăn trở của mình đối với tổ quốc. Cũng có thể một ngày nào đó Hiến pháp được sửa đổi và chưa chắc dịch giả đã có chân trong ban soạn thảo. Nhưng cái tư tưởng ấy, nó đã đưa dịch giả vượt lên trên một tầm cao về hành vi thể hiện lòng ái quốc, hơn hẳn đám bọn ta.

Năm năm học năm thứ nhất.

Em cũng đoán phải tầm này các bác mới bắt đầu ném đá cuộc họp và trát bùn bảng tin. Người thì lặng lẽ thở dài cho quãng thời gian qua, người thì chờ đợi xem có giải pháp gì sáng sủa không. Lại có kẻ thì cho rằng trăn trở làm gì cho mệt đầu, sống được đến đâu hay đến đó. Nhưng cũng có người thấy cần phải phấn đấu hơn nữa cho quãng thời gian tiếp theo. Chín người mười ý là lẽ ở đời. Em các bác không áp đặt suy nghĩ của mình cho bất cứ ai trên này.

Em lại kể về một người bạn. Lần này trong câu chuyện, em sẽ cài một vài nhận xét của em, chứ không đơn giản mang tính tường thuật như các câu chuyện trước đây. Em các bác tầm nhìn cũng có hạn, nên cứ toàn lấy chuyện của những người xung quanh làm ví dụ. Các bác thông cảm nhé.

Bạn em sinh năm 66, cũng bằng tuổi một số bác trong này. Riêng về khoản học hành, bạn em cứ gọi là số 1. Tiếp thu cực nhanh và giỏi, ấy vậy mà học năm thứ nhất tới 5 lần.

Năm thứ nhất đầu tiên. Bạn em thi Học viện kỹ thuật quân sự. Điểm cao lắm, nên được chọn đi học nước ngoài. Vậy là bạn em được chuyển ra Thanh xuân học ngoại ngữ. Một năm dùi mài kinh sử học tiếng Nga. Cuối năm, bạn em vẫn đủ điểm và nằm trong danh sách chuyển tiếp ra nước ngoài. Ác thay, một năm ăn cơm hẩm nhà bếp, học đèn dầu, ở nhà vách đất thế chó nào lúc khám sức khoẻ người ta lại phát hiện ra vi khuẩn lao. Thế là tạch, ghẻ người ta còn cho ở nhà nữa là lao. Thế là bạn em lại phải chuyển về trường cũ.

Năm thứ nhất lần 2. Về trường cũ chẳng ai cho bạn em lên năm thứ 2 cả. Điều ấy cũng dễ hiểu, vì cả năm vừa rồi bạn em chỉ học ngoại ngữ chứ có các môn khác như Học viện KTQS đâu. Một năm nữa trôi qua. Cuối năm, bạn em lại thủ khoa, lại được chọn đi nước ngoài. Một năm cơm lính với luyện tập, lúc khám sức khoẻ, bác sỹ chẳng tìm thấy con vi khuẩn lao nào hết. Bạn em được về nhà chuẩn bị quần bò, áo phông, nước hoa hàng Đào và đồng hồ Citizen mặt vàng chanh để xuất ngoại. Đời tưởng thế là lên hương, các bác nhỉ.

Năm thứ nhất lần 3. Bạn em không phải học dự bị Thanh xuân nữa, được chuyển thẳng sang trường sỹ quan chỉ huy khỉ gió gì ấy ở thành phố Minxk, thủ phủ của Belarus, Liên bang Xô viết thời bấy giờ. Thế là lại bắt đầu một năm thứ nhất đầy triển vọng. Các bác không biết chứ, thời trước, lưu học sinh khối quân đội được trang bị oai lắm, mũ kêpi, áo đại cán mặc trong, áo khoác dạ mặc ngoài mầu ***** ngựa, quân hàm nỉ đỏ chói, trông cứ như Hồng quân Liên xô. Bạn em học thêm một năm thứ nhất bên ấy nữa rồi…về nước. Chuyện rất đơn giản các bác ạ. Bạn em trót quan hệ trên mức tình cảm với một cô mũi lõ mắt xanh tóc vàng. Thế là không được rồi. Tin đến tai sứ quán, không những phòng quản lý lưu học sinh mà còn cả tuỳ viên quân sự cũng biết nữa chứ. Đuổi thôi, để ở lại rồi thành gián điệp à! Mà đã đuổi, thì chỉ có về nhà, trường quân đội nào ở nhà dám nhận nữa. Tính ra cũng được ba năm mặc áo lính. Bạn em lại khăn gói về nước với quyết định ra quân như bất kỳ một thằng lính đi nghĩa vụ quân sự về. Thế cũng vẫn là may đấy vì bạn em vẫn còn trẻ và chưa có sự nghiệp chính trị chính em gì cả.

Năm thứ nhất lần 4. Bạn em về nước, cũng thối chí một phần, phần nữa lúc ấy phong trào luyện thi đại học bắt đầu nở rộ. Toán tiếc, lý liếc không đi học thêm chắc không đỗ đại học. Thôi thì bạn em có sở trường là tiếng Nga nên chẳng cần phải ôn luyện gì. Bạn em làm luôn bộ hồ sơ thi vào trường Đại học Ngoại ngữ Thanh xuân. Đỗ là cái chắc chắn các bác ạ. Học đâu được 1 học kỳ gì đó thì tai bay vạ gió xảy ra. Số là nhà bạn em ở một khu tập thể. Mà ở tập thể thì chuyện dội nước lên đầu nhau, nước hố xí nhỏ xuống nhà dưới là chuyện cơm bữa. Chị giáo vụ trường ĐHNN cũng ở tập thể. Một lần chị gặp bạn em, thấy mặt quen quá. Đêm về chị nặn óc ra nhớ lại. Thôi đúng con mẹ nó rồi, thằng này ở tầng trên, tuần trước còn dội cả xô nước vo gạo xuống nhà mình. Mày chết! Vừa bị đuổi về nước thì 3 năm sau mới được thi đại học cơ mà. Thế là bạn em lại bị đuổi vì cái qui chế ngớ ngẩn thời bao cấp ấy. Tội nghiệp quá, phải không các bác.

Năm thứ nhất lần 5. Thất thểu về nhà, bạn em thề là sẽ không thi đại học nữa. Nhưng đến mùa làm hồ sơ, trời xui đất khiến thế nào bạn em lại nộp vào trường Sư phạm Ngoại ngữ. Cũng khoa Nga thôi cho chắc ăn. May mà không đỗ đi nước ngoài, đỗ thì bạn em tạch. Học trong nước thôi cũng được. Đến năm thứ 2, bạn em lai được đi và học nốt những năm đại học bên đó.

Các bác có thấy chuyện của bạn em buồn cười không? Đúng là phúc bất trùng lai, hoạ vô đơn chí nhỉ. Và nếu bạn em buông xuôi mọi chuyện, thì đâu có đựoc tấm bằng tốt nghiệp ĐH do Tây cấp cơ chứ. Xét dưới góc độ nào đó, thì rõ ràng bạn em là người lạc quan, quyết tâm vượt lên số phận. Ông giời cũng không phụ lòng người, bắt học tới năm lần năm thứ nhất rồi cũng cho tốt nghiệp đại học đấy thôi. Nhưng chuyện chưa hẳn đã dừng lại ở đây. Mà nó chỉ bắt đầu từ khi về nước.

Năm 95, bạn em về nước. 29 tuổi, chuẩn bị bước vào thời kỳ mới, thời kỳ sung mãn nhất của một thằng đàn ông, thì bỗng dưng, bạn em sinh tật.

Đầu tiên là bạn em uống rượu. Uống rượu có rất nhiều kiểu. Kiểu văn hoá thưởng thức như Saint 4` cũng là một kiểu. Kiểu nhậu tùm lum tà la chén chú chén anh cho vui là một kiểu. Kiểu sầu đời than thân trách phận như thể là không lối thoát cũng là một kiểu. Ngày xưa bạn em ít uống, giờ bắt đầu đắm mình bên những cốc rượu cho quên ngày.

Bạn em không tìm được công việc ưng ý các bác ạ. Người ta sinh ra cái thang, để leo từng bước một. Bạn em khoái đi thang máy, bấm một phát là nó chui tít lên tầng thượng. Thang máy thì không phải không có, nhưng bạn em mấy năm bên kia lại không chuẩn bị cho mình những thứ cần thiết để đi thang máy. Học ở Tây về, đ.éo ai chấp nhận leo cầu thang bộ với mức lương một vài triệu. Bạn em cứ trùng chình như thế vài năm vợ nuôi. Rồi bất đắc chí bỏ vợ bỏ con vào Dung quất đi làm cho nhà máy lọc dầu với lời nhắn nhủ “Đời trai phải bay nhẩy”. Thật các bác chứ, già mẹ nó rồi còn bay nhảy gì nữa. Chạy trốn trách nhiệm với bản thân với gia đình con cái thì có. Gần chục năm ở trong ấy, ngày đi làm hành chính, vừa làm vừa ngủ gật, ai bảo làm gì thì làm. Tối về lại đi nhậu cho quên sầu, cho đỡ tủi. Vợ ngoài này còng lưng kiếm tiền nuôi con, tích cóp được ít tiền lại bay vào thăm chồng. Hàng năm anh em có ngày gặp nhau, chuyện bạn em quan tâm và thông thạo nhất là ông A đang chuẩn bị vào TW, ông B đang đánh ông C chí tử, cứ như bạn em ngồi trong TW thật ấy. Đấy là căn bệnh chung của những kẻ thừa thời gian, bất đắc chí, phải không các bác.

Giờ bạn em đã 39, 40 rồi. Bạn em đã vứt 10 năm vừa rồi một cách không thương tiếc. Đôi khi, em nghĩ, không hiểu bạn em phấn đấu lấy cái bằng ĐH để kiếm một công việc nhàn tản rồi chấm dứt sự nghiệp ở đây? Hay thời điểm cần phấn đấu nhất của một thằng đàn ông thì bạn em lại thối chí nhanh quá? Mà cũng có khi, số giời nó đã định thế rồi thì sao? Phải không các bác.

Tam sơn, tứ hải, nhất phần điền.

Là cách của người phương bắc khi nói về phương nam thủa hồng hoang. Ba phần là núi, bốn phần là biển, chỉ có một phần là đất. Mà cái một phần là đất ấy, nào có được mầu mỡ gì cho cam, chỉ có lau sậy và thú dữ.

Nếu các bác hôm nào rỗi rãi thử giở bản đồ địa lý VN ngắm nghía xem sao. Đồng bằng được hiển thị bằng mầu xanh lá cây, vùng núi sậm hơn, ngả mầu nâu. Các bác sẽ thấy mảng mầu xanh nhỏ xíu, luồn lách bám quanh mảng mầu nâu kéo một dải gần kín bản đồ. Xót ruột lắm các bác ạ.

80 triệu dân ở đó.

Có lẽ vì thế mà người VN vào loại cần cù nhất thế giới mà nghèo vẫn cứ nghèo. Khoảng một triệu nguời VN đã tìm cách ra đi trong vòng 10 năm sau ngày giải phóng. 99% số người ra đi đó, không vì động cơ chính trị, mà vì đói. Em các bác đáng nhẽ cũng nằm trong số một triệu người đó, nhưng vì nhà không lo nổi 5 cây vàng lộ phí nên đành ở lại. Có người đến được nơi cần đến sau nhiều trại trung chuyển, nhưng cũng nhiều người mãi mãi nằm lại ở đại dương mênh mông làm mồi cho cá biển. Chuyện này, thôi không nhắc đến nữa.
.....
[đã lược bớt]
____________________________________________

Đây là một bài viết trên diễn đàn Thăng Long (có vẻ thế). Nếu bạn đã bỏ thời gian ra đọc ra hết đoạn trích trên thì bạn sẽ gom góp được cảm giác thất vọng, bất lực, mất phương hướng của một người tuổi băm, độ tuổi sung sức nhất, lẽ ra có thể đóng góp cho xã hội nhiều nhất. Giọng viết của bài khá sắc sảo, có lẽ không phải là do một người trình độ hay trí thông minh thấp viết nên. Thế nhưng học vấn/trí thông minh đó dường như vẫn chưa đủ để giúp tác giả tìm ra đường đi cho cuộc đời mình dù rằng rất muốn gây dựng đất nước tốt đẹp hơn.

Vậy tuổi 35 bạn sẽ là ai? Tại sao? Bạn có ước vọng điều gì sẽ xảy ra?

Hãy cụ thể với câu trả lời của mình. Thay vì trả lời "Tôi sẽ là một doanh nhân giỏi vì tôi có khả năng" thì trả lời "Tôi sẽ là chủ một xưởng mộc sản xuất ra sản phẩm cao cấp, có uy tín trên toàn Hà Nội vì tôi thích nghề mộc và hiện tại trên thị trường sẽ có nhu cầu lớn cho dòng sản phẩm này"
 
Chỉnh sửa lần cuối:
một bài viết hay và rất đáng đọc
lí do là gần như tất cả những trăn trở, bế tắc về cuộc sống ở rất nhiều khía cạnh của tác giả , cũng là cái đã và đang ngày đêm ám ảnh chính bản thân tôi !

Đoạn mà tôi tâm đắc nhất , và cũng soi thấu tất cả khó khăn ngày hôm nay của bản thân mình trong đó, là khi người ta không còn một tấm biển chỉ đường độc nhất nào cả, mà phải bơi trong những sự lựa chọn, ngập chìm những suy tư nay thế này mai thế khác, những lời khuyên không chỉ là từ kinh nghiệm xương máu một người nào đó chỉ dẫn cho mình, mà có khi chỉ là một chi tiết nhỏ nào đó rút ra khi đọc một bài viết,
hơn nữa là bắt đầu phải tự chịu trách nhiệm vì những lựa chọn ấy.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
em sắp ra trường rồi mà thấy mục tiêu fấn đấu của cuộc sống chả rõ ràng j` cả, đọc cái này cũng mở mang đầu óc ra nhiều :D
 
Theo mình vấn đề nằm ngay khi tác giả lập ra topic này. Bài viết thể hiện một sự cầu toàn thái quá, muốn tìm một cái hoàn hảo nào đó nhưng ko thấy nói làm cái gì cả. Ko có chính kiến của mình, góp nhặt tất cả những thứ đó để làm gì. Nếu tác giả có một lựa chọn, kết hợp các bài học để bổ sung, thì có lẽ đã có 1 ng thành đạt, và ko có cái topic này rồi. Ko có cái hoàn hảo, cứ loay hoay với câu hỏi đấy thì hết thời gian là phải. Mình nghĩ bài học rút ra là hãy chọn, rồi lao vào mà làm, nếu ko thì 40 cũng chỉ để ngồi viết 1 bài như thế này thôi. 40 cũng chả phải muộn, chỉ chưa chọn xong thì quá muộn thôi (nhìn cái tình hình là vẫn còn muốn suy ngẫm nữa :()

Cũng có thể do phong cách TL, nhưng mình có cảm nhận hơi thiếu tính nghiêm túc, quyết tâm. Các câu chuyện thì đương nhiên ko bổ dọc cũng bổ ngang, nhưng nó cũng có thể dẫn ng ta đi lòng vòng rồi quay lại điểm xuất phát. Cứ “các bác nhỉ” thì đi làm sao dc.
 
đọc đoạn đầu đã ko muốn đọc tiếp rồi.
tuổi trẻ đg phơi phới thế này :)) tự dưng lo lắng việc 35 tuổi mình sẽ trở thành 1 con ng` bất lực thì ngay bây h sẽ có cảm jac thất vọng ghê gớm lắm :|
có ng` mất cả cuộc đời để đi tìm lý tưởng cho mình.cũng có những ng` may mắn hơn.
N mà em đây vẫn còn trẻ lắm,chưa muốn già quá đâu nên ko thik suy nghĩ quá.
 
đọc đoạn đầu đã ko muốn đọc tiếp rồi.
tuổi trẻ đg phơi phới thế này :)) tự dưng lo lắng việc 35 tuổi mình sẽ trở thành 1 con ng` bất lực thì ngay bây h sẽ có cảm jac thất vọng ghê gớm lắm :|
có ng` mất cả cuộc đời để đi tìm lý tưởng cho mình.cũng có những ng` may mắn hơn.
N mà em đây vẫn còn trẻ lắm,chưa muốn già quá đâu nên ko thik suy nghĩ quá.

Tik bài hay cho bạn Nga nhờ câu in đậm :))

Em còn non, ko chẳng có nhiều kiến thức sâu rộng lắm, nhưng mạn phép nhận xét , các anh lớn đừng mắng em nhỏ. Em thấy người viết bài này kiến thức có thì có, lý luận cũng có, tài văn cũng ko kém, nhưng mà ý của bài viết nó cứ tối tăm luẩn quẩn , :( đọc ko hiểu nhiều cho lắm, ko quyết đoán, ko có đường hướng ...:( Trai ba mấy mà thế này thì ...:-j
 
Tik bài hay cho bạn Nga nhờ câu in đậm :))

Em còn non, ko chẳng có nhiều kiến thức sâu rộng lắm, nhưng mạn phép nhận xét , các anh lớn đừng mắng em nhỏ. Em thấy người viết bài này kiến thức có thì có, lý luận cũng có, tài văn cũng ko kém, nhưng mà ý của bài viết nó cứ tối tăm luẩn quẩn , :( đọc ko hiểu nhiều cho lắm, ko quyết đoán, ko có đường hướng ...:( Trai ba mấy mà thế này thì ...:-j
Chưa nói nhiều về nội dung bài viết, nhưng mà trai 20 cũng có thể nói được như mong muốn của em ;;) Thậm chí là nhiều. Nhưng 10 năm sau thì chưa chắc.

Bài quote là đã hết chưa anh Tâm nhỉ?
 
bài viết chỉ phản ánh 1 phần bản thân.
n mà bạn Phương đâu có đòi hỏi j ở ng` viết đâu :))
 
(đánh lại lần 2 rồi, HAO lag quá :(()

@ bạn Nga: :))

@ anh Nam Anh: :)) em chẳng bắt các anh 20, 30 hay các chú trên 30 gần 40 hơn ngồi kể về mục đích cuộc đời. Off TLNT 1 tí (xin lỗi các mod ạ :">) sau này đi tán tính phụ nữ, có ai ngồi hỏi: mục đích cuộc đời anh, anh đã có kế hoạch cho con đường tương lai chưa blah blah... đâu ạ (ko nói được em ko cưới 8-}8-}--> thế thì hài hước quá).
Trở lại cái bài trên kia, em thấy cứ đi vào thực tế mà làm, chứ cứ nói trên văn bản thế này thì ngồi 1 lúc là nghĩ ra cả 1 đống ý tưởng. Tác giả bài viết toàn đi kiếm tìm các lời khuyên, rồi bội thực lời khuyên lúc nào ko biết :p (jk) Đơn giản thế này thôi ạ, những ng cho tác giả lời khuyên, ko hề phải đi kiếm tìm lời khuyên, mà lời khuyên của họ bắt nguồn từ kinh nghiệm bản thân, sự từng trải, sự dấn thân vào đời. Có thế họ mới thành công được ạ :p. Nói cho cùng, muốn thành công thì cứ thử, vấp rồi rút ra bài học, còn hơn là chỉ đi tìm các lời khuyên, rồi đến lúc quá nhiều lời khuyên thì lợi bất cập hại :p

:"> đọc lại thấy mình viết thật lung tung 8-}
 
Chỉnh sửa lần cuối:
ở tuổi 17-18 thì suy nghĩ còn lẫn lộn lung tung lắm mà bạn Phương :))
"Hôm vừa rồi, em có một anh bạn xa quê mười mấy năm mới về. Cũng vì mưu sinh, vì miếng cơm manh áo mà phải dứt tình với quê cha đất tổ thôi. Chứ anh ấy yêu nước lắm, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc. Mà chẳng phải là nói mồm đâu, một cánh tay để lại ở biên giới. Bây giờ đeo cái tay giả bằng nhựa. Anh ấy bảo em: “cậu bây giờ không phải lo cái ăn cái mặc, điều kiện kinh tế bớt khó khăn, cậu phải xem thế nào chứ bà con nông dân mình vẫn còn nghèo và lạc hậu lắm”. Thật với các bác chứ, em trả lời là: “việc mình làm có ích cho xã hội đó là không sản sinh ra một nhân vật bất hảo, gây hại mùa màng nữa, đó chính là mình”.
Cậu ấy cũng giống em, chuẩn bị cho mình một hành trang người lính, nhưng không chịu đổi chiếc balo cũ sờn rách sang cái cặp Kaufmann như em, các bác nhỉ."
Đoạn đấy em ko biết có thật ko nhưng nghe giáo điều quá :-??
 
@Nam Anh: ừ, vẫ̃n chưa hết nhưng anh cắt bớt vì cảm giác có xem nốt cũng không thêm được gì. Anh chưa kiểm tra đúng đường link không nhưng bạn anh nó bảo trên blog link gốc là đây
 
Bài viết này có một ý là: những năm tháng tuổi trẻ 20-30-40 là những năm có sức lực nhất, là thời gian phát triển. Nhưng nhiều người bỏ phí mất quãng thời gian này. Đến lúc 40 tuổi mới chợt nhận ra trong 20 năm đó mình có thể đã làm tốt hơn nếu như ... có điều thời gian không quay trở lại, tất cả mọi thứ đã được an bài đóng thuyền ở tuổi 40 của cuộc đời. Muốn thực hiện mơ mộng tuổi trẻ dường như là cả một cuộc mạo hiểm mà người viết bài không dám làm, và tự thấy không có sức để làm.

Cỡ bài kiểu này viết cho hội 34+ đọc mới đánh giá được. Anh Tâm put bài này lên đây hơi quá tuổi rồi.
 
em nghĩ không quá tuổi đâu,
nó thực sự là một cái gì đó mang tính "cảnh báo" đối với tuổi trẻ.
 
Em đồng ý với anh Xuan Duoc, em cũng thấy bài này quá tuổi. Em nghĩ là để đọc mà hiểu được cái hồn của bài viết, rồi đưa ra những lời nhận xét hợp tầm, thì cần một vốn sống, kinh nghiệm và mức độ từng trải nhất định, em nghĩ chắc tầm tuổi tác giả. Hầu hết những người trẻ ở trong TLNT đọc bài này sẽ thấy hay, hấp thụ được một phần nào đó, nhưng không cảm thụ được hết. Tại TL vốn không dành cho U21. (Dù giới trẻ có rất nhiều người giỏi, nhưng một số thứ chỉ có được qua vốn sống)

Nói gì thì nói, em cứ nghe lời Bác, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, đi học cái đã :">. Nhìn thằng tàu phòng bên cả ngày ngồi học, cũng thấy tội lỗi :p.
 
Có gì đâu mà quá tuổi, tuổi nhỏ hiểu ý nhỏ, tùy theo sức của mình :D
+ nếu chưa đến tuổi: coi như một lời gợi ý, dẫn đường
+ nếu đã đến tuổi: coi như lời cảnh báo, động viên, khích lệ
+ nếu đã qua tuổi: chưa làm được việc gì, đọc bài này thấy nhiều thằng cũng như mình, thế thì ... buồn làm gì \:d/

Vậy tuổi 35 bạn sẽ là ai? Tại sao? Bạn có ước vọng điều gì sẽ xảy ra? Hãy cụ thể với câu trả lời của mình. Thay vì trả lời "Tôi sẽ là một doanh nhân giỏi vì tôi có khả năng" thì trả lời "Tôi sẽ là chủ một xưởng mộc sản xuất ra sản phẩm cao cấp, có uy tín trên toàn Hà Nội vì tôi thích nghề mộc và hiện tại trên thị trường sẽ có nhu cầu lớn cho dòng sản phẩm này"

...

Rồi em thấy dịch giả hào hứng : “mình mong muốn được chấp bút viết bản Hiến pháp thứ 5”.
 
Cảm nhận cá nhân sau khi đọc bài viết này:
"Không biết thế nào chứ tôi đọc bài này xong trùng hết cả xuống. Kiểu giật mình, ờ bây giờ mình hai mấy tuổi đầu cũng xung lắm chứ, cũng định làm này làm kia thật, cái ông viết bài này coi bộ là thứ dữ vậy mà đến 40 tuổi cũng giở giọng buồn đời như vậy. Vớ vẩn sau này chả khác gì ổng. Rốt cuộc làm gì cũng sợ.

Ở đời mà nói, thằng cẩn thận quá thì chả làm gì được. Thằng ẩu quá thì làm gì cũng hỏng. Có thằng nào đam mê làm thì cứ làm, chuyên tâm vào làm không sợ được mất thì mới làm được cái gì đó. Bài này vừa vào đề đã là thành với bại thì còn làm gì được, thành bại chỉ là khái niệm mơ hồ, là perception của bản thân mà thôi. "

=>Mạnh miệng đến đâu, giờ trong đầu mình vẫn có một nỗi sợ hãi vô hình năm 40 tuổi mình lại cũng lầu bầu giở giọng giống tác giả bài viết. Vô tư sống làm thằng khờ có khi sướng hơn, chả phải lúc nào cũng lo được mất. Em mới có hai mươi thôi và em prefer đọc thể loại như thế này :
http://www.vuontoithanhcong.com/blog/toi-tai-gioi-ban-cung-the/
cho nó sung.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Anh không hiểu "quá tuổi" ở đây muốn ám chỉ tới điều gì? Em sợ mọi người quá nhỏ để hiểu được và học hỏi được từ người lớn hơn? Hay là mọi người còn quá nhỏ để hình thành mơ ước và hoài bão?

Theo em thì là quá tuổi, vậy đến bao giờ thì anh nên post lên? Lúc forum toàn người 34+ rồi post lên hay chuyển sang forum toàn người 34+ để post? Đến phần cuối của tuổi đời sung sức rồi mới bắt đầu đọc. Để người không thành công đọc xong bảo là giá mà mình đọc sớm hơn? Để người đã thành công rồi không cảm thấy có giá trị gì để đọc, học hỏi cả?

Lời cảnh báo chỉ có ý nghĩa khi nó ở thời điểm trước khi sự việc xảy ra. Xảy ra rồi mới nói đến thì chỉ là sự thông báo, chẳng có ý nghĩa gì đáng kể.
 
Em nghĩ tầm 28-30 đọc là vừa nhất. Tuổi đó vẫn còn thời gian, lại cũng đi được một chặng đường rồi. Đọc vừa có thể thấy những gì mình đã làm được để so sánh, lại cũng không bị ảnh hưởng mà bỏ đi một số thứ mình định làm.

Em cũng đọc hết cái bài post trên rồi, đọc khá kĩ và cũng công nhận đó là một bài viết có chiều sâu, đáng để đọc .

Tuy vậy giọng văn hơi u ám khiến em đọc xong cứ cảm thấy băn khoăn trăn trở mãi giống những cái gì của bài viết vậy. Tự cảm thấy mình chưa đến tuổi để đọc, nên phát biểu lăng nhăng vậy thôi.

Deep inside không đồng ý với cách nhìn của người viết về tuổi 40 cho lắm khi mà ông ta khẳng định đến 40 tuổi chưa làm được gì là hết rồi. Chỉ cần chí không nhụt vẫn muốn vươn lên thì 40 tuổi cũng chưa phải là muộn . Nhưng cũng biết giờ mình 20 tuổi nói vậy chứ đến 40 biết đâu.
 
:D bài này của bác Tủm trên TL
Em nhớ có bác nào reply khuyên "30 nên kết thúc cuộc đời ăn chơi bằng một cô vợ" :p, đúng đấy ạ :D
"Về mặt tinh thần, thế hệ ông cha may mắn hơn chúng ta. Vì họ có lý tưởng, có mục đích sống rõ ràng. Họ chỉ có một con đường duy nhất sống và chiến đấu mà không thể có sự lựa chọn thứ 2. Khi người ta không phải chọn lựa, lại là sự chọn lựa lớn nhất, quan trọng nhất của đời người, thì rõ ràng là may mắn. Phải không các bác"

Quả này em phải giơ cả 2 tay 2 chân lên đồng ý. Như em bác thôi, mỗi việc đi học ở đâu mà cũng trằn trọc mất ngủ suốt mấy đêm trăng sáng. Dân ta bây giờ nhiều chú mất phương hướng vì nhiều đường bày ra trước mắt quá đêk biết chọn đường nào mà đi cho nó đúng. Thiếu nước chạy cũng khổ mà thừa đường đi thì cũng chả sướng hơn ai. :) Theo em thì thời nào cũng thế, trong lĩnh vực nào cũng vậy, muốn thành công thì phải "có mục đích rõ ràng", biết mình muốn gì. Biết đích đến để mà đi quan trọng hơn là cứ thích nhanh chóng chạy thục mạng mà đêk biết mình đang chạy đi đâu, nhất là lại chạy vòng quanh nữa thì thôi đúng là khốn nạn của nó.

Bài này của bác Tủm và mấy reply anh Tâm quote ra theo cách em nhìn thì em không thấy u ám tí nào. Anh Mai Xuan Duoc mà vẫn thấy u ám thì em xin bình luận là nếu Hịch Tướng Sĩ mà kô "ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối", rồi thì dọa lên dọa xuống các thể loại tướng sĩ với cũng toàn cảnh u ám thì chẳng biết tướng sĩ có thấy sợ mà không cố rốn lên để đánh giặc không. Em lôi HTS ra mà ví von vì em thấy có điểm chung, là mục đích đều để cảnh báo những thành phần đang phí phạm quỹ thời gian mà không biết lo xác định chí hướng để bắt tay vào làm, và để nhắc nhở, khuyên răn là thôi đừng có phí nữa. Em thấy bài này của tác giả với các ý kiến phản hồi đều viết hơi bị duyên, viết cho mình sợ, viết cho dân lo, lo để mà nghĩ rồi mà cố. Quan điểm của riêng em, chắc chắn cũng trùng với nhiều người khác, "thằng khôn là thằng biết sợ" . Sợ sớm đi được thì cũng chẳng chết ai. Căn bản là ý tác giả không phải là viết để phủ đầu anh em, có người kể chuyện thì cũng là chuyện đã xảy ra, kể ra cho người ta biết mà tránh rơi phải cùng một cái hố.

Với lại anh Tâm cũng dăm năm nữa là bước vào "nghiệt ngã tuổi 30" rồi, trên HAO cũng đâu thiếu người cùng xuân thọ và cùng nỗi trăn trở như thế. Hơn nữa bài này cho vào "Thảo Luận Nghiêm Túc" là cũng có ý của nó rồi, không thì đã ở bên "Túm tụm tán gẫu" :).
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Ối dào bài chi mà dài rứa. Em chả đọc được hết nhưng cũng hiểu sơ sơ được nội dung. Nói chung thì đọc xong bài ni em cảm thấy chùng hết cả mình, nói ra thì em không phải là trai TL nhưng em cũng là trai PHTrung Đô (cũng đáng mặt lắm chứ) em cũng chả biết sau này mình sẽ làm gì nữa nhưng thấy gia đình hướng cho vô ngành ngoại thương (nói ra thì em chả thích nó tẹo nào), em vẫn thích làm kiến trúc sư hơn. Vì sao ư? vì em muốn thiết kế ra được những ngôi nhà tồn tại vĩnh cửu với thời gian (nghe hơi kì cục phải không). Thôi cả tuần được tối thứ bảy cố gắng tranh thủ ngũ bù cho cả tuần. À còn chuyện nữa, ý là em mới tham gia diễn đàn ni mong anh em giúp đỡ cho, cảm ơn trước nhé
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Back
Bên trên