Đọc truyện"Tôi và Đác-ta-nhăng", nhớ chuyện một thời không thể nào quên
“ Tôi và Đáctanhăng”.- Truyện dài
Tác giả: Đặng Thiều Quang
NXB: Bách Việt
"Tôi và Đác-ta-nhăng"
“Tôi và Đác-ta-nhăng” là truyện dài mười kỳ đăng trên báo Hoa Học Trò hơn mười năm trước, nay được tái bản thành sách, mới phát hành đợt đầu tiên tháng 10, năm 2007.
Hơn mười năm trước, báo Hoa Hoc Trò, một tờ báo nhằm vào bạn đọc phổ thông trung học, bắt đầu ra những kỳ đầu tiên và lập tức trở thành tờ báo trung tâm của giới học trò. Hồi đó chưa có Internet, chưa có truyền hình cab, chưa có các loại VTV như bây giờ, và hầu như không hề có một kênh giải trí nào dành riêng cho lứa tuổi teen, cái “tuổi dở hơi” của những “chàng” “nàng” phổ thông trung học hết tuổi trẻ con nhưng còn lâu mới thành người lớn, thừa năng lượng và nhiệt tình nhưng không biết tiêu đi đâu. Vì thế, báo Hoa Học Trò nghiễm nhiên trở thành một tờ báo được yêu mến và hâm mộ nhất của giới học sinh trung học. Tôi còn nhớ, một lần báo Hoa Học Trò tổ chức gặp mặt ở vườn Bách thảo. Đó là một ngày hội đông đúc chưa từng thấy vì bạn đọc tuổi hoa các nơi đổ về nườm nượp kín cả công viên.
Báo Hoa Học Trò viết về chuyện của giới học trò và đặc biệt phần lớn là học trò viết. Đó là một thời trăm hoa đua nở của các tác giả tuổi học trò. Đó là thời của Trang Hạ khóc gió thương mây, Đường Hải Yến ngọt ngào say đắm, Châu Giang sâu sắc lắng đọng, Phan Hồn Nhiên ngộ nghĩnh tươi vui,…vv Và giữa vườn hoa của những nữ sĩ lãng mạn ấy bỗng xuất hiện một tên con trai “ xuất chưởng” với một truyện dài kỳ vô cùng kỳ thú và độc đáo “ Tôi và Đác-ta-nhăng”.
“ Tôi và Đác-ta-nhăng” khi mới ra đời lập tức kéo theo một đội quân đông đảo những bạn đọc hâm mộ, hồi hộp chờ mỗi kỳ báo mới để đọc phần tiếp theo của truyện.
Câu chuyện lấy bối cảnh một trường phổ thông trung học, có lẽ là một trường chuyên vì có lớp chuyên văn và chuyên toán. Lớp Văn có cô Nga hay nói “chẳng hiểu vì sao”. Lớp Toán có thầy Tạ Tấn người gầy hơn tên rất nhiều. Câu chuyện xoay quanh bốn nhân vật :”tôi”, Đác-ta-nhăng, Hương Giang, Giáng Hương, trong đó “tôi” và “Đác-ta-nhăng” là hai nhân vật chính.
“ Tôi” tên là Hưng, một cậu học trò lớp toán thông minh, láu lỉnh, nhiều mưu kế, sẵn sàng đánh nhau khi bị trêu chọc, ném bài cho bạn…gái, vẽ biếm họa thầy Tạ Tấn mặc áo may ô, ưa tán tỉnh các cô gái xinh đẹp, ưa châm biếm Đác-ta-nhăng vì cái thói sách vở của cậu ta, ưu giễu cợt bọn con gái vì cái thói lãng mạn sướt mướt đầu óc toàn búp bê với chuột bạch và hoa hồng, nhưng đêm về lại cứ mơ thấy cô bạn lớp Văn đáo để có má lúm đồng tiền ngáng chân mình nhiệt tình.
“Đác-ta-nhăng” tên thật là Đặng Thiều Quang là một cậu trò lớp văn đeo kính, làm thơ viết truyện, tin chuyện Đông ki sốt và mơ về cánh buồm đỏ thắm, chữa xe đạp tuột xích bằng hai cái que kem, vốn hiền lành nhưng lại dám cãi lại cô giáo Văn, bí mật viết thư tỏ tình cho Hương Giang nhưng lại ấp úng không nói được khi nàng đứng trước mặt,
Hương Giang là cô bé lớp toán yểu điệu hiền hòa, đỏ mặt khi nghe nhắc đến tên Quang. Giáng Hương học lớp văn xinh đẹp và đáo để ưa giao tiếp với “tôi” bằng cách ngáng chân làm cho “tôi” ngã xây xẩm mặt mày.
Câu chuyện bắt đầu bằng cảnh “tôi” làm quen với “ Đác-ta-nhăng”, bắt đầu một tình bạn giữa hai cậu học trò tính cách rất khác nhau. Thể rồi “tôi” lấy làm phẫn nộ vì Đác-ta-nhăng chỉ biết có sách vở, về sự thụ động của “Đác-ta-nhăng” khi bị bọn học trò cùng trường trêu chọc đánh lộn. “ Tôi” nghĩ ra một kế…
Và từ đây bắt đầu những chuyện giật gân ở trường do “tôi” gây ra, nào đánh lộn, nói xấu bạn, tranh người bạn thích, chửi nhau giữa chỗ đông người…. Tình bạn giữa “tôi” và Đác-ta-nhăng tưởng chừng tan vỡ, cho đến chương cuối cùng của truyện khi một bí mật được vén lên qua cuộc nói chuyện giữa “tôi” và Giáng Hương...
Điểm đầu tiên hấp dẫn bọn học trò chúng tôi ngày ấy là cách đặt tên truyện. Cái tên Đác-ta-nhăng lập tức gợi nhớ tới tiểu thuyết nổi tiếng Ba người lính ngự lâm của Alecxang Đuyma. Bản thân nó đã gợi lên một niềm hồi hộp về những cuộc phiêu lưu kỳ thú, và trí tưởng tượng về chàng hiệp si Đác-ta-nhăng hào hiệp đa tình. Có điều đây là những cuộc phiêu lưu diễn ra ngay trên sân trường trung học.
“Tôi” và “Đác-ta-nhăng” là hai cái tôi trong một cậu học trò. Một sách vở ,mơ mộng những chuyện hào hiệp, nghĩa khí, một nghịch ngợm, quỷ quái, hiếu động ,láu lỉnh. Hương Giang và Giáng Hương là hai cái tôi trong một cô học trò. Một yểu điệu,hiền hòa, một đáo để, ranh ma. Và học trò yêu mến câu chuyện có lẽ vì ai cũng nhận thấy một phần của mình trong đó. .
Nhưng có lẽ điều hấp dẫn nhất khẳng định phong cách độc đáo của tác giả là cách kể chuyện của nhân vật “tôi” với một giọng châm biếm hài hước làm bạn đọc phì cười từ mỗi chi tiết, tới mỗi liên tưởng sách vở, mỗi cách tả hình thức hay tính cách của những nhân vật học trò hay thầy cô giáo. Có lẽ vì thế giữa trùng trùng điệp điêp những tác giả hoa học trò, “Đác-ta-nhăng” vẫn độc đáo và nổi bật và còn sức hấp dẫn với bạn đọc rất nhiều năm sau.
Tôi và Đặng Thiều Quang
Hồi đó tôi 17 tuổi, nữ sinh lớp chuyên văn trường trung học Hànội- Amsterdam, say mê truyện " Tôi và Đác-ta-nhăng" . Đặng Thiều Quang là sinh viên trường kiến trúc, lấy bút danh Đác-ta-nhăng. Truyện “Tôi và Đác-ta-nhăng” với đã thổi vào trí tưởng tượng của tôi về một anh sinh viên kiến trúc rất hài hước, thông minh và nghệ sĩ. Tôi cảm thấy như nhìn thấy rõ hình ảnh Đác-ta-nhăng tới mức viết một truyện tưởng tượng cuộc gặp gỡ giữa tôi và Đác-ta-nhăng. Truyện đăng trên báo Hoa Học Trò, đề rõ là “ Tặng Đác-ta-nhăng”. Câu chuyện là những lời đối thoại tưởng chừng bâng quơ giữa tôi và Đác-ta-nhăng, kết thúc chuyện là tôi bước sang đường với vạt áo trắng thoáng bay, và bên kia đường trời không còn mưa nữa. Chỉ còn lại những cảm xúc không tên chấp chới trong lòng. Như có. Như không.
Sau đó ít ngày, một buổi tối tôi ở nhà mẹ bỗng bảo có ai đến tìm con. Tôi ra cửa thấy ngoài song cửa sắt là một anh mắt sáng, gầy gầy,có lẽ cao khoảng 1,68m, mặc một cái áo khoác dầy dài đến đầu gối, tự giới thiệu là Đặng Thiều Quang.
Tôi quả thực bối rối vì cuộc viếng thăm bất ngờ này. Chúng tôi nói những chuyện không đâu. Anh hỏi tôi có thích nhạc, có nghe bản “Forever young “ chưa vì đó là bài hát mà anh rất thích. Tôi hồi đó con gái lớp Văn, hay đọc truyện và thơ chứ không “xịn” như con gái lớp Anh, không biết nhiều bài hát tiếng Anh. Anh Quang về rồi tôi đi tìm bài hát đó để nghe… Đến bây giờ mỗi lần nghe lại bài hát ấy ở đâu đó, tôi lại nhớ buổi tối ngày xưa. Sau buổi gặp gỡ ấy, tôi còn viết tặng anh một câu chuyện thứ hai, cũng đăng trên báo Hoa Học Trò…
Mười năm đã trôi qua kể từ cuộc gặp gỡ bất ngờ và những trang truyện ngắn ngập tràn những cảm xúc không thể gọi tên. Tôi bây giờ không còn là cô nữ sinh cấp ba mơ mộng về anh sinh viên kiến trúc cao ngạo, tài hoa. Anh bây giờ không còn viết về những cậu học trò đeo kính trắng, đọc Đôngkisốt, và tỏ tình bằng truyện Cánh buồm đỏ thắm. Nhưng “Có sao đâu, trái mùa thu vẫn chin; Mây mùa thu vẫn thắm những chân trời”*. Bởi câu chuyện” Tôi và Đáctanhăng” còn đó như bằng chứng về thời học trò tươi đẹp, ngổn ngang sách vở và ăm ắp ước mơ, long lanh tình bạn và man mác rung động đầu đời. Đó là một thời không thể nào quên trong anh, trong tôi và trong những trang báo bất tử trong lòng bạn đọc
* Thơ Lưu Quang Vũ.
Trần Thùy Dương.
“ Tôi và Đáctanhăng”.- Truyện dài
Tác giả: Đặng Thiều Quang
NXB: Bách Việt
"Tôi và Đác-ta-nhăng"
“Tôi và Đác-ta-nhăng” là truyện dài mười kỳ đăng trên báo Hoa Học Trò hơn mười năm trước, nay được tái bản thành sách, mới phát hành đợt đầu tiên tháng 10, năm 2007.
Hơn mười năm trước, báo Hoa Hoc Trò, một tờ báo nhằm vào bạn đọc phổ thông trung học, bắt đầu ra những kỳ đầu tiên và lập tức trở thành tờ báo trung tâm của giới học trò. Hồi đó chưa có Internet, chưa có truyền hình cab, chưa có các loại VTV như bây giờ, và hầu như không hề có một kênh giải trí nào dành riêng cho lứa tuổi teen, cái “tuổi dở hơi” của những “chàng” “nàng” phổ thông trung học hết tuổi trẻ con nhưng còn lâu mới thành người lớn, thừa năng lượng và nhiệt tình nhưng không biết tiêu đi đâu. Vì thế, báo Hoa Học Trò nghiễm nhiên trở thành một tờ báo được yêu mến và hâm mộ nhất của giới học sinh trung học. Tôi còn nhớ, một lần báo Hoa Học Trò tổ chức gặp mặt ở vườn Bách thảo. Đó là một ngày hội đông đúc chưa từng thấy vì bạn đọc tuổi hoa các nơi đổ về nườm nượp kín cả công viên.
Báo Hoa Học Trò viết về chuyện của giới học trò và đặc biệt phần lớn là học trò viết. Đó là một thời trăm hoa đua nở của các tác giả tuổi học trò. Đó là thời của Trang Hạ khóc gió thương mây, Đường Hải Yến ngọt ngào say đắm, Châu Giang sâu sắc lắng đọng, Phan Hồn Nhiên ngộ nghĩnh tươi vui,…vv Và giữa vườn hoa của những nữ sĩ lãng mạn ấy bỗng xuất hiện một tên con trai “ xuất chưởng” với một truyện dài kỳ vô cùng kỳ thú và độc đáo “ Tôi và Đác-ta-nhăng”.
“ Tôi và Đác-ta-nhăng” khi mới ra đời lập tức kéo theo một đội quân đông đảo những bạn đọc hâm mộ, hồi hộp chờ mỗi kỳ báo mới để đọc phần tiếp theo của truyện.
Câu chuyện lấy bối cảnh một trường phổ thông trung học, có lẽ là một trường chuyên vì có lớp chuyên văn và chuyên toán. Lớp Văn có cô Nga hay nói “chẳng hiểu vì sao”. Lớp Toán có thầy Tạ Tấn người gầy hơn tên rất nhiều. Câu chuyện xoay quanh bốn nhân vật :”tôi”, Đác-ta-nhăng, Hương Giang, Giáng Hương, trong đó “tôi” và “Đác-ta-nhăng” là hai nhân vật chính.
“ Tôi” tên là Hưng, một cậu học trò lớp toán thông minh, láu lỉnh, nhiều mưu kế, sẵn sàng đánh nhau khi bị trêu chọc, ném bài cho bạn…gái, vẽ biếm họa thầy Tạ Tấn mặc áo may ô, ưa tán tỉnh các cô gái xinh đẹp, ưa châm biếm Đác-ta-nhăng vì cái thói sách vở của cậu ta, ưu giễu cợt bọn con gái vì cái thói lãng mạn sướt mướt đầu óc toàn búp bê với chuột bạch và hoa hồng, nhưng đêm về lại cứ mơ thấy cô bạn lớp Văn đáo để có má lúm đồng tiền ngáng chân mình nhiệt tình.
“Đác-ta-nhăng” tên thật là Đặng Thiều Quang là một cậu trò lớp văn đeo kính, làm thơ viết truyện, tin chuyện Đông ki sốt và mơ về cánh buồm đỏ thắm, chữa xe đạp tuột xích bằng hai cái que kem, vốn hiền lành nhưng lại dám cãi lại cô giáo Văn, bí mật viết thư tỏ tình cho Hương Giang nhưng lại ấp úng không nói được khi nàng đứng trước mặt,
Hương Giang là cô bé lớp toán yểu điệu hiền hòa, đỏ mặt khi nghe nhắc đến tên Quang. Giáng Hương học lớp văn xinh đẹp và đáo để ưa giao tiếp với “tôi” bằng cách ngáng chân làm cho “tôi” ngã xây xẩm mặt mày.
Câu chuyện bắt đầu bằng cảnh “tôi” làm quen với “ Đác-ta-nhăng”, bắt đầu một tình bạn giữa hai cậu học trò tính cách rất khác nhau. Thể rồi “tôi” lấy làm phẫn nộ vì Đác-ta-nhăng chỉ biết có sách vở, về sự thụ động của “Đác-ta-nhăng” khi bị bọn học trò cùng trường trêu chọc đánh lộn. “ Tôi” nghĩ ra một kế…
Và từ đây bắt đầu những chuyện giật gân ở trường do “tôi” gây ra, nào đánh lộn, nói xấu bạn, tranh người bạn thích, chửi nhau giữa chỗ đông người…. Tình bạn giữa “tôi” và Đác-ta-nhăng tưởng chừng tan vỡ, cho đến chương cuối cùng của truyện khi một bí mật được vén lên qua cuộc nói chuyện giữa “tôi” và Giáng Hương...
Điểm đầu tiên hấp dẫn bọn học trò chúng tôi ngày ấy là cách đặt tên truyện. Cái tên Đác-ta-nhăng lập tức gợi nhớ tới tiểu thuyết nổi tiếng Ba người lính ngự lâm của Alecxang Đuyma. Bản thân nó đã gợi lên một niềm hồi hộp về những cuộc phiêu lưu kỳ thú, và trí tưởng tượng về chàng hiệp si Đác-ta-nhăng hào hiệp đa tình. Có điều đây là những cuộc phiêu lưu diễn ra ngay trên sân trường trung học.
“Tôi” và “Đác-ta-nhăng” là hai cái tôi trong một cậu học trò. Một sách vở ,mơ mộng những chuyện hào hiệp, nghĩa khí, một nghịch ngợm, quỷ quái, hiếu động ,láu lỉnh. Hương Giang và Giáng Hương là hai cái tôi trong một cô học trò. Một yểu điệu,hiền hòa, một đáo để, ranh ma. Và học trò yêu mến câu chuyện có lẽ vì ai cũng nhận thấy một phần của mình trong đó. .
Nhưng có lẽ điều hấp dẫn nhất khẳng định phong cách độc đáo của tác giả là cách kể chuyện của nhân vật “tôi” với một giọng châm biếm hài hước làm bạn đọc phì cười từ mỗi chi tiết, tới mỗi liên tưởng sách vở, mỗi cách tả hình thức hay tính cách của những nhân vật học trò hay thầy cô giáo. Có lẽ vì thế giữa trùng trùng điệp điêp những tác giả hoa học trò, “Đác-ta-nhăng” vẫn độc đáo và nổi bật và còn sức hấp dẫn với bạn đọc rất nhiều năm sau.
Tôi và Đặng Thiều Quang
Hồi đó tôi 17 tuổi, nữ sinh lớp chuyên văn trường trung học Hànội- Amsterdam, say mê truyện " Tôi và Đác-ta-nhăng" . Đặng Thiều Quang là sinh viên trường kiến trúc, lấy bút danh Đác-ta-nhăng. Truyện “Tôi và Đác-ta-nhăng” với đã thổi vào trí tưởng tượng của tôi về một anh sinh viên kiến trúc rất hài hước, thông minh và nghệ sĩ. Tôi cảm thấy như nhìn thấy rõ hình ảnh Đác-ta-nhăng tới mức viết một truyện tưởng tượng cuộc gặp gỡ giữa tôi và Đác-ta-nhăng. Truyện đăng trên báo Hoa Học Trò, đề rõ là “ Tặng Đác-ta-nhăng”. Câu chuyện là những lời đối thoại tưởng chừng bâng quơ giữa tôi và Đác-ta-nhăng, kết thúc chuyện là tôi bước sang đường với vạt áo trắng thoáng bay, và bên kia đường trời không còn mưa nữa. Chỉ còn lại những cảm xúc không tên chấp chới trong lòng. Như có. Như không.
Sau đó ít ngày, một buổi tối tôi ở nhà mẹ bỗng bảo có ai đến tìm con. Tôi ra cửa thấy ngoài song cửa sắt là một anh mắt sáng, gầy gầy,có lẽ cao khoảng 1,68m, mặc một cái áo khoác dầy dài đến đầu gối, tự giới thiệu là Đặng Thiều Quang.
Tôi quả thực bối rối vì cuộc viếng thăm bất ngờ này. Chúng tôi nói những chuyện không đâu. Anh hỏi tôi có thích nhạc, có nghe bản “Forever young “ chưa vì đó là bài hát mà anh rất thích. Tôi hồi đó con gái lớp Văn, hay đọc truyện và thơ chứ không “xịn” như con gái lớp Anh, không biết nhiều bài hát tiếng Anh. Anh Quang về rồi tôi đi tìm bài hát đó để nghe… Đến bây giờ mỗi lần nghe lại bài hát ấy ở đâu đó, tôi lại nhớ buổi tối ngày xưa. Sau buổi gặp gỡ ấy, tôi còn viết tặng anh một câu chuyện thứ hai, cũng đăng trên báo Hoa Học Trò…
Mười năm đã trôi qua kể từ cuộc gặp gỡ bất ngờ và những trang truyện ngắn ngập tràn những cảm xúc không thể gọi tên. Tôi bây giờ không còn là cô nữ sinh cấp ba mơ mộng về anh sinh viên kiến trúc cao ngạo, tài hoa. Anh bây giờ không còn viết về những cậu học trò đeo kính trắng, đọc Đôngkisốt, và tỏ tình bằng truyện Cánh buồm đỏ thắm. Nhưng “Có sao đâu, trái mùa thu vẫn chin; Mây mùa thu vẫn thắm những chân trời”*. Bởi câu chuyện” Tôi và Đáctanhăng” còn đó như bằng chứng về thời học trò tươi đẹp, ngổn ngang sách vở và ăm ắp ước mơ, long lanh tình bạn và man mác rung động đầu đời. Đó là một thời không thể nào quên trong anh, trong tôi và trong những trang báo bất tử trong lòng bạn đọc
* Thơ Lưu Quang Vũ.
Trần Thùy Dương.
Chỉnh sửa lần cuối: