'Đường thư' - cách nhìn chiến tranh của những người trẻ

Lương Kiến Quốc
(KKKK)

Thành viên danh dự
'Đường thư' - cách nhìn chiến tranh của những người trẻ

'Anh ra trận với tư thế của một người chiến sĩ giải phóng, tư tưởng và lập trường vững vàng... ', binh nhất Hoàng An trong bộ phim Đường thư 'tuyên thệ' như thế với cô người yêu bé nhỏ trong những lá thư gửi về hậu phương.

Cao điểm 861 bị bao vây bốn mặt. Đường dây liên lạc hoàn toàn bị cắt đứt. Tình thế vô cùng nguy ngập. Không thể để mất cao điểm này, cấp trên quyết định chuyển một bức thư tối mật đến 861, yêu cầu binh sĩ quyết tâm bám trụ chờ chi viện. Nhiệm vụ này được giao cho Tân (Quốc Tuấn), một người quân bưu dạn dày kinh nghiệm và Hoàng An (Tuấn Tú), một chiến sĩ trẻ vừa ra trận. Trên hành trình đưa thư hỏa tốc, họ gặp phải một toán biệt kích giữa rừng sâu. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt. Hai chiến sĩ quân bưu sau một chặng đường dài, chứng kiến không biết bao nhiêu mất mát đau thương của đồng đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tân và Hoàng An sống sót trở về sau chiến tranh nhưng phải đối mặt với những khoảng trống khó lòng bù đắp được. Người yêu Tân đã lấy chồng, còn "Dịu bé nhỏ" của Hoàng An đã mất vì bom đạn nơi hậu phương.

Bộ phim là một câu chuyện nhỏ trong chiến tranh. Không đua tranh với những tác phẩm điện ảnh khác thuộc đề tài này về sự hoành tráng của những chiến dịch, những trận đánh lớn, êkíp làm phim của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đi sâu vào những chi tiết, những cảm nhận cụ thể nhất về chiến tranh dưới cái nhìn của anh lính trẻ Hoàng An. Một ưu thế của phim khai thác đề tài lịch sử là những cảnh huống gây xúc động, nhưng đó cũng chính là thách thức cho các đạo diễn khi phải vượt qua những cảnh sáo mòn để lấy được "giọt nước mắt quý hiếm" của người xem. Xây dựng nhân vật chính là hình tượng người chiến sĩ quân bưu, một hình tượng khá mới của điện ảnh chiến tranh VN, Đường thư đã tạo cho mình một mảnh đất mới để khai thác triệt để lợi thế này. Khán giả nhạy cảm chắc chắn sẽ không tránh khỏi cảm giác "cay mũi" khi chứng kiến những thước phim về những lá thư hậu phương gửi tới chiến trường.

Thư hậu phương vẫn thường được coi là niềm hạnh phúc, là sự an ủi dành cho tiền tuyến, nhưng liệu đây là hạnh phúc hay đau đớn khi một người lính trong phút lâm chung được nghe một bức thư từ người vợ trẻ: "Hôm nay là ngày con chúng mình đầy 4 tuổi rồi anh ạ. Cũng là chừng ấy năm anh chưa về. Con vẫn thường hỏi bố đâu... Em vừa mua cho con một bộ quần áo mới và bảo rằng đấy là quà của bố. Lúc em viết thư cho anh, con đang chơi bi, nó bảo, cho con gửi bi cho bố, để bố chơi cùng các bạn". Đó là nỗi đau của một người thấy hạnh phúc và tương lai đang vượt khỏi tầm tay mình. Đó là những lời tâm sự hồn nhiên, tội nghiệp của cô người yêu trẻ gửi cho Hoàng An: "Hoa gạo nở rộ ven sông đẹp lắm anh ạ. Nhưng hoa gạo đỏ rực như màu máu. Bao giờ hết chiến tranh hả anh?".

Bên cạnh những khúc tình ca mạnh mẽ và thương tâm từ những lá thư, bộ phim còn xây dựng khá thành công hình tượng chàng binh nhất Hoàng An: ra chiến trường với giấc mộng trở thành một chàng đặc công oai hùng trong mắt của người yêu nhưng lại được phân công làm quân bưu. Những câu chuyện xoay quanh chàng lính trẻ này đã mang đến cho bộ phim những chi tiết hài hước, khắc phục được sự khô khan vẫn thường thấy trong các tác phẩm về chiến tranh. Đó là chuyện An và một chiến sĩ vì đánh nhau bị kỷ luật bằng việc phải đổ đầy nước vào một chiếc thùng phi to oành, trong khi phương tiện "chở" nước chỉ là một lọ... Penixilin, là cảnh chàng đặc công dõng dạc bật lại thủ trưởng khi được giao nhiệm vụ: "Tôi chích máu viết thư xin ra tiền tuyến không phải để... đi làm bưu tá", là cảnh Hoàng An hùng hổ đòi cầm súng ra chiến trường lại thảng thốt vì một tiếng chim giữa rừng sâu và run như cầy sấy khi giẫm phải mìn.

Lời thoại trong phim cũng là một yếu tố khá thành công. Ngoài sự ngắn gọn, giàu chất đời và những lối nói quen thuộc trong chiến tranh như "dẫm lên vết chân nhau mà đi", đạo diễn đã mạnh dạn đưa vào phim của mình lối xưng hô suồng sã, cách đối đáp cộc lốc, cụt ngủn - đặc trưng của lính chiến, những triết lý súc tích rút ra từ cuộc đời người lính.

Nhưng với một êkíp làm phim còn trẻ (đây là bộ phim đầu tay của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng), tác phẩm còn có một số hạn chế khi thể hiện đời sống chiến trường cũng như kết thúc khá vội vã. Ngoài ra, các nhà làm phim ra sức tuyên truyền đây là một bộ phim thuộc thể loại hành động, nhưng xem đi xem lại vẫn chỉ có một số cảnh quay đấm đá, bắn giết nghèo nàn vốn là một yếu tố không thể thiếu trong các tác phẩm về chiến tranh.

Tuy nhiên, với kinh phí chỉ hơn 1 tỷ đồng (so với 12,5 tỷ đồng dành cho Giải phóng Sài Gòn), bộ phim được ông Cục trưởng Điện ảnh Nguyễn Phúc Thảnh đánh giá là "một nỗ lực đáng ghi nhận của đoàn làm phim".

Bộ phim xúc động về tình yêu và những hy sinh lặng thầm của người quân bưu trong chiến tranh này sẽ được khởi chiếu bắt đầu từ 28/8.



:x
 
Những chuyện bên lề tại buổi họp báo ra mắt bộ phim

- Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng điều binh khiển tướng "ra trò" trên phim trường nhưng khi giới thiệu bộ phim trước các nhà báo, anh run đến nỗi không nói được "tròn vành rõ tiếng", run đến nỗi được đánh giá là sẽ đóng đạt hơn diễn viên Tuấn Tú nếu được thể hiện cảnh Hoàng An giẫm phải mìn.

- Tác giả kịch bản, nhà thơ Đoàn Tuấn, cho biết đây là một câu chuyện hoàn toàn có thật ông ghi lại từ đơn vị của mình. Những nguyên mẫu (đồng đội của ông) là anh Hoàng An (66 Ngô Thì Nhậm) và anh Tân (quận Hai Bà) đều đã mất. Nói đến đây nhà thơ khóc. Như một sự lây lan, đạo diễn khóc, diễn viên khóc (Quốc Tuấn) và bà Cục phó Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng rơm rớm nước mắt.

- Điều khác nhau giữa tướng văn và tướng võ là ở chỗ: Trong khi nhà thơ Đoàn Tuấn xúc động đến nghẹn lời thì võ sư Nguyễn Khắc Trịnh (người cũng tham gia với một vai diễn trong bộ phim) vẫn có thể "kìm lòng" để tranh thủ quảng cáo cho Trung tâm võ thuật sân khấu điện ảnh của mình.

- Ông Nguyễn Khắc Trịnh, người đóng vai một tên lính biệt kích, hóm hỉnh nói: "Tuy đóng quân địch nhưng bất cứ lúc được giải lao là lại hướng về quân ta".

- Diễn viên Quốc Tuấn kể, đạo diễn kỹ tính đến nỗi bắt anh, người vốn vẫn nhận là có dáng đi rất xấu, phải diễn sao cho ra "dáng đi Hà Nội". Tập mãi vẫn không ra "dáng đi Hà Nội", diễn viên đành phải nhờ đến đạo diễn thị phạm. Chẳng biết "dáng đi Hà Nội" hào hoa ra sao, chỉ biết trong phim, Quốc Tuấn phải cật lực chạy như bay dưới làn đạn của kẻ thù.

- Đạo diễn phải tự bỏ ra 200-300 triệu đồng tiền túi vì vốn đầu tư của Nhà nước cho bộ phim quá eo hẹp.

(trích VNexpress)
Lý ra những bài từ nguồn và điện ảnh thì ko post nhưng mod thông cảm hen, phim này có 1 lý do cũng khá đặc biệt nên mới post ra đây... dù sao cũng ủng hộ phong trào phim VN hen... :D :p
 
Back
Bên trên