Những ngày thứ Ba với thầy Morrie (best-seller Mỹ năm 2001)

Đoàn Trang
(Ms_Independent)

Điều hành viên
Mitch Albom​



NHỮNG NGÀY
THỨ BA
VỚI THẦY MORRIE


Trần Minh Tâm dịch




Tác phẩm dạy
biết sống và biết chết.
 
LỜI GIỚI THIỆU
Một tác phẩm dạy ta biết sống và biết chết



Cách đây ba năm, cuốn "Những ngày thứ Ba với thầy Morrie" ra mắt đọc giả và trở thành cuốn best-seller (sách bán chạy ở Mỹ). Sách này nếu có bày ở cửa hàng sách tại Việt Nam chưa chắc một số thanh niên ta chịu mua, mặc dù họ chuộng đồ Mỹ theo "mốt thời đại". Tôi muốn nói đến các cô các cậu chạy theo phim "cao bồi", nhạc "xập xình", ảnh tình dục, rượu whit-ki, xe máy tốc độ cao nahats, ăn nhậu, tiêu tiền kiểu "Mẽo"...
Cuốn sách Mỹ này khoảng 180 trang, không tranh ảnh, hình thức trang nhã và khiêm tốn, nội dung bàn về những vấn đè mà các "cậu ấm cô chiêu" cho là "chuyện lẩm cẩm của ông già Khốt-ta-bít, lại lên lớp: biết rồi, khổ lắm, nói mãi!"
Trên bìa sách, dưới tên sách là "Những ngày thứ Ba với thầy Morrie" (Tuesdays with Morrie), có ghi hai dòng:
"Một già, một trẻ
Và bài học lớn nhất của cuộc đời".

Tác giả Mitch Albom (Mit Anbom) là một phóng viên thể thao Mỹ có tiếng, 37 tuổi. Mười sáu năm sau khi tốt nghiệp đại học, môth hom anh xem vô tuyến được biết thầy cũ là Morrie, ngoài 70, bị ác bệnh đang chờ chết. Anh vội đáp máy bay đi thăm vị giáo sư xã hội học tiến bộ đã từng chống chiến tranh Mỹ ở Việt Nam. Anh từng coi ông là "sư phụ". Mười sáu năm qua, anh không có dịp gặp lại ông. Sau buổi hàn huyên, thầy hẹn trò cứ mỗi thứ Ba sẽ đến gặp lại thầy. Và cứ như vậy, cho đến khi thầy qua đời, thầy trò trìu mến gặp nhau được 14 ngày thứ Ba. Mỗi lần gặp, bệnh tăng, đau đớn thêm nhưng thầy vẫn bình thản.
Trò đã ghi băng lại những kinh nghiệm sống của thầy, trân trọng xuất bản thành sách, cuốn sách mà một tác giả Mỹ là R.H. Kushner đánh giá như sau: "Mỗi trang của cuố sách nhỏ tuyệt đẹp và cảm động này lóe lên tình người ấm áp, hồn nhiên".
Dưới đây xin trích một số suy nghĩ của thầy Morrie về cuộc sống và cái chết.

- "Bất cứ ở đâu tôi đều gặp những người chỉ muốn ăn sống nuốt tươi cái gì mới. Ăn sống nuốt tươi một xe ô-tô mới. Một miếng đất mới. Một đồ chơi mới nhất. Rồi đi khoe: "Đố biết tôi mới có cái gì mới không?"
Cậu biết tôi luôn luôn giải thích điều đó như thế nào không? Họ là những người đói tình cảm đến nỗi chấp nhận cả những vật thay thế. Họ ôm ấp của cải vật chất và hy vọng được ôm hôn lại. Nhưng điều đó không ổn. Người ta không thể thay thế những thứ đồ vật chất cho tình yêu, hay sự dịu dàng, sự âu yếm, hay một cảm nhận về tình bạn.
Tiền bạc không thể là thứ thay thế cho tình âu yếm và quyền lực cũng không phải là vật thay thế tình âu yếm. Tôi có thể kể với câuh, khi tôi đang ngồi đây chờ chết, khi người ta cần nói nhất, không phải tiền bạc hay quyền lực cho người ta thứ tình cảm đang tìm kiếm đâu, bất kể người ta có biết bao nhiêu quyền và tiền đi nữa."
- "Ai cũng biết là mình đương đi đến cái chết (sớm hay muộn), nhưng không ai tin là thế. Nếu tin là thế, thì ta sẽ xử sự khác đi.
... Nhận thức được ta đương đi đến cái chết, ta chuẩn bị tư tưởng đón nó bất cứ lúc nào. Mà như vậy thì ta càng dấn sâu vào cuộc sống ta đang sống.
... Sự thực là: Một khi ta đã học được chét ra sao thì ta cũng học được sống thế nào".


Tôi cho là những suy nghĩ của thầy Morrie về cái sống, cái chết thuộc chân lý chung của nhân loại. Chúng đề cao cái "Tâm", cái "Tâm" phải thắng cái "Vật", nếu không sẽ không có nền văn hóa của con người.
Tác phẩm này dành cho thanh thiếu niên và cả người lớn tuổi vì nó dạy ta biết sống, và biết chết.

Khâm Thiên, hè 2001.
Hữu Ngọc​
 
Những ngày thứ Ba với thầy Morrie

Chương trình giảng dạy


Lớp học cuối cùng trong đời thầy giáo cũ của tôi diễn ra mỗi tuần một lần ở nhà thầy, bên cửa sổ, trong thư phòng, nơi thầy có thể ngắm cây dâm bụt nhỏ đang rụng những cánh hoa màu hồng. Lớp học vào những ngày thứ Ba, bắt đầu sau bữa điểm tâm. Chủ đề là - Ý nghĩa cuộc sống - được giảng dạy bằng kinh nghiệm.
Không cho điểm, nhưng có kiểm tra vấn đáp mỗi tuần. Sinh viên phải trả lời những câu hỏi và phải dặt những câu hỏi của riêng mình. Đôi khi sinh viên cũng phải làm một số việc như: nâng đầu giáo sư vào một điểm dễ chịu trên gối, hay đặt kính của thầy lên sống mũi. Hôn thầy tạm biệt thì sinh viên được xếp lên hạng.
Không cần sách, tuy nhiều chủ đề được đề cập, bao gồm tình yêu, công việc, cộng đồng, gia đình, tuổi tác, sự tha thứ và - cuối cùng là cái chết. Bài giảng cuối cùng này ngắn gọn chỉ vài từ.
Một đám tang được cử hành thay cho lễ tốt nghiệp.
Dù không có kỳ thi tốt nghiệp, sinh viên vẫn phải viết một bài dài về những điều đã được học: bài viết đó được giới thiệu ở đây.
Lớp học cuối cùng trong đời giáo viên cũ của tôi chỉ có một sinh viên.
Tôi là người sinh viên ấy.
 
Những ngày thứ Ba với thầy Morrie

Đó là cuối xuân năm 1979, một chiều thứ Bảy nóng nực, mồ hôi dính nhơm nhớp. Hàng trăm đứa chúng tôi ngồi bên nhau, vai kề vai tren những hàng nghế gấp bằng gỗ ở bãi cỏ khu trường chính. Chúng tôi mặc áo choàng dài băng ni lông màu xanh, sốt ruột lắng nghe những bài diễn văn dài lê thê. Khi buổi lễ kết thúc, chúng tôi tung mũ lên trời và thế là chính thức tốt nghiệp đại học - lớp cao nhất của trường đại học tổng hợp Brandeis ở thành phố Waltham, Massachusetts. Đối với nhiều đứa chúng tôi, tuổi hoa niêm đã chấm dứt.
Sau đó, tôi tìm thầy Morrie Schwartz, vị giáo sư yêu thích của tôi và giới thiẹu thầy với bố mẹ tôi. Thầy - một con người nhỏ nhắn, đi những bước ngắn, dường như một cơn gió mạnh bất kỳ cũng có thể cuốn thầy lên. Trong chiếc áo choàng dài ngày tốt nghiệp, trông thầy như cây thánh giá, phảng phất như một đấng tiên tri trong kinh thánh, hoặc một thiên thần vào lễ giáng sinh. Thầy có cặp mắt xanh lóng lánh, mái tóc thưa bạc rủ xuống trán, tai to, chiếc mũi hình tam giác cân và chùm lông mày muối tiêu. Mặc dù răng thầy khấp khểnh, những chiếc thấp hơn vẹo vào trong - như bị ai thụi - Khi thầy cười, dường như có người vừa kể cho thầy nghe truyện cười hay nhất trên trái đất!
Thầy kể với bố mẹ tôi là tôi đã theo từng lớp thầy dạy như thế nào. Thầy bảo:
- Ông bà có một cậu con trai đặc biệt.
Bối rối tôi nhìn xuống chân.
Trước khi chia tay, tôi trao giáo sư của tôi một tặng phẩm - chiếc cặp màu nâu nhạt có viết tắt tên thầy ở phía trước. Tôi đã mua chiếc cặp này ở một khu buôn bán ngày hôm qua. Tôi không muốn quên thầy. Có thể tôi cũng muốn thầy đừng quên tôi.
- Mitch, em là một trong những người tốt - thầy nói, vẻ thích thú chiếc cặp. Rồi thầy ghì chặt tôi, tôi cảm thấy cánh tay khẳng khiu của thầy vòng quanh lưng tôi. Tôi cao hơn thầy và khi thầy ôm tôi, tôi thấy lúng túng, già dặn hơn, như thể tôi là cha mẹ và thầy là đứa con.
Thầy hỏi xem tôi có tiếp tục giữ liên lạc, và khoong lưỡng lự tôi nói "tất nhiên ạ".
Khi thầy quay đi tôi thấy thầy khóc.
 
Những ngày thứ Ba với thầy Morrie

Giáo trình



Án tử hình đến với thầy từ mùa hè 1994. Nhớ lại, thầy Morrie đã biết điều xấu đến lâu lâu trước đó. Thầy biết điều đó vào cái ngày thầy từ bỏ khiêu vũ.
Thầy đã luôn luôn từng là một bạn nhảy. Vị giáo sư già của tôi - nhạc gì cũng được. Rock and Roll, dàn nhạc lớn, nhạc blue. Thầy thích tất. Thầy thường nhắm mắt lại và mỉm cười sung sướng, bắt đầu đu đưa theo xúc cảm nhịp điệu riêng của thầy. Chẳng phải lúc nào cũng hay đâu. Nhưng hồi đó thầy không bận tâm về bạn nhảy. Thầy Morrie nhảy một mình.
Thầy thường đến nhà thờ ở Quảng trường Harvard mỗi tối thứ Tư để dự buổi gọi là "nhảy tự do", đèn sáng trưng, người nói oang oang và thầy Morrie thường đi dạo giữa đám đông hầu hết là sinh viên, mặc áo thun trắng và quần hàng len màu đen với một chiéc khăn quấn quanh cổ, bất kể đang chơi nhạc gì, hễ cứ có nhạc là thầy nhảy. Thầy đã nhảy từ điệu lindy (1) cho đến Jimi Hendrix. Thầy quay tít và lướt nhẹ nhàng, vẩy hai cánh tay như một nhạc trưởng đang say chất amphetamines, tới khi mồ hôi vã ra ở giữa lưng. Không ai ở đó biết được thầy là một tiến sĩ xã hội học xuất sắc, một giáo sư đại học với nhiều năm kinh nghiệm và viết nhiều sách được đánh giá cao. Họ tưởng thầy chỉ là một ông già lập dị nào đó.
Có lần, thầy đem theo một băng nhạc tango và để họ chơi át tiếng người nói. Rồi thầy trưng dụng cả sàn nhảy, lướt xuôi lướt ngược như một bạn tình Mỹ Latin nóng bỏng nào đó. Khi thầy ngừng nhảy mọi người vỗ tay. Thầy có thể đã ngừng nhảy ở khoảnh khắc đó mãi mãi.
Thế là chấm dứt khiêu vũ!
Bệnh hen suyễn của thầy nặng lên ở tuổi 60. Thầy thở nặng nhọc. Một hôm, thầy đang đi dọc sông Charles thì một cơn gió lạnh thình lình làm thầy nghẹt thở. Thầy được đưa gấp tới bệnh viện và truyền Andrenalin.
Vài năm sau, thầy bắt đầu đi lại khó khăn. Tại bữa tiệc sinh nhật một người bạn, thầy vấp loạng choạng không thể giải thích được. Một tối khác, thầy ngã bổ nhào khi xuống các bậc thềm nhà hát, làm cho nhiều người giật mình.
- Để ông ấy thở! Ai đó hét lên.
Thời điểm đó thầy sang độ tuổi 70, vì thế mọi người xì xào:
- Tuổi già ấy mà!
Và đỡ thầy đứng dậy. Nhưng thầy Morrie luôn quen thuộc lục phủ ngũ tạng của thầy hơn là chúng tôi chứ, thầy biết có điều gì không ổn. Cái điều không ổn này không phải chỉ do tuổi già. Lúc nào thầy cũng mệt lử. Thầy khó ngủ, và mơ là mình đang chết.
Thầy bắt đầu đi khám bác sĩ. Rất nhiều bác sĩ. Họ thử máu thầy, thử nước tiểu. Họ đặt kính hiển vi lên hậu môn và nhìn vào bên trong ruột thầy. Cuối cùng khi chẳng thể phát hiện ra điều gì, một bác sĩ cho làm sinh thiết cơ bắp, lấy một mẩu thịt nhỏ ở bắp chân trái thầy Morrie. Kết quả xét nghiệm trả về gợi ý có một vấn đề về thần kinh và thầy được đưa vào hàng loạt xét nghiệm khác. Tại một trong những xét nghiệm, thầy ngồi trong một ghế đặc biệt khi người ta xốc thầy bằng dòng điện - đại loại như một chiếc ghế điện - và nghiêm túc cứu những phản ứng thần kinh của thầy.
- Chúng tôi sẽ kiểm tra việc này thêm - Các bác sĩ nói khi nhìn qua kết quả xét nghiệm của thầy.
- Tại sao? Thầy Morrie hỏi - Gì thế?
- Chúng tôi không chắc lắm. Nhịp của ông chậm.
Nhịp đập của thầy chậm ư? Điều đó có nghĩa gì?
Cuối cùng vào một ngày nóng bức ẩm ướt tháng 8 năm 1994, thầy Morrie và vợ thầy - cô Charlotte, tới một phòng khám thần kinh và thầy xin phép họ được ngồi, trước khi thầy vỡ lẽ ra: thầy đã bị xơ cứng tế bào - ALS, bệnh của Lou Ghrig, một bạo bệnh không chữa được, thuộc hệ thóng thần kinh.
Vô phương cứu chữa.
- Sao tôi mắc bệnh này chứ? Thầy Morrie hỏi.
- Có trời mà biết!
- Có phải giai đoạn cuối không?
- Phải.
- Thế là tôi sắp chết ư?
- Phải. Ông sắp chết. Bác sĩ nói - Tôi rất lấy làm tiếc.
Ông ta ngồi cùng với thầy Morrie và cô Charlotte gần hai tiếng đồng hồ, kiên nhẫn trả lời các câu hỏi của họ. Khi họ ra về, người bác sĩ cho họ thông tin nào đó về bệnh ALS, những cuốn sách nhỏ, như thể họ đang mở một tài khoản nhà băng. Bên ngoài, nắng lấp lánh, mọi người đang đi làm. Một phụ nữ chạy để đặt tiền vào chiếc máy cho xe vào đỗ. Một người phụ nữ khác ôm những chiếc bánh. Bà Charlotte có hàng triệu ý nghĩ xuyên qua đầu: Chúng ta đã đi được bao nhiêu thời gian? Chúng ta sẽ xử lý thế nào? Cúng ta sẽ trả tiền các hóa đơn ra sao?
Vị giáo sư già của tôi - trong khi đó dường như sửng sốt trước cuộc sống đời thường diễn ra hàng ngày quanh ông. Chẳng lẽ cả thế giới phải ngừng lại ư? Mọi người không biết gì đang xảy ra với tôi ư?
Nhưng thế giới không ngừng nghỉ, nó chả chú ý gì cả và khi thầy Morrie yếu ớt kéo cánh cửa xe ô-tô, thầy cảm thấy như rơi xuống hố.
Rồi thế nào đây? thầy nghĩ.




(1) Điệu nhảy những năm 30 và 40.
 
Những ngày thứ Ba với thầy Morrie

Trong khi vị giáo sư già của tôi đang tìm lời giải đáp thì căn bệnh đó đã xâm chiếm thầy ngày nọ tiếp ngày kia, tuần nọ tiếp tuần kia. Một buổi sáng thầy lùi xe ra khỏi ga-ra và thật khó lòng mà đẩy phanh. Thế là chấm dứt lái xe!
Thầy vấp ngã luôn nên thầy phải mua một chiếc can. Thế là chấm dứt tự do đi dạo.
Thầy đi bơi thường xuyên ở YMCA (2) nhưng thầy không thể tự cởi quần áo được nữa. Thế là thầy thuê một người giúp việc đầu tiên chăm sóc tại nhà - một sinh viên thần học tên là Tony - giúp thầy lên xuống bể bơi, mặc và cởi áo tắm. Trong phòng thay đồ, những người đi bơi khác giả vờ không nhìn. Dù sao họ vẫn nhìn. Thế là chấm dứt cả riêng tư!
Mùa thu năm 1994 thầy Morrie tới khu trường Bradeis trên đồi để dạy khóa đại học cuối cùng của thầy. Thầy có thể bỏ bớt khóa này, tất nhiên rồi. Trường đại học hẳn là thông cảm. Tại sao phải chịu đựng trước nhiều người thế? Cứ ở nhà. Sắp xếp công việc của mình theo trật tự. Nhưng ý nghĩ bỏ việc đã không đến với thầy Morrie.
Thay vào đó, thầy tập tễnh vào lớp học - nhà của thầy từ hơn ba chục năm nay. Vì chiếc can, nên phải mất một lúc thầy mới tới được ghế. Cuối cùng, thầy ngồi xuống, kéo kính trễ xuống mũi, và nhìn những gương mặt trẻ trung, yên lặng, chăm chăm nhìn thầy.
- Các bạn của tôi, tôi biết tất cả các em đến đây để học môn tâm lý xã hội học. Tôi đã từng dạy môn này trong hai chục năm. Và đây là lần đầu tiên, tôi có thể nói: có nguy cơ tôi không dạy hết khóa, vì tôi mắc bệnh nan y. Tôi có thể không còn sống để kết thúc học kỳ này. Nếu các em cảm thấy đây là vấn đề, các em muốn bỏ lớp, tôi thông cảm - thầy mỉm cười.
Và thế là chấm dứt bí mật!



(2) Young Men's Christian Association: Hội liên hiệp Kitô giáo thanh niên.
 
Những ngày thứ Ba với thầy Morrie

Bệnh ALS tựa như một ngọn nến cháy: làm tan chảy các dây thần kinh và để lại cơ thể người ta một đống sáp. Thường thì bệnh bắt đầu từ chân và lan dần lên. Người ta mất khả năng điêu khiển những cơ bắp đùi, rồi không thể đỡ mình đứng dậy; mất khả năng điều khiển những cơ bắp thân, rồi không thể ngồi thẳng được. Sau cùngm nếu người ta vẫn sống, thì thở qua một cái ống cắm vào một cái lỗ ở cổ, trong khi đó tâm hồn hoàn toàn tỉnh táo bị cầm tù trong một lớp vỏ bọc mềm yếu, có thể mắt bị nháy nháy, hoặc lưỡi thì cục cục như trong phim khoa học viễn tưởng - con người tê giá dưới da thịt mình. Quá trình này không kéo dài quá năm năm kể từ ngày phát bệnh.
Các bác sỹ của thầy Morrie đoán tằng thầy còn hai năm nữa.
Thầy Morrie hiểu là còn ít hơn kia.
Nhưng vị giáo sư già của tôi đã có một quyết định sâu sắc - quyết định của thầy bắt đầu xây dựng từ xái ngày thầy bước ra khỏi phòng khám của bác sĩ với lưỡi gươm lơ lửng trên đầu. Ta héo mòn rồi biến mất hoặc ta sống tốt nhất thời gian còn lại? Thầy đã tự hỏi.
Không, thầy sẽ không héo mòn. Thầy sẽ không xấu hổ vì sắp chết.
Thay vào đó, thầy sẽ khiến cái chết thành dự án cuối cùng của mình - trọng tâm trong những ngày còn lại. Vì ai cũng sẽ chết, thầy có thể là một giá trị lớn, phải thế không? Thầy có thể là một đối tượng để nghiên cứu. Một cuốn sách giáo khoa về con người. Hãy nghiên cứu ta trong cái chết từ từ, kiên nhẫn. Hãy theo dõi những gì xảy ra với ta. Hãy cùng học với ta.
Thầy Morrie sẽ đi trên chiếc cầu cuối cùng giữa sự sống và cái chết và thuật lại chuyến đi đó.
 
em thích truyện này khủng khiếp! ngày xưa đọc, cứ thấy mình như rã rời từng mảng. be motivated mà có khi sững sỡ quá không chuyển động nổi.
 
Cuốn sách đã làm thỏa mãn trí tò mò của chị bằng cách mở toang cánh cửa tuổi già, sự chết ra để chị nhòm vào xem. Đồng thời học được cách nhìn, cách cảm tích cực để có thể khiến bản thân thích nghi ngay cả trong những tình huống, hoàn cảnh trớ trêu, đau thương nhất của thầy Morrie. Đấy là những điều chị thích nhất bên cạnh nhiều nhiều điều đáng học khác ở quyển truyện này.
 
Những ngày thứ Ba với thầy Morrie

Học kỳ mùa thu qua nhanh. Thuốc tăng liều. Cách điều trị trở thành thói quen đều đặn. Các y tá tới nhà thầy để làm việc với đôi chân héo hon của thầy, giữ cho các cơ bắp hoạt động, gấp chân ra sau và ra trước như thể bơm nước giếng. Các chuyên gia xoa bóp tới mỗi tuần một lần, cố làm dịu sự sơ cứng triền miên nặng nề mà thầy phải gánh chịu. Thầy gặp các giáo sư dạy về môn suy ngẫm, và nhắm mắt lại, thu hẹp những ý nghĩ, tới khi thế giới của thầy rút lại thành một tiếng thở nhẹ; thở ra, hít vào; hít vào, thở ra.
Một hôm, chống chiếc can thầy bước ra lề đường và ngã xoài trên phố. Chiếc can được thay bằng một chiếc khung tập đi. Khi cơ thể thầy trở nên yếu ớt, ra vào buồng tắm trở nên quá kiệt sức, thế là thầy đi tiểu vào một chiếc vịt lớn. Thầy phải chống người lên khi tiểu tiện, nghĩa là ai đó phải giữ chiếc vịt trong khi thầy Morrie tiểu vào đó.
Hầu hết chúng ta chắc hẳn bối rối trước cái việc này, đặc biệt là ở tuổi của thầy Morrie. Nhưng thầy không giống như hầu hết chúng ta. Khi có vài đồng nghiệp thân thiết đến thăm, thầy sẽ bảo họ:
- Này, mình phải đi tè. Cậu có giúp mình không? Đồng ý chứ?
Thường thường, họ ngạc nhiên.
Thực ra, thầy tiếp khác đến thăm ngày một thêm đông. Thầy có những nhóm thào luận về cái chết, nó có nghĩa đích thực là gì, mọi xã hội luôn luôn sợ nó, mà không cần hiểu biết về nó ra sao. Thầy bảo với bạn bè rằng, nếu họ thực lòng muốn giúp đỡ thầy, họ sẽ đối xử với thầy không phải bằng sự cảm thông, mà bằng các chuyến viếng thăm, gọi điện thoại, chia xẻ với thầy các vấn đề của họ - theo kiểu họ thường chia xẻ các vấn đề, bởi vìm thầy Morrie luôn luôn là người biết lắng nghe tuyệt vời.
Về tất cả những gì đang diễn ra với thầy, giọng thầy mạnh mẽ và mời mọc, đầu óc thầy rộn ràng với hàng triệu ý nghĩ. Thầy muốn chứng minh rằng từ "chết dần" không đồng nghĩa với "vô dụng".
Năm mới đến rồi qua. Dù thầy không nói điều đó với bất kỳ ai, thầy Morrie biết đây chắc hẳn là năm cuối cùng của đời thầy. Giờ đây thầy đang dùng một chiếc ghế đẩy và thầy đag tranh cướp thời gian để nói tất cả mọi điều thầy muốn nói với mọi người thầy yêu mến. Khi một đồng nghiệp ở Brandeis chết đột ngột vì bệnh tim, thầy Morrie tới dự đám tang của ông ấy. Thầy về nhà, tinh thần suy sụp:
- Uổng quá - thầy nói - tất cả những người đó đang nói ra những điều tuyệt vời nhất mà Irv không bao giờ được nghe.
Thầy Morrie có sáng kiến hay hơn. Thầy gọi mấy cú điện thoại. Thầy chọn ngày. Và vào một chiều Chủ nhật giá lạnh, một nhóm bạn bè và gia đình gặp nhau tại nhà thầy để làm "một đám tang sống". Mỗi người đều nói và tỏ lòng kính yêu vị giáo sư già của tôi. Người thì khóc, người thì cười. Một phụ nữ đọc bài thơ:
"Hỡi người anh họ thân thiết và yêu quí của tôi
Trái tim anh không có tuổi
Vì anh đi qua thời gian
Hết lớp này đến lớp khác,
Hỡi cây thiến tuế mềm mại ..."

Thầy Morrie khóc cười với họ. Tất ả những điều chân thành, chúng ta không bao giờ được nói với những người chúng ta yêu mến, thầy Morrie đã nói ngày hôm đó. "Đám tang sống" của thầy là một thành công đánh khích lệ.
Nhưng thầy Morrie vẫn chưa chết.
Sự thực cái phần khác thường trong đời thầy sắp được bộc lộ ra.
 
Đọc cái bài này, cái đoạn nằm 1 chỗ, dùng cái bô con vịt, rồi là cái khung tập đi, làm em nhớ ông ngoại em quá, 12 năm như thế. Ông em vừa mất được 10 ngày. Đến lúc ông mất rồi em mới nhận ra đáng lẽ mình đã có thể làm nhiều hơn cho ông, thế mà đã không làm :(.
 
Những ngày thứ Ba với thầy Morrie

Sinh viên



Đến đây, tôi phải giãi bày những gì đã xảy ra với tôi từ cái ngày hè tôi ghì chặt vị giáo sư yêu quí và hiền triết của tôi lần cuối, hứa hẹn sẽ giữ liên lạc với thầy.
Tôi đã không giữ liên lạc.
Thực ra, tôi đã mất liên lạc với hầu hết mọi người tôi quen trong trường đại học, gồm cả ác bạn uống bia, cả người phụ nữ đầu tiên tôi từng thức dậy với cô vào buổi sáng. Nhiều năm sau khi tốt nghiệp làm tôi cứng rắn lên, thành một ai đó hoàn toàn khác với anh sinh viên tốt nghiệp đại học khệnh khạng ra trường ngày hôm đó, đương đầu với thành phố New York, sẵn sàng cống hiến cho đời tài năng của mình.
Thế giới này, tôi đã khám phá ra, không phải tất cả đều thú vị. Tôi lông bông suốt những năm tôi mới chớm tuổi hai mươi, trả tiền thuê nhà và đọc những ô quảng cáo cá nhân, băn khoăn sao đèn không bật xanh với tôi. Giấc mộng của tôi là trở thành nhạc sỹ nổi tiếng (tôi chơi pianô), nhưng sau nhiều năm trong các câu lạc bộ đêm tối tăm vắng vẻ, những sự thất hứa, các ban nhạc tan rã và những người làm chương trình như húng thú với mọi người trừ tôi, thì Giấc Mộng đó bị chua hỏng. Lần đầu tiên trong đời, tôi nếm mùi thất bại.
Cùng thời gian đó, tôi đã lần đầu tiên chạm trán thực sự với cái chết. Người bác yêu quí của tôi - anh của mẹ tôi - người đã dạy tôi âm nhạc, dạy tôi lái xe, trêu ghẹo tôi về các cô gái, tung cho tôi một quả bóng đá - một người lớn mà tôi lấy làm gương khi còn là mọt đứa trẻ và bảo:
- Khi lớn lên, con muốn được như bác - bác đã chết vì ung thư lúc bốn mươi tư tuổi. Ông thấp và đẹp trai với bộ ria rậm, và tôi ở với ông trong nhưng năm cuối cùng của cuộc đời ông, sống trong một căn hộ ngay bên dưới căn hộ của ông. Tôi nhìn thấy thân hình mạnh mẽ của ông héo hon đi, rồi phù lên, thấy ông đau đớn đêm này qua đêm khác, cúi gập người bên bàn ăn, ấn vào bụng, mắt nhắm chặt, miệng méo xệch vì đau.
- Ái ái ái... Chúa ơi - ông rên rỉ - ái ái ái... Jêsuma! Mọi người chúng tôi - bác gái, hai con trai nhỏ của ông, tôi - đứng đó, lặng lẽ lau đĩa và quay mặt đi.
Đó là điều bất lực nhất tôi đã cảm nhận trong đời.
Một đêm tháng Năm, bác và tôi ngồi trên ban-công căn hộ của bác. Gió hiu hiu và ẩm. Ông nhìn ra đường chân trời và nói, qua hàm răng cắn chặt, rằng ông hẳn không sống trọn để thấy hai chú nhóc của mình vào năm học tới: Ông hỏi tôi xem tôi có trong nom chúng được không. Tôi bảo ông đừng nói như vậy. Ông nhìn tôi buồn bã.
Mấy tuần sau ông chết.
Sau đám tang, cuộc đời tôi đã thay đổi. Tôi cảm thấy dường như thời gian đột nhiên trở nên quí giá, nước chảy xuống mọt con mương rộng và tôi không thể theo kịp. Tôi không còn chơi nhạc trong những câu lạc bộ đêm gần như trống vắng. Không sáng tác những bài hát trong căn hộ - những bài hát không ai muốn nghe. Tôi quay lại trường, kiếm mảnh bằng thạc sỹ báo chí, kiếm được việc đầu tiên, làm người viết về thể thao. Thay vì đuổi theo những danh vọng riêng, tôi viết về những vận động viên nổi tiếng, săn lùng danh tiếng của họ. Tôi làm việc cho báo và cộng tác với tạp chí. Tôi làm việc với một tốc độ không giờ giấc, không giới hạn. Tôi thường thức dậy buổi sáng, đánh răng và ngồi xuống máy chữ vẫn mặc bộ đồ ngủ. bác tôi đã từng làm việc cho một công ty và căm ghét nó - Vẫn cùng một việc lặp lại hàng ngày - Và tôi cương quyết không bao giờ kết thúc như bác.
Tôi nhảy lòng vòng từ New York tới Florida và cuối cùng kiếm được việc ở Detroit làm một nhà báo chuyên mục cho Detroit Free Press. Sự ham mêm các môn thể thao ở thành phố đó quả là không đáp ứng nổi. Họ có những đội bóng đá, bóng rổ, bóng chày và hockey chuyên nghiệp - phù hợp với tham vọng của tôi. Sau một vài năm, tôi không chỉ phóng bút cho các chuyên mục, tôi đã viết nhiều sách về thể thao, làm các chương trình phát thanh và xuất hiện thường xuyên trên TV, nói thao thao các quan điểm của mình về các cầu thủ bóng đá giàu có và các chương trình thể thao đạo đức giả ở các trường đại học. Tôi góp phần vào cơn bão thông tin đại chúng hiện nay đang nhúng chìm cả nước Mỹ. Tôi rất có giá.
Tôi chấm dứt đi thuê. Tôi bắt đầu mua. Tôi mua một ngôi nhà trên đồi. Tôi mua nhiều ô-tô. Tôi đầu tư vào các cổ phần và dựng nên một danh sách vốn đầu tư. Tôi hết sức căng thẳng và tôi làm đủ mọi thứ, tôi làm theo kế hoạch. Tôi hoạt động như thần. Tôi lái xe với tốc độ gãy cổ. Tôi kiếm được nhiều tiên hơn là tôi đã từng mường tượng. Tôi gặp một phụ nữ tóc đen tên là Janine - dù sao thì nàng đã yêu tôi, mặc dù thời khóa biểu khắt khe và sự vắng mặt triền miên của tôi. Chúng tôi cưới nhau sau bảy năm tỏ tình. Tôi đi làm trở lại một tuần sau lễ cưới. Tôi nói với nàng - và cả chính mình - một ngày nào đó chúng ta sẽ lập một gia đình hẳn hoi - điều mà nàng ước ao. Nhưng cái ngày đó đã không bao giờ tới.
Thay vào đó, tôi vùi mình trong các thành tích, bởi vì với các thành tích tôi tưởng rằng tôi kiểm soát được nhiều thứ. Tôi có thể vắt cạn từng mẩu hạnh phúc cuối cùng trước khi ốm và chết như bác tôi, tôi nghĩ đó là số phận tự nhiên của tôi.
Thế còn thầy Morrie thì sao? Thỉnh thoảng tôi nhớ đến thầy, đến những điều thầy đã dạy tôi về "con người" và "quan hệ với người khác", nhưng luôn luôn xa cách, dường như từ một cuộc sống khác. Qua nhiều năm, tôi đã quăng đi bất kỳ thư từ nào gửi đến từ trường đại học Bradeis, cho là họ chỉ hỏi xin tiền. Vì thế tôi không biết bệnh tình của thầy Morrie. Những người có thể nói với tôi, thì tôi đã quên lâu rồi, số điện thoại của họ nhét vào chiếc hộp cất trên gác xép.
Câu chuyện có thể đã dừng lại chỗ đó nếu tôi không được xem lướt các kênh truyền hình mọt đêm khuya, khi tai tôi bắt được một tin...
 
Những ngày thứ Ba với thầy Morrie

Chương trình nghe - nhìn



Tháng 3 năm 1995, một chiếc Limousine đưa Ted Koppel, người giới thiệu Chương trình "Đêm khuya" trên đài truyền hình ABC, lên hè đường phủ đầy tuyết bên ngoài nhà của thầy Morrie ở West Newton, Massachusetts.
Bây giờ thầy ở trên chiếc ghế đẩy suốt ngày. Nhờ người giúp nâng thầy lên như một bao tải nặng từ ghế vào giường và từ giường lên ghế. Thầy bắt đầu ho khi ăn, và nhai ít một. Chân thầy đã chết, thầy không bao giờ đi được nữa.
Tuy vậy thầy nhất định không chịu suy sụp. Thay vào đó, thầy trở thành một cột thu lôi của tư tưởng. Thầy ghi nhanh những suy nghĩ lên những tập giấy màu vàng, lên những chiếc phong bì, những hồ sơ, giấy vụn. Thầy viết những triết lý vụn về cuộc sống với bóng ma thần chết."Chấp nhận những gì mình có thể làm và những gì mình không thể làm được", "Chấp nhận quá khứ là quá khứ, không phủ nhận hay loại bỏ nó", "Học cách biết tha thứ cho mình và cho người", "Đừng cho là quá muộn để tham gia vào".
Sau một lúc, thầy có hơn 50 câu cách ngôn để chia xẻ với bạn bè. Một người bạn - một vị giáo sư ở Brandeis tên là Maurie Stein thích những lời của thầy đến nỗi đem gửi cho một phóng viên tờ Boston Globe, người này đã xuất bản và viết một chuyện dài đầy đủ về Morrie. Đề mục đọc là:

KHÓA HỌC CUỐI CÙNG CỦA MỘT GIÁO SƯ:
CÁI CHẾT CỦA ÔNG​

Bài báo lọt vào mắt một nhà làm phim của Chương trình "Đêm khuya", phóng viên này đã đưa bài báo cho Koppel ở Washington D.C.
- Hãy liếc qua bản này đi! Nhà làm phim nói.
Tiếp theo thì mọi người đã biết rồi, có nhiều nhà quay phim trong phòng khách của thầy Morrie và chiếc Limousine của Koppel và khi con người nổi tiếng ấy bước vào nhà, họ nhao nhao lên - Tất cả, trừ thầy Morrie, thầy từ từ lăn ghế lên phía trước, nhướn lông mày và ngắt sự ồn ào bằng giọng cao như hát:
- Ted, tôi cần kiểm tra anh trước khi đồng ý làm phỏng vấn.
Lúng túng im lặng một lúc, rồi hai người được dẫn vào thư phòng. Cửa đóng lại.
- Trời ơi! - Một người bạn thì thầm bên ngoài cửa - tôi hy vọng Ted nương nhẹ Morrie.
- Tôi hy vọng Morrie nương nhẹ với Ted - người khác nói.
Trong thư phòng, thầy Morrie ra hiệu cho Koppel ngồi xuống. Thầy bắt chéo tay trên đầu gối và mỉm cười.
- Hãy nói cho tôi biết thứ gì gẫn gũi với trái tim anh - thầy Morie bắt đầu.
- Trái tim tôi ư?
Koppel lặng nhìn ông già Morrie.
- Được thôi, ông nói thận trọng và ông kể về những đứa con ông. Chúng gần gũi với trái tim ông nhất, chẳng phải vậy sao?
- Tốt - thầy Morrie nói. Giờ thì anh hãy cho tôi biết về niềm tin của anh.
Koppel không thoải mái.
- Tôi thường không nói về những điều như vậy với những người tôi chỉ vừa quen mấy phút.
- Ted, tôi đang chết - thầy nói, chăm chú nhìn phía trên cặp kính - tôi không có nhiều thời gian đâu.
Koppel cười phá. Được thôi, về niềm tin ư? Ông trích dẫn một đoạn của Marcus Aurelius (1), một điều gì đó mà ông cảm nhận rất mạnh mẽ.
Thầy gật đầu.
- Giờ hãy cho tôi hỏi anh điều gì đó, Koppel nói - Anh đã bao giờ xem chương trình của tôi chưa?
Thầy nhún vai:
- Tôi nghĩ là hai lần.
- Hai lần? Có thế thôi ư?
- Đừng cho là tồi tệ. Tôi chỉ xem "Oprah" một lần.
- Thế hai lần anh xem chương trình của tôi, anh nghĩ thế nào?
Thầy Morrie dừng lại:
- Cho nói thực nhé?
- Xin mời!
- Tôi nghĩ là anh là một người tự mê bản thân quá!
- Tôi quá xấu xí nên không tự mê mình được.



(1) Hoàng đế La Mã nổi tiếng là một nhà hiền triết của phái khắc kỷ.
 
Những ngày thứ Ba với thầy Morrie

Liền sau đó, các máy quay phim quay ở đằng trước lò sưởi phòng khách, Koppel trong bộ complê màu xanh sáng và thầy Morrie mặc chiếc áo len lông màu xám. Thầy đã từ chối những quần áo hợp mốt và từ chối trang điểm để dự cuộc phỏng vấn này. Triết lý của thầy là trước mặt thần chết không được lúng túng, thầy không để đánh phấn lên mũi đâu.
Bởi vì thầy ngồi trong ghế đẩy, máy quay không bắt được đôi chân teo tóp của thầy. Và vì thầy vẫn có thể cử động đôi tay - thầy luôn luôn nói chuyện với hai tay vung vẩy. Thầy bộc lộ một cách say sưa khi giải thích về con người ta đối mặt với sự kết thúc cuộc đời thế nào.
- Ted, thầy nói, khi tất cả bệnh này bắt đầu, tôi tự hỏi "Phải chăng, tôi sắp rút lui khỏi thế giới này, như hầu hết mọi người, hoặc tôi sẽ sống?" Tôi quyết định tôi phải sống - hay ít nhất gắng mà sống - theo kiểu tôi muốn, bằng phẩm cách, lòng can đảm, hài hước, điềm tĩnh.
Có những buổi sáng, tôi khóc lóc và thương tiếc cho bản thân. Có những buổi sáng, tôi bực tức và cay đắng, nhưng không kéo dài quá lâu. Rồi tôi trở dậy và nói "Mình muốn sống.."
Cho đến nay, tôi đã từng làm như thế. Tôi có thể tiếp tục không? Tôi biết. Nhưng tôi cuộc với bản thân rằng tôi sẽ tiếp tục làm thế.
Koppel hình như cực kỳ bị Morrie lôi cuốn. Ông hỏi về sự khiêm nhường mà thần chết mang lại.
- Ồ, Fred. Thầy buột miệng, rồi thầy vội vàng tự chữ - tôi muốn nói Ted...
- Ô, như thế là mang đến sự khiêm nhường đấy - Koppel nói, cười phá.
Hai người nói chuyện về kiếp sau, về sự lệ thuộc vào người khác càng tăng của thầy Morrie. Thầy đã cần giúp khi ăn, khi ngồi, di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác. Koppel hỏi thầy đã sợ gì nhất về sự suy sụp từ từ, âm thầm của thầy.
Thầy dừng lại. Thầy hỏi xem thầy có thể nói điều nào đó trên truyền hình không?
Koppel bảo cứ việc. Thầy Morrie nhìn thẳng vào mắt nhà phỏng vấn nổi tiếng nhất nước Mỹ:
- Tốt, Ted, một ngày gần đây ai đó sẽ phải chùi mông cho tôi.



Chương trình đó phát vào một tối thứ Sáu, được bắt đầu với Ted Koppek ngồi đằng sau chiếc bàn ở Washington, giọng ông vang lên đầy uy nghi:
- Morrie Schwartz là ai, ông nói, tại sao vào cuối chương trình tối nay, nhiều người trong các bạn sẽ phải quan tâm tới ông?
Cách xa hàng nghìn dặm, trong nhà tôi ở trên đồi, tôi tình cờ mở các kênh, tôi nghe thấy những lời từ chiếc máy truyền hình - "Morrie Schwartz là ai?" - và tôi chết lặng.
 
Những ngày thứ Ba với thầy Morrie

Đó là lớp đầu tiên của chúng tôi, vào mùa xuân năm 1976. Tôi vào phòng làm việc rộng của thầy Morrie và thấy sách hình như không đếm xuể, xếp hàng trên tường, giá này chồng lên giá kia. Sách về xã hội học, triết học, tôn giáo, tâm lý học. Một chiếc thảm lớn trên sàn gỗ và một cửa sổ trông ra lối di dạo ở trường. Chừng hơn chục sinh viên ở đó, luống cuống với những vở ghi và kế hoạch học tập. Hầu hết họ mặc quần bò, giầy đế trệt (1) và áo sơ mi vải flannel kẻ ô. Tôi tự nhủ sẽ chẳng dễ gì nhảy lớp. Có thể tôi sẽ không học lớp này.
- Mitchell - thầy Morrie nói, đọc từ bảng điểm danh.
Tôi giơ tay lên.
- Cậu thích Mitch hơn hay là Mitchell hơn?
Tôi chưa từng bao giờ bị một thầy giáo hỏi như thế này. Tôi ngạc nhiên liếc mắt hai lần nhìn con người ấy, áo cổ lọ màu vàng, quần nhung kẻ xanh lá cây, mái tóc bạc rủ xuống trán. Thầy đang mỉm cười.
- Mitch - tôi nói - Bạn em gọi em là Mitch.
- Được, Mitch - cứ thế nhé - thầy Morrie nói gần như kêt thúc sự thỏa thuận - và này, Mitch chứ?
- Gì cơ ạ?
- Tôi hy vọng một ngày nào đó cậu sẽ coi tôi là bạn.




(1) mốt giầy những năm 70.
 
Những ngày thứ Ba với thầy Morrie

Khi tôi quay chiếc xe thuê vào phố nhà thầy Morrie ở West Newton - một vùng ngoại ô yên tĩnh của Boston. Một tay cầm tách cà phê, chiếc điện thoại vô tuyến kẹp giữa tai và tai, tôi nói chuyện với nhà làm phim truyền hình về một phim chúng tôi đang làm. Mắt tôi nhảy ra khỏi chiếc đồng hồ kỹ thuật số - chỉ còn vài giờ nữa là đến chuyến bay trở về của tôi. Con số các thùng thư đến chuyến bay trở về của tôi. Con số các thùng thư trên con phố ngoại ô trồng cây hai bên đường. Chiếc đài trong xe đang mở, kênh phát đủ loại tin tức. Đây là cách tôi làm việc, năm thứ cùng lúc.
- Quay tua băng lại đi - tôi nói với nhà làm phim - để tôi thử nghe lại đoạn đó.
- Được thôi. Ông ta nói - Cứ tiếp tục lần thứ hai đi.
Bỗng tôi đã tới trước nhà thầy. Tôi hãm phanh, làm rớt cà phê trên đầu gối. Khi chiếc xe dừng lại, tôi lướt nhìn một cây gỗ thích Nhật Bản to và ba người đang ngồi gần đấy, trên đường xe chạy, một thanh niên, một phụ nữ trung niên, bên cạnh một ông già nhỏ bé trên chiếc ghế đẩy.
Thầy Morrie.
Nhìn thấy vị giáo sư già của tôi, tôi sững người ra.
- Xin chào - nhà làm phim vẫn nói vào tai tôi - "Tôi không nghe được anh nữa..."
Tôi đã không gặp thầy trong mười sáu năm trời. Mái tóc thầy thưa hơn, bạc gần hết và gương mặt thầy hốc hác. Tôi đột nhiên cảm thấy không chuẩn bị cho cuộc đoàn tụ này - thứ nhất là vì tôi đang gắn vào chiếc điện thoại - và tôi hy vọng thầy không thấy tôi đến, để tôi có thể lái xe vòng quanh khu nhà thêm vài lần nữa, hoanthanhf cho xong công việc và chuẩn bị tư tưởng. Nhưng thầy Morrie - hình dạng mới và khô héo của con người tôi từng biết rất rõ đang mỉm cười trước xe, tay chắp trên đầu gối chờ tôi ló đầu ra.
- Sao thế? Nhà làm phim lại nói - Anh ở đó phải không?
Vì suốt thời gian chúng tôi đã từng bên nhau, vì tất cả sự tử tế và kiên nhẫn thầy Morrie đã dành cho tôi khi tôi còn trẻ, nhẽ ra tôi phải vứt điện thoại xuống và nhảy ra khỏi xe, chạy đến ôm thầy, hôn chào thầy.
Thay vì thế, tôi tắt áy ô-tô và khom khom cúi xuống, rời khỏi chỗ ngồi, như thể đang tìm gì đó.
- Vâng, vâng tôi đây - Tôi thì thào và tiếp tục trao đổi với nhà làm phim truyền hình đến kỳ xong.
Tôi đã làm những gì để tôi trở thành giỏi giang nhất trong công việc. Tôi hiến mình cho công việc ngay cả khi vị giáo sư đang chết của tôi chờ tôi trên bãi cỏ trước nhà. Tôi chẳng hãnh diện gì về việc này, nhưng đó là những gì tôi đã làm.
 
Những ngày thứ Ba với thầy Morrie

Năm phút sau, thầy Morrie đã ôm ghì tôi, mái tóc thưa của thầy cọ vào gò má tôi. Tôi bảo với thầy rằng tôi đang tìm chùm chìa khóa, đó là lý do tôi ở lâu thế trong xe, và tôi ghì thầy chặt hơn, dường như tôi có thể nghiền vụn lời nói dối nhỏ bé của tôi. Mặc dù nắng xuân ấm áp, thầy vẫn mặc một áo gió và chân được phủ chăn. Thầy có mùi hơi chua chua như kiểu những người trong ngành y thỉnh thoảng vẫn có. Mặt thầy ép sát vào mặt tôi, tôi có thể nghe tiếng thở nặng nhọc bên tai.
- Cố nhân ơi, thầy thì thầm - cuối cùng thì cậu đã về.
Thầy tựa vào tôi lắc lư, không rời ra, tay thầy với lên lông mày tôi khi tôi cúi xuống thầy. Tôi ngạc nhiên về tình đầm ấm sau bao nhiêu năm, thế mà, trong những bức tường đá tôi đã dựng nên giữa hiện tại và quá khứ, tôi quên mất là chúng tôi đã từng có thời thân thiết biết bao! Tôi nhó ngày tốt nghiệp, chiếc cặp da, những giọt nước mắt của thầy khi tôi ra đi, và tôi dằn sâu xuống, bởi vì tôi biết rằng tôi không còn là cậu sinh viên tốt bụng tặng quà mà thầy vẫn nhớ.
Tôi chỉ hy vọng rằng trong mấy tiếng đồng hồ nữa, tôi có thể lừa thầy.
Ở trong nhà, chúng tôi ngồi bên chiếc bàn ăn bằng gỗ cây óc chó, gần cửa sổ nhìn sang nhà hàng xóm. Thầy Morrie lúng túng với chiếc ghế đẩy, cố gắng ngồi cho thoải mái. Theo tập quán của thầy, thầy muốn cho tôi ăn và tôi nói vâng ạ. Một trong những người giúp việc - một phụ nữ Ý mập mạp tên là Connie cắt bánh mỳ, cà chua và đem đến những hộp sa lát giò, món nộm khai vị và tabouli.
Bà cũng đem mấy viên thuốc. Thầy Morrie nhìn thuốc thở dài. Mắt thầy trũng xuống hơn tôi tưởng và gò má thầy gồ lên hơn - khiến thầy có vẻ khắc khổ hơn, già hơn - cho tới lúc thầy mỉm cười, tất nhiên và hai má bị lõm giờ căng lên như chiếc rèm.
- Mitch, thầy nói nhẹ nhàng - cậu biết tôi đang chết chứ.
- Em biết.
- Được, thế thì - thầy nuốt những viên thuốc, đặt chiếc cốc bằng giấy xuống, hít vào sâu, rồi thở ra - Tôi sẽ kể cho cậu biết chuyện đó ra sao.
- Chuyện gì ra sao? Chết ư?
- Đúng, thầy nói.
Mặc dầu tôi không nhận thức ra điều này, lớp học cuối cùng đã khai giảng.
 
Những ngày thứ Ba với thầy Morrie

Đó là năm sinh viên đầu tiên của tôi. Thầy Morrie nhiều tuổi hơn hầu hết các giáo viên, còn tôi trẻ hơn hầu hết các sinh viên, vì tốt nghiệp trung học sớm hơn một năm. Để bù cho tuổi non trẻ của tôi ở trường đại học, tôi mặc những áo len cộc tay xám cũ, đánh quyền anh ở một đội địa phương và đi dạo lòng vòng với điếu thuốc không cháy trên miệng, mặc dù tôi không hút thuốc. Tôi lái một chiếc Mercury Cougar rúm ró, với những ô cửa thấp xuống và mở nhạc. Tôi tìm kiếm nhân cách của tôi trong sự cứng cỏi - nhưng chính sự mềm mại của thầy Morrie đã hấp dẫn tôi và vì thầy không coi tôi như một đứa trẻ cố gắng tự vượt bản thân, cho nên tôi cảm thấy thoải mái.
Tôi kết thúc khóa học đầu tiên với thầy và ghi tên lên lớp khác. Thầy là một người cho điểm dễ, thầy không quan tâm nhiều đến điểm số. Có một năm người ta kể, trong thời gian chiến tranh Việt Nam, thầy Morrie cho tất cả các sinh viên nam điểm A, để giúp học được kéo dài đời sinh viên.
Tôi bắt đầu gọi thầy Morrie là "Huấn luyên viên" theo cách tôi đã từng gọi huấn luỵen viên môn chạy và nhảy ở trường trung học của tôi. Thầy Morrie thích tên húy này.
- Huấn luyện viên ư? Đồng ý. Tôi sẽ là huấn luyện viên của cậu. Và cậu có thể là cầu thủ của tôi. Cậu có thể đóng tất cả các vai yêu thích của cuộc sống mà tôi đã quá tuổi để đóng.
Thỉnh thoảng chúng tôi ăn với nhau ở quán. Thầy Morrie và tôi rất thích thú điều này. Thậm chí thầy còn phóng túng hơn tôi. Thầy nói chuyện thay cho nhai, cười há hốc, trình bày một ý nghĩ sôi nổi qua miệng đầy trứng sa lát, những mẩu nhỏ vàng bám ở răng.
Điều ấy làm tôi bật cười. Suốt thời gian quen thầy, tôi có hai nguyện vọng lớn là ôm chặt thầy và tặng thầy một chiếc khăn ăn.
 
Những ngày thứ Ba với thầy Morrie

Lớp học



Mặt trời rọi qua cửa sổ phòng ăn, chiếu sáng lên sàn gỗ. Chúng tôi đã nói chuyện ở đó gần hai tiếng đồng hồ. Điện thoại lại reo nữa và thầy Morrie gọi người giúp việc - Connie nhấc máy, chị đã ghi nhanh tên người gọi vào cuốn sonhor màu đen ghi các cuộc hẹn của thầy. Các bạn bè, các thầy giáo dạy môn thiền đinh. Một nhóm tranh luận. Ai đó muốn chụp ảnh thầy cho một tạp chí. Rõ ràng tôi không phải là người duy nhất quan tâm thăm viếng vị giáo sư già của tôi. Sự hiện diện trên "Đêm khuya" đã khiến thầy trở thành nhân vật nổi tiếng. Nhưng tôi - rất ấn tượng - có lẽ hơi đố kỵ vì thầy Morrie dường như có tất cả bạn bè. Tôi nghĩ đén các thằng bạn nối khố đương lượn vòng lại trong quỹ đạo trường đại học.
Họ biến đâu rồi?
- Cậu biết không, Mitch, giờ thì tôi đang chết thế đấy. Tôi trở thành được mọi người quan tâm nhiều hơn.
- Thầy lúc nào chả đáng được quan tâm.
- Hừ, thầy Morrie mỉm cười, cậu quá tốt với tôi nên nói thế.
Không, đâu phải thế, tôi nghĩ thầm.
- Thế này nhé - thầy nói - Mọi người coi tôi như một chiếc cầu. Tôi không sống như tôi thường sống, nhưng tôi vẫn chưa chết. Tôi thuộc loại... chập chờn ở giữa.
Thầy ho, rồi thầy lấy lại nụ cười.
- Tôi đang trên hành trình lớn cuối cùng tại đây - và mọi người muốn hỏi tôi nói với họ phải sắp xếp những hành lý gì.
Điện thoại lạ reo.
- Ông Morrie, ông có thể nói không ạ? Connie hỏi.
- Tôi hiện đang nói chuyện với một bạn học cũ - thầy tuyên bố - cứ để chốc họ gọi lại.
Tôi không thể kể với mọi người tại sao thầy đón tiếp tôi nồng hậu thế. Tôi khó mà trở thành người sinh viên đầy hứa hẹn đã chia tay gần mười sáu năm trời. Nếu không có chương trình "Đêm khuya" thầy Morrie có thể chết mà không gặp lại tôi. Tôi đã không có lý do chính đáng về sai trái này, trừ cái lý do mà mọi người trong những ngày tháng này thường có: Tôi quá ngợp trong bài ca quyến rũ về cuộc sống riêng của mình. Tôi bận quá.
Chuyện gì đã xảy ra với tôi? Tôi tự hỏi. Cái giọng cao khàn thuốc của thầy Morrie đưa tôi trở lại với những năm tháng đại học, khi tôi nghĩ những người giàu là đồ tồi, sơ mi và cà vạt là thứ quần áo nhà tù, và cuộc sống không có tự do đứng dậy mà đi - phóng xe máy gió thổi vù vù trước mặt, xuống khu trung tâm Paris hay vào vùng núi Tây Tạng; không phải cuộc sống tốt đẹp. Điều gì đã xảy ra vớ tôi nhỉ?

Những năm tám mươi đã đến. Nhưng năm chín mươi đã đến. Cái chết và sự đau ốm, rồi trở nên phát phì và cái sự đầu hói đã đến rồi. Tôi đánh đổi nhiều ước mơ lấy một phiếu trả tiền lớn hơn, và tôi chưa từng bao giờ nhận thức được tôi đang làm điều đó.

Tuy nhiên, đây là thầy Morrie đang nói về những năm thang đại học kỳ diệu của chúng tôi, dường như, tôi chỉ mới đi nghỉ hè dài về - đơn giản thế thôi.

- Cậu đã tìm được ai chia xẻ trái tim chưa? thầy hỏi.

- Cậu đang đóng góp cho cộng đồng chứ?

- Cậu có sống yên bình với bản thân không?

- Cậu có đang cố làm cho mình có chất người với khả năng của mình không?

Tôi vòng vo, muốn bày tỏ là tôi đã nắm vững sâu sắc những câu hỏi như thế. Chuyện gì đã xảy ra với tôi? Tôi đã từng hứa với bản thân rằng sẽ không bao giờ làm việc vì tiền, tôi sẽ tham gia những Đội Hòa Bình (1), rằng tối sẽ sống ở những nơi đẹp đẽ và đầy cảm hứng.

Thế mà, tôi ở thành phố Detroit đã đựoc mười năm, vẫn nơi làm việc ấy, sử dụng vẫn ngân hàng ấy, vẫn người thợ cắt tóc ấy. Tôi 37 tuổi, có năng lực hơn hồi đại học và gắn chặt vào những chiếc máy vi tính và những modem, những máy điện thoại vô tuyến.
Tôi viết nhiều bài báo về các vận động viên giàu có, phần lớn là ưu tú nhất, không quan tâm đến người khác cũng như tôi. Tôi không còn trẻ nữa để vào nhóm những người như tôi, hoặc đi dạo ột vòng trong chiếc áo len màu xám với điếu thuốc không cháy trên miệng. Tôi không có những cuộc thảo luận kéo dài về ý nghĩa cuộc sống trong khi ăn những chiếc bánh kẹp sa-lát trứng.

Ngày giờ của tôi đầy ắp, nhưng tôi vẫn nhiều khi không hài lòng.
Cái gì xảy ra với tôi?

- Thưa Huấn luyện viên - tôi chợt nói nhớ lại tên húy của thầy.

Thầy Morrie cười rạng rỡ:

- Thế mới là tôi chứ - tôi vẫn là huấn luyện viên của cậu.

Thầy cười phá và lại tiếp tục ăn - một bữa ăn thầy đã bắt đầu cách đây 40 hút. Tôi ngắm nhìn thầy lúc này, hai tay thầy cử động thận trọng như thể thầy đang học cách dùng dao đúng lần đầu. Rõ ràng thầy không thể ấn dao xuống. Những ngón tay thầy run rẩy, mỗi miếng là một cuộc vật lộn, thầy nhai thức ăn kỹ trước khi nuốt, và thỉnh thoảng lại rớt ra hai mép, đến nỗi thây phải đặt những thứ thầy đang cầm xuống lau nhẹ bằng khăn ăn. Làn da tư cổ tay tới mu bàn tay thầy lấm chấm đồi mồi và nhão nhớt giống như da gà trong nồi cháo.

Chúng tôi ăn như thế trong một lúc, một ông già đau yếu, một người khỏe mạnh trẻ hơn, cả hai chìm trong sự yên ắng của căn phòng. Tôi muốn nói đó là một sự im lặng lúng túng, nhưng dường như chỉ mình tôi bị lúng túng.

- Chết- thầy Morrie đột nhiên nói - là điều duy nhất phải buồn, Mitch ạ. Sống bất hạnh là điều khác vì thế, nhiều người tới thăm tôi cũng chẳng sung sướng gì.

- Tại sao?

- Ồ, có một điều là nền văn hóa của chúng ta không làm cho mọi người cảm thấy hài lòng với bản thân. Chúng ta đang dạy nhiều thứ sai lầm và con người phải mạnh mẽ lắm mới nói được nếu nền văn hóa không ổn thì chớ mua nó. Hãy tạo ra nền văn hóa riêng của mỗi người. Đa số con người không thể làm việc đó. Họ bất hạnh hơn tôi - ngay cả trong điều kiện hiện nay của tôi. Có thể tôi đang chết, quanh tôi là tâm hồn yêu thương và quan tâm đến tôi. Thử hỏi có bao nhiêu kẻ được như tôi?

Tôi ngạc nhiên vì thầy hoàn toàn không than thân trách phận. Thầy Morrie, người không thể khiêu vũ, bơi, tắm, hoặc đi bộ được nữa thầy Morrie, người không thể tự mở cửa phòng mình, lau khô mình sau khi tắm hương sen, ngay cả trở mình trên giường. Làm sao thầy có thể chấp nhận như thế? Tôi nhìn thầy đánh vật với chiếc dĩa, xiên một miếng cà chua, mất hai lần mới xiên được miếng thứ nhất - một cảnh khốn khổ, và tuy vậy tôi không thể phủ nhận là ngồi trước mặt thầy tôi như cảm thấy luồng gió nhẹ dịu mát, hầu như bình thản một cách kỳ diệu, đã từng làm tâm hồn tôi dịu lại khi ở trường đại học.

Tôi vụt nhìn đồng hồ tay - do thói quen - đã muộn và tôi nghĩ đến đổi chuyến bay về nhà đã giữ chỗ trước. Lúc đó, thầy Morrie đã làm một điều ám ảnh tôi cho đến ngày hôm nay.



(1) Để đi phục vụ các nước thế giới thứ 3
 
Back
Bên trên