Lớp Văn 95-98

Phan Thu Hà
(haphanthu)

Administrator
Tự bạch 12 Văn

28, con số không nhiều như các lớp A1, A2, A3.., cũng chẳng ít như Nga Toán, nhưng lại là một con số đẹp, "nhị thập bát tú" - những thành viên của 12 Văn.

Hình như điều đầu tiên mọi người nghĩ về 12V chỉ là "Cái lớp ấy có mỗi một boy!". Phải công nhận đó là một điểm (mạnh hay yếu đây?) nổi bật của lớp chúng tôi. Nhưng đâu chỉ có thế! Chúng tôi còn có 27 girls nữa chứ!


Con gái lớp V lãng mạn?

Ðồng ý chúng tôi biết chế biến thơ và nhá văn. Song có lẽ chúng tôi không thua kém gì các lớp ngữ trong việc xì xồ công kích các friends trường quốc tế cũng như các lớp tự nhiên trong việc đá bóng làm vỡ cửa kính không dưới năm lần! Chúng tôi lập đội bóng ngay từ đầu năm lớp 10. Và không biết có được coi là một trong những lớp đi đầu trong phong trào đá bóng nữ rộ lên năm lớp 11 không?

Cũng trong năm lớp 10 chúng tôi đã có Màu thời gian, chẳng hiểu có phải là một trong những tờ báo đầu tiên được in ấn và phát hành trong trường không nhỉ? Ai cũng luôn tự hào về lớp mình. Vì thế những lời tự bạch ở trên không nhằm gì khác ngoài một sự khẳng định: Chúng tôi hãnh diện được là 12 Văn!
 
Hoài niệm

Nhớ không anh con đường bằng lăng tím
Mùa hạ nào áo trắng khóc trong mơ
Một thời hoa hiền dịu tóc ai bay
Hoàng liên ơi, chỉ còn trong nỗi nhớ

Phương xa kia bạn bè rồi ai nhớ
Cánh phượng nào thùy mị nép vào thơ
Hay để mặc hoàng diệp vùi kí ức
Cho bình minh lạnh lẽo thiếu vầng dương

Sớm thu ấy, chim oanh tần ngần hót
Tiếng chim thanh xao động cõi vĩnh hằng
Giọt ngọc long lanh bờ mi quá vãng
Con sóng kiên cường ra Đông Hải tìm chi

Ta bé nhỏ trước tràng giang điệp điệp
Xin nắng mưa đừng hà khắc với lòng
Mong giữ lại giữa mịt mờ gió cát
Ðức hạnh thảo hiền thời áo trắng riêng em.
 
Chuyện cố tích hiện đại
"Đây là một câu chuyện cổ tích có thật trong kho tàng chuyện… bịa của 12 Văn".

Ngày xửa ngày xưa, ở một vương quốc nọ có một nàng công chúa xinh đẹp. Cha nàng đã ra đi bỏ lại cho hai mẹ con nàng một đất nước hỗn loạn, toàn vịt trời. Vì chưa có ai kế nghiệp nên mẹ nàng tạm thời cai trị. Tuy nhiên, bà rất mệt mỏi nên quyết định sẽ kén rể cho con gái mình (trước khi "vịt" hoá "ngỗng").

Trong vương quốc có một chàng tiều phu "giàu có". Chàng rất yêu nàng công chúa nên chạy đến ghi tên đầu tiên vào danh sách xin tham gia thi chọn hoa hậu "nam" làm hoàng tử.

Ở nước láng giềng cũng có hai chàng thợ săn xin đăng ký dự thi. Hai chàng đó để ý đến nàng qua những cuộc đi săn trộm ở khu rừng thuộc quyền cai trị của nước nàng.

Trước tiên xin tả ngoại hình và sở thích của công chúa. Đây là một nàng công chúa đẹp nghiên giếng nghiêng chậu với mái tóc tém và đôi mắt to do đeo kính cận. Nàng thích cười và hay cười. Ước mơ của nàng là sẽ lấy được người chồng giỏi giang và nhất là không cận như nàng. Biết được những điều này, chàng tiều phu nọ vốn bị cận vội giấu ngay kính đi. Còn hai chàng trai nước láng giềng: một cận và một không cận, thì biểu lộ thái độ kiểu khác. Chàng cận thì ra sức cãi là "kính râm, kính làm điệu" (nhưng chàng không thể bỏ ra được vì đã cận quá nặng, nếu bỏ ra thì không nhìn thấy gì, dễ quờ quạng nhầm cô xấu). Còn chàng không cận kia thì sướng rơn, hy vọng rất nhiều nên lúc nào cũng "tủm tỉm" cười (ôi nụ cười đó mới đẹp làm sao).

Cuộc thi đã diễn ra vào một ngày đẹp trời. Đó là một ngày nắng, đêm không mưa, nhiệt độ từ 26oC đến 32oC, rất thích hợp cho việc trình diễn thời trang.

Chàng tiều phu diện bộ "tủ" nhất của mình là bộ quần bò xé + vá, cho đúng tính chất tiều phu. Bên trong túi có giấu một khẩu súng phun nước. Chàng nghĩ "nếu không được thì sẽ giơ súng ra làm như thật… và nàng công chúa sẽ ngất, và ta sẽ tóm về nhà… há há…". Nghĩ vậy, chàng cười rất to, rơi cả răng giả ra (nguyên nhân chàng đeo răng giả xin giải thích sau).

Còn hai chàng trai nước láng giềng thì đồng phục: áo thun ba lỗ + quần bò soóc. Họ nghĩ rằng thời đại bây giờ tân tiến, mọi người đều chơi tennís nên mặc như vậy là "gu" nhất. Tuy thế, trong túi chàng cận có tới hai con dao găm và nhân vật còn lại thì nhét phi tiêu đầy túi. Trông cả ba người rất quyết tâm "tận dụng cơ hội, chớp lấy thời cơ và giành phần thắng về mình".

Nàng công chúa ngồi từ trên gác thượng một tầng hướng đôi mắt to xuống theo dõi cuộc thi.

Vòng một, ba người phải trình diễn trang phục tự chọn nhưng vì quá xấu nên đạt điểm tối đa vào thẳng vòng hai.

Vòng hai là thi tài năng bắn súng. Đây là vòng thi đầy gay go và quyết liệt. Mỗi người được phát một khẩu súng thật. Họ sẽ quay lưng vào nhau tiến về ba hướng khác nhau. Sau tám bước quay lại thì phải hạ gục thật nhanh hai đối thủ kia. Chàng tiều phu có ý tưởng ăn gian: năm bước đã quay lại và rút súng ra. Nhưng ôi thôi chàng rút nhầm súng phun nước, bắn tung toé ướt sũng cả hai chàng kia.

Chàng thợ săn không cận sau sáu bước cũng ăn gian quay lại định bắn. Nhưng súng của chàng đã bị tưới đẫm nước, do đó bị tịt, tắc không nhả ra đạn. Còn chàng cận nặng cuối cùng đi đúng tám bước rồi vọt chạy thẳng mất vì sợ sẽ bị khử trước khi bắn trúng được ai. Chàng ta không tự tin lắm vào đôi mắt "tinh tường" của mình.

Như vậy chỉ còn hai người chiến thắng bước tiếp vào vòng chung kết. Đó là thi ngoại hình. Cụ thể là khuôn mặt, nụ cười, dáng đi.

Biết được đối thủ của mình lợi thế hơn ở hàm răng (công chúa rất thích những người có răng khểnh), vì vậy chàng tiều phu đã đi đặt một bộ răng giả mà khểnh cả hàm. Chàng đeo vào, mong nụ cười sẽ duyên dáng hơn.

Giám khảo là bà hoàng hậu với sáu vị thân tín khác. Sau một thời gian làm việc công bằng và chính xác, kết quả là cả hai cùng đạt số điểm bằng nhau. Và nàng công chúa phải tự chọn cho mình.

Vì quá xúc động và ngượng ngùng, nàng đã giấu mình vào phòng the trong suốt bữa trưa. Cuối cùng, nàng thỏ thẻ với mọi người "Em xin chọn chàng dùng hàng thật với răng thật và mắt thật. Hí hí".

Bạn có biết đó là ai chưa? Thấy có xứng đáng không? Xin một tràng pháo tay an ủi.

Lời cuối: Các nhân vật ở đây là có thật và xin tiết lộ với các bạn một điều: chàng tiều phu giàu có ở đây là bạn Mít lớp tôi. Thương cảm trước tình cảnh của bạn, tôi không giúp được gì, chỉ xin khuyên chàng về sau hãy đi buôn vũ khí và axit! Nếu cần, hãy cố gắng sửa một hàm răng khểnh hơn nữa vì đó là yêu cầu cao giá nhất của nàng công chúa cận. Và biết đâu còn là của các cô gái mà chàng "tăm tia" sau này.
 
Nghiêng 23 độ 4

Sẽ là đau khổ cho các "iem" lớp Sinh khi mà chúng tôi khơi lại vết thương lòng mà không nói ra thì cũng không ai không biết. Nhưng theo một ông có tên là Massillon thì "Mình thế nào mà không dám tỏ ra như thế là tự khinh mình", vì vậy chúng tôi sẽ là tự khinh mình nếu chúng tôi không nhận rằng đã khiến cho các "iem" lớp Sinh hai lần "phơi áo" (ấy chết! phạm huý mất rồi), hai lần không thắng chúng tôi trên sân cỏ, sân cát hay sân xi măng dù cho có sự cổ vũ nồng nhiệt của tất cả các loại khoai cộng lại. Tất nhiên đó chỉ là sự mở đầu cho một chặng đường chinh phục vinh quanh mà chúng tôi có thể lên được đến đỉnh nếu như có thêm một chút may mắn.

Có lẽ sẽ không một bạn gái nào không thông cảm cho "cô thủ môn tội nghiệp" TD của chúng tôi vì theo chỉ thị của ban huấn luyện là ăn, ăn nữa, ăn mãi cho đến khi nào tiền đạo đối phương không nhìn thấy khung thành ở đâu mới thôi. Tuy nhiên, thấy như thế là có vẻ chơi không đẹp nên TD đã "tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính", sáng nào cũng tập bay, tập lăn đến nỗi thấy vật gì bay là vồ lấy như một phản xạ không điều kiện (vô phúc cho bọn máy bay nào dám lượn lờ trước cổng trường Ams!).

Nhưng như cổ nhân thường nói, "núi cao lại có núi cao hơn", nên trước các tiền đạo dư thừa Milo, Ovantine buổi chiều thì thủ môn TD bỏng ngô, thịt bò khô xem chừng có phần lép vế, vì thế đội bóng 12 Văn sẽ không thể là đội bóng ít bị thủng lưới nhất nếu thiếu đi một hàng hậu về dày dặn kinh nghiệm với một phương châm thi đấu rất "thợ mộc": bộp, đốp, chát, bụp, xoẹt… nghĩa là thấy gì đá nấy, thấy bóng - đá, ống đồng - đá, gạch - đá,… nói chung là tất cả, chỉ trừ có trọng tài là không dám đá.

Với một lực lượng vô cùng hùng hậu, chúng tôi tự tin tham gia vào giải bóng đá nữ đầu tiên của lịch sự giải bóng đá trường PTTH Hà Nội - Amsterdam. Với phương châm tinh thần thể thao là chính nhưng chiến thắng là quan trọng, vì vậy có nhiều đội bóng đá mạnh khác không thể coi thường. Một 12 Sinh kỹ thuật nhỏ, chính xác như những nhát dao mổ hay 12A2 với chiến thuật đổ bê tông vô cùng đáng sợ. Vì vậy, chúng tôi đã lựa chọn chiến thuật tiến công tổng lực theo kiểu "những cơn lốc màu da cam" hay gọi nôm na dân dã là "chiến thuật ruồi bâu" bóng đâu người đấy.

Và vào trận bằng sự cổ vũ của "tiếng hát át tiếng bom", bí thư đội bóng của chúng tôi đã lập nên những chiến thắng không thể quên, ít ra là đối với chúng tôi.

Sau đây, tôi xin trích một đoạn nhất ký mà tôi xem trộm được:

"Ngày…
Trận đấu diễn ra thật là gay cấn. Vào đầu hiệp hai, sau đường chuyền như dọn mâm của TH, HH kỹ thuật lừa bóng qua ba hậu vệ đội bạn, bình tĩnh chỉnh bóng và từ khoảng cách 20m, nó sút "vô lê", bóng bay qua tầm với của thủ môn đội bạn, bay qua cầu môn, bay sang thẳng trường Giảng Võ. Thật là ngoạn mục. Trong khi HH nỗ lực làm việc, mình lại thấy TH lang thang trên sân cỏ như "thiên lý độc hành", nhưng thấy bóng là mắt cô nàng sáng lên như thấy người yêu và tất nhiên là lao vào. Trời, không thể hiểu được chúng nó làm ăn kiểu gì thế. Tiền đạo đội bạn đã vào đến khu vực phạt bóng và thầy Trung cười dịu dàng "Phạt đền", Mình sợ quá lao bừa vào sân đấu và phẫn nộ nhìn con khỉ TP tranh thủ tán gẫu với bọn bạn. "Sợ gì", bà hậu vệ cười với vẻ mặt nhơn nhơn. Mà cũng không nên sợ thật bởi thủ môn TD luôn biết làm hài lòng cổ động viên đội nhà. Không vào…".

Sau đó thì trong nhật ký của fan này chỉ còn toàn những chuyện "chả dám chép ra đây", vì vậy tôi lại xin tiếp tục với câu chuyện của chúng tôi. Một người sẽ là "nguy hiểm" nếu tôi không nhắc tới. Không biết có ai đau lòng lắm không khi mà người này phải liên tục dùng mặt, dùng đầu để đỡ bóng đến nỗi mắt đã cận lại càng lồi ra. Và sẽ là thiếu sót nếu tôi không nhắc đến các cầu thủ lớp Nga trong đội hình của chúng tôi. Họ nhỏ nhắn, dịu dàng nhưng thi đấu thì rất hết mình. Và chúng tôi có thể nói chiến thắng của chúng tôi cũng là chiến thắng của các bạn và tất nhiên thất bại cũng là của chung.

Thầy Hùng chủ nhiệm lớp tôi nói rằng: "Chỉ cần mình làm hết sức mình để sau này không phải ân hận". Chúng tôi đã làm hết sức mình và chúng tôi có thể tự hào nói rằng: "Chúng tôi là người mạnh nhất".

- Mày để im! Tao xem! Ha ha, trông mặt đứa nào cháy xém thế kia.
- Mày chứ ai. Trông ra cái cầu môn bé tí tẹo, máy đứng một bên, con Dê đứng một bên thì bóng vào thế quái nào được.
- Cút ra chỗ khác, mày dám xỏ xiên chúng tao thế à?
- Hứ, tao cũng là tiền đạo chứ bộ! Thiếu tao là không còn cặp phối hợp hoàng kim 12 Văn đâu nhé.
Bốp, bốp, chát, ui da.

Chắc quý vị đã được chứng kiến không ít những pha bạo lực bóng đá trên ti vi hai chiều lẫn không gian ba chiều ở ngoài đời. Nhưng ở đây tôi chỉ muốn cống hiến cho "trư vị" khán thính giả một chút những pha lâm li mà tôi đã chộp được ở xứ sở những nhà thi sĩ khoái bóng đá.

Trên đây là đoạn phim hành động chớp nhoáng thu được cách đây vài vòng quay của Trái Đất trên quỹ đạo. Các nhân vật trên đều là những kẻ có tiền án, tiền sự trong bóng đá. Một kẻ chuyên gia làm nghề "chạy bóng" rất khôn khéo và lém lỉnh, thích tìm những sơ hở, hổng hểnh của người khác để tranh thủ "tiêu thụ bóng" được càng nhiều càng tốt. Sơ sơ trong suốt mùa buôn bóng đá, hắn đã làm được 4, 5 vụ áp phe. Hắn quả là tên sừng sỏ. Nhờ sự khôn khéo, nhanh nhẹn cộng thêm dung mạo hiều dịu của các cô gái xứ Hawaii mà hắn đã trót lọt vô cùng trong các vụ phi pháp. Xin giới thiệu, tiền đạo TH của chúng tôi. Xin quý vị một tràng pháo tay an ủi.

Lý lịch trích ngang: Đây là tiền đạo sáng giá của 12 Văn, được đào tạo tại chỗ bằng những huấn luyện viên nội địa có thâm niên trong nghề. Câu 1m59, nặng 42kg, luôn đạt 10,0 môn thể dục, chạy 100m hết 13 giây 4, nhảy xa đạt 4m10. Là người luôn cống hiến cho khán giả những vũ điệu tuyệt vời trên sân cỏ. Giá cả chuyện nhượng hiện nay là: Không chuyển nhượng.

Tôi: Trong tương lai, cầu thủ này mong muốn gì cho sự nghiệp của mình?
Nó: E hèm… Tôi lấy làm hân hạnh xiết bao khi được phỏng vấn giới thiệu trực tiếp như thế này. Dạ dạ… trong tương lai, tôi mong muốn được tuyển chọn vào trường đại học Ngoại thương để có thể đi ra nước ngoài đá bóng dài dài ạ. Dạ… bóng đá trong nước thật vẫn còn lạc hậu lắm ạ. Dạ… tôi xin hết.
Tôi: Với vẩn! Làm méo cả đĩa cd của người ta.
 
Thưa quý vị, tôi xin được tiếp tục chương trình. Sau đây là một đoạn tường thuật trực tiếp trận đấu giữa 12 Văn (trước là 11 Văn) với lớp Anh bé, trận đấu đang vào hồi gay cấn.
"…Thưa các bạn, bây giờ là phút 85 của trận đấu. Tỷ số hiện giờ là 1-0 nghiêng về đội 11 Văn. Hay quá, bóng đã đến chân các cầu thủ 11 Văn, tiền đạo TH đang lừa bóng. Qua rồi, một hậu vệ, hai hậu vệ… tiếp đi… truyền bóng đi. Không xong rồi! Một pha cản phá bất ngờ của dàn hậu vệ 10 Anh ngay trong vòng cấm địa. Trọng tài đang xử lý, chúng ta hãy chờ xem. Ồ ồ, penalty! Vâng, thưa các bạn, với pha cản phá thô bạo của 10 Anh, 11 Văn được hưởng quả phạt penalty. Ai sẽ là người sút đây? Đây là một cơ hội cho 11 Văn nâng tỷ số lên 2-0, và nếu như vậy thì con đường dẫn vào vòng chung kết quả là đã rộng mở trước mắt họ. Thưa quý vị, người thực hiện cú sút này là tiền đạo số 2 của tuyển 11 Văn. Chị từ từ đưa tay lên sửa sang lại mái tóc đã nhuốm màu đất, chậm rãi đặt bóng vào chấm phạt đền vừa được tái tạo bởi một cú quay tròn điệu nghệ bằng đôi giày mòn quẹt với tâm là gót và bán kính bằng 23,4cm bẻ đôi. Vâng, thưa các bạn, rất sáng tạo, rất học sinh. Chị từ từ lùi lại lấy đà rồi chậm rãi tiến từng bước lên, đột nhiên chị tăng tốc. Sút! Vào! Vào rồi các bạn ơi! Trời, đẹp tĩ tã! Cú sút ăn vào má ngoài chân phải, lượn vòng cung xoáy vào góc chết khung thành đội tuyển 10 Anh. Cô thủ môn xinh xắn tội nghiệp không còn biết làm gì hơn là đứng nhìn bóng, thật là tội nghiệp. Chúng ta hãy trở lại với đội 11 Văn xem sao. Ồ, họ đang lăn lộn trên sân ăn mừng chiến thắng, thật là một kiểu ăn mừng hết sức độc đáo…".

Các bạn lại vừa được trải qua những giây phút hồi hộp sôi nổi của không khí bóng đá mùa hè. Vâng, bây giờ đang là mùa đông, theo tin tức mới nhận được từ BA.TI.DU.BA.THO.TI của chúng tôi thì ngày mai nhiệt độ sẽ xuống tới -15oC, song không hề gì, chúng tôi sẽ gửi ngay hơi nóng mùa hè đến cho các bạn qua đoạn ký sự cận cảnh sau đây. Xin bật mí, đây là đoạn phim cấm và hiếm, nó bị hiếm là do nghị định 87CP truy quét băng hình đã tịch thu phần lớn tư liệu của thông tấn xã chúng tôi. Mời các bạn thưởng thức.

Bà chị ơi, 11 mía đá… Nhớ cốc to và nhiều đá. Nóng quá, chúng mày lấy cho tao cái ghế. Trận đấu hôm nay tốn nhiều chất xám quá. Mày xem này (vạch quần lên), chân thì bẩn thỉu, vừa nãy tao lại còn bị con X nó ngáng, tẹo nữa chắc sưng to như củ chuối. Đây nữa này (vạch tay áo lên), xước cả tay, hôm trước tập bóng đã bị ngã thì chớ, hôm nay lại thêm vết này… Này chị ơi, không nhanh chân lên được à? Sắp chết khát rồi. Có gì quạt không? (vạch áo lên). Thôi đành chùi tạm vậy, về nhà giặt sau…

Thế nào, quý vị đã thấy "rạo rực" chưa? Đoạn phim này hơi bị khó kiếm đấy. Tay săn tư liệu của chúng tôi quả là đã chớp thời cơ mà kịp thời ghi cận cảnh. Không thì quả thật là phí… hí hí…

Chúng tôi còn rất nhiều tư liệu "sống và chết" về các trận đấu của các thi sĩ với các tuyển nữ của trường và cũng có luôn đầy đủ chi tiết về đời sống riêng tư cũng như đời sống chung của các cầu thủ trong đội tuyển. Sau đây, xin quý vị làm quen với một gương mặt nữa của tuyển 12 Văn. Đây là lời nhận định của các chuyên gia thẩm định vẻ đẹp thể thao và thời trang mà chúng tôi đã kỳ công mót nhặt và sưu tầm cho kỳ đủ về vận động viên này: "Theo đánh giá của riêng tôi, về cương vị của một người làm chuyên môn thì tôi thấy cô ta là một thủ môn xuất sắc, không thể nói một lời nào khác ngoài hai chữ "xuất sắc"! Xuất sắc và xuất sắc. Nếu như phải làm một sự so sánh về vẻ đẹp thể thao thì quả thật thủ môn này không những vượt xa những Đặng Thị Tèo, những Nguyễn Thuý Hiền mà còn hơn thế nữa, có thể sánh với Cindy Crawford hay Claudia Schiffer và còn… và còn…".

Đấy quý vị thấy đấy, toàn những "lời có cánh" dành cho cô thủ môn này. Trên thực tế thì là như vậy, còn đây là lý lịch trích dọc: "Là em của thủ môn truyền hình Hai dính, có họ hàng với cô thủ môn tội nghiệp. Là chủ cửa hàng bách hoá chuyên bán tạp chí cao cấp phục vụ nhu cầu trẻ em và người già. Giá cả phải chăng, mua nhiều được ưu đãi và khuyến mại".

Tôi: Xin hỏi vì sao chị lại quyết định trở thành thủ môn chuyên nghiệp cho đội bóng nghiệp dư này ạ?
Nó: Lời đầu tiên em muốn nói là… xin bác quay phim đừng chiếu thẳng vào mặt em như thế ạ. Em lấy làm khó chịu lắm lắm. Về câu hỏi thì em xin được diễn giải thế này ạ: Một hôm em đang bán hàng thì thấy có kẻ thập thò ngoài cửa ạ, em lấy làm sinh nghi. Trông ra trông vào có mỗi mình em ở nhà, em liền thủ bức tượng Đức mẹ làm bằng thạch cao vào tay áo và rón rén bước ra, em cũng không quen đem theo cốc nước chanh vừa mới pha để nếu có gì thì hất vào mặt kẻ gian cho nó biết thế nào là chất axit. Ra đến nơi, em chưa kịp làm gì thì tên gian nhảy xổ vào. Em giật mình đánh tuột tay, vỡ mất cốc nước chanh. Ôi giời ơi tưởng ai, hoá ra anh Hồng Sơn. Anh Sơn cắt tóc húi cua, mặc áo phông sida, quần ngắn kiểu mini juýp, đi đôi… chả là, anh ấy vừa bán độ, bị bọn ấy phát hiện ra nên phải tẩu thoát. Qua cửa hàng nhà em, anh ấy thây có Subasa mới nên phải nhảy vào mua. Ôi giời, anh ấy soi quanh nhà em thấy có trái bóng, anh ấy hỏi em có phải là cầu thủ bóng đá không. Em bảo nghiệp dư, anh ấy bảo em có nhiều triển vọng. Thế là "xong béng". Em nhận Hồng Sơn làm sư cụ, nguyện theo nghiệp cầm bóng.
Tôi: Chuyện của chị thật là đang to, đang gào, đang vào cao trào, dạ xin chị một chữ ký làm kỷ niệm được không ạ? Vâng… xin cảm ơn!

Xin tạm dừng cuộc phỏng vấn ở đây. Ô kìa, tôi đang thấy một nhân vật rất quen thuộc với giới trẻ chúng ta. Tôi đang so sánh với bức ảnh cầm trên tay đây, đúng rồi, không thể sai được, vẫn mái đầu Gulit nhưng được buộc túm gọn ghẽ, lại thêm dáng người kiểu Maradona không lẫn vào đâu được. Nào có phải ai khác, nhân vật nổi đình nổi đám của 12 Văn đây rồi. Này đợi tôi với, chạy nhanh quá…

Cắt cảnh… vào cảnh tiếp theo: camera 1, camera 2 chuẩn bị. Bắt đầu!
Rất hân hạnh được gửi gắm tới quý vị khán giả một gương mặt nữa trước khi chúng tôi kết thúc chương trình. Xin quý vị giữ lòng nhiệt tình và nhiệt độ thân nhiệt ổn định để tiếp tục với chúng tôi trong chuyến hành trình này.
Tôi: Dạ, mạn phép được hỏi bà chị có phải là hậu vệ cứng của 12 Văn không ạ?

Tôi: Dạ, quý hoá quá! Xin bà chị cho biết sơ qua về chiến thuật của đội bóng để chúng tôi phổ biến cho lớp đàn em mai sau tiếp bước cha anh. Dạ micro đây ạ.
Nó: 1, 2, 3, 4, alô, tôi nói đồng bào nghe rõ không? Vâng, tôi xin được trả lời cho câu hỏi tò mò trên. Chả giám giấu quý vị, song vì đây là bí mật lớn của toàn đội tuyển nên tôi chỉ tiết lộ sơ sơ một vài chiêu cơ bản. Chiến thuật chủ yếu của chúng tôi là chuồn chuồn cất cánh, chim sếu nhập đàn  áp dụng cho hàng tiền đạo. Đối với hàng trung vệ thì là cá sấu nằm dài, đại bàng thế thủ. Còn hàng hậu vệ thì là cua càng về tổ, rắn hổ trông con. Khỏi phải nói, chiến thuật này của chúng tôi lợi hại vô cùng, đã hội tụ được những tinh hoa của bóng đá thế giới những năm trước công nguyên. Và chiến thuật này cũng có thể biến hoá khôn lường theo nguyên lý thuận nghịch của chiều truyền ánh sáng: hậu vệ là tiền đạo mà tiền đạo thì là hậu vệ, phòng thủ chặt lại tấn công nhanh. Ấy! Nhưng phổ biến nhất vẫn là chiến thuật ruồi bâu, dễ học, dễ áp dụng, dễ đi vào lòng quảng đại quần chúng yêu bóng đá. Nó lại mô phỏng được tập tục man dại của tổ tiên loài người chúng ta: "Hai đánh một chẳng chột cũng què". Để đáp ứng như cầu hiểu biết của quý vị, tôi xin gửi kèm theo đây sơ đồ kế hoạch của cuộc tổng tấn công chiến lược vào chức vô địch của tuyển 11 Văn chúng tôi.
Tiền đạo: Thái Hà, Hồng Hạnh
Trung vệ: Như Trang
Hậu vệ: Phương Anh, Khánh Chi, Minh Phương
Thủ môn: Thuỳ Dương

Và sau đây là diễn biến, kết quả, ý nghĩa và bài học kinh nghiệm của chúng tôi, tôi xin được trình bày như thế này…
Tôi: Thôi, thế là đủ rồi đấy ạ, không cần thêm thắt gì nữa đâu ạ. Cảm ơn lòng nhiệt thành và tận tuỵ của bà chị với lớp đàn em! Dạ xin hỏi một câu nho nhỏ nữa thôi: Bà chị muốn khuyên gì lớp đàn em mới vào trường ạ?
Nó: Tất cả chỉ kết tủa trong hai câu nói bất hủ như thế này, e hèm:
Học làm gì cho đầu to mắt cận
Nhưng học rồi là học đến teo cơ
Như tôi đây này, đây, camera cứ quay thoải mái từ đầu đến chân đi, đừng bỏ qua những chỗ quan trọng, đấy cứ vô tư đi, xả láng đi.
Tôi: Xin cảm ơn! Merci! Thank you very much.

Hẳn quý vị đã có một sự hình dung khái quát về những con người, những sự việc của đội bóng đá này rồi chứ ạ? Nếu như vậy thì quả là chúng tôi đã thành công lắm lắm! Mỗi tiếng cười của quý vị sẽ giúp chúng tôi rất nhiều trong sự nghiệp khôi phục lại bản sắc nghệ thuật hề chèo của nước nhà.
Thư góp ý xin gửi về: 12 Văn, tầng 4 nhà A, phòng số 1.
Số điện thoại di động của chúng tôi là: 8512742
Số fax: 48 7101980
Nếu muốn biết gì thêm về các cầu thủ 11 Văn, xin hỏi tôi, học trò ruột của NSƯT Minh Vượng, kiêm cầu thủ 11 Văn. Hì hì… cắt cảnh.
 
12 Văn nghĩ về thầy Hùng

Lắm khi những tình cảm chân thành nhất được thể hiện bằng lời lại trở thành những điều vô nghĩa. Mở lời viết về thầy Hùng, với 12 Văn, có lẽ rất khó. Chúng mình sợ rằng những gì sắp nói ra sẽ trở thành giả tạo.

Có những điều chỉ khi mất đi, ta mới biết là mình đã có. Ba năm rồi, nay 12 Văn mới hiểu. Và thậm chí đến thời điểm bây giờ, tình cảm của chúng mình giành cho thầy vẫn rắc rối vô cùng. Một bạn trong lớp mình có nói "Cả lớp không ghét thầy, tôn trọng thầy là tớ hạnh phúc rồi". Và một bạn khác: "Nhiều lúc tớ sợ thầy, trách thầy, nhưng sao nhiều lúc thầy đáng yêu thế, tâm lí thế". Lớp mình ơi, thế có nghĩa là tình cảm của chúng mình dành cho thầy là tình cảm thật. Chúng mình biết rằng thầy là thầy thôi, không phải là ông thánh, đã nhiều lần chúng mình hờn trách thầy, trong những lần ấy, có lúc chúng mình sai, nhưng có lúc chưa hẳn là thầy đúng. Nhưng chúng mình vẫn yêu quý thầy, có lẽ, yêu quý một người nào, biết trân trọng những ưu điểm, chấp nhận những nhược điểm của người ấy, chính là tình cảm chân thành nhất.

Mười hai Văn ơi! Còn nhớ không? Cúc Phương, Tam Ðảo, Chùa Hương... "Cứ mỗi lần đi tham quan về tớ lại thấy thương thầy hơn, hiểu thầy hơn...". Không ít hơn một người trong số chúng mình từng nói thế. Kỷ niệm chẳng phải là những gì lấp lánh, hoa mĩ, nó chỉ là những cái cũ thuộc về quá khứ.

Không biết hai mươi năm sau, chúng mình còn nhớ những chuyến thăm quan khi xưa, nhưng có lẽ chúng mình đều đồng ý với nhau rằng thầy đã dạy cho chúng mình rất nhiều điều không chỉ trong sách giáo khoa. Một bạn trong 12 Văn có nói "Dù thế nào thầy cũng luôn theo dõi từng bước đi của chúng ta, giúp chúng ta hiểu mình hiểu người...".

Hình như đến giờ chúng mình vẫn chỉ là những đứa trẻ lớn, biết là sai đấy mà lần sau vẫn lặp lại như thế, thầy biết, thầy hiểu. 12 Văn từng nói "Thầy Hùng đi guốc trong bụng chúng mình, nhiều khi sợ chết khiếp". Nhưng mà lớp mình ơi, hình như lớp mình yêu quý thầy còn vì lẽ đó.

Tết năm nay, ngày mùng bốn, chúng mình ăn bánh chưng rán ở nhà thầy. Vẫn chỉ có thế thôi, những trò nhí nhố của lũ con gái lớp mình, vẫn chỉ là thầy, thầy của ngày thường nhưng rất lâu sau này, nếu còn gặp lại, chúng mình sẽ nhớ những ngày tháng như thế, chứ còn ai nhớ xem thầy đã dạy Nguyễn Ðình Chiểu sinh mất năm nào?

Thầy đã có biết bao học trò, và sẽ có thêm nữa. Trong số đó, có thể chúng mình chỉ là những hạt cát, có thể những người đó yêu quí thầy hơn chúng mình, nhưng không gì có thể thay đổi được rằng tình cảm của chúng mình giành cho thầy là thực sự. Mất ba năm để yêu quý thầy, và hiểu (chỉ một chút thôi) về thầy, "như thế cũng đáng nhớ rồi!".

Thế nhưng đến cả đá rồi cũng lãng quên. Ai dám nói rằng chúng mình sẽ mãi nhớ những gì của ngày hôm nay? Sẽ có một lúc nào đó, trên đường đi, thầy và chúng mình, hay chúng mình với chúng mình, lướt qua nhau mà không hề biết. Nhưng có một điều, sau này chúng mình sẽ Sống ra sao, thành Người thế nào, chắc lúc ấy chúng mình sẽ hiểu những gì thầy dạy khi xưa, những kỉ niệm cũ kĩ ngày xưa vẫn còn đây trong mỗi chúng mình, đúng không mười hai Văn?
 
Back
Bên trên